Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2017

Ý Trinh niệm Khổng Tước Minh Vương




DẪN NHẬP

Khổng Tước Minh Vương tên Phạn là Mahā-mayūra-vidya-rājñī (Đại Khổng Tước Minh Phi) dịch âm là Ma Ha Ma Du Lợi Du La Diêm. Lại có tên gọi là Kim Diệu Khổng Tước Minh Vương (Suvarṇābhāsasya mayūra-vidya-rājñaḥ), Khổng Tước Vương (Mayūra-rāja), Phật Mẫu Đại Khổng Tước Minh Vương (Buddha-māta- mahā-mayūra-vidya-rāja), Phật Mẫu Đại Kim Diệu Khổng Tước Minh Vương (Buddha-māta-mahā-suvarṇābhāsasya mayūra-vidya-rāja), Khổng Tước Minh Vương Bồ Tát (Mayūra-vidya-rāja-bodhisatva), Phật Mẫu Đại Kim Cương Diệu Khổng Tước Minh Vương...
Kinh Tạng Khổng Tước Minh Vương Pháp Kinh


HỘ CHÚ KHỔNG TƯỚC

Bản tiếng Pali-Anh: Moraparitta, Paritta Chanting, Wat Bukit Perak. Việt dịch: Tống Phước Khải

Udetayañcakkhumā ekarājā
Harissavaṇṇo paṭhavippabhāso
Taṃ taṃ namassāmi harissavaṇṇaṃ paṭhavippabhāsaṃ Tayajja guttā viharemu divasaṃ
Ye Brāhmaṇā vedagu sabbadhamme
Te me namo te ca maṃ pālayantu
Namatthu Buddhānaṃ, nammtthu Bodhiyā
Namo Vimuttānaṃ namo Vimuttiyā.
Imaṃ so parittaṃ katvā moro carati esanā. Apetayañcakkhumā ekarājā
Harissavaṇṇo paṭhavippabhāso
Taṃ taṃ namassāmi harissavaṇṇaṃ paṭhavippabhāsaṃ Tayajja guttā viharemu divasaṃ
Ye Brāhmaṇā vedagu sabbadhamme
Te me namo te ca maṃ pālayantu
Namatthu Buddhānaṃ, nammtthu Bodhiyā
Namo Vimuttānaṃ namo Vimuttiyā.
Imaṃ so parittaṃ katvā moro vāsamakappayīti.

NGHĨA BÀI CHÚ

Kìa Ngài vừa mới mọc, vị vua mắt chói chang. Chiếu ánh sáng rực rỡ, trên toàn cõi thế gian. Xin Ngài hãy bảo hộ, trọn ngày luôn bình an. Nay tôi xin đảnh lễ, chư vị Bà La Môn, thành tựu sự Tự Tại, do liễu tri mọi Pháp, hãy bảo hộ cho tôi. Xin đảnh lễ Chư Phật, đảnh lễ hạnh Bồ Đề. Đảnh lễ bậc Giải Thoát, đảnh lễ sự Giải Thoát.

Sau khi thực hiện việc bảo hộ xong, chim công bay đi tìm mồi.

Kìa Ngài đang lặn xuống, vị vua mắt chói chang. Chiếu ánh sáng rực rỡ, trên toàn cõi thế gian. Xin Ngài hãy bảo hộ, trọn đêm luôn bình an. Nay tôi xin đảnh lễ, chư vị Bà La Môn, thành tựu sự Tự Tại, do liễu tri mọi Pháp, hãy bảo hộ cho tôi. Xin đảnh lễ Chư Phật, đảnh lễ hạnh Bồ Đề. Đảnh lễ bậc Giải Thoát, đảnh lễ sự Giải Thoát.

Sau khi thực hiện việc bảo hộ xong, chim công nghỉ ngủ yên lành tại nơi trú ngụ.

GHI CHÚ:

BÀI HỘ CHÚ NÀY ĐƯỢC ĐỨC PHẬT THÍCH CA THUYẾT GIẢNG KHI CÓ MỘT VỊ TỲ KHEO TRONG TĂNG ĐOÀN BỊ QUYẾN RŨ BỞI NỮ SẮC. ĐỨC PHẬT KỂ LẠI TIỀN KIẾP CỦA MÌNH TỪNG LÀ CHIM CÔNG

VÀNG SỐNG TRÊN ĐỈNH NÚI. MỖI SÁNG TRƯỚC KHI ĐI TÌM MỒI, CHIM CÔNG ĐẬU TRÊN ĐỈNH NÚI NHÌN VỀ PHÍA MẶT TRỜI VÀ TỤNG BÀI CHÚ. BUỔI CHIỀU VỀ, TRƯỚC KHI VÀO TỔ, CHIM CÔNG LẠI ĐẬU TRÊN ĐỈNH NÚI NHÌN VỀ PHÍA MẶT TRỜI VÀ TỤNG BÀI CHÚ. ĐÃ CÓ NHIỀU THỢ SĂN ĐẶT BẪY BẮT CHIM CÔNG, NHƯNG DO OAI LỰC CỦA BÀI CHÚ CHIM CÔNG KHÔNG THỂ RƠI VÀO BẪY. MÃI VỀ SAU, HÔM NỌ VÀO SÁNG SỚM, CHƯA KỊP TRÌ CHÚ THÌ CÔNG VÀNG ĐÃ BỊ MỘT CÔNG MÁI - DO MỘT THỢ SĂN SẮP ĐẶT - QUYẾN RŨ VÀ BỊ RƠI VÀO BẪY. THỢ SĂN MANG CHIM CÔNG VỀ CHO VUA. CHIM CÔNG ĐÃ KỂ CHO VỊ VUA NÀY NGHE TIỀN KIẾP CỦA MÌNH CŨNG TỪNG LÀ MỘT VỊ VUA. ĐỂ XÁC THỰC LỜI NÓI, CHIM CÔNG BẢO RẰNG BÊN DƯỚI HỒ NƯỚC CỦA HOÀNG CUNG TRƯỚC CÓ CHÔN MỘT CỖ XE VÀ BẢO VUA ĐÀO LÊN SẼ RÕ. MỌI VIỆC SAU ĐÓ ĐÚNG NHƯ LỜI CHIM CÔNG NÓI VÀ VUA ĐÃ THẢ CHIM CÔNG TRỞ VỀ NÚI.




THEO TRUYỀN THỐNG PHẬT GIÁO THERAVADA, SÁNG SỚM KHI MẶT TRỜI MỌC THÌ TRÌ TỤNG PHẦN ĐẦU CỦA BÀI CHÚ, BUỔI CHIỀU KHI MẶT TRỜI LẶN THÌ TRÌ TỤNG PHẦN SAU. CÔNG NĂNG CỦA BÀI CHÚ ĐƯỢC TIN RẰNG SẼ GIÚP TRÁNH ĐƯỢC NHỮNG HIỂM HỌA VÀ CẠM BẪY, CÒN NẾU BỊ RƠI VÀO CẠM BẪY THÌ SẼ ĐƯỢC GIẢI THOÁT AN TOÀN.

_Đến thế kỷ thứ IV thì bộ Kinh Đại Khổng Tước Minh Vương được hình thành, thuật lại câu chuyện Tôn Giả A Nan Đà (Ānanda) thấy vị Tỳ Kheo Toa Để (Svati) bị rắn cắn vào ngón chân sắp chết nên cầu xin Đức Phật cứu độ. Đức Phật liền chỉ dạy Tôn Giả A Nan Đà thọ trì Phật Mẫu Minh Vương Đại Đà La Ni sẽ cứu được Tỳ Kheo Svati. Lại hay trừ khử Quỷ Mỵ, sự độc hại, bệnh ác...để bảo hộ cho thọ mệnh được lâu dài.

Phần sau, ghi nhận tiền thân của Đức Phật Thích Ca là con chim công lông màu vàng kim (Kim Diệu Khổng Tước) do nhớ tụng Khổng Tước Minh Vương Chú mà được thoát khỏi ách nạn.

Ngoài ra Kinh này còn nói tên gọi của chư Phật quá khứ, các vị Long Vương (Nāga-rāja), Dược Xoa (Yakṣa), La Sát (Rākṣasa), Tỳ Xá Già (Piśāca), Tất Lệ Đa (Preta), Tinh Tú (Nakṣatra), Đại Tiên (Mahā-ṛṣī), Thần sông (Nadī-rājñī), Thần núi (Parvata-rāja), Đại Độc Dược...nhờ tụng Đà La Ni (Dhāraṇī) này mà xa lìa được tất cả sự sợ hãi và được Phước Đức.

Từ Bộ Kinh Mật Giáo nguyên thủy này mà tín ngưỡng Khổng Tước Minh Vương được truyền bá rất sớm đến các nước ở phương Đông và được xem là phương tiện cứu độ, giải trừ tất cả tai ách khổ nạn, đem lại sự an vui cho tất cả chúng sinh.

_Dựa vào tiền thân của Đức Phật trong đời quá khứ từng là con chim công tu hành Bồ Tát Hạnh nên Khổng Tước Minh Vương được xem là Thọ Dụng Thân (Saṃbhoga-kāya) hoặc là Đẳng Lưu Thân (Niṣyanda-kāya: Thân Phật biến hóa hiện ra hình đồng loại với chúng sinh trong 9 cõi: Địa Ngục (Nākara), Quỷ đói (Preta), súc sinh (Tiryañc, hay Paśu), A Tu La (Asura), người (Manuṣa), Trời (Deva), Thanh Văn (Śrāvaka), Duyên Giác (Pratyake-buddha), Bồ Tát (Bodhisatva) của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Śākya-muṇi)

_Theo sự tương truyền của Mật Giáo thì Khổng Tước Minh Vương là Đẳng Lưu Thân của Đức Phật Tỳ Lô Giá Na (Vairocana) biểu thị cho Bản Thệ Từ Bi Nhiếp Thủ và Đức Giáng Phục

_Bạch Bảo Khẩu Sao ghi rằng: Chim công (khổng tước) vì nuôi thân nên ăn tất cả loài trùng độc. Khổng Tước Minh Vương giống như Đức Phật A Di Đà (Amitābha: Vô Lượng Quang) hay tiêu diệt ba Độc tham sân si của tất cả chúng sinh làm điều ác. Vì thọ mệnh của Tự Tính thanh tịnh cho nên dùng chim công làm tòa ngồi.

Lại nói chim công này ăn nuốt tất cả trùng độc để nuôi mạng sống, tức trượng trưng cho Minh Vương chặt đứt tất cả phiền não ác độc, sống lâu chẳng bị hoại thọ mệnh. Còn đuôi công lại hay phủi trừ vô lượng tai ách, tăng Phước, đạt được các điều tốt lành.




.) Kinh A Di Đà ghi nhận trong Thế Giới Cực Lạc (Sukha-vatī) có vô số các loài chim do Đức Phật A Di Đà biến hóa ra để nói Pháp độ sinh, trong đó có chim công (khổng tước)...

Do vậy Mật Giáo cho rằng Khổng Tước Minh Vương là Hóa Thân (Nirmāṇa- kāya) của Đức Phật A Di Đà (Amitābha: Vô Lượng Quang) biểu thị cho Công Năng và Đức Lực chuyển hóa hết thảy nghiệp ác, thành tựu tất cả Công Đức. Còn tòa khổng tước thì biểu thị cho ý nghĩa chuyển bánh xe Đại Pháp

_Truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian Trung Quốc ghi nhận rằng:
.) Vào thuở khai Thiên lập Địa, Khổng Tước Minh Vương vốn là con chim công ngày đêm chuyên cần tu luyện, trải qua mấy ngàn năm thành tựu phép Ngũ Sắc Thần Quang. Sau đó được Bồ Tát Chuẩn Đề (Cuṅdhe) hóa độ. Để báo đáp công ơn này, con

chim công phát nguyện theo Bồ Tát Chuẩn Đề tu hành và làm tòa cho Ngài ngồi.
.) Khi Đức Phật Thích Ca đắc Đạo thì Ngài bị con chim công nuốt vào trong bụng nên Ngài đã xẻ lưng chim công đi ra và ngồi trên ấy. Do từ bụng chim công đi ra nên con chim công được xem như là bà mẹ của Ngài. Từ đấy con chim công có tên gọi

là Phật Mẫu Đại Minh Vương Bồ Tát

_Trong Pháp tu của Mật Giáo, dùng Khổng Tước Minh Vương làm Bản Tôn để tu thì xưng là Khổng Tước Minh Vương Kinh Pháp, lại xưng là Khổng Tước Kinh Pháp ...là một trong bốn Đại Pháp của Mật Giáo.

Pháp Môn của Khổng Tước Minh Vương đối với việc lợi ích Thế Gian như: Hộ Quốc (bảo vệ đất nước), Tức Tai (dứt trừ tai nạn), cầu mưa, ngưng mưa, trừ bệnh, sống lâu, sinh sản an ổn...đều có hiệu nghiệm. Đương nhiên việc trọng yếu vẫn là dùng Tôn này làm nơi nương tựa để tu Pháp Xuất Thế Gian (Lokottara). Khử trừ các loại phiền não độc hại của nhóm tham, sân, si, mạn, nghi trong Tâm của chúng ta, khiến chúng ta hay viên mãn Bồ Đề của Trí Tuệ, mau chóng thành Phật Quả.

Hiện nay trong tập 19 (tức Mật Tạng Bộ 2) của bộ Đại Chính Nguyên Bản Đại Tạng Kinh có lưu trữ 7 bộ Kinh Khổng Tước Minh Vương là:

1_ Phật Mẫu Đại Khổng Tước Minh Vương Kinh, 3 quyển (No.982) do Ngài bất Không dịch

2_ Phật Thuyết Đại Khổng Tước Minh Vương Họa Tượng Đàn Tràng Nghi Quỹ, 1 quyển (No.983) do Ngài bất Không dịch

3_ Khổng Tước Vương Chú Kinh, 2 quyển (No.984) do Ngài Tăng Già Bà La dịch

4_ Phật Thuyết Đại Khổng Tước Chú Vương Kinh, 3 quyển (No.985) do Ngài Nghĩa Tịnh dịch

5_ Đại Kim Sắc Khổng Tước Vương Chú Kinh, 1 quyển (No.986) mất tên người dịch

6_Phật Thuyết Đại Kim Sắc Khổng Tước Vương Chú Kinh, 1 quyển (No.987) mất tên người dịch

7_ Khổng Tước Vương Chú Kinh, 1 quyển (No.988) do Ngài Cưu Ma La Thập dịch


Nay với ước nguyện phát triển Phật Giáo Việt Nam, Thầy Thích Quảng Trí đã phiên dịch một số Kinh Bản và khuyến khích tôi sưu tập thêm các tài liệu có liên quan đến Pháp tu Khổng Tước Minh Vương nhằm giúp ích được phần nào cho người nghiên cứu Phật Pháp.




Điều không thể tránh khỏi là bản ghi chép này vẫn còn nhiều sự thiếu sót. Ngưỡng mong chư vị Cao Tăng Đại Đức, các Bậc Long Tượng của Mật Giáo hãy rũ lòng Từ Bi giúp cho bản ghi chép này được hoàn hảo hơn.

Hết thảy Công Đức có được trong tập ghi chép này, con xin hồi hướng đến Hương Linh của Thân Phụ (Nguyễn Vũ Nhan), Thân Mẫu (Vũ Thị Ni) là hai bậc ân nhân đầu tiên của con.

Con xin chân thành hồi hướng mọi Công Đức có được đến các Thầy Thích Quảng Trí, Thích Pháp Quang là các bậc Thầy luôn theo dõi và thúc đẩy con tìm học Mật Giáo cho chính đúng.

Tôi xin chân thành cám ơn nhóm Phật Tử của Đạo Tràng Phổ Độ đã hỗ trợ phần vật chất cho tôi trong thời gian soạn dịch Kinh Điển.

Tôi xin cảm tạ em Mật Trí (Tống Phước Khải) đã hỗ trợ phần tài liệu về Khổng Tước Minh Vương và các con tôi đã nhiệt tình giúp đỡ cho tôi hoàn thành tập ghi chép này

Tôi cũng xin cám ơn người bạn đường Ngọc Hiếu (Vũ Thị Thanh Hà) đã và luôn cam chịu mọi sự khó khăn trong cuộc sống để hỗ trợ cho tôi an tâm tìm hiểu Giáo Pháp Giải Thoát của Đấng Phật Đà.

Nguyện xin Tam Bảo và các vị Hộ Pháp hãy ban rải Thần Lực giúp cho các bậc ân nhân của con với tất cả chúng hữu tình mau chóng tránh được mọi lỗi lầm, thực chứng được Chính Pháp Giải Thoát.


Mùa Đông năm Nhâm Thìn (2012) HUYỀN THANH (Nguyễn Vũ Tài) kính ghi




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét