LỜI TỰA
Thế kỷ 21 là bước vào thời kỳ phát triển tâm linh của nhân loại trên trái đất. Các tôn giáo sẽ phải làm tròn sứ mạng của mình trong việc dẫn dắt con người tiến hóa vào giai đoạn này. Trong vườn hoa muôn màu của các tôn giáo hiện nay, Phật giáo đã đóng góp một phần không nhỏ.
Từ lâu, trong Phật giáo có những pháp môn mật truyền được trao dạy cho các đạo hữu nhưng không được quảng bá nhiều vì chưa đúng thời kỳ của nó.
Gần đây, theo với đà tiến hóa của nhân loại, cũng có nhiều pháp môn được đưa ra để thích ứng với nhu cầu đòi hỏi của tâm linh và có nhiều tôn giáo đã phải tìm cách hiện đại hóa tín ngưỡng của mình.
Phật giáo đã từ lâu hướng dẫn hàng tỉ con người đi vào con đường giải thoát mọi khổ đau trong kiếp sống, để biến trái đất này thành một thiên đàng hạ giới. Và Phật giáo quan niệm rằng, nếu ta không tìm được thiên đàng ngay trong cuộc sống này thì việc đi tìm một thiên đàng khác trên một cõi giới nào đó chỉ là mong chuyện xa vời, không tưởng. Phật giáo chú trọng vào việc xây dựng ngay con người đích thực để tìm nơi mình một sự tự do thực sự. Sự tự do đó có được là vì cởi bỏ được những ràng buộc phức tạp trong cái xã hội đang quay cuồng phát triển về vật chất hiện thời. Trên chiều hướng đó, Mật môn của Phật giáo là phương tiện thích hợp có thể đáp ứng được nhu cầu thời đại. Sau hai mươi năm tìm học và hành trì về pháp môn này, tôi đã nhận ra được điều đó.
Ngày nay bên thế giới Tây phương đang hướng về Đông phương để đi vào con đường phát triển tâm linh. Việc này đã được xác chứng qua hai thập niên gần đây về sự hoằng dương của Lạt ma giáo Tây Tạng cùng khắp Châu Âu và Châu Mỹ, mà Lạt ma giáo lại là một ngành của Phật giáo chuyên về khai triển các pháp môn mật truyền.
Đối với Việt Nam ta, Mật tông đã thịnh hành từ đời Đinh, Lê, nhưng rồi sau đó chìm sâu vào dòng tiến hóa của Đạo pháp, cho đến ngày nay gần như thất truyền. Giờ đây, mỗi khi nói đến Mật Tông thì đối với phần đông Phật tử gần như xa lạ và chẳng hiểu gì về môn phái này. Thậm chí có những người tự nhận là tu Mật, nhưng đã không hiểu rõ lý Mật và cũng chẳng có chút kiến thức nào, dù là rất nhỏ về Mật Tông nữa. Cũng vì vậy mà một số lớn Phật tử đã coi Mật Tông như một ngành chuyên về bùa phép, cầu phước, giáng họa, sai phái quỷ thần, trừ khử tà ma, dị đoan mê tín. Nếu hiểu một cách phiến hiện như vậy thì thật là oan cho Mật Tông quá!
Thật ra Mật Tông là một hướng đi gồm nhiều pháp môn chuyên tu giải thoát, với những phương tiện thiện xảo, có thể đưa hành giả đạt được những quả vị lớn hay nhỏ, chắc chắn thành tựu ngay trong hiện kiếp này.
Chúng tôi, sau một thời gian nghiên cứu và tu học đã thấy được cái xâu xa và cao vời của pháp môn này, rồi càng vào thì càng thấy được những hoa thơm cỏ lạ trong khu rừng cấm mà xưa nay ít người đặt chân vào đó.
Hôm nay, trên tinh thần thấy miếng bánh ngon muốn chia phần cho các bạn, tôi đã không quản tài sơ, trí thiển mà viết ra đây một số câu vấn đáp nhằm mục đích giới thiệu với các bạn có duyên với Mật môn về một ngành học của Phật giáo mà ít người biết rõ.
Tập sách này tuy mỏng nhưng tương đối đầy đủ và cô đọng, có thể nói lên được “Thế nào là Mật Tông”, người tu mật đứng ở vị trí của mình sẽ phải nhìn đời thế nào, cũng hành xử làm sao.
Đây chỉ là cuốn sách đầu tiên trong tủ sách Mật mà chúng tôi giới thiệu cùng quí vị. Rồi đây chúng tôi sẽ lần lượt trình bày một số vấn đề chuyên biệt, một vài pháp môn trong Mật giáo với nghi thức hành trì để giúp quí vị làm quen với Mật.
Chúng tôi nghĩ rằng sự đóng góp nhỏ bé của mình chắc chắn có nhiều thiếu sót, xin chân thành kính mong các bậc cao minh tha thứ và vui lòng chỉ dạy cho.
Chúng tôi xin hồi hướng công đức này về Nhất Thiết Trí cùng Pháp giới chúng sanh. Nguyện cho chúng hữu tình sớm thành chánh giác.
Nam Mô Tỳ Lô Giá Na Phật
MẬT NGHIÊM
CỬA MỞ
Cửa MẬT GIÁO ngày hôm nay đã mở,
Không khoa trương, không giới thiệu ồn ào.
Ai có duyên thì xin cứ bước vào,
Vườn hoa lạ chờ đón chào lữ khách.
Đến với mật phải là người trong sạch,
Tâm bao la và chẳng thấy còn TA.
Vũ trụ đây ấy mới thật là nhà,
Và vạn vật ấy mới là bạn hữu.
Con đường mật là con đường Vĩnh Cửu,
“Bản bất sanh” bừng sáng tự nơi Tâm.
Đến và đi đều lặng lẽ âm thầm,
Làm Phật sự không thấy mình trong đó.
Cũng chẳng thấy chúng sinh muôn vật có,
Vì duyên sanh nên vô ngại lâu rồi
Bởi người đời chấp trước đó mà thôi,
Nên mãi mãi luân hồi trong biển khổ,
Cửa Mật Giáo ngày hôm nay đã mở,
Rộng thênh thang đường thất bảo rõ ràng,
Chuyển mục thân thành Phật chẳng mơ màng.
Cứ tiến bước chẳng bàng hoàng sợ sệt.
Đường luân hồi chúng ta đi đã mệt,
Hãy dừng chân và quyết định ngừng thân.
Đừng mê trần và cuộc sống phù vân,
Phải chuyển hóa để chở về thể tánh.
Đừng đem trí thế gian ra so sánh,
Đường Mật thừa rực rỡ ánh hào quang.
Bước ngay đi đừng lúng túng ngỡ ngàng,
Chỉ một bước là qua ngay bến giác.
Cửa giải thoát là KHÔNG VÔ TƯỚNG TÁC,
Là vượt trên cả thiện ác bình thường.
Là trở về ngay cuộc sống miên trường.
Nhập vũ trụ thật bao la bát ngát.
Đến nhân thế với lời ca tiếng hát,
Khi đi rồi mà tiếng hát còn vang.
Thế nhân ơi! Sao chìm đắm mơ màng…
phần 1 : MẬT TÔNG LÀ GÌ?
Hỏi: Mật Tông là gì?
Đáp: Mật Tông là một tông phái của Đạo Phật dùng các “MẬT NGỮ” của chư Phật làm phương tiện tu hành.
Hỏi: MẬT NGỮ là gì?
Đáp: Mật ngữ có nghĩa là “lời nói kín”. Mật ngữ còn gọi là “Chân ngôn” (lời nói chân thật). Mật ngữ còn gọi là “Chú”, đây là tiếng thông thường người đời hay dùng nhất.
Chú cũng có nghĩa là lời nói bí mật.
Hỏi:Tại sao nói là bí mật?
Đáp: - Bí mật vì nó không được giải nghĩa.
- Bí mật vì chỉ có chư Phật mới hiểu trọn vẹn.
- Bí mật vì tùy trình độ, căn cơ và sự ứng dụng mà mỗi người một khác, đạt một kết quả khác.
- Bí mật vì nó chỉ được thông đạt qua Tâm truyền Tâm, giữa thầy trò, giữa chư Phật (hoặc người nói ra chân ngôn) với hành giả. Điều này chỉ người nào tu Mật rồi mới chứng nghiệm được).
- Bí mật vì kết quả đạt được tùy Tâm hành giả.
Hỏi: Tại sao lại dùng “Chú” làm phương tiện tu hành?
Đáp: Tu theo đạo Phật có rất nhiều cách để đi tới “cứu cánh giải thoát”, có người niệm Phật, có người tụng kinh, có người ngồi Thiền, vậy thì dùng “Chú” cũng chỉ là mượn xe đi đến đích mà thôi.
Hỏi: Tại sao lại chọn “Chú” mà không dùng các cách niệm Phật, tụng kinh?
Đáp: Trong một cuộc hành trình muốn đi tới một điểm nào đó, người ta thường thích chọn xe nào đi cho nhanh và thỏa mái. Vậy thì việc chọn “Chú” mà không dùng các phương tiện khác là như thế.
Hỏi: Tại sao lại nói dùng “Chú” là phương tiện đi nhanh?
Đáp: Vì dùng “Chú” thì ngoài “tự lực” của mình còn nhờ “tha lực”, giống như đi thuyền biết trương buồm nên nhờ được gió đẩy mà đi nhanh hơn.
Hỏi: Thế nào là “tự lực” và “tha lực”?
Đáp: “Tự lực” là dựa vào sức của chính mình mà thành việc. “Tha lực” là nhờ vào sức khác ở ngoài mình trợ giúp. Người tu Mật Tông nói đến tha lực là nói đến sức hỗ trợ vô hình từ các cõi xuất thế gian đưa đến.
Hỏi: Tại sao lại phải nhờ vào tha lực?
Đáp: Bởi vì sức người có hạn mà sức ngoài thì vô hạn, nếu ta biết nương vào sức đó thì sẽ giúp ta sớm đạt kết quả.
Hỏi: Nhờ đâu ta có tha lực hỗ trợ?
Đáp: Nhờ ở chân ngôn tức “Chú”.
Hỏi: Căn cứ vào đâu mà nói “Chú” có tha lực giúp ta mau thành tựu?
Đáp: Điều này thuộc về bí mật, mà chỉ có thể chứng minh được bằng:
- Đức tin của mình,
- Sự chứng nghiệm, và
- Cảm nhận.
Kết quả chỉ được chứng minh khi đã hành trì.
Hỏi: “Chú” do đâu mà có?
Đáp: “Chú” do TÂM Phật mà có. “Chú” do lòng thương xót chúng sinh mà có. Chư Phật, chư Bồ tát hoặc các vị khác khởi từ tâm chân thật, từ lòng thương xót chúng sinh mà nói ra “Chú” để cứu độ. Vì “Chú” phát xuất từ TÂM CHÂN THẬT nên mới gọi là “Chân ngôn”.
Hỏi: Đọc “Chú” có lợi ích gì?
Đáp: Vì “Chú” xuất phát từ chỗ vô hạn là Tâm Phật nên lợi ích của nó cũng vô cùng, không thể kể hết. Tuy nhiên, đối với người tu thì lợi ích đứng đắn và thiết thực nhất là: “Chú” giúp ta được tìm cầu giải thoát mau chóng và giúp người khác cùng tiến với ta. Còn các lợi ích khác như có thần thông, trừ tà ma, chữa bệnh chỉ là phụ, không nên nhìn “Chú” bằng con mắt hạn hẹp đó.
Hỏi: Những ai đọc “Chú” được?
Đáp: “Chú” là phương tiện của Phật cho mượn nên ai mà chẳng có quyền đọc. Tuy nhiên khi ta mượn một cái xe thì điều cần thiết là ta có biết sử dụng nó hay không. Nếu không thì xe sẽ trở thành một trở ngại, một khó khăn cho ta, làm cho ta dừng lại với xe mà không tiến được trên đường Đạo. Bởi vậy, những người biết lái xe, hiểu bệnh của xe, phải là những người được huấn luyện chuyên môn. Do đó đọc “Chú” thì ai cũng có thể đọc được, nhưng có kết quả hay không, nhiều hay ít, đó mới là vấn đề, ấy là chưa nói đến cái hại có thể đến nữa.
Nói thế không hẳn là chỉ những người tu chân ngôn mới được đọc “Chú” mà bất cứ ai nếu với tâm thành thật, hướng đến sự tốt lành cho mình, cho người, vẫn có thể dùng “Chú” mà vẫn thấy linh nghiệm.
Hỏi: Đọc “Chú” đòi hỏi những điều kiện gì?
Đáp: Đương nhiên là cần một số điều kiện. Thông thường ta phải có:
- Sự tin tưởng vững chắc vào “Chú”,
- Lòng thành khẩn khi đọc,
- Hướng về làm lợi ích cho tha nhân hay các chúng sanh.
Đối với người tu Mật Tông thì còn cần nhiều điều khác nữa như:
- Phải xả thế nào.
- Phải dụng tâm ra sao
- Phải dụng ý thế nào
- Phải dụng lực làm sao
- Phải trì tụng thế nào trong bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi.
- Phải làm thế nào Tam mật tương ứng
- Phải làm lợi ích cho chúng sanh thế nào, và
- Phải hồi hướng công đức ra sao.
Tất cả những điều đó, nói riêng cho người tu Mật, sẽ được giải đáp trong phần II, nói về người tu Mật Tông phải làm gì?
Hỏi: Khi nào nên đọc “Chú”, khi nào không nên đọc?
Đáp: Nên đọc những lúc tâm thanh tịnh, hướng về làm lợi lạc cho người khác, cho chúng sanh.
Tuy nhiên lúc Tâm rối loạn thì “Chú” cũng giúp cho tâm được an ổn. Không nên đọc “Chú” khi tâm ác, có ý hại người.
Đối với những người tu Mật Tông thì không lúc nào là không nên đọc “Chú”, vấn đề là nên đọc “Chú” nào và vào trường hợp nào để làm lợi lạc chúng sanh.
Hỏi: Đối với người tu Mật Tông thì việc trì “Chú” là gì?
Đáp: Mục đích tối hậu là giải thoát cho mình và để cứu độ người khác. Mục đích là phải tu thành Phật bằng phương tiện trì “Chú” ngay trong hiện kiếp này.
Hỏi: Muốn tu thành Phật bằng phương tiện trì “Chú” thì phải làm sao?
Đáp: Thì người hành giả tu Mật Tông phải thực hiện được “Tam Mật tương ưng”, nghĩa là làm sao cho “Thân, Khẩu, Ý giống như Phật”.
Hỏi: Làm thế nào để được “Tam Mật tương ưng”?
Đáp: Muốn được “Tam Mật tương ưng” thì phải qua một quá trình tu tập hành trì. Đi nhanh hay chậm là do sự tự ngộ và mở Tâm của mình.
Hỏi: Người tu Mật Tông đối với GIỚI, ĐỊNH, HUỆ như thế nào?
Đáp: Tu theo Phật đạo mà muốn thành tựu thì chẳng Tông Phái nào mà không có GIỚI – ĐINH - HUỆ cả.
Đối với Mật Tông, GIỚI là Tâm giới, tịnh giới. Như vậy có nghĩa là tự lòng mình thấy cần giữ giới, tự mình trở về với cái tịnh, cái sạch, đó là “thân tương ưng”, nếu không giới tịnh thì việc tu không kết quả. Khi đã giới rồi thì vào ĐỊNH chẳng khó, vì tự giữ giới đã sinh Định, rồi lại còn nương vào oai lực của chơn ngôn nữa thì kết quả phải đạt. Do Định đó mà Huệ phát là chuyện tất nhiên vậy. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn thì ĐỊNH HUỆ là một, không có rời nhau. Do đó, nếu giữ giới rồi sau đó nương vào chân ngôn mà hành trì thì tự nhiên đủ cả Định, Huệ.
Hỏi: Mật Tông thuộc Tiểu thừa hay Đại thừa?
Đáp: Phân chia Tiểu thừa, Đại thừa chỉ là tạm tách ra cho dễ hiểu về đường hướng tu tập và qua niệm hành trì mà thôi. Mật Tông không nằm trong thừa nào kể trên cả, mà đường đi của Mật Tông là con đường ngắn nhất, nhanh nhất, một bước đến giải thoát mà người ta gọi đó là “TỐI THƯỢNG THỪA”.
Hỏi: Thế nào là “Tối thượng thừa”?
Đáp: Tối thượng thừa là một bước đi lên “thành Phật”.
Tối thượng thừa là: vạn pháp thông đạt, vạn pháp đầy đủ, tâm vô cấu nhiễm, lìa các pháp tướng đi thẳng vào TÂM Phật.
Hỏi: Đường lối của Mật Tông ra sao?
Đáp: Đối với Mật Tông tu là để “cứu độ” chúng sinh chứ không phải là để “giải thoát” cho riêng mình. Do đó, đường lối của Mật tông là: ở mọi nơi, trong mọi lúc đều nhằm làm lợi lạc cho chúng sinh.
Hỏi: Mật Tông khác với các tông phái khác như thế nào?
Đáp: Về mục đích sau cùng của các tông phái đều đạt đến Giác ngộ giải thoát. Vậy thì Mật Tông cũng không đi ra ngoài mục đích đó, nếu có khác chăng chỉ khác trên phương diện hành trì đối với các Tông phái khác mà thôi, hay nói khác đi là chỉ khác nhau về cách dùng phương tiện để đạt đến mục đích “cứu cánh”. (Vấn đề này sẽ được bàn rộng hơn ở phần III nói về “Quan niệm của người tu Mật”). Còn về sự khác nhau trên phương diện độ sanh thì tôi không nói đến, vì tất cả đều “tùy duyên” mà đáp ứng.
Hỏi: Tu Mật Tông có khó không?
Đáp: Khó hay dễ là do mình. Các cụ thường nói “Vạn sự khởi đầu nan”, nghĩa là mọi việc khi bắt đầu đều khó, nhưng lúc quen rồi thì thấy dễ thôi.
Hỏi: Người nữ có tu được Mật Tông không?
Đáp: Đạo không phân chia nam, nữ. Phật không chọn nam, nữ để độ riêng. Vậy tại sao ta lại phân biệt? Đã là đi tìm giác ngộ thì già, trẻ, lớn, bé, trai gái gì mà không được!
Hỏi: Người ta thường nói “Tự Tu Tự Độ” vậy Mật Tông có như vậy không?
Đáp: Nên hiểu nghĩa “Tự Tu Tự Độ” là mình phải tự tu cho mình, không ai tu giùm hoặc tu mướn cho mình được, đừng hiểu là “tu không cần Thầy”. Các cụ đã dạy “Không thầy đố mày làm nên”. Vì vậy, dù là thế gian hay xuất thế gian, làm việc gì muốn đạt đến mục đích mau chóng và toàn mỹ thì đều phải có học và có Thầy cả. Mật Tông cũng như vậy thôi.
Hỏi: Người ta thường thấy đọc chú, bắt ấn cho là mê tín và hành tà giống như mấy ông thầy pháp. Vậy Mật Tông thì sao?
Đáp: Khi nào tin một cách mù quáng thì là mê tín thật, còn người tu Mật Tông thì biết rõ việc mình làm, thẩy rõ mục đích mình đi tới, vậy sao gọi là mê tín được.
Còn việc tà chánh thì phải hiểu là Đạo không có phân chia Tà, Chánh. Mà Tà hay Chánh là do TÂM ý người hành Đạo. Nếu ta tu theo Chánh đạo, nhưng ta dùng phương tiện đi làm việc xấu, cướp đoạt tiền bạc, vợ con của người, lòng đầy tham, sân, si, thì đó là ta hành tà. Còn nếu như thầy Pháp mà người ta làm việc cứu người không nghĩ đến lợi ích cá nhân, không hại người lành, ngăn chặn kẻ ác thì đó là chánh chớ đâu phải tà.
Về người tu Mật tông thì là “Tu để thành Phật” vậy tà làm sao được? Phật và Ma chỉ khác nhau ở lòng “Từ Bi Cứu Độ” mà “Từ Bi Cứu Độ” là tôn chỉ của Mật Tông đấy.
Hỏi: Tu Mật Tông có cần ăn chay giữ giới không?
Đáp: Nếu ăn chay được thì tốt, vừa ít bệnh tật lại mau tiến tu hơn, vì thân thể thanh tịnh. Còn như không ăn chay được thì cũng vẫn tu được, chỉ có điều là ta đã không thể hiện lòng từ bi của Phật, vì ta đã dùng thân mạng của một chúng sanh khác nuôi sống thân mạng của ta.
Về giữ giới thì người Phật tử nào đã quy y rồi thì đều phải giữ năm giới:
- Không sát sanh
- Không trộm cướp
- Không tà dâm
- Không nói sai, nói dối, nói đôi chiều, nói đâm thọc
- Không uống rượu.
Người tu Mật Tông cũng vậy thôi, và vấn đề này sẽ được bàn đến trong phần sau, khi nào người tu Mật Tông đã hành trì tự nhiên không nói đến giữ giới mà lại tự giữ giới hơn ai hết.
Hỏi: Biệt làm sao để chọn “Chú” nào mạnh, “Chú” nào yếu, “Chú” nào linh, “Chú” nào không?
Đáp: Mạnh hay yếu khi nào học và hành trì thì sẽ rõ, còn linh hay không là ở mình. Các cụ thường nói: “Linh tại ngã bất linh tại ngã” ta không nên quên điều đó.
Hỏi: Người Phật tử khi đọc kinh sách gặp một câu “Chú” thấy ghi những kết quả lớn nên đem trì tụng, như vậy có ích lợi gì không?
Đáp: Có lợi nhưng rất nhỏ nhoi, không đáng kể so với lợi ích đã ghi chép trong kinh sách.
Hỏi: Vì sao lợi ích lại nhỏ?
Đáp: - Vì lòng còn tham, muốn cầu lợi ích riêng mình,
- Vì tâm còn nhỏ hẹp nên sự linh ứng không lớn
- Vì không biết dùng “Chú” nên sự đáp ứng chẳng được như ý,
- Vì thiếu ấn pháp nên chưa trọn vẹn,
- Vì công đức chưa đủ mà lại muốn được thành tựu lớn.
Hỏi: Vì sao đọc “Chú” lại cần bắt ấn?
Đáp: Ấn là bí pháp thuộc về “thân mật”, khi nào tu lâu sẽ hiểu. Đại để có thể tạm giải thích: khi ta bắt ấn thì làm phát huy cái lực của “Chú”, cũng ví như mở đài, tivi mà có thêm cây ăngten vậy.
Đối với người tu Mật thì việc bắt ấn còn là một sự “thể nhập” vào pháp thân Phật nữa.
Hỏi: Tại sao người tu Mật Tông lại gọi là “Trì Chú”?
Đáp: Trì có nghĩa là nắm giữ lấy. Nếu ta chỉ đọc không thôi thì nó sẽ theo gió mà bay đi. Còn khi nói “Trì” thì phải nghe rõ “Chú” , phải theo âm thanh của “Chú” mãi mãi không rời. Đó là sự khác biệt giữa “ĐỌC” và “TRÌ”.
Hỏi: Trì chú, bắt ấn bao lâu thì có kết quả?
Đáp: Người tu Mật Tông nói đến “thành tựu” để cứu độ chúng sanh chớ không mong cầu kết quả cho mình. Còn thành tựu lâu hay mau, lớn hay nhỏ đều do ở mình, chỉ có hai điều chắc chắn cò thể nói được: Một là tu Mật Tông thì tiến từng giờ, từng ngày. Hai là đã tu thì sẽ có thành tựu, chỉ khác nhau ở chỗ lớn hay nhỏ mà thôi.
Hỏi: Thế nào là tiến từng ngày, từng giờ?
Đáp: Điều này thuộc về chứng nghiệm, chỉ khi nào tu mới thấy rõ được. Tuy nhiên có thể nói rằng nương vào chân ngôn, hành giả tiến được rất nhanh. Giờ sau khác giờ trước, ngày sau khác ngày trước.
Hỏi:Tại sao thành tựu lại khác nhau lớn hay nhỏ?
Đáp: Đối với một hành giả, thì sự thành tựu lớn hay nhỏ là do tâm mình. Còn nếu đem so sánh giữa hai hành giả tùy theo căn cơ, phước đức và sự mở tâm của mỗi người mà có sự khác biệt. Tuy nhiên, nếu gắng công tu để đạt được sự “tương ưng” thì cái thành tựu ban đầu nhỏ sau cũng sẽ lớn lên vô hạn. Do đó người hành giả đừng sợ là không thành tựu và cũng đừng buồn khi thành tựu nhỏ.
Hỏi: Muốn tu Mật Tông thì cần có những điều kiện gì?
Đáp: Cửa Phật rộng mở không ngăn chê ai nên không cần điều kiện. Chỉ cần người tu thực lòng muốn “cứu độ chúng sanh” là tu được thôi. Nếu ta đã sắn đức tin và có lòng từ thì ta tu đâu có gì trở ngại.
Hỏi: Điểm nào là điểm mà Mật Tông hơn hẳn các tông phái khác?
Đáp: Mật Tông chỉ đem so sánh với các tông phái khác để biết sự khác biệt thôi, chứ không phải để phân biệt hơn kém.
Hỏi: Vậy thì sự khác biệt ra sao?
Đáp: Điểm nổi bật và dễ nhận thấy nhất, đó là Mật Tông lấy “Chú” làm phương tiện, và do phương tiện này đem đến những lợi ích đặc biệt lớn lao.
Hỏi: Lợi ích đặc biệt thế nào?
Đáp: “Nghiệp” là cái đem con người trôi lăn trong sanh tử luân hồi, nay nhờ “Chú”, ta chuyển được Nghiệp, giải được Nghiệp để sớm giải thoát. Đó là điểm khác biệt quan trọng nhất của Mật Tông so với tông phái khác.
Hỏi: Còn điểm nào khác nữa?
Đáp: “Chú” còn giúp hành giả lập công bồi đức và tiêu tội nữa.
Đấy là chỉ kể những lợi ích thiết thực cho vấn đề giải quyết sanh tử luân hồi thôi, chứ chưa nói đến lợi ích chữa bệnh, tăng thêm thọ mạng…
Hỏi: Phật tử theo tông phái khác, nay xem kinh sách rồi tự mình “trì CHÚ” và “bắt ẤN” như vậy có được không?
Đáp: Được chứ, có ai cấm đâu! Tuy nhiên, tu học kiểu đó cũng giống như người mù chơi dao, lợi bất cập hại (lợi ít hại nhiều).
Hỏi: Tại sao lợi ít mà hại nhiều?
Đáp: Vì “Chú” là con dao hai lưỡi, nếu biết xài thì rất nhạy bén còn không biết xài thì dễ bị đứt tay.
Hỏi: Vậy là thế nào?
Đáp: Đã gọi là “Thần chú” vì có những linh nghiệm lớn, thì cũng có những tác hại không nhỏ cho người hành giả nếu không biết sử dụng.
Hỏi: Hại ra sao?
Đáp: Đã có biết bao nhiêu tu sĩ cũng như Phật tử trì chú lâu ngày trở thành khùng điên hoặc bất bình thường. Đó là phản ứng tất nhiên của “Chú”.
Hỏi: Như vậy, muốn “trì CHÚ” và “bắt ẤN” phải làm sao?
Đáp: Phải được truyền pháp một cách đúng đắn qua các tu sĩ Mật Tông, hoặc những người tu học Mật, chứ không nên tự mình làm ẩu.
Hỏi: Muốn được truyền pháp thì phải làm sao?
Đáp: Thì phải gia nhập dòng pháp Mật Tông.
Hỏi: Nhập dòng pháp là thế nào?
Đáp: Là xin theo nhập học, tu theo Mật Tông.
Hỏi: Gia nhập dòng pháp cần điều kiện gì?
Đáp: Cửa Phật rộng mở, pháp môn thì nhiều, ai hợp môn nào thì theo môn ấy, không có gì đòi hỏi ở người phát tâm tu hành cả. Mật Tông cũng giống như các tông phái khác là muốn xin học thì phải được làm lễ ra mắt với chư Phật, với Tổ Pháp bằng một lễ “Quy y Quán Đảnh”.
Hỏi: Phật tử đã quy y rồi, thuộc tông phái khác, nay theo Mật Tông được không?
Đáp: Đã quy y rồi thì không cần quy y nữa, nhưng phái làm lễ “Quán đảnh”. Đang theo tông phái khác mà nay muốn theo Mật Tông thì phải xin phép “Sư Môn”, tức xin phép thầy mình đã, khi được chấp thuận thì mới xin gia nhập được.
Hỏi: Xin cho biết sơ qua về lịch sử Mật Tông.
Đáp: Mật Tông là một tông phái của Đạo Phật đã có từ lâu, nhưng ít phổ biến như các tông phái khác vì nhiều lý do (xem phần III nói về quan niệm của người tu Mật Tông sẽ rõ). Đại để, có thể nêu ra một vài điểm:
- Vì Mật nên không truyền rộng được,
- Vì rất ít người có đủ căn cơ để tu học và có duyên để gặp,
- Vì nhân duyên của chúng sinh khi nào hội đủ thì Mật Tông mới có mặt.
Do đó lịch sử của Mật Tông không có một sự truyền thừa tuần tự từ vị tổ này đến vị tổ khác, đời này tiếp đời khác như Thiền Tông hay Tịnh Độ. Mật Tông đi chìm, chỉ nổi khi cần cứu độ chúng sanh, sau lại chìm đi không để ai biết. Đó cũng là đặc điểm của Mật Tông vậy. Tuy nhiên, Mật Tông khi truyền qua Nhật thì ở đây cũng tạm lập một hệ thống truyền thừa như sau:
Tổ Pháp là đức ĐẠI NHẬT NHƯ LAI, sau truyền cho ngài KIM CANG TÁT ĐỎA, Ngài KIM CANG TÁT ĐỎA truyền cho ngài LONG MÃNH vv.. theo hệ thống dưới đây:
1. Đại Nhật Như Lai
2. Kim Cang Tát Đỏa
3. Long Mãnh tức Long Thọ
4. Long Trí
5. Kim Cang Trí
6. Bất Không
7. Huệ Quả (Trung Quốc)
8. Không Hải (Nhật Bản)
Ở Việt Nam thì đời nhà Lý có các Pháp sư nổi tiếng như:
- Từ Đạo Hạnh
- Nguyễn Minh Không.
Đời Trần, đời Lê sau này cũng có nhưng không hiển lộ và không lập môn phái.
Hỏi: Mật Tông thịnh hành nhất ở đâu?
Đáp: Như trên đã nói, Mật Tông không phổ biến nên ở nước nào cũng có, nhưng đem hành sử một cách rộng rãi thì rất khó thấy được, nhất là ở trong các nước mà Phật giáo chiếm đa số dân chúng. Tuy nhiên có thể nói đến một nước tiêu biểu nhất có nhiều người tu Mật Tông, đó là Tây Tạng trước năm 1950, và bây giờ là ở Nhật.
Hỏi: Đức Đại Nhật Như Lai thành Phật bao giờ, lại gọi là Tổ Pháp?
Đáp: Đức Đại Nhật Như Lai thành Phật trên cõi trời Vô Sắc, thuyết pháp độ sanh từ ở đó. Ngài là một hóa thân của đức TỲ LÔ GIÁ NA. Ngài là pháp thân.
Vì ngài thuyết kinh Đại Nhật, Ngài dạy về pháp Mật nên tôn ngài là Tổ Pháp của Mật Tông.
Hỏi: Mật Tông có kinh riêng à?
Đáp: Kinh chỉ là phương tiện hướng dẫn tu hành. Những kinh thuyết riêng về Mật Pháp cho người tu Mật Tông hành trì gồm có:
- Kinh Đại Nhật
- Kinh Kim Cang Đảnh
- Kinh Tô Tất Địa
- Kinh Mật Nghiêm…
Kinh Đại Nhật tức là kinh “Tỳ Lô Giá Na thành Phật”.
Và Tạng cũng có bộ “Mật Tạng”.
Nhưng đại để những kinh sách này hầu như chưa được dịch sang tiếng Việt, nếu có chăng, chỉ là những phần “trích dịch” mà thôi, phần đông còn là chữa Hán. Đây cũng là một khó khăn không nhỏ cho người tu Mật thời nay, nhưng đây không phải là một trở ngại.
HÀNH GIẢ MẬT TÔNG
Du già hành cước khắp nơi,
Không nơi ngừng nghỉ chẳng dời chân tâm.
Đi vào cuộc sống âm thầm
Quên mình vì đạo chẳng nhằm lợi danh.
Hàng ngày trong việc độ sanh,
Sống vì trần thế đấu tranh chẳng ngừng.
Đi hoài chẳng có chỗ dừng,
Nơi nào cần tới vui mừng đến ngay.
Thời gian chẳng kể đêm ngày,
Cứ đi, đi mãi như say tình đời.
Làm tròn “Mật Hạnh” sáng ngời,
Ra vào cuộc thế như chơi ván cờ
PHẦN 2 : NGƯỜI TU MẬT PHẢI LÀM GÌ?
Hỏi: Người tu Mật Tông phải làm gì?
Đáp: Người tu Mật Tông phải “vừa tu vừa cứu độ”. Thế có nghĩa là hàng ngày trong mọi lúc, ở mọi nơi đều phải nghĩ đến việc làm lợi lạc cho chúng sinh.
Hỏi: Thế nào là mọi lúc mọi nơi?
Đáp: Trong mọi lúc là khi ngủ cũng như khi thức, khi làm việc cũng như khi nghỉ ngơi, khi ăn cũng như khi uống… Tóm lại là bất cứ lúc nào.
Hỏi: Thế nào là ở mọi nơi?
Đáp: Ở mọi nơi có nghĩa là ở nhà cũng như khi ra đường lúc ngồi trên xe cũng như khi vào nhà quen, lúc đến công sở cũng như khi đi vào nhà thương… Tóm lại là trong mọi cuộc tiếp xúc hàng ngày.
Hỏi: Làm lợi lạc là thế nào?
Đáp: Làm lợi lạc có nghĩa là đem lại sự lợi ích và niềm an vui cho kẻ khác. Sự lợi ích và niềm an vui về tâm linh và tinh thần, đây là một điều mà chỉ có những người tu Mật Tông là có thể làm được.
Hỏi: Làm lợi lạc cách nào và bằng cái gì?
Đáp: Làm lợi lạc bằng cách “Chú nguyện”, dùng “Chân ngôi Chú pháp”. Đây là một hình thức bố thí có thể được xếp vào loại “Pháp thí”. Kinh Phật dạy: “Pháp thí cao hơn tài thí”, có nghĩa là cao hơn cho người ta tiền bạc. mà sự bố thí này lại là Ba la mật, nghĩa là tuyệt đỉnh, ở chỗ mình đem cho mà chẳng cần người được cho biết đến, và cũng không cần họ đền ơn.
Hỏi: Chúng sinh là ai?
Đáp: Chúng sinh đây phải hiểu theo nghĩa rộng, là mọi loài hữu tình cũng như vô tình ở trong thế gian cũng như ngoài thế gian. Tùy trường hợp, tùy hoàn cảnh mà cứu độ.
Hỏi: Như vậy thì việc chính của người tu Mật Tông là làm gì?
Đáp: Là cứu độ.
Lẽ dĩ nhiên người tu Mật Tông cũng phải lo cuộc sống hàng ngày như những người khác. Nhưng khác người thường ở chỗ vừa làm việc vừa tu, mà tu là “cứu độ”.
Sách có nói: “Những người tu Mật Tông là những người bình thường đi giữa cuộc đời, mang lý tưởng Bồ tát, trên tiếp thông với các bậc Giác Ngộ, dưới cứu giúp chúng sanh”.
Hỏi: Cứu độ thế nào?
Đáp: Cũng giống như người thường, trong những hoàn cảnh mà mình có khả năng giúp đỡ người khác, thì người tu Mật Tông không từ nan mà thật tình giúp đỡ một cách vô vị lợi. Có thể giúp bằng tài vật, bằng sức lực, trị bệnh… Nhưng khác người thường ở chỗ, kèm theo sự giúp đỡ đó, người tu Mật Tông dùng phương tiện mình có, đó là: “Nguyện lực và Chơn ngôn” cộng thêm vào nữa. Đây là sự giúp đỡ siêu hình, có ảnh hưởng tâm linh không nhỏ.
Thường thì nói “cứu độ”, đây là về mặt siêu hình nhiều hơn. Hay nói khác đi là dùng “Pháp thí” chứ không phải là “Tài thí”.
Hỏi: Xin nói rõ hơn và cho thí dụ.
Đáp: A. Thí dụ, khi cho tiền một người ăn xin, ngoài việc cho tiền, người tu Mật Tông còn phải chú nguyện:
- Để đồng tiền của mình và của những người khác bố thí giúp cho người hành khất đó no đủ, hết bệnh tật,
- Để cho người hành khất đó giải được nghiệp đi xin,
- Để cho những người cùng khổ như người hành khất này ở khắp mọi nơi đều được giải nghiệp…
B. Thí dụ đi thăm bệnh, thì ngoài việc biếu quà, hỏi thăm, an ủi người bệnh, người tu Mật Tông còn phải dùng phương tiện của mình để chú nguyện cho:
- Người bệnh được mau lành, được bình an,
- Giải bệnh căn, bệnh nghiệp cho người bệnh,
- Xin tăng thêm phước thọ cho người bệnh,
- Xin cho những người bệnh khác đều được qua khỏi…
C. Thí dụ đi ăn đám giỗ, ngoài những lễ nghi, quà cáp thông thường, người tu Mật Tông phải chú nguyện cho:
- Vong hồn người quá cố và những vong khác được siêu thoát,
- Các người sống đều được khỏe mạnh và bình an…
Tóm lại, trong mọi tiếp xúc, mọi nơi đều phải làm lợi cho người khác bằng phương tiện mình có. Lời nguyện thì tùy tâm của mỗi người, miễn sao nhắm đúng mục đích làm lợi cho người ta.
Hỏi: Tại sao Mật Tông lại chủ trương cứu độ là chính?
Đáp: Chẳng riêng gì Mật Tông mà các tông phái khác trong đạo Phật cũng đều thực hiện việc cứu độ, nhưng dưới nhiều hình thức và hoàn cảnh khác nhau, riêng Mật Tông đặt nặng vấn đề này hơn.
Hỏi: Vì sao đặt nặng vấn đề này hơn?
Đáp: Vì người tu Mật là người mang lý tưởng Bồ Tát! Trong chủ trương “Thượng cầu hạ hóa”, người tu Mật quan niệm rằng đó là thực tu.
Hỏi: Vì sao nói đó là thực tu?
Đáp: Vì đó là làm tròn “cái sự” để đủ hai mặt tự lợi và tự tha.
Hỏi: Tự lợi ở chỗ nào?
Đáp: Tự lợi ở chỗ hằng thường mở rộng TÂM mình. Hằng thường ở trong thiện niệm. Hằng thường làm các nghiệp lành.
Hỏi: Xin nói rõ hơn về thực tu.
Đáp: Tu thì phải hành, không hành thì chẳng chứng được “Cái lý”. Có vậy thì “Lý - Sự mới viên dung”.
Các Tổ đã dạy 4 bước tu hành là Tín, Giải, Hành, Chứng nghĩa là Tin thì phải Hiểu, Hiểu thì phải Làm, Làm thì mới thấy kết quả.
Hỏi: Xin giải nghĩa hai chữ “Cứu độ”.
Đáp: Cứu là giúp đỡ, đem ra khỏi chỗ nguy hiểm, tai hại. Độ là dìu dắt, nghĩa là chính là chở bằng đò qua sông.
Vậy “Cứu độ” là giúp đỡ, dìu dắt người qua biển khổ, từ bên này bờ mê sang bên kia bờ giác.
Hỏi: Xin cho biết tinh thần cứu độ của người tu Mật.
Đáp: Người tu Mật muốn làm tròn hạnh cứu độ phải thực hiện 2 điểm sau đây:
1. Cứu độ không phân biệt,
2. Cứu độ mà không độ
Hỏi: Thế nào là cứu độ không phân biệt?
Đáp: Nghĩa là không khởi tâm phân biệt:
- Thiện ác
- Giàu nghèo,
- Sang hèn,
- Tốt xấu…
Hỏi: Thế nào là cứu độ mà không độ?
Đáp: Nghĩa là không thấy mình độ người, và không thấy có người được độ. Nghĩa là không vì danh, không vì lợi, không mong cầu đền đáp.
Hỏi: Sâu xa hơn, vấn đề cứu độ còn ý nghĩa gì?
Đáp: Sâu xa hơn ta phải hiểu hành động cứu độ là giải thoát. Giải thoát cho mình và cho người.
Hỏi: Chủ trương cứu độ là hay, nhưng làm sao để làm được dễ dàng?
Đáp: Vạn sự khởi đầu nan, bạn cứ thực hành đi sẽ thấy không khó, nếu mình có quyết tâm và tự tin thì sẽ vượt chướng ngại.
Hỏi: Người tu Mật có hành lục độ không?
Đáp: Cứu độ là con đường làm tròn quả vị, có cả 6 độ nằm trong đó.
Hỏi: Cứu độ là bố thí, sao lại nói có cả 6 độ nằm trong đó?
Đáp: Đúng vậy. Nếu bạn làm hằng thường thì thấy “LỤC ĐỘ” trong đó cả. Vì sao? Vì khi BỐ THÍ bạn đã đem TRÌ GIỚI không sân, tham. Nếu bạn làm bằng thường thì đó là hạnh TINH TẤN, cho mà không cầu lợi, không mong đền đáp đó là hạnh NHẪN NHỤC. Cho mà trong tâm luôn luôn bình đẳng, không phân biệt thân trù, trụ nơi chánh niệm, đó là THIỀN ĐỊNH. Cho mà niệm niệm giải thoát đó là TRÍ HUỆ.
Đây là con đường đi đến thành PHẬT đó bạn!
Hỏi: “Cứu độ” là “Ngoại công phu” còn “Nội công phu” người tu Mật Tông phải làm gì?
Đáp: Mật Tông không phân nội ngoại, mà “tức nội tức ngoại”. Có thể tạm gọi là “Nội công phu” tức là những lúc hành trì ở Đạo Tràng hay khi nhập thất. Đây là đi vào phần kỹ thuật của nghi thức chuyên biệt sẽ được trình bày trong phần III. Nhưng thật ra trong những giờ phút đó cũng có ngoại đấy.
Hỏi: Ngoài cứu độ, người tu Mật còn chủ trương gì?
Đáp: Chú trương nhập cuộc. Chủ trương vào đời để đem lại an lạc cho mọi người, mọi vật…
Hỏi: Vì sao lại vào đời mà không tìm nơi thanh vắng, hay tu viện mà tu hành?
Đáp: Vì Mật Tông chủ trương Đạo và Đời là Một. Đạo chính là Đời, xa Đời không có Đạo.
Hỏi: Nếu vậy thì hành giả Mật Tông vào đời như thế nào?
Đáp: Vào đời bằng cách dấn thân, quên mình để cứu độ bằng phương tiện thực tiễn, cả vật chất lẫn tinh thần, nhằm mục đích tối thượng là cùng nhau giải thoát. Nhưng phải luôn luôn:
- Thức tỉnh tức là sáng suốt,
- Xả kỷ tức là bỏ “cái Ta”, cái ngã,
- Không chấp tức là linh hoạt tùy duyên,
- Giữ con đường Trung Đạo.
Hỏi: Quan niệm của người tu Mật về “Tứ Vô Lượng Tâm”, Từ, Bi, Hỉ, Xả?
Đáp: Người tu Mật lấy “XẢ” làm đầu, lấy “BI” làm căn bản, lấy “TÙY HỶ” chúng sanh làm hành động tiếp xúc, lấy “TỪ” làm môi trường sinh hoạt,
Hỏi: Người tu Mật, ngoài việc “trì CHÚ” có đọc tụng kinh sách không?
Đáp: Có chứ! Như ở trên phần I đã trình bày, Mật môn lấy Chơn ngôn làm phương tiện, còn về phần giáo lý là chung cho tất cả mọi người, ai học Phật cũng đều phải tìm hiểu.
Hỏi: Như vậy Mật Tông không có kinh sách riêng à?
Đáp: Đây là câu hỏi lại vào phần chuyên biệt rồi. Thật ra thì có nhưng chưa được bao nhiêu. Trước đây cố Thượng Tọa Thích Viên Đức đã dịch và cho phát hành một số kinh như:
- Hiển Mật Viên Thông
- Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương,
- Chuẩn Đề Đà La Ni
- Mật Pháp Nhất Tự Đà La Ni
- Quán Thế Âm Thập Nhất Diện Thần Chú Kinh
- Kinh Tạp Tập Đà La Ni
- Kinh Tô Tất Địa …
Thượng Tọa Thiền Tâm có dịch:
- Đại Bi Kinh
- Tôn Thắng Phật Đảnh Kinh
Thượng tọa Thích Quảng Trí có dịch:
- Quán Thế Âm Bồ Tát A Lợi Đà La Ni Kinh
- Tô Bà Hô Đồng Tử Kinh
Thượng tọa Thích Đồng Hạnh có dịch:
- Pháp yếu căn bản của Mật Tông
- Thủ hộ Quốc Giới Chủ Đà La Ni
- …
Cư sĩ Phi Bằng dịch:
- Thánh Cứu Độ Phật Mẫu Tu Trì Pháp
Cư sĩ Hồng Đức dịch:
- Đa rị Tâm Kinh
- Đại Phật Đảnh Như Lai Phóng Quang Tát Đát Đa Bát Đát Ra Đà La Ni Kinh
- …
Và giờ đây các vị tôn túc còn đang tiếp tục dịch để hoằng dương Phật Pháp. Tôi xin cung kính vọng bái và tán thán công đức các ngài.
Hỏi: Kinh sách Mật môn nhiều như vậy sao nói là ít?
Đáp: - Ít là vì so với rừng kinh điển Phật Giáo
- Ít là vì chưa nói lên được thực chất của Mật Thừa
- Ít là vì những bộ kinh lớn chưa được dịch.
Hỏi: Kinh lớn là kinh nào?
Đáp: Hai bộ kinh lớn của Mật Tông hiện giờ ở Việt Nam chưa ai dịch, đó là:
- Đại Nhật Kinh
- Kim Cang Đảnh Kinh
Hỏi: Tại sao vậy?
Đáp: Vì các vị tôn túc chưa hội đủ nhân duyên để làm. Đây là cả một công trình lớn, cần sự đóng góp của nhiều người, và tốn nhiều công phu cùng với thời gian … Ngoài ra, còn đòi hỏi người dịch phải có trình độ thực tu, thực chứng nữa.
Nhưng bạn đừng lo, chỉ với số ít ỏi được giới thiệu trên kia, nếu bạn chọn lấy một pháp, rồi chuyên nhất mà tu hành, thì chắc chắn cũng được giải thoát.
Hỏi: Làm thế nào để chọn Pháp, và nên chọn Pháp nào?
Đáp: Phải cần có thầy, có bạn và phải được thông suốt phần căn bản Mật Tông.
Hỏi: Làm thế nào để tìm thầy Mật Tông?
Đáp: Có nhân duyên thì gặp. Về Mật môn thì thầy đi tìm trò nhiều hơn là trò đi tìm thầy.
Hỏi: Ở Việt Nam pháp Mật nào phổ biến hơn cả?
Đáp: Đại Bi và Chuẩn Đề.
Hỏi: Đại Bi và Chuẩn Đề thì đa số các nhà chùa theo Bắc Tông đều có trì tụng, như vậy là Mật Tông cả sao?
Đáp: Đúng! Đa số nghi thức của những nhà chùa bên Bắc Tông đều có trì Đại Bi, Chuẩn Đề và Bát Nhã, nhưng đó chưa hẳn là Mật.
Hỏi: Vậy là Hiển hay sao?
Đáp: Người tu Mật không phân biệt tách rời Hiển và Mật, mà quan niệm là “Tức Hiển tức Mật”, có nghĩa là Hiển mà Mật đấy, Mật mà Hiển vậy.
Hỏi: Xin nói rõ hơn.
Đáp:Vì đặc tính của dân tộc ta cương cường mà nhu hòa nên các tôn giáo và tư tưởng vào đây dần dần bị biến đổi để thích ứng với địa phương.
Cũng vậy, Đạo Phật phổ biến ở Việt Nam từ đời Đinh rồi cùng dân tộc này trải qua bao nhiêu chìm nổi đổi thay, nên giờ đây các chùa Bắc Tông cũng mang một sắc thái đặc biệt khác hẳn chùa các nước Trung Quốc, Nhật, Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ… (mấy nước kể sau đa số là Nam Tông). Khác nhau ở chỗ dung hòa trong nghi thức không chia rõ chùa Thiền, chùa Mật hay chùa Tịnh Độ Tông. Điều này có nghĩa là một sự dung hòa các Pháp Môn.
Bước vào chùa, đầu tiên vào nhà Tổ thì thấy thờ Đạt Ma Tổ Sư là vị Tổ Thiền. Lên chùa thì thất cả tượng Đức Di Đà, Đức Thích Ca, Đức Văn Thù, Đức Phổ Hiền, Đức Quan Âm, Đức Chuẩn Đề… Nghĩa là đủ tượng của Tịnh Độ, của Mật, của Thiền… Sang phần nghi thức hành lễ thì có đọc Chú, có tụng kinh, đó là vừa hiển, vừa Mật đấy.
Đây cũng là điểm đặc sắc của Đạo Phật ở nước ta, thường thường các thầy tu theo hai đường:
- Thiền Mật song tu
- Tịnh Mật song tu.
Ở Việt Nam chưa có một chùa nào riêng của Mật Tông , thờ theo đúng Mạn Đà La, tức là Đàn Pháp Mật, với các vị Phật Mật tông như Tỳ Lô Giá Na… giống bên Nhật. Do đó Mật Tông mà chúng ta hành trì ở đây thường tự tu tự chứng, không có một sự truyền thừa rõ ràng và phần nhiều là “TẠP Mật” không phải “THUẦN Mật”.
Hỏi: Thế nào là tạp?
Đáp: - Tạp vì không chuyên nhất, thí dụ như tu Tịnh Độ mà lại trì chú Chuẩn Đề.
- Tạp vì tự học, tự hành, không được truyền thừa có hệ thống.
- Tạp vì giáo pháp tiếp nhận từ ứng thân Đức Thích Ca Mâu ni, thay vì từ pháp thân Đức Tỳ Lô Giá Na.
Nhưng dù sao tạp hay thuần thì cũng đều đi đến cứu cánh là giải thoát.
Hỏi: Mấy câu hỏi vừa nêu đã đi xa tiêu đề của phần II là Người tu Mật Tông làm gì? Giờ xin quay lại chủ đề.
Đáp: Muốn biết làm gì thì cần nắm vững vấn đề trước đã.
Tu Mật là tu TÂM, tu PHÁP, dùng Pháp làm phương tiện, mà phải biết dùng “PHƯƠNG TIỆN THIỆN XẢO” để đạt cứu cánh giải thoát cho mình và người.
Hỏi: Thế nào là phương tiện thiện xảo?
Đáp: Phương tiện thiện xảo là phương tiện thù thắng khéo léo, phương tiện nhặm lẹ và chắc chắn, phương tiện vững vàng mà hiệu quả, phương tiện nhiệm màu và thâm thúy nhất, để đưa người tu Mật vượt bể khổ luân hồi đến được bờ giải thoát ngay trong đời này.
Phương tiện đó đối với Mật môn là CHÂN NGÔN.
Hỏi: Chân ngôn thì thật nhiều, nhưng biết dùng ra sao?
Đáp: Đó là chúng ta bắt đầu đi vào vấn đề thật sự.
Cũng như người lái xe, xe đi nhanh hay chậm do nơi tài xế, lái khéo hay dở cũng bởi bác tài. Vậy có xe trong tay rồi, còn phải đòi hỏi những điều kiện cần thiết khác nữa, thí dụ như sự lanh trí, phản ứng nhặm lẹ và đôi mắt tinh tường cùng sức khỏe sung mãn… Người tu Chân ngôn cũng như vậy.
Khi bạn đã có pháp trong tay rồi, chỉ cần một pháp thôi – thì bạn cần phải có:
- Một niềm tin không gì lay chuyển nổi
- Một chí nguyện rộng lớn vô hạn,
- Một nguyện lực mãnh liệt vô biên.
- Một nghị lực vững bền kiên cố
Đó là tất cả sự chánh tâm thành ý đòi hỏi, và cũng là điều kiện để ly sanh tử vậy.
Hỏi: Ngoài 4 điểm trên còn phải dọn Tâm thế nào?
Đáp: Muốn vào pháp và chắc chắn đi đến thành tựu thì người tu Mật phải:
a. Đối với mình:
- XẢ tất cả
- PHÁ tất cả
- LÀM tất cả
b. Đối với người:
- CHUYỂN tất cả
- THẮNG tất cả
- THÀNH tất cả.
Hỏi: Xin nói rõ 3 điểm đối với mình.
Đáp: Thực hiện 3 điểm này để được nhất tâm và luôn trong chánh niệm:
XẢ TẤT CẢ là bỏ “cái TA” và “cái CỦA TA” tức là Ngã và Ngã Sở.
PHÁ TẤT CẢ là phá cái ”TÂM PHÂN BIỆT” và “KIẾN CHẤP”.
LÀM TẤT CẢ là “LÀM CÁC THIỆN NGHIỆP” và hằng thường giữ Thân, Khấu, Ý lành.
Hỏi: Xin cho biết thêm về 3 điểm đối với người.
Đáp: Đối với người thì phải thường tùy hỷ và lấy “BI TÂM” mà đối xử để:
CHUYỂN TẤT CẢ là: Dựa vào bi nguyện của chư Phật, chư Bồ Tát và đem tất cả công đức lực của mình để chuyển hóa cho người khiến nghiệp dữ thành lành, hướng về chánh pháp tu hành.
THẮNG TẤT CẢ là: Bằng phương tiện thiện xảo, bằng nguyện lực bằng chánh tâm để thắng mọi tà ngụy.
THÀNH TẤT CẢ là: Người tu Chân ngôn mang tâm Bồ Tát làm việc Phật làm nên “khởi niệm tất thành”, đó là chỗ thắng diệu của Pháp vậy.
Hỏi: Thật khó thực hiện những điều vừa kể, xin cho thêm ý kiến để củng cố niềm tin.
Đáp: Người tu Mật là người sống trong nhân quả mà vượt lên trên nhân quả. Sống trong nghiệp lực mà chuyển nghiệp lực, do TÂM, do PHÁP và do HÀNH. Nếu bạn đã có quyết tâm và biết pháp giải thoát thì cứ hành đi nhất định sẽ thành. Bạn đã có chìa khóa của sự thành công rồi, giờ hãy vững tin mà tiến bước.
Hỏi: Giả sử như bây giờ tôi đã quyết tâm, vậy thì còn cần thêm gì nữa không?
Đáp: Đã quyết rồi phải cần nhất tâm.
Đã nhất tâm rồi cần chuyên chú, siêng năng như gà ấp trứng thì mới đạt kết quả tốt.
Hỏi: Với kinh nghiệm của người đi trước, ông thấy còn khó khăn gì?
Đáp: Cái khó khăn nhất mà tất cả những người mới bước vào con đường “Mật thừa” đều gặp đó là:
ƯA thích thần thông, hoặc
MUỐN mau chóng được một cái gì, thành một cái gì!
Tâm lý này cũng đúng thôi, nhưng nó lại trở thành chướng ngại lớn cho hành giả.
Hỏi: Tại sao mong cầu hợp lý mà lại gây trở ngại?
Đáp: Ưa thích thần thông tức mong muốn có quyền năng hoặc là siêu nhân, đó là phát triển tự ngã. Mong mau chóng kết quả là bạn còn tham, còn cầu, còn chưa làm chủ thật sự tâm mình. Và khi bạn vào “tu Pháp Mật” mà còn với tư tưởng đó thì kết quả rất là hạn chế, và khó mà chuyên nhất.
Hỏi: Vì sao?
Đáp: Lại vì sao nữa! Tam tổ Thiền Tông Tăng Xán đã viết trong Tín Tâm Minh là:
“Đừng hỏi vì sao nữa,
Thì hết chuyện sai ngoa!”
Xin trả lời cái “vì sao” của bạn nhé!
Vì mục đích của bạn là đi tìm cầu, có khi cầu lớn lai, mà có khi chỉ là cầu tri kiến. Vậy nếu cầu lớn lao thì là “tham”, mà cầu tri kiến thì “sai”, là “lạc”, cả hai trường hợp đều hỏng hết. Tại vì muốn vào Pháp Phật thì phải lìa TRI KIẾN, khi đó bạn sẽ hiểu hai câu này”
“Phật với chúng sanh tánh thường rỗng lặng
Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn”.
Bạn cứ chuẩn bị tinh thần sẵn sàng thì khó khăn nào chẳng vượt qua, trở ngại nào mà chẳng khắc phục.
Hỏi: Thế thì phải chuẩn bị tinh thần thế nào?
Đáp: Tinh thần chân thực và buông xả.
Hỏi: Nghĩa là thế nào?
Đáp: Chân thực là:
TRỞ VỀ chính mình
HIỂU THỰC lòng mình
KHẨN THIẾT vào Đạo
Buông xả là:
BỎ HẾT tri kiến
DẸP HẾT mong cầu.
Đó mới là bước đầu của người ngộ Đạo. Nếu bạn đi tìm chân lý chỉ bằng lý trí của bạn thì không thể thấy được “CÁI THỰC – LẼ THỰC”, vì theo Phật pháp, những hiểu biết nhiều quá sẽ là “sở tri chướng” làm ngăn con đường vào Đạo.
Hỏi: Nãy giờ tôi nghe tu Mật cái gì cũng vì người, cho người, thế là “tu” mà chẳng được gì à?
Đáp: Chính cái chỗ “chẳng được gì cả” của bạn là được nhiều lắm đấy! Điều này chắc bạn không tin, vì bạn đã đi vào đâu mà tin được!
Giờ nếu bạn đã quyết tâm và có hành trang đầy đủ rồi thì xin bạn hãy lên đường. Chúc bạn sớm gặp được duyên may.
Hỏi: Khoan! Xin cho hỏi câu cuối cùng: Thế nào biết là thành tựu?
Đáp: Phật nói “Tự tu tự chứng” vậy thì thành quả không ai giống ai. Có người thành tựu lớn, có người thành tựu nhỏ. Tùy theo căn cơ, phước đức, công phu của mỗi người.
Tuy nhiên, bạn đã hỏi thì phải trả lời:
Thành tựu nói chung của những người “TU GIẢI THOÁT” không phải ở chỗ “biến hóa thần thông, hô phong hoán vũ” mà là tự thấy được:
TÂM PHÀM của mình ngày một mất,
NGHIỆP XẤU ngày một bỏ,
TỪ BI ngày một tăng,
TINH THẦN ngày một an ổn,
TRÍ THẤY BIẾT ngày một sáng,
GIẢI THOÁT ngày một gần …
Bạn đã an tâm chưa? Bây giờ khởi hành chứ, kẻo trễ quá rồi, vô thường đâu có đợi bạn?
Đừng để phí ngày này
Đừng để phí kiếp này
Sau này chắc gì gặp được chánh pháp
Cơ hội khó có lần thứ hai!
Chúc bạn thành công.
Xin hồi hướng công đức về mười phương Tam Bảo, và tất cả chúng sanh trong các cõi.
Sau khi đọc xong phần II này, nếu bạn thấy được điều gì hay, mới, thì đó là bởi căn nghiệp phước đức của bạn đã có sẳn, nên hồi hướng về “NHẤT THIẾT CHỦNG TRÍ”
TU MẬT
Đừng đòi những pháp nhiệm màu,
Hãy chờ những pháp không cầu mà nên
Thần thông thì chẳng có tên,
Chẳng cần tác ý tùy duyên hiện bày,
Tu mật phải hiểu lẽ này,
Còn tham, còn vọng còn đầy quỷ ma,
Phật thường vẫn nhắn nhủ ta,
Đừng đem quỷ tới thay ma trong người.
Hành giả tu Mật vào đời,
Cứu sanh độ chúng trời người đều thông
Con đường “Mật Hạnh” cửa KHÔNG
Trang nghiêm quốc độ Mật Tông thường làm,
Thênh thang chánh pháp rõ ràng,
Vào đời cứu độ chẳng màng tử sanh,
Cởi mình khỏi trói lợi danh,
Chuyển Thân Tâm biến mau thành NHƯ LAI.
18-7-1992
MẬT NGHIÊM
Nói thì dễ lắm, nhưng làm thì thật khó “Thiên nan vạn nan” bạn hãy hành đi và thật sống trong đó thì mới giải thoát được.
PHẦN 3 : QUAN NIỆM CỦA NGƯỜI TU MẬT TÔNG
Hỏi: Còn quan niệm của người tu Mật ra sao?
Đáp: Phần này trình bày về “cái nhìn” của người tu Mật với nhân sinh và vũ trụ. Điều này rất quan trọng, vì nó là mũi tên chỉ đường, và là cây gậy chống cho hành giả.
Hỏi: Thì cũng là nhân sinh quan và vũ trụ quan của Phật giáo chứ gì?
Đáp: Đại thể thì như vậy, nhưng vì Phật giáo quá bao la nên mỗi môn phái đều có một cái nhìn riêng, đứng từ vị trí và hướng đi của mình.
Hỏi: Vậy cái nhìn của Mật Tông ra sao?
Đáp: Người tu Mật cần phải thể hiện những điều sau đây:
- Lấy vũ trụ làm nhà
- Lấy thiên nhiên làm bạn hữu
- Lấy chúng sinh làm quyến thuộc
- Lấy vạn hữu làm chơn thân
Và một vị tổ Mật Tông bên Tây Tạng đã nói:
- Tất cả mọi hình tướng đều là Niết Bàn,
- Tất cả mọi âm thanh đều là Chân ngôn,
- Tất cả mọi chúng sanh đều là Phật.
Đó, Mật Tông là thế đó, bạn đã hiểu chưa?
Hỏi: Thế là nghĩa làm sao?
Đáp: Mật Tông là:
SỰ SỐNG HIỆN THỰC, hồn nhiên và tràn đầy.
GIÁO LÝ SỐNG ĐỘNG, hàm súc và phong phú rút ra từ cuộc sống, từ kinh nghiệm hàng ngày.
LỜI THẬT, là chân lý, xóa mọi thành kiến, mọi danh xưng, khai thông dòng sống trào tuôn bất tận.
Hỏi: Nói nghe kêu lắm, nhưng tôi không hiểu gì!
Đáp: Gấp quá! Từ từ bạn sẽ hiểu và sẽ thấm. đạo vốn tự nhiên, sao bạn lại muốn dồn ép vậy!
Bạn ơi! Như phần trên đã nói, Mật Tông chủ trương vào đời và nhập cuộc mà! Nhập cuộc, ở phần tướng là vào sự sống va chạm ở đời, và với “lớp áo thế tục” mà không bị cát bụi tình đời làm hoen ố. Vì sao? Vì tất cả cát bụi, tất cả cảnh vật đều là diệu dụng của Giác tánh Bồ Đề, nên mới nói “Mọi hình tướng đều là Niết bàn”. Nhập cuộc, ở phần hình là vào trong cái trật tự tự nhiên, không thủy không chung của trời đất mà vô ngại. Thế mới lấy “vũ trụ làm nhà” được chứ!
Hỏi: Có vẽ hấp dẫn đấy, thế rồi sao nữa?
Đáp: Câu trả lời trên đã nói lên vũ trụ quan của người tu Mật đấy. Vũ trụ quan đó là “Pháp giới dung thông, sự sự vô ngại”.
Quan điểm của Mật Tông là vũ trụ do:
- Pháp duyên khởi, hay
- Vô tận duyên khởi, hay
- Trùng trùng duyên khởi.
Phạm vi tài liệu này không cho phép giảng rộng hơn, nếu bạn muốn tìm hiểu xin đọc thêm kinh sách.
Hỏi: Còn gì về vũ trụ quan nữa không?
Đáp: Về bản thể của vũ trụ có hai quan điểm phát xuất:
Đông Mật chủ trương “Lục đại thể”
Thai Mật chủ trương “A tự thể”
Đây là những từ chuyên môn nói ra thêm nhức đầu, khi nào bạn đào sâu nghiên cứu sẽ rõ, hơn nữa, phần vũ trụ quan bạn chỉ nên tìm hiểu theo câu đáp trên về “Pháp giới duyên khởi” ngoài ra không nên quá quan tâm, mà cần chú ý đến phần “nhân sinh quan” tức là phần Hành nhiều hơn. Bởi vì Mật Tông là “Hành”.
Hỏi: Chủ trương “Hành” thế nào?
Đáp: Người tu Mật là người:
- Đem sự về Lý
- Đem Nhân về quả
- Đem Phật về với chúng sinh
Hỏi: Thế là thế nào?
Đáp: Đem SỰ về LÝ là chuyển tất cả những sự tướng khác biệt của thế gian và xuất thế gian trở về với “LÝ THỂ BÌNH ĐẲNG” duy nhất của mọi sự vật.
- Đem NHÂN về QUẢ là chuyển nghiệp báo sanh tử luân hồi của chúng sanh đến thành quả vị Phật.
- Đem PHẬT về với CHÚNG SANH là vận dụng tâm Từ Bi rộng lớn, dùng phương tiện nhiệm mầu để làm lợi lạc, để giải thoát cho tất cả chúng sanh trong toàn pháp giới.
Như vậy người tu Mật phải:
- Xoay SỰ về LÝ để có “LÝ SỰ VIÊN DUNG”. Tác nhân thành quả để “VƯỢT LÊN NHÂN QUẢ” hay là có “NHÂN QUẢ ĐỒNG THỜI”.
- Đem Phật đến với chúng sanh để được “TỨC THÂN THÀNH PHẬT”!
Hỏi: Tôi nghe nói tu theo Mật Tông là “TỨC THÂN THÀNH PHẬT”, xin nói cho rõ.
Đáp: Đây là đi vào yếu chỉ của Mật Tông rồi. Yếu chỉ đó là:
“ĐƯƠNG TƯỚNG TỨC ĐẠO”
“TỨC SỰ NHI CHÂN”
“TỨC THÂN THÀNH PHẬT”
Tức là cái tướng hiện hữu của thế gian này là ĐẠO. Tất cả các pháp hữu vi, sự vật đều là THẬT, và thân này là PHẬT.
Đây là phần nhân sinh quan sâu sắc, và cũng là điểm quan trọng khác biệt giữa cái nhìn của Mật Tông và Thiền Tông.
Hỏi: Nhìn khác nhau thế nào?
Đáp: Nói ra thì dài dòng lắm, viết thành cả cuốn sách mới hết, tuy nhiên, có thể tóm lược những điểm chính căn bản để dễ phân biệt:
Yếu chỉ của Thiền là:
“TRỰC CHỈ NHÂN TÂM
KIẾN TÁNH THÀNH PHẬT”
Do đó cái nhìn của Thiền là trở về nội quan, cho nên:
- Thiền chủ trương “PHÁ Tướng nhập TÁNH”
- Mật chủ trương “DỤNG Tướng nhập TÁNH”,
Ngoài ra:
- Thiền chủ trương “TỪ TĨNH vào Định”
- Mật chủ trương “TỪ ĐỘNG vào Định”
Hỏi: Còn gì thêm nữa?
Đáp: Còn nhiều lắm chứ, nhưng trước khi nói thêm, xin mở ra đây một dấu ngoặc, để nói ra ngoài một chút. Đó là ở Việt Nam ta, quan điểm của Thiền thường được phổ biến nhiều hơn cả, do đó các đạo hữu Phật tử thường nhìn các pháp môn khác qua cặp kính Thiền, thế có nghĩa là đứng ở góc cạnh Thiền mà nhìn Mật, nhìn Tịnh Độ, nhìn Nguyên Thủy… nên thường có kiến chấp sai lầm, nhất là thường chấp vào hai quan điểm trên, đòi hỏi “PHÁ TƯỚNG” và đạt được “TĨNH” kiến chấp như vậy làm trở ngại lớn cho người tìm Đạo. Xin đóng ngoặc lại để tiếp tục trình bày và xin bạn, nếu có kiến chấp nào hãy bỏ đi nhé!
Hỏi: Vâng, xin cứ tiếp tục.
Đáp: Xin lần lượt kể:
1. Thiền là trở về nội tâm, mọi tướng đều phá. Mật là nội ngoại dung thông, tướng tâm đồng dụng.
2. Tinh thần Thiền là phá chấp triệt để, tinh thần Mật là chẳng chấp tướng mà cũng không phá tướng, nhưng từ hữu tướng vào vô tướng.
3. Chỗ ngồi của Thiền là “Đương sứ”, là ở đây, chỗ này, không quá khứ không vị lai. Chỗ ngồi của Mật là TỰ TẠI VÔ NGẠI, ra vào dung thông nhiếp cả Tam Thế.
4. Thiền cho rằng:
Một giờ Thiền là một giờ Phật
Một ngày Thiền là một ngày Phật
Một đời Thiền là một đời Phật
Mật cho rằng:
Phật ở trong ta
Phật ở ngoài ta
Phật hằng có đó
Phật chính là Ta
5. Thiền quyết định :
Gặp Phật cũng đuổi
Gặp ma cũng đuổi
Xua đi hết cả
Chỉ còn tâm ta
Mật quyết định :
Ta gửi ta nơi Phật
Phật gửi Phật trong ta
Cùng nhau đều cứu độ
Chẳng còn Phật còn ta
6. Thiền chủ trương :
Ngoài chẳng nhờ trợ duyên
Trong không móng khởi tâm tạo tác
Mật chủ trương :
Ngoài cần cầu tha lực
Trong tự lực khởi sanh
Tự - Tha đều là một
Mọi việc mới viên thành
Đó, tóm lược trên đây là những điểm khác biệt chính yếu.
Hỏi: Tôi đã khái quát thấy sự khác biệt, vậy tóm lược như thế nào?
Đáp: Tóm lại, người tu Mật:
Đi từ Sanh Diệt Môn vào Chân Như Tánh,
Đi từ TƯỚNG DỤNG vào THỂ, và chuyển “Phước nghiệp hữu lậu” thành “Công đức vô lậu” nhờ phương tiện là CHÂN NGÔN.
Hỏi: Mấy câu hỏi trên đã làm một sự so sánh giữa Thiền và Mật, giờ xin trở về phần quan niệm của Mật.
Đáp: Vâng, Mật khẳng định là:
“Đời Đạo không hai,
Đạo nằm trong Đời,
Đời không xa Đạo”.
Do đó địa bàn hoạt động của người tu Mật là ngay trong cuộc sống hàng ngày, đó chính là “Đương tướng tức Đạo” . Ngoài ra, người tu Mật quan niệm là chính việc làm hàng ngày sẽ làm tròn “cái Sự”, và hiển “cái Lý” để có “Lý Sự viên dung”.
Hỏi: Đồng ý điểm này, nhưng tại sao lại “Tức sự nhi chân”.
Đáp: Sự là muôn pháp hữu vi,
Sự là cái tướng bày ra muôn hình tượng. tất cả đều là “Diệu Hữu”, đó là thấy thực tướng.
Bởi vậy cho nên mới “Sự sự vô ngại”
Lại nữa, người tu Mật hiểu rõ Sự là “THỂ” nên thấy được cái thực nằm trong đó.
Hỏi: Đối với Mật Tông, giữa Sự và Tướng liên quan ra sao?
Đáp: Như trên đã nói, Sự là Thể, là Tướng. Mà Tướng do nhân duyên sanh, bởi diệu hữu mà thành thế nên “TỨC SỰ TỨC TƯỚNG”. Sự tức là Tướng vậy.
Hỏi: Tại sao lại “DỤNG TƯỚNG NHẬP TÁNH”
Đáp: Điểm này là căn bản, nếu không nắm được thì dễ lầm giữa Thiền và Mật, Thiền thì từ “KHÔNG” vào “CHÂN NHƯ TÁNH”. Mật thì từ “DIỆU HỮU” vào “CHÂN NHƯ TÁNH”. Vì như trên đã nói, Tướng do “DIỆU HỮU” thành, mà “DIỆU HỮU” là “CHÂN NHƯ”, là cái DỤNG của CHÂN KHÔNG cho nên thường nói “CHÂN KHÔNG DIỆU HỮU”.
Mật Tông vì “KHÔNG PHÁ TƯỚNG” và thấu được “THỰC TƯỚNG CỦA TƯỚNG”, nên dùng “TƯỚNG” mà đi vào.
Hỏi: Có tu Tiên đâu mà “lấy thiên nhiên làm bạn hữu”?
Đáp: Trở về với thiên nhiên là trở về với sức sống tràn đầy, với cái thượng hằng hiện hữu. Người tu Mật nhìn thiên nhiên để thấy vũ trụ, để thấy vạn pháp, để làm bạn tu, chứ không để an trụ, để thưởng thức như một Tiên Ông.
Hỏi: Hay quá! Xin khai triển thêm nữa.
Đáp: Người tu Mật hiểu rằng bên ngoài thiên nhiên hay vũ trụ là một dòng sống luân lưu không ngừng nghỉ, nó vận hành liên tục, không bao giờ lập lại. Còn bên trong con người thì mang đầy kiến chấp, nó là một ao tù chứa những thói quen, kinh nghiệm và khuôn thức định sẵn, do đó, phải bỏ cái trong để mở ra mà nhập vào cái ngoài. Khi đã hiểu rõ sự sống, đã nhập vào sự sống thì mới thấy được cái “DIỆU HỮU” để thấy cái “TÁNH KHÔNG” của Bát Nhã. Và thực hành trọn vẹn câu “NGŨ UẨN GIAI KHÔNG độ nhất khổ ách” trong Tâm Kinh.
Vậy thì thiên nhiên là người bạn đồng hành, là kẻ chỉ đường cho ta đến chỗ chánh giác.
Hỏi: Sao lại “lấy chúng sanh làm quyến thuộc”?
Đáp: Phật dạy: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Vậy thì bạn đã quyết định làm Phật hiện kiếp này, chúng sanh là Phật vị lai, vậy không là quyến thuộc là gì?
Nhưng câu này còn có ý nghĩa nhắc nhở nhiệm vụ của người tu Mật là chúng sanh đang cần cứu độ, vì là người đồng hội đồng thuyền với ta, và muốn người tu Mật không quên ơn chúng sanh, biết phục vụ chúng sanh là cúng dường chư Phật. Và sau cùng nó mang ý nghĩa đầy đủ nhất là “Một là Tất Cả, Tất Cả là Một”.
Hỏi: Còn “lấy vạn hữu làm chân thân”?
Đáp: Vạn hữu là thân ta trong cái nhìn đồng nhất thể. Trong cái nhìn hiểu Đạo của người tu Mật.
Vì thật ra mình có mặt trong các thực thể khác, và các thực thể khác cũng có mặt nơi mình trong dòng chuyển lưu của vũ trụ. Ngoài ra còn nói lên cái tâm đại bi thương vạn hữu như thương chính thân mình không khác.
Hỏi: Thế nào là “Tất cả âm thanh đều là chân ngôn”?
Đáp: Đây là câu nói của bậc chứng lý và đạt Đạo rồi. Đối với chúng ta thì không thấy được như vậy. Tuy nhiên ta có thể giải thích tóm lược như sau:
Vì chân ngôn phát ra từ chân như thể tánh, mà các âm thanh của vũ trụ cũng từ tánh hiện tướng, do đó nó đồng thể.
Đây còn nói thêm cái phần bí nhiệm của chân ngôn, mà nếu bạn muốn thấy, muốn hiểu thì xin thực hành, thực tu sẽ thấy.
Hỏi: Quan niệm của người tu Mật đối với chân ngôn thế nào?
Đáp: Là phương tiện để giải thoát cho mình. Để độ thoát chúng sinh.
Hỏi: Làm thế nào để trì “Chân ngôn” cho có hiệu quả?
Đáp: Câu này bạn sẽ được Thầy chỉ cho bạn khi nào bạn thực sự vào pháp hành, vì nó thuộc mật truyền. Thường bên Mật Tông khi một vị Thầy truyền cho đệ tử một câu chân ngôn là vị Thầy đó đã hành quan, đã giàu kinh nghiệm và đã nắm được yếu quyết của nó. Tuy nhiên, có thể trả lời bạn tổng quát như thế này:
1 Trước hết đừng nôn nóng cầu đắc, cầu chứng,
2 Tâm ý phải thanh tịnh, không mưu tính bất chánh,
3 Không dùng chân ngôn trong những trường hợp thiếu tâm Bi,
4 Không nói dối, xảo trá, lừa dối, ngụy biện,
5 Phải thành khẩn , siêng năng,
Sau nữa còn những điểm dành cho người tu Mật đó là:
6 Phải biết nguyện với thành
7 Phải có ấn mới quyết định…
Đa số các bạn của chúng ta thường bị cái lỗi lầm là nghe thấy một câu chú “hay”, có “công năng lớn” là đem ra hành trì, không cần có Thầy chỉ dẫn. Như vậy chỉ uổng công mà chẳng đem lại kết quả gì. Nếu tu chân ngôn mà dễ như thế thì ai tu chẳng được! Rất đáng buồn là đã có những bạn bỏ phí cả những năm tháng dài, để chạy theo sự tham mê vô vọng đó, rồi khi không được gì đâm ra chán nản, mất tin tưởng và quay ra phỉ báng. Lỗi đó tại ai?
Đây cũng là chỗ bí nhiệm của “Mật Môn”. Đừng tưởng coi sách là đủ đâu! Những gì được viết ra sách là không còn mật nữa, là thuộc về “công truyền”. Những gì không được viết ra, do Thầy truyền mới là “Mật truyền”, tâm truyền đấy bạn ạ!
Bạn ơi! Chân ngôn là một chén thuốc bổ, nhưng đối với người nào đó nó trở thành thuốc độc, và đối với người khác nó là thuốc trường sanh. Tôi đã trả lời bạn câu này hơi dài rồi, bạn hãy tự tìm ra câu giải đáp cho mình, xem mình đã áp dụng đúng chưa.
Hỏi: Khó quá, ông làm tôi nản chí, biết bao giờ mới gặp được Thầy, biết bao giờ mới tìm được Pháp?
Đáp: Bạn ơi, Phật Pháp bất khả tư nghì, có duyên rồi sẽ gặp. Bạn cứ chân thành cầu thì sẽ được!
Hỏi: Ông có kinh nghiệm gì giúp tôi trong vấn đề này?
Đáp: Câu đáp chỉ có thể là “Tùy phước duyên” của bạn! Theo kinh nghiệm thì thời này thật ít, giả nhiều, nên phải hết sức thận trọng, đừng vội dễ tin, chính Đức Thế Tôn dạy ta như thế, thà một ngàn ngày không ngộ còn hơn một ngày vấy ma, đừng đuổi ma đi để đón quỷ về!
Có “đi” thì có “tới”, có “cầu” thì có “ứng”. Theo kinh nghiệm của tôi, quý bạn cần hết sức chân thành khẩn cầu gặp Mật thì sẽ được đáp ứng. Tôi xin tặng quý vị một bài kệ để khởi tâm chí thiết khẩn cầu:
1
Con chắp tay cầu Phật
Đức Bổn Sư Thích Ca
Xin cho con hiểu Mật
Để chuyển hóa Ta Bà
2
Con chắp tay cầu Phật
Phật Tỳ Lô Giá Na
Xin cho con gặp Mật
Để cứu độ Ta Bà
Hỏi: Người tu Mật Tông quan niệm về “Lý” thế nào? “Sự” thế nào?
Đáp: Lẽ dĩ nhiên là “tức lý tức sự, lý sự viên dung”, nhưng về hành thì:
Lý là tự giác để giải thoát mình bằng Trí Huệ. Sự là đại nguyện cứu độ chúng sanh bằng Từ Bi.
Hỏi: Còn phương tiện?
Đáp: Phương tiện là cứu cánh – vì dùng ngay phương tiện này để giải thoát cho mình và cho người.
Hỏi: Có giới hạn, phạm vi gì không?
Đáp: Đối tượng là chúng sanh vô lượng. Phạm vi là không có bờ mé, không phân biệt. Thời gian là mãi mãi không ngừng nghỉ, hay nói khác đi, phạm vi là vô biên, thời gian là vô tận vậy.
Hỏi: Nhưng vậy e rộng quá làm không nổi!
Đáp: Tu Mật phải có “TÍN TÂM” vững,
“NGUYỆN LỰC” lớn mới thành.
Hỏi: Vì sao?
Đáp: Vì quyết định thành Phật thì phải có tâm Phật chứ! Do đó người tu Mật Tông quan niệm là:
- Việc làm của chư Phật là việc làm của mình,
- Nguyện của chư Phật là nguyện của mình,
- Chúng sanh của chư Phật là chúng sanh của mình,
- Cái gì của chư Phật là của tất cả chúng sanh.
Hỏi: Vậy thì nhìn sự việc ở đời cũng phải khác chứ?
Đáp:
- Nơi nào cũng là “DIỆU HỮU”
- Nơi nào cũng là “TAM BẢO”
- Nơi nào cũng là “NHƯ LAI PHÁP THÂN”.
Hỏi: Quan niệm hằng thường ra sao?
Đáp:
- Hằng thường tri ân,
- Hằng thường thương xót,
- Hằng thường chân thật,
- Hằng thường quán chiếu,
- Hằng thường xả kỷ,
- Hằng thường hồi hướng,
- Hằng thường giải thoát.
Hỏi: Người tu Mật trụ tâm ở đâu?
Đáp: Trụ ở niệm giải thoát, và giải thoát luôn niệm đó.
Hỏi: Thế nào là trong niệm giải thoát?
Đáp: Trước hết người tu Mật phải “dán” chữ “không” ngay trên trán đã. Nếu không dán được thì đừng lý luận đến giải thoát.
Trụ trong giải thoát là:
- Làm muôn vàn hình tướng nhưng vẫn từ NHƯ hiện ra,
- Làm muôn vàn đối đãi nhưng vẫn hằng thanh tịnh.
Hỏi: Quan niệm về phước trí?
Đáp: Phước trí đồng hành song tu. Người tu Mật quan niệm “Hạnh ở đây, Trí bên kia” nghĩa là làm hạnh cứu độ để đạt lý tánh.
Hỏi: Như vậy cũng lấy “LỤC ĐỘ” làm căn bản phải không?
Đáp: Người tu Mật Tông hành đại hạnh của Bồ Tát gồm 10 độ Ba – La – Mật. Đó là:
1. Bố thí Ba – La – Mật,
2. Trì giới Ba – La – Mật,
3. Nhẫn nhục Ba – La – Mật,
4. Tinh tấn Ba – La – Mật,
5. Thiền định Ba – La – Mật,
6. Bát nhã Ba – La – Mật,
7. Phương tiện thiện xảo Ba – La – Mật,
8. Nguyện Ba – La – Mật,
9. Lực Ba – La – Mật,
10. Trí Ba – La – Mật.
Trí sau cùng là trí huệ rốt ráo.
Hỏi: Từ trước tới giờ chỉ thấy nói “Lục độ Ba – La – Mật” ít nói tới Thập độ Ba – La – Mật. Xin nói cho rõ chỗ khác nhau.
Đáp: Khác nhau ở chỗ:
- Hành lục độ đến quả vị Đẳng giác,
- Hành thập độ đến quả vị Diệu giác.
Thường thì Bồ Tát từ Bát địa trở lên mới thường hành Thập độ, vì lúc đó đã tự tại trong pháp rồi.
- Dùng “phương tiện thiện xảo” để cứu độ rộng rãi chúng sanh, để trang nghiêm quốc độ.
- Dùng “Nguyện Ba – La – Mật” để trang nghiêm thân.
- Dùng “Lực Ba – La – Mật” để thanh tịnh pháp thân.
- Dùng “Trí Ba – La – Mật” để vào Diệu giác.
Hỏi: Xin cho biết sự khác nhau giữa độ thứ sáu là “Tuệ” hay “Trí Tuệ Ba – La – Mật” và “Trí Ba – La – Mật” trong độ thứ 10.
Đáp: Độ thứ sáu là trí tuệ Ba – La – Mật, tiếng Phạn là Prajna paramita hay Bát Nhã Ba – La – Mật, chỉ sự quán thấu chân lý, thấy tánh Không của các pháp và Diệu Lý Bình Đẳng.
Độ thứ 10 là Trí Ba – La – Mật, tiếng Phạn là Jnãna paramita, chỉ sự quán thông vạn pháp, giữ vững Trung đạo, thấu suốt tất cả, thị hiện vô biên, y báo chánh báo tròn đủ.
Đúng ra độ thứ sáu phải dịch là Bát Nhã, độ thứ 10 mới dịch là Trí huệ, nhưng từ trước đến giờ đã quen dùng theo nghĩa Trí tuệ là chỉ độ thứ sáu thì cũng được thôi. Độ thứ 10 là Trí huệ rốt ráo, Trí huệ Phật đó.
Hỏi: Bây giờ thì tôi đã thấy tu Mật có nhiều điểm khác rồi, xin cho biết ý kiến về cái nhìn đối với Tịnh độ.
Đáp: Không cứ đối với Tịnh Độ, mà với bất cứ pháp môn nào người tu Mật Tông cũng đều “kính ngưỡng” cả. Người tu Mật không cho pháp môn mình là nhất, không dám chê một pháp môn nào, vì các pháp đều bình đẳng, đều là phương tiện để đi đến giải thoát.
Người tu Mật thấy trong pháp môn mình theo có đủ cả Thiền và Tịnh Độ, ngược lại, các pháp môn khác cũng có Mật nằm trong. Điều này khi nào các bạn thực hành, đi sâu vào pháp sẽ hiểu và thấy rất rõ.
Đối với tịnh Độ, yếu chỉ là:
“Nhất tâm bấn loạn,
Vãng sanh Tịnh Độ”
Cần phải TÍN SÂU, NGUYỆN THIẾT và HÀNH TRÌ miên mật. những điều này rất gần với Mật môn. Hơn nữa, sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” là một đại thần chú, vô lượng lực, vô lượng quang, vô biên quang đấy.
Hỏi: Thế nào là Tam mật tương ưng?
Đáp: Nghĩa đơn giản của Tam mật là:
- Thân mật,
- Khẩu mật,
- Ý mật.
Tương ưng là ứng nhập cùng Phật, Bồ Tát. Thông thường giải chữ tương ưng là làm cho giống hay thành Thân, Khẩu, Ý của Phật. đó là cái nói của người trụ nơi lý thuyết không thật sự hành pháp, có thể nói thế này cho bạn dễ hiểu: người tu Mật dùng phương tiện của mình để:
- Biến “SẮC THÂN” hiện tại này thành “PHÁP THÂN”, đó là Thân mật.
- Đưa cái ngôn ngữ giới hạn này trở lại với thực tướng của nó, rời danh tự, rời ngôn ngữ, rời tư duy, rời phân biệt, về cái chỗ xuất sanh vô lượng, vô biên nghĩa, vì rốt cùng âm thanh chính là thực tướng, và ngôn ngữ chính là chân lý, đó là Khẩu mật.
- Biến THỨC thành TRÍ vô lậu đó là ý mật. nói ra dài lắm, phải hành mới hiểu được bạn ạ!
Hỏi: Vậy còn quan niệm nào tôi chưa hỏi?
Đáp: Còn chứ! Người tu Mật là:
- Dùng “NGHIỆP” giải “NGHIỆP”,
- Biến “SẮC THÂN” thành “PHÁP THÂN”,
- Lấy “MẠN ĐÀ LA” làm “NIẾT BÀN”
- Lấy “PHƯƠNG TIỆN” làm “CỨU CÁNH”
- Lấy “NIẾT BÀN” làm “LẠC”,
- Lấy “ĐỘ SANH” làm “NHIỆM VỤ”, là “SANH THÂN CÔNG ĐỨC”,
- Lấy “TRÍ HUỆ THÙ THẮNG” để đi vào “PHÁP”.
Hỏi: Xin nói cho rõ.
Đáp: Có một vài câu bên trên đã giải rồi, giờ chỉ nói câu nào chưa đề cập thôi.
1. Lấy “Nghiệp giải Nghiệp” là làm “THIỆN NGHIỆP” để giải hoặc chuyện “ÁC NGHIỆP”.
2. Biến “SẮC THÂN” thành “PHÁP THÂN” là dùng phương tiện Mật môn, chuyển “THỨC” thành “TRÍ”, biến cái thân tạp nhiễm, uế trược này thành thân vô cấu thanh tịnh.
3. Lấy Mạn – Đà – La làm Niết Bàn đồng nghĩa với câu “Mọi hình tướng đều là Niết Bàn”, nghĩa là chỉ cuộc sống này phiền não tức Niết Bàn.
4. Lấy phương tiện làm cứu cánh đã giải ở trên rồi.
5. Lấy Niết Bàn làm Lạc. Vui vì ra khỏi sanh tử, vì vào chỗ thường hằng.
6. Lấy độ sanh làm nhiệm vụ đã giải rồi.
7. Lấy Trí huệ Thù Thắng để đi vào Pháp. Đây là ba nghiệp đều tùy Trí Huệ hành, luôn lấy Trí Huệ để soi sáng hành động.
Hỏi: Tôi vẫn còn thắc mắc ở chỗ Mật môn “dụng tướng”, xin nói rõ thêm.
Đáp: Câu hỏi rất hay,đây cũng là phần then chốt của Mật môn, và trả lời cũng khó, nếu không hiểu sâu vấn đề.
Thật ra con đường tu học Phật là “LÌA TƯỚNG”, “LÌA TRI KIẾN” và “KIẾN CHẤP”, Mật môn cũng không đi ra ngoài điều đó, nhưng nhận định thế này:
Có TƯỚNG thì có TƯỞNG,
Có TƯỞNG thì có NIỆM.
Do đó, muốn đạt được chỗ “VÔ TƯỚNG” thì phải đi từ chỗ “VÔ NIỆM”. Thiền môn đã lấy điều này làm “Tông”. Mật môn thì thấy rằng, đã là phàm phu mà diệt Tướng thật là khó, do đó mới dùng phương tiện là “Lấy Tướng chuyển Tướng”. Dùng “BIỂU TƯỢNG” để thay thế các tướng trong nội tâm (phần này đi sâu vào tiềm thức) nhập cái thuần khiết để thay thế cái tạp nhạp. Cũng ví như đứa trẻ đang chơi dao, nếu bạn, muốn nó bỏ dao đi kẻo sợ đứt tay thì tốt hơn hết là cho nó một cái gì cho nó nắm, đẹp hơn cái nó đang cầm thì nó sẽ bỏ ngay, còn nếu tự nhiên bảo nó bỏ thì khó quá! Đó là chỗ “Dụng Tướng để chuyển Tướng”, một cách êm thấm, ngoài ra, trong vấn đề dụng tướng này nó còn mang một ý nghĩa và công dụng rất là sâu sắc trong việc thanh lọc tâm thức của hành giả mà chỉ những người thấu hiểu Mật môn mới rõ. Và khi mà cái thuần khiết, cái thanh tịnh đã nhập rồi thì nó dễ hòa vào tánh thể. Cho nên Mật môn “dùng tướng để lìa tướng”, “làm Thiện để lìa Ác”, khi đạt được Thiện rồi thì Thiện Ác đều bỏ, đó là chỗ rốt ráo.
Tâm chúng sanh thường “đa niệm” và “đa tướng” nên phải dùng “CHÂN NGÔN” và “BIỂU TƯỢNG” để phá “vọng tưởng” và “vọng niệm”, để sau cùng không còn trụ tướng nữa.
Hỏi: Như vậy trong các môn tu, môn nào khó?
Đáp: Thật ra môn nào cũng khó mà cũng dễ, tùy theo căn cơ mỗi người.
Hỏi: Vậy theo ông có nên chọn con đường Mật thừa không?
Đáp: Người nào có duyên với môn nào thì nên theo môn đó, đừng đứng núi này trông núi nọ, môn nào cũng là con đường đi đến giải thoát.
Hỏi: Nhưng hẳn là phải có con đường thù thắng chứ?
Đáp: Môn nào cũng thù thắng cả, nếu nắm được chìa khóa để mở cửa vào.
Hỏi: Vậy thì môn nào dễ tu nhất?
Đáp: Dễ tu nhưng khó nhập là Tịnh Độ. Khó tu và khó nhập là Thiền. dễ tu mà khó nhập là Mật, nhưng nhờ có Chân ngôn nên có tha lực, vì vậy dễ thành tựu Pháp. Tuy nhiên Mật môn đòi hỏi phải khởi tâm Thiện và mở rộng tâm Từ Bi, nếu không, dễ lạc vào đường Tà. Mật là con dao hai lưỡi nên phải hết sức thận trọng.
Hỏi: Về hành trì Mật môn có khác các môn kia nhiều không?
Đáp: Khác rất nhiều, khi nào bạn thực hành sẽ biết. Có điều cũng cần nói luôn với bạn là, muốn tu Mật thì phải có “ĐỨC TIN KIÊN CỐ”, phải có “TRÍ HUỆ ĐỂ NHẬN ĐỊNH” (đây là trí huệ thế gian), tức là phải sáng suốt, phải có “trực giác” nhạy bén, cảm quan để thấy.
Còn một điều nữa là tu Mật dễ đi vào mê tín dị đoan, dễ vào ảo tưởng, nên luôn luôn phải cảnh giác. Đó là điểm vì sao đòi hỏi trí huệ để không bị lạc đường.
Hỏi: Đã có thể kết luận được chưa?
Đáp: Tổng kết về quan điểm của Mật môn như sau:
- Đại bí mật làm TÔNG
- Pháp giới chân như làm THỂ
- Bất tư nghì làm DỤNG
- Tam Mật làm MÔN
- Tối thượng thừa làm GIÁO TƯỚNG.
Hỏi: Còn điều gì khác biệt trong Mật môn nữa không?
Đáp: Mật môn là giai đoạn chót, nên trước khi nhập Mật thì phải hiểu rõ ĐẠI THỪA, vì MẬT là nằm ở chỗ “CHUNG GIÁO”.
1. Điểm khác thứ nhất của Mật môn là: 9 thức biến thành 5 trí thay vì 8 thức biến thành 4 trí như các luận của đại thừa thường nói.
2. Điểm thứ hai là: 7 đại làm thành vũ trụ thay vì 4 hay 6 như ta thường thấy.
3. Điểm thứ ba là: thường hành thập độ Ba – La – Mật thay vì Lục Độ.
4. Điểm thứ tư là: Dùng 4 pháp ấn thay vì 3 pháp ấn.
5. Điểm thứ năm là: Có Lục Hoằng thệ nguyện thay vì Tứ.
Và một số điểm đã được nêu ở trên. Phần này đi vào Pháp môn, khi nào bạn học Mật sẽ được giải rõ.
Hỏi: Có gì để khuyến cáo không?
Đáp: Bạn ơi! Chân lý không phải cái gì cao xa mà nó linh hoạt, sống động và vận hành quanh bạn và tôi. Sống động do sự hiện hữu của chúng ta và vạn vật vận hành qua muôn dạng tướng hằng ngày ta gặp. Khởi điểm con đường tu hành là tự tâm ta. Do đó bạn cần phải nhìn thấy thật tâm bạn trước đã. Nếu thiếu điểm này thì tu pháp môn nào cũng chỉ là “tu giả” mà thôi!
Khi bạn đã thấy “THẬT TÂM” của bạn rồi – không che đậy, không gạt gẫm, không bào chữa, không tự lừa dối mình – thì hãy quyết định tiến bước bằng con đường “BUÔNG XẢ” đó là chìa khóa để đi vào mọi pháp môn.
Và khi quyết định thì hãy dũng cảm mà tiến bước như người chiến sĩ tuốt gươm vào trận, quên đi mạng sống của chính mình.
Lấy trí huệ làm đèn soi, lấy niềm tin làm động lực, lấy nhiệt tình làm sức sống, bạn cứ bước vào đi, với bất cứ pháp môn nào bạn cũng sẽ đến được bờ giải thoát.
Đạo là chỗ đơn sơ chân thật nhất, tôi mong bạn và tôi cùng gặp nhau trong đó.
Chúc bạn thực tu, thực tiến tu!
Hỏi: Xin cho những lời nói sau cùng.
Đáp: Trước hết, tôi phải tri ân bạn đã bỏ nhiều thì giờ để đọc tài liệu này, kết đến là tri ân các bậc Thầy đã dạy tôi bằng hành động hay qua sách vở. sau nữa là tôi xin dâng hiến cúng dường Tam Bảo và hồi hướng về Nhất Thiết Trí cùng toàn thể chùng sanh trong tứ sanh lục đạo. tôi chỉ là “một người đầu bếp” dọn món ăn thôi! Và ở trên tôi đã tạm thời xào nấu lên một món ăn tương đối có chất lượng để mời bạn dùng làm duyên ban đầu.
Tất cả những gì tôi vừa nói trên, đều là những điều tôi đi vay mượn, rồi sắp xếp lại cho gọn gàng để “các bạn thiện duyên” suy ngẫm.
Tôi không ngại tài hèn, trí đoản mà dám làm một việc quá sức mình, tôi thành thực xin các Thầy, các Thiện trí thức hiểu nhiệt tình của tôi mà thương xót bỏ qua những lỗi lầm khiếm khuyết.
Sau cùng tôi xin sự chứng minh của:
- Tổ Pháp Mật Tông TỲ LÔ GIÁ NA Như Lai và các vị Tổ thị hiện như:
- Kim Cang Tát Đỏa,
- Long Thọ Bồ Tát, và
- Kim Cang Trí…
Xin cho mầm Bồ Đề của chúng ta còn mãi và mỗi ngày một tăng trưởng.
Xin chào các bạn Thiện duyên.
MẬT NGHIÊM
OM
(Bài ca vào các cảnh giới)
Ta hát lời ca OM vang trời
Ta hát lời ca OM chơi vơi
Ta hát lời ca OM xa vời
Ta hát lời ca OM khắp nơi,
Ta hát lời ca OM vào đời
Ta hát lời ca OM vui tươi,
Ta hát lời ca OM cho người,
Ta hát lời ca OM rong chơi,
Ta hát lời ca OM rạng ngời,
Ta hát lời ca OM không thôi…
OM – OM – OM
Tiếng hát nởi lên từ trong lòng vũ trụ,
Là âm thanh, là hơi thở của muôn loài,
Là thời gian, là cuộc sống lâu dài,
Là không gian, là muôn vàn ánh sáng.
OM – OM – OM
Là tình Thương và Trí sáng
OM – OM – OM
Hỏi: Mật Tông là gì?
Đáp: Mật Tông là một tông phái của Đạo Phật dùng các “MẬT NGỮ” của chư Phật làm phương tiện tu hành.
Hỏi: MẬT NGỮ là gì?
Đáp: Mật ngữ có nghĩa là “lời nói kín”. Mật ngữ còn gọi là “Chân ngôn” (lời nói chân thật). Mật ngữ còn gọi là “Chú”, đây là tiếng thông thường người đời hay dùng nhất.
Chú cũng có nghĩa là lời nói bí mật.
Hỏi:Tại sao nói là bí mật?
Đáp: - Bí mật vì nó không được giải nghĩa.
- Bí mật vì chỉ có chư Phật mới hiểu trọn vẹn.
- Bí mật vì tùy trình độ, căn cơ và sự ứng dụng mà mỗi người một khác, đạt một kết quả khác.
- Bí mật vì nó chỉ được thông đạt qua Tâm truyền Tâm, giữa thầy trò, giữa chư Phật (hoặc người nói ra chân ngôn) với hành giả. Điều này chỉ người nào tu Mật rồi mới chứng nghiệm được).
- Bí mật vì kết quả đạt được tùy Tâm hành giả.
Hỏi: Tại sao lại dùng “Chú” làm phương tiện tu hành?
Đáp: Tu theo đạo Phật có rất nhiều cách để đi tới “cứu cánh giải thoát”, có người niệm Phật, có người tụng kinh, có người ngồi Thiền, vậy thì dùng “Chú” cũng chỉ là mượn xe đi đến đích mà thôi.
Hỏi: Tại sao lại chọn “Chú” mà không dùng các cách niệm Phật, tụng kinh?
Đáp: Trong một cuộc hành trình muốn đi tới một điểm nào đó, người ta thường thích chọn xe nào đi cho nhanh và thỏa mái. Vậy thì việc chọn “Chú” mà không dùng các phương tiện khác là như thế.
Hỏi: Tại sao lại nói dùng “Chú” là phương tiện đi nhanh?
Đáp: Vì dùng “Chú” thì ngoài “tự lực” của mình còn nhờ “tha lực”, giống như đi thuyền biết trương buồm nên nhờ được gió đẩy mà đi nhanh hơn.
Hỏi: Thế nào là “tự lực” và “tha lực”?
Đáp: “Tự lực” là dựa vào sức của chính mình mà thành việc. “Tha lực” là nhờ vào sức khác ở ngoài mình trợ giúp. Người tu Mật Tông nói đến tha lực là nói đến sức hỗ trợ vô hình từ các cõi xuất thế gian đưa đến.
Hỏi: Tại sao lại phải nhờ vào tha lực?
Đáp: Bởi vì sức người có hạn mà sức ngoài thì vô hạn, nếu ta biết nương vào sức đó thì sẽ giúp ta sớm đạt kết quả.
Hỏi: Nhờ đâu ta có tha lực hỗ trợ?
Đáp: Nhờ ở chân ngôn tức “Chú”.
Hỏi: Căn cứ vào đâu mà nói “Chú” có tha lực giúp ta mau thành tựu?
Đáp: Điều này thuộc về bí mật, mà chỉ có thể chứng minh được bằng:
- Đức tin của mình,
- Sự chứng nghiệm, và
- Cảm nhận.
Kết quả chỉ được chứng minh khi đã hành trì.
Hỏi: “Chú” do đâu mà có?
Đáp: “Chú” do TÂM Phật mà có. “Chú” do lòng thương xót chúng sinh mà có. Chư Phật, chư Bồ tát hoặc các vị khác khởi từ tâm chân thật, từ lòng thương xót chúng sinh mà nói ra “Chú” để cứu độ. Vì “Chú” phát xuất từ TÂM CHÂN THẬT nên mới gọi là “Chân ngôn”.
Hỏi: Đọc “Chú” có lợi ích gì?
Đáp: Vì “Chú” xuất phát từ chỗ vô hạn là Tâm Phật nên lợi ích của nó cũng vô cùng, không thể kể hết. Tuy nhiên, đối với người tu thì lợi ích đứng đắn và thiết thực nhất là: “Chú” giúp ta được tìm cầu giải thoát mau chóng và giúp người khác cùng tiến với ta. Còn các lợi ích khác như có thần thông, trừ tà ma, chữa bệnh chỉ là phụ, không nên nhìn “Chú” bằng con mắt hạn hẹp đó.
Hỏi: Những ai đọc “Chú” được?
Đáp: “Chú” là phương tiện của Phật cho mượn nên ai mà chẳng có quyền đọc. Tuy nhiên khi ta mượn một cái xe thì điều cần thiết là ta có biết sử dụng nó hay không. Nếu không thì xe sẽ trở thành một trở ngại, một khó khăn cho ta, làm cho ta dừng lại với xe mà không tiến được trên đường Đạo. Bởi vậy, những người biết lái xe, hiểu bệnh của xe, phải là những người được huấn luyện chuyên môn. Do đó đọc “Chú” thì ai cũng có thể đọc được, nhưng có kết quả hay không, nhiều hay ít, đó mới là vấn đề, ấy là chưa nói đến cái hại có thể đến nữa.
Nói thế không hẳn là chỉ những người tu chân ngôn mới được đọc “Chú” mà bất cứ ai nếu với tâm thành thật, hướng đến sự tốt lành cho mình, cho người, vẫn có thể dùng “Chú” mà vẫn thấy linh nghiệm.
Hỏi: Đọc “Chú” đòi hỏi những điều kiện gì?
Đáp: Đương nhiên là cần một số điều kiện. Thông thường ta phải có:
- Sự tin tưởng vững chắc vào “Chú”,
- Lòng thành khẩn khi đọc,
- Hướng về làm lợi ích cho tha nhân hay các chúng sanh.
Đối với người tu Mật Tông thì còn cần nhiều điều khác nữa như:
- Phải xả thế nào.
- Phải dụng tâm ra sao
- Phải dụng ý thế nào
- Phải dụng lực làm sao
- Phải trì tụng thế nào trong bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi.
- Phải làm thế nào Tam mật tương ứng
- Phải làm lợi ích cho chúng sanh thế nào, và
- Phải hồi hướng công đức ra sao.
Tất cả những điều đó, nói riêng cho người tu Mật, sẽ được giải đáp trong phần II, nói về người tu Mật Tông phải làm gì?
Hỏi: Khi nào nên đọc “Chú”, khi nào không nên đọc?
Đáp: Nên đọc những lúc tâm thanh tịnh, hướng về làm lợi lạc cho người khác, cho chúng sanh.
Tuy nhiên lúc Tâm rối loạn thì “Chú” cũng giúp cho tâm được an ổn. Không nên đọc “Chú” khi tâm ác, có ý hại người.
Đối với những người tu Mật Tông thì không lúc nào là không nên đọc “Chú”, vấn đề là nên đọc “Chú” nào và vào trường hợp nào để làm lợi lạc chúng sanh.
Hỏi: Đối với người tu Mật Tông thì việc trì “Chú” là gì?
Đáp: Mục đích tối hậu là giải thoát cho mình và để cứu độ người khác. Mục đích là phải tu thành Phật bằng phương tiện trì “Chú” ngay trong hiện kiếp này.
Hỏi: Muốn tu thành Phật bằng phương tiện trì “Chú” thì phải làm sao?
Đáp: Thì người hành giả tu Mật Tông phải thực hiện được “Tam Mật tương ưng”, nghĩa là làm sao cho “Thân, Khẩu, Ý giống như Phật”.
Hỏi: Làm thế nào để được “Tam Mật tương ưng”?
Đáp: Muốn được “Tam Mật tương ưng” thì phải qua một quá trình tu tập hành trì. Đi nhanh hay chậm là do sự tự ngộ và mở Tâm của mình.
Hỏi: Người tu Mật Tông đối với GIỚI, ĐỊNH, HUỆ như thế nào?
Đáp: Tu theo Phật đạo mà muốn thành tựu thì chẳng Tông Phái nào mà không có GIỚI – ĐINH - HUỆ cả.
Đối với Mật Tông, GIỚI là Tâm giới, tịnh giới. Như vậy có nghĩa là tự lòng mình thấy cần giữ giới, tự mình trở về với cái tịnh, cái sạch, đó là “thân tương ưng”, nếu không giới tịnh thì việc tu không kết quả. Khi đã giới rồi thì vào ĐỊNH chẳng khó, vì tự giữ giới đã sinh Định, rồi lại còn nương vào oai lực của chơn ngôn nữa thì kết quả phải đạt. Do Định đó mà Huệ phát là chuyện tất nhiên vậy. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn thì ĐỊNH HUỆ là một, không có rời nhau. Do đó, nếu giữ giới rồi sau đó nương vào chân ngôn mà hành trì thì tự nhiên đủ cả Định, Huệ.
Hỏi: Mật Tông thuộc Tiểu thừa hay Đại thừa?
Đáp: Phân chia Tiểu thừa, Đại thừa chỉ là tạm tách ra cho dễ hiểu về đường hướng tu tập và qua niệm hành trì mà thôi. Mật Tông không nằm trong thừa nào kể trên cả, mà đường đi của Mật Tông là con đường ngắn nhất, nhanh nhất, một bước đến giải thoát mà người ta gọi đó là “TỐI THƯỢNG THỪA”.
Hỏi: Thế nào là “Tối thượng thừa”?
Đáp: Tối thượng thừa là một bước đi lên “thành Phật”.
Tối thượng thừa là: vạn pháp thông đạt, vạn pháp đầy đủ, tâm vô cấu nhiễm, lìa các pháp tướng đi thẳng vào TÂM Phật.
Hỏi: Đường lối của Mật Tông ra sao?
Đáp: Đối với Mật Tông tu là để “cứu độ” chúng sinh chứ không phải là để “giải thoát” cho riêng mình. Do đó, đường lối của Mật tông là: ở mọi nơi, trong mọi lúc đều nhằm làm lợi lạc cho chúng sinh.
Hỏi: Mật Tông khác với các tông phái khác như thế nào?
Đáp: Về mục đích sau cùng của các tông phái đều đạt đến Giác ngộ giải thoát. Vậy thì Mật Tông cũng không đi ra ngoài mục đích đó, nếu có khác chăng chỉ khác trên phương diện hành trì đối với các Tông phái khác mà thôi, hay nói khác đi là chỉ khác nhau về cách dùng phương tiện để đạt đến mục đích “cứu cánh”. (Vấn đề này sẽ được bàn rộng hơn ở phần III nói về “Quan niệm của người tu Mật”). Còn về sự khác nhau trên phương diện độ sanh thì tôi không nói đến, vì tất cả đều “tùy duyên” mà đáp ứng.
Hỏi: Tu Mật Tông có khó không?
Đáp: Khó hay dễ là do mình. Các cụ thường nói “Vạn sự khởi đầu nan”, nghĩa là mọi việc khi bắt đầu đều khó, nhưng lúc quen rồi thì thấy dễ thôi.
Hỏi: Người nữ có tu được Mật Tông không?
Đáp: Đạo không phân chia nam, nữ. Phật không chọn nam, nữ để độ riêng. Vậy tại sao ta lại phân biệt? Đã là đi tìm giác ngộ thì già, trẻ, lớn, bé, trai gái gì mà không được!
Hỏi: Người ta thường nói “Tự Tu Tự Độ” vậy Mật Tông có như vậy không?
Đáp: Nên hiểu nghĩa “Tự Tu Tự Độ” là mình phải tự tu cho mình, không ai tu giùm hoặc tu mướn cho mình được, đừng hiểu là “tu không cần Thầy”. Các cụ đã dạy “Không thầy đố mày làm nên”. Vì vậy, dù là thế gian hay xuất thế gian, làm việc gì muốn đạt đến mục đích mau chóng và toàn mỹ thì đều phải có học và có Thầy cả. Mật Tông cũng như vậy thôi.
Hỏi: Người ta thường thấy đọc chú, bắt ấn cho là mê tín và hành tà giống như mấy ông thầy pháp. Vậy Mật Tông thì sao?
Đáp: Khi nào tin một cách mù quáng thì là mê tín thật, còn người tu Mật Tông thì biết rõ việc mình làm, thẩy rõ mục đích mình đi tới, vậy sao gọi là mê tín được.
Còn việc tà chánh thì phải hiểu là Đạo không có phân chia Tà, Chánh. Mà Tà hay Chánh là do TÂM ý người hành Đạo. Nếu ta tu theo Chánh đạo, nhưng ta dùng phương tiện đi làm việc xấu, cướp đoạt tiền bạc, vợ con của người, lòng đầy tham, sân, si, thì đó là ta hành tà. Còn nếu như thầy Pháp mà người ta làm việc cứu người không nghĩ đến lợi ích cá nhân, không hại người lành, ngăn chặn kẻ ác thì đó là chánh chớ đâu phải tà.
Về người tu Mật tông thì là “Tu để thành Phật” vậy tà làm sao được? Phật và Ma chỉ khác nhau ở lòng “Từ Bi Cứu Độ” mà “Từ Bi Cứu Độ” là tôn chỉ của Mật Tông đấy.
Hỏi: Tu Mật Tông có cần ăn chay giữ giới không?
Đáp: Nếu ăn chay được thì tốt, vừa ít bệnh tật lại mau tiến tu hơn, vì thân thể thanh tịnh. Còn như không ăn chay được thì cũng vẫn tu được, chỉ có điều là ta đã không thể hiện lòng từ bi của Phật, vì ta đã dùng thân mạng của một chúng sanh khác nuôi sống thân mạng của ta.
Về giữ giới thì người Phật tử nào đã quy y rồi thì đều phải giữ năm giới:
- Không sát sanh
- Không trộm cướp
- Không tà dâm
- Không nói sai, nói dối, nói đôi chiều, nói đâm thọc
- Không uống rượu.
Người tu Mật Tông cũng vậy thôi, và vấn đề này sẽ được bàn đến trong phần sau, khi nào người tu Mật Tông đã hành trì tự nhiên không nói đến giữ giới mà lại tự giữ giới hơn ai hết.
Hỏi: Biệt làm sao để chọn “Chú” nào mạnh, “Chú” nào yếu, “Chú” nào linh, “Chú” nào không?
Đáp: Mạnh hay yếu khi nào học và hành trì thì sẽ rõ, còn linh hay không là ở mình. Các cụ thường nói: “Linh tại ngã bất linh tại ngã” ta không nên quên điều đó.
Hỏi: Người Phật tử khi đọc kinh sách gặp một câu “Chú” thấy ghi những kết quả lớn nên đem trì tụng, như vậy có ích lợi gì không?
Đáp: Có lợi nhưng rất nhỏ nhoi, không đáng kể so với lợi ích đã ghi chép trong kinh sách.
Hỏi: Vì sao lợi ích lại nhỏ?
Đáp: - Vì lòng còn tham, muốn cầu lợi ích riêng mình,
- Vì tâm còn nhỏ hẹp nên sự linh ứng không lớn
- Vì không biết dùng “Chú” nên sự đáp ứng chẳng được như ý,
- Vì thiếu ấn pháp nên chưa trọn vẹn,
- Vì công đức chưa đủ mà lại muốn được thành tựu lớn.
Hỏi: Vì sao đọc “Chú” lại cần bắt ấn?
Đáp: Ấn là bí pháp thuộc về “thân mật”, khi nào tu lâu sẽ hiểu. Đại để có thể tạm giải thích: khi ta bắt ấn thì làm phát huy cái lực của “Chú”, cũng ví như mở đài, tivi mà có thêm cây ăngten vậy.
Đối với người tu Mật thì việc bắt ấn còn là một sự “thể nhập” vào pháp thân Phật nữa.
Hỏi: Tại sao người tu Mật Tông lại gọi là “Trì Chú”?
Đáp: Trì có nghĩa là nắm giữ lấy. Nếu ta chỉ đọc không thôi thì nó sẽ theo gió mà bay đi. Còn khi nói “Trì” thì phải nghe rõ “Chú” , phải theo âm thanh của “Chú” mãi mãi không rời. Đó là sự khác biệt giữa “ĐỌC” và “TRÌ”.
Hỏi: Trì chú, bắt ấn bao lâu thì có kết quả?
Đáp: Người tu Mật Tông nói đến “thành tựu” để cứu độ chúng sanh chớ không mong cầu kết quả cho mình. Còn thành tựu lâu hay mau, lớn hay nhỏ đều do ở mình, chỉ có hai điều chắc chắn cò thể nói được: Một là tu Mật Tông thì tiến từng giờ, từng ngày. Hai là đã tu thì sẽ có thành tựu, chỉ khác nhau ở chỗ lớn hay nhỏ mà thôi.
Hỏi: Thế nào là tiến từng ngày, từng giờ?
Đáp: Điều này thuộc về chứng nghiệm, chỉ khi nào tu mới thấy rõ được. Tuy nhiên có thể nói rằng nương vào chân ngôn, hành giả tiến được rất nhanh. Giờ sau khác giờ trước, ngày sau khác ngày trước.
Hỏi:Tại sao thành tựu lại khác nhau lớn hay nhỏ?
Đáp: Đối với một hành giả, thì sự thành tựu lớn hay nhỏ là do tâm mình. Còn nếu đem so sánh giữa hai hành giả tùy theo căn cơ, phước đức và sự mở tâm của mỗi người mà có sự khác biệt. Tuy nhiên, nếu gắng công tu để đạt được sự “tương ưng” thì cái thành tựu ban đầu nhỏ sau cũng sẽ lớn lên vô hạn. Do đó người hành giả đừng sợ là không thành tựu và cũng đừng buồn khi thành tựu nhỏ.
Hỏi: Muốn tu Mật Tông thì cần có những điều kiện gì?
Đáp: Cửa Phật rộng mở không ngăn chê ai nên không cần điều kiện. Chỉ cần người tu thực lòng muốn “cứu độ chúng sanh” là tu được thôi. Nếu ta đã sắn đức tin và có lòng từ thì ta tu đâu có gì trở ngại.
Hỏi: Điểm nào là điểm mà Mật Tông hơn hẳn các tông phái khác?
Đáp: Mật Tông chỉ đem so sánh với các tông phái khác để biết sự khác biệt thôi, chứ không phải để phân biệt hơn kém.
Hỏi: Vậy thì sự khác biệt ra sao?
Đáp: Điểm nổi bật và dễ nhận thấy nhất, đó là Mật Tông lấy “Chú” làm phương tiện, và do phương tiện này đem đến những lợi ích đặc biệt lớn lao.
Hỏi: Lợi ích đặc biệt thế nào?
Đáp: “Nghiệp” là cái đem con người trôi lăn trong sanh tử luân hồi, nay nhờ “Chú”, ta chuyển được Nghiệp, giải được Nghiệp để sớm giải thoát. Đó là điểm khác biệt quan trọng nhất của Mật Tông so với tông phái khác.
Hỏi: Còn điểm nào khác nữa?
Đáp: “Chú” còn giúp hành giả lập công bồi đức và tiêu tội nữa.
Đấy là chỉ kể những lợi ích thiết thực cho vấn đề giải quyết sanh tử luân hồi thôi, chứ chưa nói đến lợi ích chữa bệnh, tăng thêm thọ mạng…
Hỏi: Phật tử theo tông phái khác, nay xem kinh sách rồi tự mình “trì CHÚ” và “bắt ẤN” như vậy có được không?
Đáp: Được chứ, có ai cấm đâu! Tuy nhiên, tu học kiểu đó cũng giống như người mù chơi dao, lợi bất cập hại (lợi ít hại nhiều).
Hỏi: Tại sao lợi ít mà hại nhiều?
Đáp: Vì “Chú” là con dao hai lưỡi, nếu biết xài thì rất nhạy bén còn không biết xài thì dễ bị đứt tay.
Hỏi: Vậy là thế nào?
Đáp: Đã gọi là “Thần chú” vì có những linh nghiệm lớn, thì cũng có những tác hại không nhỏ cho người hành giả nếu không biết sử dụng.
Hỏi: Hại ra sao?
Đáp: Đã có biết bao nhiêu tu sĩ cũng như Phật tử trì chú lâu ngày trở thành khùng điên hoặc bất bình thường. Đó là phản ứng tất nhiên của “Chú”.
Hỏi: Như vậy, muốn “trì CHÚ” và “bắt ẤN” phải làm sao?
Đáp: Phải được truyền pháp một cách đúng đắn qua các tu sĩ Mật Tông, hoặc những người tu học Mật, chứ không nên tự mình làm ẩu.
Hỏi: Muốn được truyền pháp thì phải làm sao?
Đáp: Thì phải gia nhập dòng pháp Mật Tông.
Hỏi: Nhập dòng pháp là thế nào?
Đáp: Là xin theo nhập học, tu theo Mật Tông.
Hỏi: Gia nhập dòng pháp cần điều kiện gì?
Đáp: Cửa Phật rộng mở, pháp môn thì nhiều, ai hợp môn nào thì theo môn ấy, không có gì đòi hỏi ở người phát tâm tu hành cả. Mật Tông cũng giống như các tông phái khác là muốn xin học thì phải được làm lễ ra mắt với chư Phật, với Tổ Pháp bằng một lễ “Quy y Quán Đảnh”.
Hỏi: Phật tử đã quy y rồi, thuộc tông phái khác, nay theo Mật Tông được không?
Đáp: Đã quy y rồi thì không cần quy y nữa, nhưng phái làm lễ “Quán đảnh”. Đang theo tông phái khác mà nay muốn theo Mật Tông thì phải xin phép “Sư Môn”, tức xin phép thầy mình đã, khi được chấp thuận thì mới xin gia nhập được.
Hỏi: Xin cho biết sơ qua về lịch sử Mật Tông.
Đáp: Mật Tông là một tông phái của Đạo Phật đã có từ lâu, nhưng ít phổ biến như các tông phái khác vì nhiều lý do (xem phần III nói về quan niệm của người tu Mật Tông sẽ rõ). Đại để, có thể nêu ra một vài điểm:
- Vì Mật nên không truyền rộng được,
- Vì rất ít người có đủ căn cơ để tu học và có duyên để gặp,
- Vì nhân duyên của chúng sinh khi nào hội đủ thì Mật Tông mới có mặt.
Do đó lịch sử của Mật Tông không có một sự truyền thừa tuần tự từ vị tổ này đến vị tổ khác, đời này tiếp đời khác như Thiền Tông hay Tịnh Độ. Mật Tông đi chìm, chỉ nổi khi cần cứu độ chúng sanh, sau lại chìm đi không để ai biết. Đó cũng là đặc điểm của Mật Tông vậy. Tuy nhiên, Mật Tông khi truyền qua Nhật thì ở đây cũng tạm lập một hệ thống truyền thừa như sau:
Tổ Pháp là đức ĐẠI NHẬT NHƯ LAI, sau truyền cho ngài KIM CANG TÁT ĐỎA, Ngài KIM CANG TÁT ĐỎA truyền cho ngài LONG MÃNH vv.. theo hệ thống dưới đây:
1. Đại Nhật Như Lai
2. Kim Cang Tát Đỏa
3. Long Mãnh tức Long Thọ
4. Long Trí
5. Kim Cang Trí
6. Bất Không
7. Huệ Quả (Trung Quốc)
8. Không Hải (Nhật Bản)
Ở Việt Nam thì đời nhà Lý có các Pháp sư nổi tiếng như:
- Từ Đạo Hạnh
- Nguyễn Minh Không.
Đời Trần, đời Lê sau này cũng có nhưng không hiển lộ và không lập môn phái.
Hỏi: Mật Tông thịnh hành nhất ở đâu?
Đáp: Như trên đã nói, Mật Tông không phổ biến nên ở nước nào cũng có, nhưng đem hành sử một cách rộng rãi thì rất khó thấy được, nhất là ở trong các nước mà Phật giáo chiếm đa số dân chúng. Tuy nhiên có thể nói đến một nước tiêu biểu nhất có nhiều người tu Mật Tông, đó là Tây Tạng trước năm 1950, và bây giờ là ở Nhật.
Hỏi: Đức Đại Nhật Như Lai thành Phật bao giờ, lại gọi là Tổ Pháp?
Đáp: Đức Đại Nhật Như Lai thành Phật trên cõi trời Vô Sắc, thuyết pháp độ sanh từ ở đó. Ngài là một hóa thân của đức TỲ LÔ GIÁ NA. Ngài là pháp thân.
Vì ngài thuyết kinh Đại Nhật, Ngài dạy về pháp Mật nên tôn ngài là Tổ Pháp của Mật Tông.
Hỏi: Mật Tông có kinh riêng à?
Đáp: Kinh chỉ là phương tiện hướng dẫn tu hành. Những kinh thuyết riêng về Mật Pháp cho người tu Mật Tông hành trì gồm có:
- Kinh Đại Nhật
- Kinh Kim Cang Đảnh
- Kinh Tô Tất Địa
- Kinh Mật Nghiêm…
Kinh Đại Nhật tức là kinh “Tỳ Lô Giá Na thành Phật”.
Và Tạng cũng có bộ “Mật Tạng”.
Nhưng đại để những kinh sách này hầu như chưa được dịch sang tiếng Việt, nếu có chăng, chỉ là những phần “trích dịch” mà thôi, phần đông còn là chữa Hán. Đây cũng là một khó khăn không nhỏ cho người tu Mật thời nay, nhưng đây không phải là một trở ngại.
HÀNH GIẢ MẬT TÔNG
Du già hành cước khắp nơi,
Không nơi ngừng nghỉ chẳng dời chân tâm.
Đi vào cuộc sống âm thầm
Quên mình vì đạo chẳng nhằm lợi danh.
Hàng ngày trong việc độ sanh,
Sống vì trần thế đấu tranh chẳng ngừng.
Đi hoài chẳng có chỗ dừng,
Nơi nào cần tới vui mừng đến ngay.
Thời gian chẳng kể đêm ngày,
Cứ đi, đi mãi như say tình đời.
Làm tròn “Mật Hạnh” sáng ngời,
Ra vào cuộc thế như chơi ván cờ
PHẦN 2 : NGƯỜI TU MẬT PHẢI LÀM GÌ?
Hỏi: Người tu Mật Tông phải làm gì?
Đáp: Người tu Mật Tông phải “vừa tu vừa cứu độ”. Thế có nghĩa là hàng ngày trong mọi lúc, ở mọi nơi đều phải nghĩ đến việc làm lợi lạc cho chúng sinh.
Hỏi: Thế nào là mọi lúc mọi nơi?
Đáp: Trong mọi lúc là khi ngủ cũng như khi thức, khi làm việc cũng như khi nghỉ ngơi, khi ăn cũng như khi uống… Tóm lại là bất cứ lúc nào.
Hỏi: Thế nào là ở mọi nơi?
Đáp: Ở mọi nơi có nghĩa là ở nhà cũng như khi ra đường lúc ngồi trên xe cũng như khi vào nhà quen, lúc đến công sở cũng như khi đi vào nhà thương… Tóm lại là trong mọi cuộc tiếp xúc hàng ngày.
Hỏi: Làm lợi lạc là thế nào?
Đáp: Làm lợi lạc có nghĩa là đem lại sự lợi ích và niềm an vui cho kẻ khác. Sự lợi ích và niềm an vui về tâm linh và tinh thần, đây là một điều mà chỉ có những người tu Mật Tông là có thể làm được.
Hỏi: Làm lợi lạc cách nào và bằng cái gì?
Đáp: Làm lợi lạc bằng cách “Chú nguyện”, dùng “Chân ngôi Chú pháp”. Đây là một hình thức bố thí có thể được xếp vào loại “Pháp thí”. Kinh Phật dạy: “Pháp thí cao hơn tài thí”, có nghĩa là cao hơn cho người ta tiền bạc. mà sự bố thí này lại là Ba la mật, nghĩa là tuyệt đỉnh, ở chỗ mình đem cho mà chẳng cần người được cho biết đến, và cũng không cần họ đền ơn.
Hỏi: Chúng sinh là ai?
Đáp: Chúng sinh đây phải hiểu theo nghĩa rộng, là mọi loài hữu tình cũng như vô tình ở trong thế gian cũng như ngoài thế gian. Tùy trường hợp, tùy hoàn cảnh mà cứu độ.
Hỏi: Như vậy thì việc chính của người tu Mật Tông là làm gì?
Đáp: Là cứu độ.
Lẽ dĩ nhiên người tu Mật Tông cũng phải lo cuộc sống hàng ngày như những người khác. Nhưng khác người thường ở chỗ vừa làm việc vừa tu, mà tu là “cứu độ”.
Sách có nói: “Những người tu Mật Tông là những người bình thường đi giữa cuộc đời, mang lý tưởng Bồ tát, trên tiếp thông với các bậc Giác Ngộ, dưới cứu giúp chúng sanh”.
Hỏi: Cứu độ thế nào?
Đáp: Cũng giống như người thường, trong những hoàn cảnh mà mình có khả năng giúp đỡ người khác, thì người tu Mật Tông không từ nan mà thật tình giúp đỡ một cách vô vị lợi. Có thể giúp bằng tài vật, bằng sức lực, trị bệnh… Nhưng khác người thường ở chỗ, kèm theo sự giúp đỡ đó, người tu Mật Tông dùng phương tiện mình có, đó là: “Nguyện lực và Chơn ngôn” cộng thêm vào nữa. Đây là sự giúp đỡ siêu hình, có ảnh hưởng tâm linh không nhỏ.
Thường thì nói “cứu độ”, đây là về mặt siêu hình nhiều hơn. Hay nói khác đi là dùng “Pháp thí” chứ không phải là “Tài thí”.
Hỏi: Xin nói rõ hơn và cho thí dụ.
Đáp: A. Thí dụ, khi cho tiền một người ăn xin, ngoài việc cho tiền, người tu Mật Tông còn phải chú nguyện:
- Để đồng tiền của mình và của những người khác bố thí giúp cho người hành khất đó no đủ, hết bệnh tật,
- Để cho người hành khất đó giải được nghiệp đi xin,
- Để cho những người cùng khổ như người hành khất này ở khắp mọi nơi đều được giải nghiệp…
B. Thí dụ đi thăm bệnh, thì ngoài việc biếu quà, hỏi thăm, an ủi người bệnh, người tu Mật Tông còn phải dùng phương tiện của mình để chú nguyện cho:
- Người bệnh được mau lành, được bình an,
- Giải bệnh căn, bệnh nghiệp cho người bệnh,
- Xin tăng thêm phước thọ cho người bệnh,
- Xin cho những người bệnh khác đều được qua khỏi…
C. Thí dụ đi ăn đám giỗ, ngoài những lễ nghi, quà cáp thông thường, người tu Mật Tông phải chú nguyện cho:
- Vong hồn người quá cố và những vong khác được siêu thoát,
- Các người sống đều được khỏe mạnh và bình an…
Tóm lại, trong mọi tiếp xúc, mọi nơi đều phải làm lợi cho người khác bằng phương tiện mình có. Lời nguyện thì tùy tâm của mỗi người, miễn sao nhắm đúng mục đích làm lợi cho người ta.
Hỏi: Tại sao Mật Tông lại chủ trương cứu độ là chính?
Đáp: Chẳng riêng gì Mật Tông mà các tông phái khác trong đạo Phật cũng đều thực hiện việc cứu độ, nhưng dưới nhiều hình thức và hoàn cảnh khác nhau, riêng Mật Tông đặt nặng vấn đề này hơn.
Hỏi: Vì sao đặt nặng vấn đề này hơn?
Đáp: Vì người tu Mật là người mang lý tưởng Bồ Tát! Trong chủ trương “Thượng cầu hạ hóa”, người tu Mật quan niệm rằng đó là thực tu.
Hỏi: Vì sao nói đó là thực tu?
Đáp: Vì đó là làm tròn “cái sự” để đủ hai mặt tự lợi và tự tha.
Hỏi: Tự lợi ở chỗ nào?
Đáp: Tự lợi ở chỗ hằng thường mở rộng TÂM mình. Hằng thường ở trong thiện niệm. Hằng thường làm các nghiệp lành.
Hỏi: Xin nói rõ hơn về thực tu.
Đáp: Tu thì phải hành, không hành thì chẳng chứng được “Cái lý”. Có vậy thì “Lý - Sự mới viên dung”.
Các Tổ đã dạy 4 bước tu hành là Tín, Giải, Hành, Chứng nghĩa là Tin thì phải Hiểu, Hiểu thì phải Làm, Làm thì mới thấy kết quả.
Hỏi: Xin giải nghĩa hai chữ “Cứu độ”.
Đáp: Cứu là giúp đỡ, đem ra khỏi chỗ nguy hiểm, tai hại. Độ là dìu dắt, nghĩa là chính là chở bằng đò qua sông.
Vậy “Cứu độ” là giúp đỡ, dìu dắt người qua biển khổ, từ bên này bờ mê sang bên kia bờ giác.
Hỏi: Xin cho biết tinh thần cứu độ của người tu Mật.
Đáp: Người tu Mật muốn làm tròn hạnh cứu độ phải thực hiện 2 điểm sau đây:
1. Cứu độ không phân biệt,
2. Cứu độ mà không độ
Hỏi: Thế nào là cứu độ không phân biệt?
Đáp: Nghĩa là không khởi tâm phân biệt:
- Thiện ác
- Giàu nghèo,
- Sang hèn,
- Tốt xấu…
Hỏi: Thế nào là cứu độ mà không độ?
Đáp: Nghĩa là không thấy mình độ người, và không thấy có người được độ. Nghĩa là không vì danh, không vì lợi, không mong cầu đền đáp.
Hỏi: Sâu xa hơn, vấn đề cứu độ còn ý nghĩa gì?
Đáp: Sâu xa hơn ta phải hiểu hành động cứu độ là giải thoát. Giải thoát cho mình và cho người.
Hỏi: Chủ trương cứu độ là hay, nhưng làm sao để làm được dễ dàng?
Đáp: Vạn sự khởi đầu nan, bạn cứ thực hành đi sẽ thấy không khó, nếu mình có quyết tâm và tự tin thì sẽ vượt chướng ngại.
Hỏi: Người tu Mật có hành lục độ không?
Đáp: Cứu độ là con đường làm tròn quả vị, có cả 6 độ nằm trong đó.
Hỏi: Cứu độ là bố thí, sao lại nói có cả 6 độ nằm trong đó?
Đáp: Đúng vậy. Nếu bạn làm hằng thường thì thấy “LỤC ĐỘ” trong đó cả. Vì sao? Vì khi BỐ THÍ bạn đã đem TRÌ GIỚI không sân, tham. Nếu bạn làm bằng thường thì đó là hạnh TINH TẤN, cho mà không cầu lợi, không mong đền đáp đó là hạnh NHẪN NHỤC. Cho mà trong tâm luôn luôn bình đẳng, không phân biệt thân trù, trụ nơi chánh niệm, đó là THIỀN ĐỊNH. Cho mà niệm niệm giải thoát đó là TRÍ HUỆ.
Đây là con đường đi đến thành PHẬT đó bạn!
Hỏi: “Cứu độ” là “Ngoại công phu” còn “Nội công phu” người tu Mật Tông phải làm gì?
Đáp: Mật Tông không phân nội ngoại, mà “tức nội tức ngoại”. Có thể tạm gọi là “Nội công phu” tức là những lúc hành trì ở Đạo Tràng hay khi nhập thất. Đây là đi vào phần kỹ thuật của nghi thức chuyên biệt sẽ được trình bày trong phần III. Nhưng thật ra trong những giờ phút đó cũng có ngoại đấy.
Hỏi: Ngoài cứu độ, người tu Mật còn chủ trương gì?
Đáp: Chú trương nhập cuộc. Chủ trương vào đời để đem lại an lạc cho mọi người, mọi vật…
Hỏi: Vì sao lại vào đời mà không tìm nơi thanh vắng, hay tu viện mà tu hành?
Đáp: Vì Mật Tông chủ trương Đạo và Đời là Một. Đạo chính là Đời, xa Đời không có Đạo.
Hỏi: Nếu vậy thì hành giả Mật Tông vào đời như thế nào?
Đáp: Vào đời bằng cách dấn thân, quên mình để cứu độ bằng phương tiện thực tiễn, cả vật chất lẫn tinh thần, nhằm mục đích tối thượng là cùng nhau giải thoát. Nhưng phải luôn luôn:
- Thức tỉnh tức là sáng suốt,
- Xả kỷ tức là bỏ “cái Ta”, cái ngã,
- Không chấp tức là linh hoạt tùy duyên,
- Giữ con đường Trung Đạo.
Hỏi: Quan niệm của người tu Mật về “Tứ Vô Lượng Tâm”, Từ, Bi, Hỉ, Xả?
Đáp: Người tu Mật lấy “XẢ” làm đầu, lấy “BI” làm căn bản, lấy “TÙY HỶ” chúng sanh làm hành động tiếp xúc, lấy “TỪ” làm môi trường sinh hoạt,
Hỏi: Người tu Mật, ngoài việc “trì CHÚ” có đọc tụng kinh sách không?
Đáp: Có chứ! Như ở trên phần I đã trình bày, Mật môn lấy Chơn ngôn làm phương tiện, còn về phần giáo lý là chung cho tất cả mọi người, ai học Phật cũng đều phải tìm hiểu.
Hỏi: Như vậy Mật Tông không có kinh sách riêng à?
Đáp: Đây là câu hỏi lại vào phần chuyên biệt rồi. Thật ra thì có nhưng chưa được bao nhiêu. Trước đây cố Thượng Tọa Thích Viên Đức đã dịch và cho phát hành một số kinh như:
- Hiển Mật Viên Thông
- Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương,
- Chuẩn Đề Đà La Ni
- Mật Pháp Nhất Tự Đà La Ni
- Quán Thế Âm Thập Nhất Diện Thần Chú Kinh
- Kinh Tạp Tập Đà La Ni
- Kinh Tô Tất Địa …
Thượng Tọa Thiền Tâm có dịch:
- Đại Bi Kinh
- Tôn Thắng Phật Đảnh Kinh
Thượng tọa Thích Quảng Trí có dịch:
- Quán Thế Âm Bồ Tát A Lợi Đà La Ni Kinh
- Tô Bà Hô Đồng Tử Kinh
Thượng tọa Thích Đồng Hạnh có dịch:
- Pháp yếu căn bản của Mật Tông
- Thủ hộ Quốc Giới Chủ Đà La Ni
- …
Cư sĩ Phi Bằng dịch:
- Thánh Cứu Độ Phật Mẫu Tu Trì Pháp
Cư sĩ Hồng Đức dịch:
- Đa rị Tâm Kinh
- Đại Phật Đảnh Như Lai Phóng Quang Tát Đát Đa Bát Đát Ra Đà La Ni Kinh
- …
Và giờ đây các vị tôn túc còn đang tiếp tục dịch để hoằng dương Phật Pháp. Tôi xin cung kính vọng bái và tán thán công đức các ngài.
Hỏi: Kinh sách Mật môn nhiều như vậy sao nói là ít?
Đáp: - Ít là vì so với rừng kinh điển Phật Giáo
- Ít là vì chưa nói lên được thực chất của Mật Thừa
- Ít là vì những bộ kinh lớn chưa được dịch.
Hỏi: Kinh lớn là kinh nào?
Đáp: Hai bộ kinh lớn của Mật Tông hiện giờ ở Việt Nam chưa ai dịch, đó là:
- Đại Nhật Kinh
- Kim Cang Đảnh Kinh
Hỏi: Tại sao vậy?
Đáp: Vì các vị tôn túc chưa hội đủ nhân duyên để làm. Đây là cả một công trình lớn, cần sự đóng góp của nhiều người, và tốn nhiều công phu cùng với thời gian … Ngoài ra, còn đòi hỏi người dịch phải có trình độ thực tu, thực chứng nữa.
Nhưng bạn đừng lo, chỉ với số ít ỏi được giới thiệu trên kia, nếu bạn chọn lấy một pháp, rồi chuyên nhất mà tu hành, thì chắc chắn cũng được giải thoát.
Hỏi: Làm thế nào để chọn Pháp, và nên chọn Pháp nào?
Đáp: Phải cần có thầy, có bạn và phải được thông suốt phần căn bản Mật Tông.
Hỏi: Làm thế nào để tìm thầy Mật Tông?
Đáp: Có nhân duyên thì gặp. Về Mật môn thì thầy đi tìm trò nhiều hơn là trò đi tìm thầy.
Hỏi: Ở Việt Nam pháp Mật nào phổ biến hơn cả?
Đáp: Đại Bi và Chuẩn Đề.
Hỏi: Đại Bi và Chuẩn Đề thì đa số các nhà chùa theo Bắc Tông đều có trì tụng, như vậy là Mật Tông cả sao?
Đáp: Đúng! Đa số nghi thức của những nhà chùa bên Bắc Tông đều có trì Đại Bi, Chuẩn Đề và Bát Nhã, nhưng đó chưa hẳn là Mật.
Hỏi: Vậy là Hiển hay sao?
Đáp: Người tu Mật không phân biệt tách rời Hiển và Mật, mà quan niệm là “Tức Hiển tức Mật”, có nghĩa là Hiển mà Mật đấy, Mật mà Hiển vậy.
Hỏi: Xin nói rõ hơn.
Đáp:Vì đặc tính của dân tộc ta cương cường mà nhu hòa nên các tôn giáo và tư tưởng vào đây dần dần bị biến đổi để thích ứng với địa phương.
Cũng vậy, Đạo Phật phổ biến ở Việt Nam từ đời Đinh rồi cùng dân tộc này trải qua bao nhiêu chìm nổi đổi thay, nên giờ đây các chùa Bắc Tông cũng mang một sắc thái đặc biệt khác hẳn chùa các nước Trung Quốc, Nhật, Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ… (mấy nước kể sau đa số là Nam Tông). Khác nhau ở chỗ dung hòa trong nghi thức không chia rõ chùa Thiền, chùa Mật hay chùa Tịnh Độ Tông. Điều này có nghĩa là một sự dung hòa các Pháp Môn.
Bước vào chùa, đầu tiên vào nhà Tổ thì thấy thờ Đạt Ma Tổ Sư là vị Tổ Thiền. Lên chùa thì thất cả tượng Đức Di Đà, Đức Thích Ca, Đức Văn Thù, Đức Phổ Hiền, Đức Quan Âm, Đức Chuẩn Đề… Nghĩa là đủ tượng của Tịnh Độ, của Mật, của Thiền… Sang phần nghi thức hành lễ thì có đọc Chú, có tụng kinh, đó là vừa hiển, vừa Mật đấy.
Đây cũng là điểm đặc sắc của Đạo Phật ở nước ta, thường thường các thầy tu theo hai đường:
- Thiền Mật song tu
- Tịnh Mật song tu.
Ở Việt Nam chưa có một chùa nào riêng của Mật Tông , thờ theo đúng Mạn Đà La, tức là Đàn Pháp Mật, với các vị Phật Mật tông như Tỳ Lô Giá Na… giống bên Nhật. Do đó Mật Tông mà chúng ta hành trì ở đây thường tự tu tự chứng, không có một sự truyền thừa rõ ràng và phần nhiều là “TẠP Mật” không phải “THUẦN Mật”.
Hỏi: Thế nào là tạp?
Đáp: - Tạp vì không chuyên nhất, thí dụ như tu Tịnh Độ mà lại trì chú Chuẩn Đề.
- Tạp vì tự học, tự hành, không được truyền thừa có hệ thống.
- Tạp vì giáo pháp tiếp nhận từ ứng thân Đức Thích Ca Mâu ni, thay vì từ pháp thân Đức Tỳ Lô Giá Na.
Nhưng dù sao tạp hay thuần thì cũng đều đi đến cứu cánh là giải thoát.
Hỏi: Mấy câu hỏi vừa nêu đã đi xa tiêu đề của phần II là Người tu Mật Tông làm gì? Giờ xin quay lại chủ đề.
Đáp: Muốn biết làm gì thì cần nắm vững vấn đề trước đã.
Tu Mật là tu TÂM, tu PHÁP, dùng Pháp làm phương tiện, mà phải biết dùng “PHƯƠNG TIỆN THIỆN XẢO” để đạt cứu cánh giải thoát cho mình và người.
Hỏi: Thế nào là phương tiện thiện xảo?
Đáp: Phương tiện thiện xảo là phương tiện thù thắng khéo léo, phương tiện nhặm lẹ và chắc chắn, phương tiện vững vàng mà hiệu quả, phương tiện nhiệm màu và thâm thúy nhất, để đưa người tu Mật vượt bể khổ luân hồi đến được bờ giải thoát ngay trong đời này.
Phương tiện đó đối với Mật môn là CHÂN NGÔN.
Hỏi: Chân ngôn thì thật nhiều, nhưng biết dùng ra sao?
Đáp: Đó là chúng ta bắt đầu đi vào vấn đề thật sự.
Cũng như người lái xe, xe đi nhanh hay chậm do nơi tài xế, lái khéo hay dở cũng bởi bác tài. Vậy có xe trong tay rồi, còn phải đòi hỏi những điều kiện cần thiết khác nữa, thí dụ như sự lanh trí, phản ứng nhặm lẹ và đôi mắt tinh tường cùng sức khỏe sung mãn… Người tu Chân ngôn cũng như vậy.
Khi bạn đã có pháp trong tay rồi, chỉ cần một pháp thôi – thì bạn cần phải có:
- Một niềm tin không gì lay chuyển nổi
- Một chí nguyện rộng lớn vô hạn,
- Một nguyện lực mãnh liệt vô biên.
- Một nghị lực vững bền kiên cố
Đó là tất cả sự chánh tâm thành ý đòi hỏi, và cũng là điều kiện để ly sanh tử vậy.
Hỏi: Ngoài 4 điểm trên còn phải dọn Tâm thế nào?
Đáp: Muốn vào pháp và chắc chắn đi đến thành tựu thì người tu Mật phải:
a. Đối với mình:
- XẢ tất cả
- PHÁ tất cả
- LÀM tất cả
b. Đối với người:
- CHUYỂN tất cả
- THẮNG tất cả
- THÀNH tất cả.
Hỏi: Xin nói rõ 3 điểm đối với mình.
Đáp: Thực hiện 3 điểm này để được nhất tâm và luôn trong chánh niệm:
XẢ TẤT CẢ là bỏ “cái TA” và “cái CỦA TA” tức là Ngã và Ngã Sở.
PHÁ TẤT CẢ là phá cái ”TÂM PHÂN BIỆT” và “KIẾN CHẤP”.
LÀM TẤT CẢ là “LÀM CÁC THIỆN NGHIỆP” và hằng thường giữ Thân, Khấu, Ý lành.
Hỏi: Xin cho biết thêm về 3 điểm đối với người.
Đáp: Đối với người thì phải thường tùy hỷ và lấy “BI TÂM” mà đối xử để:
CHUYỂN TẤT CẢ là: Dựa vào bi nguyện của chư Phật, chư Bồ Tát và đem tất cả công đức lực của mình để chuyển hóa cho người khiến nghiệp dữ thành lành, hướng về chánh pháp tu hành.
THẮNG TẤT CẢ là: Bằng phương tiện thiện xảo, bằng nguyện lực bằng chánh tâm để thắng mọi tà ngụy.
THÀNH TẤT CẢ là: Người tu Chân ngôn mang tâm Bồ Tát làm việc Phật làm nên “khởi niệm tất thành”, đó là chỗ thắng diệu của Pháp vậy.
Hỏi: Thật khó thực hiện những điều vừa kể, xin cho thêm ý kiến để củng cố niềm tin.
Đáp: Người tu Mật là người sống trong nhân quả mà vượt lên trên nhân quả. Sống trong nghiệp lực mà chuyển nghiệp lực, do TÂM, do PHÁP và do HÀNH. Nếu bạn đã có quyết tâm và biết pháp giải thoát thì cứ hành đi nhất định sẽ thành. Bạn đã có chìa khóa của sự thành công rồi, giờ hãy vững tin mà tiến bước.
Hỏi: Giả sử như bây giờ tôi đã quyết tâm, vậy thì còn cần thêm gì nữa không?
Đáp: Đã quyết rồi phải cần nhất tâm.
Đã nhất tâm rồi cần chuyên chú, siêng năng như gà ấp trứng thì mới đạt kết quả tốt.
Hỏi: Với kinh nghiệm của người đi trước, ông thấy còn khó khăn gì?
Đáp: Cái khó khăn nhất mà tất cả những người mới bước vào con đường “Mật thừa” đều gặp đó là:
ƯA thích thần thông, hoặc
MUỐN mau chóng được một cái gì, thành một cái gì!
Tâm lý này cũng đúng thôi, nhưng nó lại trở thành chướng ngại lớn cho hành giả.
Hỏi: Tại sao mong cầu hợp lý mà lại gây trở ngại?
Đáp: Ưa thích thần thông tức mong muốn có quyền năng hoặc là siêu nhân, đó là phát triển tự ngã. Mong mau chóng kết quả là bạn còn tham, còn cầu, còn chưa làm chủ thật sự tâm mình. Và khi bạn vào “tu Pháp Mật” mà còn với tư tưởng đó thì kết quả rất là hạn chế, và khó mà chuyên nhất.
Hỏi: Vì sao?
Đáp: Lại vì sao nữa! Tam tổ Thiền Tông Tăng Xán đã viết trong Tín Tâm Minh là:
“Đừng hỏi vì sao nữa,
Thì hết chuyện sai ngoa!”
Xin trả lời cái “vì sao” của bạn nhé!
Vì mục đích của bạn là đi tìm cầu, có khi cầu lớn lai, mà có khi chỉ là cầu tri kiến. Vậy nếu cầu lớn lao thì là “tham”, mà cầu tri kiến thì “sai”, là “lạc”, cả hai trường hợp đều hỏng hết. Tại vì muốn vào Pháp Phật thì phải lìa TRI KIẾN, khi đó bạn sẽ hiểu hai câu này”
“Phật với chúng sanh tánh thường rỗng lặng
Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn”.
Bạn cứ chuẩn bị tinh thần sẵn sàng thì khó khăn nào chẳng vượt qua, trở ngại nào mà chẳng khắc phục.
Hỏi: Thế thì phải chuẩn bị tinh thần thế nào?
Đáp: Tinh thần chân thực và buông xả.
Hỏi: Nghĩa là thế nào?
Đáp: Chân thực là:
TRỞ VỀ chính mình
HIỂU THỰC lòng mình
KHẨN THIẾT vào Đạo
Buông xả là:
BỎ HẾT tri kiến
DẸP HẾT mong cầu.
Đó mới là bước đầu của người ngộ Đạo. Nếu bạn đi tìm chân lý chỉ bằng lý trí của bạn thì không thể thấy được “CÁI THỰC – LẼ THỰC”, vì theo Phật pháp, những hiểu biết nhiều quá sẽ là “sở tri chướng” làm ngăn con đường vào Đạo.
Hỏi: Nãy giờ tôi nghe tu Mật cái gì cũng vì người, cho người, thế là “tu” mà chẳng được gì à?
Đáp: Chính cái chỗ “chẳng được gì cả” của bạn là được nhiều lắm đấy! Điều này chắc bạn không tin, vì bạn đã đi vào đâu mà tin được!
Giờ nếu bạn đã quyết tâm và có hành trang đầy đủ rồi thì xin bạn hãy lên đường. Chúc bạn sớm gặp được duyên may.
Hỏi: Khoan! Xin cho hỏi câu cuối cùng: Thế nào biết là thành tựu?
Đáp: Phật nói “Tự tu tự chứng” vậy thì thành quả không ai giống ai. Có người thành tựu lớn, có người thành tựu nhỏ. Tùy theo căn cơ, phước đức, công phu của mỗi người.
Tuy nhiên, bạn đã hỏi thì phải trả lời:
Thành tựu nói chung của những người “TU GIẢI THOÁT” không phải ở chỗ “biến hóa thần thông, hô phong hoán vũ” mà là tự thấy được:
TÂM PHÀM của mình ngày một mất,
NGHIỆP XẤU ngày một bỏ,
TỪ BI ngày một tăng,
TINH THẦN ngày một an ổn,
TRÍ THẤY BIẾT ngày một sáng,
GIẢI THOÁT ngày một gần …
Bạn đã an tâm chưa? Bây giờ khởi hành chứ, kẻo trễ quá rồi, vô thường đâu có đợi bạn?
Đừng để phí ngày này
Đừng để phí kiếp này
Sau này chắc gì gặp được chánh pháp
Cơ hội khó có lần thứ hai!
Chúc bạn thành công.
Xin hồi hướng công đức về mười phương Tam Bảo, và tất cả chúng sanh trong các cõi.
Sau khi đọc xong phần II này, nếu bạn thấy được điều gì hay, mới, thì đó là bởi căn nghiệp phước đức của bạn đã có sẳn, nên hồi hướng về “NHẤT THIẾT CHỦNG TRÍ”
TU MẬT
Đừng đòi những pháp nhiệm màu,
Hãy chờ những pháp không cầu mà nên
Thần thông thì chẳng có tên,
Chẳng cần tác ý tùy duyên hiện bày,
Tu mật phải hiểu lẽ này,
Còn tham, còn vọng còn đầy quỷ ma,
Phật thường vẫn nhắn nhủ ta,
Đừng đem quỷ tới thay ma trong người.
Hành giả tu Mật vào đời,
Cứu sanh độ chúng trời người đều thông
Con đường “Mật Hạnh” cửa KHÔNG
Trang nghiêm quốc độ Mật Tông thường làm,
Thênh thang chánh pháp rõ ràng,
Vào đời cứu độ chẳng màng tử sanh,
Cởi mình khỏi trói lợi danh,
Chuyển Thân Tâm biến mau thành NHƯ LAI.
18-7-1992
MẬT NGHIÊM
Nói thì dễ lắm, nhưng làm thì thật khó “Thiên nan vạn nan” bạn hãy hành đi và thật sống trong đó thì mới giải thoát được.
PHẦN 3 : QUAN NIỆM CỦA NGƯỜI TU MẬT TÔNG
Hỏi: Còn quan niệm của người tu Mật ra sao?
Đáp: Phần này trình bày về “cái nhìn” của người tu Mật với nhân sinh và vũ trụ. Điều này rất quan trọng, vì nó là mũi tên chỉ đường, và là cây gậy chống cho hành giả.
Hỏi: Thì cũng là nhân sinh quan và vũ trụ quan của Phật giáo chứ gì?
Đáp: Đại thể thì như vậy, nhưng vì Phật giáo quá bao la nên mỗi môn phái đều có một cái nhìn riêng, đứng từ vị trí và hướng đi của mình.
Hỏi: Vậy cái nhìn của Mật Tông ra sao?
Đáp: Người tu Mật cần phải thể hiện những điều sau đây:
- Lấy vũ trụ làm nhà
- Lấy thiên nhiên làm bạn hữu
- Lấy chúng sinh làm quyến thuộc
- Lấy vạn hữu làm chơn thân
Và một vị tổ Mật Tông bên Tây Tạng đã nói:
- Tất cả mọi hình tướng đều là Niết Bàn,
- Tất cả mọi âm thanh đều là Chân ngôn,
- Tất cả mọi chúng sanh đều là Phật.
Đó, Mật Tông là thế đó, bạn đã hiểu chưa?
Hỏi: Thế là nghĩa làm sao?
Đáp: Mật Tông là:
SỰ SỐNG HIỆN THỰC, hồn nhiên và tràn đầy.
GIÁO LÝ SỐNG ĐỘNG, hàm súc và phong phú rút ra từ cuộc sống, từ kinh nghiệm hàng ngày.
LỜI THẬT, là chân lý, xóa mọi thành kiến, mọi danh xưng, khai thông dòng sống trào tuôn bất tận.
Hỏi: Nói nghe kêu lắm, nhưng tôi không hiểu gì!
Đáp: Gấp quá! Từ từ bạn sẽ hiểu và sẽ thấm. đạo vốn tự nhiên, sao bạn lại muốn dồn ép vậy!
Bạn ơi! Như phần trên đã nói, Mật Tông chủ trương vào đời và nhập cuộc mà! Nhập cuộc, ở phần tướng là vào sự sống va chạm ở đời, và với “lớp áo thế tục” mà không bị cát bụi tình đời làm hoen ố. Vì sao? Vì tất cả cát bụi, tất cả cảnh vật đều là diệu dụng của Giác tánh Bồ Đề, nên mới nói “Mọi hình tướng đều là Niết bàn”. Nhập cuộc, ở phần hình là vào trong cái trật tự tự nhiên, không thủy không chung của trời đất mà vô ngại. Thế mới lấy “vũ trụ làm nhà” được chứ!
Hỏi: Có vẽ hấp dẫn đấy, thế rồi sao nữa?
Đáp: Câu trả lời trên đã nói lên vũ trụ quan của người tu Mật đấy. Vũ trụ quan đó là “Pháp giới dung thông, sự sự vô ngại”.
Quan điểm của Mật Tông là vũ trụ do:
- Pháp duyên khởi, hay
- Vô tận duyên khởi, hay
- Trùng trùng duyên khởi.
Phạm vi tài liệu này không cho phép giảng rộng hơn, nếu bạn muốn tìm hiểu xin đọc thêm kinh sách.
Hỏi: Còn gì về vũ trụ quan nữa không?
Đáp: Về bản thể của vũ trụ có hai quan điểm phát xuất:
Đông Mật chủ trương “Lục đại thể”
Thai Mật chủ trương “A tự thể”
Đây là những từ chuyên môn nói ra thêm nhức đầu, khi nào bạn đào sâu nghiên cứu sẽ rõ, hơn nữa, phần vũ trụ quan bạn chỉ nên tìm hiểu theo câu đáp trên về “Pháp giới duyên khởi” ngoài ra không nên quá quan tâm, mà cần chú ý đến phần “nhân sinh quan” tức là phần Hành nhiều hơn. Bởi vì Mật Tông là “Hành”.
Hỏi: Chủ trương “Hành” thế nào?
Đáp: Người tu Mật là người:
- Đem sự về Lý
- Đem Nhân về quả
- Đem Phật về với chúng sinh
Hỏi: Thế là thế nào?
Đáp: Đem SỰ về LÝ là chuyển tất cả những sự tướng khác biệt của thế gian và xuất thế gian trở về với “LÝ THỂ BÌNH ĐẲNG” duy nhất của mọi sự vật.
- Đem NHÂN về QUẢ là chuyển nghiệp báo sanh tử luân hồi của chúng sanh đến thành quả vị Phật.
- Đem PHẬT về với CHÚNG SANH là vận dụng tâm Từ Bi rộng lớn, dùng phương tiện nhiệm mầu để làm lợi lạc, để giải thoát cho tất cả chúng sanh trong toàn pháp giới.
Như vậy người tu Mật phải:
- Xoay SỰ về LÝ để có “LÝ SỰ VIÊN DUNG”. Tác nhân thành quả để “VƯỢT LÊN NHÂN QUẢ” hay là có “NHÂN QUẢ ĐỒNG THỜI”.
- Đem Phật đến với chúng sanh để được “TỨC THÂN THÀNH PHẬT”!
Hỏi: Tôi nghe nói tu theo Mật Tông là “TỨC THÂN THÀNH PHẬT”, xin nói cho rõ.
Đáp: Đây là đi vào yếu chỉ của Mật Tông rồi. Yếu chỉ đó là:
“ĐƯƠNG TƯỚNG TỨC ĐẠO”
“TỨC SỰ NHI CHÂN”
“TỨC THÂN THÀNH PHẬT”
Tức là cái tướng hiện hữu của thế gian này là ĐẠO. Tất cả các pháp hữu vi, sự vật đều là THẬT, và thân này là PHẬT.
Đây là phần nhân sinh quan sâu sắc, và cũng là điểm quan trọng khác biệt giữa cái nhìn của Mật Tông và Thiền Tông.
Hỏi: Nhìn khác nhau thế nào?
Đáp: Nói ra thì dài dòng lắm, viết thành cả cuốn sách mới hết, tuy nhiên, có thể tóm lược những điểm chính căn bản để dễ phân biệt:
Yếu chỉ của Thiền là:
“TRỰC CHỈ NHÂN TÂM
KIẾN TÁNH THÀNH PHẬT”
Do đó cái nhìn của Thiền là trở về nội quan, cho nên:
- Thiền chủ trương “PHÁ Tướng nhập TÁNH”
- Mật chủ trương “DỤNG Tướng nhập TÁNH”,
Ngoài ra:
- Thiền chủ trương “TỪ TĨNH vào Định”
- Mật chủ trương “TỪ ĐỘNG vào Định”
Hỏi: Còn gì thêm nữa?
Đáp: Còn nhiều lắm chứ, nhưng trước khi nói thêm, xin mở ra đây một dấu ngoặc, để nói ra ngoài một chút. Đó là ở Việt Nam ta, quan điểm của Thiền thường được phổ biến nhiều hơn cả, do đó các đạo hữu Phật tử thường nhìn các pháp môn khác qua cặp kính Thiền, thế có nghĩa là đứng ở góc cạnh Thiền mà nhìn Mật, nhìn Tịnh Độ, nhìn Nguyên Thủy… nên thường có kiến chấp sai lầm, nhất là thường chấp vào hai quan điểm trên, đòi hỏi “PHÁ TƯỚNG” và đạt được “TĨNH” kiến chấp như vậy làm trở ngại lớn cho người tìm Đạo. Xin đóng ngoặc lại để tiếp tục trình bày và xin bạn, nếu có kiến chấp nào hãy bỏ đi nhé!
Hỏi: Vâng, xin cứ tiếp tục.
Đáp: Xin lần lượt kể:
1. Thiền là trở về nội tâm, mọi tướng đều phá. Mật là nội ngoại dung thông, tướng tâm đồng dụng.
2. Tinh thần Thiền là phá chấp triệt để, tinh thần Mật là chẳng chấp tướng mà cũng không phá tướng, nhưng từ hữu tướng vào vô tướng.
3. Chỗ ngồi của Thiền là “Đương sứ”, là ở đây, chỗ này, không quá khứ không vị lai. Chỗ ngồi của Mật là TỰ TẠI VÔ NGẠI, ra vào dung thông nhiếp cả Tam Thế.
4. Thiền cho rằng:
Một giờ Thiền là một giờ Phật
Một ngày Thiền là một ngày Phật
Một đời Thiền là một đời Phật
Mật cho rằng:
Phật ở trong ta
Phật ở ngoài ta
Phật hằng có đó
Phật chính là Ta
5. Thiền quyết định :
Gặp Phật cũng đuổi
Gặp ma cũng đuổi
Xua đi hết cả
Chỉ còn tâm ta
Mật quyết định :
Ta gửi ta nơi Phật
Phật gửi Phật trong ta
Cùng nhau đều cứu độ
Chẳng còn Phật còn ta
6. Thiền chủ trương :
Ngoài chẳng nhờ trợ duyên
Trong không móng khởi tâm tạo tác
Mật chủ trương :
Ngoài cần cầu tha lực
Trong tự lực khởi sanh
Tự - Tha đều là một
Mọi việc mới viên thành
Đó, tóm lược trên đây là những điểm khác biệt chính yếu.
Hỏi: Tôi đã khái quát thấy sự khác biệt, vậy tóm lược như thế nào?
Đáp: Tóm lại, người tu Mật:
Đi từ Sanh Diệt Môn vào Chân Như Tánh,
Đi từ TƯỚNG DỤNG vào THỂ, và chuyển “Phước nghiệp hữu lậu” thành “Công đức vô lậu” nhờ phương tiện là CHÂN NGÔN.
Hỏi: Mấy câu hỏi trên đã làm một sự so sánh giữa Thiền và Mật, giờ xin trở về phần quan niệm của Mật.
Đáp: Vâng, Mật khẳng định là:
“Đời Đạo không hai,
Đạo nằm trong Đời,
Đời không xa Đạo”.
Do đó địa bàn hoạt động của người tu Mật là ngay trong cuộc sống hàng ngày, đó chính là “Đương tướng tức Đạo” . Ngoài ra, người tu Mật quan niệm là chính việc làm hàng ngày sẽ làm tròn “cái Sự”, và hiển “cái Lý” để có “Lý Sự viên dung”.
Hỏi: Đồng ý điểm này, nhưng tại sao lại “Tức sự nhi chân”.
Đáp: Sự là muôn pháp hữu vi,
Sự là cái tướng bày ra muôn hình tượng. tất cả đều là “Diệu Hữu”, đó là thấy thực tướng.
Bởi vậy cho nên mới “Sự sự vô ngại”
Lại nữa, người tu Mật hiểu rõ Sự là “THỂ” nên thấy được cái thực nằm trong đó.
Hỏi: Đối với Mật Tông, giữa Sự và Tướng liên quan ra sao?
Đáp: Như trên đã nói, Sự là Thể, là Tướng. Mà Tướng do nhân duyên sanh, bởi diệu hữu mà thành thế nên “TỨC SỰ TỨC TƯỚNG”. Sự tức là Tướng vậy.
Hỏi: Tại sao lại “DỤNG TƯỚNG NHẬP TÁNH”
Đáp: Điểm này là căn bản, nếu không nắm được thì dễ lầm giữa Thiền và Mật, Thiền thì từ “KHÔNG” vào “CHÂN NHƯ TÁNH”. Mật thì từ “DIỆU HỮU” vào “CHÂN NHƯ TÁNH”. Vì như trên đã nói, Tướng do “DIỆU HỮU” thành, mà “DIỆU HỮU” là “CHÂN NHƯ”, là cái DỤNG của CHÂN KHÔNG cho nên thường nói “CHÂN KHÔNG DIỆU HỮU”.
Mật Tông vì “KHÔNG PHÁ TƯỚNG” và thấu được “THỰC TƯỚNG CỦA TƯỚNG”, nên dùng “TƯỚNG” mà đi vào.
Hỏi: Có tu Tiên đâu mà “lấy thiên nhiên làm bạn hữu”?
Đáp: Trở về với thiên nhiên là trở về với sức sống tràn đầy, với cái thượng hằng hiện hữu. Người tu Mật nhìn thiên nhiên để thấy vũ trụ, để thấy vạn pháp, để làm bạn tu, chứ không để an trụ, để thưởng thức như một Tiên Ông.
Hỏi: Hay quá! Xin khai triển thêm nữa.
Đáp: Người tu Mật hiểu rằng bên ngoài thiên nhiên hay vũ trụ là một dòng sống luân lưu không ngừng nghỉ, nó vận hành liên tục, không bao giờ lập lại. Còn bên trong con người thì mang đầy kiến chấp, nó là một ao tù chứa những thói quen, kinh nghiệm và khuôn thức định sẵn, do đó, phải bỏ cái trong để mở ra mà nhập vào cái ngoài. Khi đã hiểu rõ sự sống, đã nhập vào sự sống thì mới thấy được cái “DIỆU HỮU” để thấy cái “TÁNH KHÔNG” của Bát Nhã. Và thực hành trọn vẹn câu “NGŨ UẨN GIAI KHÔNG độ nhất khổ ách” trong Tâm Kinh.
Vậy thì thiên nhiên là người bạn đồng hành, là kẻ chỉ đường cho ta đến chỗ chánh giác.
Hỏi: Sao lại “lấy chúng sanh làm quyến thuộc”?
Đáp: Phật dạy: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Vậy thì bạn đã quyết định làm Phật hiện kiếp này, chúng sanh là Phật vị lai, vậy không là quyến thuộc là gì?
Nhưng câu này còn có ý nghĩa nhắc nhở nhiệm vụ của người tu Mật là chúng sanh đang cần cứu độ, vì là người đồng hội đồng thuyền với ta, và muốn người tu Mật không quên ơn chúng sanh, biết phục vụ chúng sanh là cúng dường chư Phật. Và sau cùng nó mang ý nghĩa đầy đủ nhất là “Một là Tất Cả, Tất Cả là Một”.
Hỏi: Còn “lấy vạn hữu làm chân thân”?
Đáp: Vạn hữu là thân ta trong cái nhìn đồng nhất thể. Trong cái nhìn hiểu Đạo của người tu Mật.
Vì thật ra mình có mặt trong các thực thể khác, và các thực thể khác cũng có mặt nơi mình trong dòng chuyển lưu của vũ trụ. Ngoài ra còn nói lên cái tâm đại bi thương vạn hữu như thương chính thân mình không khác.
Hỏi: Thế nào là “Tất cả âm thanh đều là chân ngôn”?
Đáp: Đây là câu nói của bậc chứng lý và đạt Đạo rồi. Đối với chúng ta thì không thấy được như vậy. Tuy nhiên ta có thể giải thích tóm lược như sau:
Vì chân ngôn phát ra từ chân như thể tánh, mà các âm thanh của vũ trụ cũng từ tánh hiện tướng, do đó nó đồng thể.
Đây còn nói thêm cái phần bí nhiệm của chân ngôn, mà nếu bạn muốn thấy, muốn hiểu thì xin thực hành, thực tu sẽ thấy.
Hỏi: Quan niệm của người tu Mật đối với chân ngôn thế nào?
Đáp: Là phương tiện để giải thoát cho mình. Để độ thoát chúng sinh.
Hỏi: Làm thế nào để trì “Chân ngôn” cho có hiệu quả?
Đáp: Câu này bạn sẽ được Thầy chỉ cho bạn khi nào bạn thực sự vào pháp hành, vì nó thuộc mật truyền. Thường bên Mật Tông khi một vị Thầy truyền cho đệ tử một câu chân ngôn là vị Thầy đó đã hành quan, đã giàu kinh nghiệm và đã nắm được yếu quyết của nó. Tuy nhiên, có thể trả lời bạn tổng quát như thế này:
1 Trước hết đừng nôn nóng cầu đắc, cầu chứng,
2 Tâm ý phải thanh tịnh, không mưu tính bất chánh,
3 Không dùng chân ngôn trong những trường hợp thiếu tâm Bi,
4 Không nói dối, xảo trá, lừa dối, ngụy biện,
5 Phải thành khẩn , siêng năng,
Sau nữa còn những điểm dành cho người tu Mật đó là:
6 Phải biết nguyện với thành
7 Phải có ấn mới quyết định…
Đa số các bạn của chúng ta thường bị cái lỗi lầm là nghe thấy một câu chú “hay”, có “công năng lớn” là đem ra hành trì, không cần có Thầy chỉ dẫn. Như vậy chỉ uổng công mà chẳng đem lại kết quả gì. Nếu tu chân ngôn mà dễ như thế thì ai tu chẳng được! Rất đáng buồn là đã có những bạn bỏ phí cả những năm tháng dài, để chạy theo sự tham mê vô vọng đó, rồi khi không được gì đâm ra chán nản, mất tin tưởng và quay ra phỉ báng. Lỗi đó tại ai?
Đây cũng là chỗ bí nhiệm của “Mật Môn”. Đừng tưởng coi sách là đủ đâu! Những gì được viết ra sách là không còn mật nữa, là thuộc về “công truyền”. Những gì không được viết ra, do Thầy truyền mới là “Mật truyền”, tâm truyền đấy bạn ạ!
Bạn ơi! Chân ngôn là một chén thuốc bổ, nhưng đối với người nào đó nó trở thành thuốc độc, và đối với người khác nó là thuốc trường sanh. Tôi đã trả lời bạn câu này hơi dài rồi, bạn hãy tự tìm ra câu giải đáp cho mình, xem mình đã áp dụng đúng chưa.
Hỏi: Khó quá, ông làm tôi nản chí, biết bao giờ mới gặp được Thầy, biết bao giờ mới tìm được Pháp?
Đáp: Bạn ơi, Phật Pháp bất khả tư nghì, có duyên rồi sẽ gặp. Bạn cứ chân thành cầu thì sẽ được!
Hỏi: Ông có kinh nghiệm gì giúp tôi trong vấn đề này?
Đáp: Câu đáp chỉ có thể là “Tùy phước duyên” của bạn! Theo kinh nghiệm thì thời này thật ít, giả nhiều, nên phải hết sức thận trọng, đừng vội dễ tin, chính Đức Thế Tôn dạy ta như thế, thà một ngàn ngày không ngộ còn hơn một ngày vấy ma, đừng đuổi ma đi để đón quỷ về!
Có “đi” thì có “tới”, có “cầu” thì có “ứng”. Theo kinh nghiệm của tôi, quý bạn cần hết sức chân thành khẩn cầu gặp Mật thì sẽ được đáp ứng. Tôi xin tặng quý vị một bài kệ để khởi tâm chí thiết khẩn cầu:
1
Con chắp tay cầu Phật
Đức Bổn Sư Thích Ca
Xin cho con hiểu Mật
Để chuyển hóa Ta Bà
2
Con chắp tay cầu Phật
Phật Tỳ Lô Giá Na
Xin cho con gặp Mật
Để cứu độ Ta Bà
Hỏi: Người tu Mật Tông quan niệm về “Lý” thế nào? “Sự” thế nào?
Đáp: Lẽ dĩ nhiên là “tức lý tức sự, lý sự viên dung”, nhưng về hành thì:
Lý là tự giác để giải thoát mình bằng Trí Huệ. Sự là đại nguyện cứu độ chúng sanh bằng Từ Bi.
Hỏi: Còn phương tiện?
Đáp: Phương tiện là cứu cánh – vì dùng ngay phương tiện này để giải thoát cho mình và cho người.
Hỏi: Có giới hạn, phạm vi gì không?
Đáp: Đối tượng là chúng sanh vô lượng. Phạm vi là không có bờ mé, không phân biệt. Thời gian là mãi mãi không ngừng nghỉ, hay nói khác đi, phạm vi là vô biên, thời gian là vô tận vậy.
Hỏi: Nhưng vậy e rộng quá làm không nổi!
Đáp: Tu Mật phải có “TÍN TÂM” vững,
“NGUYỆN LỰC” lớn mới thành.
Hỏi: Vì sao?
Đáp: Vì quyết định thành Phật thì phải có tâm Phật chứ! Do đó người tu Mật Tông quan niệm là:
- Việc làm của chư Phật là việc làm của mình,
- Nguyện của chư Phật là nguyện của mình,
- Chúng sanh của chư Phật là chúng sanh của mình,
- Cái gì của chư Phật là của tất cả chúng sanh.
Hỏi: Vậy thì nhìn sự việc ở đời cũng phải khác chứ?
Đáp:
- Nơi nào cũng là “DIỆU HỮU”
- Nơi nào cũng là “TAM BẢO”
- Nơi nào cũng là “NHƯ LAI PHÁP THÂN”.
Hỏi: Quan niệm hằng thường ra sao?
Đáp:
- Hằng thường tri ân,
- Hằng thường thương xót,
- Hằng thường chân thật,
- Hằng thường quán chiếu,
- Hằng thường xả kỷ,
- Hằng thường hồi hướng,
- Hằng thường giải thoát.
Hỏi: Người tu Mật trụ tâm ở đâu?
Đáp: Trụ ở niệm giải thoát, và giải thoát luôn niệm đó.
Hỏi: Thế nào là trong niệm giải thoát?
Đáp: Trước hết người tu Mật phải “dán” chữ “không” ngay trên trán đã. Nếu không dán được thì đừng lý luận đến giải thoát.
Trụ trong giải thoát là:
- Làm muôn vàn hình tướng nhưng vẫn từ NHƯ hiện ra,
- Làm muôn vàn đối đãi nhưng vẫn hằng thanh tịnh.
Hỏi: Quan niệm về phước trí?
Đáp: Phước trí đồng hành song tu. Người tu Mật quan niệm “Hạnh ở đây, Trí bên kia” nghĩa là làm hạnh cứu độ để đạt lý tánh.
Hỏi: Như vậy cũng lấy “LỤC ĐỘ” làm căn bản phải không?
Đáp: Người tu Mật Tông hành đại hạnh của Bồ Tát gồm 10 độ Ba – La – Mật. Đó là:
1. Bố thí Ba – La – Mật,
2. Trì giới Ba – La – Mật,
3. Nhẫn nhục Ba – La – Mật,
4. Tinh tấn Ba – La – Mật,
5. Thiền định Ba – La – Mật,
6. Bát nhã Ba – La – Mật,
7. Phương tiện thiện xảo Ba – La – Mật,
8. Nguyện Ba – La – Mật,
9. Lực Ba – La – Mật,
10. Trí Ba – La – Mật.
Trí sau cùng là trí huệ rốt ráo.
Hỏi: Từ trước tới giờ chỉ thấy nói “Lục độ Ba – La – Mật” ít nói tới Thập độ Ba – La – Mật. Xin nói cho rõ chỗ khác nhau.
Đáp: Khác nhau ở chỗ:
- Hành lục độ đến quả vị Đẳng giác,
- Hành thập độ đến quả vị Diệu giác.
Thường thì Bồ Tát từ Bát địa trở lên mới thường hành Thập độ, vì lúc đó đã tự tại trong pháp rồi.
- Dùng “phương tiện thiện xảo” để cứu độ rộng rãi chúng sanh, để trang nghiêm quốc độ.
- Dùng “Nguyện Ba – La – Mật” để trang nghiêm thân.
- Dùng “Lực Ba – La – Mật” để thanh tịnh pháp thân.
- Dùng “Trí Ba – La – Mật” để vào Diệu giác.
Hỏi: Xin cho biết sự khác nhau giữa độ thứ sáu là “Tuệ” hay “Trí Tuệ Ba – La – Mật” và “Trí Ba – La – Mật” trong độ thứ 10.
Đáp: Độ thứ sáu là trí tuệ Ba – La – Mật, tiếng Phạn là Prajna paramita hay Bát Nhã Ba – La – Mật, chỉ sự quán thấu chân lý, thấy tánh Không của các pháp và Diệu Lý Bình Đẳng.
Độ thứ 10 là Trí Ba – La – Mật, tiếng Phạn là Jnãna paramita, chỉ sự quán thông vạn pháp, giữ vững Trung đạo, thấu suốt tất cả, thị hiện vô biên, y báo chánh báo tròn đủ.
Đúng ra độ thứ sáu phải dịch là Bát Nhã, độ thứ 10 mới dịch là Trí huệ, nhưng từ trước đến giờ đã quen dùng theo nghĩa Trí tuệ là chỉ độ thứ sáu thì cũng được thôi. Độ thứ 10 là Trí huệ rốt ráo, Trí huệ Phật đó.
Hỏi: Bây giờ thì tôi đã thấy tu Mật có nhiều điểm khác rồi, xin cho biết ý kiến về cái nhìn đối với Tịnh độ.
Đáp: Không cứ đối với Tịnh Độ, mà với bất cứ pháp môn nào người tu Mật Tông cũng đều “kính ngưỡng” cả. Người tu Mật không cho pháp môn mình là nhất, không dám chê một pháp môn nào, vì các pháp đều bình đẳng, đều là phương tiện để đi đến giải thoát.
Người tu Mật thấy trong pháp môn mình theo có đủ cả Thiền và Tịnh Độ, ngược lại, các pháp môn khác cũng có Mật nằm trong. Điều này khi nào các bạn thực hành, đi sâu vào pháp sẽ hiểu và thấy rất rõ.
Đối với tịnh Độ, yếu chỉ là:
“Nhất tâm bấn loạn,
Vãng sanh Tịnh Độ”
Cần phải TÍN SÂU, NGUYỆN THIẾT và HÀNH TRÌ miên mật. những điều này rất gần với Mật môn. Hơn nữa, sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật” là một đại thần chú, vô lượng lực, vô lượng quang, vô biên quang đấy.
Hỏi: Thế nào là Tam mật tương ưng?
Đáp: Nghĩa đơn giản của Tam mật là:
- Thân mật,
- Khẩu mật,
- Ý mật.
Tương ưng là ứng nhập cùng Phật, Bồ Tát. Thông thường giải chữ tương ưng là làm cho giống hay thành Thân, Khẩu, Ý của Phật. đó là cái nói của người trụ nơi lý thuyết không thật sự hành pháp, có thể nói thế này cho bạn dễ hiểu: người tu Mật dùng phương tiện của mình để:
- Biến “SẮC THÂN” hiện tại này thành “PHÁP THÂN”, đó là Thân mật.
- Đưa cái ngôn ngữ giới hạn này trở lại với thực tướng của nó, rời danh tự, rời ngôn ngữ, rời tư duy, rời phân biệt, về cái chỗ xuất sanh vô lượng, vô biên nghĩa, vì rốt cùng âm thanh chính là thực tướng, và ngôn ngữ chính là chân lý, đó là Khẩu mật.
- Biến THỨC thành TRÍ vô lậu đó là ý mật. nói ra dài lắm, phải hành mới hiểu được bạn ạ!
Hỏi: Vậy còn quan niệm nào tôi chưa hỏi?
Đáp: Còn chứ! Người tu Mật là:
- Dùng “NGHIỆP” giải “NGHIỆP”,
- Biến “SẮC THÂN” thành “PHÁP THÂN”,
- Lấy “MẠN ĐÀ LA” làm “NIẾT BÀN”
- Lấy “PHƯƠNG TIỆN” làm “CỨU CÁNH”
- Lấy “NIẾT BÀN” làm “LẠC”,
- Lấy “ĐỘ SANH” làm “NHIỆM VỤ”, là “SANH THÂN CÔNG ĐỨC”,
- Lấy “TRÍ HUỆ THÙ THẮNG” để đi vào “PHÁP”.
Hỏi: Xin nói cho rõ.
Đáp: Có một vài câu bên trên đã giải rồi, giờ chỉ nói câu nào chưa đề cập thôi.
1. Lấy “Nghiệp giải Nghiệp” là làm “THIỆN NGHIỆP” để giải hoặc chuyện “ÁC NGHIỆP”.
2. Biến “SẮC THÂN” thành “PHÁP THÂN” là dùng phương tiện Mật môn, chuyển “THỨC” thành “TRÍ”, biến cái thân tạp nhiễm, uế trược này thành thân vô cấu thanh tịnh.
3. Lấy Mạn – Đà – La làm Niết Bàn đồng nghĩa với câu “Mọi hình tướng đều là Niết Bàn”, nghĩa là chỉ cuộc sống này phiền não tức Niết Bàn.
4. Lấy phương tiện làm cứu cánh đã giải ở trên rồi.
5. Lấy Niết Bàn làm Lạc. Vui vì ra khỏi sanh tử, vì vào chỗ thường hằng.
6. Lấy độ sanh làm nhiệm vụ đã giải rồi.
7. Lấy Trí huệ Thù Thắng để đi vào Pháp. Đây là ba nghiệp đều tùy Trí Huệ hành, luôn lấy Trí Huệ để soi sáng hành động.
Hỏi: Tôi vẫn còn thắc mắc ở chỗ Mật môn “dụng tướng”, xin nói rõ thêm.
Đáp: Câu hỏi rất hay,đây cũng là phần then chốt của Mật môn, và trả lời cũng khó, nếu không hiểu sâu vấn đề.
Thật ra con đường tu học Phật là “LÌA TƯỚNG”, “LÌA TRI KIẾN” và “KIẾN CHẤP”, Mật môn cũng không đi ra ngoài điều đó, nhưng nhận định thế này:
Có TƯỚNG thì có TƯỞNG,
Có TƯỞNG thì có NIỆM.
Do đó, muốn đạt được chỗ “VÔ TƯỚNG” thì phải đi từ chỗ “VÔ NIỆM”. Thiền môn đã lấy điều này làm “Tông”. Mật môn thì thấy rằng, đã là phàm phu mà diệt Tướng thật là khó, do đó mới dùng phương tiện là “Lấy Tướng chuyển Tướng”. Dùng “BIỂU TƯỢNG” để thay thế các tướng trong nội tâm (phần này đi sâu vào tiềm thức) nhập cái thuần khiết để thay thế cái tạp nhạp. Cũng ví như đứa trẻ đang chơi dao, nếu bạn, muốn nó bỏ dao đi kẻo sợ đứt tay thì tốt hơn hết là cho nó một cái gì cho nó nắm, đẹp hơn cái nó đang cầm thì nó sẽ bỏ ngay, còn nếu tự nhiên bảo nó bỏ thì khó quá! Đó là chỗ “Dụng Tướng để chuyển Tướng”, một cách êm thấm, ngoài ra, trong vấn đề dụng tướng này nó còn mang một ý nghĩa và công dụng rất là sâu sắc trong việc thanh lọc tâm thức của hành giả mà chỉ những người thấu hiểu Mật môn mới rõ. Và khi mà cái thuần khiết, cái thanh tịnh đã nhập rồi thì nó dễ hòa vào tánh thể. Cho nên Mật môn “dùng tướng để lìa tướng”, “làm Thiện để lìa Ác”, khi đạt được Thiện rồi thì Thiện Ác đều bỏ, đó là chỗ rốt ráo.
Tâm chúng sanh thường “đa niệm” và “đa tướng” nên phải dùng “CHÂN NGÔN” và “BIỂU TƯỢNG” để phá “vọng tưởng” và “vọng niệm”, để sau cùng không còn trụ tướng nữa.
Hỏi: Như vậy trong các môn tu, môn nào khó?
Đáp: Thật ra môn nào cũng khó mà cũng dễ, tùy theo căn cơ mỗi người.
Hỏi: Vậy theo ông có nên chọn con đường Mật thừa không?
Đáp: Người nào có duyên với môn nào thì nên theo môn đó, đừng đứng núi này trông núi nọ, môn nào cũng là con đường đi đến giải thoát.
Hỏi: Nhưng hẳn là phải có con đường thù thắng chứ?
Đáp: Môn nào cũng thù thắng cả, nếu nắm được chìa khóa để mở cửa vào.
Hỏi: Vậy thì môn nào dễ tu nhất?
Đáp: Dễ tu nhưng khó nhập là Tịnh Độ. Khó tu và khó nhập là Thiền. dễ tu mà khó nhập là Mật, nhưng nhờ có Chân ngôn nên có tha lực, vì vậy dễ thành tựu Pháp. Tuy nhiên Mật môn đòi hỏi phải khởi tâm Thiện và mở rộng tâm Từ Bi, nếu không, dễ lạc vào đường Tà. Mật là con dao hai lưỡi nên phải hết sức thận trọng.
Hỏi: Về hành trì Mật môn có khác các môn kia nhiều không?
Đáp: Khác rất nhiều, khi nào bạn thực hành sẽ biết. Có điều cũng cần nói luôn với bạn là, muốn tu Mật thì phải có “ĐỨC TIN KIÊN CỐ”, phải có “TRÍ HUỆ ĐỂ NHẬN ĐỊNH” (đây là trí huệ thế gian), tức là phải sáng suốt, phải có “trực giác” nhạy bén, cảm quan để thấy.
Còn một điều nữa là tu Mật dễ đi vào mê tín dị đoan, dễ vào ảo tưởng, nên luôn luôn phải cảnh giác. Đó là điểm vì sao đòi hỏi trí huệ để không bị lạc đường.
Hỏi: Đã có thể kết luận được chưa?
Đáp: Tổng kết về quan điểm của Mật môn như sau:
- Đại bí mật làm TÔNG
- Pháp giới chân như làm THỂ
- Bất tư nghì làm DỤNG
- Tam Mật làm MÔN
- Tối thượng thừa làm GIÁO TƯỚNG.
Hỏi: Còn điều gì khác biệt trong Mật môn nữa không?
Đáp: Mật môn là giai đoạn chót, nên trước khi nhập Mật thì phải hiểu rõ ĐẠI THỪA, vì MẬT là nằm ở chỗ “CHUNG GIÁO”.
1. Điểm khác thứ nhất của Mật môn là: 9 thức biến thành 5 trí thay vì 8 thức biến thành 4 trí như các luận của đại thừa thường nói.
2. Điểm thứ hai là: 7 đại làm thành vũ trụ thay vì 4 hay 6 như ta thường thấy.
3. Điểm thứ ba là: thường hành thập độ Ba – La – Mật thay vì Lục Độ.
4. Điểm thứ tư là: Dùng 4 pháp ấn thay vì 3 pháp ấn.
5. Điểm thứ năm là: Có Lục Hoằng thệ nguyện thay vì Tứ.
Và một số điểm đã được nêu ở trên. Phần này đi vào Pháp môn, khi nào bạn học Mật sẽ được giải rõ.
Hỏi: Có gì để khuyến cáo không?
Đáp: Bạn ơi! Chân lý không phải cái gì cao xa mà nó linh hoạt, sống động và vận hành quanh bạn và tôi. Sống động do sự hiện hữu của chúng ta và vạn vật vận hành qua muôn dạng tướng hằng ngày ta gặp. Khởi điểm con đường tu hành là tự tâm ta. Do đó bạn cần phải nhìn thấy thật tâm bạn trước đã. Nếu thiếu điểm này thì tu pháp môn nào cũng chỉ là “tu giả” mà thôi!
Khi bạn đã thấy “THẬT TÂM” của bạn rồi – không che đậy, không gạt gẫm, không bào chữa, không tự lừa dối mình – thì hãy quyết định tiến bước bằng con đường “BUÔNG XẢ” đó là chìa khóa để đi vào mọi pháp môn.
Và khi quyết định thì hãy dũng cảm mà tiến bước như người chiến sĩ tuốt gươm vào trận, quên đi mạng sống của chính mình.
Lấy trí huệ làm đèn soi, lấy niềm tin làm động lực, lấy nhiệt tình làm sức sống, bạn cứ bước vào đi, với bất cứ pháp môn nào bạn cũng sẽ đến được bờ giải thoát.
Đạo là chỗ đơn sơ chân thật nhất, tôi mong bạn và tôi cùng gặp nhau trong đó.
Chúc bạn thực tu, thực tiến tu!
Hỏi: Xin cho những lời nói sau cùng.
Đáp: Trước hết, tôi phải tri ân bạn đã bỏ nhiều thì giờ để đọc tài liệu này, kết đến là tri ân các bậc Thầy đã dạy tôi bằng hành động hay qua sách vở. sau nữa là tôi xin dâng hiến cúng dường Tam Bảo và hồi hướng về Nhất Thiết Trí cùng toàn thể chùng sanh trong tứ sanh lục đạo. tôi chỉ là “một người đầu bếp” dọn món ăn thôi! Và ở trên tôi đã tạm thời xào nấu lên một món ăn tương đối có chất lượng để mời bạn dùng làm duyên ban đầu.
Tất cả những gì tôi vừa nói trên, đều là những điều tôi đi vay mượn, rồi sắp xếp lại cho gọn gàng để “các bạn thiện duyên” suy ngẫm.
Tôi không ngại tài hèn, trí đoản mà dám làm một việc quá sức mình, tôi thành thực xin các Thầy, các Thiện trí thức hiểu nhiệt tình của tôi mà thương xót bỏ qua những lỗi lầm khiếm khuyết.
Sau cùng tôi xin sự chứng minh của:
- Tổ Pháp Mật Tông TỲ LÔ GIÁ NA Như Lai và các vị Tổ thị hiện như:
- Kim Cang Tát Đỏa,
- Long Thọ Bồ Tát, và
- Kim Cang Trí…
Xin cho mầm Bồ Đề của chúng ta còn mãi và mỗi ngày một tăng trưởng.
Xin chào các bạn Thiện duyên.
MẬT NGHIÊM
OM
(Bài ca vào các cảnh giới)
Ta hát lời ca OM vang trời
Ta hát lời ca OM chơi vơi
Ta hát lời ca OM xa vời
Ta hát lời ca OM khắp nơi,
Ta hát lời ca OM vào đời
Ta hát lời ca OM vui tươi,
Ta hát lời ca OM cho người,
Ta hát lời ca OM rong chơi,
Ta hát lời ca OM rạng ngời,
Ta hát lời ca OM không thôi…
OM – OM – OM
Tiếng hát nởi lên từ trong lòng vũ trụ,
Là âm thanh, là hơi thở của muôn loài,
Là thời gian, là cuộc sống lâu dài,
Là không gian, là muôn vàn ánh sáng.
OM – OM – OM
Là tình Thương và Trí sáng
OM – OM – OM
Là thân ta, là giấc ngủ muôn đời.
Ta hát lời ca OM tuyệt vời,
Ta hát lời ca OM tuyệt vời,
Ta hát lời ca OM tuyệt vời…
Ngọc châu tỏa sáng trên Sen rạng ngời,
Hồng, Hồng, hồng chiểu tỏa nơi nơi…
Ta hát lời ca OM tuyệt vời,
Ta hát lời ca OM tuyệt vời,
Ta hát lời ca OM tuyệt vời…
Ngọc châu tỏa sáng trên Sen rạng ngời,
Hồng, Hồng, hồng chiểu tỏa nơi nơi…
OM MANI PADME HUM
Diệu âm tuyệt vời
PHÁT NGUYỆN
Nguyện thành chánh giác
Độ hết chúng sanh
Nguyện là nguồn sống
Thường luôn hằng hữu
Không đến không đi
Không gì thay đổi
Khi chìm khi nổi
Cứu đô tùy nghi
Cực lớn cực vi
Đều cùng độ hết
Nguyện là tình thương
Chan hòa tất cả
Từ lớn chí nhỏ
Không bỏ một ai
Vô hình hữu hình
Vô tướng hữu tướng
Vô tình hữu tình
Đều cùng độ hết
Nguyện là Chân Như
Bao la vô tận
Chân thật không hư
Trùm che cùng khắp
Chẳng thiếu chẳng dư
Chẳng hề phân biệt
Thọ mạng lâu dài
Bất sinh bất diệt
Nguyện luôn tự độ
Đồng cùng độ tha
Phiền não sinh ra
Là Bồ Đề sáng
Vô minh là giác
Độ khắp quần ma
Trở về tinh ba
Thuần chơn Phật tánh
Bặt đường so sánh
Không thể nghĩ bàn
Soi sáng muôn vàn
Đại thiên thế giới
Nguyện luôn ứng hóa
Thành vô biên thân
Đến vô lượng cõi
Đem tánh toàn chân
Độ khắp hết cả
Chẳng kể oán, thân
Đồng về biển giác
Báo bốn trọng ân
Nguyện thân tâm này
Là kinh vô tự
Là tiếng vô thanh
Hoằng dương chánh giáo
Độ khắp chúng sanh
Trí Bi đầy đủ
Chứng quả vô sanh
Làm tròn Phật sự
Đạo cả viên thành
LỜI BẠT
Trên con đường đi tìm phương tiện để mở cửa vào nhà giải thoát, tôi đã chọn một pháp môn tu không xa rời cuộc sống. Và với tinh thần phụng sự Đạo pháp, tôi xin dâng hiến những điều học hỏi được của mình qua soạn phẩm này gọi là để đóng góp một phần nhỏ bé vào biển Phật Pháp mênh mông.
Tôi rất vui mừng vì giờ đây có túc duyên để cuốn Mật Tông Vấn Đáp ra mắt cùng các đạo hữu gần xa.
Đây cũng chỉ là một sự giao duyên ban đầu đối với các bạn có căn cơ tu Mật. Tôi mong rằng quí bạn sẽ gặp được những điều hữu ích cho việc tìm tu và tiến tu trên con đường đi đến giải thoát.
Tập sách này tuy ngắn gọn nhưng tương đối đầy đủ để giới thiệu con đường “Mật thừa”, mong bạn nào có duyên gặp được cũng sẽ rút tỉa hữu ích.
Đời người khó đọc, Mật pháp khó gặp, xin quý bạn đừng bỏ phí kiếp này mà không quyết định cho mình “TỨC THÂN THÀNH PHẬT”.
Nhân đây tôi cũng xin tán thán công đức của các đạo hữu đã giúp chúng tôi trình bày, ấn hành và đóng góp tịnh tài để ấn tống soạn phẩm này.
Xin Tam Bảo mười phương hộ trì cho chúng ta và tất cả chúng sanh trong pháp giới đều có đủ cơ duyên học Đạo, tinh tấn tu hành để sớm đạt Phật quả
Nam Mô Bất Không Thành Tựu Phật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét