Thứ Ba, 1 tháng 8, 2017

Diêu Trì Kim Mẫu

Diêu Trì Kim Mẫu - Phật Mẫu Diêu Trì:






Kim Mẫu : là từ nói tắt của danh hiệu: Kim Bàn Phật Mẫu, nghĩa là Đức Phật Mẫu chưởng quản Kim Bàn nơi Diêu Trì Cung. Kim Bàn hay Kim Bồn là nơi Đức Phật Mẫu chứa các nguyên chất để tạo ra chơn thần cho vạn linh.

Kim: - Vàng, vua loài kim. - Màu vàng. - Quí báu như vàng. - Tiền bạc. Mẫu: Mẹ.

Kim Mẫu là nói tắt danh hiệu: Kim Bàn Phật Mẫu, là Đức Đại Từ Mẫu nơi cõi thiêng liêng.

* Diêu Trì Kim Mẫu là Đức Phật Mẫu chưởng quản Kim Bàn nơi Diêu Trì Cung.

* Phật Mẫu Diêu Trì là Đức Phật Mẫu ở Diêu Trì Cung.

Đây là hai danh hiệu của Đức Phật Mẫu.

NGHĨA " DIÊU-TRÌ KIM-MẪU "
Chữ Diêu, hoặc chữ Dao cũng được, có nghĩa là ngọc diêu, một thứ đá quí báu ( pierre précieuse ).

Chữ Trì nghĩa là ao nước, hay là hồ nước.

Hai chữ Diêu Trì hiệp lại có nghĩa là : Ao hay hồ nước, trong đó có nhiều ngọc quí báu. Đây có nghĩa là một cảnh trí, một cung điện, ở trên một chót núi Hi-mã-lạp-nhã (Himalaya), làm ranh giới giữa nước An Độ và nước Trung Hoa, gọi tên núi là Côn Lôn. Ai có coi truyện thần tiên thì biết đó là chỗ Ngọc Đế ngự và nhiều vị Đại Tiên tu luyện.

Chữ Kim là vàng, cũng có nghĩa là các loại kim, như bạc, đồng, chì, sắt . . .thuộc về Tây phương. Theo Bát quái hậu thiên (Lạc thơ), Kim nầy ở ngôi Đoài, mà Đoài là Âm kim.

Chữ Mẫu là mẹ, là chủ tể, thuộc về hữu hình. Như cuốn Đạo Đức kinh nói: "Hữu danh, vạn vật chi mẫu.", nghĩa là chừng Đạo có hình, có tên, Nó là mẹ sanh muôn vật.

Người ta thường hiểu chữ "mẫu" theo nghĩa thông thường, là người đàn bà sanh con, nên gọi Đức Diêu Trì Kim Mẫu là Bà Tây Vương Mẫu.

Theo sách vở của người Trung Hoa, Ngài là một vị Thần Tiên từ đời xưa, xa xăm. [ . . .]

Tây Vương Mẫu cũng là một vị ban thuốc trường sanh. Ngài trở thành một vị chủ tể vườn đào,. Ơ cõi trên trời, và cai quản các vị thần tiên cõi đó, có khác hơn cõi ta ở dưới trần nầy là đặng sống lâu và hưởng vô cùng khoái lạc (jouit d’une félicité parfaite). 
Vườn Tây Vương Mẫu ở trên chót núi Côn Lôn – như tôi đã nói ở trên. Ngài ở trong lầu các bằng ngọc, có 9 từng huyền thất và chung quanh có vách thành bằng vàng.

Trong lầu có đơn phòng Tử Túy, bên trái có ao Diêu Trì, bên mặt có sông Huờn Túy. Dưới chơn có 9 từng nhược thủy ( nước yếu ), sóng cao muôn trượng, không có tiên xa ( xe nhờ bạo phong thổi đi ), vủ luân ( bánh xe bằng lông chim ) thì không thể nào đi đến đó được. [ . . . ]


II. NGHĨA " VÔ CỰC TỪ TÔN "

Tại sao gọi Đức Diêu Trì Kim Mẫu là Vô Cực Từ Tôn ?

Có lẽ chư đạo hữu còn nhớ nghĩa Tam cực đã có giải nhiều lần. [ . . .]

Tam cực nghĩa là Ba ngôi cực cao cả, gọi là :

1. – Vô cực

2. – Thái cực

3. – Hoàng cực


1)- Vô cực : Vô cực nghĩa là cực vô, trong đó cực kỳ trống không, chẳng có gì khác lạ hơn nó nữa, gây ra các sự trở ngại cho Nó, nên gọi là Khí hồn nhiên. Tuy vậy mà Nó đủ các đức tính tiềm tàng, còn kín đáo, ẩn núp, cũng như con gà còn trong trứng gà, chưa có lộ hình dạng mà ta có thể thấy được. Cũng như trong một hột giống lúa, tuy ta chưa thấy cây lúa, mà trong đó có đủ sinh lực để sanh ra sau nầy cây lúa vậy.

Đạo Đức Kinh gọi cái đó là: "Đạo tự hư vô sanh nhứt khí", nghĩa là từ trong Đạo hư vô mà sanh ra Nhứt khí. Nhứt khí có ba phương diện hay là Ba ngôi, mà ngôi Thứ nhứt gọi là Vô cực.

2)- Thái cực: Thái cực nghĩa là cực thái hay là cực đại. Từ trong Vô cực là ngôi thứ nhứt lại có một điểm khí dương phát sanh. Hễ khí động phát sanh tức là khí dương, thì phần tịnh còn lại là khí âm. Cho nên Kinh Dịch nói : " Thái cực sanh lưỡng nghi" , nghĩa là Thái cực sanh ra khí âm và khí dương. Đạo Đức kinh gọi là Một sanh ra hai. Đây là ngôi thứ nhì của Nhứt khí, mà ngôi Thứ nhì gọi là Thái cực.

3)- Hoàng cực: Hoàng nghĩa là ông vua. Cực là cực cao như nói trên. Cũng gọi là Nhơn cực hay là cái phần tinh thần, phần tâm linh cực cao, chẳng phải ở trong vua chúa mà thôi, như người xưa hiểu , mà ở trong tất cả mỗi con người. Nói theo Nho giáo, thông thường, ta có thể gọi Nó là Lương tâm, là Lương tri, Lương năng, là Tánh lý, là Thiên lương, là Thiên chơn, . . .

Thái cực (thèse) sanh ra âm dương, mới có hai bên tương đối (anti thèse), còn Hoàng cực, đây có nghĩa là hổn hiệp âm dương (synthèse) , mói có xuất ra vạn pháp. Nếu không có âm dương tương hiệp, thì làm sao sanh hóa được ! Nên Kinh Đạo Đức nói: "Hai sanh ba", là âm dương hiệp sanh ra Hoàng cực.

Vậy thì Ba ngôi chỉ có Nhứt khí, mà mỗi ngôi đều có một vai tuồng riêng biệt, chẳng giống nhau mà luôn luôn bổ túc cho nhau. Tuy phân ba thời kỳ cho dễ hiểu, kỳ thiệt là Ba ngôi cùng đồng thời, phân cao hạ.

Đức Diêu Trì Kim Mẫu vẫn có một vai tuồng đặc biệt, thuộc về ngôi Vô cực, nên lấy hiệu là: Vô cực Từ Tôn. Nghĩa là Ngài đại diện cho ngôi Thứ nhứt là ngôi Vô cực.

Sao gọi là Từ Tôn ?

"Từ" là nhân từ, từ bi, có lòng thương xót, độ dẫn tất cả chúng sanh. Như theo thế gian, mẹ thuơng con một cách diệu hiền nên gọi là từ mẫu, từ thân. Trái lại, đối với cha, thì dùng chữ nghiêm, nghĩa là nghiêm minh, nên gọi là nghiêm phụ, nghiêm quân.

"Tôn" là cao cả, bực rất mực tôn nghiêm. Hoặc gọi là Thiên tôn, nghĩa là bực cao cả, tôn nghiêm, ỏ trên các từng trời, hay là trên thiên đàng.

ĐỊA MẪU CHÂN KINH
( Chú Giải )

Hồi mới tạo Thiên lập Địa, Vua Bàn Cổ xuất thế trị đời trước nhất, Ngài mới sắp đặt ngôi thứ, vì lẽ tự nhiên Ngài phong tặng cho Mẫu đây đến bậc tối cao tối đại.

Âm Dương hai khí đủ rồi mới kết cấu cùng nhau hiệp thành hôn phối. Nhờ có mưa thuận gió hòa, hiệp tác mới hóa sinh muôn loài vạn vật. Ấy vậy ai mới bước vào đường đạo đức thì phải trì kinh Địa Mẫu này trước hơn hết mới nhằm đạo hạnh. Trên thì cầu xin với Hoàng Thiên hoan lạc hỉ xả tội lỗi cho tất cả chúng sinh. Còn dưới thì khấn nguyện cùng Địa Hậu vui lòng bảo hộ muôn dân cho đặng an nhàn trường cửu.

Kể từ đấy Đất – Trời đã phân biệt rồi, chẳng còn mù mịt mờ ám như khi trước nữa. Đất là Âm, Trời là Dương. Âm Dương mới khắng khít cùng nhau chẳng hề rời rã. Thông đồng khắp cả cùng Trời Đất thấu đáo Nhật – Nguyệt – Tinh là ba ánh sáng và bao trùm tất cả Càn Khôn Vũ Trụ chẳng sót hướng nào; Bắc, Nam, Đông, Tây là bốn góc chính trụ. Hiệp với Tây Bắc, Tây Nam, Đông Bắc, Đông Nam là tám hướng bao vòng quanh nơi ngoài gọi là Trời đó. Còn Mẫu đây, Mẫu cố thủ trung ương ( trung tâm ) Mồ Kỷ ( Mậu – Kỷ ) gọi rằng đất. Bởi vậy cho nên Mẫu bao đường cho muôn loài từ hồi đời Tiên Thiên nhất khí, còn gọi là đời thượng cổ dĩ chí đời hậu thiên gọi là đời hậu lai ác thế cầu trọng. Còn phu quân Mẫu vốn thật là một vì Đồng Tử trường sinh bất lão, huyền diệu cao minh vô cùng. Ngài thì điếc, còn Mẫu đây thì câm đôi ta kết bạn cùng nhau rất nên hòa nhã, sách có chữ rằng: Thiên lung Địa á. Thần cũng là Dương, Khí cũng là Âm, lúc ban sơ Dương thịnh Âm suy phối hiệp mới sinh ra Trời Đất.

Đến chừng tạo Thiên lập Địa rồi thì Dương khứ Âm lai, Khí Thần giao cảm mới hóa sinh ra loài người hiền lành chân chính. Chân Khí là Mẫu đây. Mẫu mới thật là Âm Khí. Còn Chân Thần thì biến trở lại làm chúng sinh của Mẫu. Chân Thần là nhất điểm linh quang ấy là Dương Khí đó. Âm Dương hội hiệp gọi rằng Đấng Tạo Hóa. Tạo Hóa ra Thiên Địa trước hết, rồi sau mới hóa sinh ra Chúa – Thánh – Tôi – Hiền. Tuy là chẳng thấy Âm Dương giao cấu như phàm phu tục thế nhưng mà có thật vì Thiên Can với Địa chi thường thường luân chuyển sinh sinh hóa hóa ra hoài chẳng dứt. Tám sưu là mười hai, ấy là Thập Nhị Địa Chi: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi. Còn nhị bát là mười, ấy là Thập Thiên Can: Giáp, At, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý. Can – Chi là Âm – Dương đó. Tử với Mẫu chẳng rời nhau thì thọ thai liền. Thai nghén cưu mang như vậy cho đến 10 năm chẵn. Mười năm chẵn thét mới đúng quẻ hào đã định, vì trong Bát Quái có phân chia 8 hướng, mỗi một hướng chia ra là 8 quẻ, mỗi quẻ ra là 6 hào, cộng chung lại là 64 quẻ, tẻ ra làm 384 hào. Đúng giờ mãn nguyện trúc cơ, thì trong thân của Mẫu xuất hiện ra 6 vị Thánh Đế Minh Quân kể ra dưới đây: Một là Vua Thiên Hoàng, hai là Vua Địa Hoàng, ba là Vua Nhân Hoàng, bốn là Vua Phục Hy, năm là Vua Thần Nông, sáu là Vua Hiên Viên. Qua đến đời Vua Phục Hy thì Ngài đã hiểu rõ máy biến hóa ra Trời Đất. Ngài bèn phân định 2 khí Âm Dương và họa ra một cái Bát Quái Tiên Thiên rõ 8 hướng trong Càn Khôn Vũ Trụ. Đến đời Vua Thần Nông thì Ngài tiên đắc tìm kiếm ra được 5 giống lúa và 6 thứ gạo. Đến đời Vua Hiên Viên thì Ngài kiếm ra đủ cách để chế tạo ra y phục và các đồ vật dụng cho người đời cần dùng, chẳng sót món nào.

Con người mà đặng ăn no mặc lành kẻ từ 2 đời Vương đó. Rồi lưu truyền kiểu mẫu lại cho hợp thời tiết và hợp phong thổ.

Phật Địa Mẫu phát lạc rằng: 3 kiếp Phật xuất thế, kiếp nào cũng trong thân Mẫu mà ra. Chư vị Bồ Tát cũng vậy. Chẳng có vị nào lìa xa khỏi thân Mẫu này được nữa. Nếu họ ra khỏi thân Mẫu rồi họ nương tựa ở xứ nào cho được bao giờ. Vì bởi khắp cùng Đông, Tây, Nam, Bắc thì đã có 4 Bộ châu bao chùm tất cả các xứ rồi. Cùng là Xuân, Hạ, Thu, Đông; 4 mùa, 8 tiết trở xoay cũng do Mẫu tạo thành. Nào sông rạch, hồ, biển đâu đâu cũng chẳng rời khỏi thân Mẫu. Cùng muôn nước 9 Châu cũng do nơi Mẫu vun dưỡng trưởng thành. Trải qua các đời Vương Đế đại danh chưa có ai ra khỏi thân Mẫu. Cùng cả thảy lớn bé trong Cung Điện cũng do nơi Mẫu vun dưỡng trưởng thành. Khắp trong thiên hạ có Mẫu Nhạc là 5 danh sơn thắng cảnh hơn hết. Cùng là núi cao rừng thẳm cổ thụ ngàn năm, cũng do nơi Mẫu vun dưỡng trưởng thành. Các sắc nhân dân trăm họ đâu có ai lìa ra khỏi thân Mẫu được. Cùng 5 giống lúa 6 thứ gạo cũng do nơi Mẫu vun dưỡng tốt tươi. 72 cảnh thanh lương địa kia chẳng phải ở ngoài thân Mẫu này được. Cùng muôn loài cầm thú cây cỏ cũng do nơi Mẫu vun dưỡng trưởng thành. Con người trần thế mà sống đặng đây thì cũng nhờ ăn uống vật thực của Mẫu mới sống. Đến chừng chết rồi cũng phải chôn thây cất xác trở vào mình Mẫu. Sách có chũ rằng: sinh tại thế, tử hườn tại thổ. Tất cả Châu, Quận, Phủ, Huyện cũng chẳng rời khỏi thân Mẫu được. Nào am tĩnh, quán xá, thư viện, lâu đài cũng nhờ lấy tài liệu và vật chất trong thân thể của Mẫu mới làm ra được vững bền tốt đẹp.

Thánh Thần Tiên Hiền lớn nhỏ cũng nhờ Mẫu phong thưởng bày đặt lớp lang. Còn các chư Phật mà đặng kim thân bất hoại thì cũng nhờ Mẫu chứng nhận công quả cho mới đắc thành chánh giác. Huỳnh kim là vàng ròng của Mẫu ban bố hun đúc ra vóc ngọc mình vàng của các chư Phật kia. Thật là quý báu hơn tất cả chân châu bửu ngọc trong bốn phương trời. Thiếu chi người ham muốn vọng tưởng đến chừng kết cuộc rồi có mấy ai được đắc thành nguyện. Còn nào là những vàng thoi bạc nén, cùng các loại kim khí khác cũng do nơi Mẫu sản xuất mới có.Vậy chúng con xét lại đó mà coi có còn sót món nào ở ngoài thân Mẫu này đặng chăng? Các nhà Vương hầu tiểu nhược quốc nhờ Mẫu phong tặng tôn kính. Còn trải qua các nhà Đế Vương đại cường quốc thì cũng nhờ Mẫu sùng tôn cho mới được an hưởng thạnh trị lâu dài. Nước nào mà bị giặc giã cưỡng bức lấn lướt cũng do nơi Mẫu vận chuyển phạt hành mới có cảnh quan đấu khởi. Vậy mà chẳng thấy nước nào biết trọng kính đến thân danh của Lão Mẫu ráo trọi.

Lãnh, nhiễu, the, lụa, gai thô, … thứ nào cũng do Mẫu sản xuất. Cùng là bông, hoa, cây, trái, rau cải đủ thứ cũng do nơi Mẫu vun dưỡng trưởng thành. Các loại chua, ngọt, cay, đắng, do nơi Mẫu sản xuất. Cùng thuốc uống, lúa ăn trong 4 mùa cũng do nơi Mẫu vun dưỡng trưởng thành. Hành, hẹ, tỏi, nén kiệu do nơi Mẫu sản xuất. Cùng là gừng, đường, tiêu, ớt cũng do nơi Mẫu vun dưỡng trưởng thành.

Khắp trong thiên hạ, đàn ông chí những đàn bà, con nít đều sinh ra nhiều chứng bệnh. Bởi vậy cho nên Mẫu tạo ra sẵn sàng cả muôn thứ thuốc đề phòng điều trị. Lại cũng có hiếm hạng người nam nữ chẳng ưa dùng tửu nhục mỹ vị. Vì vậy cho nên Mẫu đã tạo sẵn nào là dầu, muối, tương, giấm đặng cho chúng nó dùng cho vừa miệng. Món nào món ấy cũng do nơi Mẫu sản xuất. Trăm ban, vạn sự cũng do nơi mẫu vun dưỡng trưởng thành tất cả. Phật Địa Mẫu than rằng: Mẫu đã lao tâm tổn huyết với chúng con đã tận tuyệt rồi. Công lao tiêu trừ ấy biết lấy bút mực nào mà tả cho hết được. Vì tình Mẹ thương con nam nữ, dầu khổ lao thế mấy Mẫu cũng chẳng sờn. Sách còn có chữ: Phụ Mẫu ái tử chi tâm, vô sơ bất chí, vậy mà chúng con nỡ lòng nào quên dứt ơn sâu nghĩa cả của Mẹ cho đành. Vật ăn phẩm uống trang sức cân đai gì Mẫu cũng tạo hóa. Hễ Mẫu tạo hóa ra món nào, Mẫu hết lòng vun dưỡng trưởng thành món nấy, còn hoài cho đến ngày chung cuộc mà thôi. Mẫu cũng có thể chế biến ra tiền bạc đủ thứ và đủ kiểu cho chúng con mua bán chi dụng hằng ngày. Vậy mà chẳng thấy ai để lòng tưởng niệm đến Mẫu một tiếng coi thử. Trên đời chẳng còn sót món nào ở ngoài thân Mẫu. Ấy vậy mà loài vạn vật cũng hườn lại một tay Mẫu tạo hóa sinh thành tất cả không? Nam mô nhất tâm thành kính. Nam mô A Di Đà Phật, thật y như lời của Mẫu truyền bảo chẳng sai. Trước khi Mẫu hóa sinh ra có một vật thô sản mà thôi. Gọi rằng quả Địa cầu. Rồi nơi quả địa cầu ấy Mẫu tích trữ chẳng biết bao nhiêu tài liệu và phẩm thực, dành để cho sáu ngả luân hồi cần dùng chẳng hay gì hết được.

Trên đời này chỉ có mình Trời là lớn hơn hết mà thôi chứ có ai nào biết đến Mẫu. Chớ như Địa Mẫu này sánh cùng Hoàng Thiên kia cũng đồng một bực đó mà. Khi nào trên trời mưa xuống một giọt nước cam lồ Thủy, thì dưới đất bèn hóa sinh ra các loại ngũ cốc đầy đồng lấp ruộng. Tuy là hạt mưa ngọt ngào trong sạch kia rớt xuống đất đượm nhuần mát mẻ, vậy mà ai có biết đặng gốc hạt mưa ấy bởi nơi đâu mà ra chăng? Cũng bởi hút nước ở trong cốt tủy tinh vị của Mẫu đem lên không trung làm mây, rồi mây ấy bèn đông đặc lại thành giá, giá ấy gặp một luồng điển quang chiếu diệu vào, liền tan ra rơi xuống đất, thành ra mưa đó. Rồng, Cù tàng hình ẩn dạng dưới ngàn sông, muôn suối cũng chưa ra khỏi thân Mẫu được. Bởi vậy cho nên bão tố gió mây gì cũng do nơi Mẫu vận chuyển thực hành tất cả. Nếu Mẫu chẳng điều khiển rồng làm gió làm mây, thì bao giờ ai có thấy Rồng tự chuyên làm mưa xuống xứ nào đặng. Xứ nào mà chẳng có Rồng, Cù tàng hình ẩn dạng ở dưới, hễ nghe lệnh Mẫu hô phong hoán vũ thích lịch lôi đình nơi nào, thì Rồng nơi đó hiện ra làm gió làm mưa liền.

Nhắc tới nhắc lui mà nghe, chớ việc nào cũng do Mẫu vận trù quyết sách cả thay. Vậy mà người đời có mấy ai để tâm xét đến. Mẫu rất đau lòng xót dạ. Nhọc nhằn cay đắng bao nhiêu thì để Mẫu chịu. Còn mặc tốt ăn ngon thì chúng con toại hưởng vui cười. Phật Mẫu phát lạc rằng: từ xưa tới nay, Mẫu chẳng hề nhắm mắt. Hễ Mẫu nhắm mắt lại rồi, ắt có tai to nạn lớn sắp xảy đến cho tất cả chúng sinh liền, chẳng đợi tới giờ nhắm mắt làm cho. Nếu Mẫu xoay lưng sấp mặt trong chừng một giờ, thì con cá Ngao to lớn trở mình lăn qua một cái nó sẽ xủ tiêu sạch bách. Trời thì tan Đất thì rã. Trời Đất đâu có thấy nữa. Trên đời này sẽ thành ra một tràng không thì trống trơn trống lỏng rồi đó. Chừng đó các chư Phật Như Lai cũng phải tàng ẩn ngoài Càn Khôn. Còn chư vị Bồ Tát thì sẽ đào tẩu biệt hình dạng. Nào Vua, Chúa, Quan, Dân đằng sẽ bị diệt tiêu tan rụi hết. Trời Đất Thánh Thần sẽ bị tiêu tan rã rọt, cũng như bị thiêu trong lò bát quái kia vậy. Sẽ chẳng còn biết đâu là Đông, Tây, Nam, Bắc chẳng nhận ra hướng nào cho đặng. Đến chừng đó, muôn loài vật sẽ tan nát biến ra như tro bụi kia vậy.

Phật Địa Mẫu ngự trên cõi thượng tầng tối cao huyền hóa và bảo dưỡng nhân sinh, trải hết lòng lành rất quảng đại như vậy đó.

ĐỨC HỘ PHÁP THUYẾT VỀ PHẬT MẪU NHƯ SAU
Quyền làm MẸ Vạn linh:

Đức Phật Mẫu là bà MẸ thiêng liêng của toàn cả Vạn linh, mà Vạn linh thì gồm đủ Bát Hồn (tức là 8 phẩm Chơn linh) gồm: Kim thạch hồn, Thảo mộc hồn, Thú cầm hồn, Nhơn hồn, Thần hồn, Thánh hồn, Tiên hồn và Phật hồn.

Nhưng tại sao quyền hành của Đức Phật Mẫu lại nhỏ hơn quyền hành của Đức Nhiên Đăng Cổ Phật hay Đức Di-Lạc Vương Phật?

Đức Hộ Pháp thuyết đạo Con đường TLHS giải như sau:

"Bần đạo đi ngang Cung Hỗn Nguơn Thượng Thiên , là nơi Đức Di-Lạc đã thâu pháp, đã định vị nơi ấy. Bần đạo có tả mà trong tâm còn mờ hồ, không biết tại sao, vì lẽ gì, Đức Phật Mẫu là MẸ mà phải chịu dưới quyền con là Đức Di-Lạc, trong bụng coi hơi bất mãn.

Liền khi ấy, Bần đạo ngó thấy cái tướng hình của Đức Phật Mẫu đứng đằng trước, còn Đức Di-Lạc ở đằng sau lưng, quì xuống, đưa hai bàn tay lên, đặng tỏ cho Bần đạo hiểu, dầu cho người con ấy mạnh mẽ, quyền hành thế nào, mà quyền MẸ vẫn là quyền MẸ, không thế gì qua được. Ngài chỉ tuân theo mạng lịnh của Đức Phật Mẫu đặng trị thế mà thôi."

Cũng trong Con đường TLHS, Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo, thuật lại lúc Ngài vào Diêu Trì Cung bái kiến Đức Phật Mẫu, thấy cái huyền năng vô biên của Đức Phật Mẫu:

Bần đạo cùng các bạn kỳ trước đã ghé nơi Tạo Hóa Thiên, tức Tòa Thiên Cung Phật Mẫu là Diêu Trì Cung.

Bần đạo có nói một điều làm cho chúng ta nên suy nghĩ nhiều là: Huyền bí vô biên của Phật Mẫu.

"Bần đạo nói sơ lược huyền năng thế nào, mà khi chúng ta vào kiến diện Đức Phật Mẫu, ta ngó trên mặt Ngài, ta thấy mặt bà mẹ ta, sanh ta, đương như buổi sống, đương lo buổi trở về. Bần đạo tưởng ngó thấy bà mẹ sanh Bần đạo, tưởng cả thảy cũng đều ngó thấy người mẹ của họ vậy.

Nếu lấy theo cái trí học tưởng tượng không biết con mắt thiêng liêng có chiếu hình mẹ ta chiếu diệu ra không? hay là Huyền diệu vô biên của Phật Mẫu cho chúng ta thấy như vậy.

Bà mẹ hình hài chúng ta đây là nhơn viên của Đức Phật Mẫu bên phái nữ đó....

Có điều trọng hệ là dầu nam nữ cũng vậy, ráng giữ một điều nầy: Coi chừng đừng thất hiếu với cha mẹ. Ngày mình ngó thấy hình ảnh Đức Phật Mẫu thì thấy người Mẹ nhơn từ, hiền hậu vô cùng, hạnh phúc mình được hưởng đó, còn trái ngược lụng lại, nếu ta thất hiếu, ta dòm vào hình ảnh của Phật Mẫu, ta thấy nét mặt nghiêm nghị và lãnh đạm, chúng ta sẽ hết sức đau khổ đó."

Việc thờ phượng Đức Phật Mẫu hiện nay tạm đặt tại Báo Ân Từ trong Nội Ô Tòa Thánh Tây Ninh. Trong Báo Ân Từ, Đức Phạm Hộ Pháp dạy đắp tượng thờ Đức Phật Mẫu theo sự tích Hớn rước Diêu Trì, tức là vua Hớn Võ Đế cầu Đức Phật Mẫu giáng xuống Hoa Điện:

Sự tích: Hớn rước Diêu Trì:
Vua Hớn Võ Đế hay Hán Vũ Đế (141-87 trước Tây lịch) là vị vua thứ 5 của nhà Hớn (Hán) bên Tàu, có hùng tài đại lược, nhưng cũng rất tín ngưỡng Trời Phật.

Khi Hớn Võ Đế mới lên ngôi, Ngài có phát nguyện lập một cảnh chùa thật tráng lệ gọi là HOA ĐIỆN để sùng bái Trời Phật. Gọi là Hoa Điện, vì chùa nầy được chạm khắc hình các thứ hoa trên các vật liệu xây dựng, nên mới trông vào thấy như là một Cung Điện toàn bằng hoa.

Ngôi chùa lớn lao cực kỳ xinh đẹp như thế, nhưng nhà vua chưa quyết định thờ Đấng nào, chỉ để trống, chủ tâm là chờ đợi đến chừng nào nhà vua thấy được sự huyền diệu hiện tượng ra thì nhà vua mới sùng bái.

Đến năm Hớn Võ Đế được 61 tuổi, nhà vua tổ chức một Lễ Khánh thọ Đáo tuế long trọng, Ngài có sở vọng cầu khẩn thế nào cho có Đức Phật Mẫu giáng xuống chứng lễ, nên nhà vua lập bàn hương án trước sân chùa cầu khẩn ngày đêm, mà không biết Đức Phật Mẫu ngự ở nơi nào và có thấu biết chăng?

Lúc bấy giờ có Ông Đông Phương Sóc, tu đắc đạo thành Tiên, mà trước kia Ông có làm quan trong triều đình của Hớn Võ Đế, sau về núi tu luyện, đang ngồi tịnh, chợt động tâm, liền đoán biết hiểu rõ mọi việc của Võ Đế nơi triều đình. Ông liền xuống núi, đi đến kinh đô, vào triều đình yết kiến Võ Đế.

Vua Hớn Võ Đế gặp Đông Phương Sóc thì rất mừng rỡ, thuật hết mọi việc cho Đông Phương Sóc nghe và nói rõ ước vọng của nhà vua nhân cuộc Lễ Khánh thọ Đáo tuế là sở cầu Đức Phật Mẫu đến chứng lễ, mà không biết Đức Phật Mẫu ở nơi nào, và nhờ ai đi thỉnh, may mắn có Đông Phương Sóc tới, vậy nhờ khanh giúp trẫm đi thỉnh Đức Phật Mẫu được chăng?

Ông Đông Phương Sóc tâu rằng:

- Bệ Hạ đã định thì hạ thần phục mạng, dầu khổ nhọc thế nào, hạ thần cũng đến Diêu Trì Cung thỉnh Đức Phật Mẫu, nhưng kết quả được cùng chăng là do lòng thành cầu nguyện của Bệ Hạ. Vậy xin Bệ Hạ ban chiếu cho Thần đi thỉnh.

Đoạn Đông Phương Sóc lãnh chiếu chỉ ra đi.

Ông dùng huyền diệu Tiên gia, chỉ trong chốc lát, Đông Phương Sóc đã đến được Diêu Trì Cung nơi cõi Tạo Hóa Thiên.

Đông Phương Sóc xin vào yết kiến Đức Phật Mẫu và tâu bày hết các việc của vua Hớn Võ Đế khẩn cầu.

Đức Phật Mẫu cảm động và phán:

- Phật Mẫu sẽ giáng phàm vào đêm Trung Thu chứng lễ Khánh thọ của Hớn Võ Đế theo sự khẩn cầu, sẽ đem theo 4 Tiên đồng nữ nhạc đờn ngâm bài chúc thọ, và tặng 4 quả Đào Tiên . Khi Phật Mẫu đến có Thanh loan báo tin trước.

Phương Sóc rất vui mừng, bái tạ Đức Phật Mẫu, rồi cấp tốc trở lại trần gian, tâu bày các việc cho vua Võ Đế biết.

Nhà vua rất vui mừng và hỏi: - Thanh loan là gì?

Đông Phương Sóc đáp: - Thanh loan là con chim loan màu xanh, đó là con chim lịnh của Đức Phật Mẫu, dùng để chở Đức Phật Mẫu du hành khắp nơi.

Xin Bệ Hạ chỉnh trang cho long trọng, trang nghiêm, tinh khiết để nghinh tiếp Đức Phật Mẫu, phải lập bàn hương án bên trong và bên ngoài, xông hương khử trược.

Đêm rằm Trung Thu năm đó, trăng sáng vằng vặc, đầu giờ Tý, Hớn Võ Đế quì trước Hoa Điện, thành tâm cầu khẩn.

Xảy thấy một con chim Thanh loan đáp xuống sân Hoa Điện. Liền khi đó, Đức Phật Mẫu cùng Cửu vị Tiên Nương và bốn Tiên đồng nữ nhạc giáng lâm trước Hoa Điện.

Hớn Võ Đế cung nghinh Đức Phật Mẫu vào ngự nơi Chánh điện của Hoa Điện.

Đức Phật Mẫu dạy bốn Tiên đồng nữ nhạc trao tặng cho Hớn Võ Đế 4 quả Đào Tiên và ca ngâm bài chúc thọ. Ông Đông Phương Sóc quì, hai tay nâng cái dĩa lên để rước lộc (rước 4 quả Đào Tiên).

Bốn vị Tiên đồng nữ nhạc ấy có tên là: Hứa Phi Yến, An Phát Trinh, Đổng Song Thành và Vương Tử Phá.

Sau khi chứng lễ Đáo tuế của Vua Hớn Võ Đế xong, Đức Phật Mẫu cùng Cửu vị Tiên Nương và 4 Tiên đồng nữ nhạc cỡi chim Thanh loan trở về DTC nơi cõi Thiêng liêng.

Vua Hớn Võ Đế ghi nhớ hình ảnh của Đức Phật Mẫu và Chín vị Nữ Tiên, cho thợ khéo, tạc hình Đức Phật Mẫu và Chín vị Nữ Tiên nơi Hoa Điện để ghi nhớ sự tích và phụng thờ Đức Phật Mẫu.

Sự tích nầy được truyền tụng đến ngày nay.

Do đó, nơi thờ Đức Phật Mẫu được gọi là ĐIỆN chớ không gọi là ĐỀN.

Do theo sự tích nầy, Đức Hộ Pháp dạy đắp tượng thờ Đức Phật Mẫu và Cửu vị Tiên Nương nơi Báo Ân Từ như sau:

" 1. Trên hết là chơn dung Đức Phật Mẫu (ĐPM) cỡi thanh loan, tức là con chim loan màu xanh.

2. Kế đắp 9 pho tượng của Cửu vị Tiên Nương.

3. Đắp thêm 4 pho tượng của 4 Nữ nhạc theo hầu ĐPM.

4. Pho tượng ông Đông Phương Sóc quì bưng bằng hai tay một cái dĩa nâng lên khỏi đầu, trên dĩa có 4 quả đào Tiên do ĐPM ban tặng. Ông Đông Phương Sóc quì bên hữu ĐPM.

5. Pho tượng Đức Cao Thượng Phẩm quì trước sân Hoa Điện.

Trong khuôn tượng, đắp lên một cảnh chùa cổ tự, kiểu xưa gọi là Hoa Điện.

Đáng lẽ tạo hình Hớn Võ Đế, nhưng vì đời Hớn Võ Đế đến nay quá xa thẳm, lại nữa, nguyên căn của Hớn Võ Đế là chơn linh Hớn Chung Ly trong Bát Tiên giáng phàm. Nay là thời Hạ nguơn Tam Chuyển, bước qua Thượng nguơn Tứ Chuyển, Bát Tiên lãnh lịnh giáng phàm làm tướng soái cho Đức Chí Tôn mở Đạo, Đức Cao Thượng Phẩm chính là chơn linh Hớn Chung Ly giáng phàm kỳ nầy, nên tạo hình Đức Cao Thượng Phẩm thay vào chỗ Hớn Võ Đế thì thuận hơn."

DIÊU TRÌ CUNG CỦA PHẬT MẪU

Diêu Trì Cung:
Diêu: Ngọc Diêu hay ngọc Dao, là loại ngọc rất quí ở cõi thiêng liêng. Trì: cái ao. Cung: cung điện.

Diêu trì hay Dao trì là cái ao làm bằng ngọc diêu nơi cõi thiêng liêng, ở từng Trời thứ 9 Tạo Hóa Thiên.

Diêu Trì Cung là cung điện bên cạnh ao Diêu Trì, là nơi thường ngự của Đức Phật Mẫu.

Bát Nương giáng cơ đêm 10-1-Nhâm Thìn (1952) giảng về Diêu Trì Cung như sau:

"Chị chào mấy em. Đêm nay Chị đến đặng chỉ cho mấy em rõ Diêu Trì Cung là nơi nào?

Nơi ao Diêu Trì có một đài phát hiện Âm quang, đài ấy thâu lằn Sanh quang của ngôi Thái Cực rồi đem Dương quang hiệp với Âm quang mà tạo nên chơn thần cho vạn linh trong CKVT.

Phật Mẫu là Đấng nắm Cơ Sanh hóa, thay quyền Chí Tôn, đứng ra thâu cả Thập Thiên can đem hiệp với Thập nhị Địa chi mà tạo nên vạn vật. Nơi Cung Diêu Trì là nơi tạo nên chơn thần và thể xác đó vậy.

Diêu Trì Cung là cung điện bằng ngọc diêu ở bên Ao Thất bửu, chớ chẳng chi lạ. Ngọc tượng trưng cho sự quí giá, còn Diêu là chất hơi kết tụ mà thành.

Dưới quyền của Phật Mẫu có Cửu Tiên Nương trông nom về cơ Giáo hóa cho vạn linh, còn ngoài ra có hằng hà sa số Phật trông nom về cơ Phổ độ mà Quan Âm Bồ Tát là Đấng cầm đầu.

Quan Âm Bồ Tát ngự tại cung Nam Hải, ở An Nhàn động, còn Diêu Trì Cung thì ở tại Tạo Hóa Thiên.

Nơi Cung Diêu Trì còn có một cõi Âm Quang riêng biệt gọi là Phong Đô đặng giáo hóa các chơn hồn đã bị lạc nẻo trên đường trần.

Vậy, vắn tắt hơn, Diêu Trì Cung là Cơ Sanh hóa vạn linh và vạn vật đó."







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét