Thứ Ba, 16 tháng 7, 2024

CHÚ LĂNG NGHIÊM - Ý NGHĨA CÂU 1-2



CHÚ LĂNG NGHIÊM SHURANGAMA MANTRA #chúlăngnghiêm #chulangnghiem #lăngnghiêm #kinhlăngnghiêm #shurangamamantra #shurangama #buddha

🔔 01. Nam mô tát đát tha.

Thích: Nam Mô hoặc là Na Mô, Nam Ma, dịch là: "quy mạng" hoặc là "tin theo", "kính y", "quy lễ", "độ ngã". Tát Ðát Tha tức là "Tát lý phược". Phạn âm là "Xa thiết" dịch là "tất cả khắp cùng mười phương hư không pháp giới".

Kệ:

Quy mạng kính đầu nghĩa Nam Mô

Tam nghiệp thanh tịnh Tát Đát Tha
Phiền não bồ đề duy tâm hiện
Mê thời phàm phu giác Phật Đà.


Tạm Dịch:

Quy mạng kính lễ nghĩa Nam Mô
Ba nghiệp thanh tịnh Tát Ðát Tha
Phiền não bồ đề do tâm hiện
Mê thì phàm phu giác là Phật.

Giảng giải:

Niệm Chú thì trước hết niệm “Khể thủ quang minh đại Phật đảnh, Như Lai vạn hạnh Thủ Lăng Nghiêm, nếu người chí tâm thường trì tụng, tấtcả sở cầu đều viên mãn”. 
Nam Mô nghĩa là cung kính, cũng có nghĩa là tin tưởng nhất, không có tơ hào hoài nghi. 
Cho nên nói là quy mạng kính lễ. Ðem thân tâm tính mạng đều quy y theo Phật, tức cũng là tín ngưỡng Phật không có điều kiện, biết Phật sẽ độ mình, cho nên nói “Quy mạng kính lễ nghĩa Nam Mô”. Nam Mô là tiếng Phạn nghĩa là quy mạng kính lễ, tức cũng tin theo, kính lễ.

“Ba nghiệp thanh tịnh Tát Ðát Tha”. Tát Ðát Tha là tiếng Phạn, dịch là "tất cả". Tất cả này là bao quát thân miệng ý. Thân không phạm sát sinh, trộm cắp, tà dâm. Miệng không phạm nói dối, nói lời thêu dệt, nói hai lưỡi, chưởi mắng. Tâm thì không tham sân si. Thân miệng ý đều thanh tịnh cho nên gọi là Tát Ðát Tha.

“Phiền não bồ đề do tâm hiện”. Phiền não và bồ đề như hai mặt bàn tay. Mặt này là phiền não, chuyển qua tức là bồ đề. Ði trên con đường sáng tức là bồ đề, đi trên con đường tối tăm tức phiền não. 
Cho nên nói duy tâm sở hiện. Cũng giống như băng và nước, nước không thể là băng, mà băng không phải nước, nước cũng không phải băng. Nhưng băng là từ nước mà thành, nuớc cũng do băng mà thành. Cả hai tương nhân tương tập hổ tương vay mượn, lạnh thì nước biến thành băng, nóng thì băng tan thành nước.

Cũng vậy nếu hướng trên con đường sáng mà đi thì phiền não biến thành bồ đề, nếu hướng về con đường đen tối mà đi thì bồ đề cũng biến thành phiền não. Cũng như đạo lý nước và băng, xem bạn làm như thế nào.


“Mê thì phàm phu giác là Phật”. Mê thì là phàm phu, giác tức là Phật. Phật là từ chúng sinh mà thành, chẳng phải bổn lai là Phật. Chúng sinh đều có Phật tánh, bổn lai là Phật, chỉ vì mê cho nên gọi là chúng sinh, nếu giác ngộ thì liền thành Phật. 

Thiên đường, địa ngục do một tâm niệm, một niệm giác thì địa ngục liền biến thành thiên đàng, một niệm mê thì thiên đàng liền biến thành địa ngục. Cho nên giác mê tại một tâm niệm. Một niệm giác thì chúng sinh là Phật, một niệm mê thì bạn có thể thành Phật cũng còn là Chúng sinh.

Giác là gì ?
Tức là có đại trí huệ không hồ đồ.
Mê là gì ? Tức là người đại ngu si. 
Chỗ này mọi người phải chú ý.

🔔 02. Tô già đa gia.

Kệ: 

Vô lai vô khứ kính trung hoa
Phi không phi sắc thuỷ nguyệt tà
Ly trần tuyệt tướng hữu hà trụ
Đầu thượng an đầu Diễn Nhã Đạt


Tạm Dịch:

Không đến không đi hoa trong gương
Chẳng không chẳng sắc trăng dưới nước
Lìa trần bặc tướng có gì chấp ?
Ðầu lại thêm đầu Diễn Nhã Ðạt.

Giảng giải:

Tô Già Ða Gia là "Như Lai".

Sao gọi là Như Lai ? Vì không có chỗ đến, cũng không có chỗ đi, giống như đến nhưng cũng giống như không đến. Cho nên nói “Không đến không đi hoa trong gương”. Cũng không từ đâu đến, cũng không có chỗ để đi. Giống như hoa trong gương.
Bạn nói hoa trong gương từ đâu đến, lại đi về đâu ?

“Chẳng không chẳng sắc trăng dưới nước”. Cũng chẳng phải không cũng chẳng phải sắc, giống như trăng dưới nước không chân thật, chỉ là ảnh chiếu trong nước.

“Lìa trần bặc tướng có gì chấp ?” Nên rời khỏi hết thảy mọi sự nhiễm ô. Trần tức là nhiễm ô, “tuyệt sắc” thì không có chấp trước một hình tướng nào, có gì để chấp trước ?
Chấp trước gì cũng chẳng có. Vô tướng còn có gì để chấp trước?

“Ðầu lại thêm đầu Diễn Nhã Ðạt”. Ðừng học theo Diễn Nhã Ðạt Ða.
Diễn Nhã Ðạt Ða sáng dậy đi soi gương có một cái đầu, nói mình sao chẳng có đầu, liền chạy ra đường hỏi mọi người rằng: “Bạn thấy cái đầu của tôi chăng ?”. Mọi người cũng không hiểu ông ta nói gì.
Nếu bạn đầu lại thêm đầu thì giống như Diễn Nhã Ðạt Ða, đừng điên đảo si cuồng như thế.

Trích dẫn : Sách CHÚ LĂNG NGHIÊM KỆ VÀ GIẢNG NGHĨA (HT TUYÊN HOÁ - Thích Minh Định dịch )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét