Thờ Phật và Bồ-tát là cốt tỏ lòng nhớ ơn, cung kính và học hỏi theo hạnh nguyện của các Ngài. Bởi vì chư Phật đã trải vô số kiếp cần khổ tu hành và đã biết bao nhiêu lần hy sinh thân mạng để mưu cầu sự an vui lợi ích cho chúng sanh. Chư Bồ-tát cũng thực hành theo hạnh nguyện của chư Phật, nhưng chưa được viên mãn. Cho nên, các Ngài đã phát đại nguyện lăn xả vào cuộc đời khổ đau ô trược này để cứu độ chúng sanh. Mỗi vị đều đầy đủ tất cả công hạnh như nhau, song tuy sở nhân tu hành từ vô lượng kiếp của mỗi vị mà có hiển bày ưu liệt khác nhau. Chúng ta họa, tạc, tô tượng các Ngài để thờ, là vì ngưỡng mộ Hạnh Nguyện cao cả của các Ngài và tỏ lòng Tri ân, kính mến Tâm vị tha không bờ bến của các Ngài.
Bất cứ một Tôn giáo nào phần nghi lễ thờ phụng vẫn được coi là phần thiêng liêng quan trọng. Nhờ hình thức ấy tạo cho ngừoi Phật tử tại gia, thêm vững niềm tin và thánh hóa tâm hồn họ trong những khi hành lễ.
Điện thờ Tam Bảo được lập tại Phật Thất của Gia Đình Phật Tử Đỗ Thị Phương Mai - Pháp Danh Viên Thọ, với ý nghĩa dâng lên cúng dường Phật với những gì tốt đẹp nhất.
Những lý tưởng trọng tâm của Phật giáo được gọi chung là “Tam Bảo” hay “Ba Kho báu”. Đó là những chư Phật (ngọc vàng), Pháp (viên ngọc màu xanh) và Tăng đoàn (viên ngọc đỏ). Đó là những nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất nếu bạn muốn trở thành một tu sĩ Phật giáo. Quy y Tam Bảo có nghĩa là: quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, khi quy y như vậy, cá nhân đặt toàn bộ niềm tin vào Đức Phật, Pháp và Tăng đoàn.
Hai Mẹ con Phật Tử Đỗ Thị Phương Mai - Pháp Danh Viên Thọ và con là Mai Đức Chính - Pháp Danh Giác Đạo, đã Quy Y Tam Bảo tại Chùa Viên Giác, với Thượng Toạ Thích Đồng Văn, và Lập Điện Thờ Tam Bảo Tại Gia để cùng với các Chị em, Con Cháu cùng nhau quy y cửa Phật, hướng về Bến Bờ Chánh Đẳng Chánh Giác và cùng Tu học tại gia .
Thông qua các bộ kinh đại thừa được quý Thầy hướng dẫn và chỉ dạy, cũng như Trì Tụng hàng ngày như :
- KINH NHẬT TỤNG : gồm CHÚ ĐẠI BI, THẬP CHÚ, CHÚ LĂNG NGHIÊM,KINH PHỔ MÔN, KINH A DI ĐÀ, KINH PHƯỚC ĐỨC, HỒNG DANH SÁM HỐI...
- KINH ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM
- KINH DIỆU PHÁP LIÊN HOA
- KINH THỦ LĂNG NGHIÊM
- KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT
- KINH ĐẠI BÁT NIẾT BÀN
- KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN
- KINH DƯỢC SƯ
- KINH PHẬT THUYẾT ĐẠI KHỔNG TƯỚC MINH VƯƠNG
Trong tất cả các kinh điển này đều có lặp đi lặp lại Hồng Danh của Chư Vị Bồ Tát và Chư Phật với Hạnh Nguyện Độ Chúng Sanh trong cõi Ta Bà,và Pháp Môn mà các Ngài tu học là pháp môn Niệm Phật để được thành tựu trải qua hằng hà sa số kiếp. Đọc trong Kinh và nguyện thấy lời Phật giáo hoá , Phật tử Mai Đức Chính - Pháp Danh GIÁC ĐẠO xin đúc kết lại thông qua hình tượng chư Vị Bồ Tát và Chư Phật được cung thỉnh thờ phượng tại Ngôi Tam Bảo , để mỗi khi Lễ Lạy Phật là nhớ đến những Hạnh Nguyện vĩ đại của các Ngài, để nguyện học theo những Giáo Pháp của các Ngài đã hành trì, để ngưỡng mong cùng toàn thể Gia Đình hiểu được giá trị của Phật Pháp Vi Diệu và mầu nhiệm cùng nhau Tu học để nguyện ra khỏi Lục Đạo Luân Hồi, khi bỏ xác phàm này được về Cõi Thanh Tịnh Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà hay những Cảnh Giới Trang Nghiêm của Chư Phật trong Mười Phương.
Cách bố trí tượng và thứ lớp THỜ :
TAM THẾ PHẬT :
- Thứ 1, chữ Thế có thể hiểu là Thời. Vậy Tam Thế Phật là Phật 3 thời: quá khứ, hiện tại và vị lai. Phật quá khứ là Phật A Di Đà tượng trưng cho các đức Phật trong quá khứ , Phật hiện tại là Phật Thích Ca Mâu Ni , Phật tương lai là Phật Di Lặc tượng trưng cho các vị Phật tương lai. Nói rộng ra theo nghĩa này thì Tam Thế Phật là Phật của cả 3 thời: quá khứ, hiện tại và tương lai, tức là vô lượng vô biên vô số chư Phật mười phương.
- Thứ 2, chữ Thế có thể hiểu là Thế giới, gồm có phương Đông là thế giới Tịnh Lưu Ly của Phật Dược Sư, phương Tây là thế giới Cực Lạc của Phật A Mi Đà và trung tâm là thế giới Sa Bà của Phật Thích Ca Mâu Ni…. Theo nghĩa này, Tam Thế Phật là không gian vô lượng của thế giới chư Phật từ Đông sang Tây, từ phải sang trái, từ trên xuống dưới, …, vô lượng vô biên vô số quốc độ Phật như thế.
TÂY PHƯƠNG TAM THÁNH :
- Ba vị bao gồm: Đức Phật A Di Đà đứng ở chính giữa, bên tay trái của ngài là Bồ Tát Quán Thế Âm cầm nhành dương liễu và bình tịnh thủy. Còn bên tay phải của ngài là Bồ Tát Ðại Thế Chí cầm cành hoa sen màu xanh. Trong kinh sách hai vị Bồ Tát hiện thân cư sĩ nữ hai bên Ðức Phật A Di Ðà tượng trưng Từ Bi và Trí Tuệ. Cả hai vị này hộ trì Đức Phật A Di Đà giáo hóa và dẫn đạo chúng sinh về cõi Tịnh độ Cực lạc.
HOA NGHIÊM TAM THÁNH :
- Thích Ca Tam thánh Còn được gọi là Hoa Nghiêm Tam thánh vì ý nghĩa chủ yếu được nêu tỏ trong Kinh Hoa Nghiêm. Theo đó, Đức Phật Thích Ca ở giữa, Bồ tát Văn Thù cưỡi sư tử xanh hầu bên phải và Bồ tát Phổ Hiền cưỡi voi trắng sáu ngà hầu bên trái (có khi vị trí của hai vị được đổi ngược lại).
- Phổ Hiền (Phạn danh là Samantabhadra, Tam-mạn-bạt-đà-la) hay Visvabhadra (Bật-luân-bạt-đà): Phổ là tỏa ra khắp nơi, Hiền là Đức hạnh, hiền thiện. Phổ Hiền tượng trưng cho đức hạnh tối diệu. Ngài được biết đến với Mười đại nguyện về đức hạnh và quyết tâm cứu độ hết thảy chúng sinh. Ngoài ra còn có phép tu Phổ Hiền diên mạng để cầu được trường thọ.
- Văn Thù (Phạn danh là Manjusri, Văn Thù Sư Lợi): Hán dịch là Diệu Đức, Diệu Cát Tường...Ngài phát Mười tám đại nguyện để trang nghiêm thanh tịnh cõi Phật và cứu độ chúng sinh. Được Phật Bảo Tạng thọ ký sẽ thành Phật, hiệu Phổ Hiện Như Lai (Kinh Pháp Hoa quyển 9, Kinh Đại Bảo Tích quyển 60). Ngài xuất hiện trong các Kinh Hoa Nghiêm, Thủ Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Duy-ma-cật… được xem là vị trí tuệ bậc nhất trong hàng Bồ tát, thường thay Phật nói pháp, điều động hội chúng, tán thán Đức Phật sau các đoạn giảng. Ngài được họa tượng ngồi trên đài sen, đầu có năm nhục kế, tay phải cầm kiếm đang bốc lửa đưa khỏi đầu, biểu hiệu kiếm trí tuệ chặt đứt xiềng xích vô minh, phiền não, đưa đến trí tuệ viên mãn; tay trái cầm hoa sen xanh hoặc cầm kinh Phật, biểu hiệu trí tuệ sáng suốt, tinh ròng, không ô nhiễm.
TA BÀ TAM THÁNH :
- Ta Bà Tam Thánh (có một số phiên âm thì gọi là Sa-Bà Tam Thánh) là ba vị được người thế gian xưng tụng là ba vị thường ở thế giới Ta Bà này độ hoá chúng sanh, bao gồm Thích Ca Mâu Ni Phật, Quan Thế Âm Bồ Tát và Địa Tạng Bồ Tát.
- Hầu hết chùa Tịnh Độ Tông tại miền Nam đều thờ Sa bà Tam thánh tại Chánh điện. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Giáo Chủ của Thế Giới Sa Bà hiện tại.
- Bồ Tát Quán Thế Âm có hạnh nguyện Đại Bi luôn quán sát lắng nghe âm thanh cầu cứu của chúng sinh liền hóa hiện vô số Hóa Thân đến cứu khổ. Ngài phát đại nguyện thực hiện từ bi cùng tận trong đời vị lai, nếu chúng sinh còn đau khổ. Vì chỉ có từ bi mới giải trừ đau khổ, cũng như chỉ có trí tuệ mới diệt được ngu si.
- Do đó, Bồ Tát Quan Thế Âm thiết lập tâm đại từ, đại bi mà thực hiện đại thệ nguyện độ sanh của Ngài. TỪ là đem niềm vui đến cho kẻ khác. Chữ Từ như người ta thường nói: Từ thiện, từ ái, từ mẫu, từ tâm. Từ tâm đối với ác tâm, sân tâm, ích kỷ tâm….BI là phương châm, là cách thức hành động để cứu khổ.
- Bồ Tát Địa Tạng đã nhận lời phó chúc của Đức Phật Thích Ca. Ở trong thời đại không có Phật cho đến lúc Bồ Tát Di Lặc thành Đạo. Ngài sẽ làm vị Bồ Tát tự thề cứu độ hết chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi ở cõi Sa Bà này. Sau đó mới thành tựu Nguyện của mình. Đức Địa Tạng là một vị đã chứng bực Đẳng Giác trải đến vô lượng A Tăng Kỳ kiếp rồi. Ngài có lời đại nguyện rằng: Nếu Ngài chưa độ hết chúng sanh, thì Ngài không chứng quả Bồ Đề. Và nếu sự thọ khổ trong địa ngục hãy còn, thì Ngài thề không chịu thành Phật.
- Vì thế mới thiết lập tượng thờ Đức Phật Thích Ca chung với hai vị Bồ Tát Quán Thế Âm, Địa Tạng và hợp xưng là Sa Bà Tam Thánh (hay Ta Bà Tam Thánh).
- Do tâm lý của giáo đồ Phật Giáo phương Đông, khi sống gặp nạn khổ thì mong cầu vào sự cứu giúp của Bồ Tát Quán Thế Âm. Khi chết đi thì trông cậy vào sự hóa độ của Bồ Tát Địa Tạng… Thế nên Tôn Tượng Sa Bà Tam Thánh được phổ truyền rất rộng rãi trong dân gian. Có ảnh hưởng rất sâu rộng trong đời sống văn hóa và tâm linh của người đời.
ĐÀN DƯỢC SƯ THẤT CHÂU
- Ngụ ý sâu xa ở Pháp hội Dược Sư thất châu này là đức Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni muốn dạy cho chúng ta phải hướng về nẻo ánh giác mà tiến tu, quá trình tu tập phải trải qua bảy giai đoạn được tượng trưng mật nghĩa bằng bảy thế giới của bảy đức Phật ở phương Đông.
1. Đức Thiện Danh Xưng Kiết Tường Như Lai, ở quốc độ tên là Quang Thắng, cách thế giới Ta bà 4 hằng hà sa Phật độ;
2. Đức Bảo Nguyệt Trí Nghiêm Quang Âm Tự Tại Vương Như Lai, ở quốc độ tên là Diệu Bảo, cách thế giới Ta bà 5 hằng hà sa Phật độ;
3. Đức Kim Sắc Bảo Quang Diệu Hạnh Như Lai, ở quốc độ tên là Viên Mãn Hương Tích, cách thế giới Ta bà 6 hằng hà sa Phật độ;
4. Đức Vô Ưu Tối Thắng Kiết Tường Như Lai, ở quốc độ tên là Vô Ưu, cách thế giới Ta bà 7 hằng hà sa Phật độ;
5. Đức Pháp Hải Lôi Âm Như Lai, ở quốc độ tên là Pháp Tràng, cách thế giới Ta bà 8 hằng hà sa Phật độ;
6. Đức Pháp Hải Thắng Huệ Du Hý Thần Thông Như Lai, ở quốc độ tên là Thiện Trụ Bảo Hải, cách thế giới Ta bà 9 hằng hà sa Phật độ;
7. Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai, ở quốc độ Tịnh Lưu Ly, cách thế giới Ta bà 10 hằng hà sa Phật độ.
PHẬT MẪU TAM THÁNH :
PHẬT BÀ QUÁN ÂM NGHÌN TAY NGHÌN MẮT
- Trong Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni của Mật tông có nói: “Trong vô lượng ức kiếp thời quá khứ, Bồ tát Quan Thế Âm nghe Đức Thiên Quang Vương Tĩnh Chú Như Lai nói thần chú Đại Bi Tâm Đà La Ni bèn phát nguyện làm lợi ích, an lạc tất cả chúng sinh. Liền khi ấy, trên người mọc ra một nghìn con mắt và một nghìn bàn tay”. Con số 1.000 biểu trưng cho sự viên mãn, nên tượng được tạo với đủ 1.000 mắt, 1.000 tay (gồm 40 tay lớn và 960 tay nhỏ, trong mỗi tay đều có mắt), có nơi chỉ tạo tượng với 40 tay lớn, hoặc 42 tay lớn (có 2 tay chắp, 2 tay đặt trong tư thế thiền định) mà không tạo tay nhỏ. Nghệ nhân ở các nước Phật giáo theo truyền thống Đại thừa thường tạo tượng theo mẫu thức 40 tay lớn, bởi con số 40 ứng với 25 hữu (25 quốc độ của chúng sinh trong tam giới - 25x40=1.000) (*)
(*) 25 hữu trong Tam giới gồm:- 14 hữu trong Dục giới: 4 Ác đạo (A tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh); 4 Đại bộ châu (Đông Thắng Thần Châu, Nam Thiêm Bộ Châu, Tây Ngưu Hóa Châu, Bắc Câu Lô Châu); 6 Trời cõi dục (Tứ Thiên Vương Thiên, Đạo Lợi Thiên, Dạ Ma Thiên, Đâu Suất Thiên, Lạc Hóa Thiên, Tha Hóa Tự Tại Thiên).- 7 hữu trong Sắc giới: Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền, Đại Phạm Thiên, Tịnh Cư Thiên và Vô Tưởng Thiên.- 4 hữu trong Vô sắc giới: Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ, và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ.
- Tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Âm có hình 1 tượng Phật A Di Đà ngồi trên đỉnh, được xếp theo 5 tầng. Ba khuôn mặt chính phải thể hiện được đầy đủ nét từ bi của ngài Quan Thế Âm, còn 3 tầng trên tùy theo từng nơi mà các khuôn mặt ấy có những biểu hiện khác nhau: trang nghiêm, dũng mãnh, uy hùng, đượm buồn... Nhưng kết hợp lại, các khuôn mặt, tay, mắt, pháp khí cũng như thế ngồi (hàng ma) tạo thành một tổng thể pháp lực, với những công năng diệu dụng phá tan ba chướng (nghiệp chướng, báo chướng, phiền não chướng). Thế nên, trong 6 vị Quan Âm của Mật tông thì Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Âm biểu trưng cho pháp lực phá tan ba chướng ở địa ngục đạo; Thánh Quan Âm phá ba chướng ở ngạ quỷ đạo; Mã Đầu Quan Âm phá ba chướng ở súc sinh đạo; Thập Nhất Diện Quan Âm phá ba chướng ở A tu la đạo; Chuẩn Chi Quan Âm phá ba chướng ở nhân đạo; Như Ý Luân Quan Âm phá ba chướng ở thiên đạo. Tương tự như vậy, trong Ma Ha Chỉ Quán của Thiên Thai Tông cũng nói đến các danh xưng Quan Âm với những công năng tiêu trừ ba chướng như: Đại Bi Quan Âm phá ba chướng ở địa ngục đạo; Đại Từ Quan Âm phá ba chướng ở ngạ quỷ đạo; Sư Tử Vô Úy Quan Âm phá ba chướng ở súc sinh đạo; Đại Quang Phổ Chiếu Quan Âm phá ba chướng ở A tu la đạo; Thiên Nhân Trượng Phu Quan Âm phá ba chướng ở nhân đạo; Đại Phạm Thâm Viễn Quan Âm phá ba chướng ở thiên đạo…
- Hình tượng Quan Âm Nghìn Mắt Nghìn Tay, qua phân tích dưới khía cạnh “lục căn diệu dụng”, còn có ý nghĩa là tri - hành hợp nhất (nghĩa là có bao nhiêu bàn tay là có bấy nhiêu con mắt; có biết là có làm, có làm là có biết). Nếu có 100 tay nhưng tới 1.000 mắt thì chỉ là biểu hiện cho việc biết nhiều làm ít, không lợi ích gì cho chúng sinh. Ngược lại, nếu có 1.000 tay nhưng chỉ 100 mắt thì làm nhiều, làm một cách nhiệt tình, nhưng do không biết đầy đủ nên đem lại tổn hại cho chúng sinh. Chính vì thế, hình tượng Phật Bà Quan Âm Nghìn Mắt Nghìn Tay của người Việt không phải là ảo ảnh, ảo tượng phi lý của nhân dân (như có người đã lầm tưởng), mà đó chính là hiện thực sinh động nhất của con đường Bồ tát đạo. Nếu đi đúng con đường ấy thì khả năng làm lợi ích an lạc cho chúng sinh là rất lớn.
- Như vậy, sự hợp nhất giữa hình tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Âm và Thập Nhất Diện Quan Âm (trong công năng tiêu trừ ba chướng) đã thể hiện đầy đủ sức sáng tạo văn hóa tinh tế của dân tộc Việt. Địa ngục là cảnh khổ nhất nên rất cần đến lòng đại từ của Bồ tát Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Âm. Cảnh giới của A tu la là cảnh chiến tranh đầy thù hằn và nghi kỵ nên rất cần đến lòng đại bi của Bồ tát Thập Nhất Diện Quan Âm. Hai cảnh khổ đau được miêu tả này có nhiều tương đồng với tình trạng khủng hoảng các giá trị nhân đạo, nhân văn thời Nam-Bắc phân tranh (thế kỷ XVI-XVII), nên tượng Phật Bà Quan Âm Nghìn Mắt Nghìn Tay ra đời trong hoàn cảnh đó không chỉ đánh dấu bước ngoặt đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc mà còn là khát vọng hòa bình, hạnh phúc của nhân dân.
- Hiện tại, chúng ta đang phải sống trong tình trạng có quá nhiều những lý thuyết hay ho nhưng những bài học cơ bản làm người (không giết người, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không sử dụng các chất gây nghiện, gây say) vẫn bị bỏ quên; có quá nhiều lời hứa lớn nhưng thực hiện nhỏ; có quá nhiều quyết tâm nhưng không có uy lực, can đảm…, nên các tệ nạn xã hội, nạn tham nhũng, lãng phí… mới khiến cho chúng ta tưởng chừng như đang bị quay cuồng trong ảo ảnh, trong khi xã hội vẫn luôn tồn tại những giải pháp thiết thực. Một bài học đầy tình người nhưng rất trí tuệ được bàn tay của các nghệ nhân dân gian xưa gửi gắm qua hình tượng Phật Bà Quan Âm Nghìn Mắt Nghìn Tay, trải qua nhiều thế kỷ thăng trầm của dân tộc vẫn còn nguyên giá trị, và giá trị đó chỉ được mặc nhiên thừa nhận khi người ta ý thức rõ rằng: “biết và làm” (tri và hành) là thiết thực hơn “nói và làm”, và lợi ích hơn “nói mà không làm”…
PHẬT MẪU CHUẨN ĐỀ VƯƠNG BỒ TÁT :
- Thân vị Bồ-tát nầy có màu vàng trắng hay màu vàng lợt, ngồi kiết gia trên đài sen, có hào quang tỏa sáng xung quanh, mình mặc thiên y, trên đầu trang điểm ngọc anh lạc. Đầu đội mão báu có ngọc lưu ly rũ treo, có 18 tay đều đeo vòng xuyến khảm Xà Cừ và mỗi tay đều cầm các loại khí cụ biểu thị cho các Tam Muội Gia, gồm có 3 mắt. Vị Bồ-tát nầy chuyên hộ trì Phật pháp và bảo hộ những chúng sinh có mạng sống ngắn ngủi được thọ mạng lâu dài. Pháp môn tu hành của vị Bồ-tát nầy là trì tụng bài chú: Nam mô tát đa nẫm, tam miệu tam bồ đà Câu chi nẫm, đát diệt tha: án, chiết lệ chủ lệ chuẩn đề ta bà ha.
- Hiện thân của Chuẩn Đề Bồ Tát có nhiều hình hài, nhưng chân thân của bà được cho là:
- Bửu tượng có nhiều vẻ quang minh tốt đẹp, đều chiếu diệu cả mình, còn thân tướng thì sắc vàng mà có lằn điển quang trắng.
- Chỉ ngồi kiết già, trên thì đắp y, còn dưới thì mặc xiêm đều trọn một sắc trắng mà có bông, lại có đeo chuỗi anh lạc và trên ngực có hiện ra một chữ "vạn".
- Còn hai cườm tay có đeo hai chiếc bằng ốc trắng, hai bên cánh tay trỏ có xuyến thất châu coi rất xinh lịch, lại hai trái tai có được ngọc bửu đương và trong các ngón tay đều có đeo vòng nhỏ.
- Trên đầu thì đội mão Hoa quang, trên mão ấy có hóa hiện ra 5 vị Như Lai.
- Khuôn mặt có 3 mắt, mỗi con mắt ấy có ánh nhìn sắc sảo.
- Toàn thân có mười tám cánh tay, mỗi bên chín cánh.
- Hai bàn tay ở trên hết thì kiết ấn Chuẩn đề, như tướng đương lúc thuyết pháp.
- Tay trái thứ hai cầm lá phướn như ý, còn tay mặt cầm cái thí vô úy.
- Tay trái thứ ba cầm một bông sen đỏ, còn tay mặt cầm cây gươm.
- Tay trái thứ tư cầm một bình nước, còn tay mặt cầm một xâu chuỗi Ni ma bửu châu.
- Tay trái thứ năm cầm một sợi dây Kim cang, còn tay mặt cầm một trái la ca quả.
- Tay trái thứ sáu cầm một cái bánh xa luân, còn tay mặt cầm một cái búa.
- Tay trái thứ bảy cầm cái pháp loa, còn tay mặt cầm cái thiết câu.
- Tay trái thứ tám cầm một cái bình như ý, còn tay mặt cầm một cái chày kim cang.
- Tay trái thứ chín cầm một cuốn Kinh Bát nhã Ba La Mật, còn tay mặt cầm một xâu chuỗi dài.
- Bồ tát Chuẩn Đề ngồi trên tòa sen, dưới có hai vị Long Vương ủng hộ.
PHẬT MẪU KHỔNG TƯỚC MINH VƯƠNG :
- Khổng Tước Minh Vương được dự vào hàng đại thánh của Mật Giáo, có rất nhiều truyền thuyết. Chuyện xưa kể rằng, Khổng Tước Minh Vương vốn là con Khổng Tước đầu tiên của thời khai thiên lập địa, qua suốt mấy ngàn năm ngày đêm tu hành khổ luyện thành tựu phép Ngũ sắc thần quang, sau đó được Ngài Chuẩn Đề Bồ Tát hóa độ, Khổng Tước phát nguyện theo Bồ Tát Chuẩn Đề tu hành và làm bảo tọa cho Ngài ngồi, để đền đáp công ơn hóa độ.
- Khổng Tước Minh Vương được xưng là Phật Mẫu, Truyền thuyết Mật Giáo kể rằng, khi Đức Phật Thích Ca đắc đạo, Khổng Tước nuốt Đức Phật vào trong bụng, sau đó lưng của Khổng Tước Minh Vương nứt ra, Đức Phật Thích Ca hiện ra ngồi trên lưng của Khổng Tước, vết nứt liền lại, vì vậy Khổng Tước được xưng là Phật Mẫu Đại Khổng Tước Minh Vương Bồ Tát.
- Bảo tướng của Khổng Tước Minh Minh Vương trong Mật Giáo, thường hiện thân một vị Bồ Tát có bốn tay, ngồi trên lưng của con chim Khổng Tước (con Công) vì vậy nên gọi là Khổng Tước Minh Vương, gọi đủ theo Minh Vương bộ của Mật Giáo là Phật Mẫu Đại Kim Cang Diệu Khổng Tước Minh Vương.
- Hình Tượng của Khổng Tước Minh Vương Bồ Tát, trong bốn tay của Bồ Tát có trì bốn pháp bảo gồm có, Liên hoa, Cụ duyên quả, Cát tường quả, Lông chim Khổng Tước. “Liên hoa” tượng trưng cho kính ái, “Cụ duyên quả” tượng trưng cho sự điều phục, “Cát tường quả” tượng trưng cho sự tăng ích lợi, “lông chim Khổng Tước” tượng trưng cho sự trừ tai ách, diệt khổ nạn.
- Tượng Bồ Tát Khổng Tước còn một thân tướng nữa, thường được tôn trí trong Đàn thành Thai Tạng Giáo, Mạn Đà La. Trong Đàn Thành Mạn Đà La, Bổn tôn Khổng Tước Minh Vương Bồ Tát là lưu thân của Đức Phật Tỳ Lô Giá Na, nên nhiếp thọ và cụ túc hai đức từ bi và trí tuệ, Tôn tượng Bồ Tát thường ngồi trên hai loại tòa hoa sen, nếu là ngồi trên hoa sen trắng tức biểu thị cho cho sự nhiếp thu bổn thệ từ bi, ngồi trên hoa sen xanh, là biểu thị ý tướng hàng phục.
- Trong Tô Tất Địa Viện của Thai Tạng Giới Mạn Đà La, Bổn tôn Khổng Tước Minh Vương là vị Bồ Tát thứ 6, hình tướng của Bồ Tát trong nội viện này, thân chỉ có hai tay, trì liên hoa và lông chim Khổng Tước, ngồi hoa sen màu đỏ, xưng là Phật Mẫu Kim Cang Tam Muội Da Hình Khổng Tước Vũ.
- Thế giới Hoa Tạng của Phật Tỳ Lô Giá Na là 1 tịnh độ vô cùng rộng lớn và trang nghiêm, thế giới Sa Bà và thế giới Cực Lạc đều nằm trong thế giới Hoa Tạng
- Sau khi Phật Thích Ca Mâu Ni ngộ đạo thành Phật 37 ngày trong Pháp thân của các Đại Bồ Tát là Bồ Tát Văn Thù và Bồ Tát Phổ Hiền đều giảng giải Hoa Nghiêm Kinh, đem Phật pháp tối cao mà mình đã chứng được để truyền thụ lại cho các đệ tử. Tên gọi đầy đủ của Hoa Nghiêm Kinh là Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, cùng với Diệu Pháp Liên Hoa Kinh và Đại Quảng Đỉnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh được gọi chung là Kinh Trung Chi Vương (là 3 bộ kinh xếp vị trí đầu trong các bộ Kinh).
- Lý luận trong các bộ kinh này vô cùng cao siêu, uyên áo, các vị đại Bồ tát khi nghe giảng kinh này thì trong tâm vô cùng hoan hỷ, nhưng một số đệ tử Thanh văn khi nghe giảng kinh này lại hoàn toàn không hiểu.
- Trong Hoa Nghiêm Kinh và Phạm Võng Kinh đã miêu tả Phật Tỳ Lô Giá Na là pháp thân của chư Phật và miêu tả rõ nét về thế giới Liên Hoa Tạng. Nghĩa của từ Tỳ Lô Giá Na là ánh sáng rực rỡ chiếu khắp mọi nơi, hình dung trí tuệ của Phật như ánh sáng của mặt trời chiếu sang khắp 10 phương. Phật Tỳ Lô Giá Na đã trải qua hằng ha sa số kiếp tu hành, chứng được Vô Thượng Bồ Đề, cư trú trong thế giới Hoa Tạng, thiền toạ ngay ngắn trên đoá hoa sen. Muôn vạn hoá thân của Phật đồng thời có mặt trong vô vàn thế giới để thuyết pháp. Phật Thích Ca Mâu Ni cũng là 1 hoá thân của Phật Tỳ Lô Giá Na, đang thực hiện việc giáo hoá chúng sanh ở thế giới Sa Bà.
- Phật Tỳ Lô Giá Na và Phật Lư Xá Na đều chỉ là 1 vị Phật, nhưng do cách phiên dịch từ tiếng Phạn khác nhau. Do vậy, 1 số tông phái ở Trung Quốc đã xem đây là 2 vị Phật khác nhau. Hiện tại phần lớn dựa vào thuyết pháp của phái Thiên Thai Tông cho rằng: Phật Tỳ Lô Giá Na là thanh tịnh pháp thân Phật, Lư Xá Na là viên mãn Báo thân Phật, Phật Thích Ca Mâu Ni là 1 trong ức vạn hoá thân của Phật.
- Thế giới Hoa Tạng nghĩa là thế giới nằm trong bông hoa sen. Đây là 1 thế giới vô cùng trang nghiêm và mĩ lệ, cũng là 1 Tịnh độ bất khả tư nghì trong Phật giáo.
- Căn cứ vào sự kí tải của Hoa Nghiêm Kinh, pháp thân của chư Phật là Nhất chân thế giới. Trong Nhất Chân Thế Giới có vô vàn biển nước thơm, có 1 bể nước thơm là Phổ Quang Ma Ni trang nghiêm, là do vi trần số phong luân trên núi Tu Di cai quản. Trên Phổ Quang Ma Ni trang nghiêm có 1 bông sen lớn gọi là “chủng chủng quang minh nhuỵ hương trảng” (các loại nhuỵ hoa thơm mang ánh sáng rực rỡ). Biển thế giới Hoa Tạng trang nghiêm nằm trên 1 bông sen lớn, nó được tạo thành từ vô số những thế giới nhỏ, do vậy, được gọi là thế giới tạng trong hoa sen hoặc là THẾ GIỚI HOA TẠNG.
- Biển thế giới Hoa Tạng vô cùng trang nghiêm, đỉnh núi do Uy Đức Bảo Vương tạo nên, nước thơm nhiều như sông, các thứ bảo ngọc nhiều như rừng cây, hoa cỏ thơm đầy mặt đất. Những bộ phận trong thế giới này đều được cấu tạo từ kim cương kiên cố, rắn chắc, thanh tịnh và bằng phẳng. Mỗi biển nước thơm được cấu thành từ các con sông nước thơm nhỏ, bờ sông đều bằng kim cương, dùng ngọc tịnh quang ma ni làm đồ trang trí.
VỊ LAI ĐẢN SANH PHẬT DI LẶC TÔN
Nam Mô Long Hoa Giáo Chủ Di Lặc Từ Thị Tôn Phật
- Nụ cười của Bồ Tát Di Lặc là nụ cười hoan hỷ bất diệt, tâm hồn của Bồ Tát Di Lặc là tâm hồn bao dung không bờ bến.
- Bồ Tát Di Lặc là biểu tượng đẹp đẽ của đức tính hỷ xả. Ngài đã mang đến nụ cười an lạc làm cho chúng ta quên đi những sầu não trong thế giới này.
- Đây là Đức Phật tương lai Ngài sẽ đến thế giới này, hiệu là Di Lặc, hiện giờ Ngài đang tu và giảng dạy đạo lý ở nội viện Cung Trời Đâu Suất. Khi giáo pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu NI không còn 1 thời gian lâu dài ở thế giới này nữa, lúc đó Đức Di Lặc mới đến thế giới này, cũng làm những việc mà Đức Thích Ca đã làm. Ngài đến thế giới này tên là A Dật Đa, Ngài tu hành sẽ thành đạo dưới cội Long Hoa, nên chúng sanh lúc bấy giờ gọi là Hội Long Hoa.
- Ngày một tháng Giêng đầu năm Âm lịch theo truyền thống Phật giáo Bắc tông là ngày vía của Đức Phật Di-lặc, vị Bồ-tát đã được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thọ ký trở thành vị Phật tương lai. Thế nên đối với người Phật tử, chào mừng một năm mới cũng có nghĩa là chào mừng nhau trong niềm tin và hy vọng rằng một vị Phật sẽ sớm ra đời mang lại hạnh phúc và an lành cho muôn loài chúng sinh. Di-lặc tiếng Phạn là Maitreya (Sanskrit), Metteyya (Pāli), còn Phật giáo Tây Tạng thì gọi là Jampa. Người Trung Hoa dịch là Từ Thị hay Từ Tôn tức là người tu tâm Đại Từ. Một số kinh sách Đại thừa còn gọi Ngài bằng một danh hiệu khác là Ajita Bồ-tát (phiên âm là A-dật-đa, Hán dịch là Vô Năng Thắng), nhưng tựu trung khi nói đến Phật Di-lặc là nói đến vị Phật của Đại Từ Bi, Đại Hoan Hỷ. Một điểm đáng chú ý là trong khi Phật giáo Nam tông rất “dị ứng” với ý niệm Bồ-tát, họ chỉ xem tiền thân của Đức Phật Thích Ca khi chưa thành Phật là Bồ-tát còn những vị Bồ-tát Đại thừa khác, theo họ chỉ là những nhân vật hư cấu, tuy nhiên ở đây, Bồ-tát Di-lặc đều đã được cả hai truyền thống Nam, Bắc tông kính ngưỡng, tôn thờ.
- Trong Kinh “Phật Thuyết Quán Di-lặc Bồ-tát Thượng Sinh Đâu-suất Thiên”, Đức Phật Thích Ca đã hé mở cho chúng ta biết rằng Bồ-tát Di-lặc hiện đang ở cung trời Đâu-suất và đang giảng dạy pháp môn Duy thức. Điều này cho phép chúng ta suy đoán rằng, trong tương lai Đức Phật Di-lặc chắc chắn cũng sẽ dùng pháp môn Duy thức để độ chúng.
- Duy thức là khoa học về Tâm, mà “Tâm dẫn đầu các pháp”, thế nên không có một pháp môn nào thích hợp hơn cho thời đại Di-lặc bằng Duy thức. Bởi vì một điều rất phù hợp với luận lý là, sự tiến bộ của khoa học luôn luôn đi song song với sự tiến bộ về mặt tâm linh. Khoa học ngày nay đang bước vào ngưỡng cửa nghiên cứu về Tâm, đến thời đại Di-lặc chắc chắn sẽ đạt được những thành tựu cụ thể và con người của thời đại này chắc chắn cũng sẽ đạt được những tiến bộ nhất định về mặt tâm linh. Tâm quan trọng như thế, thế nên Kinh nói,“Tam giới duy tâm”- ba cõi duy chỉ là một tâm. Mở được cánh cửa vào Tâm tức là mở được cánh cửa vào vạn pháp, đạt đến chứng ngộ, giải thoát một cách nhanh chóng. Đức Phật Di-lặc sẽ giúp con người của thời đại này tháo gỡ những vướng mắc cuối cùng về Tâm để đạt đến chân lý. Những lời thuyết giảng của Ngài sẽ là sấm sét làm nổ bùng trí tuệ của những ai đang mấp mé bên bờ giác ngộ, đưa họ nhập quả vị Thanh văn. Thế nên trong suốt cả ba kỳ của Pháp hội Long Hoa, những người được Ngài độ thoát đều nhập quả vị Thanh văn một cách nhanh chóng. Đó là chức năng của vị Phật tương lai Di-lặc.
- Nam Mô Long Hoa Giáo Chủ Đương Lai Hạ Sanh Di-lặc Tôn Phật.
Ngoài ra còn tôn trí thêm những linh thú hầu chư Thánh, Chư Bồ Tát, Chư Phật như : Voi thần, Sư tử, Nai thần, Lân thần, Long thần,Rắn thần... Hoa Sen, Kinh Luân Phật, Tràng Phan, Bảo Cái, ...Tôn Trí Ngôi Chánh Điện của Phật Thất Thờ Tự Tại Gia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét