Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2017

Bố trí bàn thờ Thiền Tông


Hình thờ Phật chuẩn theo phong cách Thiền tông

Kính thưa quí vị,

Chúng ta hiện đang sống trong trái đất này là nói hẹp, còn nói rộng hơn là thế giới Vật lý – tức thế giới bị chi phối hoàn toàn bởi điện từ Âm – Dương. Do vậy, bắt buộc chúng ta phải tuân thủ theo qui luật Vật lý hay qui luật vận hành của trái đất, còn gọi là luân hồi (tức Thành – Trụ – Hoại – Diệt). Đức Phật Thích Ca ra đời nhằm chỉ cho loài người biết rõ được qui luật ấy và giúp chúng ta biết đường vượt ra ngoài chúng. Đây được gọi là Giải thoát. Hơn thế nữa, Ngài còn chỉ rõ chúng ta như sau:

1. Cấu tạo tổng thể của một con người. Cái gì là chân thật, cái gì là huyễn hoá trong thân mỗi chúng ta? Thân mình là gì? Tánh mình là sao?

2. Tam giới ở đâu?

3. Tánh Phật gồm có những chi? Cấu tạo và sự sống của một vị Phật, chư Phật?

4. Phật giới nằm ở nơi nào?

5. Càn khôn vũ trụ có những gì?

6. Làm sao để Giải thoát?

7. Làm sao mà cứ mãi luân hồi?

V.v…

Cách đây 2.560 năm, Đức Phật đã biết cách vượt ra qui luật luân hồi ấy, tức Ngài đã về được “quê xưa” của Ngài, đó là Phật giới, mà trong các Kinh gọi là Ngài nhập Niết Bàn.

Ngày này, hình bóng của Như Lai không còn nữa. Do vậy, để tưởng nhớ đến Ngài, mỗi người tu theo đạo Phật chúng ta thường tạc những bước tượng, hay in hoặc vẽ hình Ngài, đặt tại những nơi trang trọng nhất trong chùa, thất hoặc nhà. Đây được gọi là thờ phượng. Mục đích là để nhớ để lời dạy chân thật của Ngài để áp dụng vào cuộc sống tinh thần hiện tại của chúng ta cho thật tốt nhất.

Tuy nhiên, thờ phượng là việc trang nghiêm, thể hiện sự yêu quí và tôn kính đối với bậc Vĩ nhân. Ví dụ tượng, hình Phật phải to lớn và đặt cao hơn tượng, hình Bồ Tát, đặt ở những nơi trang trọng và sạch sẽ, v.v… Ngoài ra, việc ai thờ tượng nào, đang ở tư thế gì thì sẽ phần nào thể hiện người đó đang tu theo pháp môn nào của đạo Phật.

Hơn nữa, nếu chúng ta không hiểu hết ý nghĩa của việc thờ phượng mà tạc hoặc vẽ hình không đúng; thờ theo sở thích; thờ theo phong trào; hoặc đặt các bước tượng, khung ảnh thờ không đúng lúc, đúng chỗ, đúng vị trí thì sẽ bị người khác chê cười hoặc hậu quả sẽ khó lường được.

Chúng tôi xin đưa ra một số ví dụ phong cách thờ phượng tiêu biểu của những người tu theo đạo Phật hiện nay như sau:

1. Tu theo Thiền Tiểu thừa (Nguyên thủy): Thờ tượng Đức Phật Thích Ca ngồi dụng công hoặc tượng Đức Phật đi khất thực, v.v…

2. Tu theo Tịnh Độ: Thờ Đức Phật A Di Đà hoặc Tây Phương Tam Thánh, v.v…

3. Tu theo Mật tông: Thờ hình Phật Liên Hoa Sinh, tượng Bồ Tát Chuẩn Đề, Kim Xí Điểu, các vị Thần, v.v…

4. Tu theo Thiền tông Chánh tông: Thờ tượng Phật Thích Ca cầm cành hoa sen ở chính giữa. Bên trái Đức phật là Bồ Tát Phổ Hiền cưỡi trên Voi trắng sáu ngà, tay Ngài cầm quyển Huyền ký của Đức Phật truyền theo dòng Thiền tông. Bên phải Đức Phật là Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi cưỡi sư tử, tay phải Ngài cầm thanh kiếm trí tuệ, tay trái hiện biểu tượng số 16; Tổ Bồ Đề Đạt Ma quảy chiếc giày; thờ tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông tay cầm chiếc quạt, v.v…

5. Tu theo Thiền tông mà bị … lai: Cũng thờ tương tự như Thiền tông Chánh tông nhưng có thêm tượng Phật A Di Đà, tượng Bồ Tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, v.v…

6. Tu theo … phong trào: Thờ rất nhiều các tượng, hình ảnh Phật, Bồ Tát, các vị Thần, v.v… cùng chung một nơi như tượng Phật Thích Ca cầm cành hoa sen; Phật Thích Ca ngồi dụng công tu, tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông ngồi kiết già, Phật Dược Sư, Phật A Di Đà, tượng Bồ Tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí; Bồ Tát Di Lặc, Bồ Tát Chuẩn Đề, Bồ Tát Địa Tạng, Quan Công Tam Thánh, v.v…

Nhằm giúp quí độc giả hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc thờ phượng theo phong cách Thiền tông, Ban quản trị chùa Thiền tông Tân Diệu chúng tôi đã cho vẽ phác họa lại hình tượng Đức Phật và những vị Bồ Tát nhằm nói lên lời dạy ẩn ý của Đức Phật Thích Ca mà không phải ai cũng may mắn biết và hiểu được. Việc phát họa này có thể ít nhiều lấy ý tưởng từ những người vẽ đi trước. Tuy nhiên, chúng tôi đã vẽ và sửa lại nhiều chi tiết cho đúng với lời dạy của Đức Phật theo pháp môn Thiền tông – là pháp môn mà Đức Phật dạy những năm sau cùng trong 49 năm giáo hoá của Ngài. Mục đích của pháp môn Thiền tông là giúp con người hiểu biết được sự thật nơi thế giới này, biết được công thức thoát khỏi sức hút Âm Dương trong Tam Giới này, trở về “quê xưa” của mình là Phật giới, tức thành Phật.

Sau đây là hình chụp mẫu thờ phượng theo phong cách Thiền tông Chánh tông:




GIẢI THÍCH Ý NGHĨA:

1. Đức Phật Thích Ca tay phải cầm bông sen: Đây là hình ảnh Ngài kiểm Thiền các đệ tử trong hội chúng khoảng 1.250 vị. Tích truyện như sau:

Khi giảng kinh Diệu Pháp Liên Hoa xong, Đức Phật đã 78 tuổi, còn Ngài Ma-Ha-Ca-Diếp 79 tuổi. Cũng là thời cơ truyền “Bí mật Thiền tông” cho Tổ vị thứ nhất đã đến. Nên một buổi sáng mùa Xuân, trên mặt bằng rộng lớn trên núi Linh Sơn, Đức Phật tập họp đông đảo đồ chúng, tay phải Đức Phật cầm cành hoa sen đưa lên. Ngài ngó từ phải qua trái, từ gần ra xa, mọi người ai ai cũng ngơ ngác, riêng Ngài Ma Ha Ca Diếp mỉm miệng cười, Đức Phật hỏi Ngài Ma Ha Ca Diếp:

– Tất cả mọi người không cười, sao ông lại cười?

Ông Ma Ha Ca Diếp trình thưa với Đức Phật:

– Kính bạch Đức Thế Tôn, nhờ Đức Thế Tôn tay cầm cành sen đưa lên, nên con đã nhận ra Tánh Thấy chân thật rõ ràng của con, con mừng quá nên con mỉm cười.

Đức Phật hỏi Ngài Ma Ha Ca Diếp:

– Ông thấy như thế nào?

Ngài Ma Ha Ca Diếp, không trả lời thấy như thế nào, mà Ngài ngay tức thì trình thưa cùng Đức Phật bằng bài kệ 44 câu.

Đức Phật nói với các vị Tỳ kheo và đại chúng:

– Này các vị Tỳ kheo và đại chúng, hôm nay Như Lai kiểm thiền Thanh tịnh bằng cành hoa sen, 1.250 các ông, duy nhất chỉ có ông Ma Ha Ca Diếp nhận ra được chánh pháp Nhãn tạng, Niết Bàn diệu tâm. Đây là pháp môn mầu nhiệm mà Như Lai dạy nơi thế giới này.

Như Lai dạy rõ pháp môn Thanh tịnh thiền này được lưu truyền như sau:

– Việc truyền thiền Thanh tịnh này, đúng 15 ngày sau, Như Lai sẽ làm lễ truyền thiền Thanh tịnh này cho ông Ma Ha Ca Diếp, để thay Như Lai dạy pháp môn thiền Thanh tịnh này, sau khi Như Lai diệt độ.


Nụ cười Ca Diếp trong tích truyện: “Niêm hoa vi tiếu”.

Ý nghĩa hoa sen:


Một: Có hoa liền có hạt, gọi là nhân quả đồng thời. Ẩn ý, nếu ai tu nhận ra được Phật tánh của chính mình và sống với Phật tánh ấy, tức khắc mình là Phật rồi đó.
Hai: Mọc trong bùn mà không dính bùn nhơ. Ẩn ý, Phật tánh dù ở đâu cũng không bị ô nhiễm, giống như hoa sen vậy. Do đó, các vị Thiền sư có nói: “Hoa sen trong lò lửa”, là nói ý này.
Ba: Cọng, bông, từ gốc mọc thẳng lên, lúc nào cũng vượt lên khỏi mặt nước. Ẩn ý, chỉ có con đường duy nhất là đến quả Phật.
Bốn: Ong bướm không bu đậu.
Năm: Không làm vật trang điểm cho phụ nữ.

2. Bên tay trái Đức Phật: là hình Bồ Tát Phổ Hiền tay cầm quyển sách: “Huyền ký của Đức Phật truyền theo dòng Thiền tông”. Ngài cưỡi con voi trắng sáu Ngà.

Tại sao lại có ý nghĩa này?

– Bồ Tát Phổ Hiền tượng trưng cho đức hạnh của một người tu Giải thoát.

– Ngài cầm cuốn: “Huyền ký của Đức Phật truyền theo dòng Thiền tông” ngụ ý:

Người muốn Giải thoát phải biết đường để Giải thoát, hay nói cách khác phải học công thức Giải thoát bằng cái đức hạnh của một người học Phật. Vì sao vậy?

Vì khi làm bất cứ việc gì ở thế gian này đều phải nắm vững nguyên tắc, cách thức làm việc đó, với sự nhẫn nại, khiêm tốn và bền chí thì mới mong có kết quả.

Vì sao lại là cuốn: “Huyền ký của Đức Phật truyền theo dòng Thiền tông” mà không phải là một quyển kinh hay sách nào khác?

– Vì trong quyển sách này có nói rất rõ Công thức giải thoát.

– Con voi trắng tượng trưng cho sức mạnh to lớn.

– Sáu Ngà: Tượng trưng cho Lục Độ Ba-La-Mật.

– Lục là sáu

– Độ là đưa qua

– Ba-La-Mật là thanh tịnh

Nghĩa là “đưa 6 cái vào thanh tịnh”. Sáu cái đó là gì?

– Đó là Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân và Ý. Dịch trắng ra là chúng ta tập đừng dính mắc vào 6 căn này, tức thanh tịnh. Trong đó, hai căn dễ tu tập nhất là Căn mắt và căn tai.

3. Bên tay phải Đức Phật: là hình Bồ tát Văn Thù Sư Lợi cưỡi sư tử. Tay phải Ngài cầm cây kiếm. Tay trái Ngài giơ lên số 16.

– Sư tử tượng trưng cho sự dũng mãnh.

– Văn Thù tượng trưng cho trí tuệ.

– Cây kiếm tượng trưng cho sự cắt đứt.

– 16 là biểu trưng cho 16 thứ Tánh người gồm: Thọ, Tưởng, Hành, Thức, Tài, Sắc, Danh, Thực Thùy, Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Ác, Kiến.

Nghĩa là cây kiếm trí tuệ dũng mãnh cắt đứt 16 thứ Tánh người. Dịch trắng ra là muốn Giải thoát thì kiên quyết đừng sử dụng những thứ trong Tánh người nữa thì sẽ Giải thoát ngay.

Trên đây là ý nghĩa của những hình ảnh thờ phượng theo phong cách Thiền tông chánh tông. Việc thờ đúng thể hiện văn hoá và trình độ của người tu tập theo đạo Phật. Vì vậy, trước tiên chúng ta phải thật sự am hiểu ý nghĩa của những bức tượng, hình ảnh thờ thì việc thờ phượng của chúng ta mới thật sự có ý nghĩa và giá trị. Qua đó, chúng ta cũng cho thấy là đã hiểu đúng lời dạy của Đức Phật vậy.

Ban quản trị chùa Thiền tông Tân Diệu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét