Thứ Tư, 16 tháng 8, 2017

Ý Trinh ghi chép Phật Học Cơ Bản (quyển 5)




Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
PHẬT HỌC CƠ BẢN
Chương trình Phật học Hàm thụ (1998-2002)
Nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh

TẬP MỘT




Phần II - Bài 5
Luân hồi
Thích Tâm Thiện

A- Dẫn nhập

Luân hồi là một thể tài rất sinh động và rất được quan tâm đối với con người. Chết rồi sẽ đi về đâu? Tại sao sinh, rồi tái sinh? Có cõi âm hay không? v.v... Đó là những dấu hỏi lơ lửng trong tâm của phần lớn của nhân loại. Các nền tín ngưỡng và tôn giáo trên thế giới đều có những quan niệm khác nhau về luân hồi. Riêng đối với Phật giáo, luân hồikhông phải là một giáo lý đặc thù, cũng không phải là một vấn đề triết học cơ bản, nhưng nó là một sự thật hiển nhiên đối với những con người còn bị trầm luân trong sanh tử khổ đau. Do đó, trong các kinh điển của cả Nam tạng và Bắc tạng đều thảng hoặc đề cập đến vấn đề luân hồi, như là một hiện tượng trôi chảy của những đời sống nối tiếp nhau. Đặc biệt là trong Bổn Sinh (Tiểu Bộ kinh) đã ghi lại các mẩu chuyện tiền thân của Đức Phật, như là một xác chứng hùng hồn về cuộc sống luân hồi của một vị đại Bồ Tát.B- Nội dungI- Định nghĩa
Luân hồi, tiếng Phạn là Samsàra, có nghĩa là sự chuyển sinh, sự chuyển tiếp, sự diễn tiến liên tục của những kiếp sống; và, sự chuyển sinh liên tục đó, thường được biểu thịbằng bánh xe (cakka) và được gọi là bánh xe luân hồi (samsaracakka).
Chúng ta có thể hình dung bánh xe luân hồi như là một «vòng tròn sinh sinh - hóa hóa« của đời sống của muôn loài chúng sanh. Trên vòng tròn ấy, không có điểm khởi đầu cũng không có điểm kết thúc, và bánh xe ấy cứ quay mãi trong vòng trầm luân của sanh tửkhổ đau cho đến khi nào con người tu tập và đạt đến sự giải thoát tối thượng.
Đức Phật dạy:
«Đêm dài đối với kẻ thức
Đường dài đối với kẻ mệt
Luân hồi dài đối với kẻ ngu
Không biết rõ chân diệu pháp« -- (PC 60)II- Nội dung
Sau khi thành đạo tại cội bồ đề, một trong những tuyên ngôn (khải hoàn ca) đầu tiên của Đức Phật đã được cất lên giữa dòng đời với nội dung giải thoát vòng luân hồi - trầm luân, đã được ghi lại trong kinh tạng như sau:
«Trong dòng sống chết vô tận
Ta đi mãi không dừng
Từ bào thai này sang bào thai khác
Đuổi theo người chủ ngôi nhà
(trong vòng luân hồi)
Chủ nhà ! Ta đã nắm được ngươi rồi
Ngươi không cất nhà lại được
Cột kèo đã gãy hết
Mái, rường đã sụp đổ
Tâm lìa hết tạo tác
Tất cả đã diệt trừ xong
(giải thoát khỏi vòng luân hồi) -- (Pháp Cú - 153-154)
1)- Luân hồi - tái sinh: Qua bài kinh trên, chúng ta thấy rõ Đức Phật đã xác định sự thậtvề luân hồi một cách cụ thể qua hình ảnh tái sinh (từ bào thai này sang bào thai khác). Tái sinh (reincarnation) là sự trở lại một đời sống mới hoặc cao hơn, hoặc thấp hơn hoặc như cũ trong lục đạo (trời, người, a tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh) sau khi đã kết thúcmột chu kỳ sống (life cycles), hay còn gọi là thọ mạng đã hết - chết.
Thông thường, khi nói đến luân hồi - tái sinh, trong Phật giáo thường đề cập đến hai khái niệm cơ bản về sự sinh tử, đó là:

a)- Chu kỳ sinh tử của từng sát na
b)- Chu kỳ sinh tử của một đời sống
* Về chu kỳ sinh tử của từng sát na, vì nó diễn ra quá nhanh chóng như sự sinh ra rồi mất đi của một làn chớp (điện chớp) mà thuật ngữ Phật học gọi là «niệm niệm - sinh diệt« (sự sinh tử diễn ra trong từng ý niệm), do đó vấn đề chỉ được bàn đến trên một bình diện cao hơn, như trong thiền định, hoặc các cảnh giới của tâm thức v.v...
* Về chu kỳ sinh tử của một đời sống, do tính cách giới hạn của một chu kỳ sống, nghĩa là có thể ghi nhận qua bốn giai đoạn: sanh, lão, bệnh, tử và / hoặc sinh thành (sinh), tồn tại (trụ), biến chuyển (dị) và hoại diệt (diệt) của một chúng sinh, nên chu kỳ này trở thànhchủ đề nghiên cứu về luân hồi - tái sinh.
Theo quan điểm của Phật giáo, tất cả muôn loài chúng sinh đều phải chịu sự chi phốicủa định luật vô thường. Đối với con người, vô thường chính là sự biểu hiện của sinh, lão, bệnh, tử trải qua nhiều kiếp sống, và cứ mỗi kiếp sống như thế đều được giới hạnbởi hai đầìu sinh và tử. Tuy nhiên, sinh và tử chỉ là sự hoàn tất của một chu kỳ. Như thế, khi thân xác này hủy hoại, cái gì sẽ tiếp tục tái sinh - mở đầu một kiếp sống mới? Đây là then chốt để tìm hiểu về luân hồi.
Kinh Trung Bộ (Majjhima Nikaya - 135), Đức Phật dạy rằng: «Con người là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp, là quyến thuộc của nghiệp; nghiệp là thai tạng mà từ đó con người được sinh ra«.
Từ lời dạy trên, chúng ta thấy rằng nghiệp (karma) luôn luôn có mặt cùng với sự có mặt của con người. Và khi chết, thì sự thể vật lý này tan hoại, còn nghiệp vẫn cứ tiếp tục trôi lăn theo dòng trầm luân của nó (hoặc thiện nghiệp, hoặc ác nghiệp). Nhưng nghiệp không phải là linh hồn bất tử để nối kết các kiếp sống, vì bản thân nó là vô ngã. Tuy nhiên, chính nghiệp là cơ sở, là điểm trung tâm, để qua đó, vòng luân hồi xoay chuyển.
Vậy, nghiệp là gì?
Nghiệp là hành động có tác ý, hay hành động được phát sinh từ tâm; và thông qua hành động của thân, miệng và ý mà nghiệp được hình thành. Nói đến nghiệp là nói đến thiện ác trong tương quan nhân quả; và trong mối tương quan đó, động cơ chính để kiến tạonghiệp là tham, sân, si (ác nghiệp) và ngược lại là không tham, không sân, không si (thiện nghiệp).
Từ đây, chúng ta thấy rõ rằng, chính tâm lý của mình là cơ sở để tạo nên nghiệp của mỗi người. Con người là kẻ quyết định cái nghiệp của mình - cái định niệm do mình tạo tác. Và cũng chính con người là kẻ duy nhất có thể giải thoát mọi nghiệp lực của mình, đi ra khỏi vòng luân hồi - tái sinh.
2)- Nghiệp và tái sinh: Trong đạo Phật, nghiệp được trình bày gồm nhiều loại, nhưng nghiệp cơ bản là thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Về mặt tính chất, nghiệp được phân thành bốn loại như sau:

1) Cực trọng nghiệp (weighty karma): nghiệp loại nặng như giết cha mẹ, giết người v.v...

2) Tập quán nghiệp (habitual karma): nghiệp do thói quen hình thành.

3) Tích lũy nghiệp (stored up karma): nghiệp do tích tụ từ cuộc sống thường ngày.

4) Cận tử nghiệp (death-proximate karma): nghiệp lúc sắp chết.
Như đã trình bày, trong suốt vòng luân lưu của sinh tử, tử sinh, từ đời sống này sang đời sống khác, nghiệp bao giờ cũng đóng vai trò trung tâm của sự luân chuyển. Tuy nhiên, trong lĩnh vực tái sinh (reincarnation), thì cận tử nghiệp là điều kiện quan trọng nhất ảnh hưởng trực tiếp đến sự tái sinh. Cận tử nghiệp, trên một góc độ nào đó, có thể nói là hệ quả được cô kết trong suốt đời sống của một kiếp người; đồng thời, nó cũng là dòng nghiệp thức mạnh nhất, thúc đẩy thần thức của con người trước, trong hoặc sau khi chếttìm kiếm một sự tái sinh.



Thông thường khi sinh tiền, con người làm lành hay làm ác, các hành động (của thân, miệng, ý) đó đều được lưu vào trong tàng thức (alaya) như những hạt giống được gieo vào và nằm im trong lòng đất, cho đến khi sắp chết hoặc chết, thân thể và các quan năng không còn hoạt động, lúc bấy giờ chỉ có tâm thức hoạt động. Tuy nhiên, tâm thứclúc đó không phải là tâm thức ở trạng thái định tĩnh, tự chủ, linh hoạt v.v..., mà trái lại nó rơi vào trạng thái bất tỉnh, hôn mê, hoảng hốt, phách lạc hồn xiêu... Và ngay lúc bấy giờ, mọi tạo tác của con người hoặc thiện hoặc ác (còn gọi là thiện nghiệp hoặc ác nghiệp) từ trong quá khứ (khi còn sống) sẽ tạo thành dòng nghiệp thức gồm những ý lực cực mạnh để thôi thúc thần thức của con người đi tìm cảnh giới tái sinh. Cần lưu ý rằng, các tập quán, thói quen, nhất là sự luyến ái, chấp thủ khi còn sống sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cận tử nghiệp. Do đó, nếu sống an lạc thì chết cũng an lạc. Sống còn khổ đau vì tham, sân, si thì đương nhiên chết cũng khổ đau như thế. Vì sống và chết chỉ xuất hiện trên một tiến trình, như thức và ngủ. Vì vậy, để có sự giải thoát, ngay tại đây và bây giờ, cần phải luôn luôn hướng tâm đến với sự xả ly thanh tịnh, xóa bỏ mọi sự tham ưa và bám víu. Thánh nhân có dạy rằng: «Thế gian như một con thuyền, hãy đi trên nó chứ đừng mang vác...«.
Từ một vài chi tiết trên, chúng ta thấy rằng sự sống và sự chết của con người có được an lạc hay không là tùy thuộc vào dòng tâm thức của mỗi cá thể. Sau khi thọ mạng đã hết - chết, thì thân xác sẽ tan hoại, nhưng dòng nghiệp thức (thần thức) sẽ tiếp tục đi vào các đời sống mới trong sáu cõi: trời, người, a tu la, địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh, tùy theonghiệp lực thiện hay bất thiện.
3)- Nghiệp thức - sinh và tái sinh: Theo kinh Trung Bộ (tập I), sự xuất hiện của một con người bao giờ cũng hội đủ 3 điều kiện: a/- Cha mẹ có giao hợp; b/- Người mẹ có thể thụ thai; và c/- Phải có mặt nghiệp thức. Nếu không có mặt nghiệp thức thì thai nhi không thể sống.
Về nghiệp thức (conscious), còn được gọi là hương ấm, hay là kiết sinh thức (Gandhabha). Khi điều kiện hội đủ và do nghiệp chiêu cảm mà kiết sinh thức đi vào thai mẹ; lúc bấy giờ, kiết sinh thức được xem như là «ý niệm tối sơ« của một đời sống mới. Cho đến khi chết, cũng dòng nghiệp thức ấy thúc đẩy tìm kiếm tái sinh, nên được gọi là «nghiệp dẫn tái sinh«. Thực ra, cả sự sinh và tái sinh đều được căn cứ trên dòng vận hành của nghiệp thức. Và từ sinh cho đến tái sinh (sau khi chết), trong suốt quá trình đó, đời sống của một sinh thể được hình thành qua cơ cấu của 12 nhân duyên: vô minh - duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhậpduyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão, tử, sầu, bi, khổ, ưu não... (về ý nghĩa của 12 nhân duyên, xem bài Tam bảo, ba pháp ấn). Như vậy, 12 nhân duyên chính là sự hiện hữu của con người. Và trong 12 nhân duyên, các chi phần vô minh, hành, thức và danh (sắc) là các yếu tố chính của nghiệp dẫn tái sinh.
4)- Các quan niệm về chết và thân trung ấm: Trong Nikàya đề cập đến sự chết một cách cụ thể như sau: thứ nhất là chết do sắc thân đoạn diệt, hai là chết do thọ mạng đã hết, và do nghiệp ở đời đã hết. Bên cạnh đó, còn có trường hợp chết đột ngột (bất đắc kỳ tử, chưa đến lúc mà chết). Nhìn chung, sự chết được xem như là sắc thân (cơ thể) đã đoạn diệt.
Một vấn đề khác nữa là thân trung ấm. Theo một số chủ thuyết của Đông sơn bộ, Chính lượng bộ thuộc Hữu bộ cho rằng, sau khi chết và trước khi tái sinh, ở giữa đó là thân trung ấm (trung gian). Thời gian của thân này là thời gian chuẩn bị tái sinh, nó kéo dài không quá 49 ngày (theo Thiết Ma Đạt Đa). Có thể do ảnh hưởng của quan niệm này mà có tục lệ cúng thất - thất trai tuần (7 x 7 = 49 ngày).
Tuy nhiên, theo Nikàya và A Hàm thì từ «tử tâm« cho đến «kiết sinh tâm« chỉ diễn ra trong vòng một đến hai sát na (tích tắc), do đó không cần có thân trung ấm (trung hữu).
Thật ra, theo người viết nhận định, thân trung ấm cũng là một thân vi tế (tịnh sắc thân), một cảnh giới trong hằng hà sa thế giới; và đương nhiên nó cũng vô thường, biến dị, cũng luân hồi sinh diệt. Vì thế, không có gì mâu thuẫn giữa «tử tâm« và «kiết sinh tâm« trong Nikàya với quan điểm có hay không có quan điểm sắc thân trung ấm. Vì lẽ, thời gian 49 ngày cho một thân - thức đương nhiên không có gì vô lý khi tại trần gian có những đời sống dài nhất chỉ một vài ngày, như loài muỗi mòng v.v...
5)- Để có một sự chết trong thanh bình - an lạc: Đây là vấn đề trọng yếu của con người. Như đã đề cập, sống và chết cũng như thức và ngủ, vậy thôi. Chúng ta không nên quan tâm quá đáng về cái chết, vì ai cũng chết. Nhưng điều đáng quan tâm hơn là sống và sống như thế nào để lúc chết được bình an. Vì lẽ đó, đối với Phật tử cần phải sống giữ tâm linh trong sạch, đừng làm điều gì gây khổ đau cho chính mình và cho kẻ khác, nhất là phải luôn luôn ý thức rằng cuộc đời là vô thường, «trần gian này là chiếc cầu, hãy đi qua nó chứ đừng xây nhà trên nó«. Cho đến khi nào tâm được trong sạch, thanh bình, không còn luyến tiếc, không còn bám víu vào bất cứ điều gì, dầu gia tài sự nghiệp, dầu vợ đẹp con ngoan v.v..., thì khi đó sự chết của bạn như lên thuyền sang sông, giải thoátmọi khổ đau, chết trong sự bình an phúc lạc. Đức Phật dạy:
«Bỏ quá khứ, hiện tại và vị lai
Đến bên kia cuộc đời
Ý giải thoát tất cả
Chớ vướng bận sinh, già, bệnh, chết« -- (PC 348)C- Kết luận
Tìm hiểu về luân hồi là để sống được an nhiên, tự tại và chết cũng được an nhiên, tự tại. Chúng ta không cố tìm gặp luân hồi, vì luân hồi đang trôi chảy ngay trên thân của mỗi con người, như dòng máu luân lưu. Cái khổ đau nhất của người đời là tham muốn và nắm giữ các đối tượng «của tôi« và của «cái tôi thích, tôi yêu«. Bạn có thể tập buông bỏtừ từ cái tâm lý tham muốn và nắm giữ đó, nhưng nếu một mai... khi vô thường đến, thần chết đến hỏi bạn thì bạn hãy ngay lập tức hướng tâm đến sự từ bỏ tất cả, sự không tham luyến tất cả, sự thanh tịnh bình an, sự chánh niệm tỉnh giác; vì đó là điều kiện tối cần thiết cho sự tái sinh vào một đời sống tốt đẹp hơn và cao cả hơn. Và để làm được điều đó, ngay bây giờ và ở đây, bạn hãy thực tập tư duy về vô thường - vô ngã.
«Ta còn để lại gì không
Kìa non đá lở, nọ sông cát bồi
Lang thang từ độ luân hồi
Vô minh nẻo trước xa xôi dặm về...« -- (Vũ Hoàng Chương)Câu hỏi hướng dẫn ôn tập

1)- Luân hồi là gì?
2)- Cái gì thúc đẩy chúng sinh đi vào luân hồi?
3)- Bạn hiểu như thế nào về thân trung ấm?
4)- Làm thế nào để thoát ly luân hồi sinh tử?
Source: Nguyệt san Giác Ngộ, Sài Gòn, 1999-2000






Phần II - Bài 6
Tam vô lậu học (Giới-Định-Tuệ)
Thích Từ Hòa và Thích Phước Lượng


A- Dẫn nhập


Tam vô lậu học là môn học thù thắng gồm có Giới-Định-Tuệ. Ba môn học này chỉ có trong giáo pháp của Đức Phật.


Trong ý nghĩa chiết tự: lậu có nghĩa là phiền não. Do vậy, Tam vô lậu học có ý nghĩa là ba môn học giúp hành giả vượt khỏi sự trói buộc của mọi phiền não, hoàn toàn tự tại. Lậu cũng có nghĩa là rơi rớt, nên Tam vô lậu học là phương tiện giúp hành giả không còn rơi rớt trong ba cõi, tâm không còn bị ràng buộc bởi mọi lậu hoặc.

Như vậy, Tam vô lậu học là ba môn học đoạn trừ phiền não, chứng nhập quả vị giải thoáthoàn toàn, không còn nằm trong sự kiềm tỏa của tam giới và không dừng lại ở phước báo sanh thiên.

B- Nội dung
I- Giới vô lậu học
1)- Định nghĩa: Giới có những ý nghĩa như sau:

- Giới (Sila) tức là «phòng phi chỉ ác«, nghĩa là đề phòng điều trái quấy, dừng chỉ mọi điều ác, cũng có nghĩa là «chỉ ác tác thiện« tức là ngưng làm điều ác, làm mọi điều thiện, trên đây là chỉ về ý nghĩa tổng quát của giới.

- Giới có nghĩa là điều phục, chế ngự, tức Tỳ nại da (Vinaya). Chế ngự ở đây với những ý nghĩa chế ngự bằng sự tỉnh giác, chế ngự bằng tri kiến, chế ngự bằng kham nhẫn, chế ngự bằng tinh tấn... mục đích để đạt sự thanh tịnh ba nghiệp.

- Giới luật cũng có nghĩa là Biệt giải thoát (Pratimoksa-s), cũng gọi là xứ xứ giải thoát hay tùy thuận giải thoát. Biệt giải thoát tức là giữ giới phần nào thì được giải thoát phần đó. Giữ giới nhiều thì giải thoát nhiều, giữ giới ít thì giải thoát ít. Còn tùy thuận giải thoát là tùy hành giả trì giới cách nào thì hiệu quả theo đó mà thành tựu thuộc về hữu vi hay vô vi. Pratimoksa-(s) cũng có nghĩa là trói buộc, giữ gìn, thúc liễm những hành động của thân và khẩu không để tạo ác nghiệp.
Giới luật cũng đồng ý nghĩa luân lý đạo đức, cách cư xử, nếp sống hướng thượng...
2)- Mục đích hình thành giới bổn (Pratimoksa; Patimokkha): Trong Tăng Chi Bộ kinh, 3B - trang 73, Đức Phật dạy 10 mục đích hình thành giới bổn như sau:

1. Để Tăng chúng được cực thịnh
2. Để Tăng chúng được an ổn
3. Để chặn đứng các người khó điều phục
4. Để các vị Tỳ kheo tốt được sống an ổn
5. Để chế ngự các lậu hoặc ngay trong hiện tại
6. Để chặn đứng các lậu hoặc trong tương lai
7. Để đem lại niềm tin thanh tịnh chính đáng cho những người chưa tin
8. Để làm tăng trưởng niềm tin thanh tịnh chính đáng cho những ai đã có lòng tin
9. Để cho chánh pháp được tồn tại
10. Để cho giới luật được chấp nhận
Với những điều kiện trên, chúng ta thấy mục đích hình thành giới bổn cũng là để ngăn ngừa điều ác, làm và tăng trưởng điều thiện. Như Luật tạng nói: «Giới là để chế ngự, chế ngự là để khỏi hối hận, không hối hận là để được hân hoan, hân hoan là để được hỷ, hỷ là để được khinh an, khinh an là để được lạc, lạc để được định, định để được chánh kiến, chánh kiến để được vô dục, vô dục để được ly tham, ly tham để được giải thoát, giải thoát để có giải thoát tri kiến, giải thoát tri kiến để đi đến vô thủ trước Niết bàn«.
3)- Phân loại giới:
a)- Giới theo quan điểm Đại thừa (Mahayana) gồm ba loại:

* Nhiếp luật nghi giới: Là giới có những giới điều cụ thể để thực hành theo các thứ bậc tu hành, gồm có các giới của tại gia và xuất gia. Đó là Ngũ giới, Bát quan trai giới, Thập thiện giới cho hàng Phật tử tại gia. Sa di và Sa di ni có 10 giới, Thức xoa ma na ni thêm 6 học giới, Tỳ kheo 250 giới, Tỳ kheo ni 348 giới, Bồ Tát (tại gia và xuất gia) có 10 giới trọng và 48 giới khinh.

* Nhiếp thiện pháp giới: Có nghĩa là người thực hành chuyên tâm thực hành những hành vi toàn thiện, coi đó cũng là một hình thức thực hànhgiới.

* Nhiêu ích hữu tình giới: Nghĩa là lấy tiêu chí hành động vì mục đích lợi lạc tha nhân và quần sanh làm giới hạnh.
b)- Giới thế gian và xuất thế gian:

* Giới thế gian: Là giới luật đưa đến quả báo hữu lậu, tức chưa ra khỏi tam giới. Nghĩa là người thực hành giới này chỉ hưởng phước nhân thiên, vẫn còn luân hồi trong ba cõi: Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới. Ví dụ: 5 giới thuộc về nhân thừa, hay các dạng giới cấm thủ của ngoại đạo.

* Giới xuất thế gian: Là giới đưa hành giả đến quả vị vô lậu, tức được tự tại giải thoát khỏi tam giới, không còn bị rơi rớt trong sanh tử. Ví dụ người thực hành giới Tỳ kheo tinh chuyên và viên mãn, đó là nhân. Sẽ được hưởng quả vị A La Hán (vô sanh), đó là quả. Thực hành giới vô lậu sẽ được hưởng quả vô lậu. Đây mới chính là Giới vô lậu học.
c)- Giới theo ba bậc: Hạ, Trung và Thượng:

* Giới bậc Hạ: Là giới thọ trì do mưu cầu danh lợi, vì động lực tham ái, do vậy còn tái sinh.

* Giới bậc Trung: Giới thọ trì vì còn ham quả báo được công đức, tức còn chấp tướng, chấp phước, hay giữ giới để có lợi lạc giải thoát riêng mình, gọi là giới bậc Trung.

* Giới bậc Thượng: Là thực hành giới vì kỉnh giới, tin giới, vì mục đích lợi tha, không chấp ngã nhân vì cầu với ý nghĩa Ba la mật, là giới bậc Thượng.
4)- Tính chất - nền tảng của giới - lợi ích của sự giữ giới:
a)- Tính chất: Giới bổn được đặt trên căn bản để giữ thân tâm được thanh tịnh, dần dầntriệt tiêu những phiền não, tham, sân, si. Giới trong Phật pháp mang đậm tính nhân văn, nhân bản, đó là tinh thần linh động trong sự phân biệt từng loại: khinh, trọng, tánh tướng, hay trong mỗi trường hợp mà có cách ứng xử trì giới phù hợp: khai, giá, trì, phạm. Vậy nên giới học trong Phật pháp không mang tính giáo điều (dognia) cứng nhắc và cực đoanbế tắc như một số tôn giáo khác. Tinh thần này phù hợp với quan điểm «tự tại vô ngại« và «tùy duyên bất biến« hay «Phật pháp bất định pháp« của Phật giáo.
b)- Nền tảng: Giới được đặt trên nền tảng tự lợi và lợi tha, tự thanh tịnh bản thân, cũng là để thanh tịnh quần thể sống, thanh tịnh quốc độ. Nếu bạn trì giới đúng nghĩa thì cũng có nghĩa góp phần thánh hóa nếp sống của mọi người.
c)- Lợi ích của sự giữ giới: «Giới luật chính là bậc thang đầu của đạo quả giác ngộ, là nền tảng của thiền định, trí tuệ, là ngọc anh lạc để trang nghiêm pháp thân, là thuyền bè để đưa người qua bể khổ sanh tử, là kho tàng vô lượng công đức« (HT Thích Thiện Siêu).

Giới như đèn sáng lớn
Soi sáng đêm tối tăm
Giới như gương báu sáng
Chiếu rõ tất cả pháp -- (Kinh Phạm Võng - Bồ Tát giới)
Người có giới đức sẽ hưởng được 5 sự lợi ích như sau:

1. Người trì giới sẽ thừa hưởng gia tài pháp bảo nhờ có tinh cần
2. Được tiếng tốt đồn xa
3. Không sợ hãi rụt rè khi đến trước hội chúng đông đảo
4. Khi chết, tâm không rối loạn
5. Sau khi mệnh chung được sanh vào thiện thú, thiên giới -- (Trung Bộ II)
Tuy nhiên, trong kinh Hạt muối (Tăng Chi Bộ kinh I) và kinh Đại nghiệp phân biệt (Trung Bộ III), Đức Phật đã nêu rõ sự trì giới và phạm giới với những hậu quả còn tùy thuộc vào tâm ý hay những tác nghiệp (ác hay thiện) đã gây tạo ra trước đó.
II- Định vô lậu học
1)- Định nghĩa: Định (Samàdhi-p) cũng dịch là Tam ma đề, hay chỉ, là chỉ cho trạng tháitâm ý chuyên chú tập trung vào một đề mục, một đối tượng, một biểu thức nhất định ngõ hầu để tâm không bị xao động, nhiễu loạn, phân tán do những tác động chủ quan và khách quan.
2)- Phân loại:
a)- Định cận hành và định an chỉ

- Định cận hành: Là định có được do hành giả sử dụng các pháp quán sátvà tưởng tư những đề mục: sáu tưởng niệm, quán xác chết, quán sự an ổn, quán Tứ niệm xứ, quán sự hình thành và phân tán của tứ đại.

- Định an chỉ: Là sự nhất tâm đạt được liền sau định cận hành, do quán tưởng mà tâm ý được lắng đọng, dừng nghỉ mọi vọng thức.
b)- Định thế gian và định xuất thế gian

- Định thế gian: Là sự nhất tâm có chiều hướng thiện nhưng không có được tác dụng liễu thoát sanh tử, xuất ly tam giới, nghĩa là hành giả còn bế tắc trong lục đạo. Ví dụ sự chuyên chú của những nhà khoa họạc vào một mục tiêu thí nghiệm, đưa đến sự nhất tâm, tâm ý không bị chi phốibởi những ngoại duyên, nhưng đó là định phát sinh có giới hạn, tự phát và không có chí hướng. Người ta còn gọi đó là một thứ «phàm phu thiền«.

Hay như hình thức tu định của một số ngoại đạo hạn chế ở mức độ cầu phước báo sanh thiên, vì theo quan niệm của họ, Phạm Thiên (Brahma) hay Thượng đế là đấng chí thượng. Người ta còn gọi đây là «ngoại đạo thiền«.

- Định xuất thế gian: Là định thuộc về Thánh đạo, người đạt được định này tức đã thoát khỏi sự kiềm tỏa của tam giới (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới), được giải thoát khỏi dòng bộc lưu sanh tử. Định xuất thế giancâu hữu đi những quả vị vô sanh (A La Hán), Duyên Giác (Bích Chi Phật)... Đây mới chính là Định vô lậu học.
Theo quan điểm Đại thừa, định xuất thế gian còn được phân loại như sau:

- Tiểu thừa thiền: Chỉ cho phương tiện tu định đưa đến kết quả Thanh Văn (A La Hán) do tu 16 pháp quán, và Duyên Giác do tu pháp quán nhân duyên. Đây là pháp tu cho người có chí cầu giải thoát, tâm thích trầm lặng yên tĩnh, tránh cảnh duyên... thường thực hành các pháp Ngũ đình tâm quán, Tứ niệm xứ, Thập nhị nhân duyên... để phá trừ kiến chấp, ngã chấp, cũng gọi là thiền đối trị. Quả vị pháp tu này là các bậc Thánh: Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, Bích Chi Phật an trútrong cảnh Niết bàn tịch tịnh.

- Đại thừa thiền: Thiền định câu hữu với 51 bậc của Bồ Tát do tu quán nhị không (ngã không và pháp không). Trong Bát Nhã Tâm kinh có đoạn: «Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách... Tam thế chư Phật y Bát nhã Ba la mật đa cố đắc A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề«.

Pháp tu này để cho những người có căn cơ cao, thích hoạt động, có lòng từ bi thương xót chúng sanh, thường lăn lộn trong cảnh đời, chung sống trong xã hội mà tâm hồn luôn luôn an định: «cư trần bất nhiễm trần«, có hạnh nguyện của Bồ Tát.

Pháp tu thiền định Đại thừa là dùng trí Bát nhã quán chiếu các pháp ngũ uẩn giai không (ngã, nhân, chúng sanh, thọ mệnh), dứt được vô minh hoặc chướng và trần sa hoặc chướng, phổ độ chúng sanh đồng thành Phật đạo.

Phương pháp tu thiền định này là y cứ vào kinh Kim Cương, Lăng Nghiêm, Viên Giác, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa... mà quán Tứ cú kệ, Nhất tâm tam quán, Lục độ, Thập độ..., không chấp nhị biên, không thiên vô hữu.

Hành thiền pháp Đại thừa là định trong cảnh động, lấy cảnh trần lao để làm môi trường tu hành và hóa độ chúng sanh. Chỗ giải thoát của hàng Đại thừa thiền là Vô trụ xứ Niết bàn, lên đến Thập địa Bồ Tát thì phá được một phần vô minh, chứng được một phần pháp thân, cho đến khi viên mãn thành bậc Diệu giác tức là Phật.

- Tối thượng thừa thiền: Là pháp thiền định dành cho các bậc thượng căn, thượng trí, khỏi dùng phương tiện, giáo ngoại biệt truyền, không dùng văn tự dài dòng mà là «trực chỉ chơn tâm, kiến tánh thành Phật« (chỉ thẳngnơi tâm người, kiến tánh thành Phật).

Người đại trí không cần giảng dạy nhiều, chỉ cần nói qua một câu, một bài kệ hay một cử chỉ, hành động là khai thị được tánh giác của họ, làm tỏ ngộ tức khắc bao nhiêu nghiệp hoặc, phiền não chấp trước lâu đời. Nay chỉ trong một sát na là tiêu tan hết, tâm quang sáng suốt, định tánh hiển bày, cũng như khi mây tan gió tạnh thì mặt trời chiếu sáng giữa hư không.



III.- Tuệ vô lậu học
1)- Định nghĩa: Tuệ vô lậu học là môn học làm phát sinh trí tuệ vô lậu. Tuệ là nói gọn của hai từ trí và tuệ.
Theo Từ điển Phật học (Phân viện Nghiên cứu PH - Hà Nội) định nghĩa: Trí là đối với đạo lý hết thảy sự vật có khả năng đoán định phải trái, chánh tà... mà chọn lấy hay từ bỏ mặt này hay mặt khác thì gọi là trí. Quán lý Tứ đế hay Thập nhị nhân duyên đều là trí. Tuệ là cái tác dụng phân biệt sự lý, quyết đoán nghi ngờ, thông đạt sự lý... Thông đạt sự tướnghữu vi thì gọi là trí. Thông đạt không tướng vô vi thì gọi là tuệ. Hay định nghĩa chung về trí tuệ là: quyết đoán là trí, tuyển chọn là tuệ. Biết rõ Tục đế là trí, biết rõ Chân đế là tuệ.
Theo Đại cương câu xá luận (HT Thích Thiện Siêu) xác định: «Đặc sắc của trí là tính quyết định, đặc sắc của tuệ là tính phân biệt rõ ràng sự lý các pháp«. Như vậy, tuy có những nhận định khác nhau về trí và tuệ, nhưng ta nhận thấy rằng có một sự đồng nhất về mặt ý nghĩa. Trí có tác dụng của tuệ, tuệ bao hàm tác dụng của trí. Do vậy, gộp chung trí và tuệ lại mà gọi chung là trí tuệ. Nhưng có một quan điểm chung nhất đó là: Thông đạt sự tướng hữu vi, hay chỉ biết rõ Tục đế gọi là trí. Thông đạt không tướng vô vi hay biết rõ Chân đế gọi là Tuệ. Và đây chính là Tuệ vô lậu (Anàsravam).
Theo định nghĩa của ngài Buddhaghosa thì: «Trí tuệ có đặc tính thấu nhập vào các pháp. Trí tuệ có phận sự phá tan bóng tối của ảo tưởng bao phủ tự tính của các pháp - biểu hiện của nó là không bị mê mờ bởi vì thiền định là nguyên nhân trực tiếp của nó« (Tinh hoa và sự phát triển của đạo Phật, dịch giả Chơn Pháp - Nguyễn Hữu Hiệu - Tu thư ĐH Vạn Hạnh, Saigon, 1970). Như vậy, dù nhìn góc độ nào đi nữa thì trí tuệ (vô lậu) vẫn là chất liệu tinh anh cao tột nhất để quyết đoán và chọn lựa đối với mọi sự, mọi vật.
2)- Nội dung của tuệ học: Nội dung của tuệ học chính là toàn bộ giáo lý mà Đức Phậtđã thuyết giảng trong 45 năm, được tập trung trong giáo lý Tứ đế và lý Duyên khởi. Nó bao gồm đủ cả giới học và định học. Do vậy, đối tượng của tuệ học là giới học và định học, hay giáo lý Tứ đế và Nhân duyên sinh.
Trong phẩm Chuyển pháp luân thứ 2 của kinh Tương Ưng V, nội dung của Tuệ học là sự thấu rõ tường tận về 4 chân lý bao gồm:

- Thế nào là khổ
- Nguồn gốc của khổ
- Sự diệt tận các khổ
- Các phương pháp để diệt tận khổ
Cốt lõi thứ hai nội dung của Tuệ học chính là sự hiểu rõ về giáo lý Nhân duyên hay Duyên khởi. Trong kinh Phật Tự Thuyết thuộc kinh Tiểu Bộ số 1, nội dung của giáo lýDuyên khởi là: «Do cái này có mặt, cái kia có mặt. Do cái này không có mặt, cái kia không có mặt. Do cái này sinh, cái kia sinh. Do cái này diệt, cái kia diệt«. Như vậy, hiểu rõ hay có trí tuệ về lý Duyên khởi chính là trực nhận rằng các pháp hiện hữu trên thế giannày đều do nhiều yếu tố, nhờ nhiều nhân duyên mà có mặt và cũng do nhân duyên mà đoạn diệt. Hiểu rằng vì bản chất của các pháp là như vậy, cho nên các pháp là vô thường, là vô ngã, nằm ngoài sự sáng tạo của đấng «tối cao«.
Từ hai nội dung cốt lõi trên, chúng ta có thể kết luận: trí tuệ vô lậu khác hẳn trí tuệ hay trí thức thế gian. Trí tuệ thế gian là nhờ sự học tập hay kinh nghiệm cuộc sống mà có được. Còn trí tuệ vô lậu là thành quả có được nhờ vào công năng tu tập và thể nghiệm bản thân. Trí tuệ thế gian chỉ là yếu tố trợ duyên để có thể làm tăng trưởng trí tuệ vô lậu, chứ nó không thể giải thoát hoàn toàn được. Trí tuệ vô lậu là con đường đưa đến cuộc sống an lạc hạnh phúc, giải thoát ngay trong hiện tại và tương lai. Trí tuệ vô lậu nhìn đúng sự thật nhân sinh và vũ trụ; nó không bao giờ xem xét sự vật bằng cảm quan, bằng suy lường, bằng cảm nhận; mà nó nhìn vào sự vật, hiện tượng nhờ vào sự thể nghiệm thiền tập và đi vào chánh định, chánh kiến. Do vậy, chỉ có hành thiền mới đưa đến trí tuệ vô lậu.
3)- Phân loại trí tuệ:
a) Đứng về mặt phân biệt thì trí tuệ có hai loại: tuệ hữu lậu và tuệ vô lậu, hay còn gọi là tuệ thế gian và xuất thế gian. Tuệ hữu lậu là tuệ có quan hệ mật thiết với phiền não thế gian và không có khả năng dứt trừ phiền não ấy. Đó là thứ trí tuệ phổ thông, còn gọi là thế tục trí (Jnànam-laukikam; Knowledge of the world). Trí tuệ này chỉ có công năng hiểu biết các pháp trên mặt hiện tượng. Trí tuệ này còn câu hữu với tham, sân, si, mạn, phiền não... Do vậy chưa có công năng đoạn trừ chấp thủ.
Trí vô lậu là trí thanh tịnh, có công năng cắt đứt mối quan hệ với phiền não. Sự hiểu biếtcác pháp nằm ngoài phạm trù đối đãi và chấp thủ, đưa đến giải thoát và giải thoát tri kiến, chứng vô lậu Niết bàn.
b) Đứng về mặt tính chất thì trí tuệ được chia làm hai loại là căn bản trí và hậu đắc trí.

* Căn bản trí hay còn gọi là chánh trí, vô phân biệt trí. Trí này là căn bảnsinh ra nhất thiết công đức, là giác tánh viên minh mà mỗi chúng sanhvốn đã có sẵn. Đó là bản thể của tâm vốn là trong lặng, sáng suốt, nhưng vì bị vọng niệm, phiền não che lấp, cho nên những đức tính sáng suốttrong lặng ấy không hiển lộ ra được.

* Hậu đắc trí hay còn gọi là tục trí, như lượng trí. Là trí tuệ có được nhờ công phu tu tập Giới-Định-Tuệ mà có được. Có thể hiểu hậu đắc trí là một quá trình thanh lọc tâm khỏi các triền phược, phiền não... để trở về căn bản trí. Trong hậu đắc trí đã có mầm mống của căn bản trí. Nơi tâm thể của chúng ta đã có căn bản trí, sở dĩ chúng ta chưa nhận diện được nó do vì mê chấp vọng cầu... dấy khởi che lấp. Như gã cùng tử có viên minhchâu trong tay áo mà không nhận biết. Cho nên chúng ta cần phải tu tậpđể có hậu đắc trí, và nhờ vào hậu đắc trí như là một phương tiện để thể nhập căn bản trí vốn có của mình.
c) Trên phương diện tu tập thì trí tuệ có ba loại: văn tuệ, tư tuệ và tu tuệ. Đây là các cấp độ trí tuệ thứ tự từ thấp lên cao và làm căn bản liên hệ cho nhau.

* Văn tuệ: Là phương pháp tu tập trí tuệ nhờ vào sự nghe hoặc trực tiếp nghiên cứu, tụng đọc giáo lý mà lãnh hội ý nghĩa, phát sanh trí tuệ.

* Tư tuệ: Là trí tuệ có được nhờ vào quá trình tư duy, xét đoán, trầm tư về những lời dạy của Đức Phật mà khai sáng thêm trí tuệ. Đây là giai đoạn tiếp theo văn tuệ, tư duy những gì đã được nghe, được đọc... Đó là tư duyvề giáo lý Tứ đế, Thập nhị nhân duyên... liên hệ đến con người và sự vật.

* Tu tuệ: Khi đã có văn tuệ, tư tuệ thì đem áp dụng trí tuệ đó vào cuộc sống mà tu tập và hành trì thông qua thiền định, để thể nghiệm và thể nhập sự thật của các pháp. Chính nhờ tu tuệ mà có được chánh trí, chứng ngộ Niết bàn tối thượng. Chính trí tuệ này là trí tuệ thâm nhập thực tại vô ngã của các pháp mà Đức Phật có được ngay đêm thành đạo.
4- Lợi ích của trí tuệ:
Lợi ích của trí tuệ không thể nghĩ bàn đối với cuộc sống hiện tại và tương lai. Chính vì thế mà Phật giáo lấy trí tuệ làm sự nghiệp (duy tuệ thị nghiệp). Muốn xây dựng một cuộc sống hạnh phúc, an lạc trọn vẹn cho tự thân và cho tha nhân, muốn hiểu được chính mình và hiểu được người thì phải có trí tuệ để quán chiếu; muốn bước lên bờ giác ngộgiải thoát, trí tuệ vô lậu là yếu tố quyết định. Tu tập về trí tuệ vô lậu sẽ đạt được nhiều lợi ích. Tuy thế, tóm tắt lại thì có những lợi ích thiết thực thể hiện rõ qua các điểm sau:
* Trí tuệ tẩy trừ phiền não
Phiền não là ngọn lửa luôn luôn ngủ ngầm và bốc cháy trong con người chúng ta bất cứ lúc nào. Nó có công năng thiêu đốt mọi hạnh lành, mọi công đức mà chúng ta đã tạo. Tu tập là nhằm từng bước đoạn trừ phiền não (tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến...). Vậy thìlấy gì để đoạn trừ phiền não? Ấy là trí tuệ. Trí tuệ ấy chất chứa lòng từ, bi, hỷ, xả, chánh định và chánh kiến. Phật giáo chỉ sử dụng một lưỡi gươm - gươm trí tuệ, và chỉ công nhận một kẻ thù - vô minh (Avijjà). Đây là một minh chứng hiện thực và sống động, chứ không phải là lời nói suông. Và đạo Phật đặt sự hiểu biết bằng thực nghiệm lên trên hiểu qua sách vở và suy nghĩ. Phật giáo xây dựng cuộc sống an lạc, hạnh phúc bằng trí tuệchứ không phải bằng đức tin. Đức tin đối với Phật giáo chỉ là một phương tiện bước đầutrong tiến trình đi đến giác ngộ. Cốt tủy của đạo Phật là vậy.
Trong kinh Di Giáo, Đức Phật dạy: «Này các Tỳ kheo, nếu người có trí tuệ thì không có tham trước, thường tự tỉnh giác, không để sanh ra tội lỗi. Thế là trong pháp của ta có thể được sự giải thoát... Người có trí tuệ chân thật, ấy là chiếc thuyền chắc vượt qua biển già, bệnh, chết; cũng là ngọn đèn chiếu sáng cảnh tối tăm mờ ám; là món thuốc hay trị các thứ bệnh; là lưỡi búa bén chặt đứt cây phiền não. Thế nên các ông phải dùng tuệ: văn, tư, tu mà tự làm cho thêm phần lợi ích. Nếu người có trí tuệ chiếu soi, dù cho nhục nhãn thì cũng là người thấy được rõ ràng«.
* Nếm được vị ngọt Thánh quả và xứng đáng được cúng dường
Chúng ta biết rằng tuệ được phát sanh là nhờ tu tập thiền định. Vị ngọt của Thánh quả là vị ngọt trong trạng thái thành tựu thiền định của các bậc Thánh. Trong lúc an trú tâm vào định cũng như xuất định, thì bậc Thánh giả cảm nhận được niềm hỷ lạc vô biên sâu lắng trong tâm thức, không thể diễn tả được trọn vẹn bằng ngôn từ. Vị ngọt thiền lạc ấy vượt ra ngoài nhận thức của phàm phu, vị ngọt ấy đậm nhạt khác nhau tùy vào công hạnhthành tựu của từng Thánh quả. Cũng như vị vua thưởng thức sự hoan lạc của bậc đế vương, chư Thiên thưởng thức Thiên lạc, còn các bậc Thánh thì thưởng thức Thánh lạc siêu thế. Thánh lạc này đạt được nhờ vào tâm tác ý duy nhất vào Niết bàn. Và chỉ có hành giả nào thực sự thành tựu trí tuệ trong tu tập thì mới cảm nhận được trạng thái ấy mà thôi. Người có được trí tuệ vô lậu như các bậc Thánh quả và chư Phật thì xứng đáng được sự cúng dường của chư Thiên và loài người. Vì đã thành tựu mọi công hạnh xuất thế, là ruộng phước của thế gian, là nơi quy ngưỡng của chúng sanh gieo trồng mọi công đức trong cuộc đời.
* Thẩm thấu được sự vật và thể nhập chân lý
Lợi ích rốt ráo của tuệ là giúp cho hành giả nhìn thấy rõ nhân sinh và vũ trụ đúng như thật với bản chất của chúng; đó là thấy được duyên sinh tính, vô thường tính và vô ngãtính qua giáo lý Tứ đế và Duyên khởi. Do thấy được như vậy nên hành giả tự tin nơi mình khả năng chuyển mê khai ngộ. Trí tuệ mở cửa đi đến tự do (tự tại), xa lìa khổ đau do chấp thủ, không thấy có «ta« và «tự ngã của ta«. Từ đó mà thể nhập chân lý, đó là chân như, là tuệ giác của tự tâm, của bản lai diện mục, là Phật tính hằng chuyển.C- Kết luận

Giới-Định-Tuệ là ba môn học căn bản nhất trong hệ thống giáo dục Phật giáo. Bởi vì toàn bộ giáo lý Phật giáo không nằm ngoài phạm vi Giới-Định-Tuệ. Do vậy, nói học Phật là học Giới-Định-Tuệ, tu Phật là tu Giới-Định-Tuệ./. -oOo-
* Chú thích:
(1) Lậu hoặc: Là một tên gọi khác của phiền não. Chỉ cho cái tâm mê chấp, cái tâm bị phiền não chi phối.
(2) Thượng phần kiết sử: Gồm có hữu ái, vô hữu ái, mạn, trạo cữ, vô minh.
(3) Vô sở hữu xứ định: Là thiền định sinh vào cõi Vô sở hữu xứ (Vô sở hữu xứ là xứ thứ ba trong bốn xứ thuộc cảnh giới Vô sắc).
(4) Phi phi tưởng xứ định: Là thiền định sinh vào cõi Phi tưởng phi phi tưởng xứ (Phi tưởng phi phi tưởng xứ là tầng trời thứ tư trong cõi Vô sắc).Câu hỏi hướng dẫn ôn tập

1)- Định nghĩa Tam vô lậu học.
2)- Những đặc tính cơ bản của Giới-Định-Tuệ là gì?
Source: Nguyệt san Giác Ngộ, Sài Gòn, 1999-2000



Phần II - Bài đọc thêm
Truyền bá Chánh Pháp
HT Thích Trí Quảng

Quan sát lịch sử truyền bá Phật giáo trên khắp năm châu trải qua hơn 25 thế kỷ, không bao giờ chúng ta thấy có một nhà truyền giáo nào dùng sức mạnh vật chất để cám dỗ, mua chuộc hay đe dọa người nhằm kéo họ đến với đạo Phật.

Trái lại, với phương cách hết sức hiền hòa, tùy thuận, Phật giáo đã từng bước nhẹ nhàng hội nhập vào những nơi có đủ duyên lành, không vì một ý đồ đen tối hay mưu cầu một tư lợi nào, mà chỉ nhằm mang lại lợi ích, an lạc cho nhiều người.

Thật vậy, Đức Phật đã khẳng định sự hiện hữu của Ngài trên cuộc đời này vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc cho mọi người. Với bản chất của một đấng cứu đời, vô ngãvị tha, Ngài hoằng hóa độ sanh một cách thanh thản. Không một tấc sắt trong tay, không phô trương những lời hoa mỹ, Đức Phật chỉ trải lòng từ, mang tri thức vô thượng đến cho người. Qua hình bóng giải thoát và tâm hồn thánh thiện của Đức Phật đã tạo thành sức thuyết phục, cảm hóa người đến với Ngài từ bỏ việc ác, sống với việc lành.

Chỉ một thí dụ điển hình như vua Ba Tư Nặc nhìn thấy thân tướng Phật từ bi, giải thoát, khiến ông thay đổi tâm lý một cách đột ngột, không còn tin theo hủ tục lâu đời ăn sâu vàonếp nghĩ của mọi người thời đó. Vua đã quyết định bãi bỏ việc giết hại 500 dê, bò để cúng tế và xin Phật có dịp trở lại để cứu độ ông.

Hàng đệ tử Phật tu tập theo Ngài, như Mã Thắng cũng tỏa sáng phạm hạnh giải thoát. Trên đường hành đạo, bước đi trong yên lặng tỉnh giác mà Mã Thắng đã tác động sâu xatâm hồn nhà đại hùng biện Xá Lợi Phất, khiến ông đột nhiên từ bỏ địa vị giáo chủ đạo thần lửa, phát tâm quy ngưỡng Phật.

Đức Phật tại thế, hình bóng giải thoát và tâm từ bi của Ngài cùng hàng Thánh chúng đệ tử đã tạo thành sức sống an bình, lợi lạc cho xã hội đương thời.

Đến khi Phật Niết bàn, tinh thần giải thoát, lợi lạc quần sanh vẫn là ngọn đuốc chỉ đạocho đời sống của các vị chân tu thật học ở khắp chân trời góc bể. Thậm chí có những nơi mà đạo hạnh từ bi, giải thoát soi sáng bởi trí tuệ vô lậu của các bậc tu hành đã một thời tác động những kẻ chiến thắng phải hướng tâm tìm hiểu Phật pháp.

Lịch sử đã từng cho thấy khi quân Mông Cổ hoặc Mãn Thanh sang chiếm Trung Quốc, họ phải cho dịch kinh Phật sang tiếng Mông Cổ hay tiếng Mãn Thanh để nghiên cứu. Vì mặc dù là kẻ chiến thắng, nắm quyền bính trong tay, nhưng họ vẫn cảm thấy e dè trước sức mạnh văn hóa của Trung Quốc, mà tư tưởng Phật giáo bấy giờ là chỉ đạo chính yếu.

Hoặc trường hợp người Mỹ có mặt ở Nhật Bản với tư cách kẻ chiến thắng trong trận Thế chiến thứ hai. Họ nhận thấy tướng lãnh Nhật tuy bại trận, nhưng nhờ ảnh hưởng Phật giáo nên đã có thái độ điềm tĩnh lạ thường. Điều này khiến một số người Mỹ phải kính nể và gợi cho họ ý thức muốn tìm hiểu Phật giáo.

Chúng tôi xin đơn cử một thí dụ về Thiền sư Philip Kapleau, là một trong những Thiền sưngười Mỹ đầu tiên. Ông nổi tiếng ở Mỹ và các nước châu Âu. Năm 1947, ông đến làm việc tại Tokyo. Theo ông nhận xét, tinh thần Phật giáo thẩm thấu sâu sắc vào dân Nhật, nên đối trước hậu quả khốc liệt của chiến tranh giáng lên cuộc sống, họ chấp nhận với một thái độ bình tĩnh và ứng xử sáng suốt. Điều này khiến ông ngạc nhiên và khâm phục, quyết định tìm hiểu Phật giáo. Tại Kamakura, ông gặp Đại sư Suzuki giảng giải về thiền Đại thừa. Ông rất vui mừng, từ đó tìm hiểu Phật giáo sâu hơn, cho đến năm 1953 thì xuất gia.

Có thể nói, từ giai đoạn khởi đầu ở Tây phương, phần lớn văn minh Âu-Mỹ đã tiếp xúcvới thiền học Nhật Bản và biết kết hợp hài hòa để tạo thành nếp sống văn minh vật chấtkèm theo hương vị giải thoát của đạo Phật.

Thật vậy, các Thiền sư Nhật Bản nổi tiếng như Takakutsu, Suzuki, Kimura, họ truyền báPhật giáo sang Tây phương với tư cách vừa là du học tăng, vừa là giáo sư giảng dạy Phật học tại các đại học ở Âu-Mỹ. Họ quan sát xem sự suy nghĩ của người Tây phươngnhư thế nào, để từ đó truyền tải Phật giáo sao cho người Tây phương chấp nhận được.




Với hướng truyền bá như vậy, đạo Phật đã thu hút được các học giả Tây phương và đi thẳng vào đại học, trực tiếp truyền thông đến những nhà trí thức, tạo cho họ có cuộc sống đẹp; chứ không phải tìm đến nước chậm tiến truyền bá để trục lợi.

Điều quan trọng chúng ta cần quan tâm là chiều hướng phát triển của Phật giáo phương Tây ngày nay không cần xây dựng chùa chiền. Điểm chính yếu là làm thế nào để tạo được tâm lý cao cả và đời sống tốt đẹp.

Trên tinh thần ấy, ở Âu-Mỹ, Phật giáo không phát triển mạnh về mặt số lượng tín đồ như các nước Á châu. Tuy nhiên, người trí thức Tây phương tiếp thu Phật giáo với tinh thầnứng dụng thực tiễn, họ rút ra được những tinh ba và thường có khuynh hướng viết sách ghi lại hiểu biết, sở đắc của họ. Nhờ vậy, người phương Tây hình thành được những tác phẩm Phật giáo rất có giá trị về triết học, tư duy, đạo đức, hướng người đến đời sống tỉnh thức, an lạc. Vì vậy mà người phương Đông muốn nghiên cứu Phật giáo một cách rốt ráo, họ phải tìm đọc sách phương Tây.

Chúng ta có thể sơ lược vài tác phẩm nổi tiếng về Phật giáo, ở Mỹ có quyển Three Pillars of Zen của Philip Kapleau, đã dược dịch ra nhiều thứ tiếng, The Awakening of the Westcủa Stephen Batchelor, Brief History of Buddhist in Europe and America của De Jong... Ở Pháp có dịch phẩm nổi tiếng về kinh Pháp Hoa của Hàn lâm học sĩ E. Burnouf, dịch ra từ Phạn ngữ Népal năm 1925 còn lưu truyền đến ngày nay. Đặc biệt là quyển chú giảikinh Duy Ma giúp chúng ta hiểu Phật giáo chính xác và sâu sắc của tác giả A. Bareau v.v... Ở Anh, có bản dịch kinh Duy Ma The Teaching of Vimalakirti của Sara Boin...

Ngày nay, cùng với làn sóng mới trong việc truyền bá Phật giáo sang các nước phương Tây, Phật giáo Nhật Bản, ngoài sự hoằng truyền ở trường đại học và phổ biến các tác phẩm hướng dẫn tu tập, họ còn truyền bá đạo pháp dưới nhiều hình thức kinh tế, xã hội, văn hóa. Sở dĩ Phật giáo Nhật phổ cập tư tưởng Phật Đà qua các dạng thức đó vì người Nhật sớm chịu ảnh hưởng tinh thần kinh Hoa Nghiêm, theo đó không giới hạn nhà truyền giáo trong hình thức tu sĩ.

Hành đạo theo Hoa Nghiêm, Thiền sư có thể là thương buôn theo mẫu Di Già hay Giải Thoát trưởng giả, hoặc người lái thuyền Bà Thi La. Với phương cách hành đạo ấy, hầu hết Phật giáo Nhật sinh hoạt ở châu Âu thường không phải ở chùa, mà ở các tiệm buôn, các nhà máy sản xuất hay siêu thị. Ở những nơi đó, từ công nhân đến giám đốc đều là thiền giả, nhưng đặc biệt tu hành của họ tạo ra của cải, đóng góp lợi ích cho xã hội mà vẫn giữ được nếp sống bình dị, tâm hồn thanh thản. Kết quả thiết thực của mẫu tu như vậy được người Tây phương chấp nhận dễ dàng hơn là cách sống trong các thiền đườngquy củ, khắc khổ như ở Nhật thời xưa.

Ngoài ra, người Nhật còn đầu tư hàng tỷ đô-la vào việc tạo lập công viên ở Pháp, Mỹ. Họ được chính phủ các nước này cho phép xây dựng các công viên thật rộng lớn mang dáng dấp thiền. Ở Paris và Toulouse đều có công viên giống như các đình viên của các chùa ở Nhật, rộng cả trăm mẫu. Ở California cũng có vườn Nhật Bản nổi tiếng. Khách tham quan đến các công viên này có thể hít thở không khí trong lành, có thể thư giãn tâm hồn bên dòng suối trong vắt, phong cảnh nên thơ với những bãi cỏ xanh mướt trải dài, đây đó hoa nở xinh tươi, chim hót ríu rít. Vào đó, bao âu lo phiền trược dứt bỏ dễ dàng và hướng tâm người hòa nhập vào dòng sống đại tự nhiên của vũ trụ, đó là mục tiêu mà các nhà truyền giáo tạo lập vườn thiền này mong mỏi khách thập phương đạt được.

Xưa kia, Đức Phật và Thánh chúng đã thể hiện mô hình tiêu biểu sống như thế nào để trở về bản tâm thanh tịnh, hòa nhập cùng pháp giới, vĩnh hằng bất tử.

Chúng ta hy vọng, trên đà phát triển Phật giáo ở phương Tây với chiều hướng phục hưngtheo những mô hình nói trên sẽ giải tỏa những bế tắc của thời đại, mang lại nhiều lợi íchcho mọi loài trên trái đất này ở thế kỷ 21./.
Source: Nguyệt san Giác Ngộ, Sài Gòn, 1999-2000






Phần II - Bài đọc thêm
Phật giáo, đạo Giác ngộ
HT Thích Trí Quảng

Phật giáo có phải là một tôn giáo không? Có rất nhiều câu trả lời khẳng định cũng như phủ định, nhưng tựu trung, đó vẫn là một vấn đề khó khăn đối với các học giả nghiên cứuPhật giáo.

Khi Đức Phật tại thế, trong 5 năm tìm đạo, Ngài quan sát thấy các tôn giáo đương thời bày ra nhiều phương cách tu có tính cách mê tín, huyễn hoặc như tự hành hạ thân xác hay chủ trương hưởng thụ khoái lạc cùng cực, hoặc giết hại súc vật v.v... để cúng tế, cầu khẩn Thượng đế che chở, ban phước, và sau khi chết, mong được trở về làm con dân phục vụ cho Thượng đế.

Tất cả hiểu biết và hành xử sai lầm của hàng ngoại đạo bấy giờ là một đề tài lớn cho Đức Phật suy gẫm. Ngài suy tư đến cao độ, gọi là nhập thiền định, thấy được đáp số của vấn đề sanh tử, hiện hữu, chuyển biến đổi thay của muôn loài trong vũ trụ. Nói khác, Đức Phật đắc đạo, đạt đến đỉnh cao giác ngộ, thấy biết muôn sự muôn vật đúng như thật.

Từ đó, Ngài bắt đầu giáo hóa độ sanh, dạy người tu tập thiền quán để đạt hiểu biết đúng đắn, sống tự tại, an vui trong hiện đời và trong kiếp tương lai. ng dụng lời Phật dạy, phần lớn đệ tử Ngài đắc A La Hán, giải thoát được phần vật chất và thức uẩn.

Quan sát người tu ở dạng thể nghiệm lời Phật dạy trong cuộc sống, được thành quả giác ngộ như vậy, chúng ta thấy rõ đạo Phật chưa hề có chút biểu hiện nào của tôn giáo.

Tuy nhiên, vì có giáo chủ là Đức Thích Ca và tổ chức giáo đoàn gồm những vị đức hạnh, vượt trội hơn các tôn giáo khác, cũng như Ngài có truyền bá tư tưởng, người nghe theo được lợi lạc, sanh niềm tôn kính Phật và Thánh chúng. Vì vậy, Phật giáo được coi như một tôn giáo, mặc dù Đức Phật chưa bao giờ xác định lời Ngài dạy là một tôn giáo cần phải tuân thủ; và cũng chưa bao giờ Phật chủ trương thờ phụng, cúng bái Ngài hay bất cứ cái gì.

Nhưng sau khi Đức Phật nhập diệt, các vị Tổ sư tiếp nối, thể hiện những tư tưởng và việc làm cao quý trong cuộc sống. Điều này tác động cho người tu ở thời kỳ Phật giáo phát triển hình dung ra mối quan hệ mật thiết, vô hình giữa Phật và chư vị thừa kế. Với lòng hoài vọng kính ngưỡng, họ bắt đầu tạc tượng Phật và Thánh chúng để tôn thờ, lễ lạy. Khởi điểm từ đây, Phật giáo mang màu sắc tôn giáo.

Trong thời kỳ này, các sư tụng niệm, lễ bái, cầu nguyện, tức thể hiện hình thức tín ngưỡng giống như các tôn giáo khác. Tuy nhiên, điều khác biệt chính yếu của Phật giáolà hành giả không hề phó thác vận mạng cho đấng sáng tạo hay thần linh, nhưng biết kết hợp việc cầu nguyện, lễ bái với công phu tu hành.

Thể nghiệm pháp này, tu sĩ Phật giáo Mật tông chuyên trì chú, cầu nguyện, nhờ lực siêu nhiên tác động qua con người thực. Khi kết hợp được với lực siêu nhiên, tức giữa hành giả và thiên nhiên hòa nhập thành một, tạo thành lực bất tư nghì, mà Mật tông tiêu biểubằng đồ hình tổng thể Mạn Đà La. Mặc dù cầu nương vào lực tam mật gia trì, nhưng hành giả Mật tông cũng phải tự tịnh hóa bản thân, đạt đến chứng đắc vô ngã vị tha, mới có thể sử dụng được toàn lực của tổng thể Mạn Đà La. Thực tế cho thấy các tu sĩ Mật tông ở Tây Tạng thành tựu pháp, tạo được khả năng vượt hơn con người bình thườngnhư đi trong hư không, đi trên nước dễ như đi trên đất liền hoặc nằm trên tuyết vẫn khỏe mạnh v.v... Đó là sự phát triển của Phật giáo Mật tông thể hiện rõ nét tính thần bí của tôn giáo.




Bên cạnh sự phát triển pháp tu mang đậm màu sắc thần bí của Mật tông, lại nảy sanh ý tưởng của những người kém cỏi hơn, không có khả năng kết hợp lực cá nhân và tổng thể. Họ cảm thấy thân phận bé nhỏ, cần nương tựa vào một lực khác để tồn tại, thăng hoa. Từ đó, hình thành pháp môn Tịnh độ, hành giả hướng tâm cầu nguyện Đức Phật A Di Đà ở thế giới Tây phương Cực lạc, cũng cảm nhận an lành, quên đi oi bức của cuộc đời. Tất nhiên, gá tâm đến thế giới khác để cầu nguyện như vậy đã đi khá xa giáo lýchính thống của Đức Phật.

Khi tư tưởng của Tịnh độ tông không được chấp nhận nữa, chúng ta thấy phát sanh chủtrương quan sát ngược lại thời nguyên thủy, xem Đức Phật làm gì. Hiển nhiên, ai cũng biết Đức Phật do tu tập thiền định, khai mở tâm trí, thấy rõ chân lý và sử dụng phương tiện đưa người đến chân lý một cách toàn bích. Nhận thức sâu sắc điều đó dẫn đến sự ra đời của tông phái Thiền.

Thiền tông không trì chú hay sử dụng lực siêu nhiên như Mật tông và cũng không cầu tha lực như Tịnh độ tông. Hành giả cố tìm lại thời Phật tại thế tu tập và hành đạo như thế nào, đạt kết quả ra sao, để rồi suy tư và ứng dụng giáo lý nguyên thủy vào cuộc sống, ngõ hầu minh tâm, kiến tánh, trở thành thánh thiện, minh triết ngay trên cuộc đời này. Trên nền tảng ấy, hành giả không quan tâm đến cúng kính, lễ bái, nhưng đặt nặng vấn đề tham khảo công án hay thể nghiệm cuộc sống như Phật.

Tóm lại, kết hợp ba dạng thức tu của Mật tông, Tịnh độ tông và Thiền tông, chúng ta thấy được Thường Tịch Quang chơn cảnh. Nói khác, chúng ta hành thiền, lắng yên suy nghĩxem thế giới mầu nhiệm Tịnh độ như thế nào, thế giới do lực siêu nhiên tác động như thế nào, và mang đối chiếu với cuộc sống của Phật cùng Thánh chúng để tự vạch cho mình cách hành xử trên lộ trình tu Bồ Tát đạo. Dần dần, chúng ta cũng đắc đạo, nhận ra được chân lý mà Phật và Thánh chúng đã chứng ngộ.

Trên bước đường tu, đối với chúng ta, Thường Tịch Quang chơn cảnh là thế giới quan lý tưởng với hiện hữu của Phật, Bồ Tát và Thánh chúng. Vì vậy, chúng ta không bao giờ rời bỏ thế giới đó. Làm thế nào để trực nhận bản tâm thanh tịnh của chính mình và hài hòa được với thế giới lý tưởng ấy, để trở lại thực tế hàng phục được mọi chướng ngại của thế giới Ta bà, khai tri kiến Phật cho chúng hữu tình ngay trên cuộc đời này.

Phật giáo là tôn giáo hay không phải là tôn giáo, thiết nghĩ chẳng có gì quan trọng. Làm sống dậy hình ảnh cao quý của Đức Từ Tôn, thể hiện cuộc sống thánh thiện như Ngài, mang tình thương, hiểu biết, an lạc, giải thoát cho mọi loài. Đó mới chính là những gì Đức Phật truyền trao cho hàng đệ tử và là chất liệu vô giá nối kết mạng mạch Phật giáotrường tồn hơn 25 thế kỷ./.
Source: Nguyệt san Giác Ngộ, Sài Gòn, 1999-2000



Phần II - Bài đọc thêm
Phật giáo, Triết lý sống thời đại
HT Thích Trí Quảng

Ngày nay, nói đến Phật giáo, người ta thường xem như một tôn giáo nặng phần cúng bái, cầu nguyện. Thiết nghĩ việc cúng lễ, cầu nguyện là điều đương nhiên không thể thiếu đối với tôn giáo.

Tuy nhiên, thực chất của đạo Phật đặt nặng vấn đề tu hành hơn; vì vậy cầu nguyện, lễ bái cũng là một trong những phương pháp tu hành, không phải là cứu cánh. Thật vậy, Đức Phật khẳng định Ngài đưa ra vô số phương tiện, thường được tiêu biểu bằng con số 84.000 pháp tu, để giúp mọi người đạt đến cứu cánh giác ngộ, giải thoát.

Pháp phương tiện Đức Phật chỉ dạy nhiều như vậy, vì tùy hoàn cảnh, khả năng của từng người khác nhau; tùy phong tục, tập quán, luật lệ thay đổi theo từng địa phương và tùy thời điểm mà Ngài hướng dẫn pháp tương ưng thích hợp cho người chấp nhận được.

Một cách khách quan, chúng ta thấy rõ nhu cầu tín ngưỡng là đòi hỏi thiết yếu, không thể thiếu được trong cuộc sống con người ở thời Đức Phật. Vì vậy, với trí tuệ của bậc Chánh Biến Tri, Ngài chấp nhận thực tại khách quan ấy; nhưng thực sự, Đức Phật ít nói đến việc cầu nguyện, mà thường đề cập đến vấn đề tu tập để làm chủ bản thân, làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên : đó là mục tiêu chính trong việc giáo hóa của Đức Phật.

Điều này thể hiện rõ nét trong hầu hết các kinh điển, Đức Phật thường hướng dẫn người thực hiện 3 việc: làm chủ bản thân, làm chủ xã hội và làm chủ thiên nhiên; nói khác, Ngài khẳng định con người không lệ thuộc thần linh, nhưng buộc thần linh phải phục vụ cho người.

Trước nhất, Đức Phật dạy rằng mọi người đều có khả năng thành Phật, tức đạt đỉnh cao của tri thức và việc làm siêu việt, nhưng chúng ta tự đánh mất khả năng cao quý ấy, kinh gọi là đánh mất bản tâm. Tự mình đánh mất khả năng làm chủ bản thân và tự van xincầu nguyện, đem trao vận mạng cho thế lực thần quyền quyết định giùm, mà không hề biết họ là ai. Từ đó, con người tưởng tượng ra đủ các thứ thần có quyền năng chi phốicuộc sống họ, cần phải cầu nguyện: từ thần sông, thần núi, thần cây..., thậm chí đến thần vôi, thần bếp. Vì không thấy được khả năng vô tận của mình, nên cảm thấy nhỏ bé trước thiên nhiên bao la, sợ hãi thế lực siêu nhiên đè bẹp, nên tự hạ thấp mình, cầu nguyện các thế lực khác. Và thực tế cho thấy các thế lực đó chẳng giúp được gì cho con người, nên không mấy người cầu nguyện được kết quả.

Phải chăng người cầu nguyện có kết quả là nhờ họ biết kết hợp việc cầu nguyện với sự phát huy khả năng mình. Trên tinh thần ấy, Phật giáo chủ trương có vấn đề tha lực chi phối ta, nhưng bản thân ta cũng cần hướng về đối tượng để tự phát huy khả năng. Điển hình như người tu pháp môn Tịnh độ, nương vào Đức Phật Di Đà ở cảnh giới Tây phương. Phật A Di Đà tiêu biểu cho vị đã thành đạt vô lượng quang, vô lượng thọ, vô lượng công đức; nói khác, Ngài có đầy đủ trí tuệ, sức khỏe và phương tiện.

Khi Đức Phật Thích Ca dạy chúng ta tu nương với Phật Di Đà hay mười phương Phật, Ngài đều đưa ra những đức tánh tốt của những vị đó, nhằm gợi ý cho chúng ta phát huy những đức tánh ấy ở chính cuộc sống chúng ta. Nương Phật Di Đà tu cũng có nghĩa là đánh thức khả năng hiểu biết, khả năng sống lâu, khả năng sử dụng phương cách độ sanh, giúp người. Nhờ nương với vị sáng suốt, tuổi thọ cao, nhiều phước đức như Phật Di Đà, từng bước mình cũng khắc phục được mặt yếu và phát huy được bản thân.

Khi kết hợp tha lực với tự lực, tạo được sức mạnh cho bản thân, lúc ấy, chủ động được cuộc sống, nên không cần phải nhờ đến sự giúp đỡ bên ngoài nữa, và giảm thiểu việc cầu nguyện để tự giải quyết. Quá trình tiến tu này đạt kết quả nhờ khéo kết hợp cầu nguyện và tu hành. Trái lại, chỉ cầu nguyện mà không tu, giao phó toàn bộ cho Phật làm giùm ta, chắc chắn không thể được và cũng không phải là điều Phật muốn.




Ngày nay, chúng ta nương theo Đức Phật A Di Đà tu, suy nghĩ về vô lượng thọ của Ngài, tức vấn đề sức khỏe, tại sao Ngài sống đạm bạc mà lại khỏe mạnh, trường thọ. Từ đó, chúng ta tu, làm chủ bản thân hay làm thế nào để xây dựng cuộc sống mình không bị khổ sở vì bịnh tật thể xác lẫn tinh thần hành hạ.

Kinh nghiệm cho thấy ốm đau sanh ra vì sống không hợp lý, như người tu khổ hạnh ép xác, không đủ dinh dưỡng, tất phải bịnh. Ngược lại, các vị Thiền sư sống rất đơn giảnnhưng lại rất khỏe, tuổi thọ cao. Quan sát thấy rõ các Ngài thường sống ở môi trường không khí trong lành, yên tĩnh, lượng thực thực phẩm đủ dinh dưỡng dùng cho cơ thể và sống không tổn hại cho các loài, không tranh chấp tính toán vơ vét lợi cho mình. Phương cách sống như vậy hoàn toàn phù hợp với tinh thần khoa học ngày nay. Thật vậy, qua các kiểm nghiệm khoa học cho biết không khí ô nhiễm, ăn uống quá độ, ăn nhiều thứ độc tố, cùng với đủ thứ stress vì lo toan, thủ lợi cho cá nhân một cách quá tham lam, mù quáng, cộng với vô số tiếng động đinh tai nhức óc, hoặc chạy theo biết bao bận rộn không cần thiết trong cuộc sống..., tất cả đã tác hại rất nhiều cho sức khỏe, gây ra đủ thứ bịnh tật, làm giảm tuổi thọ con người.

Vì vậy, trên bước đường tu theo Phật giáo, làm chủ lấy mình, tự lành mạnh hóa thântâm, cố làm sao bớt lệ thuộc vật chất, ăn mặc, giảm tiêu hao năng lượng, tránh gây ồn náo, bớt tác hại ô nhiễm môi sinh, hạn chế tranh giành hơn thua, đừng quá tham lam ích kỷ. Thực hiện được phần nào những điều ấy, tinh thần chúng ta chắc chắn có được phần nào sảng khoái, cơ thể tươi vui, khỏe mạnh.

Bước thứ hai của người tu phát tâm Đại thừa, giáo hóa chúng sanh, thường nghĩ chúng ta không thể nào sống một mình và không thể tốt với xã hội không tốt. Chúng ta ý thứcsự tác hại lớn lao của ô nhiễm môi sinh, không dám làm gì tổn hại, nhưng người khác không nhận thức như vậy hoặc quá tham lam cứ gây ô nhiễm, tất nhiên cuộc sống ta cũng bị vạ lây. Hoặc chúng ta đạo đức trong một xã hội tuột dốc, sa đọa, nhiều tệ nạn nhiễu nhương, thì cũng khó lòng an ổn.

Vì vậy, Bồ Tát hành đạo không tìm chỗ trong lành, yên tĩnh, an nhàn như giai đoạn một, mà tiến một bước xa hơn nhằm tịnh hóa xã hội và thiên nhiên, tức con người và thế giớicon người. Bấy giờ, Bồ Tát lo giải quyết việc cho người, làm sao giúp họ hiểu được gây ô nhiễm tác hại cho sự sống của họ, của tất cả mọi người, mọi vật trên hành tinh này. Bồ Tát đã lo xong phần tự giác và đến giai đoạn giác tha, dùng vô số phương tiện để nâng hiểu biết của người, khiến họ ý thức được tốt xấu, lợi hại, điều đáng làm và điều không nên làm.

Trên tinh thần ấy, bước thứ hai, Bồ Tát đã thực hiện công việc giáo dục người, vì theo Phật dạy, tất cả thành bại đều do con người quyết định. Hướng dẫn cho người đồng tình với mình trong việc bảo vệ thiên nhiên, làm cho xã hội lành mạnh, đó chính là xây dựngTịnh độ ở Ta bà.

Với ý thức như vậy, Bồ Tát dấn thân không biết mệt mỏi, giúp người an lành là giúp mình an lành, cứu người thoát khổ là cứu mình khỏi khổ. Mang tinh thần giáo dục rộng lớn vô cùng ấy mà Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi cho biết tất cả chúng sanh thành Phật, thì Ngài mới thành, hoặc Địa Tạng Bồ Tát phát nguyện nếu còn chúng sanh trong địa ngục thì Ngài không thành Phật.

Tóm lại, Phật giáo hướng dẫn triết lý sống hiểu biết đúng đắn, lành mạnh, đạo đức cho riêng bản thân mỗi người, được hàng Thanh Văn tu tập, ứng dụng ở giai đoạn một. Sau khi đạt được thành quả tốt đẹp ở bước đường tự giác xong, Thanh Văn tiến tu Bồ Tát đạo, giáo dưỡng cho người hướng thiện, xây dựng xã hội tốt đẹp, thế giới hòa bình, an lạc. Triết lý sống tròn đủ chân thiện mỹ của Phật giáo đã trường tồn hơn 25 thế kỷ và cũng sẽ là mô hình lý tưởng hiện đại và trong tương lai cho nhân loại nương theo để kiến tạo ngôi nhà chung xanh sạch, đầy cảm thông, hiểu biết, đầy tình thương, hạnh phúc, ấm no./.
Source: Nguyệt san Giác Ngộ, Sài Gòn, 1999-2000



Phần II - Bài đọc thêmThuyết Nghiệp
Minh Chi
Dàn bài và những ý chính

1)- Định nghĩa nghiệp là gì?

- Nghiệp là mọi hành động có dụng tâm.
- Thân thọ nghiệp và tâm thọ nghiệp.2)- Nghiệp của người sắp chết

- Vai trò của hộ niệm.3)- Tầm quan trọng lớn lao của thuyết nghiệp đối với cá nhân và xã hội
-oOo-
Mỗi cá nhân đều tin rằng mình là chủ nhân cuộc sống của mình, mỗi cá nhân đều thấy mình có trách nhiệm đầy đủ về mọi hành vi của mình, lời nói và ý nghĩ hàng ngày, hàng giờ, phút của mình. Mọi người đều tin sống thiện là sống hạnh phúc ngay trong hiện tại, và cả sau này. Và sống ác là sống đau khổ và bất hạnh, ngay trong hiện tại và cả về sau nữa. Do đó mà không ai bảo ai, mọi người đều lo làm điều thiện, sống thiện, không những không làm hại ai, mà còn sẵn sàng giúp người. Giúp người là giúp mình, hại người là hại mình. Đó là bài học thiết thực và đơn giản của thuyết nghiệp. Với thuyết nghiệp được phổ biến và áp dụng rộng rãi, đạo đức xã hội sẽ có bước cải thiện đáng kể, tệ mê tín dị đoan giảm bớt, số tiền trước đây dành cho các chuyện cúng sao, giải oan, giải nghiệp, giải hạn sẽ được đem bố thí cho kẻ nghèo đói, đem giúp cho quỹ xóa đói giảm nghèo. Thuyết nghiệp của đạo Phật tạo ra một xã hội, trong đó, người người làm thiện, nói thiện và nghĩ thiện. Các tệ nạn xã hội sẽ dần dần bị loại trừ. Mọi người sẽ được sống yên ổn và hạnh phúc.
1)- Định nghĩa về Nghiệp
Sách Phật định nghĩa nghiệp là hành động có dụng tâm. Đạo Phật có một quan niệmrộng về hành động. Hành động ở nơi thân, thường được gọi là việc làm, và một việc làmcó dụng tâm được gọi là thân nghiệp. Nhân ngày Tết, chúng ta tổ chức phóng sanh, với lòng thương yêu loài vật, thì đó là một thân nghiệp lành. Lời nói có dụng tâm thì gọi là khẩu nghiệp. Người bình thường hay nói: "Lời nói rồi bay mất". Câu ấy không đúng. Mọi lời nói ác, khi có đủ nhân duyên và đúng thời gian đều sẽ đem lại quả báo xấu cho người nói. Lời nói thiện lành cũng có tác dụng như vậy, theo hướng thiện lành. Thí dụ, tôi không có tiền. Nhưng gặp người nghèo đói, bất hạnh, tôi có lời an ủi, thông cảm. Lời an ủi đó, bắt nguồn từ tình thương chân thật là một nghiệp miệng lành, tương lai sẽ đem lại cho tôi quả báo lành. Có dụng tâm thiện hay ác là ý nghiệp, mặc dù ý nghĩ đó chưa thành lời nóihay hành động. Một người tuy cả ngày ngồi nhà, nhưng đầu óc anh ta luôn bày mưu tính kế làm giàu bằng những thủ đoạn như buôn gian, bán lận, đút lót cán bộ v.v... thì những mưu gian, kế độc của anh ta, tuy chưa đem ra thi hành, nhưng cũng đều là những ý nghiệp xấu, tương lai sẽ mang lại quả báo xấu cho anh ta.
Tuy nhiên, mọi hành động, dù là thân làm, miệng nói, hay ý suy nghĩ, không phải là nghiệp tất cả, mà chỉ có những hành động có dụng tâm hay dụng ý mới gọi là nghiệp.
Những điều nói trên đây đưa tới hai kết luận quan trọng: thứ nhất, chúng ta hàng giờ, hàng phút có thể tạo nghiệp mà không biết, bởi vì, chỉ trừ khi chúng ta ngủ, còn thì chúng ta thường xuyên hoạt động, nói năng và suy nghĩ; và mỗi ý nghĩ, lời nói và việc làm , cử chỉ, hành động của chúng ta đều có thể tạo nghiệp, làm thay đổi cuộc sống của chúng tahiện nay và mai sau. Kết luận quan trọng thứ hai là một nghiệp thiện hay ác, lành hay dữ, nặng hay nhẹ, đều do ở chỗ dụng tâm.
Dụng tâm thiện đưa tới quả báo thiện, dụng tâm ác đưa tới quả báo đau khổ. Cũng như người trồng dưa thì sẽ có cây dưa và quả dưa để ăn. Không thể trồng dưa mà lại mọc ra cây đậu. Tất nhiên, trồng dưa vẫn có thể không có dưa ăn, nếu không biết trồng. Hơn nữa, dù cho có biết trồng thì cũng phải có thời gian nhất định, cây dưa mới mọc và lớn lên và cho quả. Tạo nghiệp ác hay nghiệp thiện cũng như vậy, nghĩa là phải có đủ nhân duyên và thời gian thích hợp thì mới có quả báo thiện hay ác. Có người tuy hiện nay tạo ra nhiều nghiệp ác, nhưng vẫn sống sung sướng trong hoàn cảnh giàu sang, là vì người ấy trong một kiếp trước đã tạo ra nhiều nghiệp thiện, đến đời này vừa đúng thời gian lại có điều kiện thích hợp cho nên được quả báo lành, được hưởng giàu sang phú quý. Còn những nghiệp ác anh ta tạo ra trong đời sống hiện tại, thì chưa đến thời gian chín muồi, lại chưa có nhân duyên thích hợp, cho nên quả báo ác chưa đến (chứ không phải không đến!).
Hơn nữa, chúng ta cần phân biệt thân thọ nghiệp, tức là nghiệp mà thân cảm thọ, với tâm thọ nghiệp, là nghiệp mà tâm cảm thọ. Một người đã làm điều ác, thì tâm thọ nghiệpbao giờ cũng khổ, anh ta ray rứt không yên. Hay là, trong khi làm điều ác, anh ta có thể thản nhiên, nhưng sau đó, nhất là về đêm, anh ta sẽ hối hận, bức xúc, không ngủ được.
Ngược lại, có người hiện nay có nếp sống rất thiện lành, nhưng đời sống lại nghèo khổ, cơ cực, lại thường gặp nhiều rủi ro, bất hạnh. Đó là do những nghiệp ác mà người ấy làm trong một đời sống trước, đến đời này đã chín muồi, lại gặp nhân duyên đầy đủ, cho nên quả báo đau khổ hiện tiền, không thể tránh được. Nhưng vì anh ta có duyên lành được nghe giảng Phật pháp, hiểu được thuyết nghiệp, cho nên quyết tâm bỏ mọi điều ác, làm mọi điều lành. Người đó tuy sống nghèo khổ, có thể gặp phải nhiều điều bất hạnh ở đời này, do nghiệp ác đã làm trong đời trước nay đã chín muồi, nhưng do hiện tại anh thường xuyên làm điều thiện, cho nên trong tâm vẫn được an vui... Nói tóm lại, nếu đứng về tâm thọ nghiệp thì có thể nói là quả báo xảy ra tức thời, như bóng theo hình, hay là như bánh xe lăn theo chân con bò, đúng như trong kinh Pháp Cú, bài kệ I và II viết:

"Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ tạo tác
Nếu với ý ô nhiễm
Nói lên hay hành động
Khổ não bước theo sau
Như xe chân vật kéo"

"Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ, ý tạo
Nếu với ý thanh tịnh
Nói lên hay hành động
An lạc bước theo sau
Như bóng không rời hình".
-- (Kinh Pháp Cú, bản dịch Th. Minh Châu, tr. 11 và 12)
Hai bài kệ trên còn cho thấy vai trò làm chủ của ý, tức là của dụng tâm đối với thân nghiệp và khẩu nghiệp, tức là nghiệp nơi thân (thân nghiệp) và nghiệp nơi lời nói (khẩu nghiệp). Cũng do vậy mà đạo Phật luôn luôn nhấn mạnh trong thuyết nghiệp là dụng tâm, chế ngự tâm, làm sao cho tâm mình luôn luôn nghĩ thiện, nghĩ lành, tâm luôn luôn được thanh tịnh, trong sáng thì tự khắc mọi nghiệp nơi thân và lời nói cũng sẽ tự khắc trong sáng và thanh tịnh, đời này và đời sau sẽ được an lạc, hạnh phúc.
Không có hành động nhỏ, tầm thường; chỉ có dụng tâm nhỏ, tầm thường
Khi thuyết nghiệp của đạo Phật nhấn mạnh ý nghĩa quyết định của dụng tâm, nó còn cảnh tỉnh chúng ta không nên xem thường những hành động nhỏ nhặt. Vì những hành động nhỏ nhặt và bình thường đó có thể đem lại những hậu quả rất lớn, tích cực hay tiêu cực, thiện hay ác. "Một đốm lửa có thể đốt cháy cả cánh đồng", câu nói này trong dân gian rất đáng suy ngẫm, nếu chúng ta muốn tiến bộ tâm linh và đến gần đích giác ngộ và giải thoát tối hậu.
Thế gian là vô thường, biến đổi trong từng giây phút. Ai có chú ý quan sát đều có thể cảm nhận tánh vô thường đó. Yếu tố quyết định sự thay đổi chính là hành vi của từng cá nhân con người và cộng đồng loài người. Và, nội dung chính của hành vi là cái dụng tâmcủa chúng ta. Đạo Phật cho rằng không có kẻ thù nào hại mình hơn là cái tâm nghĩ bậy làm hại mình. Cũng không có người nào giúp ích được mình hơn là cái tâm của mình nghĩ thiện, nghĩ lành. Vì vậy mà kinh Phật khuyên phải luôn chánh niệm tỉnh giác. Hai bài kệ 42 và 43 của kinh Pháp Cú viết như sau:

"Kẻ thù hại kẻ thù
Oan gia hại oan gia
Không bằng tâm hướng tà
Gây ác cho tự thân"

"Điều mẹ cha, bà con
Không có thể làm được
Tâm hướng chánh làm được
Làm được còn tốt hơn"
-- (Kinh Pháp Cú, bản dịch Th. Minh Châu, tr. 32-33)
Trong đạo Phật, Bồ Tát tiêu biểu cho những người phát tâm rộng lớn, thường được gọi là vô lượng tâm. Sách Phật thường nói tới Bốn tâm vô lượng là từ, bi, hỷ, xả. Kinh Từ Biđịnh nghĩa lòng từ vô lượng như là lòng thương của người mẹ đối với đứa con một của mình. Lòng bi vô lượng là lòng thông cảm sâu sắc với nỗi khổ của tất cả mọi loài. Lòng hỷ vô lượng là lòng sẵn sàng chia sẻ niềm vui với tất cả mọi loài. Và cuối cùng, lòng xả vô lượng là tâm của vị Bồ Tát rộng lớn như hư không, như biển cả không còn bợn chút vị kỷ, không còn vướng mắc dù là một chút hệ lụy thế tục, cho nên vị Bồ Tát có thể dũng mãnh hy sinh để cứu độ tất cả chúng sanh ra khỏi biển khổ.
Vì có dụng tâm lớn như vậy, cho nên việc làm của vị Bồ Tát thật khó mà đánh giá được theo bậc thang giá trị bình thường. Công đức của họ là vô lượng vô biên. Vì họ làm bất cứ công việc gì, nhỏ cũng như lớn, với Bốn tâm vô lượng như vậy, cho nên công đức của họ cũng là vô lượng.
Chúng ta có thể có một khái niệm về tâm vô lượng của Bồ Tát, qua bốn lời nguyện:

"Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành"
Một truyền thống rất đẹp và cũng rất có ích về mặt giáo dục nhân cách của Tăng chúngPhật giáo trong các chùa, tu viện là làm bất cứ việc gì cũng đề cao ý nghĩa biểu trưng của việc đó đối với sự nghiệp độ thoát chúng sanh, tẩy sạch mọi phiền nào, thành tựuđạo giải thoát và giác ngộ vô thượng, cả những việc hàng ngày như quét sân, bửa củi, phóng uế v.v..., họ cũng nghĩ tới sự nghiệp độ sanh, nhiệm vụ giữ gìn tâm mình luôn luôn trong sạch, thanh tịnh v.v...
Thực ra, sự phân biệt giữa tâm thọ nghiệp và thân thọ nghiệp rất là tương đối. Khi chúng ta nhìn một người ở nhà lầu, đi ô-tô, có một địa vị xã hội cao thì chúng ta nói người ấy có một thân thọ nghiệp sung sướng, để phân biệt với một loại cảm thọ khác mà cũng người ấy đang chịu đựng. thí dụ, anh ta có một người vợ ngoại tình, không chung thủy, có một đứa con trai lêu lổng, không chịu học hành, một đứa con gái mất nết, bị bệnh AIDS v.v..., và chúng ta nói, anh ta đang có một tâm thọ nghiệp khổ sở, vì những chuyện gia đình bất hạnh. Chúng ta hãy đi sâu thêm một bước nữa và hỏi: Với một tâm trạng đau khổ như vậy, con người này có cảm thấy sung sướng được ở nhà lầu, đi ô-tô và có địa vị xã hộicao hay không? Chắc chắn là không. Chỉ nhìn bộ mặt thiểu não của ông ngồi trên ô-tô thì biết ngay.



Trên thực tế, tâm dao động hay ức chế thì sẽ không có cảm thọ gì hết. Đúng như Khổng Tử nói: "Tâm bất tại yên, thị nhi bất kiến, thính nhi bất văn, thực nhi bất tri kỳ vị" (Tâm mà không hiện hữu, thì nhìn mà không thấy, nghe mà không biết, ăn mà không biết mùi vị).
Nói tâm không hiện hữu cũng như nói "tâm nghĩ đâu đâu".
Chúng ta một lần nữa, trở về với một chân lý của đạo Phật: Ở trong con người tâm là cái quyết định, cái làm chủ. Hãy tu tập tâm để cho tâm bao giờ cũng trong sáng, thuần thiện, không nhỏ nhen vị kỷ, mà có tình thương rộng rãi đối với mọi người, mọi loài. Tự khắc, mọi nghiệp chúng ta tạo ra đều thiện lành, và chúng ta sẽ có một đời này và đời sauhạnh phúc.
2)- Nghiệp của người sắp chết: một vấn đề phức tạp
Trên đây đã trình bày thuyết nghiệp của Phật giáo trên những nét đại cương. Một thuyết dễ được chấp nhận, vì nó công bằng, và đề cao trách nhiệm của con người đối với cuộc sống, của bản thân cũng như đối với cuộc sống xã hội. Cuộc sống đó hạnh phúc hay bất hạnh không phải là do thần thánh xếp đặt, mà là do tự bản thân chúng ta. Cuộc sống xã hội cũng vậy, nó do nỗ lực tập thể của cộng đồng người trong xã hội đó quyết định, chứ không phải do thần thánh nào an bài.
Tuy nhiên, trong thuyết nghiệp cũng có một vài vấn đề phức tạp, cần làm sáng tỏ. Thí dụ, vấn đề nghiệp của người khi lâm chung.
Theo thuyết nghiệp của đạo Phật, tâm trạng của người sắp chết có ảnh hưởng rất lớn đến hướng tái sanh của người đó ở kiếp sau. Nếu đó là tâm trạng thiện lành, vui vẻ, tỉnh táo thì có thể đoan chắc người đó sẽ được tái sanh vào các cõi lành, cõi sung sướng, tức là cõi người và cõi trời. Trái lại, nếu người đó bị hôn mê, vật vã, la hét như là cảnh khổ đang hiện tiền, thì có thể đoan chắc người đó sẽ tái sanh vào các cõi khổ, như địa ngục, quỷ đói và súc sanh. Cuộc sống của chúng ta như thế nào, thì chúng ta sẽ có một cái chết và một đời sống kiếp sau tương xứng với cuộc sống đó. Người sống với lòng tốt, có đạo đức, với tâm hồn luôn trong sáng và bình thản, thì sẽ được hưởng một cái chết tỉnh táo, nhẹ nhàng, như lá rụng mùa Thu, và một đời sống kiếp sau an lạc, sung sướng. Đó là một quy luật hết sức công bằng và hợp lý.
Vì vậy, cái được gọi là nghiệp gần chết (sách Hán gọi là cận tử nghiệp) thực ra là kết quả hợp thành của tất cả các nghiệp mà con người đó đã tạo ra trong cả một đời. Đây không phải là một vấn đề lý thuyết, mà là một vấn đề rất thực tiễn. Mọi người sắp chết đều nhớ lại, thấy lại mọi nghiệp thiện hay ác mà mình đã tạo ra trong suốt cuộc đời, kể cả những ảnh hưởng tiêu cực hay tích cực, mà những nghiệp đó đã gây ra cho những người khác. Nếu đa số những nghiệp đó là thiện, thì tâm trạng của người sắp chết sẽ an vui. Anh ta sẽ chết một cách thanh thản, đời sống kiếp sau của anh ta sẽ được sung sướng. Trái lại, nếu sống nghiệp ác nhiều hơn sống nghiệp thiện, nhất là có những nghiệp ác lớn, nặng nề thì anh ta sẽ cảm thấy đau khổ, hối hận, ray rứt trong tâm. Anh ta có một cái chết bức xúc, vật vã, đời sống kiếp sau của anh ta sẽ bất hạnh. Thậm chí, anh ta có thể bị mất thân phận làm người, sẽ phải đọa xuống những cõi sống cực khổ hơn cõi người rất nhiều.
Tác dụng của việc tổ chức hộ niệm cho người sắp chết
Có người tin rằng nếu mời chư Tăng tụng kinh hộ niệm cho người sắp chết, thì sẽ giúp cho người chết tái sanh vào cõi lành. Niềm tin đó có đúng hay không?
Hộ niệm là tụng niệm để gia hộ hay hỗ trợ. Vai trò quyết định vẫn là nghiệp của người đương sự, người sắp chết. Nếu nghiệp của người sắp chết nặng như tảng đá, thì dù có đông đảo chư Tăng hộ niệm, người đó cũng không thể tránh phải đọa vào các cõi ác, cũng như tảng đá nặng không thể nổi lên được, mà phải chìm. Trái lại, một người sống thiện, nghĩ thiện, nói và làm đều thiện lành, thì dù có bao nhiêu kẻ thù lập đàn cầu đảocho anh ta phải xuống địa ngục, anh ta cũng vẫn được sanh vào cõi lành, cũng như một chiếc ghe chứa đầy bơ sữa, dù ai muốn nhận chìm cũng không được.
Nói tóm lại, chúng ta phải chuẩn bị cái chết của chúng ta, ngay khi chúng ta còn sống khỏe mạnh, còn đầy đủ tinh thần tỉnh táo. Chúng ta chuẩn bị bằng cách ngày ngày tạo ra các nghiệp lành nơi ý nghĩ, lời nói và việc làm, bằng cách tu tập tâm, khiến cho tâm bao giờ cũng trong sáng, thuần thiện. Sống như vậy thì chết sẽ thanh thản, an vui, đời sốngkiếp sau sẽ hạnh phúc, sung sướng, không còn phải lo âu sợ hãi gì nữa.
3)- Kết luận: Tầm quan trọng lớn lao của thuyết nghiệp đối với cá nhân và xã hội
Thuyết nghiệp, nếu được giảng giải rõ, phân tích kỹ và phổ biến rộng rãi thì sẽ có tác dụng to lớn cải thiện cuộc sống đạo đức của cá nhân và xã hội.
Mỗi cá nhân đều có ý thức đầy đủ trách nhiệm của mình đối với mỗi hành vi, lời nói và ý nghĩ của mình. Mỗi cá nhân đều lo lắng làm sao cho mỗi hành động của mình, mỗi lời nóivà ý nghĩ của mình đều thiện lành, có ích đối với bản thân, đối với người khác và đối với toàn xã hội. Mỗi cá nhân đều có nhận thức sâu sắc gây thiệt hại cho người, cho xã hộitức là gây thiệt hại cho bản thân mình trước, và giúp đỡ người tức là giúp đỡ mình. Nhờ có nhận thức đúng đắn về thuyết nghiệp, cho nên mọi người đều sống lạc quan, không còn lo âu sợ hãi, cũng không cần mất tiền và mất thời giờ đi xem tướng, xem bói, không nhờ thầy cúng sao hay là xem nhà, xem đất v.v... Chính phủ không cần hô hào bài trừ mê tín dị đoan, mà mọi biểu hiện mê tín dị đoan sẽ dần dần bị loại trừ ra khỏi xã hội, nếu thuyết nghiệp được phổ biến rộng rãi.
Nhờ sống đạo đức và hay giúp đỡ mọi người, cho nên tâm của người Phật tử hiểu thấu thuyết nghiệp bao giờ cũng yên vui, thanh thản. Niềm vui sâu lắng đó hơn hẳn những niềm vui giả tạo do những trò giải trí không lành mạnh đem lại, như cờ bạc, ma túy, rượu chè nhậu nhẹt, quan hệ tình dục bừa bãi v.v... Do đó, nếu tất cả mọi người trong xã hộiđều sống như thế, thì các tệ nạn xã hội sẽ dần dần bị loại trừ.
Sống khỏe mạnh, không bệnh tật là điều ai cũng muốn, nhưng không phải ai cũng được khỏe mạnh, sống lâu. Có những người trông bề ngoài khỏe mạnh, nhưng lại chết sớm. Lại có người tuy gầy yếu mà không mang bệnh tật gì, lại sống rất thọ. Thuyết nghiệp dạy rằng, lý do sâu xa khiến cho người ta sống mạnh khỏe, không bệnh tật và sống thọ là do người ấy, trong một kiếp trước, biết tôn trọng sự sống của người khác và của muôn loài, không gây thiệt hại cho sự sống của người khác và muôn loài.
Sống ở đời, ai cũng muốn được giàu có, dư dật. Có người làm ăn vất vả suốt ngày vẫn không đủ ăn, trái lại có người không làm việc gì nhiều, nhưng lại không thiếu thốn một thứ gì. Thuyết nghiệp dạy rằng người bây giờ nghèo, là do ở đời sống trước, anh ta keo kiệt, không biết bố thí giúp đỡ người khác. Còn người sống ngày nay giàu có, dư dật là vì ở đời sống trước, anh ta có tấm lòng tốt thương người, lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ người khác về tiền của và cơm ăn, áo mặc. Trong một xã hội mà ai ai cũng hiểu rõ thuyết nghiệp, họ luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác.
Sống ở đời không ai muốn mình làm người xấu xí, mà đều muốn làm người có dung sắc đẹp đẽ, nhất là chị em phụ nữ. Muốn có sắc đẹp và trẻ lâu, chị em thường đi mỹ viện và tập thể dục thẩm mỹ. Thế nhưng, điều khó khăn là có người sinh ra là đã rất đẹp rồi, chỉ cần sửa sang thêm là có thể thành một tuyệt sắc giai nhân. Trái lại, có người sinh ra đã có một thân hình mất cân đối, mặt bủng da chì, và khuôn mặt xấu xí, răng vẩu, mắt xếch. Thuyết nghiệp dạy rằng muốn có dung sắc đẹp, thì đừng có giận dữ, phải biết nhẫn nhục, và sống hiền lành, có từ tâm.
Ở đời, ai cũng muốn có nhiều bạn bè tốt để giúp đỡ mình, đều muốn được có nhiều người tin mình, quý trọng mình. Và cũng có những người được như vậy thật. Họ đi đâu, làm gì cũng được nhiều người mến chuộng; nói gì, làm gì cũng được nhiều người tin theo. Trái lại, cũng không ít người sống cô đơn, không bạn bè, làm gì cũng không được người khác giúp đỡ, nói gì cũng không ai tin theo. Đó là do một người từ đời trước cũng như đời này, biết sống trung thực, không dối trá, sống đoàn kết với mọi người, không bao giờ gây chia rẽ. Còn người kia thì trái lại, trong đời sống trước và cả đời này cũng vậy, sống không trung thực, hay nói dối, lại hay gây chia rẽ v.v...
Như chúng ta thấy, nếu thuyết nghiệp của đạo Phật được giảng giải rõ ràng và phổ biếnrộng rãi trong xã hội, thì xã hội này sẽ tốt đẹp biết bao! Từng mỗi con người sẽ có cuộc sống tốt đẹp biết bao!
-oOo-
Phụ lục: Mười nghiệp ác và mười nghiệp thiện
Đạo Phật phân biệt có ba nghiệp ác về thân là: 1- Sát sanh; 2- Lấy của không cho; 3- Tà dâm hay là quan hệ tình dục không chính đáng.
Ba nghiệp trên, nếu không làm, mà trái lại biết tôn trọng sự sống của muôn loài, hay bố thí và giúp đỡ người khác, sống cuộc sống tình cảm chân chính, trong sáng, không xâm phạm hạnh phúc gia đình người khác; nếu sống được như vậy tức là đã có ba nghiệpthiện về thân.
Sách Phật phân biệt có bốn nghiệp ác về lời nói, tức là:
1- Nói dối; 2- Nói lời ác; 3- Nói lời chia rẽ; 4- Nói lời vô nghĩa, nói không đúng thời, đúng chỗ.
Bốn điều ác trên mà không làm, trái lại đã không nói dối mà nói lời chân thật, đã không nói ác mà nói lời dịu hiền, đã không nói chia rẽ mà nói lời đoàn kết, đã không nói lời vô nghĩa mà nói toàn những lời có giá trị, đúng thời và đúng chỗ, thì đó là bốn nghiệp thiện về lời nói.
Cuối cùng, đạo Phật phân biệt có ba nghiệp ác về ý nghĩ là: 1- Tham lam; 2- Sân giận; 3- Tà kiến.
Nếu ngược lại, đã không tham lại hay bố thí và giúp đỡ người khác, đã không giận dữ lại còn biết lấy ơn báo oán, đã không có và tuyên truyền những tà kiến, như không tin có luật nhân quả, không tin là có các bậc Thánh đã giác ngộ và giải thoát v.v..., đã không có tà kiến lại còn thường xuyên giảng giải, tuyên truyền về luật nhân quả - nghiệp báo, khuyến khích mọi người bỏ ác, làm thiện, đó là mười thiện nghiệp./.
Câu hỏi hướng dẫn ôn tập
1)- Định nghĩa nghiệp là gì?
2)- Vì sao không nên coi thường những việc làm bình thường, gọi là "nhỏ nhặt"?
3)- Vì sao nói thân thọ nghiệp, về thực chất cũng là tâm thọ nghiệp; mặc dù vẫn có sự phân biệt giữa thân thọ nghiệp và tâm thọ nghiệp?
4)- Cận tử nghiệp là gì? Vì sao nói cuộc sống đạo đức hàng ngày ảnh hưởng lớn tới cận tử nghiệp lúc lâm chung?
Source: Nguyệt san Giác Ngộ, Sài Gòn, 1999-2000



Phần II - Bài đọc thêmThuyết Tái sanh
Minh Chi
Dàn bài và những ý chính

Phần I - Bốn quan niệm về sống và chết:
1- Triết phái duy vật cổ đại ở Ấn Độ: Chết là hết - Ý nghĩacao nhất của nhân sinh là hưởng thụ.

2- Phái hoài nghi: Không thể và không cần biết chết là gì, khi đang còn sống.

3- Thuyết của một số tôn giáo thần quyền, cho rằng chỉ có một lần sống và chết.

4- Quan niệm Phật giáo về sống và chết: Quan niệm sống và chết nhiều lần. Chết rồi lại sống tiếp một đời khác, mà thân phận và hoàn cảnh được quyết định bởi hành vi trong đời này (thuyết nghiệp).Phần II - Các chứng cứ của thuyết tái sanh.

Phần III - Thân trung hữu và các vấn đề có liên quan.

Phần IV - Kết luận: Ý nghĩa giáo dục to lớn của thuyết tái sanh.
-oOo-





I- Nội dung của thuyết Tái sanh, và bốn quan niệm về Sống và Chết
Thuyết tái sanh khẳng định rằng, con người cũng như mọi loài hữu tình, không phải chỉ sống một đời, mà đã từng sống nhiều đời, và sau đời sống này, sẽ tiếp tục sống nhiều đời nữa. Và sức mạnh, dẫn con người sống đi sống lại nhiều đời như vậy là nghiệp lực, tức là sức mạnh của nghiệp. Thành quả của mọi việc làm của chúng ta trong đời này, tạo thành một sức mạnh, gọi là sức mạnh của nghiệp tái sanh, đẩy chúng ta tới một cuộc sống mới, một cuộc đời khác, trong đó thân phận và hoàn cảnh sống của chúng ta là do thành quả các nghiệp của đời này quyết định.
Thuyết tái sanh và thuyết nghiệp có liên quan mật thiết với nhau, nương tựa vào nhau. Đời người, nói chung quá ngắn ngủi, khoảng trên dưới 100 năm, cho nên có nhiều nghiệp tuy tạo ra trong đời này, nhưng phải chờ tới đời sau, hay thậm chí tới đời sau nữa mới chín muồi, và đem lại quả báo. Không có tái sanh, thì thuyết nghiệp sẽ không thành tựu.
Có những triết thuyết và tôn giáo không chấp nhận thuyết tái sanh. Thí dụ:
1)- Chủ nghĩa duy vật cổ đại ở Ấn Độ
Chủ nghĩa duy vật thời Ấn Độ cổ đại có tên Sanskrit là Carvaka. Những người theo thuyết này cho rằng, người ta chỉ sống và chết một lần. Chết là hết, không còn gì nữa. Mục đích của đời người, theo họ là hưởng thụ càng nhiều càng hay, là sống cho thật sung sướng. Carvaka có gốc từ Sanskrit là car nghĩa là ăn. Phái này tuyên bố họ chỉ biết ăn mà thôi, còn thì họ chối bỏ mọi trách nhiệm về hành động của mình.
2)- Chủ nghĩa hoài nghi và bất khả tri luận
Khổng Tử nói: "Sống còn chưa biết thì biết chết làm gì?". Lời nói trên phản ánh thái độcủa Khổng Tử, cho rằng con người không thể biết và cũng không cần biết chết là gì.
Epicuya, nhà triết học Hy Lạp cổ đại (341-270 B.C) thì cho rằng: "Khi sống thì không thể biết chết là gì, còn khi đã chết rồi thì lại càng không thể biết chết là gì". Câu nói này cho thấy nhà triết học Hy Lạp này tin rằng, sự chết là chuyện không thể biết được đối với con người, cho nên, tìm hiểu sự chết là chuyện vô ích. Đó là một loại "chủ nghĩa hoài nghi và bất khả tri luận" khá triệt để.
3)- Con người chỉ sống và chết một lần, sau khi chết sẽ lên thiên đàng sống với Thượng đế hay là xuống địa ngục sống vĩnh viễn với quỷ
Đây là quan niệm về sống và chết của một số tôn giáo thần quyền. Quan niệm này thường tạo ra một tâm lý bức xúc, lo âu, vì con người không biết mình có được Thượng đế ban ơn hay không. Nếu không được ban ơn thì có nỗ lực sống đạo đức cũng vô ích. Theo quan niệm của một số tôn giáo thần quyền, đời sống con người đầy tội lỗi, dù là trẻ sơ sinh cũng đã phạm nguyên tội, cho nên để được cứu rỗi, thì chỉ có sự ban ơn của Thượng đế mà thôi.
4)- Quan niệm Phật giáo về sống và chết
Thuyết nghiệp báo - tái sanh của đạo Phật đề cao trách nhiệm của con người đối với cuộc sống của mình ở đời này và cả đời sau. Do đấy cũng kêu gọi con người phải có ý thức trách nhiệm đầy đủ về mọi hành vi, lời nói và ý nghĩ của mình hàng ngày, hàng giờ, thậm chí trong từng giây phút của cuộc sống, khuyến khích con người luôn luôn nghĩ thiện, làm thiện, tránh mọi ý nghĩ, lời nói và việc làm bất thiện. Có thể nói, thuyết nghiệp và tái sanh động viên mọi người luôn nỗ lực để sống thiện, đạo đức.
II- Các chứng cứ của thuyết Tái sanh
* Kinh Phật ghi lại những lời Phật khẳng định có tái sanh
"Với thiên nhãn thanh tịnh, hoàn toàn vượt xa con mắt của loài người, Bồ Tát nhìn thấy chúng sanh chết rồi tái sanh, ở các đẳng cấp cao quý hay bần tiện, thân phận giàu sanghay nghèo hèn, cao hay thấp..." (Trích quyển Lalistavatara).
Theo sách Lalistavatara, vào canh đầu đêm, Đức Phật ngồi thiền định dưới gốc cây bồ đề, Ngài đã đạt tới cái nhìn sáng suốt, thấy được các đời sống trước của chúng sanh. Cần chú ý là Thế Tôn không phải nhớ lại, mà là nhìn thấy với con mắt Phật của Ngài, chứ không phải là nhớ lại như với trí nhớ bình thường của chúng ta.
"Rồi vào canh giữa của đêm thành đạo, vị Bồ Tát hướng tâm của Ngài nhớ lại các kiếp sống trước của chúng sanh cũng như của bản thân Ngài, nhớ lại một đời, hai, ba, bốn, năm, hai mươi đời, vô lượng đời trước đây..." (Sách Lalistavatara đã dẫn).
Không những chỉ có Đức Phật, mà các vị đệ tử lớn của Ngài, sau khi chứng quả A La Hán, cũng đạt được Túc mạng thông, tức là quyền năng nhớ lại các kiếp trước của mình. Không phải chỉ có tu sĩ Phật giáo, mà cả những tu sĩ ngoại đạo, tu luyện thiền định có kết quả cũng có Túc mạng thông.
* Những hiện tượng và lý lẽ khác chứng minh thuyết tái sanh
1)- Hiện tượng những trẻ con nhớ lại đời sống trước của chúng
Ở châu Á cũng như châu Âu, đã thu thập được nhiều tài liệu về hiện tượng này. Thông thường, đó là những trường hợp đột tử, chết một cách không bình thường, như bị tai nạnxe cộ, hay bị giết v.v... Người chết tái sanh vào một gia đình, ở không xa lắm nơi mình chết. Đến tuổi nói và đi lại được, cậu hay cô bé yêu cầu được dẫn về thăm nơi ở trước đây, trong đời sống trước, thăm lại cha mẹ, thậm chí cả người vợ góa của mình. Có những trường hợp thân hình cậu hay cô bé tái sanh mang dấu vết của sự cố hay tai nạnđã khiến các em bị chết trong đời sống trước.
Giáo sư Ian Stevenson, thuộc trường Đại học Mỹ Virginia đã nghiên cứu cẩn thận 1.600 trường hợp "nhớ lại đời sống trước một cách tự nhiên" (Xem Ian Stevenson, Twenty cases suggestive of reincarnation - Hai mươi trường hợp gợi ý có tái sanh - Nxb trường Đại học Virginia, 1974).
2)- Hiện tượng người lớn nhớ lại các đời sống trước của mình
Khác với sự nhớ lại tự nhiên của trẻ con ngay về đời sống trước của chúng, trường hợpnhững người lớn tuổi nhớ lại những đời sống, có thể cách rất xa đời sống hiện tại. Trước hết, đó là trường hợp của những đạo sĩ Du Già Ấn Độ hay là những tu sĩ Phật giáo tu tậplâu năm về thiền định. Sau khi tu tập bốn cấp thiền của Sắc giới và chứng cấp thiền thứ năm, họ chứng được Túc mạng thông, nhớ lại các đời sống trước của họ, cùng với một số quyền năng khác.
Ở nước Anh, có hiện tượng lạ lùng của bà Joan Grant, bà này kể rằng bà đã từng tu tậpđịnh tâm phát triển trí nhớ trong 10 năm, khi bà là công chúa Sekeeta, dưới triều đại đầu tiên của Ai Cập cổ đại. Và trong đời sống hiện nay, bà vẫn giữ lại được quyền năng siêu nhiên "Túc mạng thông" đó cùng với một số quyền năng khác. Trong một loạt sách xuất bản dưới dạng truyện ngắn, bà đã kể lại khá chi tiết các kiếp sống tiếp tục của bà, đặc biệt là kiếp sống đầu tiên bà nhớ lại được, khi bà là công chúa Ai Cập Sekeeta. Một số nhà Ai Cập học thừa nhận tính chính xác lịch sử của nhiều chi tiết bà kể về đời sống của công chúa Sekeeta.
Ở Mỹ, có trường hợp bác sĩ John Lilly tuyên bố đã nhớ lại được những kiếp sống trước của mình, trong khi bác sĩ nghiên cứu các tầng lớp sâu của tâm thức. Để có thể tập trung tư tưởng, ông thiết kế một hầm kín đặc biệt (an isolation tank), trong đó ông có thể ngồi yên, không bị quấy rối bởi các kích thích của ngoại cảnh.
3)- Hiện tượng một người thấy và kể lại kiếp sống trước của những người khác
Hiện tượng này rất hiếm có. Ngay trong đạo Phật, chỉ có Đức Phật và một số đệ tử hàng đầu như ngài Xá Lợi Phất mới có được quyền năng này, được gọi là Chúng sanh trí, chứ không gọi là Túc mạng thông.
Tuy nhiên, ở ngoài đời cũng có một vài người hiếm hoi có được năng khiếu lạ lùng đó, mà một ví dụ là Edgar Cayce, một người Mỹ sanh ở Kentucky năm 1877. Cuộc đời và sự nghiệp của Cayce được Germinara kể lại trong các cuốn sách, mang tựa đề "Thế giới nộitâm" (The world within), và cuốn "Nhiều lâu đài" (Many mansions), đều xuất bản tại Luân Đôn trong các năm 1967 và 1973. Cayce có năng khiếu lạ lùng là, khi được thôi miên, anh ta bỗng nhiên trở thành một bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác, kê đơn thuốc trị bệnh và dùng những ngôn từ y khoa, mà khi tỉnh dậy, ông ta không bao giờ biết và nói tới. Ông ta có thể chữa bệnh cho những người ở cách ông ta hàng trăm dặm, mà ông ta chỉ được cho biết tên họ và địa chỉ mà thôi. Đối với một số bệnh nhân, ông chẩn đoán là không phải do nguyên nhân vật chất và sinh lý, mà do những nghiệp đã tạo ra trong một kiếp trước. Vì vậý, đối với số bệnh nhân này, ông tuyên bố không cần thuốc mà chỉ cần giải nghiệp bằng những hoạt động tâm linh thích hợp. Nên nhớ rằng, Cayce là một tín đồ đạo Thiên Chúa, và khi tỉnh dậy, ông rất ngạc nhiên và hoảng hốt khi biết là mình đã dùng những từ trái với Kinh Thánh như là nghiệp (karma) và đời sống kiếp trước. Nhưng sau đó, ông cũng yên tâm vì được giải thích là trong Kinh Thánh, không có đoạn nào chống đối cụ thể thuyết nghiệp và tái sanh. Từ năm 1923 cho tới năm 1945 là năm ông qua đời, Cayce được yêu cầu mô tả lại đời sống kiếp trước của 2.500 trường hợp là bệnh nhân hay những người đến yêu cầu. Có trường hợp, cha mẹ một đứa bé sơ sinh bế con đến và yêu cầu Cayce nói rõ kiếp trước của đứa bé, và nhờ đoán xem tương lai, vận mệnhcủa đứa bé sẽ ra sao. Được hỏi về các kiếp trước của mình, Cayce cho biết, ông ta trong một đời sống trước, từng là một giáo sĩ cao cấp ở xứ Ai Cập cổ đại, chứng được nhiều quyền năng siêu nhiên, nhưng sau bị sa ngã vì tánh ích kỷ và quan hệ tình dục bất chính. Cayce xem tái sanh ở đời này là một cơ hội để ông ta chuộc lại những lỗi lầm xưa bằng một đời sống hoàn toàn phục vụ lợi ích cho quần chúng.
4)- Hiện tượng mộng
Có ba loại mộng. Hai loại mộng thứ nhất và thứ hai có liên quan tới những sự việc ở đời này, có thể là chuyện quá khứ hay là chuyện tương lai, nhưng đều hạn chế trong phạm vithời gian của đời này. Loại mộng thứ ba có liên quan tới những sự việc xảy ra ở một đờisống trước hay là tới đời sống tương lai. Thí dụ, một người nằm mơ thấy mình đang bay trên không. Một người bay như chim là chuyện không thể có trong đời này, ít nhất là với trình độ khoa học hiện tại. Có thể giải thích con người này trong một đời sống trước, đã từng là một loài trời có thân hình nhẹ nhàng, có thể di chuyển trên không được. Một trường hợp khác là người gần chết có thể nằm mơ thấy trước thân phận mình ở kiếp sau. Nếu phải đọa vào các cảnh sống ác như địa ngục, súc sanh, quỷ đói thì nằm mơ thấy các cảnh rùng rợn, ghê sợ. Nếu có nhiều phước đức, sẽ được tái sanh lên các cõi trời, thì nằm mơ thấy những cảnh giới vô cùng đẹp đẽ ở các cõi trời: phong cảnh xinh tươi, nhà cửa tráng lệ. Loại mộng thứ ba này chứng minh là có đời sống trước, cũng như có đời sống kiếp sau.
5)- Hiện tượng liên tục của tâm thức
Tâm thức của con người là một dòng chảy liên tục của các niệm. Niệm trước diệt thì niệm sau sanh khởi. Tác động của ngoại cảnh có thể làm cho niệm sau thay đổi, nhưng đó là một tác dụng phụ, hỗ trợ. Còn nguyên nhân chính bao giờ cũng là một niệm trướcdiệt, dọn đường cho niệm sau sanh khởi, và cứ như vậy, dòng chảy liên tục, không đứt quãng của tâm thức từ đời này sang đời khác cho đến khi con người được giải thoát ra khỏi vòng sanh tử luân hồi mới thôi. Vậy thì, nguyên nhân khiến cho niệm đầu tiên trong bào thai sanh khởi là gì? Theo Phật giáo, đó chính là niệm cuối cùng của người sắp chết, ở đời trước.
6)- Hiện tượng "người bị ám"
Các bác sĩ tâm thần nói tới hiện tượng lạ lùng có người bị lưỡng phân, hình như có hai người cùng sống những đời sống khác nhau cùng trong một người. Hai con người đó có lối sống hoàn toàn khác nhau, một người chẳng hạn, ban ngày thì ứng xử như một người rất đạo đức, rất mô phạm, nhưng đêm tới lại sống như một con quỷ tình dục, tìm cáchcưỡng hiếp bất cứ phụ nữ nào anh ta gặp trong đêm. Các bác sĩ nói, con người thật của anh ta là con người ban ngày, còn ban đêm thì anh ta bị ám (to be possessed). Nhưng đó chỉ là một cách giải thích, mà lý trí bình thường khó chấp nhận. Một cách giải thíchkhác, có thể dùng để chứng minh thuyết tái sanh, là con người đó, trong một đời sống trước đã từng ăn chơi trác táng, quan hệ tình dục bừa bãi. Sự hồi tưởng đó mãnh liệt tới mức, anh ta như bị hôn mê, và một cách vô thức, sống như một người trác táng thật sự... cho đến khi anh ta tỉnh lại, và sống như con người bình thường.
Cũng xếp vào loại trường hợp này là câu chuyện của một bác sĩ tâm thần, phải chữa bệnh sợ nước cho một người sợ nước tới mức không chịu tắm rửa. Bác sĩ tâm thần thôi miên người bệnh, và động viên anh ta, trong lúc ngủ mê, nhớ lại đời sống trước của mình. Và anh ta kể lại là trong đời sống trước, anh ta đi một chuyến tàu biển, tàu đắm trong một cơn bão và anh ta bị chết đuối. Khi chết đuối, tinh thần anh ta bị căng thẳngcực độ, tạo ra một tâm lý sợ nước, vẫn tồn tại mãi cho tới cuộc sống hiện tại. Tìm hiểuđược nguyên nhân của bệnh sợ nước của bệnh nhân rồi, bác sĩ chỉ cần đánh thức anh ta dậy, ôn tồn giải thích cho anh ta rõ, "sợ nước" là chuyện đắm tàu của đời sống trước đây, và thế là bệnh nhân dần dần khỏi bệnh mà không cần phải thuốc thang gì.
7)- Hiện tượng tiếng sét ái tình
Có những mối tình nảy nở ngay lần gặp gỡ đầu tiên, nhưng rất sâu sắc đậm đà, tuy chưa từng trải qua một thời gian tìm hiểu nào. Sách Phật kể truyện Matanga, một thiếu nữthuộc đẳng cấp hạ tiện Thủ Đà La, đang kéo nước ở giếng, thì gặp ngài A Nan, thị giảPhật, đi qua xin nước uống. "Ngài không biết em là thuộc đẳng cấp Thủ Đà La hay sao mà lại xin nước?".
Ông A Nan trả lời: "Tôi xin nước chứ có xin đẳng cấp đâu !".
Thế là từ đó, nàng Matanga đem lòng yêu thương ngài A Nan. Tình yêu mãnh liệt đến nỗi, ngài A Nan đi đâu, Matanga cũng theo sau bén gót, khiến cho trong thành phố có tiếng đồn không hay đối với tu sĩ. Phật biết chuyện, cho gọi Matanga đến, cho phépxuống tóc đi tu làm Ni. Matanga sau khi xuất gia, học tu tinh tiến, không bao lâu nổi tiếngkhắp kinh thành là một Ni sư có trình độ Phật học uyên bác.



Vua Ba Tư Nặc và các đại thần nghe chuyện lạ, bèn đến thăm và hỏi Phật về lai lịch Matanga. Phật giải thích là ngài A Nan và Matanga đã từng là vợ chồng trong một đờitrước, nàng Matanga lại có duyên với Phật pháp, cho nên đã xảy ra câu chuyện tình yêu trái thường như trên, không có gì đáng làm lạ.
Trên đây là một câu chuyện điển hình trong sách Phật. Ngoài đời, trên sách báo xưa và nay, những chuyện như vậy không hiếm.
8)- Hiện tượng hai người gặp nhau lần đầu mà như đã từng quen biết từ lâu
Hiện tủợng này khá nhiều người đã từng gặp phải, nhưng không tự mình giải thích được vì sao. Thuyết tái sanh có thể giải thích dễ dàng là hai người trong một đời sống trước đã từng quen biết nhau, từng là bạn bè đi lại thân thiết với nhau.
9)- Hiện tượng một người lần đầu tiên đến một xứ xa lạ, nhưng lại có cảm giác mình rất quen thuộc xứ này từ lâu rồi
Thuyết tái sanh giải thích là trong một hay nhiều đời sống trước, người này đã từng sống tại xứ này rồi. Ở Anh, có một người ở thành phố Norfolk, chưa từng đi Trung Đông bao giờ, nhưng lại tuyên bố trong một đời sống trước, vào đầu Công nguyên, anh ta từng làm một lính gác tại một trạm gác trong thành phố, và anh ta bị một kẻ thù đâm chết ngay trước trạm gác. Thành phố Petra là một thành phố cổ nổi tiếng ở Jordanie (vùng Trung Đông), được bảo tồn như một di tích lịch sử quốc gia, và được nhiều nhà khảo cổ phương Tây nghiên cứu chu đáo. Người Anh đặc biệt này vốn tên là Flowerdew, được một trong các nhà khảo cổ nói trên tiếp xúc, phỏng vấn và nhà khảo cổ vô cùng ngạc nhiên về sự hiểu biết tường tận của anh ta đối với thành phố cổ Petra. Chính phủ Jordanie biết chuyện này và mời Flowerdew cùng với một đoàn làm phim của Hãng BBC đến thăm Petra. Đoàn nhận thấy, khi Flowerdew tiến gần Petra, đường hẻm dẫn tới cửa thành, khi vào trong thành, anh ta lập tức nhận ra ngay cái trạm gác nơi anh đã từng phục vụ, kể cả nơi anh bị đâm chết v.v...
Câu chuyện này không thể là một hoang tưởng, vì có sự hiện diện của các nhà khảo cổ học đi kèm cùng với đoàn làm phim của Hãng BBC nước Anh. Chỉ có thuyết tái sanh mới giải thích nổi câu chuyện kỳ lạ nhưng rất thực nói trên mà thôi.
10)- Hiện tượng thần đồng
Thuyết tái sanh còn giúp giải thích những hiện tượng thần đồng âm nhạc, như Mozart hay Beethoven, mới 3 hay 4 tuổi đã soạn được những bản nhạc phức tạp ; hay những hiện tượng thần đồng như Stuart Mill và Bentham mới 6, 7 tuổi đã thông thạo nhiều ngoại ngữ. Những thần đồng này trong một đời sống trước đã từng sành âm nhạc và giỏi ngoại ngữ rồi. Đời này, họ không phải học cái gì mới mẻ, mà chỉ là học lại mà thôi.
11)- Hiện tượng những anh em sinh đôi rất khác tính nết
Chỉ có thuyết tái sanh mới giải thích được hiện tượng này, còn thuyết di truyền và bối cảnh giáo dục gia đình không thể giải thích nổi. Sao hai anh em sinh đôi, từ cùng một cha một mẹ, được hưởng một chế độ nuôi dưỡng và giáo dục gia đình hoàn toàn giống nhau, mà một người có bản tính hiền lành, thương người, còn người kia lại trở thành một quỷ dữ, rất hung ác.
12)- Thực nghiệm của những người chết sống lại
Đó là trường hợp những người chết rồi, nhưng sau một thời gian, có thể là nhờ sự can thiệp kịp thời của y tế, mà họ sống trở lại và kể những chuyện họ thấy sau khi chết. Ở phương Tây, tại các nước công nghiệp phát triển, có nhiều tiến bộ trong ngành y tế, người ta ghi nhận có khá nhiều những trường hợp người chết lâm sàng sống lại.
Tuyệt đại đa số những người đó đều cho rằng, chết không phải là cái gì đáng sợ, và sau khi chết, sự sống vẫn tiếp diễn. "Chuyện xảy ra với tôi lúc bấy giờ là một kinh nghiệm rất là không bình thường, mà tôi chưa từng bao giờ có. Nó làm cho tôi tin rằng, có một cuộc sống sau khi chết" (It has made me realize that there is life after death) (Margot Grey - Return from death. An explanation of the meaning of near death experience - Từ cõi chết trở về. Một giải thích về kinh nghiệm gần chết - Boston and London-Arkana. p.205).
Sau đây là một ghi nhận khác:
"Tôi biết là có một cuộc sống sau khi chết ! Không ai có thể lay chuyển được niềm tin đó của tôi. Tôi không còn nghi ngờ gì nữa. Đấy là một cái gì êm dịu, tôi không còn sợ gì hết. Tôi không biết gì thêm bên ngoài thực nghiệm đó. Nhưng nó cũng quá đầy đủ đối với tôi rồi" (Kenneth Ring - In search of the meaning of near death experience - Tìm ý nghĩa của thực nghiệm gần chết - New York. Quill 1985, p.156).
Có thể chép thêm nhiều ghi nhận của những người từng trải qua cuộc thực nghiệm gần chết. Nhưng, tôi thấy hai đoạn chép lại trên đây cũng đủ. Những người kinh qua thực nghiệm gần chết đều tin rằng, chết không phải là hết, sự sống vẫn tiếp tục sau khi con người chết.
III- Cơ chế tái sanh và thân trung ấm
Cơ chế tái sanh được Phật giải thích trong bài "Đại ái tận kinh" thuộc Trung Bộ kinh, như là lệ thuộc vào sự hiện hữu của ba điều kiện: 1- Cha mẹ có giao hợp ; 2- Mẹ ở đúng trong thời kỳ sanh nở, nghĩa là có thể thụ thai ; 3- Sự có mặt của hương ấm (gandhaba).
Hương ấm là gì? Hương ấm là tâm thức mang theo nghiệp của người sẽ tái sanh (ở đây, để đơn giản hóa vấn đề cho dễ hiểu, chỉ bàn trường hợp con người tái sanh lại làm người). Tâm thức mang theo nghiệp đó được sách Phật gọi là nghiệp thức. Nghiệp thứcđó cũng được gọi là kết sanh thức, vì rằng nghiệp thức sẽ kết hợp với tinh trùng của cha và trứng của mẹ để sanh ra bào thai. Nhưng vì sao trong kinh "Đại ái tận", Phật lại dùng từ hương ấm?
Đó là vì, trong phần lớn trường hợp, người chết, trước khi tái sanh, thường trải qua một giai đoạn trung gian ; trong đó, người chết mang một cái thân đặc biệt gọi là thân trung ấm được cấu tạo bằng loại vật chất tế nhị, và được nuôi dưỡng không phải bằng thức ănthô, mà bằng mùi, bằng hương, cho nên gọi là hương ấm.
Vấn đề trung hữu hay trung ấm tức là vấn đề tồn tại của con người (trong bài này, chỉ bàn loài người ; đối với các loài khác, thì cũng tương tự, tuy không phải giống hẳn) sau khi chết. Con người đó sau khi chết, thì tái sanh ngay, hay là kinh qua một thời kỳ nhất định, mà sự tồn tại gọi là trung hữu, mang một cái thân đặc biệt gọi là thân trung ấm.
Nếu có một thời kỳ như vậy, thì trong thời kỳ đó, thân trung ấm có hình dạng như thế nào, hoạt động ra sao, vì sao mắt người không thấy được? Kinh sách Phật - Bắc và Nam tông - nói về vấn đề này như thế nào, các bộ phái Phật giáo bàn về vấn đề này như thế nào?
Sau đây là những bộ phái không chấp nhận có thân trung hữu: Đại chúng bộ, Hóa địa bộ, Phân biệt thuyết bộ, cuốn Thành thực luận (quyển 3), Xá Lợi Phất A tỳ đàm luận, Thượng tọa bộ Nam truyền.
Còn chấp nhận có thân trung hữu là Đông sơn bộ, Chánh lượng bộ, và đặc biệt là Hữu bộ (Nhất thiết hữu bộ - Câu Xá luận) (xem bài "Sanh hữu chi nghiên cứu" của Dương Bá Y trong tập Phật giáo căn bổn vấn đề nghiên cứu, quyển II, tr. 375, bản Hán).
Như vậy thì ai đúng, ai sai? Bên khẳng định đúng hay bên phủ định là đúng?
Kinh Niết Bàn của Bắc tông đã trả lời như sau: "Không nhất định có cũng không nhất định không có thân trung hữu. Nếu là nghiệp cực ác (thí dụ đọa địa ngục) hay là nghiệp cực thiện, như sanh thiên (các cõi trời) thì không có thân trung hữu (nghĩa là hóa sanh). Còn đối với các loại nghiệp khác, thì có thân trung hữu".
Như vậy là theo kinh Niết Bàn của Đại thừa, thì trong đa số trường hợp, nghiệp ác-thiện xen lẫn, không phải cực ác hay cực thiện thì có thân trung hữu, tức là một giai đoạn ngắn hoặc dài, chúng sanh chết rồi nhưng chưa tái sanh. Và, trong giai đoạn trung gian, chết rồi mà chưa tái sanh đó, chúng sanh mang một cái thân đặc biệt gọi là thân trung hữuhay thân trung ấm.
* Thân trung ấm tồn tại trong thời gian bao lâu?
Luận Tỳ Bà Sa khẳng định thời gian tồn tại của thân trung ấm phải rất ngắn. Nhưng bao lâu? Thế Hữu nói tối đa là 7 ngày. Thiết Ma Đạt Đa nói tối đa 49 ngày. Còn Pháp Cứu thì nói bao nhiêu ngày là tùy có đủ nhân duyên hay không, nếu chưa đầy đủ nhân duyên thì thân trung ấm vẫn tồn tại, không hạn chế thời gian. Thí dụ, nhân duyên cho một Chuyển Luân Vương tái sanh không phải là dễ. Thời gian chờ đợi có thể lâu.
* Đặc điểm của thân trung ấm
Luận Câu Xá mô tả khá cụ thể. Thân trung ấm cùng một dạng với thân bổn hữu. Thân bổn hữu là thân sẽ tái sanh. Nếu do nghiệp mà sẽ tái sanh làm người thì thân trung ấm là thân của con người bé khoảng 5 tuổi, có năm giác quan đầy đủ, nhưng những cảm quanđó được cấu tạo bằng sắc pháp vi tế, nhỏ nhiệm cho nên mắt người không trông thấy được.
Nếu thân trung ấm là thân người thì nó có năm giác quan đầy đủ, làm bằng chất liệu vi tế, cho nên công năng thấy, nghe v.v... của nó nhạy bén hơn là công năng thấy, nghe của thân người sống, có giác quan được cấu tạo bằng những chất liệu thô nặng hơn. Nói cách khác, họ (tức là thân trung ấm) thấy chúng ta được, nhưng chúng ta không thấy họ được. Thân trung ấm không đi đứng như chúng ta bình thường, mà có thể đi ngang qua vật cản, bay liệng trên không để chờ cơ hội tái sanh. Khi đã có chỗ thích đáng cho họ tái sanh, thì không có gì ngăn cản họ được. Nhưng năng lực thần thông này không phải do rèn luyện thiền định mà có, cho nên sách Câu Xá gọi là nghiệp thông, ý nói thần thôngkhông phải do rèn luyện hay thiền định, mà là do nghiệp của thân trung ấm là như vậy.
Thân trung ấm được nuôi dưỡng bằng mùi (sách Trung Quốc gọi là hương). Nghĩa là không phải ăn thức ăn như chúng ta, mà là ăn cái mùi vị mà thôi. Thí dụ dĩa thịt. Thân trung ấm chỉ ngửi mùi thịt, chứ không phải ăn thịt thật sự. Vì vậy mà sách Phật cũng gọi thân trung ấm là hương ấm (gandhaba).
Thực ra, hướng tái sanh đã được quyết định, khi người mới chết, vừa tắt thở ; cho nên nếu hướng tái sanh là cõi người, thì lập tức thân trung ấm là thân người, như một cậu bé độ 5, 6 tuổi, với năm giác quan nhạy bén hơn là giác quan của người sống, và di chuyểnkhông có vật gì cản được.
Như đã nói trên, thời gian tồìn tại của thân trung ấm là vấn đề còn bàn cãi, nhưng người Tây Tạng cho rằng, thời gian tồn tại tối đa của thân trung ấm là bảy tuần, và cứ sau mỗi tuần thì trung ấm có biến đổi.
Con người có thể nhớ lại trung ấm thân trước đây của mình hay không? Học giả Francis Story, qua thu thập và nghiên cứu nhiều tài liệu liên quan, đã tổng kết kinh nghiệm đó thành những điểm sau:
1- Khi người mới chết, trung ấm thân tách khỏi cái thân chết bất động, nhưng lại không có cảm giác là mình vừa chết, mà là mình vẫn sống. Cảm giác này rất giống cảm giáccủa những người nhờ thôi miên hay bị uống thuốc mê mà xuất thần.
2- Trung ấm thân thấy xuất hiện một người khác hướng dẫn mình.
3- Trung ấm thân di chuyển không bị trở ngại bởi bất cứ vật cản gì, có thể thấy những trung ấm thân khác. Giác quan của trung ấm thân bén nhạy.
4- Cõi sống của các trung ấm thân là cõi sống riêng biệt, khác với các cõi sống khác như cõi người, cõi súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục và cõi trời là những cõi sống thường được mô tả trong các sách Phật.
3- Francis Story kể lại chuyện một người Thái Lan tên là Kawn, chết vì bệnh thương hàn, thấy các sư cầu nguyện bên cạnh giường nằm của mình, sau đó thấy các sư đi ra, và mình cũng theo ra, và khi đó anh ta mới biết là mình đã chết. Anh thấy mọi sự vật xung quanh anh không có gì thay đổi, không khác gì lúc anh còn sống. Anh thấy mình đi ngang qua nhiều người khác như là đi vào chỗ không người. Và khi anh nghĩ tới bất cứ một nơi nào thì lập tức anh thấy mình xuất hiện ngay tại nơi đó. Anh ta không có cảm giác đói, cũng không thấy sợ hãi khi thấy một gã say rượu và một cậu bé chạy thẳng vào phía anh ta. Anh có cảm giác mình trở nên bé nhỏ. Anh ta không cảm thấy giận dữ khi gặp những người sống ném đá vào mình, nhưng anh thấy các trung ấm thân khác tỏ ragiận dữ trong cảnh ngộ tương tự, nhưng anh cũng sợ là mình bị thương nếu bị ném phải.
6- Đại sư Tsong Khapa (Tây Tạng) dẫn chứng cuốn "Di Già sư địa luận" (Yogacara Bhumi), khẳng định là trung ấm thân không có hối tiếc lại thân phận mình, khi còn sống.
7- Trung ấm thân có giống như một đứa bé 5, 6 tuổi ở trần hay không thì còn là vấn đềbàn cãi. Có tư liệu nói trung ấm thân mặc quần áo giống như khi lâm chung.
8- Trung ấm thân thường theo dự tang lễ của mình, và quan sát bà con thân thích mà mình vốn yêu mến.
9- Trung ấm thân không cảm thấy đói và mệt, nhưng phạm vi hoạt động và giao tiếp bị hạn chế. Trung ấm thân không còn chịu cái khổ của cuộc sống thế gian, với cái thân vật chất thô nặng, thường phải chịu những đau đớn vật chất.
10- Trung ấm thân mất ý thức về thời gian. Vài chục năm đối với trung ấm thân như trôi qua trong nháy mắt.
IV- Kết luận
Thuyết tái sanh và thuyết nghiệp có một tầm quan trọng rất lớn đối với đời sống cá nhânvà xã hội. Nó cho biết, con người hiện tại từ đâu đến, và sau khi chết thì con người sẽ đi về đâu? Nó cũng cho biết, ý nghĩa của nhân sinh là gì. Vì sao con người lại có mặt ở đời này? Vì sao tuy cùng là một loài người cả, mà thân phận giữa các con người lại khác biệt nhau đến thế?
Đó là những vấn đề rất căn bản, rất hệ trọng ; thế nhưng con người hiện đại, sống một cuộc sống thác loạn, vùi đầu vào cuộc săn đuổi quyền lực, đồng tiền và sắc đẹp... hầu như không bao giờ nghĩ tới, còn nói gì đặt thành vấn đề để suy tư, giải quyết.
Chỉ khi cái chết đã gần kề, hay là khi gặp phải một bất hạnh lớn, con người hiện đại mới tỉnh ngộ, chợt thấy mình đã phung phí gần trọn cả một đời để đeo đuổi những giá trịkhông thật, chỉ là những bọt nước, những bèo trôi v.v... theo đúng như hai câu thơ của vua Trần Nhân Tông, một ông vua ngộ đạo:

Thị phi niệm trục triêu hoa lạc
Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn..."
Nghĩa: Niệm chạy theo chuyện thị phi như hoa rụng ban sớm, Tâm chạy theo danh lợinhư mưa lạnh chiều hôm.
Trên bình diện lý luận, chứ không phải trên bình diện thơ ca, thuyết tái sanh và nghiệp của đạo Phật là một liều thuốc cảnh tỉnh tốt cho con người hiện đại./.
Câu hỏi hướng dẫn ôn tập
1)- Thuyết tái sanh giúp giải thích những hiện tượng khó hiểu gì trong đời sống? Có thể phát hiện thêm những hiện tượng mà bài giảng chưa đề cập tới.
2)- Vì sao thuyết di truyền không thể giải thích được đầy đủ những sự khác biệt giữa các cuộc đời?
3)- Thân trung ấm là gì? Hãy nói và bàn về một vài đặc điểm của thân trung ấm.
Source: Nguyệt san Giác Ngộ, Sài Gòn, 1999-2000









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét