Thứ Năm, 1 tháng 8, 2024

CHÚ LĂNG NGHIÊM - Ý NGHĨA CÂU 179-180



CHÚ LĂNG NGHIÊM SHURANGAMA MANTRA
 #chúlăngnghiêm #chulangnghiem #lăngnghiêm #kinhlăngnghiêm #shurangamamantra #shurangama #buddha

🔔 
179. Ca ma la. 

Kệ: 

Liên hoa toà thượng đại Pháp Vương 
Đông tây nam bắc thủ trung ương 
Nhất thiết hộ giới thần nỗ lực 
Ngũ phương ngũ bộ ngũ Phật quang. 

Tạm Dịch: 

Ðại Pháp Vương ngồi trên tòa sen 
Ðông tây nam bắc giữa trung ương 
Tất cả hộ giới thần nỗ lực 
Năm phương năm bộ năm Phật quang. 

Giảng giải: 

Ca Ma La dịch là "tòa hoa sen", trên tòa hoa sen tất phải có Phật, nếu chỉ có tòa hoa sen đâu có ý nghĩa gì ! 

Trên tòa hoa sen lớn báu có đấng đại Pháp Vương ngồi thẳng ngay ngắn. Ðại Pháp Vương tức là Phật. 

“Ðại Pháp Vương ngồi trên tòa sen”. Phương đông có tòa sen, phương tây, phương bắc, phương nam, chính giữa cũng đều có tòa sen, mười phương chư Phật ngồi ở trên. 

Giới bên trong của mỗi vị Phật đều có Kim Cang thiện thần hộ giới. Cho nên nói: “Tất cả hộ giới thần nỗ lực”. 

Tất cả Kim Cang thiện thần hộ giới rất chú ý giữ gìn bảo vệ đạo tràng. 

“Năm phương năm bộ năm Phật quang”. Ðông tây nam bắc và chính giữa. Phương đông là Kim Cang bộ, quang minh phóng ra là màu xanh quang xanh. Phương nam là Bảo Sinh Bộ, quang minh phóng ra là màu đỏ quang đỏ. 

Chính giữa là Phật bộ, quang minh phóng ra là màu vàng quang vàng. Phương Tây là Liên Hoa bộ, quang minh phóng ra là màu trắng quang trắng. 

Phương bắc là Yết Ma bộ, quang minh phóng ra là màu đen quang minh đen. Năm bộ năm phương năm vị Phật này cai quản năm đại ma quân trên thế giới. 

Cho nên pháp môn Chú Lăng Nghiêm, nói đi nói lại là án chiếu theo năm hướng năm bộ năm vị Phật mà nói. Hôm nay là nói về phương tây Liên Hoa bộ. 

Mỗi phương có thần hộ giới của mỗi phương. Giới tức là giới hạn, trong giới hạn này thì vị thần đó phải chịu trách nhiệm. Giống như các quốc gia trên thế giới đều có phân chia ranh giới, trong Phật giáo cũng thế. Mỗi địa phương có một vị Phật đến quản lý. Phương đông Kim Cang Bộ là Phật A Súc, đây là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. 

Phương nam là Bảo Sinh bộ Phật Bảo Sinh. Chính giữa là Phật bộ Tỳ Lô Giá Na Phật. Phương tây là Liên Hoa bộ Phật A Di Ðà. 

Phương bắc là Yết Ma bộ Phật Thành Tựu. 

Bộ đó thì vị Phật đó đến quản lý, chúng ta phải biết. Tu tập pháp môn Lăng Nghiêm phải đem chân tâm thành tâm ra tu tập. 
Gì gọi là chân tâm? Tức là tu trì Chú Lăng Nghiêm, cho đến thời gian cũng quên, không gian cũng chẳng có, là ngày là đêm đều chẳng biết, ăn cơm không ăn cơm cũng chẳng biết, ngủ không ngủ cũng chẳng biết, gì cũng đều quên hết, gì cũng chẳng có. Một niệm dài giống như vô lượng kiếp, vô lượng kiếp làm một niệm. 

Phải có tinh thần như thế. Ăn cơm ngủ nghỉ gì cũng đều quên hết. 
Chỉ nhất tâm tu hành Chú Lăng Nghiêm, nhất định thành tựu Lăng Nghiêm tam muội. Không được như thế thì đừng nói đến chân chánh tu pháp môn Lăng Nghiêm. Không chỉ tu pháp Lăng Nghiêm như thế mà tu pháp gì cũng đều như thế. 

Ði chẳng biết đi, ngồi chẳng biết ngồi, khát chẳng biết khát, đói chẳng biết đói. 
Vậy chẳng phải là người biến thành ngu si nhất chăng ? Tức là phải như thế ! Ðó mới gọi là: “Dưỡng thành khờ khạo mới là khéo, Học đến như ngu mới thấy kỳ”. 

Nếu bạn học đến ngu si được như thế, thì bất cứ bạn tu pháp môn nào, cũng đều đắc được tam muội, đều sẽ thành tựu. Tức vì bạn không thể ngu si, không thể chân chánh thâm nhập cảnh giới tam muội, cho nên tu đi tu lại cũng chẳng tương ưng. 

Bạn tu được tự mình sống chết đều chẳng biết. Có người nhận rằng pháp môn này đáng sợ quá. Nếu bạn sợ thì hãy mau thối lùi, đừng học. Trên thế gian chẳng có việc gì không mệt nhọc mà hoạch được. Cho nên: “Không chịu một phen lạnh thấu xương, Sao được hoa mai thơm ngát mũi”. 

Bạn ngửi được hương thơm của hoa mai như thế, là do sự hun đúc lạnh mà ra, nó chịu lạnh sau đó mới tỏa ra hương thơm. 

Người tu đạo cũng phải như thế. Bên ngoài nói người Vạn Phật Thành khổ tu, tôi tuyệt đối phủ nhận tin đồn này. Chúng ta chẳng phải là khổ tu, là lạc tu. 

Ai tu hành chịu khổ đều là cam tâm tình nguyện, chẳng phải miễn cưỡng. Chúng ta đều muốn buông bỏ cái giả, lượm nhặt cái thật. Có câu rằng: “Bỏ không được cái giả, Không thành được cái thật. 

Bỏ không được cái chết, Ðổi không được cái sống”. Tu hành chẳng phải như pháp thế gian, dùng thủ đoạn thì không đắc được tam muội. Tu hành thì thủ đoạn gì cũng không thể dùng. 

Tức là phải thành thật hết lòng dụng công tu hành, đó mới kể. Nếu bạn có chút giả dối, cũng không thể mong được thành tựu. Luôn luôn phải thành thật dụng công. Nhẫn những gì người không thể nhẫn, nhường những gì người không thể nhường. 

Phải ngày đêm sáu thời thường tinh tấn như thế mới đắc được cảm ứng. Mười phương chư Phật đánh điện tín cho bạn nói: “Thiện tai ! Thiện tai ! 

Bạn là một Phật tử trong Phật giáo”. Ðiện tín mà mười phương chư Phật đánh cho bạn không giống như điện tín nhân gian phải dùng chữ, mà là dùng tâm ấn tâm, quang quang tương chiếu, tâm tâm tương ấn, khiến cho bạn khai đại trí huệ, đắc đại biện tài, đắc được đại an lạc. 
Ðiều mà đại trượng phu làm được thì làm xong, việc mà đại trượng phu nên làm đều hoàn thành. 


🔔 180. Sát xa thi. 

Kệ: 

Oai đức thị hiện chư Đại Sĩ 
Tràng phan bảo cái các kình trì 
Hoá đạo chúng sinh tu giác đạo 
Đồng thừa viên mãn pháp thuyền trì. 

Tạm Dịch: 

Các Ðại Sĩ oai đức thị hiện 
Ðều cầm giữ tràng phan lọng báu 
Giáo hóa chúng sinh tu giác đạo 
Ðồng ngồi pháp thuyền lên bờ giác. 

Giảng giải: 

Sát Xa Thi dịch là "phan", lại dịch là "can". 
Can là một thứ dùng để chống đỡ lọng báu, những thứ này đều là Hộ Pháp thiện thần Kim Cang lực sĩ, cũng là đại quyền thị hiện. 

Ðại quyền nghĩa là quá khứ đã thành Phật, hoặc là chứng đắc quả vị Ðẳng Giác Bồ Tát. 

Bây giờ ẩn lớn hiện nhỏ để làm Hộ Pháp Kim Cang. Các Ngài đều có đại oai đức. Cho nên nói: “Các đại lực sĩ oai đức thị hiện”. Kim Cang lực sĩ đều là đại Bồ Tát. 

“Ðều cầm giữ tràng phan lọng báu”. Các Ngài mỗi người đều cầm tràng, phan, lọng báu. Mỗi vị Kim Cang lực sĩ đều cầm những thứ cúng dường cụ này để trang nghiêm đạo tràng. 

“Giáo hóa chúng sinh tu giác đạo”. Các Ngài giáo hóa tất cả chúng sinh phát bồ đề tâm, tu vô thượng bồ đề đạo. 

“Ðồng ngồi pháp thuyền lên bờ giác”. Các Ngài đều ngồi đại pháp thuyền để cứu độ chúng sinh trong biển khổ, khiến họ đạt đến bờ bên kia giác ngộ. 

Trích dẫn : Sách CHÚ LĂNG NGHIÊM KỆ VÀ GIẢNG NGHĨA (HT TUYÊN HOÁ - Thích Minh Định dịch )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét