Thứ Hai, 26 tháng 8, 2024

CHÚ LĂNG NGHIÊM - Ý NGHĨA CÂU 213-214


CHÚ LĂNG NGHIÊM SHURANGAMA MANTRA #chúlăngnghiêm #chulangnghiem #lăngnghiêm #kinhlăngnghiêm #shurangamamantra #shurangama #buddha

🔔  213. Ra xoa

Kệ :

Kim Cang thiên tiên các thủ hộ
Phú nhiêu lợi hành khả uý đồ
Nhiếp thọ chiết phục bách thiên vạn
Oai đức vô cùng phước huệ túc.

Tạm dịch :

Kim Cang Thiên tiên đều bảo hộ
Sung túc lợi hành uy đáng sợ
Nhiếp thọ triết phục trăm ngàn vạn
Oai đức vô cùng đủ phước huệ.

Giảng giải: 

Câu này dịch là “Tất cả Kim Cang Thiên tiên”. Thiên tiên trên trời và Kim Cang đến thủ hộ đạo tràng, thủ hộ người tu hành.
La Xoa còn dịch là “Giàu có đầy đủ”, hoặc là “Lợi hành”, “Lợi ích chúng sinh”, lại dịch là “Khả uý”, Kim Cang có uy đáng sợ. Thiên tiên có đại oai đức, ‘’Nhiếp thọ triết phục trăm ngàn vạn.’’ Pháp nhiếp thọ là dùng từ bi để nhiếp thọ. Pháp triết phục là dùng oai đức để triết phục. Trăm ngàn vạn chúng sinh đều bị hai môn triết, nhiếp, độ thoát.
‘’Oai đức vô cùng đủ phước huệ.’’ Kim Cang Thiên tiên đều là oai đức vô cùng, phước huệ đầy đủ. Có khi chư Phật quá khứ thị hiện, có khi Ðại Sĩ hóa thân, cho nên các Ngài phước cũng đủ, huệ cũng đủ.

Mỗi câu Chú Lăng Nghiêm, tôi dùng bốn câu kệ để hình dung oai lực của Chú và công dụng không thể nghĩ bàn của Chú. Bổn lai Chú Lăng Nghiêm biến hóa vô cùng, bất quá tôi chỉ nói nửa phần trong vạn phần, tức cũng khiến cho người khởi nhiều vọng tưởng thêm một chút. Người thì thấy lạ nghĩ khác, thấy gì thì khởi vọng tưởng đó, không thấy thì không có vọng tưởng. Cho nên thế gian bất cứ việc gì, có tốt thì có xấu, có hợp thì có tan, có thiện thì có ác, có phải thì có trái, đều là pháp đối đãi. Chúng ta giải thích Chú Lăng Nghiêm, tức cũng là không có việc tìm việc để làm. Có người xem kệ rồi thì hiểu một chút, có người xem rồi thì hồ đồ một chút. Ðây là đạo lý gì ? Ðạo lý thế gian vạn sự vạn vật đều như thế, có lợi thì có hại. Ngài Mã Tổ thành lập tùng lâm, Ngài Bách Trượng lập quy cụ, khi chế ra quy cụ thì người không giữ quy cụ hiển lộ ra, người xuất gia đọa địa ngục cũng nhiều. Tại sao có lợi thì có hại ? Có tốt thì có xấu ? Vì việc thế gian đều là như thế. Người được độ ít hơn so với người đọa lạc, người đọa lạc nhiều hơn so với người thọ ký, đạo lý thế gian là như thế. Tuy nhiên là như thế, chúng ta cũng không thể không hết lòng, không thể nói người đọa lạc nhiều, người được độ ít thì chúng ta không độ, muốn bãi công. Vậy thì một người cũng không độ đặng, tất cả đều đọa lạc. Hy vọng của chúng ta là, trong trăm vạn người độ được hai người thành đạo, thì chẳng có thời gian luống qua.



🔔  214. Bà già phạm

Kệ :

Duy trượng Thế Tôn oai thần lực
Cứu hộ điên đảo chư hàm linh
Phổ nguyện lìa khổ hoạch an lạc
Tảo vi giác đạo lập căn cơ.

Tạm dịch :

Xin nhờ oai thần lực Thế Tôn
Cứu hộ các chúng sinh điên đảo
Nguyện khắp lìa khổ được an lạc
Sớm sẽ giác ngộ lập căn cơ.

Giảng giải: 

Bà Già Phạm là “tên riêng của Phật”, ở trước đã giảng qua, Bà Già Phạm có sáu nghĩa cho nên không dịch.
‘’Xin nhờ oai thần lực Thế Tôn.’’ Tất cả hộ pháp đều nương nhờ đại oai thần lực của mười phương chư Phật. Thế Tôn là tôn kính của thế gian và xuất thế gian, là một trong mười hiệu của Phật. Oai thần lực của Thế Tôn vô cùng vô tận, tất cả các Bồ Tát và tất cả hộ pháp thường được đại oai thần lực của chư Phật gia trì, mới đến được trong tất cả thế giới giúp Phật hoằng dương Phật pháp, giáo hóa chúng sinh, cho nên nói: ‘’Cứu hộ các chúng sinh điên đảo.’’ Các hàm linh chẳng phải chỉ một hay hai, mà là bao quát hết thảy tất cả chúng sinh. Có chúng sinh cơ duyên thành thục, có chúng sinh chưa thành thục. Các hộ pháp quán cơ đầu giáo, vì người mà thuyết pháp, theo bệnh cho thuốc, phá hết tất cả chấp trước và điên đảo của chúng sinh, nhưng chúng sinh quá cang cường khó giáo hóa. Dạy họ làm công đức lành, thì họ lệch đi muốn tạo tội nghiệt. Dạy họ tu giới định huệ, thì họ lệch đi muốn chấp giữ tham sân si. Cho nên nói chúng sinh cang cường khó điều phục. Chúng sinh ngu si cũng khó giáo hóa, đều dùng tri kiến của mình đi làm việc mà họ muốn. Biết rõ là không tốt mà vẫn cứ đi làm, biết rõ là không đúng mà họ vẫn đi làm, đó là chỗ diệu của của chúng sinh, nói thẳng ra là diệu đến cực điểm. Cho nên Lão Tử mới nói :

‘’Thiên hạ đều biết tốt đẹp là tốt đẹp,
Mà cứ đi làm ác.
Biết việc thiện là đúng,
Mà cứ đi làm ác.’’


Tức là nói người trong thiên hạ, đều biết tốt đẹp là tốt đẹp, nhưng quan niệm xấu tùy tiện sinh khởi, mà người cứ đi làm những việc thật là xấu ác. Con người biết thiện lương là đúng, làm thiện được thiện báo, mà họ không chịu làm thiện, cứ muốn đi làm ác, đó là chúng sinh sinh ra tánh điên đảo. Giống như chó rất là thông minh, nhưng mà cứ muốn ăn phân. Tại phàm phu chúng ta thấy đại tiện hôi thối như thế, làm sao có thể ăn, thế mà chó thấy đại tiện đều thơm hơn với bất cứ gì, chúng vẫn cướp giật ăn. Sao lại như thế ? Tánh chó là như thế. Tất cả chúng sinh đều có cá tính. Như người hay mắng chưởi người, cho rằng mắng chưởi người là công việc của họ, một ngày không mắng chưởi người thì chịu không được. Hoặc là người hay nói thị phi, từ sáng đến tối thị thị phi phi, một ngày không nói thị phi, thì giống như phải đọa vào bạt thiệt địa ngục, thật là khổ sở. Cho nên tri kiến của chúng sinh không dễ gì cảm hóa. Bạn càng tốt với họ, thì họ càng cho rằng bạn không đúng. Ðó là bản tánh của chúng sinh, khinh thiện sợ ác. Bạn nói vậy tôi muốn học làm người ác, không làm người thiện, như thế thì chẳng được. Tuy nhiên bạn thiện bị người khinh, vẫn phải nhẫn chịu một chút, bị người khinh là chỗ tích đức, khinh người thì tổn đức, chúng sinh điên đảo thì như thế. Các vị hộ pháp muốn cứu hộ điên đảo, tất cả khuẩn động hàm linh các Ngài đều muốn cứu hộ. Chúng sinh lại điên đảo, lại không nghe lời, các Ngài đều dùng tâm từ bi để giáo hóa.
‘’Nguyện khắp lìa khổ được an lạc.’’ Nguyện khắp tất cả chúng sinh đều lìa khổ được an lạc.
‘’Sớm sẽ giác đạo lập căn cơ.’’ Vì giác đạo lập căn cơ xuống. Các Ngài dùng đủ thứ pháp môn để dạy dỗ chúng sinh, khiến chúng sinh đóng xuống cơ sở một chút bồ đề giác đạo, tương lai phát đại bồ đề tâm, thì sẽ thành tựu vô thượng đạo.


Trích dẫn : Sách CHÚ LĂNG NGHIÊM KỆ VÀ GIẢNG NGHĨA (HT TUYÊN HOÁ - Thích Minh Định dịch )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét