Thứ Năm, 1 tháng 8, 2024

CHÚ LĂNG NGHIÊM - Ý NGHĨA CÂU 159-160


CHÚ LĂNG NGHIÊM SHURANGAMA MANTRA #chúlăngnghiêm #chulangnghiem #lăngnghiêm #kinhlăngnghiêm #shurangamamantra #shurangama #buddha

🔔 
159. A lị gia đa la. 

Kệ: 

Nhật Quang Thiên Tử chiếu đại thiên 
Tứ phương tứ ngung tứ bô biên 
Nguyệt cung thường nga thanh lương tản 
Nhị thập bát tú thị hậu tiền. 

Tạm Dịch: 

Nhựt Quang Thiên Tử chiếu các cõi 
Bốn phương bốn hướng bốn vô biên 
Nguyệt Cung Hằng Nga rất thanh lương 
Nhị Thập Bát Tú hầu trước sau. 

Giảng giải: 

“Nhựt Quang Thiên Tử chiếu các cõi”. 
Bạn xem đây là mặt trời, không nhất định là chỉ mặt trời. Nhưng có một vị Bồ Tát gọi là Nhựt Quang Bồ Tát. 

Có một bài Chú Nhựt Quang Ðà La Ni, chuyên môn trị tất cả bệnh, Chú này hộ trì Chú Ðại Bi. Chú Nguyệt Quang Ðà La Ni cũng ủng hộ Chú Ðại Bi. 

Hai bài Chú này rất linh nghiệm. Ðại Bi Ðà La Ni Kinh có ghi rất nhiều, diệu không thể nghĩ bàn. 

Nhựt Quang Thiên Tử chiếu sáng đại thiên. Ðại thiên đây là bao quát bốn phương đông, tây, nam, bắc ; bốn hướng là đông nam, tây nam, đông bắc, tây bắc lại bao quát trên và dưới, cũng bao quát Bốn Vô Biên Xứ: Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Những nơi này đều chiếu khắp. Cho nên nói: “Bốn phương bốn hướng bốn vô biên”. 

“Nguyệt cung Hằng Nga rất thanh lương”. Trong cung trăng có mỹ nữ, ở đó rất là thanh lương mát mẻ. 

“Nhị Thập Bát Tú hầu trước sau”. Nhị Thập Bát Tú là hai mươi tám vì sao, hầu trước sau. Hai mươi tám vì sao có thể dùng hai mươi tám chữ để biểu thị, đó là: Giác kháng thị phòng tâm vĩ ky, đẩu ngưu nữ hư nguy ốc bích ; khuê lâu vị lão tất tuy sâm, tỉnh quỷ liễu tinh trương dực chẩn. 


160. Ma ha bà la a bát la. 

Kệ: 

Nhật nguyệt tinh tú phóng hà quang 
Thụ cùng hoành biến nan độn tàng 
Phổ Hương Thiên Tử thí hiệu lệnh 
Yêu ma quỷ quái các viễn dương. 

Tạm Dịch: 

Nhựt nguyệt tinh tú phóng hào quang 
Khắp cùng ngang dọc khó ẩn núp 
Phổ Hương Thiên Tử ra hiệu lệnh 
Yêu ma quỷ quái đều ẩn trốn. 

Giảng giải: 

Chú Lăng Nghiêm vốn chẳng có cách chi giảng được. 
Nhưng nếu không giảng thì một số người căn bản không tụng niệm, cho rằng không hiểu thì tụng niệm để làm gì ? 

Cho nên bất đắc dĩ phải lược giảng. 
Lược giảng cũng là giảng không hết, chỉ tiết lộ một trong vạn phần, giảng một câu, thì lộ ra vạn câu. 

Câu này bao quát "nhật nguyệt tinh", bao quát "kim mộc thủy hỏa thổ ngũ hành tinh" ; mặt trời, mặt trăng, sao là ba thứ ánh sáng, đó là nói tổng quát. Tú là chỉ nhị thập bát tú. 

Lại có chín vì sao sáng, lại có tám vạn bốn ngàn vì sao, nói không thể hết. Người không hiểu Phật pháp thì nói Phật giáo không nói về trời, không nói về ngũ hành. 
Thực ra thế gian có một pháp nào mà chẳng phải là Phật Pháp ? 

Do đó: “Vô bất tùng thử pháp giới lưu, Vô bất hoàn quy thử pháp giới”. Nghĩa là: “Chẳng có gì chẳng phải từ pháp giới này mà ra, Chẳng có gì mà chẳng trở về pháp giới này”. 

Pháp của pháp giới, sự rộng lớn của pháp giới, có một pháp nào mà chẳng phải là Phật pháp ? Một pháp nào lại là Phật pháp ? 
Chẳng có. Bạn minh bạch thì một pháp cũng chẳng lập, liễu ngộ rồi thì vạn pháp y nhiên, có mà chẳng có, không mà chẳng không. 

Cho nên chẳng có một pháp nào mà chẳng phải là Phật pháp, cũng chẳng có một pháp nào là Phật pháp. Nói đây không phải đùa không chăng ? 

Nếu đạt được cảnh giới này, thì đồng thể với vạn vật, hợp làm một với pháp giới, đồng dụng với hư không. Nếu không thể thì hãy dụng công tu hành. 

Tám vạn bốn ngàn pháp môn, môn nào cũng là số một, chẳng có pháp số hai. Tám vạn bốn ngàn pháp môn, có tám vạn bốn ngàn số một. Tám muôn bốn ngàn pháp số một này, chuyên môn đối trị tám muôn bốn ngàn thứ bệnh. 

Dùng pháp nào tương ưng thì pháp đó là số một. Vậy dùng không tương ưng thì là số hai chăng ? Không phải. Chỉ là không có công hiệu mà thôi. 

Cho nên tôi thường nói tám vạn bốn ngàn pháp môn nào cũng số một. Ba ngàn sáu trăm bàng môn ngoại đạo, đạo nào cũng quay về chân. Ðạo nào tương lai cũng đều phải quy về chân như tự tánh Phật. 

Cho nên nói: “Vô bất tùng thử pháp giới lưu, Vô bất hoàn quy thử pháp giới”. Do đó, Nhị Thập Bát Tú này cho đến tất cả các vì sao đều bao quát trong Phật giáo. Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, tác dụng trong hư không thật là không thể nghĩ bàn. 

Nhị Thập Bát Tú là giác kháng thị phòng tâm vĩ ky, đẩu ngưu nữ hư nguy ốc bích, khuê lâu vị mão tất tuy sâm, tỉnh quỷ liễu tinh trương dực chẩn. Họ có vạn đạo hào quang, nghìn luồng đoan khí. 

“Nhựt nguyệt tinh tú phóng hào quang”. “Khắp cùng ngang dọc khó ẩn núp”. Thứ hào quang này dọc cùng ba đời, ngang khắp mười phương. Giống như đèn sáng chiếu soi thì phía dưới, gì cũng đều thấy được, yêu ma quỷ quái gì cũng chẳng có chỗ ẩn núp. 

“Phổ Hương Thiên Tử ra hiệu lệnh”. Trong đó có vị Phổ Hương Thiên Tử phát ra hiệu lệnh. 

“Yêu ma quỷ quái đều ẩn trốn”. Yêu ma quỷ quái đều chạy tán. Có kẻ núp trong hạt bụi, có kẻ trốn trong lá cây, có kẻ trốn trong hang chuột. Chúng đều lão thực, không dám tác quái. 

Cho nên binh trời tướng trời cũng chẳng quản chúng. Có một lối nói khác, Nhị Thập Bát Tú là: “Nhựt nguyệt kim mộc thủy hỏa thổ, giao long hạc thố hồ hổ báo, giải ngưu bức thử yến trư thâu, lang trĩ kê ô hầu viên, ngạn dương kính mã lộc xà dẫn”. 

Nhị Thập Bát Tú này là trị nhật thần (thần ban ngày). Mỗi ngày đều có một vị trị nhật thần đến quản. Ngày này hoặc là thuộc về thủy, hỏa, kim mộc, thổ .v.v. Xem tên thì biết ngay. Mỗi tháng ba mươi ngày, Nhị Thập Bát Tú này luân phiên, một lần là một vòng, luân phiên hết lại bắt đầu lại. 

Mỗi ngày có bốn trị công tào. Các vị ấy là năm trị, tháng trị, ngày trị. Mỗi một thời thần là ai quản, mỗi một ngày, mỗi một tháng, mỗi một năm là ai quản đều có nhất định. Nhị Thập Bát Tú này là quản thiện ác, phàm là người làm thiện ác, các Ngài đều ghi nhớ hết, so với máy điện toán còn rõ hơn. 

Ðây là máy điện toán trên trời, cho nên người tu đạo, tu hay không tu đều có ghi chép. Bạn mỗi ngày tu được bao nhiêu công, đều tồn tại trong máy điện toán. 

Bạn tạo bao nhiêu nghiệp, cũng tồn tại trong máy điện toán, tơ hào đừng có khinh thường, chẳng phải bạn thích cho ai phiền não thì cho người đó phiền não. 

Bạn cho người một phiền não thì ghi vào trong máy điện toán, tơ hào không sai. Bạn đố kỵ chướng ngại người khác, khiến cho người không thể tu hành, tự cho rằng đắc ý. 

Nhưng tương lai sẽ có người đến chướng ngại bạn, nhân như thế nào thì quả như thế đó, quả báo không thể nghĩ bàn. Do đó nhân quả tơ hào không thể sai, nhân quả một khi sai thì tương lai không thể tưởng tượng được. 

Các vị chú ý ! Bốn trị công tào này rất công bình không a dua, dù bạn mua gà mua vịt cúng các vị ấy, họ cũng không nghe lời của bạn, họ chẳng ăn hối lộ. 

Trên thế gian mỗi ngày có bốn trị công tào, chuyên môn quản nhân sự, các vị ấy cũng giống như cảnh sát đi tuần. 

Xem bạn tu đạo, mỗi ngày ngồi thiền được bao lâu, ngủ bao lâu, ăn bao nhiêu, người đó hôm nay bớt ăn ba hạt gạo, bớt ăn hai miếng rau, tuyệt đối không thể sai. 

Nhị Thập Bát Tú này cũng là hộ pháp của người tu hành, bảo hộ bạn tu đạo. Bạn phát sinh vấn đề gì, thì các vị đó đều phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. 

Các bạn xem ! Lúc trời mưa to gió lớn, hai vị tam bộ nhất bái trước sau phải trái đều chẳng có gió, cũng chẳng có mưa. Ðó đều là vì Nhị Thập Bát Tú hộ trì. 

Trời mưa to thì phía trên hai vị tam bộ nhất bái có một vòng tròn, trời không mưa thì giống như cái doughnut. 

Nhị Thập Bát Tú thần thông diệu dụng, đặc biệt hộ vệ hai vị tam bộ nhất bái, vì thấy hai vị đó kiền thành lạy, cho nên thật tu hành thì có thật cảm ứng. Nhưng nếu cứ đố kỵ, chướng ngại, suốt ngày đều nhìn người không phải, cứ nói người không tốt, thì hộ pháp tuyệt đối không hộ trì bạn. Tại sao ? 
Vì bạn giống như máy chụp hình, chỉ chụp bên ngoài, chứ không chụp bên trong, lại giống như cái máy giặt đồ, cứ giặt đồ cho người khác, mà bên trong của mình dơ bẩn mà không biết ! Vẫn có các vị nhìn ra được chăng ? 
Mỗi lần tôi đều dùng cục phấn nhỏ biên trên bảng đen. 
Tại sao ? Vì trên thế giới này vật gì còn có thể dùng được thì dùng nó, đừng phí bỏ, chẳng phải tôi bỏ không được một chút phấn viết, mà vì nó còn dùng được, thì không nên bỏ đi. Vật có thể dùng mà chúng ta không dùng, vứt bỏ nó, đó gọi là lãng phí vật chất. 

Vật chất trên thế giới đã sớm chẳng còn nữa, chúng ta không biết tiết kiệm, thì tương lai sẽ rất nguy hiểm, tuy nhiên chỉ là một chút phấn viết, tôi cũng không muốn lãng phí nó. 

Ðây là tông chỉ của tôi. Có người nói sư phụ Ngài quá hẹp hòi, tôi quyết không học với Ngài. Năm nay khoảng tháng giêng tôi cho các bạn xem qua một cái khăn giấy mà tôi đã dùng qua bốn ngày vẫn chưa dùng xong ! 
Bạn nói trên thế giới vẫn có người cô hàn như thế. Không chỉ thế, mà vật gì tôi cũng không lãng phí. 
Tuy nhiên đây chẳng phải là việc lớn, tôi hy vọng các vị chú ý một chút, đừng lãng phí tài nguyên của thế giới.

Trích dẫn : Sách CHÚ LĂNG NGHIÊM KỆ VÀ GIẢNG NGHĨA (HT TUYÊN HOÁ - Thích Minh Định dịch )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét