Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2017

Ý Trinh trình bày Đại Sự Nhân Duyên



ĐẠI SỰ NHÂN DUYÊN

Mãn Tự

Khi bậc Thế Tôn Đại Giác nói rằng: "Vì một đại sự nhân duyên của chúng sanh ở thế gian Ta bà mà Như Lai xuất hiện ra đời." Vậy từ khi Chánh Giác Thế Tôn xuất hiện đến bây giờ chúng ta những người con của đấng Đạo Sư nhận được những sự lợi lạc gì trong đại sự nhân duyên đó. Lời của đấng Chánh Biến Tri là chân thật ngữ.

Thế giới chúng ta đang sống ở trong Tam thiên Đại thiên thế giớivà có tên là cõi Ta bà. Tam thiên Đại thiên thế giới gồm có ba cõi, một là Dục giới, hai là Sắc giới và ba là Vô sắc giới. Cõi Ta bà mà ta đang sống là ở trong Dục giới, chỉ có thế giới chúng ta là hữu hìnhtheo nhận thức của chúng ta, còn những thế giới khác là vô hình đối với nhãn quang của chúng ta.

Trong Tam thiên Đại thiên thế giới có rất nhiều cõi nước, sự hình thành mỗi cõi nước cũng khác nhau, tùy tâmthức mà đọa vào hay thọ sanh vào. Còn Sắc giới hay Vô sắc giới thì không có riêng biệt chỉ do định lực sâu hay cạn nên chia biên bờ. Vị ở cõi thô không thấy được vị ở cõi Tịnh. Cõi nước có giới hạn hay không có giới hạn, không phải vì sự ngăn ngại của đất nước gió lửa mà ngăn ngại của sự thấy biết thô hay tế. Thí dụ như anh chàng nông dân ở một vùng quê nghèo tay lắm chân bùn hằng ngày chỉ quanh quẩn ở rẩy bắp nương khoai thì thế giới anh ta chỉ vậy mà thôi. Ngược lại những nhà vật lý hay thiên văn học thì thế giới vũ trụ nó mênh môngvà vi mật làm sao. Vì vậy thế giới thô nằm trong thế giới tế và ngược lại thế giới tế ở trong thế giới thô nhưng không thấy được nhau vì nghiệp lực bất đồng. Vì nghiêp lực bất đồng nên mỗi cõi nước cách nhau xa thật là xa và ngược lại gần cũng thật là gần.

Trong Tam thiên Đại thiên, cõi nước nhiều không kể hết. Còn chúng sanh cũng vậy nhiều tính ra không hết bằng số lượng. Dù thế giới vô biên, chúng sanh vô lượng không thể suy tính bằng thế tục trí, nhưng bằng hình thức này hay hình thức khác với phương tiện thiện xảo Như Lai Thế Tôn giáo hóa tất cả không thừa sót một chúng sanh nào.


Như Lai Thế Tôn ngài không có tâm thiên vị, chỉ tùy theo hạnh nghiệp của mọi quốc độ, mọi cá thể mà thấy Như Lai. Cõi nước Ta bà chúng ta là một đặt thù mà trong Tam thiên Đại thiên thế giới không cõi nước nào có được. Cõi trời Vô sắc thì lìa thân bỏ ý nên quá tịnh, cõi Sắc thì quá sung sướng, trời cõi Dục thì chỉ biết hưởng thụ phước báo mà những vị đó tạo ra. Cõi địa ngục, súc sanh, ngã quỷ thì quá đói khổ. Nói chung các cõi nước trong Tam thiên Đại thiên vì nghiêng lệch nên không thể nhận lãnh giáo pháp của Như Lai được. Còn cõi Ta bàchúng ta thì gồm đủ sự việc các cõi, có nghĩa là vừa thanh tịnh vừa uế trược, vừa nhu nhược vừa dũng mãnhcang cường. Có ngu có trí, có khổ, có vui, có thiện, có ác. Vì tính chất thù thắng như vậy nên kham nhận lãnh giáo pháp của chư Như Lai.

Như Lai Thế Tôn thị hiện ở cõi Ta bà đồng với chúng ta, cũng có cha có mẹ, sơ sanh lớn lên. Cũng có gia đình, sinh con, rồi rời bỏ gia đình cung điện xuất gia tu hành khổ hạnh thành Chánh Giác chuyển Pháp luân, nhập Đại Niết Bàn lưu lại kinh điển xá lợi để tăng niềm tin để chỉ đường cho hậu thế.

Những tiến trình đó là phương tiện thiện xảo mà Như Lai Thế Tôn chỉ cho chúng ta con đường đi đến trí tuệ. Độc nhất chỉ có cõi Ta bà mới có mà thôi còn những cõi khác thì không được như vậy. Vì vậy những cõi nước khác muốn có Kinh điển của Như Lai thì phải đến cõi Ta bà để nghe và học hỏi. Tai sao chúng ta được quá nhiều ưu ái như vậy, thật ra thì không phải như vậy vì Như Lai Thế Tôn vô tâm không thiên vị chỉ tùy theo hạnh nghiệp phước lực như thế nào thì nhận được như thế đó.

Trong kinh Đai Bát Niết Bàn Thế Tôn nhắn nhủ được thân người là quí như con rùa mù chui vào bộng cây trong biển lớn mênh mông. Để thấy rằng tính chất cực kì hi hữu không dễ gì làm được thân người.

Chúng ta hiện hữu trên thế gian này là sự ngẫu nhiên chăng? Là tình cờ chăng? Rồi cát bụi trở về với cát bụi? Tuyệt đối không phải là như vậy, nếu như vậy thì Thế Tôn không thị hiện để lại bằng chứng làm gì.

Như Lai Thế Tôn thị hiện ra để khai mở cho chúng ta thấy biết rằng: Trong cái thân giới hạn này có cái không giới hạn, trong cái thân sinh diệt này có cái không sinh diệt vì vậy mới gọi Đại Sự Nhân Duyên.

Từ khi bước ra khỏi ngôi nhà Chân Như cho đến bây giờ, chúng ta lưu lạc thời gian không thể tính điếm. “Chân như đi ra thì có, cửa về thì không đường” vì vậy mà ta tích lũy không biết bao nhiêu kinh nghiệm quí báu trong gia tài tâm thức của ta. Quá đủ như một ly nước đã đầy, chỉ cần một giọt nữa thôi thì nước sẽ tràn ly.


Vì muốn quay về mà chúng ta bị trôi lăn trong vô lượng vô biên cảnh giới. Chúng ta từng trải qua vô lượngthời gian trong những cõi trời thương diệu, vô lượng thời gian trong cõi nhân gian làm người. Biến đổi từ hình hài này sang hình hài khác, hay vô lượng thời gian trong cõi địa ngục, ngã quỉ, súc sanh. Chúng ta đã thưởng thức những cảm thọ thương diệu hay những cảm thọ tột cùng đau khổ, vì vậy khi thân này hiện hữu thì nó chứa đựng trùng trùng sự thấy biết và vô lượng vô biên sự cảm thọ mà ta đã kinh qua trong vô lượng kiếp luân hồi. Những kinh nghiệm đó dù có lăn trôi như thế nào thì nó vẫn không mất vì không có một chúng sanh nào xóa được “Kí ức”.

Chúng ta hiện hữu trong thế giới tình thức này theo gia tài mà ta tích lũy nó, đẹp đẽ hay xấu xa, màu da này hay màu da khác, ở nước giàu hay nước nghèo. Dù hình tướng có muôn ngàn vẻ khác nhau nhưng gia tài thiện ác mà ta tích lũy thì không khác, nó chỉ luân chuyển theo sự vô thường không nhất định vì trước khi sinh ra không ai trong chúng ta có quyền chọn lựa.

Gia tài tâm thức quí báu đó nó giống như môt nhà thương mại có đủ kinh nghiệm trên thương trường. Vì vậycông việc buôn bán càng ngày càng phát đạt, hay giống như một vị tướng quân có đủ kinh nghiệm bản lãnh chiến trường cầm quân dẹp giặc thì dễ dàng đi đến chiến thắng.

Chúng ta cũng vậy vì đầy đủ tất cả các nhân tố đặt thù, mà những cõi khác không có được. Vì chúng ta có đủ chủng tử đủ sức nhận lãnh gánh vác và hoàn thành được những công việc to tát của Như Lai Thế Tôn giao phó. Vì vậy Như Lai Thế Tôn mới thị hiện ở cõi Ta bà của chúng ta.

Không biết bao nhiêu thời gian chịu khổ vì trôi lăn trong các cõi vì chúng ta mê đắm tham luyến thân xác này, chúng ta giữ gìn nó bảo vệ nó bằng mọi giá. Do đó mà chúng ta gây nên không biết bao nhiêu là nghiệp thiện ác. Ta luôn luôn muốn nó tồn tại dù nó như thế nào, lúc còn sống hay cho đến khi đã chết, ta lo sợ đau khổ khi nghĩ đến nó sẽ rời bỏ ta, vì mê đắm sắc thân như vậy nên nó làm cho sự thấy biết của chúng ta bị mê mờ không biết đâu là chân thật.



Như Lai Thế Tôn xuất hiện trên cõi đời chỉ cho chúng ta rằng, sắc thân này không phải như chúng ta nghĩ tưởng “Nó là của ta”. Mà nó là do nhân duyên hợp thành, nó không là của ai, có sắc như thế này hoặc thế kia, nó tồn tại lâu hay mau là do gia tài tích lũy. Nó đến hay đi không có người làm ra cũng không có người ngăn cảnđược. Nó làm nam hay nữ cũng không do ta quyết định mà ta chỉ nhận lãnh hình hài này mà thôi. Nó tự tại đến đi như vậy nên khi nó đến không phải là nó có, khi nó đi không phải là nó không có. Không là do mắt đối với sắc phát sinh còn tự tánh của sắc thì chưa từng không hay có. Vì tự tánh huyền diệu của nó như vậy nên nó chứa đựng bao trùm tất cả, cuốn nó lại thì nó ẩn trong sắc thân hữu hạn này, mở nó ra thì nó mênh mông cả không gian vũ trụ. Cũng giống như tâm thức khi đối trần cảnh nó phân biệt cũng không giới hạn mà chính nó cũng không từ đâu đến vì vậy nó là “Sắc tức thị không”.

Ngài Lục Tổ Huệ Năng nói, thực tánh bình đẳng với tất cả chúng sanh, ở người chưa tu không bớt, ở hiền thánh không tăng, lúc phiền não không động, khi thiền định không lắng, như như bất đông thường trụ chẳng dời.

Thực tánh mầu nhiệm đó ngay nơi sắc thân này, ở mắt, ở mũi, tai, ở lưỡi thân và ý nó vận hành mọi lúc mọi nơi vì vậy tất cả các sinh linh điều có nó. Khi ta còn trẻ nó không tăng, khi ta già nó cũng không thiếu, nó không có trước cũng không có sau, không đi không đến, nó chưa bao giờ không hiện hữu. Ta không nhận ra nó được, vì ta bị trần tướng che ngăn, nếu lìa được trần tướng thì nó ngay tại thị, nó không tiềm không hiện.



Tâm thức chúng ta không phải tự có, nó có là do ta thu thập pháp trần mà thành. Giống như ta xem một cuốn phim không phải là nó hiện có mà nó chỉ chiếu lại những hình ảnh đã thu thập sẵn. Cũng vậy khi ta nhìn thấy một vật này hay vật kia thì không phải vật đó nói lên “Ta là cái đó” mà chính tâm thức ta xác định, mắt của ta chỉ thấy được những gì đã thấy. Còn cái gì chưa từng thấy thì dù có ở trước mắt nó cũng không thấy nên nó cần thu thập học hỏi rồi sau mới thấy. Tâm thức vì biến chuyển, vì gián đoạn cho nên chú tâm thì thấy còn không chú tâm để ý thì dù vật đó có ở trước mắt cũng không nhận ra, sáng thì thấy, tối thì không. Vì vậy nó là sinh diệtvô thường.

Với sáu căn: Tướng thì sinh diệt, Tánh thì thường hằng. Tám mươi bốn vạn pháp môn Thế Tôn thuyết là phương tiện thực hành đễ thấy được thực Tánh, thấy tánh thì gọi là Ngộ. Giác ngộ không phải là đi, đến hay thấy biết những thứ gì trừu tượng xa vời hay thần kì bí ảo, mà Giác ngộ là thấy những gì ta đã có. Những gì ta đã có? Đó là tâm, tâm sở, pháp. Tâm sở là mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi vị, thân xúc chạm và ý hiểu biếtphân biệt chọn lựa. Nhưng vì sao thấy được tâm sở đó thì gọi là Giác ngộ? Vì ta sống bằng cái tâm sở đó mà ta không hay biết, nó ngăn chặn sự thấy biết chân thật.



Sự thấy biết của tâm sở đó chỉ là tương tự, tương tự vì nó đem sự đã, thấy đã biết so sánh đối chiếu với cái đang hiện hữu để nhận ra. Vì vậy nó không bao giờ biết được sự thật mọi sự, mọi vật đang xảy ra. Tâm sở nó là ngoại cảnh nên nó luôn luôn biến đổi, như bốn mùa qua lại như thời tiết nắng mưa nóng lạnh. Tâm sở đó khi nhận một cảnh duyên rồi, vì tính chất vô thường nên nó đổi qua một cảnh duyên khác. Vì không trí tuệ không nhận ra nên ta nghĩ tưởng là nó đã qua đi, nhưng thật chất thì nó vẫn còn nguyên không mất, nó chỉ đi vàotrong kho cất chứa cho đến một thời gian nào đó có một cảnh duyên tương tự thì nó xuất hiện để so sánh nhận biết. Tâm sở luôn làm cho ta bất an lo lắng đau khổ, vì sự việc thì hiện tại mà nó lại đem cái thấy biết của quá khứ ra để so sánh đối chiếu, nhưng ngược lại nếu không có nó thì cũng không có sự hiểu biết.

Sự thấy biết của tâm sở nó như ảo ảnh, như giấc chiêm bao, như bóng ma, như ánh sáng du hành trong vũ trụ của những vì sao đã chết, muôn ngàn sự việc trong thế giới nhị nguyên là như vậy.

Giác ngộ là thấy được tâm sở mà ta đang sống với nó, vì vậy ta không chạy theo nó, không còn bị nó sai khiến làm nô lệ cho nó, nhờ vậy ta bắt đầu lấy lại quyền làm chủ. Do sự thấy biết như vậy nên tâm ta không còn trạng thái bất an, những lo lắng ưu tư sợ sệt đau khổ do tâm sở tạo nên trước kia giờ không còn nữa dù rằng nó vẫn hiện hữu.



Không biết từ bao giờ ta thu thập cảnh duyên làm tâm, vì vậy ta bị sự chuyển vần thay đổi điều khiển. Ta bị mất chủ quyền giống như vị nguyên thủ bị mất nước phải sống nhờ lang thang ở nước ngoài chịu bao điều khổ nhục. Bây giờ Giác ngộ giống như vị nguyên thủ đó khôi phục lai đất nước nắm lại chủ quyền.

Giác ngộ có nhiều cấp độ vì tùy theo căn cơ của mỗi vị hành giả có sự khác biệt, cho nên sự Giác ngộ cũng có sâu có cạn. Ở đây xin trình bày hai cấp độ Giác ngộ trong Kinh Lăng Nghiêm. Thứ nhất là sở ngộ, tức là chủ trong khách. Thứ hai là chủ trong chủ.

Kinh Lăng Nghiêm khi Đức Thế Tôn yêu cầu hai mươi lăm vị thánh trong pháp hội giúp ngài A Nan bằng cách trình bày lại bước đầu Sơ ngộ như thế nào cho ngài A Nan chọn lựa, thì sự diễn tả của ngài Kiều Trần Như giúp ta nhận ra chủ trong khách rõ ràng hơn hết.

Bạch Thế Tôn, giống như có những người khách từ phương xa đến, khi dến nơi họ tìm khách sạn để nghỉ ngơi tắm rửa ăn uống, xong việc rồi họ tiếp tục lên đường chứ không dừng lại. Còn người chủ khách sạn thì ở đó chớ không theo người khách mà đi.

Câu chuyện của ngài Kiều Trần Như nói lên rằng , tâm sở nó đến rồi đi cũng giống như những người khách từ bốn phương đến tạm trú song rồi tiếp tục lên đường. Còn Chân tâm hay Thật tánh ví như người chủ kháchsạn không theo những người khách mà đi. Khi biết như vậy thiền môn gọi là “ Đối cảnh vô tâm hỏi chi Thiền”

Còn thế nào là chủ trong chủ, cũng trong Kinh Lăng Nghiêm khi Thế Tôn khai thị cho ngài A Nan khi ngài cho rằng tánh thấy trước mắt.



Đức Thế Tôn bảo ông A Nan: "Ông nói rằng tánh thấy ở trước mắt ông nghĩa ấy không đúng, nếu thật ở trước mắt và ông thật thấy được thì tánh thấy ấy đã có chỗ ở, không phải không thể chỉ ra được…

Ông A Nan bạch Thế Tôn: "Hiện tôi ở trong giảng đường này xa trong thấy sông Hằng, trên trông đến mặt trời, mặt trăng. Đưa mắt xem thấy, đưa tay chỉ ra được đều là vật, chớ không có cái gì là tánh thấy, như lời Thế Tôndạy. Những hàng hữu lậu sơ học như Thanh văn chúng tôi mà cho đến các vị Đại Bồ Tát cũng không thể ở nơi hiện tượng muôn vật chỉ ra tánh thấy, mà lìa ngoài tất cả vật lại có riêng tự tánh.

Thế Tôn nói “Đúng thế, đúng thế”

Thế Tôn lại bảo ông A Nan:

- Như lời ông nói không có tánh thấy mà lìa tất cả vật lại riêng có tự tánh. Do đó trong tất cả vật chỉ ra được, không có cái gì là tánh thấy. Ta lại bảo ông ông cùng Như Lai ngồi trong rừng Kỳ Đà lại xem vường rừng cho đến mặt trời mặt trăng đủ thứ hình tượng khác nhau, chắc không có tánh thấy để cho ông chỉ ra được. Vậy ông hãy chứng minh trong tất cả các vật tượng đó có cái gì không phải là tánh thấy.

Ngài A Nan bạch Thế Tôn.

- Quả thật tôi nhìn khắp rừng Kỳ Đà này thật không có cái gì chẳng phải là tánh thấy. Tại sao? Nếu cây chẳng phải là tánh thấy thì làm sao thấy được cây, còn nếu cây là tánh thấy thì sao gọi là cây, như thế cho đến hư không cũng vậy. Tôi lại quán xét trong muôn vật hiện tượng đó, minh chứng cho kỹ lưỡng thật không có cái gì chẳng phải là tánh thấy cả. Thế Tôn tán than. Đúng thế, đúng thế. “Đó gọi là chủ trong chủ vì không còn ta, vật nữa”.

Mãn Tự


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét