Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2021

Xưng Tụng Công Đức Phật Tiên Thánh Thần





THIÊN THỨ BA
BÀI XƯNG TỤNG CÔNG ĐỨC

PHẬT TIÊN THÁNH THẦN



I/.Kinh văn

II/.Nguồn gốc và ý nghĩa

III/.Chú giải






I.-KINH VĂN:


BÀI XƯNG TỤNG CÔNG ĐỨC

PHẬT TIÊN THÁNH THẦN

Hào quang chiếu chín từng mây bạc,

Thần, Thánh, Tiên thừa hạc cỡi rồng.

Phép linh thiệt rất chí công,

Hóa sanh muôn vật, ngưỡng trông phước đời.

Trên Điện Ngọc Vua Trời ngự giáng,

Trước đền vàng phán đoán phân minh.

Cõi trần trung giái thinh thinh,

Phàm gian lao khổ đao binh tai nàn.

Lòng Trời cảm cứu an lê thứ,

Độ chúng sanh muôn xứ gội ơn.

Đạo Nho truyền dạy nghĩa nhơn,

Văn Tuyên Khổng Thánh khuyến dân răn đời.

Ghi các sách ngàn lời để lại.

Chép nhiều thơ vạn đại truyền ra.

Tây phương cõi Phật chói lòa,

Từ bi Phật Tổ hải hà độ dân.

Lòng cảm xót dương trần lận đận.

Ra oai linh tiếp dẫn nhơn cầm.

Phổ Đà có Phật Quan Âm,

Ra công cứu thế, ân thâm đức dày.

Nhiều kiếp đã đầu thai biết mấy,

Xuống hồng trần khuyến dạy thương sanh.

Lão Quân ứng hóa Tam thanh,

Khuyến răn nhơn vật lòng lành chớ xao.

Cơ huyền diệu Đạo Cao minh chánh,

Hiển phép mầu ma lánh quỉ kiêng.

Trừ yêu có Thánh Tề Thiên,

Qui y Phật pháp ở miền Tây phương.

Oai bốn hướng Thần nhường quỉ sợ,

Đức ba giềng tế trợ thương sanh,

Hớn trào Quan Thánh bia danh,

Trung can nghĩa khí háo sanh giúp đời.

Tuần ba cửa, cõi Trời đều dụng,

Xét bốn phương, dân chúng dữ lành.

Linh Tiêu Thái Bạch Trường Canh,

Truyền tâu Đế Khuyết dữ lành nhơn gian.

Chí từ huệ giúp an lê thứ,

Thông rõ đời nhơn sự kiết hung.

Đại Tiên ở chốn Thiên cung,

Lòng lành thi phú thung dung độ người.

Ánh Xá lợi sáng ngời Cực Lạc,

Hiển kim thân Bồ Tát hóa duyên.

Thiên cung: Tinh Tú, Thánh, Tiên,

Địa kỳ: Thần Tướng đàn tiền giáng lâm.

Lòng sở vọng lâm dâm tụng niệm,

Xin giải nàn Nam Thiệm Bộ Châu.

Chúng sanh cảm đức cao sâu,

Rèn lòng, sửa nết, lo âu làm lành.



II.-NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA:



Bài Xưng Tụng Công Đức Phật Tiên Thánh Thần do Đức Thái Thượng Lão Quân giáng cơ vào đầu năm Ất Sửu, 1925, tại đàn cơ Minh Lý Đạo (Tam Tông Miếu). Sau đó Đức Nhiên Đăng Cổ Phật tiếp ban cho tám câu cuối của bài kinh. Như vậy, bốn mươi câu đầu do Thái Thượng giáng cơ, tám câu cuối cùng do Nhiên Đăng Cổ Phật tiếp ban cho trọn bài, mà khi xưa bên Tam Tông Miếu gọi là bài Xưng Tụng Công Đức.

Đến khi mới khai sáng nền Đại Đạo, Đức Chí Tôn dạy Hội Thánh cử một phái đoàn gồm bốn người: Đức Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung, Giáo Sư phái Thượng Vương Quang Kỳ, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, Đức Thượng Phẩm Cao Quỳnh Cư đến chi Minh Lý để thỉnh sáu bài kinh, trong đó có bài kinh này về làm kinh của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Sáu bài kinh đó là:

- Niệm Hương.

- Khai Kinh.

- Kinh Sám Hối (Tức Kinh Nhơn Quả).

- Bài Khen Ngợi Kinh Sám Hối.

- Kinh Cầu Siêu.

- Bài Xưng Tụng Công Đức Phật Tiên Thánh Thần.

Ý nghĩa như tựa bài kinh, nhằm mục đích để chúng sanh trong thời Tam Kỳ Phổ Độ tụng niệm hầu xưng tụng công đức Chí Tôn và các Đấng Phật Tiên Thánh Thần.



III.-CHÚ GIẢI:



Hào quang chiếu chín từng mây bạc,

Thần, Thánh, Tiên thừa hạc cỡi rồng.

Hào quang 毫 光: Ánh sáng rực rỡ tỏa ra từ các vật hay thân các Đấng Thiêng Liêng.

Chín từng: Do cửu trùng thiên 九 重 天: Chín từng trời.

Mây bạc: Mây trắng bạc.

Hạc 鶴: Một loài chim có chân cao, cổ dài, da đỏ, lông trắng. Hạc là loại chim sống lâu, có thể sống ngoài ngàn năm. Theo Hàn thi ngoại truyện, thì loại hạc vàng có thể bay rất xa, mỗi lần cất cánh thì có thể bay hàng muôn dặm, vì thế những linh hạc được các vị Thần Tiên dùng để cỡi hay kéo xe vân du trong các cõi giới. Trong bài Kinh Niệm Hương có viết:

Xin Thần, Thánh ruổi dong cỡi hạc,

Xuống phàm trần vội gác xe tiên.

Thừa 乘: Cỡi, như thừa xa 乘 車 là cỡi xe, thừa long 乘 龍 là cỡi rồng.

Rồng: Là long 龍, một loại thủy tộc có kích thước rất lớn, theo truyện thần thoại thì mình rồng dài trọn một dãy núi và khoanh tròn lấp cả một hố sâu. Khi ẩn thì dấu mình trong mây mù, khi hiện thì nổi sấm chớp, trời rung đất chuyển. Rồng có đầu giống đầu đà, sừng giống sừng nai, cổ giống cổ rắn, bụng giống bụng giao long, mắt giống mắt thỏ, tai giống tai bò, chân giống chân cọp, móng giống móng chim ưng và vảy giống vảy cá ly. Rồng có thể sống dưới nước, ở đáy sông đáy biển (có cả một giang sơn riêng gọi là long cung) và cũng có thể bay khắp các tầng Trời, do đó thường được chư Tiên dùng làm vật để cỡi.

Rồng và chim hạc được các vị Tiên Thánh dùng để vân du khắp các thế giới và các Chơn linh đắc Đạo cỡi về cõi Đào Nguyên như lời trong kinh Cầu Bà Con Thân Bằng Cố Hữu Đã Qui Liễu viết:

Trụ nguyên tánh hồn linh nhàn lạc,

Cõi Đào nguyên cỡi hạc thừa long.

Câu 1: Hào quang chiếu sáng chín từng Trời màu mây bạc.

Câu 2: Các Đấng Thần, Thánh, Tiên cỡi chim hạc hoặc cỡi rồng.



Phép linh thiệt rất chí công,

Hóa sanh muôn vật, ngưỡng trông phước đời.

Phép linh: Phép thiêng liêng của Đức Chí Tôn, Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Chí công 至 公: Rất công bình, tức là công bình một cách tuyệt đối.

Mọi việc nơi thế gian đều có tính cách tương đối: Từ luật pháp, luân lý đạo đức, sự ứng xử của con người đối với nhau chỉ có công bình một cách tương đối, vì mọi quan niệm, mọi phán xét đều bị thiên kiến, bị giới hạn của thời gian và không gian. Còn sự công bình nơi Thiêng Liêng thì tuyệt đối, không bị giới hạn bởi thời gian hay không gian, không bị thiên lệch, không bị khuất lấp...Để thể hiện sự công bình tuyệt đối của Thiêng liêng, nơi Toà Thánh Tây Ninh, trên cửa bước vào có đấp một bàn tay sơn màu trắng nắm cán cân, tượng trưng bàn tay Chí Tôn cầm cân công bình đo tội phước của chúng sanh. Do vậy, người ta còn gọi Đức Thượng Đế là Đấng Chí Công.

Hóa sanh 化 生: Biến hóa mà sinh ra.

Ngưỡng 仰: Trông ngóng.

Câu 3: Phép thiêng liêng của Đấng Tạo Hóa thực là rất công bình.

Câu 4: Sanh hóa ra muôn vật, ngưỡng trông nhiều điều phước đức cho cõi đời.



Trên Điện Ngọc Vua Trời ngự giáng,

Trước đền vàng phán đoán phân minh.

Điện Ngọc: Hay Ngọc điện 玉 殿: Cung điện bằng ngọc, nơi ngự triều của Đức Chí Tôn, gọi là Linh Tiêu Điện 靈 霄 殿, Ngọc Hư Cung 玉 虛 宮.

Vua Trời: Tức là Thiên Đế 天 帝, chỉ Đức Chí Tôn, Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Ngự giáng 御 降: Đức Chí Tôn ngự giáng xuống trần gian.

Hai câu trong Thánh thi hiệp tuyển được lấy làm liễn thờ Đức Chí Tôn nơi Thiên Bàn như sau:

Hạnh ngộ Cao Đài truyền Đại Đạo,

幸 遇 高 臺 傳 大 道

Hảo phùng Ngọc Đế ngự trần gian.

好 逢 玉 帝 御 塵 間

Đền vàng: Do chữ kim điện 金 殿, chỉ Đền của Đức Chí Tôn bằng vàng ròng.

Phán đoán 判 斷: Quyết định sau khi nhận xét.

Phân minh 分 明: Rõ ràng.

Câu 5: Trên Điện ngọc, Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế ngự giáng xuống.

Câu 6: Trước Đền vàng, Ngài xem xét rõ ràng và quyết đoán một cách phân minh.



Cõi trần trung giái thinh thinh,

Phàm gian lao khổ đao binh tai nàn.

Trung giái 中 界: Hay trung giới, là cõi ở giữa Hạ giới tức là cõi trần và Thượng giới tức là cõi Thiêng Liêng.

Thinh thinh: Mênh mông, rộng lớn.

Phàm gian 凡 間: Cõi phàm, cõi thế gian.

Lao khổ 勞 苦: Gian lao và khổ sở.

Đao binh 刀 兵: Gươm đao và binh lính, để chỉ thời giặc giả, chiến tranh.

Câu 7: Cõi trần gian và cõi trung giới rộng lớn thinh thinh.

Câu 8: Chúng sanh nơi cõi phàm chịu nhiều nỗi gian lao khổ sở do chiến tranh và tai nạn gây ra.



Lòng Trời cảm cứu an lê thứ,

Độ chúng sanh muôn xứ gội ơn.

Cảm 感: Tâm ứng với ngoại vật mà xúc động, mối rung động trong lòng.

Cứu an 救 安: Cứu giúp cho được yên ổn.

Lê thứ 黎 庶: Lê là màu đen. Thứ là đông đúc. Lê thứ: Dân đen đông đảo, chỉ chung dân chúng.

Muôn xứ gội ơn: Khắp mọi nơi nhận được nhiều ân huệ từ trên ban xuống.

Câu 9 và 10: Lòng của Đức Chí Tôn rất cảm thương lê thứ, nên độ chúng sanh khắp mọi nơi được yên ổn và gội nhuần ơn huệ của Ngài.



Đạo Nho truyền dạy nghĩa nhơn,

Văn Tuyên Khổng Thánh khuyến dân răn đời.

Đạo Nho: Tức là Nho giáo 儒 教, là một Đạo có từ trước khi Khổng Tử ra đời, nhưng phải nhờ đến Ngài, đạo Nho mới được phát huy để trở thành một học thuyết có hệ thống tư tưởng rõ ràng, biện giải các lẽ biến hóa của vũ trụ một cách khúc triết, qui định các nghi thức tế tự Trời đất quỉ Thần một cách minh bạch…Nho giáo còn được gọi là Khổng giáo.

Chữ Nho 儒 gồm một chữ nhân 人 là người, ghép với chữ nhu 需 là cần dùng hay chờ đợi. Vậy Nho có nghĩa là người cần dùng đến để giúp ích xã hội, hay người học giỏi chờ đợi người ta biết đến tài mình để đem hết sở năng mình ra giúp ích cho đời. Người đi học đạo của Thánh hiền để thông suốt lẽ Trời, đất, con người để đem thực hành ở xã hội, làm lợi ích quốc gia, xã hội, gọi là Nho gia, hay Nho sĩ.

Nghĩa nhơn 義 仁: Hai điều quan trọng trong Nho giáo, cũng là tôn chỉ của Đạo Cao Đài.

Hai chữ Nhơn nghĩa đại ý:

Nhơn là lòng thương người, là từ bi, bác ái.

Nghĩa là công bình chánh trực.

Trước mặt tiền của ngôi Tòa Thánh có đề hai chữ Nhơn Nghĩa, nhằm cho biết đạo lý của con người từ căn bản nhơn nghĩa mà phát huy ra làm cho nhân sinh được thuận hòa, an lạc, xã hội thanh bình, hạnh phúc.

Văn Tuyên 文 宣: Tên thụy của Đức Khổng Tử do các vị vua Trung Hoa đời trước truy tặng cho

- Năm Khai Nguyên thứ 27 (739), vua Đường Huyền Tông truy phong làm “Văn Tuyên Vương 文 宣 王”.

- Năm Đại Trung Tường Phù nguyên niên (1008), vua Tống Chân Tông gia thụy là “Đại Thánh Văn Tuyên Vương 大 聖 文 宣 王”.

- Năm Đại Đức thứ 10 (1306), vua Nguyên Thành Tông gia hiệu “Đại Thành Chí Thánh Văn Tuyên Vương 大 成 至 聖 文 宣 王”.

- Năm Gia Tĩnh thứ 9 (1530), Minh Thế Tông phong làm “Chí Thánh Tiên Sư 至 聖 先 師”.

- Năm Thuận Trị thứ 2 (1645), Thanh Thế Tổ phong làm “Đại Thành Chí Thánh Văn Tuyên Vương Tiên Thánh Sư 大 成 至 聖 文 宣 王 先 聖 師”

Khổng Thánh 孔 聖: Tức Đức Khổng Tử.

Khổng Tử, người làng Xương Bình, huyện Khúc Phụ, nay thuộc phủ Duyện Châu, tỉnh Sơn Đông bên Tàu. Thân phụ Ngài là Thúc Lương Ngột làm quan võ, mẹ Ngài là Bà Nhan Thị. Ngài sinh vào mùa đông tháng mười năm Canh Tuất là năm thứ 21 đời vua Linh Vương nhà Châu, tức là năm 551 trước Tây Lịch. Vì có cầu tự trên núi Ni Khâu, cho nên sinh ra Ngài mới đặt tên là Khâu 丘, tên tự là Trọng Ni 仲 尼.

Khi Đức Khổng Tử lên ba tuổi, thân phụ Ngài mất, nhờ mẹ nuôi nấng và dạy dỗ nên người. Lớn lên Ngài là người học Nho, nên rất trọng về lễ nghi và những phép tắc của các Đế Vương đời trước.

Ngài có ra làm quan cho nước Lỗ, nhưng thấy vua mê nữ sắc bỏ phế việc triều chính, Ngài bèn từ quan mà đi chu du liệt quốc chư hầu, mong tìm vị minh quân để phò tá, nhân đó xiển dương Thánh Đạo.

Cuối cùng, Ngài thất vọng phải trở về nước Lỗ mở trường dạy học và san định lục kinh. Lúc Ngài viết quyển kinh Xuân Thu vừa xong, có tin người thợ săn bắt được một con kỳ lân què chơn trái, Ngài thắc mắc “Kỳ lân ra làm gì thế?”. Ít hôm sau nghe tin kỳ lân bị giết chết, Ngài bưng mặt khóc mà than rằng : Đạo Ta cùng vậy (Ngô Đạo cùng hỹ 吾 道 窮 矣). Ngài mất vào đời vua Ai Công nước Lỗ, tháng tư, ngày kỹ sửu thọ được 73 tuổi.

Khuyến dân răn đời: Khuyên dạy dân chúng, răn cấm người đời.

Câu 11: Nho giáo đem điều nhơn nghĩa để truyền dạy cho con người.

Câu 12: Đức Khổng Thánh, Văn Tuyên Vương chu du khắp nước để khuyến dân răn đời.

Người ta thường nói Nho giáo là một đạo đem điều nhơn nghĩa để truyền dạy cho người đời biết đường đạo đức mà ăn ở và hành động cho hợp lẽ Trời.

Khổng Tử là người theo đạo Nho cho nên những tư tưởng và sự học tập của Ngài cốt đem đạo Thánh Hiền ra thực hành trong dân chúng, hầu làm ích lợi cho nhơn quần xã hội. Do vậy, Ngài mới chu du khắp nước, mong muốn ra làm quan để đem cái đạo của mình khuyến dạy nhơn dân và cải tạo đời sống cho con người.



Ghi các sách ngàn lời để lại.

Chép nhiều thơ vạn đại truyền ra.

Ghi các sách: Ghi chép và san định các kinh sách.

Sách của Khổng Tử soạn ra có sáu bộ, đời sau gọi Lục kinh. Sau khi Ngài mất rồi, những sách của Ngài bị mất mát theo và nhứt là bị đời nhà Tần đốt đi nên bị mất nhiều. Sau này hậu Nho góp nhặt và phụ họa vào thành ra Ngũ kinh 五 經: Kinh Dịch, Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Lễ, Kinh Xuân Thu.

Ngoài ra, học trò của Ngài và người đời sau còn viết để lại nhiều sách khác, trong đó có Tứ thư: Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ và Mạnh Tử…

Thơ: Hay Thư 書, nghĩa là sách.

Vạn đại 萬 代: Muôn đời.

Câu 13 và 14: Ngài ghi các kinh sách để lại với ngàn lời dạy khuyên của các Thánh hiền xưa, hầu lưu truyền muôn đời về sau.

Sau khi Đức Khổng Tử mất, một số môn sinh của Ngài như Tăng Sâm, Tử Hạ, Tử Trương, Trọng Cung…theo gót Ngài mở trường dạy học, do đó mà tư tưởng trong lục kinh lần lần truyền bá và đi sâu vào tâm hồn của dân chúng, trong số đệ tử đó có Tăng Sâm, là người có công đem cái lý nhứt quán của Ngài viết trong quyển Đại Học để vạch ra mục đích của Khổng giáo.

Còn một số môn sinh khác ra làm quan để thi hành đạo của thầy và chủ trương lấy đức trị dân thành một lý tưởng chính trị, gọi là nhân trị hay vương đạo.

Một số môn đệ khác ghi chép lại những lời đàm đạo, hay dạy khuyên của Khổng Tử để truyền lại cho học trò hay con cháu. Rồi sau này có người gom những lời châm ngôn đó lại thành bộ Luận ngữ.

Kể từ khi Đức Khổng Tử mất, bốn trăm năm sau Sử gia nhà Hán là Tư Mã Thiên đã xuy tụng công đức Ngài như sau: Các quân vương, hiền nhân trong thiên hạ không phải là ít, còn sống thì vinh quang, chết rồi là hết. Duy có Khổng Tử là người áo vải, tới nay đã trên mười đời, vẫn được các Nho gia tôn sùng. Ở Trung Quốc, từ bậc thiên tử vương hầu trở xuống, hễ bàn tới lục nghệ đều lấy Ngài làm tiêu chuẩn. Ngài thật là bậc Chí Thánh.



Tây phương cõi Phật chói lòa,

Từ bi Phật Tổ hải hà độ dân.

Tây phương cõi Phật: Là cõi Phật ở Tây phương, tức là Cực Lạc Thế Giới, một cõi do Đức Phật A Di Đà chưởng quản. Cõi này ở về phía tây đối với Ta Bà Thế Giới, nên còn được gọi là Tây phương Cực Lạc 西 方 極 樂.

Chói lòa: Chiếu sáng lòa.

Phật Tổ 佛 祖: Đức Thích Ca Mâu Ni là vị tổ sáng lập ra Phật giáo nên gọi là Phật tổ.

Thích Ca Mâu Ni 釋 迦 牟 尼 là một vị thái tử ở nước Ca ty la (Kapilavastu) Trung Ấn Độ, phụ hoàng tên là Tịnh Phạn, mẫu hoàng tên là Ma Da. Ngài tên là Tất Đạt Đa (Siddhartha). Còn chữ Thích Ca (Sakya) là tên một chủng tộc, dịch là Năng nhơn. Mâu Ni là tiếng khen ngợi dịch là Tịch Mặc.

Lúc nhỏ Ngài có trí sáng suốt và có tài năng phi thường. Lớn lên Ngài thấy chúng sanh khổ não, thế gian vô thường, nên Ngài quyết chí tu hành, tìm đường giải thoát cho chính bản thân mình (tự độ), và cho hầu hết chúng sanh (tha độ) lên bờ giác ngộ.

Ngài thành Đạo dưới gốc cây bồ đề và trải 45 năm truyền pháp độ sanh, Ngài nhập Niết bàn lúc 80 tuổi.

Hải hà 海 河: Biển và sông, ý chỉ lòng rộng rãi lớn lao như sông biển.

Câu 15: Cõi Cực Lạc ở Tây phương có ánh hào quang chiếu sáng rực rỡ.

Câu 16: Đức Phật tổ, Thích Ca Mâu Ni có lòng từ bi rộng lớn như sông biển để cứu giúp chúng sanh.



Lòng cảm xót dương trần lận đận.

Ra oai linh tiếp dẫn nhơn cầm.

Cảm xót: Cảm động và xót thương.

Dương trần 陽 塵: Chỉ thế gian, cõi của nhơn loại sống.

Lận đận: Trắc trở và vất vả khó khăn.

Oai linh: Hay uy linh 威 靈, là uy quyền thiêng liêng. Tiếp dẫn 接 引: Tiếp rước và dẫn dắt.

Nhơn cầm 人 禽: Loài nguời và loài chim.

Câu 17: Lòng của chư Phật cảm thương cho dân chúng sống ở Dương trần chịu nhiều chật vật, vất vả.

Câu 18: Nên Đức Phật lấy oai quyền thiêng liêng để tiếp dẫn nhơn loại và cầm thú.



Phổ Đà có Phật Quan Âm,

Ra công cứu thế, ân thâm đức dày.

Phổ Đà 普陀: Hay Phổ Đà Sơn 普 陀 山, là núi Phổ Đà, ngụ xứ của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát.

Quan Thế Âm là vị Bồ Tát có lòng đại từ đại bi, ý muốn cứu khổ tất cả chúng sinh, Ngài lại là Đấng có phép thần thông biến hóa, nên lúc nào Ngài cũng có mặt ở khắp mọi nơi, mỗi khi có người thành tâm cầu nguyện. Vì thế, nhiều Kinh đã ký tải về nơi ngụ xứ của Ngài khác nhau:

Theo Kinh A Di Đà: Ngài ở Tây phương Tịnh độ.

Theo Kinh Hoa Nghiêm sớ: Ngài ở núi Bồ Đà Lạc ở biển Nam Hải.

Theo Kinh Quán Thế Âm Bồ Tát Cứu Khổ: Ngài ở núi Phổ Đà, tỉnh Triết Giang Trung Quốc.

Quan Âm: Hay Quan Thế Âm 觀 世 音, là một vị Bồ Tát lắng nghe âm thanh của thế gian, có nghĩa là Ngài quán xét tiếng kêu đau khổ của chúng sanh thì Ngài đều đến cứu giúp hóa độ.

Trong Kinh Pháp Hoa có câu: Khổ não chúng sinh, nhất tâm xưng danh, Bồ Tát tức thì quan kỳ âm thanh, giai đắc giải thoát. Dĩ thị danh Quan Thế Âm 苦 惱 眾 生, 一 心 稱 名, 菩 薩 即 時 觀 其 音 聲, 皆 得 解 脫, 以 是 名 觀 世 音.

Nghĩa là chúng sanh bị khổ não mà nhất tâm niệm đến tên Bồ Tát, tức thì Ngài xem âm thanh của chúng sanh mà độ cho được giải thoát. Vì thế nên gọi Ngài là Quán Thế Âm. Người đời thường gọi tắt Ngài là Quan Âm.

Ngài còn có hiệu là Quán Tự Tại Bồ Tát, có nghĩa là quán chiếu thâm sâu, giác ngộ tự tại mà cứu độ chúng sinh.

Đức Quán thế Âm có phép thần thông quảng đại, thường hay biến hiện nhiều sắc tướng để cứu giúp chúng sanh, nên người đời thường thờ Ngài bằng nhiều tượng khác nhau.

-Thiên thủ thiên nhãn Quan Thế Âm Bồ Tát 千 手 千 眼 觀 世 音 菩 薩 tượng có nghìn tay nghìn mắt.

-Quan Âm Nữ Phật 觀 音 女 佛: Tượng là một người phụ nữ, cho nên còn gọi là Phật Bà Quan Âm, do hai sự tích: Quan Âm Diệu Thiện và Quan Âm Thị Kính.

Trong nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Quan Thế Âm là một tướng nữ, tượng trưng cho tình thương của một bà mẹ hiền, đứng trên hoa sen, tay cầm cành dương liễu để tiếp dẫn chúng sanh và bình nước cam lồ để rưới tắt các phiền não. Trụ Xứ của Ngài là Nam Hải, nên còn được gọi Nam Hải Quan Âm hay Thường Cư Nam Hải Quan Âm Như Lai. Ngài được Đức Chí Tôn phong làm Nhị Trấn Oai Nghiêm Thường Cư Nam Hải Quan Âm Như Lai để đại diện cho Phật trong thời Tam Kỳ Phổ Độ.

Bát Nương có giáng cơ cho biết về Đức Quan Âm như sau: “Dưới quyền của Phật Mẫu có Cửu Tiên Nương trông nom về cơ giáo hóa cho vạn linh, còn ngoài ra có hằng hà sa số Phật trông nom về cơ Phổ Độ mà Quan Thế Âm Bồ Tát là Đấng cầm đầu. Quan Thế Âm Bồ Tát ngự tại Cung Nam Hải, ở An Nhàn Động, còn Cung Diêu Trì thì ở tại Tạo Hóa Thiên”.

Sau đây là bài Thánh thi của Đức Quan Âm Như Lai:

Khán đắc phù sinh nhứt thế không,

看 得 浮 生 一 世 空

Điền viên sản nghiệp diệc giai không.

田 園 產 業 亦 皆 空

Thê nhi phụ tử chung ly biệt,

妻 兒 父 子 終 離 別

Phú quý công danh tổng thị không.

富 貴 功 名 總 是 空

Cổ ngữ vạn ban đô thị giả,

古 語 萬 般 都 是 假

Kim ngôn bá kế nhứt trường không.

今 言 百 計 一 場 空

Tiền tài thâu thập đa tân khổ,

錢 財 收 拾 多 辛 苦

Lộ thượng huỳnh tuyền lưỡng thủ không.

路 上 黃 泉 兩 手 空

(Quan Âm Như Lai)



DỊCH NGHĨA

Được thấy phù sinh vốn cõi không,

Ruộng vườn sự nghiệp cũng đều không.

Vợ con cha mẹ rồi ly biệt,

Danh lợi sang giàu rốt cũng không.

Lời cổ: Muôn điều toàn giả tạm,

Câu nay: Trăm kế một trường không.

Tiền tài gom góp nhiều lao khổ,

Nẽo đến Suối Vàng, tay sạch không.

(Thiên Vân dịch)

Cứu thế 救 世: Cứu giúp người đời.

Ân thâm 恩 深: Ơn sâu nặng.

Đức dày: Đức sâu dày.

Ân thâm đức dày: Ơn đức sâu dày.

Câu 19 và 20: Quan Thế Âm là vị Bồ Tát ở Phổ Đà Sơn, biển Nam Hải, Ngài ra công cứu giúp người đời, ơn đức thật sâu dày.



Nhiều kiếp đã đầu thai biết mấy,

Xuống hồng trần khuyến dạy thương sanh.

Nhiều kiếp đã đầu thai: Đức Quan Âm chiết Chơn linh xuống đầu thai nhiều kiếp ở cõi trần.

Hồng trần 紅 塵: Bụi màu đỏ, chỉ cõi trần gian.

Thương sanh 蒼 生: Thương là màu xanh. Sanh là sinh ra. Thương sanh: Nói về cây cỏ mọc lên. Chỉ ân đức của vua bao trùm khắp nơi cho đến loài cây cỏ.

Về sau người ta mượn chữ thương sanh (nơi mà ân đức vua lan tràn) để chỉ bá tánh.

Do đó chữ thương sanh đồng nghĩa với thương dân và bá tánh. (Hán Việt Từ Nguyên, Bửu Kế).

Câu 21 và 22: Quan Thế Âm Bồ Tát biết bao nhiêu kiếp đầu thai xuống hồng trần để khuyên răn dạy dỗ cho chúng sanh.

Trong lòng tín ngưỡng của chúng sanh, Đức Quán Thế Âm là một Đại Bồ Tát đã có lời phát nguyện “Tầm thinh cứu khổ”, tức là tìm những nơi nào có tiếng kêu cứu của chúng sanh khổ nạn thì Ngài sẵn sàng đến cứu độ.

Theo kinh điển Phật giáo, Đức Quán Thế Âm ở cõi Tây Phương Cực Lạc, Ngài là vị Bồ Tát có đại thần thông, biến hóa thành nhiều hóa thân khác nhau như Thập nhất diện Quán Âm, Thiên thủ thiên nhãn Quán Âm… Ngài cũng là vị Bồ Tát chiết Chơn linh giáng trần rất nhiều kiếp để tùy duyên cứu độ và khuyến dạy chúng sanh nơi cõi hồng trần này.

Đối với người Việt Nam, Ngài là vị Bồ Tát thể hiện nữ thân, biểu hiện cho tình thương của một người mẹ hiền, luôn hy sinh vì những nỗi khổ đau của chúng sanh: Đó là Quan Âm Thị Kính hay Quan Âm Diệu Thiện ở Phổ Đà Sơn.



Lão Quân ứng hóa Tam thanh,

Khuyến răn nhơn vật lòng lành chớ xao.

Lão Quân 老 君: Tức là Thái Thượng Lão Quân.

Thái Thượng Đạo Quân 太 上 道 君: Còn gọi là Thái Thượng Đạo Tổ, Thái Thượng Lão Quân, là Giáo chủ Tiên giáo. Đức Thái Thượng Lão Quân là do khí Tiên Thiên hóa sanh ra.

Thái Thượng Đạo Tổ có một kiếp giáng trần nhằm ngày rằm tháng hai vào năm 604 trước Công nguyên. (Đời nhà Thương bên Trung Hoa), được gọi là Lão Tử.

Theo sử ký Tư Mã Thiên, Lão Tử là người nước Sở 楚, huyện Khổ 苦, làng Lệ 厲, xóm Khúc nhân 曲 仁, ở tỉnh Hồ Nam bây giờ.

Ngài họ Lý 李, tên là Nhĩ 耳, tự là Bá Dương 伯 陽, thụy là Đam 聃. Ngài làm quan giữ Tàng thất (Kho sách) ở Kinh đô Lạc Dương của nhà Châu.

Về gia thế thì sử sách không có nói đến, nhưng theo truyền thuyết thì nói rằng mẹ của Lão Tử mang thai Ngài có đến 80 năm mới sinh Ngài do hông bên trái dưới cội cây lý. Khi Ngài được sinh ra thì râu tóc dài và bạc trắng, mới gọi Ngài là Lão Tử. Lão Tử chỉ cây lý mà bảo rằng đó là họ của Ngài.

Ở tại Lạc Dương phía đông nhà Châu một thời gian lâu, sau thấy nhà Châu suy, nên Lão Tử cỡi trâu đi về hướng tây, khi đi đến cửa ải Hàm Cốc, quan lệnh là Doãn Hỷ 尹 喜. Biết Lão Tử là một Thánh nhân nên quan Doãn tôn Ngài là Thầy để xin theo học Đạo.

Lão Tử ở lại Hàm Cốc dạy Đạo cho Doãn Hỷ và soạn ra bộ sách nói về Đạo Đức, sách phân làm hai thiên, gồm có trên 5000 chữ. Sau này, quyển sách đó được gọi là “Đao Đức Kinh”.

Rồi từ đó, Lão Tử cỡi trâu đi về hướng tây mất dạng, người ta không biết Ngài đi về đâu.

Đức Lão Tử được vua Đường Cao Tông nhìn là thủy tổ, nên truy phong cho Ngài “Huyền Nguyên Hoàng Đế”.

Lão Tử là chơn linh của Đức Thái Thượng Đạo Quân hóa sinh ra, là giáo chủ của Đạo Tiên.

Ứng hóa 應 化: Biến hóa ứng hiện ra.

Tam thanh 三 清: Ba ngôi phẩm gồm Ngọc Thanh, Thượng Thanh, Thái Thanh. Ngọc thanh là nguyên tinh, thượng thanh là nguyên khí, thái thanh là nguyên thần, đây là tam bảo của bậc tu chơn.

Trong bài kinh Tiên Giáo có câu: “Đạo cao nhứt khí diệu hóa Tam Thanh” nghĩa là Đạo sinh từ một khí rất cao siêu , huyền diệu rồi biến hóa ra Tam Thanh.

Đạo Cao Đài thường dùng Tam Thanh để đối với Tam Giáo và tam sắc. Nên lá cờ của Đạo gọi là cờ Tam thanh, gồm ba màu đỏ, xanh, vàng.

Chức sắc Cửu Trùng Đài của Hội Thánh Cao Đài được chia là ba phái: Phái Ngọc, mặc Đạo phục màu đỏ, thuộc Nho giáo, ngươn tinh; phái Thượng, mặc Đạo phục màu xanh, thuộc Tiên giáo, ngươn khí; phái Thái, mặc Đạo phục màu vàng, thuộc Phật giáo, ngươn thần.

Nhơn vật 人 物: Người và vật.

Chớ xao: Chẳng nên xao lãng.

Câu 23: Đức Thái Thượng Lão Quân ứng hóa ra Tam thanh.

Theo Đạo Cao Đài, Đức Thái Thượng có thánh danh là Thái Thượng Đạo Tổ Tam Thanh Ứng Hóa Thiên Tôn.

Trong truyện Phong Thần, khi phá trận Tru Tiên, Lão Tử dùng huyền diệu nguơn khí biến hóa ra Tam Thanh, tức ba người là Ngọc Thanh, Thượng Thanh, Thái Thanh để xông vào ba cửa trận, cùng giúp Lão Tử đánh Thông Thiên Giáo Chủ. Tam Thanh đây cũng là ba sắc hào quang hay nguơn tinh, nguơn khí, và nguơn thần của Thái Thượng: Ngọc Thanh màu hồng, Thượng Thanh màu xanh, Thái Thanh màu vàng. Nhờ ứng hóa Tam Thanh mà Đức Thái Thượng Lão Quân mới phá tan được trận Tru Tiên của Thông Thiên Giáo Chủ.

Câu 24: Đức Ngài thường khuyên răn nhơn vật chẳng nên xao lãng lòng thiện lành.



Cơ huyền diệu Đạo Cao minh chánh,

Hiển phép mầu ma lánh quỉ kiêng.

Cơ huyền diệu 玄 妙 機: Chỉ Thiên cơ huyền diệu, hay máy Trời huyền diệu.

Minh chánh 明 正: Sáng tỏ và ngay thẳng.

Hiển phép mầu: Hiện ra pháp thuật mầu nhiệm.

Ma lánh quỉ kiêng: Ma xa lánh, quỉ kiêng sợ.

Câu 25: Đạo là máy Trời huyền diệu, sáng tỏ, chơn chánh.

Câu 26: Hiển hiện ra phép tắc nhiệm mầu khiến cho ma xa lánh quỉ kiêng sợ.



Trừ yêu có Thánh Tề Thiên,

Qui y Phật pháp ở miền Tây phương.

Thánh Tề Thiên: Tức là Tề Thiên Đại Thánh 齊 天 大 聖, một thạch hầu do một tảng đá trên Hoa Quả sơn thọ khí Âm dương của Trời đất mà sinh hóa ra. Thạch hầu lớn lên, tầm sư học đạo, thọ đặng phép thất thập nhị huyền công, nên rất thần thông quảng đại, được Thượng Đế phong làm Tề Thiên Đại Thánh. Sau đó, Đại Thánh quy y Phật pháp, làm môn đồ của Trần Huyền Trang, là một nhà sư đời nhà Đường và theo thầy đi thỉnh kinh ở Tây Trúc. Nhờ công đức này, Đại Thánh đắc quả Phật vị, đó là Chiến Đấu Thắng Phật.

Quy y Phật pháp 皈 依 佛 法: Quay về, trở về nương tựa vào Phật pháp

Do từ trước đến giờ bị vô minh mê hoặc, làm cho chúng ta đi con đường sai lầm và bị trói buộc trong đau khổ, nay nhờ Phật pháp mà thức tỉnh, giác ngộ trở về với con đường chánh, với sự giải thoát để được an lạc, đó là quy y Phật pháp.

Câu 27: Trừ diệt yêu ma quỉ quái thì có Đại Thánh Tề Thiên.

Câu 28: Ngài đã quy y theo Phật đạo và cùng thầy đi thỉnh kinh ở Tây phương.



Oai bốn hướng Thần nhường quỉ sợ,

Đức ba giềng tế trợ thương sanh,

Oai bốn hướng: Oai quyền của Quan Thánh vang dội khắp bốn phương.(Hai câu này giới thiệu uy danh và đức độ của Quan Thánh Đế Quân, mở đầu cho hai câu sau).

Thần nhường quỉ sợ: Thần Thánh còn nhường thua, ma quỉ còn khiếp sợ.

Ba giềng: Ba giềng mối, tức là tam cang của đạo Nho.

Tế trợ 濟 助: Cứu giúp.

Thương sanh 蒼 生: Dân chúng.

Câu 29: Uy danh của Quan Thánh trong khắp bốn phương, làm cho Thần Thánh phải nhường thua, quỉ ma phải khiếp sợ.

Câu 30: Đức của Ngài bền vững tam cang và đem lòng cứu giúp chúng sanh.



Hớn trào Quan Thánh bia danh,

Trung can nghĩa khí háo sanh giúp đời.

Hớn trào: Hay Hán triều 漢 朝, tức triều đại nhà Hớn. Đây nói triều Hớn trong thời Tam Quốc.

Triều Hớn, đời vua Trung quốc kể từ Cao Tổ đời Tây Hớn đến Hiến Đế đời Đông Hớn, nhà Hớn trị nước hơn 400 năm.

Hớn Bái Công, tức Lưu Bang chém rắn khởi nghĩa tại đất Bái, cùng Sở Bá Vương Hạng Võ diệt Tần và giành thiên hạ.

Rồi sau, Lưu Bang diệt Sở dựng nên nhà Tây Hớn, đóng đô tại Trường an. Kế truyền được 11 đời (206 trước D.T. – 5 sau D.T.), đến đời Bình Đế bị quyền thần Vương Mãng giết và soán ngôi. Năm 22 sau D.T. vua Quang Võ phục nghiệp Hớn, dời đô qua Lạc Dương, gọi là Đông Hớn, truyền 12 đời. Đến Hiến Đế thì bị quyền thần Tào Phi, con của Tào Tháo, cướp ngôi (219 sau DT).

Quan Thánh 關 聖: Hay Hiệp Thiên Đại Đế Quan Thánh Đế Quân, là Tam Trấn Oai Nghiêm, đại diện Đức Khổng Thánh cầm quyền Nho giáo trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

Thế danh của Ngài là Quan Võ, sau đổi là Vân Trường, tục danh là Quan Công. Ngài sanh nhằm triều vua Hoài Đế, đời Đông Hán, quê quán tại Bồ Châu, tỉnh Sơn Đông Trung Quốc.

Sanh ra trong thời kỳ Hán thất suy vi, bên trong bọn hoạn quan chuyên quyền, bên ngoài giặc Huỳnh cân dấy lên tứ phía, Ngài tuy ham học, thích đọc kinh Xuân Thu, nhưng trước cảnh loạn lạc, Ngài đành châu du để tìm hào kiệt mưu cầu đại nghiệp.

Ngài kết nghĩa đào viên với hai người là Lưu Bị, tự Huyền Đức là anh cả, thuộc dòng dõi nhà Hán, và một người nữa là Trương Phi, tự Dục Đức, là em út.

Có lần Ngài bị Tào Tháo dụ phong cho chức Hán Thọ Đình Hầu, nhưng sau Ngài trả ấn. Quan Công cùng Trương Phi phò Lưu Bị lập nên nhà Thục, một nước trong tam quốc: Thục, Ngụy, Ngô.

Ngài lầm mưu của Lữ Mông mà bị bắt, rồi Ngô Quyền đem xử trảm, thọ 58 tuổi.

Bia danh: Cái danh tiếng lưu lại cho đời sau.

Ca dao Việt Nam có câu:

Trăm năm bia đá thì mòn,

Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.

Thời xưa có những lối văn như bi ký 碑 記 hay bi minh 碑 銘 dùng để khắc vào bia để kỷ niệm hoặc nói đến tiểu sử hay công nghiệp lưu lại cho đời sau, nên gọi là văn bia.

Trung can 忠 肝: Gan của người trung nghĩa, nói lên ý chí bất khuất của người có lòng trung.

Nghĩa khí 義 氣: Tinh thần ưa chuộng điều phải thể hiện ra ngoài.

Háo sanh: Hay hiếu sinh 好 生 là yêu thích sự sống, nghĩa là có lòng nhân ái, không muốn hại chết ai.

Câu 31 và 32: Quan Thánh lưu lại cái danh trung can nghĩa khí từ thời đại nhà Hớn cho đến nay và Ngài có lòng háo sanh nên thường hiển oai linh để cứu giúp người đời.

Quan Thánh Đế Quân, thế danh Vân Trường được phong là Hán Thọ Đình Hầu. Ngài là tướng của nước Thục, là một vị tướng rất trung can nghĩa khí. Đức Hộ Pháp có nói về Ngài như sau: “Tâm trung nghĩa chẳng vì sang mà theo Tào, chỉ chuộng Hán; nghĩa chẳng vì bạn buổi khổ não truân chuyên mà phụ rãy tình nhau, trung và nghĩa ấy hi hữu…Người sau có tặng cho Ngài đôi liễn: Chí tại Xuân thu, công tại Hán; trung đồng nhựt nguyệt, nghĩa đồng thiên”(1)

Khi Ngài hiển Thánh rồi, vì đức hiếu sinh và người có nghĩa khí nên Ngài thường ra công trừ yêu diệt quỉ, cứu độ sanh linh. Với quyền thiêng liêng và oai linh hiển hách đó Ngài đã được vạn linh tôn là Cái Thiên Cổ Phật. Chính Hộ Pháp nói về điều này như sau: “Bần đạo dám quả quyết Ngài không phải là thiên phong mà chính là người của vạn linh bầu cử. Cho nên Đức Chí Tôn mở Đạo là cơ quan hiệp nhứt vạn linh, để Đấng ấy là một trấn oai nghiêm đặng làm quan trạng sư cho vạn linh đạt kiếp”.



Tuần ba cửa, cõi Trời đều dụng,

Xét bốn phương, dân chúng dữ lành.

Tuần ba cửa: Tức là tuần tra 巡 查 ba cửa Trời.

Xét bốn phương: Xem xét dân chúng khắp bốn phương.

Câu 33: Nơi cõi Thiêng Liêng, Đức Lý Thái Bạch có nhiệm vụ tuần tra ba cửa Trời.

Câu 34: Ở thế gian, Ngài xem xét việc lành dữ của dân chúng khắp bốn phương.



Linh Tiêu Thái Bạch Trường Canh,

Truyền tâu Đế Khuyết dữ lành nhơn gian.

Linh Tiêu 靈 宵: Tức là Linh Tiêu Điện nơi Ngọc Hư Cung, nơi ngự triều của Đức Chí Tôn.

Thái Bạch Trường Canh 太 白 長 庚: Là một vì sao kim tinh, gọi là Thái Bạch Kim Tinh hay sao Trường Canh, cũng là một vị Tiên Trưởng thọ lịnh Đức Chí Tôn làm Nhứt Trấn Oai Nghiêm, cầm quyền Tiên Giáo trong thời Tam Kỳ Phổ Độ, kiêm Giáo Tông Đạo Cao Đài.

Ngài giáng linh nơi nước Trung Hoa là Lý Thái Bạch vào năm702 đời vua Trần Huyền Tông nhà Đường. Mẹ Ngài nằm mộng thấy sao Trường Canh hay sao Thái Bạch Kim Tinh sa xuống mình Bà, nên đặt tên là Lý Thái Bạch, gọi tắt là Lý Bạch.

Hồi được bảy tuổi, Lý Bạch chưa biết nói, nhưng khi bà mẹ bồng lên lầu, bổng nhiên Ngài ngâm được bốn câu thơ mà ý thực quái dị:

Nguy lâu cao bách xích

危 樓 高 百 尺

Thủ khả trích tinh thần

手 可 摘 星 晨

Bất cảm cao thanh ngữ,

不 敢 高 聲 語

Khủng kinh thiên thượng nhân.

恐 驚 天 上 人

DỊCH VẦN

Vòi vọi lầu trăm thước,

Vói tay hái được sao.

Chỉ e nói lớn tiếng,

Kinh động Tiên trên cao.

Lớn lên, Lý Bạch tướng mạo khôi ngô, cốt cách thanh kỳ, thông minh dĩnh ngộ. Lúc thiếu thời Ngài có tài văn chương, nổi tiếng là một thi gia, được người đương thời tặng danh hiệu là “Ông Tiên bị đày”(Thiên thượng trích Tiên nhân 天 上 謫 仙 人).

Lý Bạch có tên hiệu là Thanh Liên Cư Sĩ 青 蓮 居 士. Bản tính của Ngài không ham danh lợi, thích đi chơi khắp các danh thắng ở bờ sông Trường giang, giao du với những ẩn sĩ mà đời gọi là Trúc Khê lục dật.

Ngài được phong đến chức Hàn lâm học sĩ, nhưng vì không ham danh lợi, quyền tước, nên Ngài không chăm lo việc nước, mà chỉ uống ruợu ngâm thi mà thôi.

Vua Đường Huyền Tôn rất trọng Ngài, nhưng Ngài không như bọn phàm phu khác, chịu đem cái tài hoa của mình nịnh nọt bọn vương hầu, lại xin trở về hưởng nhàn. Có lần say ruợu Ngài ngâm nga chí của mình, coi đời như giấc mộng, bon chen làm chi cho cực lòng.

處 世 若 大 夢

Xử thế nhược đại mộng

胡 為 勞 其 生

Hồ vi lao kỳ sinh ?

所 以 終 日 醉

Sở dĩ chung nhật tuý,

頹 然 臥 前 楹

Đồi nhiên ngọa tiền doanh.

覺 來 眄 庭 前

Giác lai miện đình tiền,

一 鳥 花 間 鳴

Nhất điểu hoa gian minh.

借 問 此 何 日

Tá vấn thử hà nhật ?

春 風 語 流 鶯

Xuân phong ngữ lưu oanh.

感 之 欲 嘆 息

Cảm chi dục thán tức,

對 之 還 自 傾

Đối chi hoàn tự khuynh.

浩 歌 待 明 月

Hạo ca đãi minh nguyệt,

曲 盡 已 忘 情

Khúc tận dĩ vong tình.

(Lý Bạch--Xuân nhật túy khởi ngôn chí)
Dịch vần

Ở đời tựa giấc chiêm bao,

Làm chi mà phải lao đao nhọc mình.

Suốt ngày mượn chén khuây tình,

Say rồi nghiêng ngửa bên mành hàng ba.

Tỉnh ra trông mé trước nhà,

Một con chim hót trong hoa ngọt ngào.

Hỏi xem ngày ấy ngày nào,

Chim oanh ríu rít đón chào gió đông.

Thở than cảm xúc nỗi lòng,

Chuốc thêm ít chén say cùng cảnh vui.

Hát ngao chờ bóng trăng soi,

Ca vừa dứt khúc, đã nguôi mối tình.

(Trần Trọng Kim dịch)

Đế Khuyết 帝 闕: Đức Thượng Đế ngự trong tòa Bạch Ngọc Kinh, Huỳnh Kim Khuyết.

Câu 35: Nơi Linh Tiêu Điện có vị Đại Tiên là Lý Thái Bạch.

Câu 36: Ngài hằng xem xét việc lành dữ của nhơn sanh nơi cõi thế gian để truyền tâu với Đức Thượng Đế.



Chí từ huệ giúp an lê thứ,

Thông rõ đời nhơn sự kiết hung.

Từ huệ 慈 惠: Lòng thương yêu và nhân ái.

Lê thứ 黎 庶: Dân chúng, lê dân.

Nhơn sự 人 事: Người và việc.

Kiết hung: Hay cát hung 吉 凶, nghĩa là lành dữ.

Câu 37: Ngài có lòng thương yêu, nhân ái, nên có cái chí giúp cho dân chúng được yên ổn.

Câu 38: Ngài thông rõ việc đời và việc lành dữ của con người.



Đại Tiên ở chốn Thiên cung,

Lòng lành thi phú thung dung độ người.

Thiên cung 天 宮: Cung Trời, chỉ cõi Thiêng Liêng.

Thi phú 詩 賦: Hai lối văn vần: Thơ và phú, dùng để tiêu biểu cho các loại văn thơ.

Thung dung 從 容: Thư thái, thong thả.

Câu 39: Đức Lý Thái Bạch là một vị Đại Tiên ở chốn Thiên Cung.

Câu 40: Ngài có tấm lòng lành, nên thường dùng thi phú để dạy dỗ người đời.



Ánh Xá lợi sáng ngời Cực Lạc,

Hiển kim thân Bồ Tát hóa duyên.

Xá lợi 舍 利: (Sarira) hình hài, thân xác của các bậc Thánh Đắc Đạo hay Đức Phật Thích Ca, sau khi hỏa táng, xương cốt còn lại là những tinh thể rắn chắc và tròn hạt như những viên bi sáng, lóng lánh như ngọc, nên người ta gọi những tinh thể đó là Xá Lợi. Xá Lợi được thờ nơi Bửu Tháp.

Hạt Xá Lợi được gọi là Xá Lợi Tử.

Xá lợi tử còn là một từ ngữ đặc biệt dùng để chỉ cái chơn thần huyền diệu của những người luyện Đạo khi Tinh Khí Thần đã hiệp nhất đắc đạo thành Tiên, Phật. Chơn thần nầy bên tu Tiên gọi là Thánh thai hay Kim đơn, bên Phật thì gọi là Mu ni Bửu châu, Xá lợi tử.

Ánh xá lợi: Ánh hào quang phát ra từ Đức Phật.

Kim thân 金 身: Mình vàng, từ tôn quý để chỉ thân Đức Phật hay Bồ Tát.

Bồ Tát 菩 薩: Do Bodhisattva, trong đó Bodhi là giác ngộ. Sattva là chúng sanh. Người Trung Hoa dịch âm là Bồ Đề Tát Đỏa, dịch nghĩa là giác hữu tình.

Bồ Tát là bậc đã giác ngộ, nhưng không an hưởng Niết Bàn, mà cứ lặn lội trong ba cõi sáu đường để cứu độ chúng sanh. Bồ Tát là người đã tỉnh thức và đang giúp người khác tỉnh thức, là bậc đã chứng ngộ được Ngã không và Pháp không, nhưng chưa hoàn toàn. Đó là những vị Phật tương lai.

Hóa duyên 化 緣: Nhơn duyên giáo hóa.

Câu 41: Ánh hào quang tỏa sáng từ Đức Phật là rực rỡ cõi Cực Lạc Thế Giới.

Câu 42: Chư Bồ Tát hiện ra kim thân đi hóa độ những người có duyên lành với Phật đạo.



Thiên cung: Tinh Tú, Thánh, Tiên,

Địa kỳ: Thần Tướng đàn tiền giáng lâm.

Tinh tú 星 宿: Các ngôi sao, ở đây chỉ các vị Tinh quân, hay các vị Thần cai quan các ngôi sao.

Địa kỳ 地 祈: Thần đất.

Thần tướng 神 將: Các vị Thiên Thần, Thiên tướng.

Đàn tiền 壇 前: Trước đàn lễ.

Giáng lâm 降 臨: Giáng xuống.

Câu 43: Các vị Tinh Quân, các bậc Thánh Tiên ở trên cõi Thiên Cung.

Câu 44: Cầu xin các vị Thần đất, chư Thần tướng giáng lâm trước đàn lễ.



Lòng sở vọng lâm dâm tụng niệm,

Xin giải nàn Nam Thiệm Bộ Châu.

Sở vọng 所 望: Điều mà mình mong ước, trông đợi.

Lâm dâm: Lầm thầm, đọc nho nhỏ.

Tụng niệm 誦 念: Tụng đọc kinh và niệm danh các Đấng Phật, Tiên, Thánh, Thần.

Giải nàn: Hay giải nạn 解 難, là cởi bỏ tai nạn.

Nam Thiệm Bộ Châu 南 贍 部 洲: Một trong Tứ Đại Bộ Châu, gồm Đông Thắng Thần Châu 東 勝 神 洲, Tây Hạ Ngưu Châu 西 夏 牛 洲, Nam Thiệm Bô Châu 南 贍 部 洲 và Bắc Câu Lư Châu 北 俱 閭 洲. Địa cầu 68 của nhơn loại đang ở thuộc Nam Thiệm Bộ Châu.

Câu 45 và 46: Tụng kinh niệm Phật là lòng mong muốn giải hết tai nạn cho cõi Nam Thiệm Bộ Châu.



Chúng sanh cảm đức cao sâu,

Rèn lòng, sửa nết, lo âu làm lành.

Cảm đức cao sâu: Cảm cái ơn đức cao và sâu.

Lo âu: Lo lắng nghĩ ngợi.

Câu 47: Chúng sanh cảm cái ơn đức cao sâu của Đức Chí Tôn và các Đấng Thiêng Liêng.

Câu 48: Phải trau giồi tâm tu sửa tánh và lo lắng việc làm phải lành.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét