Thứ Hai, 26 tháng 8, 2024

CHÚ LĂNG NGHIÊM - Ý NGHĨA CÂU 217-218


CHÚ LĂNG NGHIÊM SHURANGAMA MANTRA #chúlăngnghiêm #chulangnghiem #lăngnghiêm #kinhlăngnghiêm #shurangamamantra #shurangama #buddha

🔔  217. Ba ra điểm

Kệ :

Pháp quang biến chiếu âm tự tại
Chí thành tác lễ mật linh văn
Hy sử cảm ứng đạo giao lực
Hoàn ngã bổn lai chứng bồ đề.

Tạm dịch :

Pháp quang chiếu khắp tiếng tự tại
Chí thành kính lễ Chú Lăng Nghiêm
Mong được cảm ứng và đạo giao
Trở về nguồn cội chứng bồ đề.

Giảng giải : 

Ba La Ðiểm nghĩa là “Pháp quang chiếu khắp”. Trí huệ quang của Phật chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới, trong đó lại có một âm thanh tự tại. Cho nên nói: ‘’Pháp quang chiếu khắp tiếng tự tại – Chí thành kính lễ mật linh văn.’’ Bây giờ con chí thành kính lễ mật linh văn, mật linh văn tức là chỉ Chú Lăng Nghiêm.
‘’Mong được cảm ứng và đạo giao.’’ Hy vọng dùng sức cảm ứng đạo giao.

‘’Trở về nguồn cội chứng bồ đề.’’ Cội nguồn ra sao thì trở về thế đó. Cội nguồn ra làm sao ? Gì cũng chẳng có. Cho nên bây giờ trở về đâu cũng chẳng có. Còn một chút chấp trước, thì còn chướng ngại, còn chướng ngại thì không thể vượt khỏi tam giới, do đó nhất định phải phá tan tất cả chấp trước, đến vật gì cũng chẳng còn, thì lúc đó phục hồi lại bổn lai diện mục. Bây giờ chúng ta có gì ? Gì cũng chẳng có. Ðợi đến khi chúng ta vật gì cũng chẳng muốn, thì vật gì cũng đều có, trí huệ cũng hiện tiền, thần thông cũng hiện tiền, diệu dụng cũng hiện tiền. Tại sao bây giờ không có trí huệ thần thông ? Là vì cứ đi các nơi lượm rác rến, đá quý vàng thật thì bạn không muốn. Vốn có quý giá thì bạn chẳng muốn, ngược lại cứ đi các nơi lượm nhặt rác rến bẩn thỉu, tự mình còn cho là rất thông minh ! Thật là ngu si hết mức.



🔔  218. Xà kiết rị

Kệ :

Tác lễ vô trụ hoá sinh sinh

Vô cùng vô tận nghĩa di phong
Thập phương Như Lai đồng nhiếp thọ
Ly khổ đắc lạc xuất hoả khanh.

Tạm dịch :

Kính lễ vô trụ hóa sinh sinh

Vô cùng vô tận nghĩa cùng tột
Mười phương Như Lai đồng nhiếp thọ
Lìa khổ được vui rời hầm lửa.

Giảng giải: 

‘’Kính lễ vô trụ hóa sinh sinh.’’ Câu Chú này dịch là “Kính lễ”, lại dịch là “Vô trụ”, lại dịch là “Sinh”. Sinh này nghĩa là sinh sinh vô định, hóa hóa vô cùng. Kính lễ tức là đảnh lễ Phật. Vô sở trụ tức là bạn đừng có chấp trước, bạn nói, vậy tôi đừng tu hành thì chẳng có chấp trước, đó là sai, bạn tu hành cũng đừng chấp trước có tu hành. Bạn nói vậy tôi không ăn cơm thì không chấp trước. Không ăn cơm nhưng bụng không chịu được. Nhưng bạn ăn no rồi, còn nghĩ muốn ăn nữa, vậy cũng không đúng. Kinh Kim Cang có nói :

‘’Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm.’’


Hôm nay có người cho rằng ‘’Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm’’, tức là không cần tu hành, không cần niệm Chú, cũng không cần tụng Kinh, vậy thì chẳng có chấp trước. Chẳng phải vậy, bạn phải tu hành đến chỗ chẳng có gì hết, làm đến khi bạn không còn chấp trước có công đức gì, đó là vô sở trụ (không chỗ trụ). Vì bạn có chỗ trụ, thì sẽ dính mắc vào đó, chẳng thoát ly được, do đó, phải không chỗ trụ mà sinh tâm, quét tất cả pháp, lìa tất cả tướng, sinh sinh hóa hóa vô cùng tận. Cho nên câu dưới đây nói : ‘’Vô cùng vô tận nghĩa cùng tột.’’ Nghĩa lý của câu Chú này vô cùng vô tận, ý nghĩa nhiều cùng tột, không có gì nhiều hơn nữa. Vì thế bạn niệm câu Chú này, thì ‘’Mười phương Như Lai đồng nhiếp thọ.’’ Mười phương chư Phật đều nhiếp thọ bạn, khiến cho bạn ‘’Lìa khổ được vui rời hầm lửa.’’

Trích dẫn : Sách CHÚ LĂNG NGHIÊM KỆ VÀ GIẢNG NGHĨA (HT TUYÊN HOÁ - Thích Minh Định dịch )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét