Thứ Ba, 27 tháng 8, 2024

CHÚ LĂNG NGHIÊM - Ý NGHĨA CÂU 263-264


CHÚ LĂNG NGHIÊM SHURANGAMA MANTRA #chúlăngnghiêm #chulangnghiem #lăngnghiêm #kinhlăngnghiêm #shurangamamantra #shurangama #buddha

🔔 263. Hê rị bà đế yết ra ha

Dịch: Quỷ âm thanh.

Kệ:

Độc xứ xuyên trạch bất đồng quần
Bát âm tề tấu mộc thạch kim
Sư tử ngu lạc thường khởi vũ
Kỳ hình như cẩu chủ thú hồn.

Nghĩa là:
Một mình sống ở nơi đầm trạch
Bát âm đều tấu gỗ đá kim
Sư tử vui vẻ thường nhảy múa
Hình như chó làm chủ dã thú.

Giảng giải: Đây là quỷ âm thanh, quỷ âm nhạc. Loài quỷ nầy tự mình thường thường làm vang ra âm thanh âm nhạc, cũng hoan hỉ nghe tiếng nhạc, nhưng chúng lại chỉ muốn sống một mình ở nơi đầm trạch. Cho nên nói: “Một mình sống ở nơi đầm trạch”, loài quỷ nầy thích đơn độc, thích một mình ở một nơi, ở nơi có nước, hoặc ở chỗ dơ bẩn, hoặc ở trong nhà vệ sinh. Loài quỷ nầy không sợ dơ bẩn, cho nên tục ngữ nói: “Quỷ dơ bẩn”, càng bẩn càng tốt. Mỗi ngày chúng chẳng chải đầu, chẳng rửa mặt, chẳng giống như con người thích chải chuốt trang điểm, tô chút phấn, xịt chút nước hoa, làm cho có một thứ mùi vị thật là cổ quái. Quỷ thì chẳng như thế, càng dơ bẩn, càng hôi thối, thì càng tốt. Chúng ăn những thứ con người thải ra như máu mủ chảy ra từ mụt nhọt. Loài quỷ nầy chẳng thích ở chung với quỷ khác. Chúng ở một mình làm gì? Tấu âm nhạc, tám thứ âm nhạc, cho nên nói: “Bát âm đều tấu gỗ đá kim”.
“Sư tử vui vẻ thường nhảy múa”: Chúng ở một mình lại tấu âm nhạc, lại nhảy múa, náo nhiệt giống như sư tử, rất là vui vẻ, tuy chỉ có một mình mà rất náo nhiệt, làm vang lên rất nhiều âm thanh.

“Hình như chó làm chủ dã thú”: Hình tướng của chúng có chút giống như con chó, cho nên có lúc bạn nhìn thấy chó, nói không chừng chúng là quỷ, nhất là bạn không nhận thức rõ. Có lúc quỷ cũng biến thành chó, heo, chim nhỏ, gì cũng đều có thể biến được, đừng cho rằng chim nhỏ là chim nhỏ. Loài quỷ nầy quản lý dã thú, chính quỷ cũng không việc tìm việc làm.

Hỏi: Quỷ bóng hoạt động như thế nào?
Đáp: Thiện cũng nhiều, ác cũng nhiều, người như thế nào thì tìm người cùng như vậy. Trong tâm bạn có quỷ, thì quỷ liền tìm bạn; trong tâm bạn không có quỷ, thì quỷ không dám tìm bạn. Tu đạo phải chuyên nhất, đừng khởi vọng tưởng, thành đến cực điểm, thì vàng đá cũng khai mở. Tâm thành thì linh, tâm thành hay khiến cho vàng đá cũng khai mở. Cho nên chữ “thành” rất là quan trọng. Người tu đạo tu từ từ, như gà ấp trứng, như rồng dưỡng châu, không cần đi tắc, không thể nói tu hành nhanh một chút, đây là hoàn toàn sai lầm. Do đó có câu:

“Thanh sắt mài thành kim,
Công đáo tự nhiên thành”.

Tu hành nhanh quá thì sẽ đứt, chậm quá thì sẽ chùng, không nhanh không chậm mới thành công. Tiến nhanh quá thì lùi cũng mau! Xưa kia bạn tiến nhanh quá, thì lùi cũng nhanh, bạn tiến chậm thì sẽ không lùi. Tu đạo phải hợp với trung đạo, không rơi vào không, không rơi vào có, không rơi vào không có hai bên. Rơi vào không thì thiên về không, rơi vào có thì thiên về có, cũng không, cũng có, lìa trung đạo liền xa. Trung đạo là chẳng không, chẳng có, cũng không, cũng có, nói nó là không, lại chẳng không, nói nó là có, lại chẳng có, nhưng lại là không, lại là có, không, có, chẳng chấp tức là trung đạo.

Chúng ta người học Phật, phải cung hành thực tiễn, nghe được một câu Phật pháp, thì phải chiếu theo pháp mà tu hành. Ví như, người tu đạo không nổi nóng, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều phải nhẫn nại nhẫn nhục. Lại như ăn cơm, chỉ ăn no tám phần thôi, đừng ăn quá no, cũng đừng quá đói. Có khi đói một chút tốt hơn là quá no, đói còn có thể dụng công, no quá thì sẽ hôn trầm, sẽ muốn ngủ, không thể dụng công. Tu đạo nơi nơi phải tìm trung đạo, đừng thái quá, cũng đừng bất cập, tóm lại giữ trung đạo liễu nghĩa, liễu nghĩa tức là minh bạch đạo lý, đừng sợ sửa lỗi, đừng tự mâu thuẫn nhau. Trong tâm vừa muốn sửa lỗi, vừa không muốn sửa lỗi, không muốn sửa lỗi lại muốn sửa lỗi. Vừa muốn tu hành, vừa không muốn tu hành. Hai chân bước lên chiếc thuyền, vừa muốn đi hướng nam, vừa muốn đi hướng bắc, không biết như thế nào là tốt, như vậy thời gian sẽ trôi qua lãng phí.
Cho nên chúng ta là người học Phật pháp, biết một chút thì làm một chút, chân thật tu hành, đừng khởi vọng tưởng, đừng phan duyên,đừng có tâm ích kỷ, tâm lợi mình, đừng tranh với người, đừng tham, không mong cầu gì hết. Thường nhớ năm điều nầy, thì mới thật là tu hành, cũng đừng sinh tâm đố kị, đừng sinh tâm chướng ngại, đừng chướng ngại người khác thành tựu, thấy người nào giỏi thì cố gắng làm cho bằng họ, thấy họ có trí huệ, có năng lực, thông minh, thì mình nên học tập theo họ, đừng sinh tâm đố kị chướng ngại.



🔔 264. Xã đa ha rị nẫm

Dịch: Quỷ ăn tinh khí.

Kệ:

Thực tinh khí quỷ phiên Chí đức
Quỷ tử mẫu chúng Thiên thần hợp
Vị quy y Tam Bảo danh Oán tặc
Tùng Phật chi hậu hiệu Trừ ma.

Nghĩa là:
Quỷ ăn tinh khí dịch Chí đức
Quỷ mẹ con hợp chúng Thiên thần
Chưa quy y Tam Bảo tên Oán tặc
Từ khi theo Phật hiệu Trừ ma.

Giảng giải: Xã Đa là tiếng Phạn, là chân ngôn. Chân ngôn gọi là gì? Là ngôn ngữ chân thật. Do đó gọi là chân ngữ, thật ngữ, như ngữ, đều gọi là chân ngôn, tức cũng là lời của Phật nói, quỷ thần đều minh bạch. Còn con người thì sao? Con người thì không hiểu lắm. Chân ngôn cũng có thể nói là ngôn ngữ của một thế giới bên ngoài. Ngôn ngữ gì của thế giới bên ngoài? Tức là thuộc về ngôn ngữ của linh giới (cõi linh), linh tức là linh minh mạc trắc, một số phàm phu không thể thấu hiểu được. Vì phàm phu đều chuyển ở tại sáu căn, sáu trần, sáu thức. Tóm lại là có sự giới hạn, có sự câu thúc, chẳng đến được cảnh giới linh minh, cho nên ngôn ngữ nầy, chúng ta không hiểu nhiều, nhưng cổ Thánh tiên hiền cũng tiết lộ ra chút chút ý nghĩa trong ngôn ngữ không hiểu biết chút ít nầy, những gì hiện tại giảng của sự phiên dịch tức là chút chút ý nghĩa nầy.

Xã Đa, dịch ra là « Quỷ ăn tinh khí », loài quỷ nầy trước khi chưa theo Phật, đều chuyên môn ăn tinh khí. Tinh là vật tinh tốt nhất, khí là chỉ có hình tượng mà không có thật thể. Bất cứ phi tiềm động thực, đều có tinh khí của mỗi loài, không có bất cứ vật chất gì mà không có tinh khí, thậm chí vàng có tinh khí của vàng, cho nên tinh khí không nhất định chỉ nói đến tinh khí của con người, bất quá nói tới nói lui vẫn lấy con người làm chủ thể. Loài quỷ nầy đi khắp nơi ăn tinh khí của con người, ăn trộm tinh khí của con người, lớn thì chúng biến thành quỷ hút máu, quỷ hút máu nầy đều là quỷ ăn tinh khí biến ra một hình tượng, cho nên trong câu Chú chữ “Ha Rị”, dịch ra là « Quyến thuộc ». “Nẩm”: Tức là « Nam » của nam nữ, vậy sao không dùng chữ “Nam”? Vì hoà âm, không nhất định kêu con người biết. Câu nầy tức là nói về quỷ ăn tinh khí mang theo quyến thuộc của chúng.

“Quỷ ăn tinh khí dịch chí đức”: Tuy trước kia chúng là quỷ ăn tinh khí, nhưng sau khi quy y Phật rồi, lập chí muốn hộ trì người có đức hạnh, cho nên gọi là Chí đức.
“Quỷ mẹ con hợp chúng thiên thần”: Đây là chỉ chúng quỷ mẹ con, còn là tên của thiên thần.
“Chưa quy y Tam Bảo tên oán tặc”: Trước khi chưa quy y Tam Bảo, chúng có tên gọi là “Oán tặc”, trong “Phẩm Phổ Môn” có nói:
“Hoặc oán tặc vây quanh
Đều cầm đao làm hại
Nhờ sức niệm Quán Âm
Họ liền khởi tâm từ”.
Sau khi chúng quy y Phật rồi, thì sửa lỗi làm mới, bèn đổi tên là “Trừ ma”, không còn làm ác nữa, cho nên nói: “Từ khi theo Phật hiệu Trừ ma”.


Trích dẫn : Sách CHÚ LĂNG NGHIÊM KỆ VÀ GIẢNG NGHĨA (HT TUYÊN HOÁ - Thích Minh Định dịch )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét