Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2021

KINH NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ


KINH NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ




I/ NGUỒN GỐC.

II/ KINH VĂN.

III/ VIẾT RA HÁN TỰ .

IV/ CHÚ THÍCH.

V/ GIẢI NGHĨA



I/.NGUỒN GỐC:



Kinh Ngọc Hoàng Thượng Đế còn gọi là Ngọc Hoàng Thiên Tôn Bửu Cáo, hay Thiên Đế Bửu Cáo.

Thời kỳ đầu mới khai nền Đạo, Đức Chí Tôn giao cho Ngài Ngọc Lịch Nguyệt chọn lựa kinh thêm cho Đạo Cao Đài tụng đọc trong thời cúng, Ngài bèn tìm được bốn bài kinh là Ngọc Hoàng kinh, và ba bài kinh Tam giáo: Là Phật giáo, tức là Nhiên Đăng Cổ Phật Chí Tâm qui mạng lễ, Tiên giáo, tức là Thái Thượng Chí Tâm qui mạng lễ, Nho giáo tức là Khổng Thánh Chí Tâm qui mạng lễ. Bốn bài kinh này đều bằng chữ Hán, Hội Thánh sau này phiên âm ra Quốc ngữ và cho in trong những cuốn kinh “Thiên Đạo và Thế Đạo”.

Những bản kinh Cúng Tứ Thời từ trước đến nay thường có những lỗi như chánh tả, lỗi âm Hán Việt. Lỗi chánh tả thường có trong những cuốn kinh bằng Quốc ngữ. Còn lỗi do bởi chữ Hán Việt đọc cùng âm mà có nhiều cách viết khác nhau, nên nghĩa cũng khác nhau. Nếu thiếu bản gốc chữ Hán thì khó mà truy tìm ra nghĩa Kinh.

Chú giải kinh Cúng Tứ Thời này, chúng tôi dựa theo những bản kinh bằng chữ Quốc ngữ của Hội Thánh, đối chiếu với bản kinh có phần chữ Hán của hai Ngài Đầu Sư Thượng Trung Nhựt, Ngọc Lịch Nguyệt, phối hợp với bản Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Kinh của Bà Lâm Hương Thanh.

Khi chép lại những bài kinh văn của Hội Thánh, chúng tôi giữ nguyên bản (không sửa lỗi), chỉ hiệu đính những lỗi lầm trong phần Chú thích để Hội Thánh sau này chỉnh lại. Bởi chúng tôi nghĩ vì không tìm được bản gốc của kinh bằng chữ Hán, mà chỉ lấy bản kinh của Nhị vị Đầu Sư làm bản gốc, mà trong bản kinh đó hai Ngài có lưu ý nơi lời “Tiểu dẫn” như sau: “Việc cần ích là kinh Tứ Thời Nhựt Tụng, mỗi chữ đều lời châu ngọc mà cung kỉnh Đấng Từ bi nên phải để chánh tự chẳng nên sai lầm ý nghĩa. Bởi cớ ấy, chúng tôi phải giữ bản quyền đặng in cho nhằm nguyên bổn hầu để lưu truyền hậu thế”. Do vậy, chúng tôi chỉ nêu những từ sai chính tả hay vạch những điểm nghi ngờ, chờ sau này Hội Thánh sẽ chỉnh lại.



II/.KINH VĂN:



NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ

Đại La Thiên Đế,

Thái Cực Thánh Hoàng.

Hóa dục quần sanh,

Thống ngự vạn vật.

Diệu diệu “Huỳnh Kim Khuyết”,

Nguy nguy “Bạch Ngọc Kinh”.

Nhược thiệt, nhược hư,

Bất ngôn nhi mặc tuyên đại hóa.

Thị không, thị sắc,

Vô vi nhi dịch sử quần linh.

Thời thừa Lục long,

Du hành bất tức,

Khí phân Tứ tượng,

Hoát truyền vô biên.

Càn kiện cao minh,

Vạn loại thiện ác tất kiến,

Huyền phạm quảng đại,

Nhứt toán họa phước lập phân.

Thượng chưởng Tam thập lục Thiên,

Tam Thiên Thế giái.

Hạ ốc Thất thập nhị Địa,

Tứ Đại Bộ Châu

Tiên Thiên Hậu Thiên ,

Tịnh dục Đại Từ Phụ.

Kim ngưỡng, cổ ngưỡng,

Phổ tế Tổng Pháp Tông.

Nãi Nhựt, Nguyệt, Tinh, Thần chi Quân,

Vi Thánh, Thần, Tiên, Phật chi Chủ.

Trạm tịch chơn Đạo,

Khôi mịch tôn nghiêm.

Biến hóa vô cùng,

Lũ truyền Bửu Kinh dĩ giác thế,

Linh oai mạc trắc,

Thường thi Thần giáo dĩ lợi sanh.

Hồng oai, hồng từ,

Vô cực, vô thượng.

Đại Thánh, Đại Nguyện, Đại Tạo, Đại Bi.

Huyền Khung Cao Thượng Đế,

Ngọc Hoàng tích phước hựu tội,

Đại Thiên Tôn.



Niệm: “Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát”



III/.VIẾT RA CHỮ HÁN:



玉 皇 上 帝

大 羅 天 帝,

太 極 聖 皇.

化 育 群 生,

統 御 萬 物.

渺 渺 黃 金 闕,

巍 巍 白 玉 京.

若 實 若 虛, 不 言 而 默 宣 大 化.

是 空 是 色, 無 為 而 役 使 群 靈.

時 乘 六 龍, 遊 行 不 息,

氣 分 四 象, 斡 旋 無 邊.

乾 健 高 明, 萬 類 善 惡 悉 見,

玄 範 廣 大, 一 算 禍 福 立 分.

上 掌 三 十 六 天, 三 天 世 界,

下 握 七 十 二 地, 四 大 部 洲.

先 天 後 天, 並 育 大 慈 父,

今 仰 古 仰, 普 濟 總 法 宗.

乃 日 月 星 辰 之 君,

為 聖 神 仙 佛 之 主.

湛 寂 真 道,

恢 漠 尊 嚴.

變 化 無 窮, 屢 傳 寶 經 以 覺 世.

靈 威 莫 測, 常 施 神 教 以 利 生.

洪 威 洪 慈, 無 極 無 上,

大 聖 大 願, 大 造 大 悲.

玄 穹 高 上 帝,

玉 皇 錫 福 宥 罪

大 天 尊.



念:“南無高臺仙翁大菩薩摩訶薩”



IV/.CHÚ THÍCH:



Đại La Thiên Đế 大 羅 天 帝,

Thái Cực Thánh Hoàng 太 極 聖 皇.

Đại La 大 羅: Là tấm lưới lớn, chỉ bầu Trời cõi Đại la.

Người xưa thường quan niệm rằng Trời như một tấm lưới tròn, rộng lớn phủ xuống thế gian, bao trùm cả nhựt, nguyệt, tinh; đất như một cái bàn vuông chở cả sơn xuyên và vạn vật.

Do Trời to lớn, mênh mông, nên người ta thường dùng từ “Bao la” để chỉ Trời đất, hay “Thiên la Địa võng” 天 羅 地 網 để nói đến việc bị bao vây bởi trời đất và bốn bên.

Minh Tâm Bửu Giám có câu: “Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu”: “Lưới trời lồng lộng, thưa mà chẳng lọt” là cũng để nói lên trời đất mênh mông nhưng không dễ thoát được lưới trời.

Thiên Đế 天 帝: Vua Trời.

Vũ trụ mênh mông bát ngát, chỗ nào cũng thấy Trời xanh xanh bao bọc khắp mọi nơi, thế mà khi mưa khi nắng, lúc tối lúc sáng, hồi sấm chớp hồi giông bão, khiến người ta phải tin có vị Thiên Đế cai quản cả bách thần và vạn vật.

Theo Cao Đài, nơi thế gian nầy muốn có trật tự an ninh thì phải có một vị Hoàng đế hay một vị lãnh đạo để cầm quyền trị dân, còn Càn khôn Vũ trụ muốn được điều hòa an tịnh thì phải có vị Thiên Đế (Vua Trời) thống quản Thần, Thánh, Tiên, Phật và vạn linh.

Người ta thường gọi vị Thiên Đế nầy bằng nhiều danh hiệu: Thượng Đế, Ngọc Đế, Ngọc Hoàng Thượng Đế, hay Huyền Khung Thượng Đế. Và Cao Đài gọi là Chí Tôn, hay tá danh là Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát....là Đấng chí thánh, chí nhân, có lòng thương yêu sanh chúng.

Trong Kinh Thi có xưng tụng Đức Thượng Đế như sau:

Hoàng hỹ Thượng Đế!

皇 矣 上 帝

Lâm hạ hữu hách,

臨 下 有 赫

Giám quan tứ phương,

監 觀 四 方

Cầu dân chi mạc

求 民 之 莫

Nghĩa là:

- Vĩ đại thay Thượng Đế!

- Soi xét xuống dưới rất rõ ràng, uy nghiêm.

- Ngài xem xét bốn phương,

- Để tìm sự khốn khổ của dân mà cứu giúp.

Đại La Thiên Đế 大 羅 天 帝: Là một vị vua Trời (Thiên Đế) cầm quyền rộng lớn mênh mông như một tấm lưới trời bao trùm cả các cõi thế giới (cõi Đại La). Đây cũng là Hồng danh của Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Thái Cực 太 極: Ngôi Thái Cực.

Theo lý thuyết của Dịch, nguyên thủy vũ trụ là khoảng không gian vô hình, thường được biểu tượng bằng một vòng tròn trống không, đó là Thái Cực.

Theo Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Thái Cực là ngôi của Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế. Thầy giải thích như sau: “Khi chưa có chi trong Càn Khôn Thế Giái thì khí hư vô sanh có một mình Thầy và ngôi của Thầy là ngôi Thái Cực. Thầy phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi phân ra Tứ Tượng, Tứ tượng biến Bát Quái, Bát Quái biến hóa vô cùng, mới lập ra Càn Khôn Thế Giái”.

Như vậy, ngôi Thái Cực có trước Trời đất và hóa sanh ra Càn Khôn vạn vật.

Chính vì Thái Cực tạo hóa ra vạn linh, thì vạn linh cũng phải tìm trở về với ngôi Thái cực. Nho có câu: “Nhất bản tán vạn thù, vạn thù qui nhất bản 一 本 散 萬 殊, 萬 殊 歸 一 本”: một gốc phân ra muôn chi, muôn chi về một gốc. Đây là con đường phản bổn hoàn nguyên để mọi sanh linh cần tu hành tiến hóa, được siêu phàm nhập Thánh mà qui hồi cựu vị.

Thánh Hoàng 聖 皇: Vua Thánh, vị vua sinh hóa ra và cai quản chư Thần, Thánh, Tiên, Phật.

Chí Tôn có trước Trời đẩt và sinh Thần, Thánh, Tiên, Phật. Thánh giáo cho biết như sau: “Một Chơn thần Thầy mà hóa sanh thêm chư Phật, chư Tiên, chư Thánh...”

Thái Cực Thánh Hoàng 太 極 聖 皇: Là Vị vua Thánh ngự tại ngôi Thái Cực cầm quyền sinh hóa vạn vật. Đây cũng là Hồng danh của Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Đại La Thiên Đế: Vị Thiên Đế nắm quyền cõi Đại La. Đây là một hồng danh của Chí Tôn, Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Thái Cực Thánh Hoàng: Một vị vua Thánh thường ngự ngôi thái cực. Đây cũng là một hồng danh của Chí Tôn.



Hóa dục quần sanh 化 育 群 生,

Thống ngự vạn vật 統 御 萬 物.

Hóa dục 化 育: Hóa sanh và nuôi dưỡng.

Thái Cực vận hành khí Âm Dương giao nhau mà sinh hóa ra và nuôi dưỡng muôn loài, vạn vật.

Tuân Tử tin rằng có Trời, rằng Trời sinh ra muôn vật và Đạo Trời vô hình, thâm viễn và công hiệu, nhờ nó mà muôn vật trưởng thành được. Ông giải thích như sau: Muôn vật đều được cái động lực huyền diệu của Trời, nó nuôi nấng mà trưởng thành. Việc làm của cái động lực huyền diệu ấy không thấy được, nhưng công hiệu của cái động lực huyền diệu ấy thì rõ ràng. Cái động lực huyền diệu ấy gọi là Thần. Thành hình rồi thì ai cũng biết, còn vô hình thì không ai biết được, thế gọi là Trời (Vạn vật các đắc kỳ hòa dĩ sinh, các đắc kỳ dưỡng dĩ thành, bất kiến kỳ sự nhi kiến kỳ công, phù thị chi vị Thần. Giai tri kỳ sở dĩ thành, mạc tri kỳ vô hình, phù thị chi vị Thiên萬 物 各 得 其 和 以 生, 各 得 其 養 以 成, 不 見 其 事 而 見 其 功, 夫 是 之 謂 神. 皆 知 其 所 以 成, 莫 知 其 無 形, 夫 是 之 謂 天).

Quần sanh 群 生: Nhiều sanh linh, mọi sanh linh.

Quần sanh đồng nghĩa với chúng sanh, là một danh từ chỉ tất cả các loài có sự sống như kim thạch, thảo mộc, thú cầm và nhơn hồn.

Loài kim và loài đá không có giác hồn, nhưng vẫn có sự sống: Khoa học hiện nay cho thấy rằng đất (địa cầu) hóa sanh loài kim thạch và nó có thể phát triển, lớn dần lên.

Thật vậy, các loài sanh linh sống được trước nhứt là nhờ sinh khí, hay Tiên Thiên khí. Ngoài ra, còn nhờ các nguồn dinh dưỡng từ nhơn tạo như các vật thực nuôi dưỡng cơ thể, Cần thiết hơn hết là nhờ các nguồn dinh dưỡng từ thiên nhiên, tức do Tạo hóa cung cấp như không khí, nước, ánh sáng, nóng, lạnh, nhứt là là sinh khí. Đấy chính là sự nuôi dưỡng của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế mà con người nếu cạn suy xét thì không thấy được.

Hóa dục quần sanh 化 育 群 生: Đức Thượng Đế hóa sanh và nuôi dưỡng vạn vật.

Thánh giáo Đức Chí Tôn có dạy: “Khi chưa có chi trong Càn khôn Thế giới thì khí Hư vô sanh ra có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái Cực.

Thầy phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi phân ra Tứ Tượng, Tứ Tượng biến Bát Quái, Bát Quái biến hóa vô cùng mới lập ra Càn khôn Thế giới.

Thầy lại phân tánh Thầy mà sanh ra vạn vật là: Vật chất, thảo mộc, côn trùng, thú cầm, gọi là chúng sanh.

Các con đủ hiểu rằng: Chi chi hữu sanh cũng do bởi Chơn linh Thầy mà ra. Hễ có sống ắt có Thầy. Thầy là cha của sự sống”.

Như vậy, do lòng háo sanh mà Thượng Đế đã sinh hóa và dưỡng dục chúng sanh.

Đổng Trọng Thư đời nhà Hán cho rằng Trời thương yêu người nên mới sinh ra muôn vật, mục đích là làm lợi cho người: Trời là nhân ái. Trời che chở và nuôi nấng muôn vật; đã hóa sinh rồi lại dưỡng thành. Việc hóa sinh, công dưỡng thành đó không lúc nào ngừng, cứ hết rồi lại bắt đầu; mục đích đều là phụng sự người. Xét rõ ý Trời, thấy rằng ý Trời là thương yêu vô cùng, vô hạn (Thiên, nhân dã. Thiên phú dục vạn vật, ký hóa nhi sinh chi, hựu dưỡng nhi thành chi. Sự công vô dĩ, chung nhi phục thủy; phàm cử qui chi dĩ phụng nhân. Sát vu Thiên chi ý, vô cùng cực chi nhân dã 天, 仁 也. 天 賦 育 萬 物, 既 化 而 生 之, 又 養 而 成 之. 事 功 無 已, 終 而 復 始; 凡 舉 歸 之 以 奉人. 察 于 天 之 意, 無 窮 極 之 仁 也).

Thống ngự 統 御: Cai trị, cai quản cả toàn thể.

Vạn vật 萬 物: Muôn vật, tức là mọi sinh vật trong vũ trụ.

Thống ngự vạn vật 統 御 萬 物: Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế cai quản và điều hành sự tiến hóa của vạn vật.

Chính nhờ sự cai trị và điều hành của Thượng Đế theo một qui luật mà Càn khôn Vũ trụ mới an tịnh, muôn loài vạn vật mới yên ổn. Theo Xuân Thu Phồn Lộ, Đổng Trọng Thư cho biết cuộc tuần huờn của Trời đất, tuy rằng rộng lớn vô cùng, nhưng không bao giờ trái với qui luật gọi là thường hằng, ông nói: “Đạo Trời có thứ tự mà đúng thời, có chừng mực mà đúng tiết, biến mà vẫn theo qui luật thường” (Thiên chi Đạo, hữu tự nhi thời, hữu độ nhi tiết, biến nhi hữu thường 天 之 道, 有 敘 而 時, 有 度 而 節, 變 而 有 常).

Hóa dục quần sanh: Đức Thượng Đế hóa sanh ra và nuôi dưỡng muôn loài vạn vật.

Thống ngự vạn vật: Đấng Ngọc Hoàng Thượng Đế cai quản và điều hành sự tiến hóa của vạn vật.



Diệu diệu Huỳnh Kim Khuyết 渺 渺 黃 金 闕,

Nguy nguy Bạch Ngọc Kinh 巍 巍 白 玉 京.

Diệu diệu 渺 渺:Còn đọc là miểu miểu, hay diểu diểu, có nghĩa là xa xôi, mù mù.

Huỳnh kim 黃 金: Vàng ròng, một thứ kim loại quí.

Khuyết 闕: Cái cổng.

Huỳnh Kim Khuyết 黃 金 闕: Là cái cổng làm bằng vàng ròng, đặt trước con đường dẫn vào Điện họp triều nghi của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế. Đức Hộ Pháp đã chứng kiến và thuật lại trong “Con đường Thiên liêng Hằng sống” như sau: “Coi vòi vọi xa xăm hơn nữa, chúng ta không thể gì tưởng tượng được, con mắt mình ngó thấy như một đạo hào quang chớp nhoáng mà không có hình ảnh gì hết, chiếu diệu trên cái triều nghi của Ngài là Huỳnh Kim Khuyết, mà dưới Huỳnh Kim Khuyết là cửu phẩm Thần Tiên đang ngự triều với Đức Chí Tôn, chúng ta không thể gì tưởng tượng được, oai nghiêm huyền bí làm sao!”.

Nguy nguy 巍 巍: Cao vòi vọi, cao ngất.

Bạch Ngọc Kinh 白 玉 京: Tòa Kinh thành của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế ngự, làm bằng ngọc màu trắng, sáng lòa rực rỡ. Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển có bài thơ tả Bạch Ngọc Kinh như sau:

Một tòa Thiên Các ngọc làu làu,

Liền bắc cầu qua nhấp nhóa sao.

Vạn trượng then gài ngăn Bắc Đẩu,

Muôn trùng nhiếp khảm hiệp Nam Tào.

Chư Thần chóa mắt màu thường đổi,

Liệt Thánh kinh tâm phép vẫn cao.

Dời đổi chớp giăng đoanh đỡ nổi,

Vững bền muôn kiếp chẳng hề xao.

(Thánh Ngôn Hiệp Tuyển)

Cổng Huỳnh Kim Khuyết vàng óng ả chói lòa, Bạch Ngọc Kinh, tòa Thiên Các bằng nhiều thứ ngọc trắng nguy nga rực rỡ. Tất cả được kết thành bằng nhiều thứ báu như vàng bạc ngọc ngà mà nơi cõi Ta Bà là những món vật quí giá nhứt. Tại sao vàng bạc ngọc ngà là vật chất hữu hình nơi thế gian, mà hữu hình là hữu hoại, thì làm sao cổng Huỳnh Kim và tòa Bạch Ngọc lại có thể tồn tại vĩnh viễn?

Theo Kinh A Di Đà, Đức Phật thuyết pháp cũng cho rằng nơi Cực Lạc Quốc, tất cả lầu các đều được trang sức bằng bảy thứ báu. Ngài nói: “Tứ biên giai đạo kim, ngân, lưu ly, pha lê hiệp thành. Thượng hữu lâu các, diệc dĩ kim, ngân, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu mã não nhi nghiêm sức chi 四 邊 階 道, 金, 銀, 琉 璃, 玻 璃 合 成. 上 有 樓 閣, 亦 以 金, 銀, 琉 璃, 玻 璃, 硨 磲, 赤 珠, 瑪 瑙 而 嚴 飾 之” (Bốn phía có thềm bậc, đường đi do vàng bạc, lưu ly, pha lê hợp thành. Phía trên lại có lầu gác cũng dùng vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não để trang hoàng). Bảy thứ báu kể trên chỉ là mượn danh hiệu ở cõi thế gian nầy để tạm diễn tả nơi cõi Phật trang nghiêm rực rỡ, chứ mỗi thứ báu nơi Phật quốc đều thù thắng, siêu việt hơn các thứ báu là vật chất trong cõi trần của chúng ta gấp trăm vạn lần.

Theo Đức Hộ Pháp, Tòa Bạch Ngọc Kinh được giải thích trong Thiêng Liêng Hằng Sống như sau: “Lại gần tới, còn thấy một vật khác thường quái lạ, nhưng nó là một tòa Thiên các đẹp đẽ lắm, màu sắc thay đổi sáng rỡ, mà cả thoại khí bao quanh, làm như thể vận chuyển hình trạng của nó vậy. Lâu đài chớn chở mà nó là con vật sống chớ không như gạch đá chúng ta làm đây, nó vận hành như con vật sống vậy, thay đổi màu sắc vô cùng vô biên. Bí pháp ấy không thể gì tả đặng, ngó thấy đặc sắc lắm.

Nhà cửa ở thế gian nầy là con vật chết, Bạch Ngọc Kinh là con vật sống, biến hóa thay đổi như thể vận hành, xung quanh thoại khí bao trùm, từ nam chí bắc, từ đông qua tây. Khối lửa ánh sáng ấy, chúng ta ngó thấy như mặt trời vậy, mà ánh sáng mặt trời thì nóng nực bực bội, còn ánh sáng nơi Tòa Bạch Ngọc Kinh lại dịu dàng và huyền bí lắm, sung sướng khoái lạc lắm!

Tại sao Đài các là con tử vật mà nó sống? Sống là do nơi đâu? Nếu biết thì không lạ gì.

Bạch Ngọc Kinh là do Hỗn Ngươn khí biến hình ra. Hỗn Ngươn khí là khí Sanh Quang của chúng ta đã thở, đã hô hấp, khí để nuôi các sanh vật sống. Ta sống cũng do nơi nó xuất hiện, mà biểu nó làm sao không sống?”.

Diệu diệu Huỳnh Kim Khuyết: Cổng Huỳnh Kim Khuyết sắc vàng lóng lánh hiện ra mù mù, diệu vợi.

Nguy nguy Bạch Ngọc Kinh: Tòa Bạch Ngọc Kinh cẩn ngọc trắng sáng cao vòi vọi, nguy nga.



Nhược thiệt nhược hư 若 實 若 虛,

Bất ngôn nhi mặc tuyên đại hóa 不 言 而 默 宣 大 化.

Nhược thiệt nhược hư 若 實 若 虛: Là dường như thiệt dường như hư. Như có như không. Trời đất là lý huyền diệu không thể nào nghĩ bàn được, lúc hư lúc thực, lúc có lúc không. biến hiện chẳng ngừng. Trời đất thấy lặng lẽ, không không thế mà vẫn có sự vận hành và sinh hóa trong Càn khôn Vũ trụ, như hết ngày tới đêm, trăng tròn rồi khuyết. Muôn loài, vạn vật cùng ứng theo Trời đất mà sinh sinh hóa hóa.

Bất ngôn 不 言: Không nói lời nào, không lời nói.

Nhi mặc 而 默: Mà yên lặng, mà mặc nhiên.

Tuyên 宣: Nói cho mọi người biết, tuyên bố.

Đại hóa 大 化: Sự sinh hóa lớn.

Bất ngôn nhi mặc tuyên đại hóa 不 言 而 默 宣 大 化: Trong sự tĩnh lặng, Trời đất cứ vận hành sinh hóa cả Càn khôn Vũ trụ. Không thấy có Trời đất, nhưng không đâu là chẳng có trời đất. Trong Trời đất không có cái gì là không biến đổi luôn.

Đức Khổng Phu Tử có lần đứng trên bờ sông, ngắm dòng nước chảy mà than rằng: “Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ! 逝 者 如 斯夫 不 舍 晝 夜!”: Đêm ngày cứ chảy luôn như thế mãi! Ý của Phu tử muốn nói Đạo của Trời đất cứ lưu hành như nước chảy, không lúc nào ngừng nghỉ, chẳng nơi đâu mà không lưu hành và lưu hành trong tĩnh lặng. Luận Ngữ có câu: “Trời có nói gì đâu! mà bốn mùa đổi thay, muôn vật sinh thành, Trời có nói gì đâu!”: (Thiên hà ngôn tai! Tứ thời hành yên, vạn vật sanh yên? Thiên hà ngôn tai! 天 何 言 哉!四 時 行 焉, 萬 物 生 焉, 天 何 言 哉!).

Nhược thiệt nhược hư, bất ngôn nhi mặc tuyên đại hóa: Dường như thật, dường như hư. Không nói gì, trong sự tĩnh lặng mà vận hành sinh hóa.



Thị không thị sắc 是 空 是 色,

Vô vi nhi dịch sử quần linh 無 為 而 役 使 群 靈.

Thị không 是 空: Là không. Mọi sự vật đều không có thực thể tự tánh sinh khởi mà đều do các nhân duyên giả hợp lại tạo thành. Không, chẳng có hình tướng, thuộc vô vi như Linh hồn không thấy sắc tướng mà bất tiêu bất diệt.

Thị sắc 是 色: Là hình sắc, hình thể, vật chất. Sắc có mặt khi hội đủ những nhân duyên nào đó, và tùy những nhân duyên ấy mà trụ một thời gian, rồi tiêu diệt mất. Sắc vốn vô thường, tương đối. Ví dụ: Sắc thân là cái thân vật chất có sinh diệt, do bốn chất là đất, nước, gió, lửa tạo thành. Sắc thì có hình tướng, thuộc hữu hình.

Đối với “sắc, không”, Bát Nhã Tâm Kinh cho rằng: “Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Sắc bất dị không, không bất dị sắc 色即 是 空, 空 即 是 色, 色 不 異 空, 空 不 異 色”.

Sắc, không cũng là cái “hữu hình” và “vô vi”. Nói về Hữu, Vô, sách Hoài Nam Tử có viết: “Cái không có hình là gốc đầu tiên của mọi vật” (Phù vô hình giả, vật chi đại tổ dã 夫 無 形 者, 物 之 大 祖 也). Hay nói cách khác, “cái có hình là từ cái không hình mà ra”(Hữu hình xuất vu vô hình 有 形 出 于 無 形).

Theo Lão Tử, Đạo được quan niệm dưới hai phương diện: Vô 無 và Hữu 有. “Vô” thì Đạo là vô hình, nguyên lý của Trời đất. “Hữu” thì Đạo là nguyên lý hữu hình, là mẹ sinh ra vạn vật: “Vô danh thiên địa chi thủy, hữu danh vạn vật chi mẫu 無 名 天 地 之 始, 有 名 萬 物 之 母”.

Vô vi 無 為: Không làm gì, nhưng không phải là không hoạt động. Lão Tử trong Đạo Đức Kinh đã nói về Đạo vô vi như sau: Đạo thường không làm gì nhưng không gì là không làm (Đạo thường vô vi nhi vô bất vi 道 常 無 為 而 無 不 為).

Nhi dịch sử 而 役 使: Mà sai khiến.

Quần linh 群 靈: Vạn chơn linh, tất cả mọi chơn linh trong bát hồn: kim thạch, thảo mộc, thú cầm, nhơn loại, Thần, Thánh, Tiên, Phật.

Vô vi nhi dịch sử quần linh 無 為 而 役 使 群 靈: Trời đất rất huyền diệu, không ai thấy làm gì hết, nhưng trong Càn Khôn Vũ Trụ mọi sanh linh đều do Trời sai khiến và vận hành. Mọi sự việc cũng đều do Thượng Đế an bài.

Sách Mạnh Tử có thuật lại câu chuyện sau: Vạn Chương hỏi Mạnh Tử: “Vua Nghiêu đem thiên hạ cho vua Thuấn, có vậy không?” Mạnh Tử nói: “Không, thiên tử không thể đem thiên hạ cho người khác”. “Vậy thì vua Thuấn có thiên hạ là do ai cho?” Mạnh Tử nói: “Trời cho”. “Trời cho, Trời bảo rõ ư?”. Mạnh Tử đáp: “Không, Trời không nói, Trời chỉ lấy đức hạnh và việc làm của vua Thuấn mà bảo ý thôi”.

Vạn Chương hỏi: “Trời lấy đức hạnh và việc làm của vua Thuấn mà bảo cho biết, thì như thế nào? Mạnh Tử đáp: “Ngày xưa vua Nghiêu tiến cử vua Thuấn lên Trời, thì Trời chấp thuận, đưa vua Thuấn ra tiếp xúc với dân, thì dân chấp nhận; cho nên nói:Trời không nói, chỉ lấy đức hạnh và việc làm của vua Thuấn mà bảo ý cho biết mà thôi vậy” (Vạn Chương vấn viết: Dĩ hành dữ sự thị chi giả, như chi hà? Mạnh Tử viết:..Tích giả Nghiêu tiến Thuấn ư Thiên, nhi Thiên thụ chi, bộc chi ư dân, nhi dân thụ chi; cố viết: Thiên bất ngôn, dĩ hành dữ sự thị chi nhi dĩ hỹ 萬 彰 問 曰: 以 行 與 事 示 之 者, 如 之 何? 孟 子 曰: 昔 者 堯 薦 舜 於 天, 而 天 受 之, 暴 之 於 民,而 民 受 之, 故 曰: 天 不 言, 以 行 與 事 示 之 而 已 矣).

Thị không thị sắc, vô vi nhi dịch sử quần linh: Là không là sắc. Không thấy làm nhưng sai khiến quần linh.



Thời thừa lục long, du hành bất tức,

時 乘 六 龍, 遊 行 不 息,

Thời 時: Thời cơ, tùy thời, tùy lúc.

Thừa 乘: Cỡi.

Lục long 六 龍: Sáu rồng. Đây chỉ sáu hào dương trong quẻ Bát thuần càn.

Trong kinh Dịch, quẻ Càn có câu: Thời thừa lục long dĩ ngự thiên 時 乘 六 龍 以 御 天.

Vua Phục Hy lập ra các quẻ kép (trùng quái), bằng cách chồng lần lượt quẻ đơn của Tiên thiên bát quái lên với nhau tạo thành 64 quẻ. Như vậy quẻ Bát thuần càn là chồng hai quẻ càn lên nhau, nên ta có sáu vạch dương, hay nói cách khác, sáu hào đều dương, mỗi hào dương ở vào cái thời trung riêng:

1.- Hào sơ cửu: Tiềm long 潛 龍: Rồng còn đang chìm dưới nước, thì không nên làm việc gì.

2.- Hào cửu nhị: Hiện long 現 龍: Rồng đã hiện lên ruộng, hợp với vị đại nhơn.

3.- Hào cửu tam: Tịch tích 僻 跡: Mặc dầu rồng nằm ở ruộng nhưng mong vùng vẫy.

4.- Hào cửu tứ: Tại uyên 在 淵: Rồng nhảy lên khỏi vực.

5.- Hào cửu ngũ: Phi long 飛 龍: Rồng bay lên Trời.

6.- Hào thượng cửu: Cang long 剛 龍: Rồng mạnh mẽ cứng cát bay xa.

Thời thừa lục long 時 乘 六 龍: Thường cỡi sáu rồng. Nghĩa bóng là Đạo Trời vốn mạnh mẽ, cương kiện.

Du hành bất tức 遊 行 不 息: Đi khắp nơi không ngừng nghỉ. Đây có ý chỉ sự vần xoay hay vận hành của Trời đất.

Thời thừa lục long, du hành bất tức: Thường cỡi sáu rồng đi khắp nơi không ngừng nghỉ. Nghĩa bóng là Đạo Trời mạnh mẽ vận hành khắp vũ trụ không ngừng nghỉ.



Khí phân Tứ tượng, hoát truyền vô biên.

氣 分 四 象, 斡 旋 無 邊.

Khí 氣: Hơi, chất hơi.

Các triết gia Trung Quốc có Hà Hưu đời Hậu Hán thuộc phái khí luận, tức là coi khí là bản căn của vũ trụ vạn vật. Họ Hà nói: “Cái nguyên thủy là khí. Bắt đầu từ vô hình, khi hữu hình thì khí phân bố mà dựng nên trời đất. Nó là cái nguồn gốc của trời đất vậy”(Nguyên giả, khí dã. Vô hình dĩ khởi, hữu hình dĩ phân, tạo khởi Thiên địa, Thiên địa chi thủy dã- Công Dương Truyện 元 者 氣 也, 無 形 以 起, 有形 以 分, 造 起 天 地, 天 地 之 始 也).

Phân 分: Chia ra, tách ra.

Tứ tượng 四 象: Theo Dịch, Tứ Tượng do Lưỡng Nghi biến thành, Tứ Tượng gồm có Thái Dương, Thái Âm, Thiếu Dương, Thiếu Âm.

Đây là khí Lưỡng nghi phân ra Tứ Tượng. Như ta đã biết Thái Cực biến ra khí Lưỡng nghi, tức là khí Dương và khí Âm. Rồi Lưỡng nghi tức hai khí Dương và Âm mới phối hợp nhau mà sanh Tứ Tượng: Thái Dương, Thái Âm. Thiếu Dương, Thiếu Âm.

Theo học thuyết Trương Hoành Cừ, một vật mà hai thể như: Âm dương, Động tĩnh, Hư thực...Ấy là khí vậy. Một vật mà hai thể cho nên diệu dụng của nó không lường, Hai thể (cùng trong một vật) cho nên mới biến hóa linh diệu (Nhất vật lưỡng thể khí dã. Nhất cố Thần, lưỡng cố hóa 一 物 兩 體 氣 也, 一 故 神, 兩 故 化).

Chữ một của Trương Hoành Cừ dùng đây là chỉ Thái Cực của Dịch, còn chữ hai là chỉ hai thể của Thái Cực, tức Âm Dương.

Khí phân Tứ tượng 氣 分 四 象: Khí Lưỡng Nghi tức hai khí Âm Dương phối hợp sanh Tứ Tượng.

Cái khoảng không trung mà mắt ta nhìn không thấy có gì, ngỡ là trống không, thật ra nó không phải là chân không mà chính là đầy ấp những khí, có điều khí đó chưa tụ, còn ở thể vô hình, gọi là Thái hư, nên mắt ta không nhận thấy. Khi khí tụ, hóa Thái Cực, phân âm dương, sinh tứ tượng, biến Bát quái mà tạo thành Trời đất vạn vật. Như vậy, theo Trương Hoành Cừ, cái Thái hư đó là nguồn gốc của Trời đất; Trời đất từ Thái hư đó mà ra (Hư giả Thiên địa chi tổ, Thiên địa tòng hư trung lai 虛 者 天 地 之 祖, 天 地 從 虛 中 來).

Hoát truyền: Đây là từ dùng trong bản kinh bằng chữ Quốc ngữ của Hội Thánh.

Chú thích: Các bản chánh kinh do Hội Thánh in bằng chữ

Quốc Ngữ từ trước đến nay đều viết là “Hoát truyền 豁 傳”: Tức là truyền rộng lớn ra. Nhưng theo bản chữ Hán của nhị vị Đầu Sư Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt, phần phiên âm thì hai Ngài viết “Hoát truyền”, phần chữ Hán ngữ thì lại viết “斡 旋 Oát triền”. Như vậy có lẽ trật cách phát âm chăng, nên chúng tôi theo nghĩa “Oát triền” mà giải thích.

Oát triền 斡 旋: Oát 斡 là xoay chuyển ra. Triền 旋, còn đọc âm: Tuyền hay toàn là xoay chuyển lại. Oát triền: Xoay chuyển qua lại. Sự xoay chuyển qua lại tức là sự vận hành theo hai chiều âm dương, đó là Đạo vậy.

Vô biên 無 邊: Không có giới hạn, không cùng.

Oát triền vô biên 斡 旋 無 邊: Đạo do nguyên lý Âm dương, nên lúc nào cũng xoay chuyển, vận hành cả càn khôn thế giới không bao giờ ngừng nghỉ, do vậy Vũ trụ, vạn vật mới trường tồn, vĩnh cửu. Nếu ngừng xoay chuyển thì làm sao có cùng lại thông, bỉ rồi lại thới. Dịch viết: Biến đổi đến cùng thì biến, biến ắt thông, thông thì dài lâu (Dịch cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu 易 窮 則 變, 變 則 通,通 則 久).

Khí phân Tứ Tượng, oát triền vô biên: Khí Âm Dương phối hợp sanh ra Tứ Tượng, rồi xoay chuyển qua lại mãi mãi không giới hạn. Đây chỉ Đạo phối hợp Âm Dương rồi sinh Tứ Tượng, và vận hành cả Càn Khôn Vũ Trụ không bao giờ ngừng nghỉ.



Càn kiện cao minh 乾 健 高 明,

Vạn loại thiện ác tất kiến 萬 類 善 惡 悉 見,

Càn 乾: Cung Càn, tượng trưng cho Trời.

Kiện 健: Mạnh mẽ.

Cao minh 高 明: Cao vọi sáng tỏ, sáng suốt.

Càn kiện cao minh 乾 健 高 明: Ngôi Càn mạnh mẽ, cao và sáng.

Trong tám quẻ của bát quái, thì ngôi Càn cứng mạnh nhứt, sáng tỏ nhứt, cao vọi nhứt. Càn tượng trưng cho Trời, cho Thượng đế, là ngôi độc tôn làm chúa tể Vũ trụ vạn vật, khôn tượng trưng cho đất.

Con người sống ở thế gian phải chịu lưu hành trong cái Đạo biến hóa của Trời đất, tỉ như người lội dưới nước thuận theo dòng chảy. Dòng nước càng mạnh bao nhiêu thì sự trôi đi của người lội khó cưỡng lại bấy nhiêu. Dòng nước cuốn trôi đó được gọi là thiên mệnh. Đạo của người Quân tử cũng phải theo Đạo Trời, lúc nào cũng phải tự cường tự kiện. Kinh dịch có câu: Việc hành động của Trời đất rất mạnh, người Quân tử phải theo mà tự cường, không bao giờ ngừng nghỉ (Thiên hành kiện quân tử dĩ tự cường bất tức 天 行 健 君 子 以 自 強 不息).

Trời quay mỗi ngày một vòng trời, không gì mạnh hơn? Con người cũng là một tiểu Thiên địa, đi được một vòng trời cũng là hành kiện vậy:

Trời cao mạnh mẽ phi thường,

Người Quân tử phải tự cường bản thân.

Vạn loại thiện ác 萬 類 善 惡: Tất cả các điều lành dữ của muôn loài.

Thiện 善: Những hành động, lời nói, ý nghĩ tốt, lành, hợp với đạo lý, đem lại lợi ích, hạnh phúc cho mình và cho người khác.

Ác 惡: Những điều xấu xa do thân, khẩu, ý con người gây ra, hại cho mình và cho người khác. Ác là hành động theo chiều mê vọng.

Tất kiến 悉 見: Ắt thấy rõ, đều thấu suốt.

Vạn loại thiện ác tất kiến 萬 類 善 惡 悉 見: Muôn vật lành dữ ở dưới thế gian, Trời đều thấy rõ hết.

Trong kinh Thư có câu: Thiên vô sở bất văn, vô sở bất kiến 天 無 所 不 聞, 無 所 不 見 nghĩa là không có gì mà Trời không nghe, không thấy được.

Sách Trung Dung cũng có câu: “Mạc kiến hồ ẩn, mạc hiển hồ vi 莫 見 乎 隱, 莫 顯 乎 微”: Chẳng có gì tỏ hơn những chỗ mờ tối; chẳng có gì rõ hơn những điều nhỏ bé.

Trời tuy thấy lặng tanh, không nghe được tiếng gì hết, sắc thì xanh xanh, không tìm thấy xứ nào cho ra? Trời chẳng cao mà cũng chẳng xa, đều chỉ nơi lòng người. Lòng người nghĩ một điều gì thì Trời đều thấy rõ hết, nên việc lành việc dữ nếu không có quả báo, thì Trời đất có tư vị hay sao? “Thiên thính tịch vô âm, thương thương hà xứ tầm, phi cao diệc phi viễn, đô chỉ tại nhân tâm; nhân tâm sanh nhất niệm, thiên địa tất giai tri, thiện ác nhược vô báo, Càn khôn tất hữu tư 天 聽 寂 無 音, 蒼 蒼 何 處 尋, 非 高 亦 非 遠, 都 只 在 人 心, 人心 生 一 念, 天 地 悉 皆 知, 善 惡 若 無 報, 乾 坤 必 有 私”.

Trong bài ngự chế của vua Nhân Tông có viết: Càn khôn dù rộng lớn vô biên, cũng có mặt trời mặt trăng soi xét rõ ràng khắp cả, Vũ trụ tuy mênh mông vô lượng, trời đất cũng chẳng hề dung thứ lũ gian đảng bao giờ (Càn khôn hoằng đại, nhật nguyệt chiếu giám phân minh, Vũ trụ khoan hồng, thiên địa bất dung gian đảng 乾 坤 弘 大, 日 月 照 鑑 分 明, 宇 宙 寬 洪, 天 地 不 容 奸 黨).

Càn kiện cao minh, vạn loại thiện ác tất kiến: Ngôi Càn (Đạo Tròi) mạnh mẽ sáng suốt có thể thấy rõ việc lành dữ của muôn loài.



Huyền phạm quảng đại 玄 範 廣 大,

Nhất toán họa phước lập phân 一 算 禍 福 立 分.

Huyền phạm 玄 範: Cái khuôn mẫu sâu kín, ý chỉ cái khuôn phép nhiệm mầu của luật trời.

Quảng đại 廣 大: Rộng lớn.

Huyền phạm quảng đại 玄 範 廣 大: Cái pháp luật huyền diệu của Trời bao la rộng lớn, mũi kim cũng chẳng lọt. Tích Hiền trong Minh Tâm Bửu Giám có nói: Lưới trời lồng lộng thưa mà chẳng lọt (Thiên võng khôi khôi sơ nhi bất lậu 天 網 恢 恢 疏 而 不 漏).

Nhất toán 一 算: Tính ra.

Họa phước 禍 福: Điều tai họa, điều phước lành.

Con người sống ở thế gian nầy, ai nấy đều phải có mang lấy không họa thì phước. Nhưng lòng người ai cũng đều sợ tai họa, lại mong cầu phước đức. Theo Thái Thượng cảm ứng thiên, Phước và họa không có cửa, do mình tự rước lấy mà thôi: Họa phúc vô môn duy nhơn tự triệu 禍 福 無 門 惟 人 自 召).

Nhưng đối với Lão Tử, chuyện họa phước cũng như những trạng thái mâu thuẩn khác như tốt xấu, thiện ác, thị phi…là những cặp mâu thuẩn bên ngoài mà tựu trung chỉ là bề trái, bề mặt của một thực tại mà thôi. Ngài nói: Thiên hạ đều biết tốt là tốt, thì đã có xấu rồi; đều biết lành là lành, thì đã có điều chẳng lành rồi (Thiên hạ giai tri mỹ chi vi mỹ, tư ác dĩ; giai tri thiện chi vi thiện, tư bất thiện dĩ 天 下 皆知 美 之 為 美, 斯 惡 已; 皆 知 善 之 為 善, 斯 不 善 已). Chính hiểu được lẽ mâu thuẩn đó, ta đừng nên vướng mắc hay lệ thuộc vào nó, như vậy mới có được thái độ điềm tĩnh, thản nhiên trước những “mừng vui hay đau khổ” của cuộc đời. Lão Tử nói: “Họa là chỗ dựa của phúc; phúc là chỗ núp của họa” (Họa hề, phúc chi sở ỷ, phúc hề, họa chi sở phục 禍 兮 福 之 所 倚, 福 兮 禍 之 所 伏).

Lập phân 立 分: Phân định rõ ràng.

Nhất toán họa phước lập phân 一 算 禍 福 立 分: Xét ra họa phước đều được phân định rành rẽ.

Thật vậy, “Quả báo về việc lành dữ thì như cái bóng theo hình vậy. Lòng người khởi điều lành, tuy chưa có làm lành, mà có cát thần đã theo rồi; hoặc lòng đã dậy điều ác, tuy chưa làm ác, nhưng vị hung thần đã theo rồi vậy” (Thiện ác chi báo như ảnh tùy hình, sở dĩ nhơn tâm khởi ư thiện, thiện tuy vị vi nhi cát thần dĩ tùy chi, hoặc tâm khởi ư ác, ác tuy vị vi nhi hung thần dĩ tùy chi 善 惡 之 報 如 影 隨 形;所 以 人 心 起 於 善, 善 雖 未 為, 而 吉 神 已 隨 之, 或 心 起 於 惡, 惡 雖 未 為, 而 凶 神 已 隨 之).

Huyền phạm quảng đại, nhất toán họa phước lập phân: Cái khuôn phép mầu nhiệm rộng lớn. Từng việc lành dữ đều được phân định rõ ràng.



Thượng chưởng Tam thập lục Thiên, Tam thiên Thế giới,

上 掌 三 十 六 天, 三 千 世 界,

Thượng chưởng 上 掌: Trên nắm giữ, trên cai quản.

Tam thập lục thiên 三 十 六 天: Ba mươi sáu từng Trời.

Tam Thiên Thế giới 三 千 世 界: Ba ngàn Thế giới.

Trong vũ trụ có hằng hà sa số Thế giới, nghĩa là không biết bao nhiêu mà kể cho xiết. Theo kinh Phật, cứ một ngàn Thế giới, thì gọi là một Tiểu Thiên Thế giới, một ngàn Tiểu Thiên Thế giới hay một triệu Thế giới, thì gọi là một Trung Thiên Thế giới, một ngàn Trung Thiên Thế giới thì gọi là một Đại Thiên Thế giới hay còn gọi Tam Thiên Đại Thiên Thế giới. Như vậy, một Đại Thiên Thế giới gồm một ngàn triệu Thế giới.

Thượng chưởng Tam thập lục Thiên, Tam Thiên Thế giới: Thượng Đế, trên thì chưởng quản ba mươi sáu tầng Trời, ba ngàn Thế giới.



Hạ ốc Thất thập nhị Địa, Tứ Đại Bộ Châu.

下 握 七 十 二 地, 四 大 部 洲.

Hạ ốc 下 握: Dưới nắm giữ, dưới cai quản.

Thất thập nhị Địa 七 十 二 地: Bảy mươi hai Địa cầu.

Theo Thánh giáo, con người chúng ta đang ở trên Địa cầu 68, trên chúng ta nữa là Địa cầu 67, 66... rồi đến Địa cầu thứ nhứt, tức là được sắp xếp theo thứ tự từ trọng trược đến khinh thanh. Như thế, dưới Địa cầu 68 là bốn Địa cầu u tối nặng nề, ấy là u minh giới. Chúng ta phải tu lần để lên được Đệ nhứt cầu, rồi tiến vào Tam Thiên Thế giới nữa, qua khỏi Tam Thiên Thế Giới thì mới đến Tứ Đại Bộ Châu, qua Tứ Đại Bộ Châu mới vào đặng Tam thập lục Thiên. Vào Tam thập lục Thiên rồi còn phải chuyển kiếp tu hành nữa, mới đặng lên đến Bạch Ngọc Kinh.

Tứ Đại Bộ Châu 四 大 部 洲: Bốn châu này không phải là lục địa mà là khoảng không rộng lớn, chia ra theo bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc: Đông Thắng Thần Châu 東 勝 神 洲, Tây Ngưu Hạ Châu 西 牛 夏 洲, Nam Thiệm Bộ Châu 南 贍 部 洲, Bắc câu lư Châu 北 俱 閭洲.

Thánh giáo Thầy có dạy: Tam Thiên Thế Giới và Thất Thập Nhị Địa vốn là ba ngàn bảy mươi hai ngôi sao nguội rồi có nhơn loại ở, còn Tứ Đại Bộ Châu và Tam Thập Lục Thiên là cái không không, trong cái không trung không khí, tức là cái có trong cái không.

Hạ ốc Thất thập nhị Địa, Tứ Đại Bộ Châu: Bên dưới (Phần bên dưới Vũ Trụ): Chưởng quản bảy mươi hai Địa cầu và bốn Đại Bộ Châu.



Tiên thiên Hậu thiên, tịnh dục Đại Từ Phụ,

先 天 後 天, 並 育 大 慈 父,

Tiên thiên 先 天: Là thời kỳ trước khi tạo dựng Trời đất, tức là thời kỳ Vũ trụ còn hỗn độn, chưa phân định, cho đến khi có ngôi Thái Cực xuất hiện. Đây là thời kỳ chưa có vật chất, thời vô vi.

Hậu thiên 後 天: Là thời kỳ vũ trụ, vạn vật đã được tạo dựng nên. Thời kỳ nầy đã có vật chất nên thuộc hữu hình.

Tịnh dục 並 育: Nuôi dưỡng đồng đều như nhau.

Đạo đối với Nho giáo, ví như Trời đất, không có gì là không che chở, chuyển vần như bốn mùa, sáng rỡ như mặt trời mặt trăng. Sách Trung Dung cho rằng Đạo ấy thì muôn vật đều được nuôi dưỡng đồng đều, nên không sát hại lẫn nhau, các Đạo đều được thi hành mà không trái nhau, Đức nhỏ thì phân minh như nước sông chảy, đức lớn thì đôn hậu mà sinh hóa vô cùng (Vạn vật tịnh dục, nhi bất tương hại, Đạotịnh hành nhi bất tương bội, tiểu đức xuyên lưu, đại đức đôn hóa 萬 物 並 育, 而 不 相 害, 道 並 行 而 不 相 悖, 小 德 川 流, 大 德 敦化).

Đại Từ Phụ 大 慈 父: Đấng cha lành lớn hơn hết.

Đây là từ dùng để gọi Đức Chí Tôn, một Đấng có công sanh hóa ra muôn loài muôn vật, có lòng thương yêu vô bờ bến, nuôi nấng và dìu dẫn một cách đồng đều tất cả chúng sinh, tựa như một vị cha lành có lòng tha thiết, chắt chiu lo cho các con còn bé nhỏ: “Các con ôi ! Thầy lấy đức háo sanh mà dìu dắt các con, chẳng khác nào như kẻ làm cha nâng niu dạy dỗ một trẻ bé trông cho mau trưởng thành,hầu lưu danh truyền nghiệp cho có tên tuổi với đời” (Thánh ngôn hiệp tuyển).

Tiên Thiên hậu thiên, tịnh dục Đại Từ Phụ: Đức Thượng Đế từ thời kỳ tiên thiên đến thời kỳ hậu thiên nuôi dưỡng chúng sanh đồng đều như nhau.


Kim ngưỡng cổ ngưỡng, phổ tế tổng Pháp Tông.

今 仰 古 仰, 普 濟 總 法 宗.

Kim ngưỡng 今 仰: Ngày nay vẫn ngưỡng vọng hay kính ngưỡng.

Cổ ngưỡng 古 仰: Ngày xưa rất ngưỡng vọng, kính ngưỡng.

Từ xưa con người đã thừa nhận có một Đấng với quyền năng sáng tạo ra Càn khôn Vũ trụ và vạn vật. Đấng Tạo Hóa ấy được tôn vinh là Thượng Đế hay là Trời mà con người đã từ lâu tôn sùng và kính ngưỡng.

Thời xưa, chỉ có các vị vua chúa mới có quyền thay cho toàn dân để lập đàn tế Trời đất cáo quỷ thần, gọi là tế giao. Trong Lễ Ký, thiên Khúc Lễ chép: Thiên tử tế Trời đất, tế bốn phương, tế núi sông, tế ngũ tự (1); chư hầu tế phương mình ở, tế ngũ tự; quan đại phu tế ngũ tự; kẻ sĩ tế tổ tiên (Thiên tử tế Thiên địa, tế tứ phương, tế sơn xuyên, tế ngũ tự; chư hầu phương tự, tế ngũ tự; đại phu tế ngũ tự; sĩ tế kỳ tiên 天 子 祭 天 地, 祭 四 方, 祭 山 川, 祭 五 祀; 諸 侯 祭 方 祀, 祭 五 祀; 大 夫 祭 五 祀; 士 祭 其 先).

Ngày nay, ai có tín ngưỡng Trời đều được lập bàn thờ tại các Thánh Đường, Thánh Thất hay tại tư gia để thờ cúng.

Ngoài ra, các giáo pháp của Đức Thượng Đế như Thánh Kinh (Thiên Chúa Giáo), Thánh Ngôn Hiệp Tuyển (Cao Đài)…và Giáo pháp của Tam giáo là chân lý vĩnh cửu, làm cây đuốc soi rọi cho chúng sanh thoát đường mê lộ, để dìu dẫn lần vào nẽo chánh đường ngay. Vì vậy, chẳng những người xưa rất kính ngưỡng, mà hơn mấy ngàn năm nay, người bấy giờ vẫn còn kính ngưỡng.

Theo Kinh sách Phật viết, khi đức Phật đã thành Đạo rồi, một thời gian sau Ngài mới cùng với các Sa môn đi thuyết pháp các nơi, để lấy Đạo Từ bi, Bác ái dạy chúng sanh. Đi đến đâu vua quan cùng dân chúng tranh nhau đón rước. Những người theo Đạo qui Phật mỗi lúc mỗi đông. Mọi người thời bấy giờ đều kính ngưỡng Đức Phật.

Sau khi Đức Phật tịch diệt, những lời dạy của Ngài được các hàng đệ tử coi như khuôn vàng thước ngọc để mọi người noi theo tu tập, và còn mong muốn những lời dạy đó lưu lại ngàn đời sau. Vì vậy, năm trăm vị đại Đệ tử Đức Phật mới họp nhau kết tập thành ba Tạng Kinh.

Đến nay đã hơn 2500 năm, bước vào thời kỳ văn minh, khoa học phát triển vượt bực, mà những lời của Đức Phật dạy vẫn còn và mãi mãi sẽ còn được chúng sanh kính ngưỡng.

Đức Phật còn được chúng sanh kính ngưỡng vậy thay, huống gì là Đấng Chí Tôn, Ngọc Hoàng Thượng Đế là Đấng đã tạo hóa ra Càn khôn vũ trụ và vạn vật.

Phổ 普: Rộng khắp.

Tế 濟: Cứu vớt, tế độ.

Phổ tế 普 濟: Cứu vớt rộng khắp.

Con người sống ở thế gian được Đức Phật ví như những người bị chìm đắm trong biển khổ bao la bát ngát, mà Đạo được coi như con thuyền bát nhã chèo khắp mọi nơi trong biển cả mênh mông đó, để cứu vớt từng sanh linh đưa vào bờ Giác, tức bờ thoát vòng sanh tử luân hồi vậy.

Tổng Pháp Tông 總 法 宗: Gom các Giáo Pháp của mọi nền Tôn giáo.

Đức Chí Tôn là cha chung của chúng sanh và là chủ của chư Thần, Thánh, Tiên, Phật. Vì vậy những Giáo pháp của các Đấng, Đức Ngài qui lại thành một mối để chính mình Ngài mở Đạo cứu đời trong thời Tam Kỳ Phổ Độ, như lời Thánh giáo đã dạy: “Thầy nhứt định đến chính mình Thầy độ rỗi các con chẳng chịu giao chánh giáo cho tay phàm nữa và qui nguyên phục nhứt Ngũ Chi Đại Đạo là Nhơn Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo, Phật Đạo”.

Kim ngưỡng cổ ngưỡng phổ tế tổng Pháp Tông: Từ xưa đến nay vẫn kính ngưỡng Thượng Đế, Ngài gom các Giáo pháp để phổ độ chúng sanh.



Nãi Nhựt Nguyệt Tinh Thần chi quân,

乃 日 月 星 辰 之 君,

Nãi 乃: bèn là ( Từ nối với ý câu trên)

Nhựt Nguyệt Tinh 日 月 星: Mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao.

Trời có Âm dương, đất Cương nhu. Có Âm dương nên mới có Nhựt, Nguyệt, Tinh, Thần. Có Cương nhu mới có Sơn, Xuyên, Thảo, Mộc.

Tất cả các vì Tinh tú nầy đều nằm trong Càn khôn Vũ trụ, nên là không gian của Vũ Trụ. Người ta thường nói: Trời có ba món báu (Tam bửu) là Nhựt, Nguyệt, Tinh; đất cũng có ba báu là Thủy, Hỏa, Phong; người cũng có ba báu là Tinh, Khí, Thần.

Thần 辰: Thời giờ, chỉ về Thời gian.

Quân 君: Vua.

Nãi Nhựt Nguyệt Tinh Thần chi quân: Là vua của không gian tức mặt trời, mặt trăng, các vì sao và vua cả thời gian.

Thật vậy, theo Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Chí Tôn là “Chúa cả Càn Khôn Thế Giới”, nên Ngài là vua của Nhựt, Nguyệt, Tinh, tức là cai quản cả không gian của Vũ trụ, và còn “Nắm trọn thập nhị Thời Thần trong tay”, vậy Ngài cũng là chúa của Thời Thần, tức chưởng quản thời gian.



Vi Thánh, Thần, Tiên, Phật chi chủ.

為 聖 神 仙 佛 之 主.

Chí Tôn là chủ của Thánh, Thần, Tiên, Phật, do theo Thánh giáo Đức Chí Tôn đã dạy như sau: “Khai Thiên địa vốn Thầy, sanh Tiên, Phật cũng Thầy. Thầy nói một chơn thần mà biến Càn Khôn Thế Giới và cả nhơn loại”. Lại nữa, Ngài là vị Thiên Đế, làm chúa tể chư Thần, Thánh, Tiên, Phật.

Vi Thánh, Thần, Tiên, Phật chi chủ: Ngài là chủ của Thần, Thánh, Tiên, Phật.



Trạm tịch chơn đạo 湛 寂 真 道,
Khôi mịch tôn nghiêm 恢 漠 尊 嚴.

Trạm 湛: Trong trẽo, sâu dày.

Tịch 寂: Im lìm, lặng lẽ.

Khôi 恢: To lớn.

Mịch 漠: Yên lặng.

Tôn nghiêm 尊 嚴: Vẻ uy nghiêm, tôn kính.

Trạm tịch chơn đạo 湛 寂 真 道: Đạo Trời chơn chánh sâu xa, lặng lẽ.

Khôi mịch tôn nghiêm 恢 漠 尊 嚴: To lớn và uy nghiêm vô cùng.

Đạo Trời rộng lớn mênh mông, mịt mờ lặng lẽ, không bờ không bến, mà sinh ra vạn vật. Bản căn từ đó, muôn loài vạn hữu có mục đích qui chung về cùng Thượng Đế, đó là Chơn Đạo.

Giải thích về Đạo Trời, Lão Tử viết trong Đạo Đức Kinh như sau: Đạo thì trống không, nhưng đổ vô mãi mà không đầy; Đạo như vực thẳm, dường như tổ tông của vạn vật. Đạo trong trẻo thay! lại dường như trường tồn! Ta không biết nó là con ai, dường như có trước Thiên Đế (Đạo xung nhi dụng chi hoặc bất doanh; Uyên hề tự vạn vật chi tông. Trạm hề tự hoặc tồn, ngô bất tri thùy chi tử, tượng Đế chi tiên 道 沖 而 用 之 或 不 盈, 淵 兮 似 萬 物 之 宗. 湛 兮 似 或 存, 吾 不 知 誰 之 子, 象 帝 之 先).

Theo Bồ Đề Đạt Ma trong Tuyệt Quán Luận: Đạo lớn thâm sâu, u diệu mà tịch nhiên quảng đại, chẳng thể lấy tâm mà hiểu, chẳng thể lấy lời mà giải (Phù Đại Đạo xung hư, u vi tịch quảng, bất khả dĩ tâm hội, bất khả dĩ tâm thuyên 夫 大 道 沖 虛, 幽 微 寂 廣, 不 可 以 心會, 不 可 以 心 詮).

Thời Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn cầm chánh pháp mở nền Đại Đạo, nên đó là nền Chơn Đạo, như Thánh giáo Thầy đã nói: “Thầy đến lập cho các con nền Chơn Đạo, tức là mỗi sự chi dối trá là chẳng phải của Thầy”. Lại nữa, mối Đạo Thầy do huyền diệu cơ bút lập ra và có tôn chỉ Qui nguyên Tam giáo, Hiệp nhứt Ngũ chi để tận độ chúng sanh trong thời Hạ ngươn mạt Pháp nầy, nên đó là một mối Đạo to lớn, sâu dày, mầu nhiệm và tôn nghiêm.

Trạm tịch chơn đạo: Đạo Trời chơn chánh sâu xa, lặng lẽ.

Khôi mịch tôn nghiêm: To lớn và uy nghiêm vô cùng.



Biến hóa vô cùng 變 化 無 窮,

Lũ truyền bửu kinh 屢 傳 寶 經 以 覺 世.

Chú thích: Trong các bản chánh kinh bằng chữ Quốc ngữ của Hội Thánh và chữ quốc ngữ trong quyển của nhị vị Đầu Sư đều viết là “Vô cùng”, mà phần chữ Hán trong quyển kinh ấy, nhị vị Đầu Sư lại viết “空 窮 không cùng”.

Biến hóa vô cùng 變 化 無 窮: Đạo Trời thiên biến vạn hóa, không cùng không tận.

Theo Lão Tử, Đạo sinh ra trước Trời đất và là nguồn gốc sinh ra muôn vật (Đạo giả vạn vật chi áo). Chính vì thế, Đạo lúc nào cũng phải biến hóa và biến hóa mãi mãi.

Theo Chu Liêm Khê, sự vật trong thế giới lúc nào cũng biến đổi, vũ trụ chẳng khác gì một dòng sông lớn, những lượn sóng cứ xê dịch trôi mãi mãi. Đạo Trời theo sự vật cũng phải biến hóa vô cùng vô tận. Sở dĩ Đạo có biến hóa là do hai khí âm dương giao cảm nhau mà hóa sinh muôn vật, muôn vật sinh rồi lại tiếp tục sinh nữa, cho nên cuộc biến hóa trở nên vô cùng: “Nhị khí giao cảm, hóa sinh vạn vật, vạn vật sinh sinh nhi biến hóa vô cùng yên. 二 氣 交 感, 化 生 萬 物, 萬 物 生 生 而 變 化 無 窮 焉).

Lũ truyền 屢 傳: Nhiều lần truyền đi.

Bửu kinh 寶 經: Kinh báu, kinh quí báu.

Giác thế 覺 世: Giác ngộ đời.

Lũ truyền bửu kinh dĩ giác thế 屢 傳 寶 經 以 覺 世: Biết bao nhiêu lần đã truyền kinh sách quí báu để giác ngộ người đời.

Kinh là nền tảng của một triết thuyết hay một Tôn giáo, nên từ ngàn xưa, các vị Giáo chủ của Tam giáo đã đắc lệnh của Đức Chí Tôn, giáng cơ mở Đạo để tùy thời, tùy căn cơ, tùy hoàn cảnh mà truyền những kinh sách quí báu, hầu khai hóa đạo tâm cho con người, đưa con người đến sự giác ngộ.

Về Nho giáo, Đức Không Thánh đã để lại một kho kinh sách quí giá như Tứ Thư, Ngũ Kinh, sau này các hàng Đệ tử và hậu Nho tiếp tục xiển dương hệ thống triết lý đó làm nền tảng về nhân sinh, đạo đức và phong tục cho xã hội con người, mà hơn hai nghìn năm nay con người vẫn còn sùng thượng.

Về Lão giáo, từ hai quyển “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử và “Nam Hoa Kinh” của Trang Tử làm cơ sở cho triết lý “Vô vi”, đến thời nhà Tống các nhà Nho đem lý thuyết Vô vi của Lão Trang phối hợp với Dịch Lý của Nho mà tạo thành một phong trào “Huyền học” hay “Lý học”. Phong trào nầy có công lớn trong việc phát triển học thuyết Lão Trang đến chỗ phồn thịnh nhứt vào đời Ngụy, Tấn, Lục Triều...Lão giáo hướng con người về với Đạo là thuận lẽ thiên nhiên vô vi tự tại. Vì vậy, thuyết Vô vi của phái Đạo Gia đã ảnh hưởng không nhỏ về Vũ trụ quan và Nhân sinh quan qua con người Việt Nam ta từ ngày xưa cho đến bây giờ.

Về Phật giáo, sau khi Đức Phật thành Đạo, Ngài đã đem điều chứng đắc để giác ngộ chúng sinh tìm về bản thể chơn như, hầu đưa chúng sanh theo con đường giải thoát. Đến khi Phật nhập diệt, các vị Đệ Tử mới đem những lời dạy của Ngài kết tập lại thành Tam Tạng Kinh. Từ đó, kinh sách của Phật được phổ truyền theo muôn đường vạn nẽo để đem cái Giáo Pháp cao siêu của Đức Phật mà giác ngộ chúng sinh trong tam đồ, lục đạo.

Biến hóa vô cùng, lũ truyền bửu kinh dĩ giác thế: Đạo Trời thiên biến vạn hóa, không cùng không tận. Biết bao nhiêu lần đã truyền kinh sách quí báu để giác ngộ người đời.



Linh oai mạc trắc 靈 威 莫 測,

Thường thi Thần giáo dĩ lợi sanh 常 施 神 教 以 利 生.

Linh oai 靈 威: Tiếng Hán viết là Uy linh, tức là uy nghiêm và linh thiêng.

Mạc trắc 莫 測: Không đo lường được.

Linh oai mạc trắc 靈 威 莫 測: Là cái oai quyền thiêng liêng của Chí Tôn không thể đo lường được. Cái oai quyền thiêng liêng của Đức Thượng Đế và chư Tiên Phật rất cần thiết để giáo hóa, cứu độ chúng sanh. Bởi vì uy linh của Đức Chí Tôn còn khiến chư Thần, Thánh, Tiên, Phật phải nễ vì, huống lựa là chúng sinh làm sao không kính ngưỡng? Ngoài ra, các Đấng có thể đem cái oai quyền Thiêng liêng đó hàng phục ma vương, quỉ quái để cứu độ chúng sinh thoát vòng ma chướng.

Thường 常: Thường xuyên, luôn luôn.

Thi 施: Thi hành, ban ra.

Thần 神: Thiêng liêng, huyền diệu.

Giáo dĩ 教 以: Dạy dỗ để mà.

Lợi sanh 利 生: Làm lợi cho chúng sanh.

Linh oai mạc trắc, thường thi Thần giáo dĩ lợi sanh: Cái oai quyền Thiêng liêng của Chí Tôn không thể đo lường biết được và Ngài đem những giáo điều diệu mầu để làm lợi ích cho chúng sanh.

Thực vậy, chúng sanh vì vô minh, sống nơi cõi trần lao giả tạm nầy, lại còn gây nhiều nhân ác nghiệt, nên bị nhiều nghiệp chướng chất chồng mà phải chịu biết bao luân hồi sinh tử, không thể nào giải thoát được. Những lời dạy của Tam Giáo Tổ Sư, từ xưa đến nay không đủ đưa hết con người trở về Thánh Thiện. Đến thời Hạ Ngươn mạt Pháp nầy, con người càng xu hướng theo văn minh vật chất, càng chìm sâu vào tội lỗi. Vì vậy, Đức Chí Tôn mới giáng cơ mở Đạo tại nước Việt Nam ta hầu mong dạy dỗ và dìu dắt chúng sanh mau thoát vòng khổ não:

Thiên Cơ đã lộ lúc khai Trời,

Kêu khách phàm trần đã hụt hơi.

Cứ mến vinh hoa cùng lợi lộc,

Chẳng lo kiếp thác đến gần nơi.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển)



Hồng oai hồng từ vô cực vô thượng,

洪 威 洪 慈, 無 極 無 上,

Hồng oai: Hay hồng uy 洪 威:Cái oai linh lớn.

Cái oai quyền không ai bằng vua chúa. Thế mà, trong Kinh Thi có những bài thi cho thấy rằng cái oai linh của Thượng Đế còn to lớn hơn, khiến cho các vì vua không dám trễ nãi việc trị dân, phải lo lắng sợ sệt mà cung kính Trời. Nếu như việc làm của vua có trái đạo lý khiến cho Trời phải nổi cơn giận dữ mà gieo mưa lụt hay nắng hạn, làm biến động nước nhà thì vua phải chịu tội mà cầu đảo vị Thiên Đế:

敬 天 之 怒

Kính Thiên chi nộ

無 敢 戲 豫

Vô cảm hý dự.

敬 天 之 渝

Kính Thiên chi du

無 敢 馳 驅

Vô cảm kỳ khu.

昊 天 曰 明

Hạo Thiên viết minh.

及 爾 出 王

Cập nhĩ xuất vương.

昊 天 曰 旦

Hạo Thiên viết đán.

及 爾 游 衍

Cập nhĩ du diễn.

Nghĩa là:

Khi Trời giận, phải khiêm cung.

Thì xin chớ dám để lòng vui chơi.

Phải cung kính lúc Trời biến động,

Chớ dám lo phóng túng ruỗi dong.

Trời thì sáng suốt vô cùng,

Nơi nào vua đến, Trời trông theo liền.

Trời sáng suốt vô biên rõ thật,

Nôm theo vua phóng dật vui chơi.

Hồng từ 洪 慈: Lòng từ bi rất lớn. Hay đại từ bi.

Thật vậy, Đức Chí Tôn là một Đấng đại từ đại bi, đã có công sinh hóa ra vạn vật, lại mong dìu dẫn sanh linh vào nẻo chánh đường chơn mà lánh khỏi đọa luân hồi, nên Ngài, từ khai Thiên lập Địa đến giờ đã bao lần giáng thế mở Đạo để phổ độ chúng sanh. Đến thời hạ nguơn mạt Pháp này, “sanh nhằm thời buổi nhơn sanh dụng gương bất đức mà gieo họa cho bước trần, khiến cho sai sót nẻo luân thường. Bến khổ đường mê vẫn cứ tìm vào mà làm cho biển trần chẳng biết bao nhiêu chìm đắm. Đạo đức chẳng rèn lòng mà tội tình càng chác lấy. Nếu chẳng có một Đấng Từ Bi lấy đức háo sanh mở Đạo Tam Kỳ đặng vớt những kẻ hữu căn thì toàn thế giới sẽ bị dần dần tiêu diệt, ngôi cựu vị ở chốn non thẳm rừng xưa, cũng chẳng có một bực Tiên Thánh đọa trần nào đoạt lại được”. Quả thực, Đức Chí Tôn là một Đấng đại từ đại bi, có lòng hiếu sanh, thương yêu vạn linh, sanh chúng.

Vô cực 無 極: Vô cùng, không giới hạn.

Vô thượng 無 上: Cao hơn hết, không gì cao hơn.

Hồng oai hồng từ, vô cực vô thượng: Đức Thượng Đế có cái oai linh lớn, có lòng từ bi lớn, là Đấng vô cực vô thượng, không bậc nào sánh bằng.



Đại Thánh Đại Nguyện, Đại Tạo Đại Bi .

大 聖 大 願, 大 造 大 悲.

Đại Thánh 大 聖: Đức Thánh lớn. Đức Thượng Đế là Bậc toàn tri, toàn năng, là Đấng có đức hóa sanh rộng lớn, cho nên gọi rằng Đại Thánh.

Thật vậy, từ ngày gầy dựng nên Vũ trụ vạn vật, Đức Thượng Đế đã nhiều phen hóa thân Phật, Tiên, Thánh để đem Đạo cứu đời. Nhưng vì chúng sanh mê mờ tội lỗi, lấy giả thành chơn, lấy hư làm thiệt, mãi chạy theo ảo ảnh sắc trần, nên phải lăn quay trong vòng luân hồi sanh tử.

Giáo pháp Tam giáo tùy theo phong tục, tùy căn cơ chúng sanh mà tìm phương cứu độ. Chính vì điểm khác nhau của các Tôn giáo nên khiến cho chúng sanh chấp ngã, chấp pháp mà có sự chống đối, chia rẽ, làm cho các Tôn giáo càng ngày càng xa rời chánh pháp. Hiện nay, nhằm thời kỳ Hạ ngươn mạt Pháp, lại nữa nền văn minh vật chất đã kéo lôi con người càng ngày càng xa “Tự tánh”, nên Đức Chí Tôn, một lần nữa vì lòng Đại Từ Đại Bi, dùng cái oai quyền lớn lao của một vị Đại Thánh, tức vì Thiên Đế mà chính mình Ngài giáng cơ khai Đạo. Thánh giáo Thầy dạy: “Thầy vì đức háo sanh, nên chẳng kể bậc Chí Tôn cầm quyền Thế giới, đến lập Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ trong lúc Hạ ngươn nầy mà vớt sanh linh khỏi vòng khổ hải”.

Đại nguyện 大 願: Lời nguyện lớn. Các Đấng Thiêng Liêng thấy chúng sanh trầm luân trong khổ não, vì lòng Đại từ Đại bi nên thường có lời nguyện hầu cứu vớt tất cả chúng sanh. Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát có lời phát nguyện: “Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật. Chúng sanh tận độ, phương chứng Bồ Đề 地 獄 未 空, 誓 不 成 佛, 眾 生 盡 度, 方 證 菩 提” (Địa ngục chưa sạch không, thề không thành Phật. Chúng sanh độ hết, mới chứng Đạo Bồ Đề). Đức Phật A Di Đà có phát ra 48 lời đại nguyện.

Đến với thời Tam Kỳ Phổ Độ này, Đức Chí Tôn đã lập những lời đại nguyện: “Thầy buộc mình hứa cùng Ngọc Hư cung rằng nếu Đạo còn, thì Thầy cũng theo gìn các con”. Hoặc Thầy còn nguyện lãnh tội lỗi, oan nghiệt của chúng sanh: “Mỗi phen Thầy đến lập Đạo thì là phải cam đoan và lãnh các con chẳng khác nào kẻ nghèo lãnh nợ. Các con làm tội lỗi bao nhiêu, oan nghiệt bấy nhiêu, Thầy đều lãnh hết”.

Đại tạo 大 造: Đấng Tạo hóa lớn. Đức Thượng Đế là Đấng tạo ra Càn khôn Thế giới và muôn loài vạn vật. Vì thế người bình dân thường gọi Ngài là Đấng Hóa Công, Đấng Tạo Hóa.

Đại bi 大 悲: Từ bi lớn.

Đại Thánh Đại Nguyện Đại Tạo Đại Bi: Ngài là Bậc Thánh lớn, có lời đại nguyện, có công tạo hóa lớn và có lòng từ bi lớn lao.



Huyền Khung Cao Thượng Đế,

玄 穹 高 上 帝,

Huyền 玄: Sắc đen.

Khung 穹: Cao rộng như vòm trời.

Huyền Khung 玄 穹 là từ đã được sách Ấu học gọi Đức Thượng Đế do câu: “Huyền Khung bỉ thương tắc xưng Thượng Đế 玄 穹 彼蒼 則 稱 上 帝” (Huyền Khung màu trời xanh kia được xưng là Thượng Đế).

Thượng Đế: Chỉ Đức Chí Tôn.

Huyền Khung Cao Thượng Đế: Tức Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế.



Ngọc Hoàng tích phước hựu tội, Đại Thiên Tôn.

玉 皇 錫 福 宥 罪, 大 天 尊.

Tích phước 錫 福: Ban phước cho.

Con người muốn được Ơn Trên ban phước cho, trước nhứt tự mình phải biết trau giồi cái thiện tâm và phải làm việc lành thì tự sẽ được ban phước. Khổng Tử đã dạy: “Vi thiện giả thiên báo chi dĩ phước, vi bất thiện giả thiên báo chi dĩ họa 為 善 者 天 報 之 以 福, 為不 善 者, 天 報 之 以 禍”.

Hựu tội 宥 罪: Xá tội, tha tội.

Đức Chí Tôn là Đấng từ bi bác ái, thương yêu chúng sanh nên thường ban phước đức, xá tội lỗi cho muôn loài.

Cõi thế gian là nơi chứa nhiều tội lỗi. Bởi vô minh, con người mới tạo ra nhiều tội ác. Nhưng nếu biết ăn năn chừa lỗi, cải tà qui chánh, lo tu tâm sửa tánh thì Chí Tôn tha hết tội tình. Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Thầy có nói: “Thầy lại nói, buổi lập Thánh Đạo, Thầy đến độ rỗi kẻ có tội lỗi. Nếu đời không có tội lỗi, đâu nhọc đến công Thầy.

Ấy vậy, các con rán độ kẻ tội lỗi là công lớn làm cho Thầy vui lòng hơn hết”.

Đại Thiên Tôn 大 天 尊: Đấng tối cao được tôn quí nhứt.

Tích phước hựu tội Đại Thiên Tôn: Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế là một vị Đại Thiên Tôn đã ban phước, xá tội cho chúng sanh.

Nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, lấy công quả làm nấc thang thăng tiến cho các Chơn linh. Làm công quả tức là tích phước đức, có tội quá thì phước đức sẽ được tiêu trừ, đến lúc nào đó, tội chướng do chính bản thân ăn năn tự hối, và được phước đức giảm trừ thì con người sẽ dứt nghiệp. Nếu dứt nghiệp mà thừa công đức thì con người sẽ thoát được luân hồi sanh tử.



V/.GIẢI NGHĨA:



KINH NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ

Đại La Thiên Đế: Đức Thượng Đế còn gọi là Đại La Thiên Đế, một vị vua Trời (Thiên Đế) cầm quyền rộng lớn mênh mông như một tấm lưới trời bao trùm cả các cõi thế giới (Đại La). Đây cũng là Hồng danh của Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Thái Cực Thánh Hoàng: Ngài cũng là Đấng Thái Cực Thánh Hoàng, tức là vị vua Thánh ngự tại ngôi Thái Cực cầm quyền sinh hóa vạn vật. Đây cũng là Hồng danh của Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế

Hóa dục quần sanh: Đức Thượng Đế thường tạo hóa và nuôi dưỡng chúng sanh.

Thống ngự vạn vật: Ngài cai quản và điều hành sự tiến hóa của muôn vật.

Diệu diệu Huỳnh Kim Khuyết: Cổng Huỳnh Kim Khuyết trên thiên cung, sắc vàng lóng lánh hiện ra mù mù, diệu vợi .

Nguy nguy Bạch Ngọc Kinh: Tòa Bạch Ngọc Kinh cẩn ngọc trắng sáng, cao vòi vọi, nguy nga.

Nhược thiệt, nhược hư, bất ngôn nhi mặc tuyên đại hóa: Dường như thật, dường như hư. Không nói gì, trong sự tĩnh lặng mà vận hành sinh hóa.

Thị không, thị sắc, vô vi nhi dịch sử quần linh: Là không là sắc. Không thấy làm nhưng sai khiến quần linh.

Thời thừa Lục long, du hành bất tức: Theo thời mà cởi sáu rồng, đi khắp nơi không ngừng nghỉ.

Tức là Đạo Trời mạnh mẽ vận hành khắp vũ trụ không bao giờ ngừng nghỉ.

Khí phân Tứ tượng oát triền vô biên: Khí Lưỡng nghi tức Âm Dương phối hợp nhau mới phân ra Tứ Tượng. Xoay chuyển qua lại mãi mãi không giới hạn.

Đây chỉ Đạo phối hợp Âm Dương rồi sinh Tứ Tượng, và vận hành cả Càn Khôn Vũ Trụ không bao giờ ngừng nghỉ.

Càn kiện cao minh, vạn loại thiện ác tất kiến: Ngôi Càn (Đạo Tròi) mạnh mẽ sáng suốt có thể thấy rõ việc lành dữ của muôn loài.

Huyền phạm quảng đại, nhứt toán họa phước lập phân: Cái khuôn phép mầu nhiệm rộng lớn. Từng việc lành dữ đều được phân định rõ ràng.

Thượng chưởng Tam thập lục Thiên, Tam Thiên Thế giái: Thượng Đế, trên thì chưởng quản ba mươi sáu tầng Trời, ba ngàn Thế giới.

Hạ ốc Thất thập nhị Địa, Tứ Đại Bộ Châu: Bên dưới (Phần bên dưới Vũ Trụ): chưởng quản bảy mươi hai Địa cầu và bốn Đại Bộ Châu.

Tiên Thiên Hậu Thiên, tịnh dục Đại Từ Phụ: Đức Thượng Đế từ thời kỳ tiên thiên đến thời kỳ hậu thiên nuôi dưỡng chúng sanh đồng đều như nhau.

Kim ngưỡng, cổ ngưỡng, phổ tế Tổng Pháp Tông: Từ xưa đến nay vẫn kính ngưỡng Thượng Đế, Người gom các Giáo pháp để phổ độ chúng sanh.

Nãi Nhựt, Nguyệt, Tinh, Thần chi Quân: Thượng Đế là vua của mặt Trời, mặt Trăng, các vì sao và thời thần.

Vi Thánh, Thần, Tiên, Phật chi Chủ: Ngài là chủ của Thần, Thánh, Tiên, Phật.

Trạm tịch chơn Đạo: Đạo Trời chơn chánh sâu xa, lặng lẽ.

Khôi mịch tôn nghiêm: To lớn và uy nghiêm vô cùng.

Biến hóa vô cùng, lũ truyền Bửu Kinh dĩ giác thế: Đạo Trời thiên biến vạn hóa, không cùng không tận. Biết bao nhiêu lần đã truyền kinh sách quí báu để giác ngộ người đời.

Linh oai mạc trắc, thường thi Thần giáo dĩ lợi sanh: Cái oai quyền thiêng liêng của Chí Tôn không thể đo lường được.

Chí Tôn đem những giáo điều diệu mầu để làm lợi ích cho chúng sanh.

Hồng oai, hồng từ, vô cực, vô thượng: Cái oai linh to lớn, cái lòng đại từ bi của Đức Thượng Đế thật là lớn vô ngần, không chỗ nào tận cùng, không còn gì cao hơn nữa.

Đại Thánh, đại nguyện, đại tạo, đại bi: Đức Ngài là một vị Đại Thánh, có một tâm nguyện rộng lớn, một lòng đại từ bi nên Ngài là Đấng Tạo hóa ra Càn khôn vũ trụ và vạn vật.

Huyền Khung Cao Thượng Đế: Ngài chính là Đức Huyền Khung Cao Thượng Đế.

Ngọc Hoàng, tích phước hựu tội, Đại Thiên Tôn. Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế là một vị Đại Thiên Tôn đã ban phước, xá tội cho chúng sanh.



(1) Ngũ tự là thần cửa, ngõ, giếng, bếp và giữa nhà.



BÀI CHÚC TỤNG NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ


Lạy mừng Từ Phụ Chí Tôn

Xuống ơn phổ tế khắp trong cõi trần

Chúng con gội đức Thiên ân

Tam Kỳ Phổ Độ cứu dân khỏi nàn

Người tu vượt cảnh thiên đàng

Người gìn nhơn đạo hưởng an cõi trần

Biết Thầy, biết Đạo, biết ơn

Biết lo quy hiệp hạ nguơn đến kỳ

Nhờ Thầy cứu khỏi nạn tai

Kỳ Ba Phổ Độ Cao Đài hiệp chung

Ơn Thầy lượng cả thương cùng

Ra tay cứu vớt nạn chung nhơn loài

Chúng con thành khẩn lạy Thầy

Cầu cho nhơn loại gặp ngày Thuấn Nghiêu

Chúng con gắng sức mai chiều

Chung tâm đoàn kết dắt dìu lẫn nhau

Huyền Khung xin bố phép mầu

Ban ơn cứu tử khắp bầu nhân gian

Cầu xin phúc tải vạn bang

Cầu Trời ban phước cứu an đại đồng

Cứu đời thoát khỏi diệt vong

Ma ha thánh dược tẩy lòng trần duyên

Cứu con thoát khỏi não phiền

Dạy con tu luyện lánh miền trầm kha

Xin cầu chánh pháp truyền ra

Độ con lánh khỏi phong ba đời cùng

Cúi xin khẩn lạy Chí Tôn

Giúp cho nhơn loại sinh tồn khương ninh.

(Dứt bài niệm:)

Nam mô Huyền Khung Cao Thượng Đế Ngọc Hoàng Đại Thiên Tôn. (lạy 3 lạy, mỗi lạy 4 gật)



(NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ, TLBT, đàn ngày 30-7-1977)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét