Thứ Năm, 7 tháng 1, 2021

QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT





PHẬT BÀ QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT: HIỆN THÂN CỦA CỨU ĐỘ TỰ TẠI

Quán Thế Âm, tiếng Phạn gọi là Avalokitévara, Nghĩa là vị Bồ Tát quán sát âm thanh đau khổ của thế gian kêu cầu mà cứu độ một cách tự tại. Do Ngài quán sát âm thanh một cách tự tại mà chứng được bản thể chân thường của vũ trụ. Nơi nào, lúc nào trong vũ trụ có tiếng chúng sinh đau khổ, kêu cầu thì Ngài hiện thân cứu độ rất tự tại, cho nên Ngài cũng có tên là Quán Tự Tại, Quán Thế Tự Tại…



Bồ-tát Quán Âm lần đầu tiên được nhắc đến trong kinh Diệu pháp liên hoa (Saddharma Pundarika Sutra), phẩm Phổ môn, cùng trong quyển ít biết hơn là Bi hoa kinh (Karuna Pundarika Sutra).

Kinh Pháp hoa xuất hiện vào đầu thế kỷ I và được Đại sư Cưu-ma-la-thập dịch sang Hán ngữ vào năm 406.

Theo phẩm Phổ môn, cũng như trong kinh Thủ lăng nghiêm (Surangama Sutra), Quán Âm Bồ-tát có thể hóa thân 33 hình tướng để cứu độ chúng sanh trong mọi hoàn cảnh hoạn nạn hiểm nguy hay tâm linh điên đảo, bịnh hoạn.

Theo Bi hoa kinh, thì Quán Âm được xem như là hóa thân nơi cõi trần gian này của Đức Phật Vô Lượng Thọ thường tồn, bất sanh bất diệt; bởi vì Quán Âm là vị hướng dẫn linh thức của người quá vãng – lúc còn sống với đức tin và hạnh nguyện sâu xa một lòng niệm danh hiệu Phật, được thác sanh về cõi Cực lạc của Đức Phật A Di Đà.


Ngài cùng Bồ-tát Đại Thế Chí – biểu hiện cho trí tuệ – hầu cận hai bên tả hữu Phật A Di Đà, cả ba Ngài là Tam Tôn của Tịnh độ giới.



Cuộc đời tu tập của Bồ Tát Quan Thế Âm theo kinh Bi hoa:

“Về thuở quá khứ lâu xa về trước, Đức Quán Thế Âm là một vị thái tử tên là Bất Huyền, con của vua Vô Tránh Niệm, thời ấy có Đức Phật ra đời tên là Bảo Tạng Như Lai. Vua Vô Tránh Niệm hết lòng sùng bái đạo Phật. Vua liền sắm đủ lễ vật quý báu dâng cúng Phật và chư Tăng trong ba tháng hạ, vua cũng khuyến khích các quan văn, vương tử, vương tôn, triều đình quyến thuộc theo vua cúng dường. Thái tử Bất Huyền vâng lệnh vua cha, cũng dâng cúng đủ các trân cam mỹ vị, hết lòng thành kính Đức Phật và chúng Tăng trong ba tháng như vậy.


Lúc ấy, có vị đại thần tên là Bảo Hải, tức là thân phụ của Phật Bảo Tạng, khuyên thái tử Bất Huyền nên lập nguyện nhờ công đức cúng dường này mà cầu quả báu Vô thượng Bồ đề, không nên cầu quả ở cõi trời, cõi người này, vì quả báu phước cõi ấy là phước báu hữu hạn, dù chúng ta có lên trời rồi, đến khi hết phước cũng phải sa đọa. Sao bằng đem công đức cúng dường này hướng về quả báu vô thượng bồ đề mới là phước báu chân thật vĩnh hằng.


Nghe đại thần khuyên như vậy, Thái tử liền đến trước Phật Bảo Tạng phát đại thệ nguyện: “nguyện xin nhờ công đức cúng dường này cầu quả vô thượng bồ đề. Con nguyện xin trong lúc tu đạo tự lợi, lợi tha, nếu có chúng sinh nào lâm vào tai nạn, không thể tự cứu chữa được, không nơi nương nhờ, hễ niệm đến danh hệu con, con liền đủ sức thần thông đến cứu độ ngay. Nếu lời nguyện ấy không thành, con thề không chứng quả Bồ đề. Con xin phát đại thệ nguyện tu đạo Bồ Tát cho đến cùng tận đời vị lai, trãi qua vô số kiếp, khi phụ vương con (vua Vô Tránh Niệm) thành Phật hiệu A Di Đà ở thế giới Cực Lạc thì con sẽ làm thị giả hầu hạ Ngài cho đến khi Chánh Pháp Ngài tận diệt con mới chứng quả Bồ đề. Con nguyện xin Đức Thế Tôn và mười phương chư Phật thụ ký cho con như vậy”.


Đức Bảo Tạng Như Lai thọ ký cho thái tử và nói rằng: “Do quán sát chúng sinh trong vô số thế giới đều vì tội nghiệp mà phải chịu quả báu đau khổ nên ngươi phát bi tâm, ngươi lại nguyện quan sát nghe được tiêng kêu cầu đau khổ của thế gian để đến cứu độ. Nay ta thọ ký cho ngươi hiệu là Quán Thế Âm. Ngươi sẽ giáo hoá cho vô lượng chúng sinh thoát khỏi khổ não, trong khi tu đạo, ngươi phải làm mọi Phật sự để lợi ích chúng sinh”.


Do đó, sau khi Phật A Di Đà nhập diệt rồi, cõi Cực Lạc sẽ đổi tên là Nhất Thế Trân Bảo Sở Thành Tựu, càng thêm tốt đẹp hơn trước nữa. Khi ấy, đang lúc ban đêm, trong khoảnh khắc, tất cả mọi thứ trang nghiêm đều hiện ra giữa không trung, tức thì ngươi thành Phật hiệu là “Biến Xuất Nhất Thế Quang Minh Công Đức Sơn Vương Như Lai, sống lâu đến chín mươi sáu ức na do tha kiếp. Sau khi ngươi diệt độ rồi, chánh pháp sẽ còn lưu truyền lại sáu mươi ba ức kiếp nữa”.


Thái tử nghe Phật thọ ký rồi, lòng vô cùng hoan hỷ và bạch rằng: “như lời nguyện của con được hoàn toàn viên mãn thì đối với con còn hạnh phúc nào bằng. Nay con xin nguyện mười phương chư Phật cũng thọ ký cho con như thế, làm cho tất cả thế giới đều rung chuyển như tiếng âm nhạc, ai nghe cũng được giải thoát”. Thái tử bạch rồi, cúi đầu đảnh lễ Đức Phật.


Bấy giờ, các thế giới tự nhiên rung chuyển, phát ra tiếng hòa nhã như âm nhạc, ai nghe cũng thân tâm thanh tịnh, dục vọng không còn. Tiếp đó là các Đức Phật trong mười phương thế giới cũng đồng thanh thọ ký cho Quán Thế Âm Bồ Tát rằng: “Trong thời kiếp Thiên Trú, ở thế giới Tân Đề Lam có đức Bảo Tạng Như Lai ra đời, thái tử Bất Huyền, con vua Vô Tránh Niệm phát tâm cúng Phật và chúng Tăng ba tháng. Nhờ công đức ấy, trãi qua vô số kiếp về sau, thái tử sẽ thành Phật hiệu là “Biến Xuất Nhất Thế Công Đức Sơn Vương Như Lai” ở thế giới Trân Bảo Sở Thành Tựu.


Nghe chư Phật thọ ký xong, thái tử hoan hỷ vô cùng. Từ đó, trãi qua vô số kiếp về sau, Ngài tinh tấn tu đạo Bồ Tát, cứu độ tất cả chúng sinh, không bao giờ quên đại bi tâm của Ngài.


Kinh Đại Phương Đẳng Như Lai Tạng và kinh Đại Phương Quảng Như Lai nói rằng: Ngài cùng Bồ Tát Đại Thế Chí vì lòng từ bi, thệ nguyện dấn thân vào con đường phụng sự, đem lại hạnh phúc, an lạc cho chúng sinh, không chịu vào cảnh giới tối thuợng của chư Phật.”


Với nhiều đức năng, Bồ-tát Quán Âm được biểu trưng qua nhiều hình ảnh khác nhau, như Quán Âm bốn tay, Quán Âm thập nhứt diện, Quán Âm ngàn mắt ngàn tay, v.v…


Ngài còn được tôn sùng như là trú xứ tại rừng trúc tía (Quán Âm tỷ trúc), là chủ tể biển Nam (Quán Âm Nam Hải), thường ban ơn cho phụ nữ hiếm muộn (Quán Âm tống tử), hay mặc áo trắng (Bạch y Quán Âm), thưởng thức ánh trăng rằm (Thủy nguyệt Quán Âm), v.v…; mỗi một danh hiệu như thế đều có sự tích ly kỳ.


Bốn cánh tay của Quán Âm tượng trưng cho Bốn tâm vô lượng (catvàri apramànàni) hay Bốn Phạm hạnh của Ngài, tức tâm Từ (maitrì), tâm Bi (karunà), tâm Hỷ (mudità) và tâm Xả (upeksà) vô lượng.


Chính Bốn tâm vô lượng này là phương tiện để Đại từ Đại bi Quán Thế Âm Bồ-tát cứu độ quần sanh.


Hình ảnh quen thuộc gắn liền với Quán Âm là bình nước cam-lộ thanh tịnh biểu trưng cho từ bi và trí tuệ, và nhành dương liễu là sự uyển chuyển ứng hóa trong mọi hoàn cảnh mà Đức Quán Âm dùng để tẩy sạch phiền não bịnh hoạn trong tâm chúng hữu tình, đưa họ đến giải thoát mọi trói buộc đày đọa của trần gian.


Trong khi đó, những hạt chuỗi Ngài đeo trên cổ tượng trưng cho số lượng chúng sanh và mỗi khi Ngài lần chuỗi là ý nghĩa Quán Âm đưa họ thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi.


Câu thần chú của Quán Âm là “Om Mani Padme Hum” (Án ma-ni bát-mê hồng); một khi người đang mắc nạn chí thành trì niệm đà-ra-ni này thì Đức Quán Âm tức thời hiện thân đến cứu độ ngay.


Phật tử tin tưởng là Quán Âm hiện đang ngự trị ở cõi Ta-bà kham nhẫn này, tại núi Phổ Đà, tỉnh Triết Giang, Trung Hoa, hoặc trên đỉnh Potala, vùng Lhasa, Tây Tạng. Potala chính là từ âm Phổ Đà.


Cả hai nơi này đều được xem như là thánh địa của Phật giáo để Phật tử chiêm bái, nhất là Phổ Đà sơn.


Trước thế kỷ VII, tại Ấn Độ và vùng Nam Á (Tích Lan) cùng Trung Á, tranh vẽ hay hình tượng Quán Âm diễn đạt Ngài là hiện thân của một đồng nam, có Đức Phật Di Đà ngự trên đỉnh đầu; rồi từ đó về sau các hình tượng điêu khắc về Quán Âm đều biểu lộ Ngài như thế, để làm ấn tướng phân biệt Ngài với các vị Bồ-tát khác.


Khi Tây Tạng giáo du nhập Trung Hoa vào đầu thế kỷ VIII trong thời nhà Đường, thì hình ảnh Chenrezig trong dạng người nữ bắt đầu xuất hiện và từ ấy đến nay, hình ảnh Bồ-tát trong dạng thiên nữ đắp y trắng tinh khiết được quý chuộng hơn và sự tôn thờ Ngài trở thành vô cùng phổ biến.


Đến thế kỷ IX thì hầu như trong mỗi tự viện Trung Hoa đều có tượng thờ Quán Âm Bồ-tát dạng người nữ.


Truyền thuyết về công chúa Diệu Thiện, lưu hành vào thế kỷ XIII, được cho là hiện thân của Quán Âm, một lần nữa gây ấn tượng cho Phật giáo đồ hoàn toàn tin tưởng Ngài là một người nữ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét