Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2021

Giản giới tục thờ Ngũ hành thần nữ








Giản giới tục thờ Ngũ hành thần nữ ở Khánh Hòa.

Trong tín ngưỡng thờ nữ thần, mẫu thần ở Việt Nam nói chung thì Ngũ Hành thần nữ mà dân gian thường gọi là mẹ Ngũ hành hay bà Ngũ hành được thờ tự phổ biến ở các làng xã đặc biệt là tại các tỉnh ở Nam Trung bộ và Nam bộ. Đối với vùng đất Khánh Hòa, tục thờ này vẫn đang được bảo lưu và thực hành rộng rãi. Vậy tục thờ Ngũ hành thần nữ ở Khánh Hòa biểu hiện cụ thể ra sao? Các triều đại quy định điển lễ và ban tặng sắc phong đối với Ngũ Hành thần nữ như thế nào?... đó là những vấn đề cần tìm hiểu mà bài viết này mong muốn đề cập ngõ hầu góp phần nhỏ vào công tác nghiên cứu tục thờ nữ thần nói riêng và tín ngưỡng thờ mẫu nói chung.

Trước hết cần tìm hiểu một cách giản lược về khái niệm về Ngũ hành 五 行. Ngũ hành theo quan niệm triết học của người Trung Quốc cổ đại để chỉ năm hành (đi, sự vận động) cơ bản của vũ trụ bao gồm hành Thủy 水 (biểu trưng cho yếu tố nước, chất lỏng), hành Hỏa 火 (biểu trưng cho yếu tố lửa), hành Mộc 木 (biểu trưng cho yếu tố cây, gỗ), hành Kim 金 (biểu trưng cho yếu tố kim loại), hành Thổ 土 (biểu trưng cho yếu tố đất đai, thổ nhưỡng). Các hành này tương sinh tương khắc, chế hóa lẫn nhau tuân theo những quy luật nhất định. Cũng từ quy luật lý thuyết đó, Ngũ hành có ứng ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như trong Y học, ẩm thực, âm nhạc, phương vị, màu sắc, thiên văn, thời gian…

Xuất phát từ Trung Quốc, dần dần thuyết Ngũ hành được tín ngưỡng hóa, thành sự thờ phụng trong quan niệm “vạn vật hữu linh” rất phổ biến ở nhiều dân tộc Á Đông cho đến ngày nay trong đó có Việt Nam. Đặc biệt nước ta có truyền thống từ một nước nông nghiệp trồng lúa nước nên tín ngưỡng thờ các nhiên thần tức các thần trong tự nhiên như thần đất, thần nước, thần cây, thần lửa, và các thần có nguồn gốc từ động vật như chim, thú…. rất được coi trọng.

Xu hướng nữ hóa các vị thần đặc biệt là các nhiên thần như trường hợp năm bà ngũ hành (Ngũ hành thần nữ), các thần có nguồn gốc từ động vật như loài chim (Phấn Nhĩ Quỷ Vương thần nữ)[i],….cho thấy sự phong phú và đa dạng trong tín ngưỡng thờ nữ thần ở Khánh Hòa ngoài các nữ thần có nguồn gốc từ thiên thần (Thiên Y A Na) và các nhân thần là những thần có nguồn gốc từ con người cụ thể.



Di tích để thờ bà Ngũ hành thường mang tên Miếu Ngũ hành, Miếu Bà Ngũ hành hoặc có nơi gọi giản lược là Miếu Bà. Cũng nhiều trường hợp miếu thờ bà Ngũ hành mang tên miếu cùng với địa danh nơi đó, nhưng qua tìm hiểu cấu trúc thờ tự và thần chủ được thờ thì biết đó là miếu thờ bà Ngũ hành. Ở Khánh Hòa có nhiều miếu thờ Ngũ hành và dạng thức thờ tự. Nhiều nơi ở địa bàn Diên Khánh, Nha Trang, Ninh Hòa, Vạn Ninh, Cam Lâm, Cam Ranh có miếu thờ riêng như các ngôi miếu của các vị thần khác thường thấy. Có khi bà Ngũ Hành được phối thờ trang trọng trong các am thờ nhỏ hoặc các ban thờ riêng ở các miếu thờ hoặc các di tích như đình, chùa, lăng… do sự bài trí của người dân địa phương trong từng di tích cụ thể.


Trong các ban thờ Ngũ hành một số nơi như di tích Am Chúa, di tích Miếu Bà Đại Điền Đông (Diên Khánh) có bài trí tượng năm bà rất đẹp với những màu sắc trang phục riêng cho từng bà. Căn cứ vào phương vị và màu sắc trong thuyết Ngũ hành thì trang phục áo bào màu vàng là bà Thổ, màu đỏ là bà Hỏa, màu xanh là bà Mộc, màu đen là bà Thủy, màu trắng là của bà Kim, trong đó tượng bà Thổ thường được đặt ở chính giữa năm bà vì mệnh thổ ở Trung ương, cũng như vậy tùy vào mệnh của mỗi bà Ngũ hành ứng với mỗi phương mà xếp đặt vị trí tượng cho tương ứng như: mệnh Kim ở phương Tây, mệnh mộc ở phương Đông, mệnh Thủy phương Bắc, mệnh Hỏa phương Nam. Đặc biệt trong một số di tích như am thờ Ngũ hành trong khuôn viên Miếu Bà Đại Điền Đông (Diên Khánh) vừa có tượng năm bà lại vừa có bài vị chữ Hán đề tự hiệu đích danh năm bà. Các miếu hoặc ban thờ không có tượng thì thường có bài vị bằng gỗ khắc chữ Hán đề danh hiệu của năm bà hoặc cũng có thể được viết bằng mực tàu lên trên tường nơi thờ bà Ngũ hành với tự hiệu Ngũ hành thần nữ; Ngũ hành chi vị hoặc Ngũ hành….

Khảo sát các tư liệu Sắc phong, bài vị, văn tế tại các di tích thì tên gọi chung của năm bà thường là Ngũ hành thần nữ 五 行 神 女, Ngũ hành nương nương 五 行 娘 娘, có di tích trên sắc phong đề là Ngũ hành tiên nương 五 行 僊 娘. Tên hiệu cụ thể của từng bà cũng không đồng nhất ở các di tích. Có khi là Kim đức thánh phi 金 德 聖 妃, Mộc đức thánh phi 木 德 聖 妃 , Thủy đức thánh phi 水德 聖 妃 , Hỏa đức thánh phi 火 德 聖 妃 , Thổ đức thánh phi 土 德 聖 妃, cũng có lúc là Hỏa tinh thần nữ 火 晶 神 女 , Thủy tinh thần nữ 水 晶 神 女 như ở sắc phong miếu Tam Tòa (Diên Khánh), lại có trường hợp là Chủ thiết/Chúa sắt thần nữ 主 鐵 神 女 tại Miếu Hội Đồng [ii] (Diên Khánh).



Điều đặc biệt là Ngũ hành thần nữ đã được triều Nguyễn liệt vào tự điển và ban tặng sắc phong, đây là minh chứng quan trọng thể hiện tính chính thống quan phương của triều đình cho phép xã dân được thờ tự và công nhận bà Ngũ hành xếp vào hàng thần như những vị thần khác trong bách thần theo quan niệm của người xưa.

Sắc phong cho bà Ngũ hành cũng tồn tại hai dạng là phong chung và phong riêng tùy thuộc vào việc thờ ở mỗi làng xã. Qua việc thờ tự ở các di tích cho thấy, thường các di tích thờ cả năm bà Ngũ hành, có di tích thờ một bà trong năm bà như Miếu Bà Hỏa thờ bà Hỏa (Vĩnh Ngọc, Nha Trang), Đình Khánh Thành (Cam Lâm) có sắc thờ Kim tinh thần nữ. Cũng có di tích thờ hai bà trong năm bà như trường hợp Miếu Tam Tòa (Diên Khánh) có sắc phong thờ bà Thủy tinh thần nữ và Hỏa tinh thần nữ.

Như vậy rõ ràng việc tôn thờ một, hai hoặc năm bà trong Ngũ hành biểu tượng cho những yếu tố vật chất là đất đai, nước, kim loại, cây gỗ, củi lửa được người xưa tiếp nhận phụ thuộc vào đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán sinh hoạt của người dân trong từng vùng. Theo đó, nơi nào vượng hành gì thì thường thờ vị thần của hành đó. Ví như vùng gần sông suối thường thờ bà Thủy, nơi nào nhiều đất đai vườn ruộng thường thờ bà Thổ, nơi nào có khí hậu khô nóng thờ bà Hỏa, miền rừng núi thờ bà Mộc hay mẫu Thượng Ngàn…


Các sắc phong chung cho Ngũ hành thần nữ ở Khánh Hòa có niên đại muộn hơn các vị thần khác. Sắc phong chung cho Ngũ hành được tìm thấy sớm nhất vào năm Duy Tân thứ 5 (1911), hiện có ở nhiều di tích, như miếu Ấp Bạch Qua (Diên Khánh), đình Phong Ấp (Ninh Hòa). Sắc phong riêng cho từng vị trong năm vị thì Chủ thiết/Chúa sắt thần nữ (tức là bà Kim) có sắc phong sớm nhất là vào năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) tại Miếu Hội Đồng (Diên Khánh), còn lại đa số các sắc phong chung cho Ngũ hành thần nữ có niên đại vào năm Khải Định thứ 2 (1917) và năm Khải Định thứ 9 (1924).

Mỹ tự[iii] được phong qua các đời đối với Ngũ hành thần nữ là Tán hóa Mặc vận Thuận thành Hòa nhu Tư nguyên Trang huy Dực bảo trung hưng 贊 化 默 運 順 成 和 柔 資 元莊徽 翊 保 中 興, và thứ hạng thần cao nhất được phong là thượng đẳng thần上 等 神 (xếp vào hàng thần bậc thượng)[iv].

Đối với các di tích có sắc phong riêng cho từng vị trong năm vị thì mỹ tự được phong của mỗi bà cũng có nét riêng và thứ hạng thì chỉ lên đến hàng thần bậc trung (trung đẳng thần) trong ba hạng Thượng – Trung – Hạ. Như ở Đình Khánh Thành (Cam Lâm), sắc phong cho Kim tinh thần nữ vào năm Khải Định thứ 2 (1917) phong mỹ tự và thứ hạng là Trinh uyển Dực bảo trung hưng Hạ đẳng thần貞 婉 翊 保 中 興 下 等 神, năm Khải Định thứ 9 (1924) phong thêm mỹ tự Trai tĩnh 齋 靜 và xếp hạng là trung đẳng thần 中 等 神.

Nghi thức cúng tế Ngũ hành thần nữ cũng có nét tương đồng như các vị nữ thần hay mẫu thần khác trong vùng, tùy theo truyền thống phong tục mỗi địa phương mà quy định ngày vía và lễ phẩm phù hợp. Thường người dân hay tổ chức lễ vía bà vào tháng ba theo quan niệm cổ truyền tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ. Trong các văn cúng cầu an, cúng xuân cúng thu tại các di tích, thường thấy danh hiệu của bà Ngũ hành xuất hiện cùng với nhiều tên các vị thần khác trong thôn xã. Nhân dân các nơi tôn thờ Ngũ hành thần nữ và coi bà như thần mẹ có nhiệm vụ chở che và phò giúp họ trong lao động sản xuất được mùa màng tốt tươi, nhân khang vật thịnh. Đó cũng là nét đẹp tâm linh trong văn hóa tín ngưỡng thờ nữ thần, mẫu thần vốn đã trở thành mỹ tục của một vùng đất có bề dày truyền thống./.

Đỗ Văn Khoái

Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa



Tư liệu tham khảo:

1. Hồ sơ khoa học di tích: Đình Mỹ Trạch, Đình Phong Ấp (Ninh Hòa).

2. Hồ sơ khoa học di tích: Miếu Tam Tòa, Miếu Bà Đại Điền Đông, Am Chúa (Diên Khánh).

3. Sắc phong các di tích: Miếu Hội Đồng (Diên Khánh), Đình Khánh Thành (Cam Lâm), Miếu Tam Tòa, Miếu Ấp Bạch Qua (Diên Khánh)…




[i] Ở Đình Hội Xương (Diên Khánh) hiện có miếu riêng thờ bà Phấn Nhĩ Quỷ Vương và có sắc phong cho bà. Thần hiệu của bà qua tư liệu sắc phong tại miếu là Phấn Nhĩ Quỷ Vương thần nữ 奮 耳 鬼 王 神 女.


[ii] Miếu Hội Đồng: Sách Đại Nam Nhất Thống Chí, tập III, phần viết về tỉnh Khánh Hòa, mục Đền Miếu có ghi: Miếu Hội Đồng ở xã Phú Lộc, huyện Phước Điền thờ các vị thần trong bản cảnh, dựng từ năm Gia Long thứ 15, lợp bằng tranh; năm Tự Đức thứ 2 tu bổ lợp ngói. Hiện miếu không còn nhưng còn lưu giữ được 34 đạo sắc phong phong cho 11 vị thần trong bản cảnh trong đó có 03 sắc phong cho Chủ thiết/chúa sắt thần nữ 主 鐵 神 女 .


[iii] Mỹ tự: là những từ có ý nghĩa cao đẹp dùng để phong cho các vị thần, thường thấy trong sắc phong. Tùy thuộc vào công trạng, đức nghiệp của từng vị thần mà triều đình ban cho mỹ tự phù hợp. Ví dụ như mý tự phong cho Kim tinh thần nữ là Trinh uyển (chính đính, nhún thuận) Trai tĩnh (trai giới, trong sạch) Dực bảo trung hưng (có công giúp nước trong sự nghiệp trung hưng). Mỹ tự phong cho thần Thành hoàng ở Khánh Hòa thường là Quảng hậu (sâu dày) Chính trực (ngay thẳng) Hựu thiện (phò thiện) Đôn ngưng (lắng đọng).


[iv] Tư liệu: sắc phong Ngũ hành thần nữ tại Miếu Ấp Bạch Qua (Diên Khánh), Đình Phong Ấp (Ninh Hòa).



GIAI THOẠI VỀ THỜ PHƯỢNG NGŨ HÀNH THÁNH MẪU 

Từ thời Trung Hoa cổ đại, Ngũ Hành vốn là một khái niệm siêu hình học nền tảng trong các học thuyết về Âm Dương/Ngũ Hành của Khổng tử và Lão tử. Ngũ Hành là 5 loại vật chất căn bản, gồm: Kim (kim loại), Mộc (gỗ), Thủy (nước), Hỏa ( lửa) và Thổ (đất). Như giải thích trong kinh Dịch và kinh Thư, 5 chất liệu ấy vận động, phát triển theo hướng “tương sinh” và “ tương khắc”, đồng thời biểu thị quy luật sinh thành/vận động của toàn vũ trụ, thế giới và cả trong cuộc sinh tồn của nhân loại. Xuất phát từ Trung Quốc, lần hồi thuyết Ngũ Hành được tín ngưỡng hóa thành sự thờ phượng “vạn vật linh thiêng”, rất phổ biến trong nhiều dân tộc Á Đông – trong đó có Việt Nam – cho đến ngày nay.



“NĂM CHẤT” ĐƯỢC TÍN NGƯỠNG THỜ “MẪU” BIẾN THÀNH “NĂM BÀ”

Tiếp nhận thuyết Ngũ Hành từ phương Bắc rồi hòa quyện vào những tín ngưỡng dân gian đã có trước, người Việt cổ đã đưa thuyết này vào thờ phượng với những nhận định thực tiễn, giản dị. Chẳng hạn như ở vùng nóng bức quanh năm, thường xảy ra hoả hoạn, thì hành Hỏa được lập miếu thờ; vùng duyên hải, sông rạch thì thờ Thủy thần; vùng rừng núi thì thờ Bà Chúa Thượng Ngàn; vùng trồng lúa, trồng màu thì thờ Thổ thần v.v… Mặt khác, tại nước Việt xưa, so với các tục thờ Thổ Địa, Tài Thần, Chúa Xứ Thánh mẫu v.v…, thì tục thờ Ngũ Hành Nương Nương – tức thờ Ngũ Hành (vật chất) như một nhóm năm vị nữ thần – đã xuất hiện muộn hơn.

Còn muộn hơn là mãi đến năm Duy Tân thứ năm (tức năm 1911), triều đình nhà Nguyễn mới sắc phong chung cho năm Bà là các “Đức Thánh Nương, Trứ Phong Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần”, phân ra là: Thổ Đức Thánh Phi, Hỏa Đức Thánh Phi, Kim Đức Thánh Phi, Thủy Đức Thánh Phi và Mộc Đức Thánh Phi.

Nhưng tại sao biểu tượng cho “năm chất căn bản tạo nên trời đất” lại là các nữ thần mà không là nam thần?

Theo thiển ý (bởi chưa thấy có tài liệu, sách vở nào về khảo cổ học, nhân chủng học, tôn giáo học… đưa ra lý giải tương tự), là vào thời tiền sử, theo cái nhìn sơ khai của các dân tộc trồng lúa nước, sống phụ thuộc vào thiên nhiên – như người Việt cổ – thì, giới tự nhiên, hoang dã có tính chất tạm gọi là “âm sinh”, bởi ở đâu cũng thế, con người cổ đại nhìn thấy việc đẻ đái, trẻ con sơ sinh cũng như các thú vật sơ sinh khác được sinh ra duy nhất chỉ từ người đàn bà hay các con thú giống cái.

Có thể nói, dù chỉ là một kinh nghiệm hết sức hồn nhiên, thô thiển trước thế giới quanh mình nhưng kinh nghiệm trực quan nói trên đã mang tính chất vũ trụ quan nguyên thủy của con người bầy – đàn. Hơn thế, đây cũng là nguyên do có trước tiên trong số những nguyên do dẫn tới chế độ mẫu hệ cùng tín ngưỡng thờ Mẫu – biểu tượng thần linh nghiêng về “Mẹ”, “Mẹ Đất” rất phổ biến trong các chủng người cổ đại.

Riêng ở nước Việt xưa, tín ngưỡng thờ Mẫu trong dân gian (các thánh mẫu, bà chúa, như các đức Bà Thủy phủ, Thiên Phủ, Địa Phủ, Nhạc Phủ, Man Nương, Bà Chúa Thượng Ngàn.v.v…) đã có từ trước khi Phật giáo truyền vào đất Việt. Đến thời, đến lượt năm vị nữ thần Ngũ Hành được tôn thờ thì dân gian tin rằng các Bà có những quyền năng nhất định đối với các nghề liên quan đến đất đai, củi lửa, kim khí, nước nôi và cây gỗ, tức đây là nhóm thần linh có thể phù hộ cho đám nông dân, ngư dân, thợ thủ công…, nói chung là hầu hết tầng lớp thứ dân trong xã hội cổ xưa.

Trước kia, Ngũ Hành Nương Nương thường được thờ trong những am, miếu, điện…, phổ biến nhất là các ngôi miếu lớn, nhỏ mà người dân quen gọi ngắn gọn là “miếu Ngũ Hành” hay “miếu Bà” – hiếm khi nghe kiểu gọi “miếu năm Bà”. Tiến về phương Nam, đến vùng đất Gia định cũ, rồi TP HCM ngày nay (mở rộng từ đô thành Sài Gòn cũ), tục thờ Bà Ngũ Hành càng được quảng bá rộng rãi, những ngôi miếu Bà xuất hiện khắp nơi, nhất là ở các vùng nông thôn và vùng ven đô.

Ban đầu, người ta thờ Bà bằng bài vị chữ Nho, nhưng mấy mươi năm gần đây, bài vị lần hồi được thay bằng tượng tô, đúc bằng xi măng. Cần để ý là từ màu sơn thân tượng cho đến màu y áo, khăn choàng khoác ngoài, ở mỗi Đức Bà (tức mỗi Hành) đều có màu chủ đạo riêng biệt, đó là: Kim Bà màu trắng, Mộc Bà màu xanh, Hỏa Bà màu đỏ, Thủy Bà màu đen (hoặc tím) và Thổ Bà màu vàng.




“BÀ” Ở TRONG ĐÌNH, CHÙA, CẢ TRONG KHU PHỐ, NGÕ HẺM

Ở vùng Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Định cũ, do phần lớn giới trung lưu và giới bình dân (tiểu thương, sản xuất tiểu/thủ công nghiệp, buôn gánh bán bưng, lao động chân tay…), thường cùng tin là Bà Ngũ Hành linh hiển, nên từ xa xưa, trước ngày 30/4/1975, miếu Bà được cất, dựng rải rác, liền kề nhau ở khắp các thôn ấp, đường phố. Như ở quận Gò Vấp (thuộc tỉnh Gia Định cũ, vùng đất có rất nhiều chùa, miếu), ở một đoạn đường Nguyễn Thái Sơn giáp đường Lê Lợi thuộc phường 3, chỉ nội trong hai khu phố kề nhau, đã có tới 4 chỗ thờ Bà Ngũ Hành, gồm một miếu ở mặt tiền đường và ba cái kia thì khuất trong ngõ hẻm, cách nhau chỉ chừng 500 – 600 mét.

Xưa nay, trong đất thổ cư, vườn tược của mình, nhiều nhà giàu đã cúc cung dựng miếu thờ Bà, như ở vùng quận 9 (gần Trường Bộ Binh Thủ Đức cũ) hiện nay, có những ngôi miếu Bà thật nhỏ, có khi chỉ bằng cái tủ áo, được cất ngay cạnh ao nuôi cá và chuồng gà vịt. Có nơi Bà được gia chủ thờ riêng một miếu, cũng có nơi thờ chung với Thổ Địa, Quan Công, Mẹ Thai Sanh…

Còn ở các nơi thờ phượng công cộng là các ngôi đình làng, kiểu thờ “quần tiên, chư thần” càng phồn tạp hơn. Mang danh nghĩa “đình” là dành thờ Thành Hoàng (vị nhân thần bảo hộ cho làng, xã), nhưng trong đình thì ngoài bệ thờ Thành Hoàng, luôn luôn có thêm bàn thờ, trang thờ Ngũ Hành Nương Nương, Quan Thánh, Thổ Địa, Tiền Hiền, Hậu Hiền, Linh Sơn Thánh Mẫu .v.v…

Ở những ngôi đình cổ, như đình Minh Hương Gia Thạnh (ở quận 5, xây năm 1797) , đình Phong Phú (ở quận 9, xây năm 1937), đình Phú Nhuận ( 150 năm tuổi), đình An Phú (ở quận 12, khoảng 250 năm tuổi) .v.v…, thì hằng năm, bá tánh cùng vía Bà cũng lớn không thua gì lễ vía Thành Hoàng địa phương.

Một điểm đặc biệt nữa là dù chỉ thuộc về tín ngưỡng dân gian chứ không thuộc hàng “chư Phật” trong Phật giáo, Bà Ngũ Hành vẫn được thờ trong chùa (chính danh là cửa Phật), có điều phải là những ngôi chùa cổ (theo Đại Thừa). Như trong khuôn viên một số ngôi cổ tự như chùa Phổ Đà Quan Âm (quận Gò Vấp), chùa Vạn Thọ (quận 1), chùa Bình An (quận Bình Tân), chùa Bửu Long sơn tự ở tận Dĩ An (Bình Dương).v.v…, những ngôi miễu Bà được bá tánh cúc cung quanh năm hương khói… Còn ở những ngôi chùa tạm gọi là ‘tân thời’, mới cất gần đây như trường hợp chùa Quảng Đức (mới xây dựng sau 30-4 ở quận 3), không thấy có những am, khám thờ các vị thần bên tín ngưỡng dân gian, như Bà Ngũ Hành, Quan Công, Linh Sơn Thánh Mẫu…

Được thờ cúng từ ở những ngôi miếu khang trang, lộng lẫy, cho đến những bàn thờ, trang thờ nhỏ bé, đơn sơ tại tư gia, có thể nói “Bà” là nhóm thần linh rất gần gũi với bá tánh. Thậm chí ở vài cái miếu trong ngõ hẻm – có khi nhỏ, hẹp đến nổi chỉ bằng chừng 2-3 chiếc chiếu đôi trải ra – miếu vẫn còn là “hộ khẩu 1 người” bởi người coi sóc miếu ăn ở, sinh hoạt luôn ở phía sau bàn thờ Bà.




VÍA BÀ LUÔN CÓ BÓNG RỖI ĐẾN HÁT, TẾ…

Theo đúng tục lệ thì lễ vía Ngũ Hành Nương Nương là vào ngày 19 tháng Ba âm lịch hằng năm, nhưng có vài nơi cúng trễ hơn, như ở ngôi miếu Bà nằm ở đường Phan Văn Khỏe, gần chợ Bình Tây (cất năm 1970), lại cúng Bà vào ngày 23 tháng Ba.

Cũng theo đúng lệ thì vào kỳ vía, các miếu Bà phải mời đám bóng rỗi – pêđê nam – đến hát, tế, múa dưng bông… thật tưng bừng, thu hút rất đông bá tánh xa, gần đến coi. Trước vía 1- 2 ngày, bà con bổn đạo thường cùng nhau “đấp y cho Mẹ”, là nghi thức lau chùi, sơn sửa, thay áo, mão mới cho các pho tượng Bà.Bóng rổi hát cúng Bà ở một ngôi miếu Ngũ Hành nằm trên đường Lê Lợi, quận Gò Vấp – Saigon


Vừa rồi, một ngôi miếu Ngũ Hành nằm ở đường Trương Đăng Quế (phường 3 Gò Vấp), dù chẳng rõ dự án mở rộng con đường này có thực hiện hay không, tức tương lai ngôi miếu có bị giải tỏa trắng hay không, trước mắt vẫn rục rịch tô sửa, sơn phết chuẩn bị cho kỳ vía Bà năm nay. Đúng ra, theo chị Dung, người vừa coi sóc miếu vừa có nghề tế bóng rỗi, bà con ở đây vẫn có lệ riêng là bất kỳ lúc nào trong năm, hễ trong bổn đạo có ai phát tâm cúng Bà là đến nhờ chị tổ chức, sửa soạn mâm lễ, chứ không cần chờ đến kỳ vía tháng Ba âm lịch như lúc này mới cúng.

Còn theo bà Ba Thích, thuộc gia đình đã bỏ công bỏ của cất ngôi miếu này từ năm 1950, cứ 3 năm một lần, gia đình bà đều giữ đúng lệ cúng tạ Ngũ Hành Hành Nương, bởi: “Bao năm qua, có Bà, Mẹ Mẫu đã gia ơn phò hộ thì gia đình tôi mới được mạnh khỏe, bình an bấy lâu…”.


Lễ vía "Ngũ hành Thánh Mẫu Nương Nương"


Trong không khí người dân các địa phương nô nức trẩy hội Xuân , Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên (quận 9, TPHCM) đã tổ chức Lễ vía “Ngũ hành Thánh Mẫu Nương Nương”, trước cầu nguyện quốc thái dân an, sau là cầu nguyện cho bá tánh thập phương trong năm mới được nhiều thắng ý, vạn sự hạnh thông, đạt nhiều phúc lạc.

Chương trình được tổ chức trang trọng với nhiều nghi thức như: Lễ Tiên Thường, Lễ Sao Hội, Lễ Túc Yết… tại Điện Bà – Long Hoa Thiên Bảo, trong khuôn viên Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên, với sự chủ lễ của Ban Quản trị Lăng miếu Bà Chúa Xứ núi Sam – Châu Đốc, cùng đông đảo du khách TPHCM và các tỉnh lân cận.

Tại đây, du khách tìm lại những nét đẹp trong văn hóa cổ truyền như: Biểu diễn Lân Sư Rồng, múa dâng mâm vàng, múa dâng bông, múa rối, cải lương…, cùng nhiều nghi thức cúng tế đặc biệt theo tín ngưỡng văn hóa dân gian.

Từ thời nguyên thủy, cha ông ta có ý thức về sự sinh sôi nảy nở, trân trọng công ơn người mẹ - người mang nặng đẻ đau, nuôi dưỡng, chăm lo cho con cháu khôn lớn, trưởng thành. Trong quá trình lao động và đấu tranh sinh tồn, những yếu tố ngoại cảnh đem lại việc nuôi sống, che chở, bảo vệ con người chiến thắng thiên tai, thú dữ.

Bên cạnh đó, truyền thuyết kể lại rằng, những yếu tố cơ bản sinh ra vạn vật cũng đều được xem là mẹ: Mẹ Đất, Mẹ Nước, Mẹ Cây, Mẹ Trời…, vì thế mà có niềm tin trong mỗi cõi Trời, Đất, Rừng, Biển đều có một vị nữ thần cai quản. Năm vị Tiên Nương là đại diện cho 5 yếu tố cơ bản trong ngũ hành: Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ, cai quản càn khôn, ban phát tài lộc cho bá tánh, phạt kẻ ác tâm, độ người hiền đức. Đó là 5 vị: Cửu Thiên Huyền Nữ (Bà Thủy), Linh Sơn Thánh Mẫu (Bà Mộc), Lê Sơn Thánh Mẫu (Bà Kim), Thánh Anh La Sát (Bà Thổ), Chúa Tiên Chúa Ngọc (Bà Hỏa).

Đến với Ngũ Hành Nương Nương, mọi người thường cầu xin sức khỏe, gia đình làm ăn phát tài, công việc làm ăn buôn bán luôn được phát đạt, tránh được mọi điều xấu xa, xui xẻo, không còn ốm đau, hạn hán, sâu bệnh, chuột bọ phá hoại mùa màng… và cầu xin những điều tốt lành như: Con hiếu thảo, gia đình hòa thuận, xóm làng bình yên, mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi…











Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét