Ba Bánh Xe Pháp: Tiểu thừa, Đại thừa, và Kim cang thừa
Ánh Sáng Mật Tông
Con đường tâm linh Tây Tạng
Nguyên tác C Alexander Simpkins & Annellen Simpkins
THÍCH MINH THÀNH Ph.D dịch
Lời đầu sách
Chương 1: Ba bánh xe pháp
Chương 2: PG hướng sang Tây Tạng
Chương 3: Bốn bộ phái Tây Tạng
Chương 4: Tiếng nói thời hiện đại
Chương 5: Công cụ để chứng Chánh giác
Chương 6: Âm thanh của Chánh giác
Chương 7: Tâm thức ở tầng cao với pháp quán ảnh tượng
Chương 8: Trí tuệ từ mặt nữ tính của chúng ta
Chương 9: Sinh, Tử, và Cảnh trung ấm
Chương 10: Suối Nguồn của Từ Bi và Trí Tuệ
Chương 1: Ba Bánh Xe Pháp: Tiểu thừa, Đại thừa, và Kim cang thừa
Một sự vật được tạo ra bởi nhiều thành tố và bản thân nó thì không có. Không có một cái nào mà cái đó không phải do nhiều cái khác tạo thành. Mà không có khái niệm ‘một cái’ thì làm gì có nhiều cái, và không có khái niệm có thì làm gì có cái không.
-Nagarjuna in T. Freke[I], The Wisdom of the Tibetan Lamas
Tiểu Thừa: Con Đường Trước Tiên
Theo truyền thống Tiểu Thừa, Phật giáo khởi nguyên từ sự kiện thái tử Cồ-đàm Sĩ-đạt-ta (563 - 483) chứng thành đạo quả, giác ngộ sâu thẳm. Từ nhỏ đến lớn thái tử được săn sóc cẩn thận và tinh tế mà không phải tiếp xúc với bất kỳ hệ lụy nào của trần gian. Thái tử sống thừa thải và cưới một trong những phụ nữ đẹp nhất vương quốc. Nhưng thái tử cảm thấy có một nỗi bất an mà không giải bày được. Khi thấy người dân phải chịu tình cảnh già, bệnh, chết, thái tử cảm thấy bị thôi thúc phải tìm ra giải pháp cho nỗi khổ đau vô vọng của con người. Ngài bỏ cuộc sống thoải mái lại sau lưng, đi tìm lời giải đáp. Trải qua 6 năm sống trong rừng với một nhóm những vị ẩn sĩ tu luyện một dạng du-già khắc nghiệt. Sĩ-đạt-ta đã nhịn ăn nhiều ngày, chìm đắm trong thiền định để giải phóng bản thân khỏi cái đau khổ có thân. Nhưng ngay cả khi tiến sát đến cái chết vì đói khát và nắng mưa sương gió thì thái tử vẫn không tiếp cận được một cách giải khổ nào cả. Sau khi dùng một ít thức ăn và tươi tỉnh trở lại, thái tử ngồi dưới gốc cây bồ-đề và thiền định suốt đêm. Khi mặt trời ló dạng ở chân trời, thái tử giác ngộ hoàn toàn, biết cách giải tỏa đau khổ và quyết tâm cứu giúp tha nhân.
Câu chuyện của đức Phật có lẽ làm mọi người cảm thấy có hứng thú vì thấy được nơi Ngài lòng chân thật và sức kiên trì vĩ đại trên con đường tìm nguồn mạch tâm linh.
Thông Điệp Của Đức Phật
Đức Phật đắc thành chánh quả không phải do hoàn toàn khắc kỷ cũng không phải do hoàn toàn buông thả. Ánh sáng chân thật xuất phát từ khoảng giữa hai cực đoan đó. Phương thức của ngài là một con đường mà ngài gọi đó là Trung Đạo. Ngài khuyến khích con người sử dụng dạng nhận thức bình thường, tuyên bố rằng sống một cách thích đáng với thân tâm này là người ta có cơ hội tốt nhất để đạt được chánh giác.
Giải pháp mà đức Phật giảng dạy là Bốn Sự Thật Cao Thượng. Theo Tây Tạng, đó là bánh xe pháp đầu tiên hay thừa đầu tiên. Sự Thật Thứ Nhất là nhận ra và chấp nhận thật tại: đời sống là khổ. Chúng ta có thể có những trải nghiệm vui tươi và thành tựu, nhưng những trải nghiệm đó không thường bền. Một khi nhận ra đau khỗ, chúng ta có thể nhận ra nguồn gốc của đau khổ là những khao khát và tham vọng của chúng ta: Sự Thật Thứ Hai. Sự Thật Thứ Ba là chúng ta có thể thoát khỏi đau khổ bằng cách buông bỏ những khao khát và tham vọng. Đức Phật đồng ý rằng thực hiện điều này có thể không dễ dàng gì vì vậy ngài đã thiết lập một con đường có nhiều thử thách nhưng cặn kẽ để chúng ta có thể nương theo. Sự Thật Thứ Tư là Tám Con Đường Thánh Đạo gồm Thấy đúng, Nghĩ đúng, Nói đúng, Hành động đúng, Nghề nghiệp đúng, Ra sức đúng, Suy ngẫm đúng, và Tập trung đúng.
Đức Phật đã sử dụng 45 năm còn lại của kiếp sống để vân du giảng dạy phương thức này và tiếp nhận nhiều đệ tử lúc sinh thời. Sau khi Phật thị tịch, những bài thuyết giảng và những ý tưởng của Ngài được ghi chép và sau đó kết tập lại thành Tam tạng thánh điển. Được viết bằng tiếng Pali, dạng ngôn ngữ Ấn Độ thời cổ, bộ Tam tạng thánh điển gồm: Kinh tạng là những bài pháp thoại mà đức Phật và những vị đại giáo thọ đã giảng thuyết; Luật tạng là những điều lệ của giáo hội; và Luận tạng là những biện giải cho Kinh tạng.
Đại Thừa: Con Đường Thứ Hai
Con đường thứ hai xuất hiện sau khi đức Phật thị tịch. Một số đệ tử cảm thấy rằng con đường của đức Phật quá hạn chế: theo đó quả vị giác ngộ chỉ dành cho những người có nguyện vọng từ bỏ cuộc sống cá nhân của mình để trở thành những vị Tỷ-kheo, những vị A-la-hán. Diệt trừ tất cả mọi ham muốn là một mục tiêu độc hành độc bộ. Một lý tưởng khác phát khởi lên: lý tưởng Bồ-tát, lý tưởng của bậc chánh giác. Thay vì sống cô tịch trong Niết-bàn, những vị Bồ-tát khước từ quả giác và trở lại thế gian để cứu giúp tha nhân cho đến khi nào tất cả mọi người đều được giác ngộ.
Đại thừa phát triển ý nghĩa của Bốn Sự Thật Cao Thượng. Mục đích không chỉ là vượt thoát đau khổ mà còn vượt thoát u mê. Hàng ngày chúng ta sống trong một trạng thái giống như trong giấc mơ. Khi chúng ta điều chỉnh nhận thức và vượt thoát khỏi u mê thì chúng ta đạt được tầng nhận thức mới về bản chất của thực tại: tánh không.
Giáo lý tánh không là một phát kiến của Đại thừa. Với trí tuệ như thật người ta nhận ra rằng trong tầng nghĩa tuyệt đối thì tất cả các sự vật trên thế gian đều không có thuộc tính riêng biệt đơn nhất; trực nhận được điều này chính là chánh giác. Cuộc sống hàng ngày của chúng ta và chánh giác (hay Niết-bàn) là Một. Chính trong và ngang qua cuộc sống mà chúng ta thấy được chánh giác (hay Niết-bàn). Đây là tinh yếu chân chánh của Phật giáo; cái tinh yếu mà chúng ta tìm thấy trong tất cả mọi hoạt động của mình.
Ngay cả đức Phật cũng đã thay đổi. Ngài không còn được xem là một cá nhân con người của Sĩ-đạt-ta, Ngài giờ đây đã là một sinh thể vũ trụ, biểu tượng cho chánh giác. Ngài đã trở thành vĩnh hằng và toàn trí, biểu tượng của tuệ giác tuyệt đối.
Hai Bộ Phái Thuộc Phật Giáo Đại Thừa
Phật giáo Đại thừa phân chia thành hai tông phái chủ lực: Trung quán tông, tức là Trung đạo; và Du-già tông, tức là Duy thức.
Long Thọ, vị tổ khai sáng Trung quán tông còn được xem là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của Đại thừa, đã luận giải rằng Trung đạo không chỉ là con đường ở giữa xa hoa và khắc khổ; người ta nên hiểu Trung đạo theo nghĩa triết học hơn. Trung đạo là con đường ở giữa: một bên tin vào sự tồn tại của các pháp; bên kia tin rằng không có gì tồn tại. Một bên có cơ sở là lòng tin và mê tín; bên kia có cơ sở là hư vô chủ nghĩa.
Long Thọ cho người ta thấy rằng không bên nào khẳng định được. Dành cho chúng ta chỉ còn một con đường ở giữa tồn tại và không tồn tại, thực tại và ảo ảnh: không bên nào và cả hai bên. Theo Trung đạo thì chúng ta thoát khỏi màn u mê của đối đãi, màn u mê của cách tư duy hoặc-cái-này-hoặc-cái-kia. Không như luận lý học Aristotle cho rằng một sự vật gì đó có hay không, luân lý học Phật giáo cho rằng các pháp vừa có vừa không. Điều dường như là mâu thuẫn này tự tan biến khi nhìn từ nhãn quan của bậc giác ngộ. Thực tại ở cấp độ tương đối hằng ngày thì các pháp thật sự có hiện hữu. Nhưng ở cấp độ tuyệt đối nhìn bằng tuệ giác thì tất cả các pháp đều rỗng lặng, tuyệt nhiên không hề có sự hiện hữu thật sự lâu bền. Hơn nữa, khẳng định cả hai: có và không; phủ định cả hai: không có cũng không không, đều là sai lầm.
Du-già tông (Yogacara) là bộ phái lớn thuộc Đại thừa Phật giáo ở Ấn Độ do hai huynh đệ Vô Trước và Thế Thân (400 sau Dương Lịch) khai sáng có ảnh hưởng rất lớn đối với Phật giáo Đại thừa cũng như Phật giáo Tây Tạng sau này. Cara có nghĩa là thực hành, Du-già tông đã nỗ lực sử dụng thiền định để tìm cầu chánh giác.
Hành giả Du-già tin tưởng rằng tất cả các pháp mà chúng ta biết và từng trải nghiệm đều là biểu hiện của tâm với tông ngữ nổi tiếng: Duy Tâm. Không hề có cái thế giới, tức là cái khách thể của nhận thức, nằm bên ngoài cái tâm, tức là cái chủ thể của nhận thức. Cái trí giác mà chúng ta dùng để nhận thức thế giới chính là ‘một giọt nhỏ’ của tâm thức vũ trụ. Thế giới toàn là huyễn hóa. Tất cả những phương pháp mà chúng ta dùng để đong đo, để khái niệm hóa đều giống như giơ tay nắm bắt không khí. Bản chất thực sự của thế giới là rỗng lặng, là không. Như vậy lại rất thông thoáng, vì nếu thế giới là huyễn ảo thì tâm giác ngộ không có hạn lượng, có thể diệt tận cái dường như không thể diệt tận. Không có gì ngăn ngại, cản trở chúng ta.
Tâm thức giống như đại dương mênh mông và sâu thẳm. Sóng giống như những ý tưởng. Những ý tưởng không khác với đại dương, cũng không phải là toàn bộ đại dương mà chỉ là bộ phận của đại dương. Tương tự, ý tưởng của chúng ta không bao giờ là tất cả tâm thức, tuy nhiên luôn luôn là bộ phận của tâm thức. Như vậy chúng ta không thể có hi vọng biết được đại dương nếu chúng ta chỉ biết những làn sóng mà thôi.
Những từ có tính năng động như nhận thức thanh tịnh được dùng để chỉ cho chánh giác (Niết-bàn), khác với khái niệm Niết-bàn của Tiểu thừa xưa kia: xem Niết-bàn là sự đoạn tận của tham dục. Nếu thực tại là phi thực thì trạng thái tối hậu là một phi-trạng-thái. Đây là một khái niệm tích cực: có một cái Tâm-tuyệt-đối mặc dầu tâm này không có thực thể.
Kim Cang Thừa: Con Đường Mới
Vajravana hay Kim Cang Thừa được người Tây Tạng tiếp nhận để sáng lập nên dạng Phật giáo của mình, bao gồm cả Tiểu thừa lẫn Đại thừa. Kim Cang thừa sử dụng cách tư duy mang tính luận lý và dạng thiền tịnh chỉ để giúp cho tâm thức khai thông được những khả năng mới, phát huy mạnh hơn nữa những nguồn lực tiềm ẩn. Đức Đạt-lai Lạt-ma nói rằng:
Bánh xe pháp chuyển vận lần thứ ba nổi bật với việc trình bày những kĩ thuật thiền định đặc biệt nhằm tăng cường tuệ lực về tánh không, đồng thời từ góc độ nhận thức của bản thân bàn luận về nhiều yếu tính tinh tế liên quan đến việc thể nghiệm dạng trí tuệ này.
Phật giáo Tây Tạng lấy chánh giác là mục tiêu nhưng chính cuộc sống ở đây và bây giờ là biểu tướng, là nền tảng của chánh giác. Ngang qua thân và tâm của mình, chúng ta có thể tiếp nhận phần Tâm thức Vũ trụ. Phật giáo Tây Tạng dẫn dắt hành giả thiên về khái niệm Niết-bàn tích cực ngang qua các pháp thiền đặc biệt. Nghi quỹ và những pháp quán tưởng giúp cho hành giả trải nghiệm trạng thái giác ngộ của tâm.
Phật giáo Tây Tạng đem những pháp môn dường như đối nghịch hòa nhập lại với nhau để thiết lập thành phong phú những nghi quỹ giúp hành giả nhận ra chân lý và đạt được chánh giác. Những nghi quỹ này chứa đựng mật pháp (tantra) và du-già. Mật pháp chỉ chung cho nhiều pháp môn khác nhau đưa đến quả vị giác ngộ; đồng thời cũng chỉ cho những bài kinh sử dụng khi hành trì mật pháp. Mặt khác, Du-già là pháp môn để tăng cường sức tập trung khi hành giả thực hiện những mật pháp, gia lực cho việc tu tập. Những pháp môn này sử dụng tất cả các giác quan, rèn luyện và phát triển chúng thành những công cụ của chánh giác. Âm thanh (mật chú), hình ảnh biểu tướng (mạn-đà-la), và cử chỉ (tay bắt ấn) đều có tác dụng trợ lực, định hướng và gia lực cho hành giả trên con đường Đạo.
Người Phật tử Tây Tạng không tránh né chữ nghĩa hay khái niệm. Đối với họ, những tư tưởng và ý niệm đều nối kết với một thực tại cao hơn. Trong Phật giáo Thiền tông, chánh giác là vô ngôn, vượt khỏi nhận thức và tư tưởng. Ngược lại, người Phật tử Tây Tạng sử dụng tư tưởng và ý niệm để dẫn dắt hành giả thể nghiệm được thực tại cao hơn.
Tâm thức cá nhân, yếu tính biểu trưng cho con người, là một chức năng của Tâm thức Vũ trụ. Tất cả những pháp tu đều có ý hướng đến sự chuyển hóa này, viên ngọc quý, viên bảo châu, của tâm thức ở tầng cao hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét