CHÚ LĂNG NGHIÊM SHURANGAMA MANTRA #chúlăngnghiêm #chulangnghiem #lăngnghiêm #kinhlăngnghiêm #shurangamamantra #shurangama #buddha
🔔 165. Tỳ địa gia.
🔔 165. Tỳ địa gia.
Kệ:
Phổ giác thế gian chư chúng sinh
Thiện ngữ giáo hoá viễn ly trần
Dũng mãnh tinh tấn đăng bỉ ngạn
Đảo giá từ thuyền cứu khổ luân.
Tạm Dịch:
Giác khắp các chúng sinh thế gian
Lời lành giáo hóa sạch bụi trần
Dũng mãnh tinh tấn lên bờ giác
Từ bi trở lại cứu khổ luân.
Giảng giải:
Tỳ Ðịa Gia dịch là "giác khắp", tức không có lựa chọn, khiến cho hết thảy chúng sinh đều giác ngộ, đều minh bạch, không hồ đồ, cho nên nói: “Giác khắp các chúng sinh thế gian”. Khiến cho hết thảy chúng sinh bỏ mê về giác, đắc được bồ đề.
“Lời lành giáo hóa sạch bụi trần”. Dùng lời khéo léo giáo hóa chúng sinh, xa lìa tất cả pháp nhiễm ô, mà tu tất cả pháp thanh tịnh, đắc được vô thượng bồ đề.
“Dũng mãnh tinh tấn lên bờ giác”. Tự mình lựa chọn một con đường tốt, dũng mãnh tinh tấn hướng về trước, nếu không giải đãi thì nhất định sẽ thành công. Từ bờ sinh tử bên này qua dòng sông phiền não, mà đạt được bờ bên kia Niết Bàn, đắc được thường lạc ngã tịnh bốn đức. Lúc đó thì: “Từ bi trở lại cứu khổ luân”.
Không quên chúng sinh khổ ở thế gian, phát tâm đại từ bi đến cứu độ chúng sinh thọ khổ. Họ đều đọa lạc trầm luân không giác ngộ, tôi muốn khiến họ đều giác ngộ, đồng ra khỏi biển khổ mà đạt đến cõi Thường Tịch Quang Tịnh Ðộ thanh lương tự tại.
166. Kiền giá na.
Kệ:
Tứ đại Thiên Vương hộ chánh quy
Thái tử quyến thuộc các sính oai
Tam giới thiện ác ký công quá
Nhật dạ tuần du thời khắc thôi.
Tạm Dịch:
Bốn vị Thiên Vương hộ chánh quy
Thái tử quyến thuộc oai lẫm liệt
Ba cõi thiện ác ghi nhớ hết
Tuần du ngày đêm không sao lãng.
Giảng giải:
Trước câu này nói về Hộ Pháp
Kim Cang bộ, tức là hộ giáo thiện thần.
Câu này bao quát "Bốn vị Thiên Vương và thái tử của họ và các quyến thuộc".
Những vị Kim Cang thiện thần này đều thuộc về Phật A Súc, Kim Cang bộ thống lãnh.
Chú Lăng Nghiêm đến đây là bộ chúng Kim Cang bộ. Do đó đoạn Chú này đa số thuộc về pháp hàng phục, dùng Kim Cang lực sĩ hàng phục thiên ma ngoại đạo.
“Bốn vị Thiên Vương hộ chánh quy”. Tứ đại Thiên Vương là: Trì Quốc Thiên Vương, Tăng Trưởng Thiên Vương, Quảng Mục Thiên Vương, Ða Văn Thiên Vương. Bốn vị đại Thiên Vương này bảo hộ chánh nhân quân tử, chúng sinh giữ quy cụ.
“Thái tử quyến thuộc oai lẫm liệt”. Những vị thái tử của các vị Thiên Vương và tất cả quyến thuộc đều oai phong lẫm liệt, chứ chẳng phải sát khí đằng đằng. Mà là khiến cho tất cả chúng sinh có uy phải sợ, để hàng phục thiên ma ngoại đạo.
“Ba cõi thiện ác ghi nhớ hết”. Các Ngài tuần tra xem việc thiện ác trong tam giới: Dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Bất cứ ai làm việc thiện, việc ác các Ngài đều ghi nhớ. Vọng niệm của bạn chánh, hay bất chánh đều nhớ hết.
Ai có ý nghĩ khinh khi trời, hại người cũng ghi nhớ hết thảy. Ở nhân gian có máy thu để thu, các vị ấy chẳng dùng máy thu, nhưng trong hư không có máy thu hiện thành, so với máy thu của chúng ta còn diệu hơn, không cần dùng tiền để mua. Bổn lai đã có, cho nên gọi là diệu hữu. Diệu hữu ở tại đâu? Ở trong chân không.
Chân không không ngại diệu hữu, diệu hữu không ngại chân không. Chân không chẳng không, cho nên có diệu hữu. Diệu hữu chẳng có, cho nên không ngại chân không, hổ tương viên dung vô ngại.
Không giống như nhân gian, có vật này thì chướng ngại vật kia. Người này ngăn cản chỗ này, thì người kia qua chẳng được. Hư không gì cũng chẳng có, nhưng gì cũng đều có.
Nếu minh bạch thì gì cũng đều có. Nếu không minh bạch thì gì cũng chẳng có. Chân không là chân không, diệu hữu là diệu hữu. Nếu minh bạch thì trong chân không tức là diệu hữu.
Nếu không minh bạch, thì trong diệu hữu cũng không minh bạch có chân không, không minh bạch chân không diệu hữu hỗ tương vô ngại. Nếu dùng nhục nhãn của phàm phu để dò chân lý chân không diệu hữu, thì không khi nào đắc được đáp án viên mãn.
Thái tử của tứ đại Thiên Vương ngày đêm quán sát điều tra, xem người thiện nhiều hay người ác nhiều. Thiện nhiều thì mời họ lên trời, ác nhiều thì phạt họ đọa làm ngạ quỷ, súc sinh, địa ngục.
Do đó bốn vị đại Thiên Vương này cũng rất bận rộn, hằng ngày tính sổ với thái tử, đại khái họ đã học qua toán số, so với máy điện toán còn rõ hơn.
Trích dẫn : Sách CHÚ LĂNG NGHIÊM KỆ VÀ GIẢNG NGHĨA (HT TUYÊN HOÁ - Thích Minh Định dịch )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét