Thứ Ba, 27 tháng 8, 2024

CHÚ LĂNG NGHIÊM - Ý NGHĨA CÂU 243-244


CHÚ LĂNG NGHIÊM SHURANGAMA MANTRA #chúlăngnghiêm #chulangnghiem #lăngnghiêm #kinhlăngnghiêm #shurangamamantra #shurangama #buddha

🔔 243. Mật rị trụ bà dạ

Dịch: Trừ nạn hoành tử phi mạng.

Kệ:

Vị tằng hữu pháp diệu nan ngôn
Nhất thiết ý ngoại tất an toàn
Kim giáp thiên thần mặc hộ hữu
Thưởng thiện phạt ác ái bất thiên.

Nghĩa là:
Pháp chưa từng có diệu khó tả
Tất cả tai nạn đều an toàn
Thiên thần mặc giáp thầm bảo hộ
Thưởng thiện phạt ác chẳng thiên vị.

Giảng giải: “Pháp chưa từng có diệu khó tả”: Pháp nầy khó gặp, khó thấy được, rất là hi hữu, cho nên gọi là pháp chưa từng có, diệu không thể tả, không thể nghĩ bàn.
“Tất cả tai nạn đều an toàn”: Hay tu pháp nầy, thì tất cả tai nạn gì cũng chẳng có, đều được an toàn.
“Thiên Thần mặc giáp thầm bảo hộ”: Thiên Thần mặc áo giáp bảo hộ bạn trong sự âm thầm.
“Thưởng thiện phạt ác chẳng thiên vị”: Ngài đối với tất cả mọi người đều bình đẳng, chẳng ích kỷ, chẳng thiên vị. Chúng ta phải làm các điều lành, đừng làm các điều ác, thì Thần Kim Cang hộ pháp sẽ luôn bảo hộ bạn.



🔔 244. Đà la ni bộ di kiếm

Dịch: Đắc được sức tổng trì. Trừ tất cả nạn tai hại.

Kệ:

Ngã kim quy mạng đại tổng trì
Kiên Lao Địa Thần bất thất thời
Năng trừ tất cả tai hại nạn
Tốc chứng vô sanh đạo tâm trực.

Nghĩa là:
Con nay quy mạng đại tổng trì
Kiên Lao Địa Thần chẳng thất thời
Hay trừ tất cả nạn tai hại
Sớm chứng vô sanh đạo tâm thẳng.

Giảng giải: Đà la ni là tiếng Phạn, hết thảy Chú đều là tiếng Phạn. Câu Chú nầy hay trừ tất cả tai hại. Tuy nói như thế nào, nhưng người trì Chú thân tâm phải thanh tịnh. Thân không phạm nghiệp giết, trộm, dâm. Ý không khởi nghiệp tham, sân, si. Miệng không nói dối, nói hai lưỡi, nói thêu dệt, chửi mắng. Ba nghiệp thanh tịnh rồi, thì mới gọi là tổng trì. Nếu ba nghiệp không thanh tịnh, thì không gọi là tổng trì.
Tuy không thể nói họ tụng Chú hoàn toàn không có cảm ứng, nhưng sức lực cảm ứng ít lại càng ít, chứ chẳng phải do Chú không linh nghiệm, mà do ba nghiệp của họ không thanh tịnh. Ba nghiệp thanh tịnh rồi, thì còn phải cần chuyên nhất. Do đó có câu: “Chuyên nhất thì linh, phân chia thì tán”. Hay chuyên nhất, thì tất cả Chú đều là linh văn, đều là diệu ngữ. Không thể chuyên nhất, thì dù linh văn cũng chẳng linh, diệu ngữ cũng chẳng diệu, càng không thể cảm ứng đạo giao.

Tôi tả bốn câu kệ, chẳng có căn cứ gì, giảng như thế nào cũng đều được, niệm như thế nào cũng đều được, vì “không có pháp nhất định”. Không có nhất định, mà muốn giảng thành nhất định, đó tức là pháp chết, chẳng phải là pháp sống. Tôi giảng đều là pháp sống. Vì chúng ta đều là người sống, người sống thì phải dùng pháp sống, không dùng pháp chết. Học Phật cũng giống như ăn cơm, ăn nhiều một chút cũng được, ăn ít một chút cũng được. Đừng no quá, cũng đừng đói quá.
Tổng trì là “Tổng tất cả pháp, trì vô lượng nghĩa”. Pháp gì cũng đều bao quát bên trong hết, nghĩa gì cũng đều thọ trì hết. Tổng trì cũng giống như tay lái của chiếc xe, cũng giống như tổng thống của một nước, lãnh đạo chính trị của một nước. Theo Phật pháp mà nói, thì quy nạp tất cả pháp lại một nơi, gọi là tổng trì. Tổng tức là “Vạn thù quy về một gốc”, trì tức là “Một gốc tán làm vạn thù”, tức cũng là đem hết thảy chúng sinh đều quy về Vạn Phật Thánh Thành, Vạn Phật Thánh Thành lại hoá ra hết thảy chúng sinh, đây tức là tổng trì, như vậy các vị sẽ hiểu đại khái! Nếu vẫn còn chưa hiểu, thì tôi không còn cách nào khác.

Có người nói: “Tôi chưa từng nghe qua người nào giảng pháp như thế”! Nếu có người đã giảng rồi, mà tôi giảng lại nữa, thì đó giống như rang cơm nguội, chẳng có ý nghĩa gì hết. Giống như tin tức của người kia đăng lên, bạn lại đăng lên nữa. Tóm lại, đó là phần tử lạc hậu. Đó là đại ý tổng trì, tôi đã nói rõ ràng rồi. Nếu các vị muốn tổng trì, thì tâm phải chuyên nhất, chuyên nhất tức là quy mạng. “Con nay quy mạng”, chẳng phải là kêu người khác quy mạng, với mình chẳng có liên quan gì, do đó “Mình ăn cơm thì mình no, sinh tử của mình tự mình lo”. Hiện tại tụng trì Chú Lăng Nghiêm, thì nghiệp của mình phải thanh tịnh, tâm phải chuyên nhất.
“Kiên Lao Địa Thần chẳng thất thời”: Kiên Lao Địa Thần đã từng phát nguyện trong quá khứ, ai tụng Đà la ni nầy, thì Ngài sẽ bảo hộ họ, khiến cho họ toại tâm như ý, ra vào đều bình an, chẳng có tất cả tai nạn gì. Kiên Lao Địa Thần chẳng thất thời, thất thời tức là bỏ qua cơ hội, khi bạn gặp tai nạn, thì Ngài không ngủ đâu, Ngài chẳng giống như chúng ta, chuyên môn ăn rồi ngủ, hỏi đến vấn đề gì, cũng đều nói không biết. Kiên Lao Địa Thần lúc nào cũng nghĩ đến mỗi chúng sinh, như có vấn đề gì phát sinh, thì Ngài tuỳ thời tuỳ lúc, đều bảo hộ, nhưng phải tụng Chú Lăng Nghiêm.

“Hay trừ tất cả nạn tai hại”: Bất cứ tai nạn gì, tụng Đà la ni nầy, thì đều trừ khử hết.
“Sớm chứng vô sanh đạo tâm thẳng”: Làm thế nào mới trừ được tất cả tai nạn? Làm thế nào mới chứng được vô sanh? Tức là mấy chữ nầy: “Tâm thẳng là đạo tràng”: Tu đạo phải có tâm ngay thẳng, đừng có tâm quanh co, đừng có cho rằng người khác lường gạt bạn. Dù người khác có lường gạt bạn, thì cũng phải học chịu thiệt thòi, nhẫn nại, đừng biện luận, cũng đừng trốn tránh. Bạn nói: “Như vậy làm sao tôi chịu được”! Nói thật với bạn: “Đức Phật làm thế nào mà thành Phật, tức là chịu thiệt thòi mới thành Phật, chứ chẳng phải chiếm tiện nghi của người khác, cứ nghĩ muốn lợi mình, chẳng lợi người.

Kỳ thật, chiếm tiện nghi của người khác, tức là làm ăn bị lỗ vốn. Bạn không thể chịu thiệt thòi, thì tâm bạn chẳng ngay thẳng được, không thể vào đạo tràng. Tâm thẳng là đạo tràng, thì chẳng có tâm quanh co, nhưng cũng đừng cố ý chịu thiệt thòi. Ví như người khác vốn đối với mình tốt, nhưng mình cố ý tìm cách quanh co làm cho họ chịu thiệt thòi, như vậy là sai, đó chẳng phải là tâm ngay thẳng. Tâm ngay thẳng là phải tự nhiên, cảm ứng đạo giao, đừng đi tìm tòi, nếu bạn cố ý đi tìm tòi, như vậy cũng sai. “Đạo”, tức là tại chỗ nầy, tu hành được tại chỗ nầy, thì bạn phải rõ lý, minh bạch đạo lý rồi, thì mới tu được.


Trích dẫn : Sách CHÚ LĂNG NGHIÊM KỆ VÀ GIẢNG NGHĨA (HT TUYÊN HOÁ - Thích Minh Định dịch )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét