Thứ Tư, 13 tháng 1, 2021

THỜ CÚNG ÔNG BÀ TỔ TIÊN TẠI GIA



 


🌼THỜ CÚNG ÔNG BÀ TỔ TIÊN TẠI GIA :


🌼Trong đạo Phật, Cửu Huyền là khái niệm chỉ chín thế hệ của gia đình theo vòng luân hồi ,còn Thất Tổ là bảy đời của dòng họ. Đạo Phật quan niệm, mỗi con người, mỗi cuộc đời đều có sự luân hồi, nhân quả. Có người kiếp trước làm cha mẹ, kiếp sau đầu thai lại làm con cái của gia đình đó để đền đáp công ơn của người mình đã nợ kiếp trước. Cũng có người kiếp trước làm con cái, kiếp sau đầu thai lại làm ông bà để nhận lại những gì mình đã cho đi.

🌼Chính vì thế, việc thờ cúng Cửu Huyền Thất Tổ nhằm nhắc nhở con người ta sống đạo đức, biết kính trên nhường dưới để tích đức. Khi có sự tu tâm, tích đức, tự khắc gia đình sẽ có phúc, con cháu theo đó mà phát tài phát lộc.

🌼Việc thờ cúng cần sự thành tâm là chủ yếu, hình thức không thực sự quan trọng. Thờ phụng tổ tiên ông bà là một phong tục tập quán cổ truyền của người Việt Nam chúng ta. Ðây cũng còn là một truyền thống văn hóa hiếu đạo rất cao đẹp tuyệt vời của dân tộc ta.

🌼Vì dân tộc ta rất chú trọng đến việc lễ nghi thờ phụng, nhất là đối với vấn đề tri ân và báo ân. “Uống nước nhớ nguồn, hay ăn trái phải nhớ kẻ trồng cây”. Ðó là những lời khuyến nhắc răn dạy của tổ tiên. Ðạo làm con bao giờ chúng ta cũng phải nhớ đến cội nguồn.

🌼Cội nguồn đó là tổ tiên, ông bà, cha mẹ của chúng ta. Họ là những người đã dầy công giáo dưỡng chúng ta khôn lớn nên người. Thế nên, bổn phận làm con chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ công ơn sanh thành giáo dưỡng của ông bà cha mẹ hầu để lo báo đáp thâm ân trong muôn một. Bởi đó là một công lao to lớn mà ở thế gian nầy không gì có thể so sánh được. 

🌼Theo nguồn gốc hiếu đạo, có tổ tiên mới sanh ra ông bà và có ông bà mới sanh ra cha mẹ. Vì thế, đối với con cái phải lo phụng dưỡng ông bà cha mẹ khi còn sống và phải tôn thờ cúng kỵ khi người đã khuất bóng. Ðó là bổn phận của đạo làm con.

🌼Ý NGHĨA VỀ BỐN CHỮ “CỬU HUYỀN THẤT TỔ

🌼Đa số gia đình Việt Nam dù ở nông thôn, thành thị, nghèo hay giàu đều có bàn thờ tổ tiên hết sức tôn nghiêm đặt chính giữa căn nhà, trên khuôn kiếng lớn nổi lên hai màu đỏ vàng có viết 4 chữ Nho “Cửu huyền Thất tổ” 九玄七祖 chính giữa bàn thờ và hai câu đối hai bên: Tôn công thất tổ nghĩa cao thâm. Sùng đức cửu huyền ân thượng trọng 尊功七祖義高深. 崇 德九玄恩上重. Dù chưa biết cặn kẽ, nhưng nội dung không ngoài ý nghĩa: Có ông bà, cha mẹ mới có ta và… cây có cội nước có nguồn.

🌼Vậy thờ “Cửu huyền Thất tổ” là thờ những ai?

🌼Theo bài “Cửu huyền Cửu tộc” của Đào Hữu Chủ thì “Cửu huyền Thất tổ” là chỉ 7 vị tổ cách người cháu hiện tại (người chủ lễ) là 9 đời (tính luôn đời người cháu). Chữ “Huyền” ở đây có nghĩa là đã xa. Cháu đời xa là Huyền tôn, xa nữa gọi là Viễn tôn.

🌼Trong gia phả thường dùng: Gọi cụ tổ thứ nhất là Thủy tổ, con của thủy tổ là tổ thứ hai, cháu của thủy tổ là tổ thứ ba, tiếp tục đến tổ thứ 4, tổ thứ 5, tổ thứ 6, tổ thứ 7. Xếp ngược lại, ông nội của chủ lễ là tổ đời thứ ba, cụ nội của người chủ lễ là tổ đời 4, kỵ nội của người chủ lế là đời thứ 5... cụ tổ cửu đại đời 9 thì vừa đúng 7 cụ tổ (thất tổ). Do vậy hai chữ “Cửu huyền”có nhiệm vụ bổ nghĩa cho“Thất tổ” để làm rõ bảy vị tổ.

🌼Còn với ý nghĩa của Thiện Mộc Lan trong bài “Gia lễ Việt Nam với đạo thờ cúng ông bà” thì cho rằng: “Cửu huyền thất tổ” là biểu tượng chung.

Cửu: chín, thứ chín. Huyền: cháu 4 đời gọi là huyền tôn ở đây chữ huyền có nghĩa là đời, thế hệ. Thất: bảy/ Thất tổ: Bảy ông tổ nhà mình. Thờ “Cửu huyền thất tổ” là thờ Tổ tiên 9 đời của dòng họ.

🌼Nho giáo thời xưa quy định cách thờ Tổ tiên có thứ bậc từ dân đến vua như sau:

- Sĩ và thứ dân chỉ được thờ tới nhất tổ (ông nội).

- Các quan đại phu được thờ tới Tam tổ (ông sơ).

- Hoàng đế (thiên tử) thì thờ tới thất tổ (tức ông sơ của ông sơ)

Theo quy định này, thứ dân không được thờ Thất tổ. Nhưng muốn thờ những bậc cao hơn thì thứ dân phải thờ “Cửu huyền” tránh dùng chữ “Thất tổ” để khỏi bị tội phạm thượng.

Từ bản thân đến ông thỉ tổ là chín đời, cho nên mới gọi là “Cửu huyền” lại còn cách xếp và giải thích khác lấy bản thân làm gốc, lên trên 4 đời, dưới 4 đời: 1- Cao tổ (ông sơ) 2- Tằng tổ (ông cố) 3- Nội tổ (ông nội) 4 - Phụ thân (cha) Bản thân. 1- Tử (con trai) 2- Tôn (cháu nội) 3- Tằng tôn (Chắt, cháu cố) 4- Huyền tôn (chít, cháu sơ).

Như vậy, ta thấy có sự mâu thuẫn, thờ Cửu huyền, cúng lạy Cửu huyền tức là bản thân ta cũng lạy ta và lạy cả con cháu của mình nữa sao? Điều này được lý giải nhiều lẽ: Vấn đề trên chỉ nhắm phân định cho dễ hiểu, trong đó gồm có người sống và người chết, tượng trưng đủ âm, dương. Gọi như thế để chỉ 3 đời (tam thế) tiếp nối nhau. Đời quá khứ là Tổ tiên. Đời hiện tại là mình. Đời tương lại là con cháu mình. Gọi như thế để hiểu rằng trong cuộc đời còn có sự vay trả. Bản thân mình đứng giữa, vay lớp trên 4 đời, trả lớp dưới 4 đời. Cũng từ ý nghĩa trên, bản thân ta, xuất phát từ những việc làm tốt hay xấu đều có ảnh hưởng đến Tổ tiên, đời trước mình, đồng thời cũng ảnh hưởng đến con cháu, đời sau mình.

Còn theo Tiến sĩ Lê Mạnh Thát (Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh) thì “Cửu huyên thất tổ” được biên khảo từ tác phẩm Sự Lý Dung Thông viết bằng thể thơ song thất lục bát của Thiền sư Hương Hải được ghi trong Toàn tập Minh Châu có đề cập bốn chữ này trong câu:

Thích độ nhân miễn tam đồ khổ

Thoát cửu huyền thất tổ siêu thăng.

Nghĩa là: Giáo lý đức Phật Thích Ca hóa độ chúng sinh để thoát khỏi ba đường khổ: Đại ngục, ngạ quỷ, súc sinh và có khả năng cứu thoát Cửu huyền và Thất tổ được siêu thăng.

Cửu huyền: “Huyền” ở đây vốn có nghĩa theo nhà Phật là “đen”, có từ vô lượng kiếp chúng sanh luân hồi sống chết, khi thân xác này rã rời, phân ly trả về cho tứ đại, những chất tinh tủy xương máu và thịt tan rã, hủy hoại đều biến thành màu đen nên gọi là “Huyền”. Bởi chín thế hệ này vẫn xoay, sống chết như vậy nên gọi là “Cửu Huyền”.

Thất tổ: Bảy đời (bảy ông tổ): Cao, Tằng, Tổ, Cao Cao, Tằng Tằng, Tổ Tổ, Cao tổ. Tổ là ông nội của đời mình, đi ngược lên sáu đời nữa gọi là Thất tổ. Như vậy, chữ Cửu huyền bao quát hơn chữ Thất tổ. Vì Thất tổ chỉ các thế hệ đi trước, còn Cửu huyền không chỉ bốn thế hệ trước mà còn nhắc đến bốn thế hệ sau. Chính vì vậy nơi thờ phụng những vị quá vãng còn được gọi là “Nhà thờ Cửu huyền”.

🌼Dù hiểu theo nghĩa nào chăng đi nữa, thì bốn chữ “Cửu huyền Thất tổ” không ngoài ý nghĩa bổn phận làm con cháu phải kính trọng, khắc sâu trong tâm khảm nhớ ơn ông bà cha mẹ.

Nước chảy ra thương cha nhớ mẹ

Nước chảy vào nhớ mẹ thương cha.

🌼Dù lịch sử trải qua bao thăng trầm, dù chiến tranh cướp mất nhiều nhà cửa, nơi thờ tự Tổ tiên, nhưng với lòng hiếu kính ông bà cha mẹ luôn được giữ gìn sâu lắng. Đây là niềm tự hào, người Việt Nam luôn biểu hiện lòng tôn trọng, nhớ ơn Tổ tiên, cha mẹ nhiều đời, nhiều kiếp qua việc thờ cúng. 
🌼Từ lâu các vua chúa thường đi Tế giao (cúng trời đất) ở một nơi được xem là linh thiêng, hoặc cúng tổ tiên bên trong Thái miếu. Nền văn hóa Việt Nam từ thời cổ, trung đại cũng vậy. Các vua thường đi cúng tế nơi Thái Miếu, Người dân dã thì thờ cúng tại nhà và hàng năm làm lễ cúng giỗ. 
🌼Nền văn hóa tinh thần này đã được duy trì, phát huy trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Đó là bàn Thờ “Cửu huyền Thất tổ” hàng đêm luôn hương khói bàn thờ “Cửu huyền thất tổ” trước để nhớ Tổ tiên, ông bà, cha mẹ, sau hồi hướng trong một ngày mình làm được điều gì tốt và điều gì chưa tốt, cần phải sửa đổi, đó cũng là cách “Uống nước nhớ nguồn”. “Cây có gốc mới đâm chồi xanh ngọn. Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”. Chúng ta nên nhớ từ mọi ý nghĩ, việc làm, bản thân (thân, khẩu, ý) luôn ảnh hưởng đến “Cửu huyền Thất tổ” trong hiện tại, tương lai cũng như quá khứ.

🌼Đức Phật dạy rằng, công đức của người có tiểu hiếu, trung hiếu chỉ bằng nắm đất trong tay móng tay Phật. Còn tâm Đại hiếu rộng mở, hướng về cha mẹ, ông bà, cửu huyền thất tổ trong nhiều đời, nhiều kiếp, công đức ấy bằng cả trái địa cầu.
“Hiếu” nghĩa là gì? “Hiếu” là tâm tri ân, biết ơn. Mỗi chúng ta đều không thể tự sinh ra, không tự dưng đến với cuộc đời. Cho dù một cái máy cũng cần có người tạo ra, lắp ráp các bộ phận với nhau mới thành. Bất cứ con người hay vạn pháp xuất hiện trên đời này đều mang nặng thâm ân. Nếu không biết tri ân, chúng ta trở thành máy móc, vô tình, vô nghĩa. 

🌼Chúng ta vẫn thường đỉnh lễ tứ trọng ân: Ân của đất nước, quê hương, ân của quốc gia xã hội, ân của thầy bạn, ân của cha mẹ. Trong bốn ân đức đó, gần gũi nhất, dễ cảm nhận nhất vẫn là ân đức cha mẹ. Chúng ta ai cũng từng được ấp ủ trong vòng tay của mẹ, được dìu dắt trong tình thương của cha, được che chở, nuôi nấng cho tới khi lớn khôn. Khi trưởng thành, lập gia đình, bận rộn con cái, công việc, chúng ta dễ dàng quên đi ân nghĩa mẹ cha.
🌼Mùa Vu Lan nhắc chúng ta tưởng nhớ về ân sinh thành dưỡng dục, hướng tâm về cha mẹ, dù còn tại thế hay đã quá vãng. Nếu còn cha mẹ tại thế, chúng ta sẽ quay trở về bên vòng tay từ ái của bậc sinh thành để ý thức được rằng mình vẫn may mắn còn mẹ, còn cha, còn có thể kịp thời báo hiếu, bằng cách vâng lời, phụng dưỡng, bằng cách khuyên cha mẹ tu hành, quy y Tam bảo để có thể nương tựa vào con đường tâm linh. Với những ai cha mẹ đã quá vãng, tháng 7 là mùa Vu Lan báo hiếu, chúng ta nên phát nguyện tụng kinh, niệm Phật, ăn chay trường trong suốt tháng, tích lũy công đức hồi hướng trọn vẹn để cầu nguyện cho cha mẹ của chúng ta được siêu thoát.

🌼Đạo hiếu có ba cấp độ: Tiểu hiếu, Trung hiếu và Đại hiếu.

• Tiểu hiếu là những người con biết tri ân, kính ngưỡng, vâng lời cha mẹ, không bao giờ làm gì trái ý, biết cung phụng cha mẹ lúc tuổi già. Song thân xác vốn từ vay mượn, dù con cái có ra sức cung phụng, tẩm bổ bao nhiêu, cha mẹ cũng không thể nào sống mãi, vẫn có một ngày cha mẹ phải bỏ thân này trả về cho tứ đại. Lúc ấy tinh thần của cha mẹ biết nương đâu? Đức Phật dạy rằng, lúc sống chúng ta có thể nương tựa thân nhân, nhưng khi chết ra đi chỉ có một mình. Nếu không chuẩn bị trước, tinh thần của người chết sẽ vô cùng hoảng loạn, sợ hãi. Bởi vậy, tất cả các Phật tử, nếu đã có tiểu hiếu thì cần hướng đến mức thứ hai là trung hiếu.
• Người Trung hiếu biết hướng cha mẹ về thực hành Phật pháp, quy y Tam bảo. Nhờ vậy, sau khi bỏ thân này, cha mẹ có nơi nương tựa tâm linh, không chịu khổ lạnh lẽo, cô đơn trong cảnh trung ấm.
Không dừng lại ở đó, Phật tử cũng nên thực hành Đại hiếu. Trong bao kiếp trôi lăn trong luân hồi, chúng ta không chỉ có cha mẹ trong kiếp này. Nếu đã từng sinh ra làm gà, có mẹ gà xoè đôi cánh ấp ủ cho chúng ta. Nếu từng làm mèo, có mẹ mèo cho chúng ta dòng sữa. Như vậy, dù lặn ngụp bao kiếp trong biển luân hồi, kiếp nào chúng ta cũng hưởng trọn tình thương của cha mẹ. Phật tử biết tuy giờ mình được làm người, song cha mẹ nhiều đời vẫn có thể lưu lạc trong cảnh địa ngục, ngã quỷ, súc sinh. Vì vậy, tâm hiếu của Phật tử không chỉ hạn cuộc đến cha mẹ, ông bà tổ tiên trong đời này. Phật tử cần mở rộng lòng mình, trải tâm hiếu thuận hướng rộng khắp đến cửu huyền thất tổ từ nhiều đời kiếp. Đấy gọi Đại hiếu.

🌼Đã từ lâu, Vu Lan không chỉ là nghi lễ riêng của Phật giáo, mà còn đi vào truyền thống đạo đức của dân tộc. Việt Nam vốn xem trọng hai chữ hiếu – trung, nên tinh thần Vu Lan báo hiếu cũng như Đạo Phật rất dễ hòa nhập vào phong tục tập quán của người dân. Dù là Phật tử hay không, cứ đến rằm tháng bảy, mọi người đều nghĩ đến công sinh thành của cha mẹ, ơn dưỡng dục của ông bà, tổ tiên. Nhà nhà làm lễ cầu siêu để báo ơn công đức cửu huyền thất tổ.

🌼Trong mùa Vu Lan, Phật tử cần thực hành tâm Đại hiếu, để công đức tích lũy bởi lòng Hiếu hạnh được vô lượng viên mãn!




🌼Làm thế nào để báo hiếu cha mẹ cửu huyền thất tổ một cách trọn vẹn nhất?


Trong kinh Phật có dạy rằng, người học Phật thì đức hạnh đầu tiên là “Hiếu dưỡng phụ mẫu”. Tại sao chúng ta lại nhắc tới sự hạnh hiếu dưỡng phụ mẫu? Vì xin thưa thật là chính ông bà, cha mẹ, những người thân kính quyến thuộc của chúng ta trong nhiều đời nhiều kiếp vụng tu nên bị đọa lạc nhiều lắm.

🌼Ta thường gọi là hồi hướng công đức cho các chư vị vong linh, chứ thật ra thì ông bà, cha mẹ chúng ta nhiều lắm trong đó. Khi ta biết đường tu như thế này, thường thường là ông bà cha mẹ chúng ta nghe được thì họ mừng lắm, đang hằng giờ mong cầu đứa con, đứa cháu, tức là chúng ta, hồi hướng công đức cho họ. Nếu chúng ta không có công phu tu hành, không có công đức, hoặc có mà nhiều khi quên hồi hướng công đức cho họ, thì chính những người thân của mình lại nổi cơn sân giận nhiều hơn là người thường đó.


🌼Nếu sau này có cơ duyên đi hộ niệm cho người ta, quý vị mới thấy được những điều này, là hầu hết những hiện tượng gọi là nhập thân báo đời, thì có thể nói hơn 90% là dòng họ của người đó. Không cha thì mẹ, không mẹ thì ông nội, ông ngoại, ông chú, ông bác gì đó… Thường thường là như vậy. Có những người rất là hung hãn. Tôi đã gặp nhiều trường hợp mà chính người thân nhập vào người thân, mà mỗi lần nhập vào như vậy thì họ cầm dao cầm búa đâm vào người. Dễ sợ lắm! Họ đánh người thân, họ tìm cách giết người thân đó và mỗi lần như vậy, họ nói:

– Tại sao mày giết tao? Tại sao mày hãm hại tao? Tại sao tao có làm gì tội lỗi với mày mà mày đối xử tệ như vậy?…

Quý vị không tưởng tượng được đâu! Họ căm hờn như vậy. Đó là những trường hợp mình biết, còn những chuyện căm hờn khác xảy ra khắp nơi mà mình không hay.

🌼Ví dụ như trong vô lượng kiếp của chúng ta, thì chúng ta có vô lượng vô biên ông bà cha mẹ đã bị đại nạn. Khi chúng ta tu hành như thế này thì thường thường những ông bà cha mẹ đó có thể cảm ứng được, cứ mong sao cho một đứa con một đứa cháu hồi hướng công đức. Bây giờ thứ nhất là thấy một đứa con một đứa cháu đang biết tu hành mà không chịu hồi hướng. Thứ hai là tu hành tà tà, tu hành giỡn giỡn, tu hành không vững, hồi hướng không có một chút xíu nào hết, làm cho họ càng ngày càng đau khổ hơn. Góp phần làm cho niềm sân hận nảy sinh ra.

🌼Phật dạy người Phật tử đầu tiên là phải “Hiếu dưỡng phụ mẫu”. Nếu chúng ta biết niệm Phật, biết con đường về Tây Phương, thì sự hiếu dưỡng này phải cụ thể một chút, không phải cứ đợi tới tháng bảy mùa Vu Lan báo hiếu, tới làm một cái lễ gì đó gọi là báo hiếu! Không có bao nhiêu hết trơn! Mà hằng ngày chúng ta niệm Phật hồi hướng công đức, thành tâm hồi hướng thì tự nhiên công đức này biến Pháp giới.

Trong công cứ của chúng ta gọi là Cửu Phẩm Liên Đài, thì tờ đầu tiên chính là tờ “Báo Ân Niệm Phật”, trong đó có bốn câu:

Phật ân Thân ân.
Hạo thiên võng cực.
Dục báo chi đức.
Niệm Phật đệ nhất.

🌼Có nghĩa là ân Phật, ân Cha Mẹ, “Hạo thiên võng cực” là lớn bao trùm cả pháp giới, lớn lắm, không có cách nào mình có thể diễn tả nổi. “Dục báo chi đức” là muốn báo đền cái công đức này, “Niệm Phật đệ nhất” là không có gì bằng niệm Phật hết.

🌼Chúng ta niệm Phật ở đây không phải là chỉ tu riêng cho chúng ta đâu, mà tu luôn cho ông – bà, cha – mẹ, cửu huyền thất tổ nhiều đời nhiều kiếp của chúng ta nữa. Hằng ngày ráng cố gắng tinh tấn hơn, thay vì chúng ta dành thời gian đi chơi uổng lắm! Hãy dành thêm thời gian niệm Phật, thay vì chúng ta cứ nghĩ này nghĩ nọ, buồn khổ để làm gì?…



– Một cơn buồn xảy ra phá tan biết bao nhiêu công đức.

– Một sự lo âu nổi lên phá tan biết bao nhiêu công đức.

– Một sự khổ sở nổi lên nó nhập vào trong tâm chúng ta: Nếu không súc sanh thì cũng là ngạ quỷ, không ngạ quỷ cũng là địa ngục.

🌼Cảnh khổ là cảnh tam ác đạo. Rơi vào đó thì làm sao có cơ hội ly khổ đắc lạc để đi về Tây Phương được? Chính vì vậy, vì không biết tu nên nỗi khổ nó cứ đến, càng ngày càng thâm nhập vào chúng ta. Trong lúc ngồi trong niệm Phật đường thay vì ta nhiếp tâm niệm Phật quyết lòng về Tây Phương, thì những cái cảnh khổ đó cứ hiện ra trong lúc chúng ta đang niệm Phật, vô tình câu niệm Phật chúng ta không mang lại một công đức nào hết trơn. Chính vì không nhiếp tâm nên không có công đức. Không có công đức thì không hồi hướng được cho pháp giới chúng sanh, không có hồi hướng được cho ông bà cha mẹ…

🌼Xin thưa thật, báo hiếu cha mẹ không phải cha mẹ còn sống mới báo hiếu, mà phải cần hồi hướng luôn cho cả cha mẹ ông bà đã qua đời rồi, tại vì ông bà cha mẹ của chúng ta nhiều khi không được sự hướng dẫn tu hành, nên thường bị đọa lạc, họ chờ từng ngày từng giờ… Đừng nên báo hiếu bằng cách chờ tới ngày giỗ kỵ làm vài con gà để cúng mà báo hiếu cha mẹ… Sai lầm vô cùng! Làm vậy cha mẹ mình càng ngày càng bị đọa lạc…

🌼Khi chúng ta biết được báo hiếu không có gì khác hơn là quyết lòng quyết dạ vãng sanh về Tây phương. Xin thưa thật công đức vãng sanh về Tây phương chính là cái công đức báo hiếu triệt để. Tại sao vậy? Vì Hòa thượng thường hay nói rằng, khi chúng ta vãng sanh về Tây phương thì ngày đó là ngày ông bà, cha mẹ, cửu huyền thất tổ của chúng ta thoát được cảnh tam ác đạo. Người ta đang chờ từng giây từng phút cái ngày chúng ta vãng sanh để cho họ thoát khổ. Tôi không nói là họ đi về Tây Phương, mà họ thoát được ba cảnh khổ. Mình biết rằng không phải ta chỉ có một ông cha, hai ông cha, ba ông cha, mà có tới vô lượng vô biên ông cha, vô lượng vô biên đứa con, vô lượng vô biên ông nội bà nội… họ thoát được. Cái công đức này lớn vô cùng lớn.

🌼Chính vì vậy mà sắp tới đây chúng ta sẽ cố gắng tìm cách tăng thêm chương trình tinh tấn niệm Phật. Thay vì một ngày, ta tiến lên hai ngày, tiến lên ba ngày, được bao nhiêu người tu bao nhiêu người. Để chi? Để góp phần với chư vị trên thế giới cùng nhau hồi hướng cho pháp giới chúng sanh, giải bớt tai nạn và quyết lòng vững vàng đi về Tây phương.


Một là giải cái ách nạn cho chính mình. Mỗi người chúng ta ai ai cũng đầy hết cả nghiệp ác trong này. Người ta chuẩn bị, người ta chờ từng giây từng phút mà khởi lên đó. Oan gia trái chủ của mỗi người nhiều lắm ở trong đó. Nếu chúng ta không thành tâm niệm Phật, không quyết lòng niệm Phật thì các vị đó không bao giờ đoạn đành bỏ quên cái mối thù sát sanh hại mạng của họ đâu. Chính vì họ không biết về nhân quả, nên họ không bỏ, họ không xả.

Nghiệp ác này nó cộng vào cộng nghiệp của chúng sanh mà sanh ra tai nạn. Hòa thượng Tịnh Không nói, cái nạn tai trên thế giới của chúng sanh bây giờ lớn lắm rồi, tại vì trong vô lượng kiếp tới giờ ta đã làm nghiệp ác lớn quá rồi chứ không có gì cả.

🌼Quý vị nghĩ thử coi, lập một cái Niệm Phật đường lên tốn tiền, tốn bạc, tốn công, tốn sức, tốn đủ thứ… nhưng nhiều lắm cũng chỉ có năm người, mười người, hai chục người… tới niệm Phật mà thôi. Còn hàng vạn người khác không bao giờ niệm Phật đâu à!… Hàng triệu người khác người ta vẫn tiếp tục sát sanh hàng ngày. Nạn sát sanh giải không được.

🌼Hiểu được điều này rồi, khi đến Niệm Phật đường niệm Phật chúng ta phải trực nhớ là mình đang ở trong cái cơ hội vãng sanh thành đạo, thoát tất cả những ách nạn mà trong vô lượng kiếp chúng ta bị đọa đày. Khi mà thoát rồi, chúng ta sẽ có năng lực đi cứu độ chúng sanh, đi cứu cái ách nạn này. Cho nên muốn hết những nạn sóng thần, thì nhiều người vãng sanh về Tây Phương thì cái nạn này mới hết. Thực sự như vậy.

🌼Một người mà vãng sanh thì người ta có thần thông đạo lực, họ đi giải cứu những ách nạn này. Chư Phật mười phương thay phiên nhau cứu độ chúng sanh, nhưng mà cứu không hết. Nạn tai nhiều quá! Chúng ta phải hiểu được như vậy thì ráng cố gắng mà tu để về cho tới Tây Phương Cực Lạc, hợp tác với chư Phật mười phương. Rồi khi ngài Di Lặc hạ sanh xuống, mình cũng theo ngài xuống đây hoằng dương Phật pháp cứu độ chúng sanh. Đây là sự thực!… Xin chư vị vững lòng tin tưởng. Tín – Hạnh – Nguyện, Tín – Hạnh – Nguyện mà đi.

– Nếu Lòng Tin chưa vững, nay tin cho vững đi.

– Nếu Sức Nguyện của mình sai lầm, nay nguyện lại đi. Càng vãng sanh sớm chừng nào càng hay chừng đó. Chính sức nguyện này là cái duyên rất đậm để chúng ta về Tây Phương.

– Còn Hạnh là gì? Làm lành lánh dữ là trợ hạnh. Niệm câu A Di Đà Phật thiết tha về Tây phương chính là Chánh Hạnh.



🌼Cho nên Chánh Hạnh, Trợ Hạnh phải phân minh. Một lòng một dạ ngày ngày trì giữ câu A Di Đà Phật. Quyết lòng! Người nào niệm năm ngàn thì ráng cố gắng lên bảy ngàn, tám ngàn câu A Di Đà Phật một ngày. Đã được tám ngàn rồi thì tại sao không tăng lên chín ngàn? Tăng lên mười ngàn? Ngài Ấn Quang Đại sư đưa ra cái mẫu mực năm chục ngàn là tại vì ngài thấy cái ách nạn của thế giới lớn quá đi! Ngài đã quỳ xuống lạy chúng sanh niệm Phật để mà tiêu tai giải nạn, để mà chính mình được thoát nạn.

🌼Xin chư vị quyết lòng niệm Phật nhất định đi về Tây Phương thành đạo Vô thượng cứu độ chúng sanh…

🌼Nam Mô A Di Đà Phật!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét