Thứ Năm, 1 tháng 8, 2024

CHÚ LĂNG NGHIÊM - Ý NGHĨA CÂU 185-186


CHÚ LĂNG NGHIÊM SHURANGAMA MANTRA #chúlăngnghiêm #chulangnghiem #lăngnghiêm #kinhlăngnghiêm #shurangamamantra #shurangama #buddha

🔔 
185. Sa tì la sám. 

Kệ: 

Cầu chứng sám hối thân khẩu ý 
Tam nghiệp thanh tịnh vô hà tỳ 
Trì giới tinh nghiêm như mãn nguyệt 
Sát na cảm ứng siêu Thập địa. 

Tạm Dịch: 

Cầu chứng sám hối thân miệng ý 
Ba nghiệp thanh tịnh không lầm lỗi 
Trì giới tinh nghiêm như trăng tròn 
Khoảnh khắc cảm ứng lên Thập địa. 

Giảng giải: 

Sa Tì La Sám tức là "tổng kết lại Chú đã nói ở trên", đến đây tổng kết lại, tổng kết cầu chứng minh. 

Cho nên nói: “Cầu chứng sám hối thân miệng ý”. Bất cứ tu diệu pháp gì, nếu thân miệng ý ba nghiệp, không thanh tịnh thì sẽ không thành tựu. 

Nghĩa là Chú Ðại Bi dù có linh cảm nhất, bạn tu cũng không linh. Tại sao ? 
Vì thân miệng ý không thanh tịnh. Cho nên phải sám hối, khiến cho thân không có sát sinh, trộm cắp, tà dâm, cho đến trong ý niệm của bạn cũng không có niệm sát sinh, niệm trộm cắp, niệm dâm dục. 

Miệng cũng không nói lời sát sinh, lời dạy người ăn cắp, lời dạy người gian dâm. Phải đem thân miệng ý sám hối hối cho thanh tịnh. 

“Ba nghiệp thanh tịnh không lỗi lầm”. Thanh tịnh là gì ? Tức là một niệm cũng chẳng có. Thân không phạm sát sinh, trộm cắp, tà dâm. Miệng không có ác miệng, nói dối, hai lưỡi, thêu dệt. 

Ác miệng tức là mắng người, nói dối tức là nói lời giả, hai lưỡi tức là làm cho ly gián, thêu dệt là những lời không thanh tịnh, nhiễm ô, không hợp lý, lời vô nghĩa. 

Trong tâm tham sân si cũng chẳng có. Ðó gọi là ba nghiệp thanh tịnh không lỗi lầm. Giống như ngọc không có vết, một chút mao bệnh cũng chẳng có. 

“Trì giới tinh nghiêm như trăng tròn”. Tinh nghiêm là gì ? Tinh là vi tế nhất, lỗi lầm nhỏ nhất cũng không phạm. 

Nghiêm là đặc biệt chú ý, tơ hào cũng không phạm. Bạn không tu hành mà kêu người khác tu, thì người cũng chẳng tu. Mình không dụng công, không giữ giới, sẽ ảnh hưởng đến người khác cũng phạm giới. Ðó là chỗ trì giới không tinh nghiêm. 

Trì giới phải tinh nghiêm như vầng trăng tròn, tròn đầy không khuyết. Bây giờ mình không tu hành, đọa lạc, cũng lôi kéo người khác đọa lạc. 

Như vậy thì không những không có trăng mà hình ảnh mặt trăng cũng chẳng có ! 

Nếu trì giới thanh tịnh như trăng tròn thì lúc này: “Khoảnh khắc cảm ứng lên Thập địa”. Rất nhanh, thời gian rất ngắn bèn có đại cảm ứng, đốn siêu thập địa chẳng việc gì khó. Chúng ta phải thể hội sâu xa, xuất gia đã lâu, ba năm, năm năm, mười năm, trong thời gian này phản tỉnh rằng tạo nghiệp nhiều ? 

Hay là tu hành nhiều ? Các vị phải biết ! Phàm là trong đạo tràng đều có ma. Ma này chẳng phải từ trên trời xuống, hoặc là từ dưới đất lên, mà là đến từ trong tâm của các vị. 

Trong tâm của một người không chánh đáng, không có trí huệ chân chánh, chuyên làm việc ngu si, gây phiền não cho người khác, nhiễu loạn người khác tu hành, đó đều gọi là ma. Ma này ở tại trong người mà không nhận thức, khắp các nơi đều có. 

Ví như trong đạo tràng, như đi nghe pháp, ngồi tại đó đều ngồi không yên, đứng không ổn, tay cũng phải động đậy, chân cũng phải động đậy, đầu cũng lúc lắc. 

Ngồi nghe pháp đều cảm thấy không thoải mái, hơn nữa trong tâm đều nổi giận. Ðó là nghiệp chướng, đức hạnh của mình không đủ, cho nên nghe pháp vô minh cũng đến, thần ngủ cũng đến. 

Tóm lại tâm cầu pháp một chút cũng chẳng có, miễn cưỡng đến nghe pháp, tức là tồn một thứ tư tưởng cống cao ngã mạn. 

Cho rằng tôi giảng hay hơn bạn, tại sao phải nghe bạn nói pháp. Có thứ tư tưởng này còn tu được pháp gì nữa ? Bị nghiệp chướng của mình che lấp hoàn toàn ! 

Thứ người này nghiệp chướng nặng nề cho nên đối với Kinh điển đại thừa không thể vào được, bất cứ nói thế nào họ cũng không hiểu. 


🔔 186. Khuất phạm đô. 

Kệ: 

Chư Phật Thế Tôn đại từ bi 
Phương tiện quyền xảo độ luân hồi 
Xả tà quy chánh hằng tinh tấn 
Thuỷ tri lai giả chi khả truy. 

Tạm Dịch: 

Chư Phật Thế Tôn đại từ bi 
Phương tiện quyền xảo độ luân hồi 
Bỏ tà về chánh luôn tinh tấn 
Ăn năn lỗi xưa làm người mới. 

Giảng giải: 

Khuất Phạm Ðô dịch là "Phật", "Như Lai" hoặc "Thế Tôn". 
Cho nên nói: “Chư Phật Thế Tôn đại từ bi”. Phật là từ bi nhất, không nhớ lỗi lầm của chúng sinh. Bạn có tội lỗi gì, Ngài đều tha thứ cho bạn, chỉ cần bạn sửa lỗi thì được. 

“Phương tiện quyền xảo độ luân hồi”. Phật dùng đủ thứ phương tiện, đủ thứ quyền xảo pháp môn độ chúng sinh. Bạn thích ăn ngọt thì cho bạn ăn một chút đường, bạn thích ăn cay thì cho bạn ăn một chút ớt. 

Chua ngọt đắng cay mặn, bạn thích gì thì cho bạn thứ đó, khiến cho trong tâm của bạn vui vẻ, sau đó mới nói Phật pháp cho bạn nghe, khiến cho bạn hiểu rõ thế gian là vô thường. 

“Bỏ tà quy chánh hằng tinh tấn”. Chúng sinh vốn chẳng muốn giữ quy cụ, tà tri tà kiến. Bây giờ minh bạch rồi thì bỏ tà về chánh. Luôn tinh tấn tức là thường tu hành, thường tinh tấn. 

“Ăn năn lỗi xưa làm người mới”. Mới biết dĩ vãng là đi sai, bây giờ phải luôn tinh tấn, tương lai còn có thể thành tựu, còn có thể tu thành Phật.

Trích dẫn : Sách CHÚ LĂNG NGHIÊM KỆ VÀ GIẢNG NGHĨA (HT TUYÊN HOÁ - Thích Minh Định dịch )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét