Thứ Năm, 7 tháng 1, 2021

Đức Phật Tỳ Lô Giá Na


Tôn Tượng Đức Phật Tỳ Lô Giá Na được phụng thờ trên Ngôi Tam Bảo an vị tại Phật Thất tư gia do Phật Tử Đỗ Thị Phương Mai (Pháp Danh Viên Thọ ) cúng dường Phật.

Đức Phật Tỳ Lô Giá Na

Đức Phật Tỳ Lô Giá Na (Phạn: वैरोचन, Vairochana, hoặc Maha-Vairochana), Tỳ Lô Giá Na có nghĩa là "tỏa sáng", là ánh sáng chiếu rực rỡ khắp mọi nơi (quang minh biến chiếu). Ngài là Đức Phật ở trung tâm, một trong những vị Phật của Ngũ Phương (Năm Phương). Màu của thân Ngài là màu trắng. Ngài ngồi chính giữa trên một đài sen do tám con sư tử lớn hợp thành. Ngài có thể diệt trừ si độc của ngũ độc, si độc của chúng sanh và có thể chuyển thức A Đà Na ( thức "duy trì") thành Pháp Giới Thể Tánh Trí. Trong năm bộ của Chú Lăng Nghiêm thì Ngài thuộc Phật Bộ Trung Ương.
Pháp Sư Thật Xoa Nan Đà (Siksananda) vào triều đại nhà Đường đã dùng cách dịch danh hiệu này trong bản dịch Kinh Hoa Nghiêm tám mươi quyển (Bát Thập Hoa Nghiêm) của ngài. Trong quyển 12, "Phẩm Như Lai Danh Hiệu" có nói rằng, "Chư Phật-tử ! Ðức Như-Lai ở trong tứ châu thiên hạ này, hoặc có danh hiệu Nhứt Thiết Nghĩa Thành, hoặc danh hiệu Viên Mãn Nguyệt, hoặc danh hiệu Sư Tử Hống, hoặc danh hiệu Thích Ca Mâu Ni, hoặc danh hiệu Ðệ Thất Tiên, hoặc danh hiệu Tỳ Lô Giá Na, hoặc danh hiệu Cù Ðàm Thị, hoặc danh hiệu Ðại Sa Môn, hoặc danh hiệu Tối Thắng, hoặc danh hiệu Ðạo Sư, có mười ngàn hiệu như vậy, khiến chúng sanh thấy biết riêng khác.”
Còn Pháp Sư Phật Đà Bạt Đà La (Buddhabhadra) vào triều đại Đông Tấn trong bản dịch Kinh Hoa Nghiêm sáu mươi quyển (Lục Thập Hoa Nghiêm) của ngài đã dịch chữ Phạn Vairochana sang tiếng Trung Hoa là Lô Xá Na (Rocana).

Chú Lăng Nghiêm Cú Kệ Sơ Giải

Hòa Thượng Tuyên Hóa lược giảng

50. Đa tha dà đa câu ra da.

Kệ:
Trung ương Phật bộ Tỳ Lô tôn
Như Lai chủng tộc hoá quần luân
Phổ tu vạn hạnh Ba La Mật
Chư pháp vô ngã chứng viên thông.
Tạm dịch:
Phật bộ Tỳ Lô tại trung tâm
Dòng tộc Như Lai dạy chúng sanh
Tu khắp vạn hạnh Ba La Mật
Các pháp vô ngã chứng viên thông.

Giảng giải: Đa tha dà đa dịch là "Như Lai", cũng chính là Phật Bộ. Chú Lăng Nghiêm có năm bộ, chia ra năm hướng. Chính giữa là Phât Bộ, có Đức Phật Tỳ Lô Giá Na là giáo chủ. Phương tây là Liên Hoa Bộ, có Phật A Di Ðà là giáo chủ. Phương đông là Kim Cang Bộ, có Phật A Súc là giáo chủ, tức là Phật Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư. Phương nam là Bảo Sanh Bộ, Phật Bảo Sanh là giáo chủ. Phương bắc là Yết Ma Bộ, Phật Thành Tựu là giáo chủ. Cọng lại là năm bộ. Thế gian này là do giáo chủ của năm bộ quản lý và trấn áp năm đại ma quân thì năm đại ma quân mới tuân theo quy củ, tuy dù tuân theo quy củ nhưng chúng cứ nghĩ đến việc làm cho thế giới này từ từ rối loạn hư hỏng. Thế giới này sanh ra đủ thứ tai nạn là do thiên ma ngoại đạo làm ra. Thiên ma ngoại đạo chỉ sợ là thiên hạ không có loạn, chỉ sợ thế gian này không hư hoại nhanh chóng, nhưng do có năm phương Phật này trấn áp tại đây nên chúng lén lút phá hoại, không dám ngang ngược làm ác. Trên thế gian thì ma và Phật đối lập với nhau. Phật thì giáo hóa chúng sanh sớm thành Phật đạo, ma thì giáo hóa chúng sanh sớm thành ma đạo. Nhưng Phật là nhờ ma giúp Ngài tu thành tựu, do đó ma chính là thiện trí thức của người tu đạo Phật. Người tu đạo khi cảnh nghịch đến thì thuận theo thọ nhận, nên nhin phía mặt trái để biết được chỗ tốt. Chúng ta cần nên cung kính Phật, nhưng cũng không phản đối ma vương, xem kẻ oán người thân đều bình đẳng, Phật ma đều như một, cần phải như thế thì không ghét cũng không thương, không thiện cũng không ác. Cảnh giới như thế không khác biệt nhiều. Năm Bộ chú Lăng Nghiêm này sau sẽ giảng lại đầy đủ.
Câu Ra Gia là chủng tộc của Phật, là chủng tánh của Như Lai, tức là đệ tử Phật giáo tin Phật.

‘’Phật bộ Tỳ Lô tại trung tâm’’ Chính giữa là Phật bộ, thuộc về thổ (đất). Ðất sanh ra vạn vật, đất thịnh vượng cả bốn mùa, một năm bốn mùa đất đều thịnh vượng, Xuân hạ thu đông. Mùa xuân thì mộc thịnh vượng, mùa hạ thì hỏa thịnh vượng, mùa thu thì kim thịnh vượng, mùa đông thì thủy thịnh vượng. Một năm chỉ có bốn mùa, nhưng lại có ngũ hành, thì sắp xếp như thế nào ? Vì thổ là ở chính giữa, kim mộc thủy hỏa là bốn bên, cho nên xuân hạ thu đông là bốn mùa. Mùa xuân thì mộc thịnh vượng, mùa hạ thì hỏa thịnh vượng, mùa thu thì kim thịnh vượng, mùa đông thì thủy thịnh vượng. Quý vị xem, mùa đông nơi đây thì ẩm ướt, không chỉ là một chút xíu, người Quảng Đông gọi là “Hồi Nam” có nghĩa là mùa ẩm ướt.

Nếu Thổ không có trong bốn mùa thì như thế nào ? Thổ thịnh vượng trong cả bốn mùa, mùa xuân ba tháng, trong ba tháng có chín mươi ngày, có thổ thì có thể sanh sôi nảy nở. Mùa hạ, mùa thu, mùa đông, đều có thổ. Cho nên ở chính giữa là Mậu Kỷ thuộc thổ, phương đông là Giáp Ất thuộc mộc, phương nam là Bính Ðinh thuộc hỏa, phương tây là Canh Tân thuộc kim, phương bắc là Nhâm Quý thuộc thủy. Ðây là ngũ hành tương sanh tương khắc.

“Phật bộ Tỳ Lô tại trung tâm” Tỳ Lô là Tỳ Lô Giá Na là tiếng Phạn, dịch là "biến nhất thiết xứ".
“Dòng tộc Như Lai dạy chúng sanh’’. Chính giữa là Phật Bộ. Chủng tộc của Phật đến giáo hóa tất cả chúng sanh.
‘Tu khắp vạn hạnh Ba La Mật’’. Tu khắp vạn hạnh, lục độ vạn hạnh, thập độ vạn hạnh, tu pháp Ba La Mật đến bờ bên kia.
‘’Các pháp vô ngã chứng viên thông’’. Đắc được các pháp vô ngã, các pháp vô thường, chứng được diệu lý viên thông, tất cả đều viên thông, thông dung vô ngại.

Đại Nhật Như Lai (sa.: Vairocana, Mahavairocana; zh.: 大日如来, 毘盧遮那佛), Tỳ Lư Xá Na hay Tỳ Lô Giá Na Phật (do phiên âm từ Vairocana) chính là pháp thân của Phật Thích Ca. Trong Mạn Đà La của Mật giáo thì Đại Nhật Như Lai ở vị trí trung tâm. Ngài là biểu hiện của ánh sáng Trí Tuệ chiếu soi và diệt trừ bóng tối của vô minh.

Ý nghĩa Pháp thân Đại Nhật Như Lai

Theo quan điểm Đại Thừa thì Đức Phật có ba thân: pháp thân, báo thân, hóa thân. Sở dĩ có ba thân là do chỗ dụng khác nhau. Phật Thích Ca, là vị Phật lịch sử đã đản sinh và nhập diệt trên quả địa cầu này, chính là hóa thân của Phật. Trong khi đó, thân mà Phật Thích Ca đã chứng ngộ gọi là pháp thân, là Chân Như và đó là Đại Nhật Như Lai. Ý nghĩa pháp thân này vượt ngoài sự luận bàn của ngôn từ và chỉ có sự chứng ngộ thành Phật mới có thể biết.

Đại Nhật Như Lai trong Mạn Đà La

Trong Kim Cương Giới Mạn Đà La, Đại Nhật Như Lai đại biểu cho Thức uẩn của Ngũ uẩn, Không đại của Ngũ đại, Pháp giới thể tính trí của Ngũ trí, và có chủng tử tự là VAṂ.
Trong Thai Tạng Giới Mạn Đà La, phần Trung Đài Bát Diệp Viện có hình tượng hoa sen Bi Tâm tám cánh, thì Đại Nhật Như Lai là nhụy sen biểu tượng cho căn bản của sự tu tập giải thoát cần phải lấy Đại Bi làm gốc. Ngài đại biểu cho tâm viên mãn, tối thắng của hoa sen trắng tinh khiết, trang nghiêm, thanh tịnh. Chủng tử tự là ĀḤ.

Ý nghĩa tên gọi Đại Nhật Như Lai

Đại Nhật Như Lai được dịch từ Vairocana, theo tiếng Phạn có nghĩa là "biến chiếu". Trong Đại Nhật Kinh Nghĩa Thích do sư Nhất Hạnh thuật ký giải thích: "Chữ Tỳ Lô Giá Na (vairocana) là mặt trời, có nghĩa là soi sáng cùng khắp, diệt trừ mọi chỗ u ám. Tuy nhiên đối mặt trời của thế gian, sự chiếu sáng có phương phận, chiếu sáng bên ngoài mà chẳng chiếu sáng bên trong, chiếu sáng bên này, chẳng đến bên kia, lại chỉ sáng ban ngày, còn ban đêm không thấy chiếu. Huệ Nhật của Như Lai không như thế. Trí sáng của Phật chiếu khắp mọi nơi, chẳng kể trong ngoài, không phân phương hướng, góc cạnh, đêm ngày."

Tỳ Lô Giá Na Phật có nghĩa là:

(s: Vairocana-buddha, 毘盧遮那佛): tên gọi tắt của Tỳ Lô Xá Na (毘盧舍那), hay Lô Xá Na (盧舍那), âm dịch là Tỳ Lâu Giá Na (毘樓遮那), Tỳ Lô Chiết Na (毘盧折那), Phệ Lô Giá Na (吠嚧遮那); ý dịch là Biến Nhất Thiết Xứ (遍一切處), Biến Chiếu (遍照), Quang Minh Biến Chiếu (光明遍照), Đại Nhật Biến Chiếu (大日遍照), Tịnh Mãn (淨滿), Quảng Bác Nghiêm Tịnh (廣博嚴淨). Các kinh điển giải thích về đức Phật nầy như Hoa Nghiêm Kinh (華嚴經), Phạm Võng Kinh (梵綱經), Quán Phổ Hiền Bồ Tát Hành Pháp Kinh (觀普賢菩薩行法經), Đại Nhật Kinh (大日經), v.v., đều khác nhau, và thậm chí các tông phái ở Trung Quốc giải thích về đức Phật nầy cũng có sự khác biệt lẫn nhau. Kinh Hoa Nghiêm thì cho rằng đức Tỳ Lô Giá Na Phật đã từng tu công đức trong vô lượng kiếp, chứng quả chánh giác, trú nơi thế giới Liên Hoa Tạng, phóng ra ánh sáng lớn chiếu khắp mười phương, phóng đám mây hóa thân từ nơi lỗ chân lông để diễn xuất biển vô lượng khế kinh. Theo Phạm Võng Kinh thì cho rằng đức Phật nầy đã tu hành tâm địa trong hàng trăm a tăng kỳ kiếp để thành đẳng chánh giác, trú nơi thế giới Liên Hoa Đài Tạng, chung quanh đài liên hoa ấy có ngàn cánh (ngàn thế giới); 

Đức Tỳ Lô Giá Na Phật biến thành ngàn hóa thân của đức Thích Ca Mâu Ni Phật và trú trong ngàn thế giới nầy. Hơn nữa, trong mỗi thế giới cánh sen ấy có hàng trăm ức núi Tu Di, trăm ức mặt trăng và mặt trời, hàng trăm ức cõi thiên hạ, hàng trăm ức Bồ Tát, Thích Ca đang diễn thuyết pháp môn tâm địa của Bồ Tát. Theo Quán Phổ Hiền Bồ Tát Hành Pháp Kinh thì cho rằng đức Thích Ca Mâu Ni Phật có tên là Tỳ Lô Giá Na Biến Nhất Thiết Xứ và trú nơi Thường Tịch Quang Độ, cảnh giới được hình thành từ Bốn Ba La Mật là Thường Lạc Ngã Tịnh. 

Trong đó, Hoa Nghiêm Kinh và Phạm Võng Kinh thì cho rằng Tỳ Lô Giá Na Phật là Báo Thân Phật; còn Quán Phổ Hiền Kinh thì cho là Pháp Thân Phật. Về phía Thiên Thai Tông và Pháp Tướng Tông thì lập nên Tam Tôn là Tỳ Lô Xá Na, Lô Xá Na và Thích Ca, trong đó họ xem Tỳ Lô Xá Na là Pháp Thân (Tự Tánh Thân), Lô Xá Na là Báo Thân (Thọ Dụng Thân) và Thích Ca là Ứng Thân (Biến Hóa Thân). 

Trong 10 danh hiệu đức Phật có câu “Thanh Tịnh Pháp Thân Tỳ Lô Xá Na Phật, Viên Mãn Báo Thân Lô Xá Na Phật, Thiên Bách Ức Hóa Thân Thích Ca Mâu Ni Phật”, cũng phát xuất từ giải thích nói trên. Riêng Chơn Ngôn Tông thì lấy thuyết của Đại Nhật Kinh mà chủ trương Tỳ Lô Giá Na Phật là Đại Nhật Pháp Thân với Lý Trí Bất Nhị. Trong bài Phật Tâm Ca (佛心歌) của Tuệ Trung Thượng Sĩ (慧中上士, 1230-1291) có câu “A thùy ư thử tín đắc cập, cao bộ Tỳ Lô đảnh thượng hành (阿誰於此信得及、高歩毘盧頂上行, Ai người theo đây tin được đến, cao bước Tỳ Lô đảnh thượng đi).”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét