Thứ Sáu, 15 tháng 1, 2021

PHẬT NÓI KINH PHỤC DÂM





PHẬT NÓI KINH PHỤC DÂM

Hán dịch: Tây Tấn, sa môn Pháp Cự

Việt dịch: Thích Chánh Lạc

--- o0o ---



Nghe như vầy:

Một thời Bà già bà ở tại rừng cây ông Kỳ-đà, vườn ông Cấp cô độc, nước Xá Vệ.

Bấy giờ cư sĩ A na bân kỳ đi đến chỗ đức Thế tôn, đảnh lễ dưới chân đức Thế tôn rồi đứng qua một bên. Cư sĩ A na bân kỳ đứng qua một bên rồi bạch đức Thế tôn:

–Bạch Thế tôn, ở đời có bao nhiêu hạng người phục dâm (hành dục)?

Ðức Phật dạy:

–Này cư sĩ, ở đời có mười hạng người phục dâm. Những gì là mười?

–Này cư sĩ, có hạng người phục dâm tìm cầu của cải một cách phi pháp. Sau khi tìm cầu của cải một cách phi pháp, vì không có phương tiện cho nên bị khổ, kẻ ấy không thể tự nuôi thân mình một cách an ổn, cũng không thể nuôi cha mẹ, vợ con, đầy tớ, người giúp việc; cũng không cúng dường sa môn, bà la môn không làm việc hữu ích, việc thiện, nhờ đó để được sanh lên trời. Như vậy này cư sĩ, đó là một hạng người phục dâm.

Lại nữa này cư sĩ, có hạng người phục dâm tìm cầu của cải một cách phi pháp. Sau khi tìm cầu của cải một cách phi pháp rồi người ấy có thể tự nuôi thân mình an ổn, cũng nuôi cha mẹ, vợ con, người giúp việc, đầy tớ; nhưng không cúng dường cho sa môn, bà la môn làm việc thiện để được thân tốt, sanh đến chỗ tốt. Như vậy này cư sĩ, đó là một hạng người phục dâm.

Lại nữa, này cư sĩ, có hạng người phục dâm tìm cầu của cải một cách phi pháp. Sau khi tìm cầu của cải một cách phi pháp rồi, kẻ ấy có thể tự nuôi thân mình an ổn, cũng có thể nuôi cha mẹ, vợ con, người giúp việc, đầy tớ; cũng cúng dường cho sa môn, bà la môn làm điều thiện để được thân tốt đẹp, sanh đến chỗ tốt đẹp. Như vậy này cư sĩ, đó là một hạng người phục dâm.

Lại nữa, này cư sĩ, có một hạng người phục dâm tìm cầu của cải một cách hợp pháp, phải lẽ. Sau khi tìm cầu của cải một cách hợp pháp rồi, kẻ ấy không tự nuôi thân mình để được an lạc, cũng không thể nuôi cha mẹ, vợ con nô tỳ, cũng không cúng dường cho sa môn, bà la môn làm việc thiện để thân được tốt đẹp và sanh đến thiện xứ. Như vậy này cư sĩ, đó là một hạng người phục dâm.

Lại nữa này cư sĩ, có hạng người phục dâm tìm cầu tiền tài một cách hợp pháp, phải lẽ. Sau khi tìm cầu tiền tài một cách hợp pháp, phải lẽ rồi, kẻ ấy có thể tự nuôi thân mình được an lạc, cũng có thể nuôi cha mẹ, vợ con, nô tỳ, nhưng không cúng dường sa môn, bà la môn làm điều thiện để được thân tốt đẹp và sanh đến chỗ thiện. Như vậy này cư sĩ, đó là một hạng người phục dâm.

Lại nữa này cư sĩ, có một hạng người phục dâm tìm cầu tiền tài một cách hợp pháp, phải lẽ. Sau khi tìm cầu tiền tài một cách hợp pháp, phải lẽ rồi, kẻ ấy có thể tự nuôi sống thân mình một cách an lạc, cũng có thể nuôi sống cha mẹ, vợ con, nô tỳ; cũng cúng dường sa môn, phạm chí, làm điều thiện để thân được tốt đẹp và sanh đến thiện xứ. Như vậy này cư sĩ, đó là một hạng người phục dâm.

Lại nữa, này cư sĩ, có một hạng người phục dâm tìm cầu của cải một cách vừa hợp pháp vừa phi pháp. Sau khi tìm cầu của cải một cách vừa hợp pháp vừa phi pháp rồi, kẻ ấy không thể nuôi sống thân mình một cách an lạc, cũng không thể nuôi cha mẹ, vợ con, nô tỳ, cũng không cúng dường sa môn, bà la môn làm việc thiện để thân được tốt đẹp và sanh đến thiện xứ. Như vậy này cư sĩ, đó là một hạng người phục dâm.

Lại nữa, này cư sĩ, có một hạng người phục dâm tìm cầu của cải vừa hợp pháp vừa phi pháp. Sau khi tìm cầu của cải vừa hợp pháp vừa phi pháp rồi, tự nuôi sống thân mình được an lạc, cũng nuôi cha mẹ, vợ con, nô tỳ nhưng không cúng thí cho sa môn, bà la môn làm thiện để thân được tốt đẹp, sanh đến thiện xứ. Như vậy này cư sĩ, đó là một hạng người phục dâm.

Lại nữa, này cư sĩ, có một hạng người phục dâm tìm cầu của cải vừa hợp pháp vừa phi pháp. Sau khi tìm cầu của cải một cách vừa hợp pháp vừa phi pháp. Sau khi tìm cầu của cải vừa hợp pháp vừa phi pháp xong, kẻ ấy có thể tự nuôi sống thân thể được an lạc, cũng có thể nuôi cha mẹ, vợ con, nô tỳ, cũng cúng dường cho sa môn, bà la môn, làm điều thiện để thân thể được tốt đẹp, sanh đến thiện xứ. Kẻ ấy được tiền tài rồi nhiễm đắm trong đó, hết sức nhiễm trước, không thấy sự tai họa thay đổi, cũng không biết bỏ lòng tham ấy đi. Như vậy, này cư sĩ, đó là một hạng người phục dâm.

Lại nữa này cư sĩ, có hạng người phục dâm tìm cầu của cải, tiền tài vừa hợp pháp vừa phi pháp. Sau khi tìm cầu của cải, tiền tài vừa hợp pháp vừa phi pháp xong kẻ ấy tự nuôi thân mình được an ổn, cũng nuôi cha me, vợ con, nô tỳ; cũng cúng đường sa môn, bà la môn và làm phước để thân được tốt đẹp, sanh đến thiện xứ. Sau khi được tiền tài rồi, kẻ ấy không nhiễm cũng không trước, cũng không thấy sung sướng trong đó, cũng không an trụ trong đó, cũng biết đó là tai họa biến đổi, kẻ ấy có thể xả bỏ lòng tham trước của cải. Như vậy này cư sĩ, đó là một hạng người phục dâm.

Này cư sĩ, có kẻ phục dâm một cách phi pháp để cầu tiền tài. Sau khi đã tìm cầu tiền tài một cách phi pháp, kẻ ấy không thể nuôi thân được an ổn, cũng không thể nuôi cha mẹ, vợ con, nô tỳ được yên ổn, cũng không cúng dường sa môn, bà la môn, làm thiện để thân được tốt đẹp, để sanh đến thiện xứ. Này cư sĩ, kẻ phục dâm như vậy, so với các người phục dâm khác, ta nói là kẻ thấp hèn nhất.

Này cư sĩ, nếu có người phục dâm tìm cầu của cải một cách phi pháp. Sau khi tìm cầu của cải một cách phi pháp, kẻ ấy có thể nuôi thân mình một cách an ổn, cũng có thể nuôi sống cha mẹ, vợ con, nô tỳ, nhưng không cúng dường cho sa môn, bà la môn, làm thiện để thân thể được tốt đẹp, sanh đến thiện xứ. Này cư sĩ, kẻ phục dâm này so với những người phục dâm khác thì có ít thù thắng hơn.

Này cư sĩ, nếu có người phục dâm tìm cầu tiền tài một cách hợp pháp. Sau khi tìm cầu tiền tài một cách hợp pháp, kẻ ấy có thể nuôi thân họ được an lạc, cũng có thể nuôi cha mẹ, vợ con, nô tỳ; cũng cúng dường cho sa môn, bà la môn, làm thiện để thân được tốt đẹp, sanh đến thiện xứ. Kẻ ấy được tiền tài rồi nhưng không nhiễm, không trước, không cất giữ, không đam mê, biết nó là tai họa, xả ly nó khi tiêu dùng. Như vậy này cư sĩ, kẻ phục dâm này so với những kẻ phục dâm khác là tối thắng, tối diệu, tối thượng, tối hảo, vô thượng. Này cư sĩ, cũng như từ con trâu có sữa, do sữa có lạc, do lạc có đề hồ, nhân đề hồ có tô, do tô có lạc. Ðây là tối thắng, tối diệu, vô thượng. Cũng như vậy, này cư sĩ, đối với những người phục dâm thì loại phục dâm này là tối thắng, tối diệu, cực diệu, tối thượng, vô thượng vô thượng.

Nói kệ rằng:

Nếu kiếm của phi pháp

Không cúng, không tiêu dùng

Cả hai đều keo kiệt

Nếu kiếm của hợp pháp

Cúng dường và tiêu dùng

Cả hai không ô uế

Có thể hành trí tuệ

Biết đủ, thấy tai hoạn

Kẻ đó có trí tuệ

Như pháp, thí như pháp

Không bố thí, tạo phước

Ác hạnh nuốt kẻ này.

Muốn bố thí, làm phước

Cũng làm điều phước đức

Họ đều có như vậy

Phục dâm theo hành động

Tiêu dùng mà tri túc

Là phục dâm tối diệu

Ðức Phật thuyết như vậy, cư sĩ A na bân kỳ (Cấp cô độc) nghe đức Phật Thế tôn dạy xong, hoan hỷ vui mừng.



PHẬT NÓI KINH PHỤC DÂM





Quả báo của tâm DÂM DỤC khi tu thiền định






NGHIỆP “SÁT – ĐẠO – DÂM – VỌNG”

1. QUẢ BÁO CỦA TÂM DÂM DỤC KHI TU THIỀN ĐỊNH

“A Nan ở trong chúng sửa áo chỉnh tề, chắp tay đảnh lễ, nơi tâm sáng tỏ, lòng bi hoan hỷ. Vì muốn lợi ích cho chúng sanh vị lai, cúi đầu bạch Phật:

– Bạch Thế Tôn! Nay con đã ngộ pháp môn thành Phật, theo đó tu hành, chẳng còn nghi hoặc. Con thường nghe Như Lai nói: tự mình chưa ngộ mà độ người khác trước, ấy là chỗ phát tâm của Bồ Tát. Tự Giác đã trọn, hay giác ngộ người khác, ấy là sự độ thế của Như Lai. Con dù chưa được ngộ, nhưng nguyện độ tất cả chúng sanh trong đời mạt pháp. Thế Tôn, những chúng sanh này cách Phật ngày càng xa, bọn tà sư thuyết pháp như hằng sa, muốn nhiếp tâm họ nhập Tam Ma Địa thì nên khiến họ dựng lập đạo tràng như thế nào để xa lìa các ma sự, được chẳng lui sụt nơi tâm Bồ Đề.

Bấy giờ, Thế Tôn ở trong chúng khen ngợi A Nan:

– Lành thay! Lành thay! Như con hỏi về sự an lập đạo tràng, cứu giúp chúng sanh chìm đắm trong đời mạt pháp, con hãy lắng nghe, Ta sẽ vì con mà nói.

A Nan và đại chúng kính vâng lời dạy của Phật.

Phật bảo A Nan:

– Con thường nghe Ta khai giảng ba nghĩa quyết định của sự tu hành trong Luật Tạng, ấy là: NHIẾP TÂM thành Giới, từ Giới sanh Định, từ Định phát Huệ, gọi là BA VÔ LẬU HỌC (GIỚI – ĐỊNH – HUỆ).

– A Nan! Làm sao nhiếp tâm gọi là Giới?

– Nếu chúng sanh lục đạo trong thế giới, tâm chẳng DÂM DỤC, thì chẳng theo dòng sanh tử tương tục.

– Người tu chánh định cốt để ra khỏi trần lao, nếu tâm dâm dục chẳng trừ thì chẳng thể ra khỏi, dẫu cho có nhiều trí thiền định hiện tiền, nếu chẳng đoạn dâm, ắt phải lạc vào MA ĐẠO. Hạng trên thành Ma Vương, hạng giữa thành Ma dân, hạng dưới thành Ma nữ. Bọn ma kia cũng có đồ chúng, mỗi mỗi tự xưng đã thành đạo vô thượng, sau khi Ta diệt độ, trong đời mạt pháp, bọn Ma dân này sôi nổi trên thế gian, thịnh hành tham dâm, tự xưng là Thiện-tri-thức khiến chúng sanh sa vào hầm ái kiến, lạc mất đạo Bồ Đề.

– Con dạy người đời tu Tam Ma Địa, TRƯỚC NHỨT PHẢI DỨT DÂM DỤC, ấy là lời dạy bảo rõ ràng trong sạch, gọi là NGHĨA QUYẾT ĐỊNH THỨ NHẤT của chư Phật.

– A Nan! Nếu chẳng dứt dâm dục mà tu thiền định, cũng như nấu cát mà muốn thành cơm, dù trải qua trăm ngàn kiếp, cũng chỉ là cát nóng. Tại sao? Vì cát vốn chẳng phải là cơm vậy. Nếu lấy thân dâm mà cầu Diệu quả của Phật, dẫu được khai ngộ cũng chỉ là gốc dâm; cội gốc đã thành dâm thì phải trôi lăn trong tam ác đạo, chẳng thể thoát khỏi, vậy làm sao có thể tu chứng đạo Niết Bàn! Ắt phải khiến thân tâm đều dứt hết sự dâm, cả cái dứt cũng chẳng có thì mới có thể hy vọng chứng quả Bồ Đề.

– Như lời Ta thuyết gọi là Phật thuyết. Chẳng thuyết như thế là Tà ma thuyết”.

(trích Kinh Thủ Lăng Nghiêm)

————————————————

LỜI BÀN

Giới tức Thân – Khẩu – Ý trong từng sát na giữ hằng trong sạch, thanh tịnh. Từ Giới sanh Định, từ Định phát Huệ, liễu Pháp Như Lai, ngộ nhập Phật tri kiến.



NHIẾP TÂM tức tâm an trụ nơi câu niệm Phật, thoại đầu hay mật chú. Nếu có thể nhiếp tâm ba thời chẳng loạn (nhất tâm bất loạn cho đến vô niệm) thì GIỚI tròn đầy, gọi là NHIẾP TÂM THÀNH GIỚI. Nhờ nhiếp tâm thành Giới nên Định – Huệ khai mở, tự kiến Phật tánh (tự giác), thừa sự Như Lai (giác tha), an lập Đạo Tràng, hoằng truyền Phật Pháp, phổ độ chúng sanh, tự giác – giác tha – giác hạnh viên mãn.

NGƯỜI TU THIỀN ĐỊNH (tham thiền, niệm Phật, trì chú) nếu không đoạn trừ tâm DÂM DỤC thì lạc vào MA ĐẠO, luân hồi nơi Tam ác đạo khổ não khôn cùng, khó có ngày ra.

Lẽ tự nhiên, vạn vật muôn loài trong vũ trụ nhơn sanh đều nơi bản năng sinh tồn mà duy trì nòi giống. Từ bản năng sinh lý giới tính của thân tứ đại vật lý sẽ tác động đến tâm lý (Ý) điều khiển lời nói (KHẨU) và hành động (THÂN) thực hiện những hành vi… nhằm thỏa mãn nhục dục sắc thân. Để thỏa mãn nhu cầu tâm – sinh lý đó, nhiều người đã hành động theo bản năng, đạp đổ cả luân thường đạo lý mà bỏ đi tính “Người” để làm chuyện phạm pháp, loạn luân, ngoại tình… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và cuộc sống của gia quyến người bị hại, khổ não cho chính những người thân yêu trong gia đình, còn bản thân phải chịu sự trừng trị của pháp luật. Rộng hơn, nó còn tác động tiêu cực đến sự định hướng và phát triển nhân cách, đạo đức sống của cộng đồng xã hội, chủ yếu là giới trẻ. Do đó, ÁI DỤC là cội nguồn của sanh tử luân hồi, là gốc của khổ não trần lao, là CHƯỚNG khó vượt qua nhất đối với người tu Phật.



Với cư sĩ tại gia, cấm “TÀ DÂM” là một trong Ngũ giới cấm để duy trì nền tảng hạnh phúc gia đình. Nghĩa rốt ráo cấm tà dâm là không chỉ ở phương diện cấm thực hiện hành vi “quan hệ” (thân, khẩu) với đối tượng ngoài hôn nhân vốn được luật pháp công nhận và bảo vệ (vợ hoặc chồng) mà chủ yếu là ở phương diện “tâm ý” như đã nói ở trên. Nếu “ý” khởi niệm tà dâm với người ngoài hôn thú thì xem như đã phạm Giới tà dâm, quý cư sĩ hãy lý trí, thận trọng xét suy trước sau vai trò, bổn phận và trách nhiệm của mình trong đời sống gia đình, những hậu quả cay đắng mà bản thân và gia đình sẽ phải gánh chịu… để không bị dục vọng bản năng sai sử mà hành động thiếu sáng suốt, phải hối hận muộn màng. Vì vậy, giới cấm TÀ DÂM đối với cư sĩ nếu hiểu rốt ráo chẳng dễ thực hành.

Với tu sĩ, thiền định (về lý đó là công phu tham thiền, niệm Phật, trì chú chứ không phải về Tông phái) là con đường duy nhất để điều phục thân tâm, hóa giải nghiệp chướng bao đời, chuyển mê khai ngộ, liễu Phàm nhập Thánh. Xưa, Thái tử Tất Đạt Đa nơi công phu thiền định mà viên thành Phật quả; nay đệ tử Phật há có thể không thiền định mà giải thoát khỏi sanh tử luân hồi ư? Để người tu thiền không lạc lối vào MA ĐẠO, Phật dạy xả ly tâm DÂM DỤC. Nói cách khác, Phật dạy “NHIẾP TÂM THÀNH GIỚI” để bảo hộ đường tu (xem giải nghĩa ở trên). Rõ ràng, một khi đã tiến thân trên con đường giải thoát thật sự thì chẳng dễ chút nào. Chỉ cần tâm buông lung, phóng dật theo nghiệp duyên và dục vọng bản năng (nội chướng) thì khi hành thiền, ma dâm dục (ngoại ma) sẽ khảo đảo hoành hành cho Ý DÂM thêm loạn, khiến tẩu hỏa nhập ma. Lúc đó, hành giả đã nhập chúng ma, chuyên hành ma sự, “tự xưng đã thành đạo Vô thượng, …, thịnh hành tham dâm, tự xưng là Thiện-tri-thức, khiến chúng sanh sa vào hầm ái kiến, lạc mất đạo Bồ Đề” như lời Phật đã dạy. Quý tu sĩ cần tự giác cảnh tỉnh mình.



MẬT DUYÊN cho sự ra đời của Kinh/Chú Thủ Lăng Nghiêm là do Đức A-Nan khi đang đi khất thực ngang nhà nàng Ma-Đăng-Già thì bị nàng dùng tà chú Phạm Thiên của đạo Satìcala bắt mình vào phòng riêng, diễn trò nâng niu âu yếm, khiến cho gần mất giới thể. Có nhiều MẬT Ý từ cơ duyên này mà người tu Phật thời nay chẳng dễ nhận ra, xét thấy nay cần nói rõ để tránh ngộ nhận, mê lầm:

1. Đức A-Nan là một trong 10 Đại đệ tử của Phật, ĐA VĂN ĐỆ NHẤT. Đó là lời Phật ấn chứng cho căn cơ, túc trí, hạnh tu nhiều đời của Tôn-giả mà được thành tựu. Do căn trí, tâm lượng và mật hạnh mỗi người mỗi khác nên công hạnh thành tựu cũng mỗi người mỗi vẻ, chẳng hạn như Tôn giả Phú Lâu Na thì thành tựu “Thuyết Pháp đệ nhất”, Tôn giả Mục Kiền Liên thì thành tựu “Thần Thông đệ nhất”… Do đó, đừng mê lầm cho rằng Tôn giả A-Nan “đa văn đệ nhất” tức Ngài chỉ “học Phật” mà thiếu/không tu. HỌC PHẬT mà không tu vốn là Sở tri chướng, là Kiến chấp, là thông bệnh của đa phần người tu Phật; còn ĐA VĂN là CÔNG HẠNH GIẢI THOÁT thành tựu từ sự tu hành miên mật nhiều đời của Tôn giả A-Nan. Nếu nói hạnh “đa văn” chẳng khác gì bệnh “học Phật” thì Đức Phật đã chẳng khen ngợi, ấn chứng cho công hạnh siêu phàm này của Tôn giả A-Nan trước Đại chúng, để rồi tự mâu thuẫn với lời dạy của mình. Vậy mà nhiều tu sĩ hiện nay giảng Kinh Thủ Lăng Nghiêm lại thiếu Chánh Kiến, Chánh Tư Duy trong nhận định này, vô tình mang tội phỉ báng BẬC GIẢI THOÁT mà phải gánh lấy khẩu nghiệp chẳng nhẹ.

2. Thời mạt pháp, tâm chúng sanh ngu si can cường, dục vọng chất ngất, khó nói khó độ (mạt tâm), lại rất dễ bị ma khảo hoành hành, dẫn dắt lầm lạc nên nhằm giúp cho những ai tu hành vì đại sự liễu sanh thoát tử, Tôn-giả A-Nan đã chủ ý “DIỄN” và “HỶ XẢ NHẬN” lấy tiếng điều nghi ngàn đời về hạnh tu của mình khi rơi vào bẫy ái dục của Ma-Đăng-Già mà “(CỐ TÌNH) KHÔNG THỂ TỰ THOÁT”, từ đó “mật nhân” cho Phật tuyên thuyết chú Thủ Lăng Nghiêm hầu giúp chúng sanh đời sau có tâm chú Phật mà thủ hộ thân-tâm, điều phục nội chướng – ngoại ma, tiêu đảo tưởng – trừ tế hoặc… lúc công phu để tiến sâu vào CHÁNH ĐỊNH, hướng tới giải thoát. Đó là Thầy (Phật) – Trò (A-Nan) với lòng Từ vô lượng mà mật hành tương ưng cùng nhau để phổ truyền Thủ Lăng Nghiêm Chú, giúp chúng sanh tiến tu vô ngại. Nên nhớ Pháp môn tu định có rất nhiều, không chỉ riêng Phật đạo mà ngay cả tà ma, ngoại đạo cũng dạy tu định. Tuy nhiên, sự khác biệt ở đây là chỉ có CHÁNH ĐỊNH mà Đức Phật chỉ dạy mới giúp chúng sinh tự tại, giải thoát tử sanh.

3. Nhiều người hiện nay, kể cả tu sĩ xuất gia, chẳng những thiếu Chánh Kiến nhận ra “mật nhân” giữa Tôn-giả A-Nan và Đức Phật để Kinh/Chú Thủ Lăng Nghiêm ra đời như đã nói ở trên, từ đó tri ơn khắc ghi nơi Tôn giả lòng Từ – Bi vô lượng vì Huệ Mạng của chúng sanh mà không màng sanh tử, thậm chí đạo hạnh tu hành của mình cũng Hỷ – Xả “vô tâm” (vô trụ), chẳng màng tiếng khinh vì “đa văn nên chướng ngại”; mà họ lại còn đem “tâm Phàm đo lường Thánh ý”, khởi tâm khinh suất mật hạnh “đa văn đệ nhất” của Ngài (bởi mê lầm cho hạnh “đa văn” là chướng “học Phật”, tức chấp ngôn), thật là không biết hổ thẹn! Những ai với suy nghĩ này hãy tự mình sám hối, ăn năn.

4. Tu Phật quan trọng nhất là Trực Tâm công phu thiền định, chẳng phải “học Phật, thuyết suông”. Người tu thiền định nếu không đoạn trừ tâm DÂM DỤC thì sẽ lạc vào MA ĐẠO, dù chỉ trong một niệm sát na buông lung, phóng dật bởi “ma đưa lối, quỷ dẫn đường” luôn chờ hực hoành hành, khiến cho đánh mất Bổn Tâm, lạc mất Bồ Đề. Nên nhớ trên bước đường tu hành, hễ “sai một ly là đi vạn dặm” vào nẻo Tà Ma, người tu thiền định cần hết sức thận trọng điều phục tâm mình, tịnh Thân-Khẩu-Ý.

* TÓM LẠI

– Tôn giả A-Nan vì lòng Từ – Bi – Hỷ – Xả vô lượng lo cho Huệ Mạng tu hành của chúng sanh đời sau, lại muốn THÂN GIÁO cho chúng sanh rõ hệ lụy khôn lường của TÂM DÂM DỤC khi tu thiền định hướng tới giải thoát nên đã “xông vào nhà lửa ái dục, cố tình chẳng thể tự thoát” hầu gieo “mật nhân” cho Đức Phật tuyên thuyết chú Thủ Lăng Nghiêm, giúp chúng sanh có Bửu Ấn Chư Phật mà điều phục thân-tâm và ngoại ma nội chướng, tiến tu bất thối. Đó chính là HẠNH NGUYỆN VÔ LƯỢNG – VÔ NGÃ của người tu Phật chơn chánh, sẵn sàng XẢ LY thân mạng, đạo hạnh và quả vị thành tựu của mình vì tất cả chúng sanh khổ. Người con Phật hãy khắc dạ tri ơn đời đời TỔ A-NAN mà thúc liễm thân tâm, tu hành tinh tấn!

– Ái dục là cội nguồn sinh tử và khổ đau, là Chướng ngại khó nhất đối với người tu Phật.

– Với cư sĩ tại gia, Phật dạy cấm TÂM TÀ DÂM.

– Với tu sĩ xuất gia, những người chuyên tu thiền định để giải thoát đại sự sanh tử luân hồi, Phật dạy xả ly TÂM DÂM DỤC.

– Để bảo hộ người tu Thiền khỏi rơi vào Ma đạo, Phật dạy NHIẾP TÂM THÀNH GIỚI.

– Cần Tinh tấn, Nhẫn nhục mới có thể thành tựu Tịnh nghiệp.

Mong tất cả liễu tri – Nhiếp Tâm thành Giới – Y Giáo phụng hành!

Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét