Thứ Năm, 1 tháng 8, 2024

CHÚ LĂNG NGHIÊM - Ý NGHĨA CÂU 157-158


CHÚ LĂNG NGHIÊM SHURANGAMA MANTRA #chúlăngnghiêm #chulangnghiem #lăngnghiêm #kinhlăngnghiêm #shurangamamantra #shurangama #buddha

🔔 
157. Tô ma lô ba. 

Kệ: 

Ái nhân bất thân cố kỳ nhân 
Lễ bỉ phất đáp kính vị chân 
Hồi quang phản chiếu cầu chư kỷ 
Cảm ứng đạo giao mạc mê thần. 

Tạm Dịch: 

Thương người không thân xem tâm mình 
Lễ người không đáp chưa thật kính 
Hồi quang phản chiếu cầu nơi mình 
Cảm ứng đạo giao chớ mê thần. 

Giảng giải: 

“Thương người không thân xem tâm mình”. 
Bạn thương một người nhưng người chẳng gần gũi bạn, cảm thấy bạn là giả. 

Lúc này phải “xem lại tâm mình”. Thương ở đây chẳng phải là nói thứ tình thương nam nữ, mà là một thứ hảo cảm trên tinh thần đó đây giữa người với người, hổ tương cung kính, hổ tương không chướng ngại. 
Khi bạn từ bi thương người mà người chẳng có phản ứng gì đối với bạn thì phải suy nghĩ lại, phản cầu nơi mình, hồi quang phản chiếu, tự suy nghĩ: “Ta chẳng thật sao ? 

Ðại ước ta là giả dối ? Tôi không thành tâm hết lòng ?”. Tự hỏi mình như thế, xem tâm mình có đủ từ bi nhân ái chăng. 

“Lễ người chẳng đáp kính chưa thành”. Bạn thấy người đến bèn hướng họ hành lễ, mà họ nhìn cũng chẳng nhìn hoặc là vì bạn chẳng đối diện với họ, bạn hành lễ thì họ vốn không nhìn thấy, đó thì không kể. 

Nếu bạn nhìn thấy họ, họ cũng nhìn thấy bạn, thì nên hổ tương hành lễ. Rõ là bạn hành lễ họ mà họ không đáp lại, tựa giống như Quan Ðế Công, băng mặt lại, trừng mắt tức cũng giống muốn thăng lên hư không, không nhìn bạn. 

Lúc này bạn phải suy nghĩ lại: “Phải chăng trong tâm tôi là giả dối, tôi làm lễ nghi là giả ? 
Phải chăng tôi thật cung kính họ ? (chưa thật kính), tôi cung kính họ đại khái không chân thật ?”. Nên hồi quang phản chiếu. 

“Hồi quang phản chiếu cầu nơi mình”. Nếu bạn hành có chỗ không được nên phải cầu nơi mình. Phàm là những hoàn cảnh gặp nhau đều có những chỗ không được viên mãn, nên hồi quang phản chiếu, tự hỏi mình: “Có phải tôi sai chăng ?”. Phải nghĩ như thế thì vấn đề gì cũng đều chẳng có. 

“Cảm ứng đạo giao chớ mê thần”. Kính người thì người kính mình, đánh người thì người đánh mình, mắng người thì người mắng mình, giết người thì người giết mình, hại người thì người hại mình. 

Ðó là chân lý. Bạn đừng mê tín thần nói: “Thần chúa tể của tôi, thần cho tôi trí huệ”. Nếu thần cho bạn trí huệ, vậy thì thần quá thiên vị với kẻ ngu si ! Tại sao không cho họ trí huệ? Tại sao y đối với bạn tốt mà không cho họ trí huệ ? Thật là quá bất công ! 

Nên biết trí huệ của bạn là do tự bạn tu. Bạn có cảm ứng gì cũng là tự bạn làm. Thần chẳng có cách chi không chế bạn, bằng không thì bạn sớm biến thành người máy ! Người máy mới chịu người khống chế. 


158. Ma ha thuế đa. 

Kệ: 

Nhật nguyệt tinh cung thiên chúng cư 
Bạch y Thánh giả độ quần mê 
Thuận nghịch cảnh giới giai bất động 
Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật. 

Tạm Dịch: 

Cung nhật nguyệt tinh chúng trời ở 
Bạch Y Quan Âm độ quần mê 
Cảnh giới thuận nghịch đều bất động 
Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật. 

Giảng giải: 

Ma Ha Thuế Ða dịch là “Cung nhật nguyệt tinh chúng trời ở”. 
Thiên chúng cư ngụ ở trên trời. Họ ở trên đó rất sung sướng khoái lạc, cho nên không niệm Phật, cũng không tu, chỉ biết ăn chơi hưởng lạc, đó là mao bệnh của chư thiên mắc phải. 

Cho nên chúng ta đừng phát nguyện sinh về thiên đường, vì ở đó rất dễ bị mê, nhân gian cũng như thế. Cho nên: “Bần cùng khó bố thí, Giàu sang khó học đạo, Lúc chết không bệnh là khó”. 

“Bạch Y Quan Âm độ quần mê”. Câu này lại dịch là "Bạch Y Quan Âm". Trong quá khứ xa xưa vị Bạch Y Quan Âm này, phát nguyện muốn độ quần mê. Làm thế nào để độ ? 
Ngài đi làm mẹ của Chúa, kêu mọi người tin Thiên Chúa. Nhưng người tin Thiên Chúa thăng lên thiên đường, ở đó quá vui sướng thì chẳng biết tu hành. 

Bổn lai Bạch Y Quan Âm cho rằng trước độ họ thăng lên trời, sau đó sẽ phát bồ đề tâm. Không ngờ họ không những không phát bồ đề tâm, ngược lại mà còn làm trái ngược. 

Quan Âm Bồ Tát cũng tự nhận sai, không nên dẫn người đến thiên đường. Cho nên mẹ của Chúa là Bồ Tát Quan Thế Âm. 

Ngài từ xưa đến nay chỉ có làm việc này là sai. Thực ra cũng không kể là sai, vì tất cả các pháp đều là Phật pháp, đều bất khả đắc, cho nên cũng chẳng có cái sai không sai. 

Nhưng là hạnh khổ của Quán Âm Bồ Tát ! Ngài phí rất nhiều tinh thần đi độ người, kết quả họ chạy đến thiên đường, hưởng thụ khoái lạc. Tại sao chúng sinh lại như thế ? Vì chẳng có trí huệ. 

“Cảnh giới thuận nghịch đều bất động”. Bồ Tát Quán Âm gặp cảnh giới thuận tâm đều chẳng động, đối với cảnh giới nghịch tâm cũng chẳng động. Như như bất động, liễu liễu thường minh. Tuy nhiên Ngài phí rất nhiều tinh thần, phí nhiều thời gian làm mẹ của Chúa, nhưng Ngài không hề gì, bắt đầu làm lại. 

Chúng ta tu đạo cũng nên như thế, thuận cảnh đến, tâm chẳng động, nghịch cảnh đến tâm vẫn không động. Như như bất động, liễu liễu thường minh. Tâm sinh vạn pháp, vạn pháp duy tâm. Tâm bất động, kể cả dục niệm đều chẳng có. Chứ chẳng phải người chết rồi thì tâm không động, tức là một niệm chẳng động. 

Do đó: “Một niệm không sinh toàn thể hiện, Sáu căn hốt động bị mây che”. Làm thế nào mới không thể động? Tức phải có đại trí huệ. Có đại trí huệ mới đến được bờ kia, mới có định lực bất động. 

Tin hay không do bạn ! Bạn không tin, tôi cũng nói như thế ; bạn tin tôi vẫn nói như thế. Bạn tin không tin tôi đều nói như thế, vì tôi thì tâm bất động.

Trích dẫn : Sách CHÚ LĂNG NGHIÊM KỆ VÀ GIẢNG NGHĨA (HT TUYÊN HOÁ - Thích Minh Định dịch )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét