TỨ DIỆU ĐẾ
Minh Đức Triều Tâm Ảnh
Tứ Diệu Đế hay Tứ Thánh Đế (ariya sacca) tức là bốn sự thât rốt ráo về khổ, về nguyên nhân khổ, về diệt khổ, về con đường diệt khổ.
Phạn ngữ sacca có nghĩa là đế, sự thật, chân lý; tức là cái gì thực sự có, là sự thật không thay đổi. Ariya là cao thượng, cao cả, vi diệu. Do vậy, ariyasacca là chân lý cao cả, là sự thật thù thắng, như chân nhưthật không bị không thời gian chi phối, biến đổi.
Tứ Diệu Đế này là nền tảng của giáo lý, là cốt tuỷ của giáo pháp, được đức Phật chứng ngộ trong đêm Thành Đạo và tuyên thuyết ở trong kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkappavattanasutta) ở Vườn Nai để độ cho 5 ngài Koṇḍañña, Vappa, Bhaddiya, Mahānāma và Assaji.
Đức Phật đã tuyên bố như sau:
“- Nầy các thầy Tỳ-khưu! Ngày nào mà tuệ thấy rõ, biết rõ (1) về Tứ Đế tuần tự qua 3 giai đoạn thành 12 loại trí tuệ (2) mà Như Lai chưa được hoàn toàn sáng tỏ, thì chừng ấy Như Lai chưa xác nhận rằng là Như Lai đã chứng ngộ Chánh Đẳng Giác. Nay thì tuệ như thực về Tứ Đế, Như Lai đã hoàn toàn sáng tỏ, Như Lai tuyên bố rằng, Như Lai đã chứng đắcChánh Đẳng Giác trước thế giới nhân loại, vua chúa, sa môn, bà-la-môn luôn cả chư thiên, ma vương và phạm thiên cả thảy”.
Như vậy, thấy rõ Tứ Đế, chứng ngộ Tứ Đế là điều kiện tất hữu để thành Phật, thành A-la-hán hay thành Phật Độc giác vậy.
Ngoài ra, rải rác trong kinh điển, đức Phật thường có những lập ngôn như sau:
- Ai thấy rõ Tứ Đế là người ấy có chánh kiến, đã vĩnh viễn ly thoát tà kiến.
- Ai thấy rõ Tứ Đế, người ấy có đức tin bất động với giáo pháp.
- Ai thấy rõ Tứ Đế, người ấy không còn bị vô minh, si mê chi phối.
- Người thấy rõ Tứ Đế mới có khả năng giải thoát dòng bộc lưu sinh tử.
Tứ Đế quan trọng cho tất thảy những người tu Phật không kể là chư Tăng Ni, nam nữ cư sĩ của bất kỳ tông hệ Phật giáo nào. Không có Tứ Đế không có Phật giáo. Giảng thuyếtgiáo pháp mà không có Tứ Đế thì không phải Phật giáo. Xem nhẹ, xem thường Tứ Đếsau các tư tưởng giáo lý khác là bỏ gốc lấy ngọn, rong chơi trên cây cành, hoa lá. Phỉ báng Tứ Đế là phỉ báng giáo pháp tinh yếu. Xem người tu Tứ Đế là căn cơ hạ liệt của Nhị Thừa là phỉ báng Phật, hủy báng Pháp, đấy chính là tà thuyết đồng với ngoại đạo.
Vậy, để thấy rõ, biết rõ bản chất của sự khổ và thoát ly những khổ đau ấy, chúng ta phải thấy, biết, hiện quán và thực chứng về Bốn Sự Thật ngay nơi chính sự sống của chúng tađang diễn ra, đang xảy ra chính nơi thực tại hiện sinh này.
1. Khổ đế (dukkha sacca): Sự thật về khổ.
2. Tập đế (dukkha samudaya sacca): Sự thât về nguyên nhân khổ.
3. Diệt đế (dukkha nirodha sacca): Sự thật về diệt khổ.
4. Đạo đế (dukkha nirodhamagga sacca): Sự thật về con đường diệt khổ.
A. KHỔ ĐẾ (DUKKHA SACCA).
Kinh Rohitassa, Đức Phật dạy:
“- Nơi xác thân dài một trượng này cùng với tri giác và tư tưởng (3), Như Lai tuyên bố thế gian, nguồn gốc của thế gian, sự chấm dứt thế gian và con đường dẫn đến sự chấm dứtthế gian!”
Danh từ thế gian, tức loka, ở đây hàm chỉ về sự khổ, khổ đế.
Dầu chư Phật có xuất hiện hay không thì sự khổ ấy vẫn cứ tồn tại, vẫn là cái gì bất di bất dịch từ ngàn xưa đến ngàn sau. Đức Phật không phải là người sáng tạo hoặc khai sinh ra chân lý này. Sự thật ấy là cái có sẵn, đức Phật chỉ là người trực nhận, khám phá, thực chứng chân lý ấy rồi đem ra giảng nói cho chúng sanh.
Chân lý đầu tiên là khổ đế (dukkha sacca). Dukkha là một từ rất khó dịch ra bất kỳ một ngôn ngữ nào khác. Người ta thường dịch dukkha là đau khổ hay phiền não. Tuy thế, đau khổ hay phiền não cũng chỉ nói lên được một vài thuộc tính, vài tính chất của dukkha mà thôi. Tương đối trọn vẹn, chính xác và đầy đủ về dukkha, ta có thể tạm hiểu như sau:
- Tất cả những biến đổi về sinh vật lý của cơ thể này đưa đến đau nhức, suy nhược, bệnh hoạn, già yếu, tử vong... là dukkha.
- Tất cả những biến đổi, thay đổi các trạng thái tâm lý... như thương, ghét, uất ức, sầu muộn, chán nản, tuyệt vọng, hận thù... (hỷ, nộ, ái, ố...) đều là dukkha.
- Với nghĩa trừu tượng, triết học thì cái gì khó chịu đựng, khó kham nhẫn... là dukkha (dulà khó, kha là chịu đựng). Cái gì đáng khinh miệt (du) và trống rỗng (kha) là dukkha. Cái gì như hư vô, ảo ảnh, khó nắm bắt, không thực tế... đều là dukkha.
Nói tóm lại, cô đọng và chính xác nhất: Vì thế gian vô thường (anicca), vô ngã (anatta) nên thế gian này là dukkha.
Trong kinh Chuyển Pháp Luân, đức Phật đã giảng tóm tắt về khổ đế như sau:
“- Nầy các thầy tỳ-khưu! Sanh là sự hội họp của ngũ uẩn, là dukkha. Lão là suy nhược, già yếu, là dukkha. Bệnh hoạn, đau ốm là dukkha. Tử là sự tan rã của ngũ uẩn, là dukkha. Uất ức, bực tức là dukkha. Thương mà phải lìa xa là dukkha. Ghét mà phải cùng ở là dukkha. Muốn mà không toại lòng, là dukkha. Nói tóm lại, thủ ngũ uẩn là dukkha”.
Từ đoạn kinh văn trên, người ta đã rút ra được 8 loại dukkha sau đây:
- Sanh là dukkha
- Lão là dukkha
- Bệnh là dukkha
- Tử là dukkha
- Ái biệt ly là dukkha
- Oán tăng hội là dukkha
- Cầu bất đắc là dukkha
- Thủ ngũ uẩn là dukkha
Tám (8) dukkha này là do ngũ uẩn mà có. Tám (8) dukkha này có mặt là do thủ ngũ uẩncó mặt. Vậy, ngũ uẩn và thủ ngũ uẩn là nguồn gốc của tất cả khổ.
Ngũ uẩn ấy có thể tóm tắt như sau:
1. Sắc (rūpa)
Sắc thân này, tấm thân tứ đại một trượng này. Tuy nhiên ta phải hiểu sắc là gồm có xác thân cùng cả 7 sắc đối tượng (sẽ xem kỹ hơn ở bài ngũ uẩn).
2. Thọ (vedanā)
Tức là cảm thọ, cảm giác.
Khi căn, trần giao tiếp với nhau thì phát sanh những cảm thọ. Thân có 3 cảm thọ (khổ, lạc, xả) và ý có 3 cảm thọ (hỷ, ưu, xả).
3. Tưởng (saññā)
Được hiểu là tri giác, tức là nhận biết, phán đoán, xác định đối tượng là sắc, thanh, hương, vị, xúc hay pháp.
4. Hành (saṅkhāra)
Gồm chung 50 tâm sở thiện, bất thiện và bất động. Ở đây xẩy ra các trạng thái tâm lý, các diễn tiến tâm lý.
5. Thức (viññāṇa)
Là tên gọi khác của tâm, là tất cả 89 tâm (theo Abhidhamma). Thức này nhận thức đối tượng, kinh nghiệm đối tượng và lưu giữ đối tượng. Đây chính là thức đầu tiên của kiếp sống, cũng là thức cuối cùng đi tìm cảnh giới tái sanh (kiết sanh thức).
Người tu thiền quán phải thấy, biết, hiện quán và thực chứng ngũ uẩn này hoặc danh, sắc này. Không thấy rõ ngũ uẩn hoặc danh sắc thì không thể giải thoát.
Muốn rõ tường tận hơn về tất cả dukkha, ta chỉ cần thấy rõ, biết rõ 3 loại dukkha căn bản sau đây: khổ khổ, hoại khổ, hành khổ.
I. Khổ khổ (dukkha dukkha)
Tức là khổ chồng chất lên cái khổ. Đây là cái khổ phát sanh trong đời sống thường nhật. Tuy nhiên, muốn thấy rõ toàn bộ khổ khổ, ta phải quan sát, chiêm nghiệm có 2 loại khổ:
- Một loại khổ bình thường, tự nhiên được gọi là khổ thọ thuần túy. Khổ thọ thuần túy này phát sanh khi thân-tâm-sinh-vật-lý của chúng ta bị sự tác động tự nhiên của 4 định luật vũ trụ. Bậc thánh nhân hay kẻ phàm phu đều chịu chung khổ thọ thuần túy này.
- Một loại khổ thứ hai - khổ khổ, tức là loại khổ do ta chế biến, đẻ ra, đã có đầu tư của tư tâm sở. Đây là cái khổ chủ quan, sẽ phát sanh nghiệp báo (định luật thứ 5) (4).
1. Khổ thọ thuần túy
Được phát sanh khi lục căn giao tiếp với lục trần.
- Khi mắt thấy sắc chói chang, khó chịu, đau mắt, nhức mắt thì lúc ấy nhãn thức thọ xả, thân thức (thần kinh) thọ khổ.
- Khi tai nghe âm thanh chát chúa, khó chịu, lùng bùng, đau nhức thì lúc ấy nhĩ thức thọ xả mà thân thức thọ khổ
- Khi mũi ngửi mùi khó chịu do thối, hôi, khẳm, nồng nặc, ... thì tỷ thức thọ xả mà thân thức thọ khổ.
- Khi lưỡi nếm vị cay, đắng, chát... khó chịu thì thiệt thức thọ xả mà thân thức thọ khổ.
- Khi thân xúc chạm buốt, đau, nhức khó chịu thì thân thức thọ khổ.
- Khi ý nghĩ đến pháp (ngũ trần đọng lại trong tâm) mà phát sanh âu sầu, phiền muộn thì ý thức thọ ưu.
Nói tóm lại là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt thức luôn luôn thọ xả, chỉ có thân là thọ khổ; còn ý thứclà thọ ưu (ưu là tên gọi khác của khổ, khổ tâm). Người tu tuệ quán chỉ cần ghi nhận(chánh niệm) các loại khổ này chỉ là khổ bình thường, thuần túy; lấy định tuệ chiếu soi “khổ thọ ấy như thế nào thì thấy rõ khổ thọ ấy như thế’; đấy được gọi là khổ thọ như thực tướng (paramattha).
2. Khổ khổ
Đây là loại khổ chủ quan đã qua sự chế biến của tư tâm sở; nói cách khác, do mình đã dùng ý niệm, khái niệm chủ quan mà trùm lên, chồng lên cái khổ thọ thuần túy, khách quan ở trên. Ta hãy quan sát tiến trình dấy khởi ấy:
- Khi một cảm thọ khổ bởi tác động của ngoại giới qua thân, qua tâm; ta thường thiếu bình tĩnh (định), thiếu sáng suốt (trí tuệ) nên ta bị pháp trần lôi cuốn. Thế rồi, một tâm lýbực bội, bất mãn, do sân, khởi lên. Tâm sân ấy, ngay lập tức, muốn chấm dứt, muốn triệt tiêu, muốn tiêu diệt cái khổ ấy.
- Và chính tâm lý bực tức, bất mãn và ý muốn chấm dứt khổ một cách chủ quan (do sân - phi hữu ái) làm gia tăng cảm giác khổ thuần túy. Như vậy, vô tình, chúng ta chồng thêm cái khổ chủ quan lên trên cảm giác khổ bình thường. Vì khổ chồng thêm khổ nên gọi là khổ khổ.
Do tâm sân (phi hữu ái) muốn chấm dứt khổ thọ (thuần túy) mà sinh ra khổ khổ (chủ quan). Như thế, khổ khổ là do ảo giác của ta đẻ ra chứ nó vốn không thực có.
II. Hoại khổ (viparināma dukkha)
Loại khổ này có từ lạc thọ. Cũng do sự chế biến chủ quan của tư tâm sở mà lạc thọ biến thành hoại khổ. Ta sẽ quan sát tiến trình của nó.
1. Lạc thọ thuần túy
- Khi mắt thấy sắc dễ chịu, khoan khoái, mến thích thì lúc ấy nhãn thức thọ xả mà thân thức thì thọ lạc.
- Khi tai nghe âm thanh dễ chịu, khoan khoái, mến thích thì nhĩ thức thọ xả mà thân thứcthọ lạc (5).
- Khi mũi ngửi mùi dễ chịu, khoan khoái, mến thích thì tỷ thức thọ xả mà thân thức thọ lạc.
- Khi lưỡi nếm vị dễ chịu, khoan khoái, mến thích thì thiệt thức thọ xả mà thân thức thọ lạc.
- Khi thân xúc chạm dễ chịu, êm ái, khoan khoái, mến thích thì thân thức thọ lạc.
- Khi ý nghĩ tưởng đến pháp phát sanh khoan khoái, mến thích thì ý thức thọ hỷ.
Tương tự như trên là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt thức thọ xả, riêng thân là thọ lạc; còn ý thức thì thọ hỷ (hỷ là tên gọi khác của lạc).
Người tu tuệ quán chỉ cần chánh niệm, ghi nhận đây là lạc thọ thuần tuý; lấy định tuệchiếu soi “lạc thọ ấy như thế nào thì thấy rõ lạc thọ ấy như thế”. Đấy được gọi là lạc thọnhư thực tướng (paramattha).
2. Hoại khổ
Ở đây, khi các đối tượng ngũ trần dễ mến, dễ ưa, khả ái, khả hỷ phát sanh; thường chúng ta không giữ được cảm giác thuần túy ban đầu ấy (lạc thọ). Chính do tham đắm, mê chấp khởi sanh tâm lý muốn gìn giữ, ôm ấp, muốn lưu giữ mãi cảm giác lạc thọ ấy. Và chính vì sự tham muốn sai lầm (tham - hữu ái), sai với qui luật tự nhiên làm cho cảm giác lạc thọ thuần túy biến thành khổ đau.
Ta hãy xem sự diễn biến ấy của khổ đau trải qua các giai đoạn:
2.1- Lạc thọ đang có mặt: Khi ta có một niềm vui, một vật gì ưa thích, một đối tượng đáng yêu (tức là những lạc thọ), thì ta hưởng thụ một cách ham hố, đam mê, say đắm đi kèm theo với tâm phóng dật, mê mờ, mê si, lại còn sợ bị trôi vuột, sẽ không còn là “của ta” nữa, sợ nó sẽ biến mất, sợ nó sẽ không còn tồn tại. Bất an và dao động là trạng tháithường xuyên khi lạc thọ đang có mặt. Vì thiếu định, tuệ chiếu soi “xem lạc thọ chỉ là lạc thọ, lạc thọ như thực tướng”; ta đã biến lạc thọ thuần túy ấy thành khổ đau qua tâm trạng lo lắng, bất an của mình.
2.2- Lạc thọ biến đổi, biến mất: Khi có một cái gì, một vật gì khả ái, khả hỷ... không còn ở với ta nữa, nó biến đổi, nó mất rồi thì ta sẽ mang cảm giác hụt hẫng, nuối tiếc, sầu muộn. Điều ấy thì trên cuộc đời này ai cũng có thể kinh qua và chiêm nghiệm được cả. "Cuộc rượu nào không vơi? Niềm vui nào không tàn?"; thế nhưng, chúng ta thường không thấy rõ để sống đúng với qui luật ấy. Chính do mê đắm, chấp thủ lạc thọ; không nhìn rõ lạc thọnhư thực tướng nên ta đã biến nó thành khổ đau.
2.3- Lạc thọ tồn tại quá lâu: Cái đẹp, niềm vui, mùa xuân... giả sử mà nó ở với ta mãi thì quả là ta sẽ không chịu đựng nổi. Lâu ngày gặp lại người bạn thân thì vui, thì quí, nhưng nếu người bạn thân ấy cứ ở mãi bên ta, không chịu đi thì còn vui, còn quí nữa không? Một đoá hoa rất đẹp, nó cứ nở mãi không chịu tàn thì sao nhỉ? Do vậy, khi lạc thọ tồn tạiquá lâu thì ta sẽ chán nản, chán chường.
Nói tóm lại, vì tâm lý chủ quan sai lầm, do mê chấp, tham đắm, không thấy rõ thực tướngcủa lạc thọ với bản chất là biến hoại, đổi khác, ta đã biến lạc thọ thuần túy thành hoại khổ. Cái khổ này cũng chính do ta đẻ ra, nó vốn không thực hữu.
Tham (hữu ái) biến đổi lạc thọ thuần túy thành hoại khổ - nghĩa là tâm tham lam muốn kéo dài lạc thọ thì phát sanh hoại khổ.
III. Hành khổ (saṅkhāra dukkha)
Có những lúc chúng ta đang ở trong cảm giác bình thường không lạc, không khổ, gọi là xả. Tuy nhiên, chúng ta thường không ghi nhận (chánh niệm) đúng như thực tướng là xả thọ. Ở trong xả thọ, chúng ta không thấy, không biết; chỉ một lúc là chúng ta sẽ thấy buồn chán, trống không, vô vị. Thế rồi, do tâm lý không bằng lòng với cảm giác xả; chúng tathường tìm cách chạy trốn nó, khỏa lấp nó, giết thì giờ trong những cuộc vui, cuộc tiêu khiển khác. Từ đây, ta đã biến xả thọ bình thường thành một khổ đau mới, ấy là hành khổ.
Chúng ta sẽ quan sát sự diễn biến ấy.
1. Xả thọ
Tâm của chúng sanh thường có hai năng lực chính là lực âm và lực dương. Lực âm là hút và lực dương là đẩy.
- Khi các đối tượng ngũ trần là khả ái, khả hỷ, khả lạc làm ta ưa thích thì ta muốn ôm níu, chiếm giữ, thủ trước. Nghĩa là muốn hút vào. Hút vào là lực âm, là tham (hữu ái).
- Khi các đối tượng ngũ trần là không khả ái, không khả lạc, không khả hỷ... làm cho ta không thích, chỉ muốn từ chối nó, phủ nhận nó; nghĩa là muốn đẩy nó ra. Đẩy ra là lực dương, là sân (phi hữu ái).
Tuy nhiên có những đối tượng ngũ trần, hoặc lúc ấy chẳng có những đối tượng nào của ngũ trần có thể làm cho ta thích (lạc) hay không thích (khổ), tạo cho tâm ta khởi sanh năng lực hút (tham) hay đẩy (sân); thì khi ấy được gọi là xả - xả thọ.
Nếu không hiện quán xả thọ ấy như thực tướng thì ta sẽ biến xả thọ ấy thành nỗi khổ đau, thành hành khổ.
2. Hành khổ
Xả thọ là lúc không vui, không buồn; tâm ta lúc ấy dường như là rỗng không, không chú tâm, không dính mắc một đối tượng nào. Thường tình, khi ở trong trạng thái ấy, ta không chịu đựng được lâu. Thế rồi, ta tìm cách khỏa lấp sự trống không ấy:
- Đi dạo phố chơi.
- Tìm một người bạn để đi uống cà phê, nghe nhạc.
- Tìm thú vui chén rượu, canh bạc.
- Đi mua sắm.
- Tìm một công việc gì đấy để làm, như làm vườn, dọn dẹp nhà cửa, quét sân...
- Đọc sách, tham thiền, đánh cờ, tìm bạn để đàm đạo, đến chùa, dạo cảnh, ngắm hoa, viết truyện, làm thơ, vẽ tranh...
Sự giải trí ấy thiên hình vạn trạng, nhưng nói chung: Người cao nhã thì tìm thú vui, thanh cao, người thấp thỏi thì tìm thú vui hạ liệt. Tùy theo tâm mà tìm cảnh. Dường như ai cũng không chịu đựng nổi trạng thái trống không nên muốn lăng xăng tìm kiếm thú vui tinh thầnhoặc vật chất. Nhưng tựu trung cũng không ra ngoài sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
Chính tâm lý lăng xăng tìm kiếm này làm cho ta dao động, bất an; cứ khao khát muốn tìm sự thỏa mãn mới nên đã tạo nên nỗi khổ gọi là hành khổ (saṅkhāra dukkha). Hành, tức là tâm tạo tác do điều kiện căn và trần. Do không thấy rõ, biết rõ (si) để hiện quán cảm giácxả này chính là cảm giác thực - xả thọ như thực tướng nên si mê kéo ta đi, lăng xăng tạo tác rồi bị ảo giác này chi phối, thao túng, dẫn dắt, điều động.
Vậy, do si chi phối nên biến xả thọ thành hành khổ.
Nói tóm lại, ba loại khổ: khổ khổ, hoại khổ và hành khổ, đối với người trí tuệ thì chúng không phải là cảm giác thực mà chỉ là 3 ảo giác phát sanh từ 3 ảo tưởng tham (hữu ái), sân (phi hữu ái) và si (dục ái).
Nếu không thấy, biết, hiện quán và thực chứng lạc, khổ, xả là 3 cảm giác thực (6) phát sanh theo duyên căn và trần, chúng vốn bị chi phối bởi những định luật tự nhiên của tâm sinh vật lý; thì 3 ảo tưởng (tham, sân, si) sẽ đẻ ra 3 ảo giác hoại khổ, khổ khổ, hành khổ(khổ đế) rồi nhận chìm chúng ta trong dòng chảy siết của bộc lưu sinh tử, khổ đau và phiền não.
B. TẬP ĐẾ (DUKKHA SAMUDAYA SACCA).
Tập đế là sự thật về nguyên nhân khổ.
Tất cả những cái như khổ sanh, khổ già... (trong 8 khổ), cho đến những hoại khổ, khổ khổ và hành khổ đều có một nguyên nhân chung nhất, cái đẻ ra, cái sinh ra tất cả khổ ấy, chính là vô minh và ái dục. Vậy, vô minh và ái dục chính là tập đế.
Chúng ta hãy xem thử vô minh và ái dục có tính chất và hành tướng như thế nào?
I. Vô minh (avijjā)
Là tình trạng tâm trí si mê, không sáng suốt, không tỉnh thức, không tự giác, quên mìnhhoặc không tự biết mình. Tuy nhiên, đấy mới chỉ là định nghĩa về quả chứ không phải định nghĩa về nhân. Vì cái làm cho chúng ta không sáng suốt, không tỉnh thức... mới chính là nguyên nhân che lấp, che mờ tâm trí.
Nếu vô minh có quả, là tính chất, thì nhân chính là hành tướng. Hành tướng ấy thường xuất hiện dưới 3 dạng chính sau đây:
1. Hôn trầm, thụy miên
Đây là trạng thái mệt mỏi, dã dượi cả thân lẫn tâm.
- Hôn trầm: Thờ ơ, lãnh đạm, đãng trí, buông xuôi, biếng nhác, tiêu cực, thụ động, vô ký, (không ghi nhận)... chi phối các tâm sở.
- Thụy miên: Lừ đừ, buồn ngủ, mê ngủ...
2. Trạo hối
Gồm trạo cử và hối quá:
- Trạo cử: Nghĩa đen, trạo là lay động, cử là cất lên, nhúc nhích. Vậy trạo cử là trạng tháitâm dao động, hưng phấn quá, suy nghĩ vẩn vơ, phóng tâm, vọng tưởng, hoang tưởng, mơ mộng tương lai, cuốn theo hiện tại.
- Hối quá: Nuối tiếc dĩ vãng, tưởng nhớ quá khứ, ăn năn những việc đã qua.
Nếu chánh niệm, tỉnh giác là ghi nhận, rà soát, nắm bắt, chú tâm rốt ráo trên đối tượng, thì:
- Hôn trầm, thụy miên là chìm dưới đối tượng, đọng dưới đối tượng, ngủ dưới đối tượng.
- Trạo hối là phóng trên đối tượng, là ra ngoài đối tượng, trượt trên đối tượng, bồng bềnh, lang thang trên đối tượng.
3. Nghi
Là trạng thái phân vân, lưỡng lự, do dự, bất nhất, bất quyết, ngần ngại, ngờ vực, hốt hoảng, không định hướng... (7)
Nói tóm lại, chính 3 trạng thái nầy che mờ, chi phối và làm cho ta đánh mất sự tỉnh thức, sáng suốt.
Vậy, cả nhân và quả của vô minh ấy làm cho chúng sanh lăng xăng tạo tác sinh ra tất cả khổ trần gian.
Đêm Thành Đạo, khi chứng tuệ giác thứ 3 là lậu tận minh, đức Phật đã vén mở màn vô minh nầy, đã tìm ra căn nguyên của tất cả dukkha. Và đêm cuối cùng trong 7 ngày đầu tiên sau khi chứng quả, đức Phật đã minh sát về thập nhị nhân duyên như là tiến trình sinh diệt của tập đế. Ngài thấy rõ, biết rõ: “Tuỳ thuộc vô minh, hành phát sanh”. Hành là những tạo tác thiện, bất thiện, bất động; nó gồm đủ 50 tâm sở (theo Abhidhamma), là tên gọi khác của ái, thủ và hữu (Xem thập nhị nhân duyên).
II. Ái dục
Ái dục là gọi chung cả tham, sân, si hay hữu ái, phi hữu ái và dục ái.
Đây là những lòng ham muốn sai lầm, không đúng với qui luật đích thực của sự sống.
Do thiếu sáng suốt, thiếu tỉnh thức; do bị vô minh chi phối, chúng ta không thấy rõ sự thậtnên đã tạo tác những hành nghiệp qua thân, khẩu, ý; bập bênh, trôi lăn mãi giữa đại dương sinh tử khổ đau không thực có.
Không thực có vì tham (hữu ái), sân (phi hữu ái), si (dục ái) chính là 3 ảo tưởng đẻ ra 3 ảo giác là khổ khổ, hoại khổ và hành khổ.
Ta hãy xem những ham muốn sai lầm, tức là 3 ảo tưởng ấy:
1. Tham - hữu ái (bhavataṅhā)
Là lòng tham muốn, tham đắm, ưa thích, yêu thích; muốn chiếm hữu, muốn giữ lại, muốn lưu lại những đối tượng khả ý, khả ái, khả lạc. Đây chính là những ham muốn sai lầm. Tại sao vậy?
Tất cả các pháp thuộc nhiên giới, tâm giới hay pháp giới; chúng đến hay đi, sinh hay diệt... đều tuân thủ theo luật tắc của chính nó. Ta không thể áp đặt tình cảm, tâm lý chủ quan lên ngoại giới, các đối tượng chiêm quan.
- Thấy một đoá hoa đẹp, ta thích, ta muốn lưu giữ mãi đoá hoa ấy. Vậy là sai lầm, vì đoá hoa kia rồi sẽ tàn.
- Thấy một buổi chiều thu, sắc trời, sắc nước, khói sương thật ngoạn mục... Tuy nhiên, ta không thể lưu giữ mãi cảnh sắc ấy vì hoàng hôn sẽ đến, đêm sẽ về.
Cũng tương tự thế là tuổi thanh xuân, sắc đẹp, vợ hiền, con thảo, món ăn ngon, hạnh phúc ấm êm... tất cả đều bị chi phối bởi các định luật, tất cả rồi đều phải bị vô thườngbiến đổi, sẽ biến đổi dạng và thay đổi chất. Chẳng có cái gì, pháp nào giữ nguyên vị trí, sẽ ở mãi với ta do lòng yêu thích của ta được.
Vì ý tưởng, ước muốn lưu giữ, chiếm giữ ấy sái với qui luật tự nhiên, không thực sự có giữa tự nhiên, nên tham ấy chỉ là ảo tưởng vậy.
2. Sân - phi hữu ái (vibhavataṅhā)
Là tâm lý bực tức, bất mãn, chán ghét, oán hận, khó chịu khi đối diện với một hiện tượngkhông vừa lòng, không thích ý với ta. Điều ấy có đúng chăng, hay chỉ là một tâm lý sai lầm khác nữa?
- Cái nóng cháy da, cái lạnh buốt xương, cơn lũ tàn hại, cơn bão quá quắt... mặc dù ta không thích nhưng nó vẫn đến, đi, sinh diệt theo định luật của đất trời.
- Những người dễ ghét, khó ưa, ta không thích đấy, nhưng họ vẫn tồn tại ở thế gian, vẫn có mặt ở xung quanh ta!
- Một hoàn cảnh xã hội, một môi trường sống... dường như luôn luôn trái ý, nghịch lòng với ta. Dù có ghét bỏ, chối từ... thì đi đâu để tránh khỏi cái bất toại nguyện ấy?
- Có thể nào, con người, thế giới chung quanh ta, với sự vận hành của biệt nghiệp, cộng nghiệp, vận hành tâm, cảnh, quan niệm, tính tình sở thích... lại không tạo nên sự xung đột, bất khả lạc, bất khả hỷ... như là cái tất yếu của muôn đời?
Tất cả đấy mà muốn vừa lòng theo ý ta, không là một ảo tưởng điên rồ sao? Vậy thì ý tưởng muốn chấm dứt, muốn công phá, chối bỏ, triệt tiêu những đối tượng bất nghich ý là trái với định luật tất yếu của vạn hữu.
3. Si - dục ái (kāmataṅhā)
Là trạng thái tâm mê mờ, đần độn; thường hay phóng dật, dao động, nghi hoặc, vọng tưởng, hoang tưởng... không chỉ ngũ trần hiện tại mà cả quá khứ và tương lai.
Đây là trạng thái tâm không có chủ đích gì, thiên hướng gì như xác chết vật vờ giữa dòng sống, tấp chỗ này, tấp chỗ kia; cái gì cũng cuốn hút được, cái gì cũng không vừa lòngđược lâu. Ăn, ngủ, thụ hưởng là chính.
Nếu lạc thọ là hút dính vào, lộ rõ chức năng của tham; khổ thọ là đẩy bật ra, lộ rõ chức năng của sân, thì khi chưa hút, chưa đẩy, tham sân chưa tác dụng, là xả thọ, tâm thường bị si chi phối.
Khi tâm ở trong trạng thái không vui, không buồn, không khổ, không lạc... thì si lại kéo đi tìm kiếm đối tượng hưởng thụ, thế rồi rơi vào những cái khổ trước đây, nghĩa là rơi vào lạc thọ hay khổ thọ. Đấy là cái vòng luẩn quẩn.
Nói rộng rãi và vi tế hơn:
- Những người tu hành muốn thỏa mãn sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; một hình thứctìm kiếm dục lạc, tức là phát xuất từ dục ái (si mê), chỉ hưởng quả Dục giới.
- Những người tu hành muốn thỏa mãn các lạc thọ, mong hỷ thọ, lạc thọ ấy kéo dài, trường tồn... tức là phát xuất từ hữu ái (tham), chỉ hưởng quả Sắc giới.
- Những người tu hành không bằng lòng các sắc, muốn đoạn lìa các sắc để hưởng thọ các trạng thái vi tế hơn... thì họ lại rơi vào phi hữu ái (sân ), chỉ hưởng quả Vô sắc giới.
Các cảnh trời Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới là phước báu của bố thí, trì giới, thiền định, là hạnh phúc của con người; nhưng dưới mắt nhìn của Bậc Giác ngộ, chúng chỉ là những đối tượng tìm kiếm của tham, sân, si vi tế mà thôi!
Cho hay, dầu là tu hành, nhưng vẫn lắm kẻ tu hành do tham, sân, si; chứ không phải ai tu hành cũng đúng với lộ trình giới, định, tuệ cả đâu.
C. DIỆT ĐẾ (DUKKHA NIRODHA SACCA)
Diệt đế là sự thật về Diệt khổ, là Niết-bàn.
Theo thập nhị nhân duyên, nguyên nhân của khổ đế là vô minh và ái dục. Theo tiến trình sinh diệt của thập nhị nhân duyên thì khi vô minh diệt thì hành diệt... lão tử, sầu bi, khổ, ưu, não diệt.
Như vậy:
- Diệt đế là diệt tất cả sầu, bi, khổ, ưu, não. Chứ không phải diệt đế, Niết-bàn là hư vônhư nhiều người lầm tưởng.
- Diệt đế là dập tắt tất cả mọi ảo tưởng (tập đế) thì ảo giác (khổ đế) sẽ không còn. Tập đếlà nhân, khổ đế là quả. Diệt nhân là quả sẽ mất. Có người tu tập cố dùng đạo đế để đối trịvà diệt lần lần khổ đế; như vậy là sai lầm. Ta không thể diệt quả được. Ánh sáng đến thì bóng tối tự lui, ta không thể diệt bóng tối được. Mắt lành thì hoa đốm hết, ta không thể diệt hoa đốm được. Tương tự thế, khi cái thấy đúng (chánh kiến) phát sanh, không còn ảo tưởng nữa thì ảo giác (các khổ) sẽ không tồn tại, chứ ta không thể diệt được ảo giác.
Khổ đế là ảo giác, là những cảm giác không thực nhưng chúng chi phối và bóp méo toàn bộ tâm sinh vật lý của chúng ta, chúng nhấn chìm cảm giác thực và làm điên đảo chúng sanh trong 3 cõi, 6 đường.
Như vậy, rõ ràng diệt đế là dụng ngữ đầy trí tuệ của đức Phật hàm chỉ chấm dứt tất cả mọi ảo tưởng, tham, sân si, vô minh, ái dục và vọng nghiệp. Khi ảo tưởng chấm dứt thì ảo giác (khổ đế) sẽ không còn; trả người giác ngộ trở về với thế giới như chân, như thực, tịch diệt hiện tiền, là Niết-bàn tại đây và bây giờ chứ không phải ở một xứ sở vinh quangnào khác. Tầm cầu thế giới thường, lạc, ngã, tịnh để trốn chạy thế giới vô thường, khổ não, vô ngã, bất tịnh là rơi vào cái bẫy của thường kiến ngoại đạo, cái bẫy của vô minhvà ái dục rồi.
Tóm lại, ta có thể gợi ý một số hiểu biết tạm thời về Niết-bàn (diệt đế) như sau:
- Niết-bàn không phải là thường còn, vì nó không loại trừ vô thường.
- Niết-bàn là giải thoát vô minh, ái dục, vọng nghiệp.
- Niết-bàn là giải thoát sinh tử luân hồi.
- Niết-bàn là siêu tuyệt ý niệm, ngữ ngôn; ở ngoài mọi xác lập của lý trí vọng thức (tức là sự chế biến của pannatti).
- Niết-bàn không phải là thế giới của bản thể vì nó vốn không lìa bỏ thế giới hiện tượng(8).
- Niết-bàn không phải là lạc thọ vì nó không có ảo tưởng diệt khổ thọ (cả khổ, lạc và xả thọ là cảm giác thực)
- Niết-bàn không phải là bản ngã vì nó không thuộc của ai (vô ngã), và vì tất thảy pháp dù hữu vi hay vô vi đều là vô ngã.
- Niết-bàn không phải tịnh (sạch) vì nó vốn không sạch, không dơ; nó ở ngoài sạch, dơ, ngoài mọi ý niệm của con người.
- Niết-bàn là không còn chấp thủ ngũ uẩn.
- Niết-bàn là chấm dứt tất cả phiền não, khổ đau.
Vậy, rốt ráo và chính xác nhất, đạo Phật là đạo diệt khổ mà mỗi người có trí có thể chứng nghiệm trong lòng mình. Hễ xác lập Niết-bàn là gì, xem chừng đấy chỉ là trò chơi của lý trívọng thức, dễ rơi vào tà kiến muôn đời của ngoại đạo.
D. ĐẠO ĐẾ (DUKKHA NIRODHAMAGGASACCA)
Đạo đế là sự thật về con đường diệt khổ, là tu tập theo bát chánh đạo.
Tu tập theo Bát chánh đạo là đủ, tuy nhiên, nếu nói rộng ra là gồm cả 37 phẩm trợ đạo. Ta hãy xem 37 pháp ấy:
- Ngũ căn : Tín, tấn, niệm, định, tuệ.
- Ngũ lực : Tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực và tuệ lực.
- Tứ chánh cần : 4 tấn.
- Tứ niệm xứ : 4 niệm.
- Tứ như ý túc : Dục, tấn, tâm, tuệ.
- Thất giác chi : Niệm, trạch pháp, tấn, hỷ, an, định, xả.
- Bát chánh đạo : Kiến, tư duy, ngữ, nghiệp, mạng, tấn, niệm, định.
Như thế 37 pháp ấy gồm có: 9 tấn, 8 niệm, 4 định, 2 tín, 1 tư duy, 1 hỷ, 1 an, 1 xả, 1 ngữ, 1 nghiệp, 1 mạng, 1 dục, 1 tâm.
Tuy nhiên, nếu phân tích thêm nữa thì 37 phẩm trợ đạo đều có đầy đủ ở trong Bát chánh đạo:
- Chánh kiến và chánh tư duy thuộc Trí (Tuệ phần): Trong đó có 5 tuệ (trạch pháp thuộc tuệ) và 01 tư duy.
- Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng thuộc Thân (Giới phần): Trong đó có 01 ngữ, 01 nghiệp, 01 mạng.
- Chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định thuộc Tâm (Định phần): Trong đó có 9 tấn, 8 niệm và 4 định.
Còn các pháp khác không cần thiết. Vì khi tu tập đã có tín; và trong tấn, niệm, định vốn đã có dục, tâm, hỷ, an, xả. Và, rút gọn hơn nữa, còn giới, định, và tuệ. Tu tập giới, định, tuệ chính là tu tập 37 trợ đạo phẩm.
I. Con đường tu tập:
Đạo đế là con đường tu tập chứ không phải là pháp môn tu tập, lại càng không phải pháp môn phương tiện.
- Pháp môn tức là phương pháp tu. Nói phương pháp tu có nghĩa là có một phương cáchtu, tu theo một công thức sẵn có. Phương pháp, phương cách, công thức là cái qui định sẵn. Có phương pháp, qui định tức là có lập trình. Có lập trình tức có thể giải mã để tìm ra nghiệm số. Nó không phải là một công thức vật lý, không phải là một phương trình toán học. Giác ngộ là một bài toán tâm linh nhưng không có một công thức, một phương pháp nào để giải mã được cả.
- Pháp môn phương tiện lại càng sai lầm. Tu theo phương tiện nhằm đạt cứu cánh. Phương tiện và cứu cánh thường diễn tiến theo nhân, quả và thời gian. Đạo đế không phải là tu dần dần (tiệm tu) mà được. Còn nhân quả, còn thời gian là còn trong khổ đau và sinh tử.
Bát chánh đạo là con đường tu tập, chư Thánh nhân đã đi; đi đến nơi giác ngộ, giải thoát. Con đường là lối đi, là lộ trình nhưng không phải là lối đi, là lộ trình cụ thể nào. Đây chính là cách nói về sự khai mở tuệ giác, con đường khai mở tuệ giác.
Ví dụ: Chánh kiến. Ta không thể đưa ra một phương pháp, một công thức nào để có được chánh kiến cả. Chánh kiến là thấy biết chơn chánh (9). Thấy biết chơn chánh là thấy biết bằng paramattha. Thấy biết bằng paramattha mà ta vận dụng tâm trí, tìm raphương cách, phương pháp thì đã rơi vào thế giới ý niệm (paññatti) rồi.
Lại nữa, khi bản thân chánh kiến và đối tượng của chánh kiến là paramattha thì khi ấy, chỉ còn là một dòng diễn tiến của sự sống, của thực tại hiện tiền, không thể gọi tên hoặc ý niệm.
Nói cách khác, con đường tu tập đạo đế là một cuộc chuyển hoá, biến mê thành ngộ, biến cái thấy lầm thành thấy đúng, từ mắt bệnh ra mắt lành. Ở đây, như đã nói ở diệt đế, con đường tu tập này là tu tập theo giới định tuệ để chấm dứt ảo tưởng (nhân). Chấm dứtảo tưởng thì ảo giác (quả) sẽ tự diệt. Khi ảo tưởng (tập đế) và ảo giác (khổ đế) diệt thì Niết-bàn (diệt đế) tự hiển lộ. Và khi ấy đạo đế cũng chính là diệt đế. Và nhân (đạo đế) và quả (diệt đế) lúc ấy là một, không thể gọi là nhân sinh quả, nên Bát chánh đạo còn được gọi là Bát thánh đạo, là vậy.
II. Sự chứng ngộ Niết-bàn
Khi còn gọi tên, còn sử dụng khái niệm thì có nhân, có quả (đạo đế là nhân, diệt đế là quả). Khi còn nói tu tập và con đường tu tập thì phải có sự tu tập và sự chứng ngộ Niết-bàn.
Vậy thì ta phải tu tập giới, định, tuệ như thế nào để chứng ngộ Niết-bàn. Ta có thể điểm lại giới, định, tuệ ấy:
- Giới thuộc Thân (ngữ, nghiệp, mạng)
- Định thuộc Tâm (tấn, niệm, định)
- Tuệ thuộc Trí (kiến, tư duy)
1. Tu giới, định, tuệ, để hưởng phước báu nhân thiên
Khi ta chưa thấy pháp thì dẫu có tu giới, định, tuệ cũng không thể giác ngộ, giải thoát, thấy Niết-bàn, mà chỉ có thể hưởng được phước báu nhân thiên thôi.
1.1- Khi Thân tu giới: Nghĩa là ta cố gắng nói lời chơn chánh, cố gắng giữ gìn 3 nghiệp, cố gắng nuôi mạng chơn chánh - thì ngữ, nghiệp, mạng ấy từ từ sẽ tốt hơn. Khi nói từ từ, dần dần là ở trong nhân quả và thời gian. Còn nhân quả, thời gian là còn sinh tử; nghĩa là còn hữu lậu và sanh y. Do vậy ta chỉ hưởng được phước báu hữu lậu.
1. 2- Khi Tâm tu định: Khi ta cố gắng làm lành, lánh ác (tấn), cố gắng lìa xa tạp niệm, giữ chánh niệm. Cố gắng tu thiền định - thì từ từ, dần dần ta sẽ có đựơc tấn, niệm, định tốt hơn. Từ từ, dần dần nghĩa là diễn tiến trong nhân quả và thời gian. Tương tự như tu giới - định ấy còn hữu lậu và sanh y, chỉ hưởng được phước quả hữu lậu.
1.3- Khi Trí tu tuệ: Ta cố gắng lìa xa tất cả những tà kiến, cố gắng lìa xa sân tư duy, hại tư duy, dục tư duy - thì từ từ, dần dần ta sẽ có được kiến và tư duy tốt hơn. Kiến và tư duyấy còn hữu lậu và sanh y, chỉ hưởng phước báu nhân thiên.
Bất cứ một hành giả nào, sa-môn nào, Tăng Ni Phật tử nào chưa thấy pháp, nghĩa là chưa ngộ, mà tu thì đều rơi vào trường hợp thứ nhất này.
2. Tu giới, định tuệ để chứng ngộ Niết-bàn
Chỉ để dành cho người thấy Pháp. Vậy pháp ấy là pháp gì? Và tu thế nào mới chứng ngộNiết-bàn?
Khi nói về Pháp đức Phật dạy: “Ai thấy Pháp tức thấy Như Lai, ai thấy Như Lai tức thấy Pháp” thì pháp ấy chính là chân lý, là sự thật mà mỗi người phải chứng nghiệm trong lòng mình.
Pháp ấy có 5 tính chất:
- Sandiṭṭhiko: Nghĩa là thấy ngay lập tức, thấy ngay trong hiện tại này. Là phải thiết thựchiện tại.
- Akāliko: Là vượt ngoài giới hạn của thời gian, không bị nhân quả chi phối.
- Ehipassiko: Đến đây mà thấy, quay đầu là bến.
- Opanāyiko: Là dừng lại trên chính mình, là bước trên đất thực, chú tâm, chánh niệm.
- Paccatam veditabbo viññūhi : Là tự chứng, tự ngộ.
Như vậy, trong cái thấy giác ngộ, sự thật hiện ra lập tức, không ở trong nhân quả và thời gian, phải ở tại đây và bây giờ, ở chính nơi tấm thân một trượng này cùng với cảm giácvà tư tưởng (ngũ uẩn). Nghĩa là ở trong dòng chảy của tâm-sinh-vật-lý này.
Tu giới, định, tuệ để chứng ngộ Niết-bàn thì ta phải hiểu rằng: Giới là đại biểu cho ngữ, nghiệp, mạng; Định là đại biểu cho niệm và định; Tuệ là đại biểu cho kiến và tư duy. Tuy nhiên, lác đác trong kinh điển, đức Phật nói: Tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác thì ta phải hiểu là nó gồm đủ Bát chánh đạo. Vì:
- Tinh tấn là ngăn ác, làm lành, đại biểu cho nhóm Giới (trong lành).
- Chánh niệm là đi đến định, đại biểu cho nhóm Định (định tĩnh).
- Tỉnh giác là đại biểu cho nhóm Tuệ (sáng suốt).
Rút gọn hơn nữa, chỉ còn niệm và tỉnh giác vì trong niệm và tỉnh giác đã có tinh tấn. Đến đây hành giả sử dụng niệm, tỉnh giác để quán thân, thọ, tâm, pháp (tứ niệm xứ), quán ngũ uẩn, thập nhị nhân duyên... Trên lộ trình tuệ quán này, bắt đầu là tuệ thấy rõ danh-sắc, hành giả lần lượt phá tan ảo giác về ngã về thực hữu của cái ta, rồi từ đấy sự thực của pháp dần dần tỏ lộ.
Con đường thực chứng tam tướng: vô thường, khổ và vô ngã để thấy rõ Niết-bàn là độc lộ, độc đạo, không có bất kỳ một lối đi nào khác ngoài lộ trình đã dẫn. Thấy rõ tam tướng, sự thực của pháp, mới chấm dứt được 3 ảo tưởng, đồng thời chấm dứt luôn 3 ảo giác. Đạo đế khi ấy chính là diệt đế. Và ngay cả khi khổ đế, tập đế được thấy như chân nhưthật thì tất cả đều trở thành như thật như chân; tất cả đều diễn tiến trong cái đang là!
Do vậy, tu tập đạo đế (nhân) để chứng ngộ diệt đế (quả) là cách nói của thường ngữ, của thế tình. Trong cái thấy toàn diện có định, tuệ chiếu soi thì tất cả đều hiện ra như thực tướng. Đạo đế, do vậy, là con đường ở đây và bây giờ, có cái nhìn thấu thị, xuyên suốt các giả tướng mê vọng để trả tất cả về với thế giới như chân như thực (paramattha), không còn bị trôi lăn bởi ảo tưởng, ảo giác (khổ, tập) của thế giới khái niệm (paññatti) để chìm đắm giữa đêm dài sinh tử khổ đau.
MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH
Ghi chú:
(1) Tuệ tri - tri như thực.
(2) Tứ Đế có Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Mỗi đế có 3 giai đoạn nhân cho 4 thành 12 Tuệ, như sau:
- Khổ: Tuệ tri: Đây là khổ, Khổ phải được thấy, Khổ đã thấy.
- Tập: Tuệ diệt:: Đây là nguyên nhân khổ, phải được tận diệt, đã tận diệt.
- Diệt: Tuệ chứng: Đây là diệt khổ, phải được chứng ngộ, đã được chứng ngộ
- Đạo: Tuệ hành: Đây là đạo diệt khổ, phải được thực hành, đã thực hành.
(3) Chỉ về ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức.
(4) Chịu khó xem lại “5 định luật của vũ trũ” trong bài “ Nhân quả nghiệp báo” cùng tác giả.
(5) Trong ngũ quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân khi giao tiếp với ngũ trần sắc, thanh, hương, vị, xúc phát sanh khổ, lạc thọ - thì khổ, lạc thọ ấy đều do thân cảm giác (bởi các đầu dây thần kinh).
(6) “Thực” là cái đang vận hành, đang xảy ra, đang diễn tiến trong dòng chảy tâm sinh vật lý.
(7) Nghi: Nghi trong thiền định và nghi trong đời sống tu tập thường nhật, tính chất giống nhau nhưng hành tướng thì khác nhau:
- Nghi trong thiền định là có thể nghi ngờ đề mục, nghi ngờ khả năng mình hoặc khởi nghi lung tung nên tâm bị phân tán, phóng dật không an trú được.
- Nghi trong đời sống tu tập thì nội dung rộng lớn hơn, nhưng tựu trung, nghi nhiều thì đức tin sụt giảm hoặc mất hẳn.
Tuy nhiên có một cái nghi khác nữa, cái nghi của bậc trí là không dễ dàng tin theo những gì... như bài kinh Kalāma thì nó lại khác. Thiền tông còn có lập ngôn: Đại nghi thì đại ngộ. Hai loại nghi sau không phải là nghi trong bài viết.
(8) Có người đưa ví dụ nước và sóng. Nước là bản thể, sóng là hiện tượng. Phật tánh là bản thể (nước) nên thường vắng lặng, thanh tịnh; chúng sanh là hiện tượng (sóng) nên nhấp nhô; chìm nổi. Trở về với Phật tánh là trở về với bản thể thường thanh tịnh ấy! Đây cũng là cái bẫy của thường kiến!
(9) Sử dụng nghĩa chánh kiến theo cái hiểu xưa nay. Thật ra, sammā diṭṭhi mà dịch là chánh kiến rồi hiểu là thấy biết chơn chánh thì không diễn đạt được trọn vẹn từ sammā. Nó không chỉ có nghĩa là thấy đúng, thấy chơn, thấy chánh, thấy thực mà còn có nghĩa là thấy toàn diện, thấy triệt để, thấy viên mãn, thấy trọn vẹn, như chân, như thực nữa (thấy - thuộc phạm trù tuệ giác - Sẽ trình bày rõ ràng hơn trong bài Bát Chánh Đạo).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét