Thứ Năm, 18 tháng 7, 2024

CHÚ LĂNG NGHIÊM - Ý NGHĨA CÂU 29-30



CHÚ LĂNG NGHIÊM SHURANGAMA MANTRA #chúlăngnghiêm #chulangnghiem #lăngnghiêm #kinhlăngnghiêm #shurangamamantra #shurangama #buddha

🔔 
29. Nam mô nhân đà la gia. 

Kệ: 

Thiên chủ chân thần Nhân Ưà La 
Vi thật thí quyền đại Bồ Tát 
Tích thiện tu phước hành lục độ 
Thích Phạm Thánh chúng tôn trọng tha. 

Tạm Dịch: 

Thiên chúa chân thần Nhân Ðà La 
Chân thực thí quyền đại Bồ Tát 
Tích thiện tu phước hành lục độ 
Thích Phạm Thánh chúng đều tôn trọng. 

Giảng giải: 

Câu này là nói chúng ta phải "quy y thiên chủ" (chủ chư thiên), nhân gian thì có nhân chủ (chúa loài người), đất đai thì có địa chủ (chúa cai quản đất đai). 

Thiên địa nhân đều có chủ, địa chủ tức là địa chủ công (thần thổ địa). 
Tại Trung Quốc tỉnh Quảng Ðông có phong tục là mỗi nhà đều cúng thổ địa, và có thần xã tắc, thổ địa thành hoàng, thổ địa là dương trong âm, quản đất đai tức là quản việc âm gian, âm gian tức là thế giới của loài quỷ, dương gian là thế giới của loài người. 

Thế giới của loài quỷ thuộc âm, nhưng thần thổ địa quản loài quỷ là dương trong âm, thần thổ địa như là huyện trưởng, thành hoàng như là tỉnh trưởng, đất có địa chúa, người cũng có nhân chúa tức là làm quan. 

Người là nửa âm nửa dương cho nên làm quan cũng là nửa âm nửa dương hoặc có thể nói là âm trong dương. Vì có những sự tham quan ô sử, không lo cho bá tánh, làm những việc xấu ác, bổn lai là nửa âm nửa dương nhưng hoàn toàn biến thành âm. Ðây là nói chủ nhân gian tức là hoàng đế. 

Ðịa chủ là vì quá khứ y làm việc thiện. 
Nhân chủ là do mọi người ủng hộ y làm hoàng đế, hoặc làm tổng thống. 

Chủ cõi trời làm thế nào để làm được ? 
Không phải là do tuyển chọn mà là do nghiệp cảm quả báo sở hiện. Trong vô lượng kiếp trong quá khứ có một người nữ đi các nơi giúp người làm việc, một ngày nọ cô ta thấy trong ngôi chùa cổ có tượng Phật bằng vàng cũ kỹ tróc sơn, chùa cũng hư hại dột nát. 
Trong tâm không đành làm ngơ bèn đi tìm người phụ giúp, tìm được ba mươi hai người nữ cùng đi các nơi hóa duyên để sửa chùa lại. 
Người nữ này làm chủ công đức đề xướng sửa chùa, sơn tượng lại trang hoàng đẹp đẽ. 

Do công đức này sở cảm, mạng chung được sinh lên cõi trời Ðao Lợi, do thiện nghiệp sở cảm được làm thiên chủ, tức là phần đông thường nói là chân thần. 
Chung quanh trời Ðao Lợi, đông tây nam bắc mỗi hướng có tám cõi trời cộng thành ba mươi hai với chính giữa cộng thành ba mươi ba ! 

Thiên chủ cõi trời Tam Thập Tam là tiền thân của người nữ ấy, tức cũng là chân thần, thượng đế, chủ tể vạn vật mà Gia Tô Giáo, Thiên Chúa Giáo sùng bái. Vì y làm thiên chủ cõi trời và cai quản nhân gian. 

Nhân Ðà La dịch là "tôn trọng", vì trời người đều tôn trọng. Cho nên tạo chùa, tạo tượng đều có công đức. 
Hai mươi chín câu Chú này là xua đuổi thiên ma quỷ quái. Tuy là thế nhưng bạn phải tu hành, có đạo đức thì tụng trì Chú này mới linh nghiệm. 
Nếu bạn không tu hành, không có đạo đức thì tụng Chú gì cũng không linh. 
Vì bạn không tu hành, không có đức hạnh, tất cả chúng thần không nghe Chú của bạn, không nghe bạn chiêu hô, không y giáo phụng hành. 

Vạn Phật Thành trước đây mấy năm cũng tụng hai mươi chín câu Chú này để thanh tịnh pháp giới, thanh tịnh chu vi đạo tràng mấy trăm mẫu. Lúc đó tôi kêu các bạn tụng, nhưng các bạn không biết nguyên nhân, bất quá tụng Chú không cần biết Chú có oai lực gì, biết rồi ngược lại tâm không chuyên nhất, không biết mới là diệu, biết rồi thì không diệu nữa. Diệu tức là không thể nghĩ bàn, có thể nghĩ thì không diệu. 

Cho nên tại sao không giải thích Chú cũng là vì bảo trì sự diệu này, nếu bạn biết rồi thì không còn diệu nữa. Bạn tụng Chú thì biết oai lực của Chú không thể nghĩ bàn, cũng giống như ăn cơm, chúng ta biết nó có công năng. 

Công năng này tức là làm cho chúng ta không đói, không cần biết ngon hay dở, tiêu hay không tiêu, mặc y phục cũng như thế, tụng Chú cũng như thế. 

Nhân Ðà La này là Trời Ðế Thích, một danh hiệu trong 108 danh hiệu. 

Trong Kinh Di Ðà xưng là Thích Ðề Hoàn Nhân. Thích dịch là "năng", Ðề Hoàn dịch là "Thiên" (trời), Nhân tức là Nhân Ðà La Gia dịch là "chủ" (chúa), tức là năng thiên chủ, có khả năng làm chủ cõi trời. 

Thiên Chúa Giáo đồ nghe đoạn này rồi, sẽ nói chúng ta tin Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa này. 
Vậy Thiên Chúa nào ? Nếu không phải là Thiên Chúa này, chẳng lẽ có hai Thiên Chúa, tôi đây có một Thiên Chúa, bạn đó cũng có một Thiên Chúa, trong đó có một Thiên Chúa thật, một Thiên Chúa giả ! Cứu kính cái nào là thật ? Bạn muốn bạn là Thiên Chúa thật, tôi muốn tôi là thật Thiên Chúa. 

Vậy có gì thật giả, bạn cũng không thấy qua Thiên Chúa, tôi cũng không thấy qua Thiên Chúa. Thiên Chúa thật hay giả không cần bình luận. Nếu y không phải thật, bạn nói là thật cũng không thể làm cho y trở thành thật. Nếu y không phải giả, bạn nói y là giả, cũng không thể làm y trở thành giả, con người tùy tiện dùng tư tưởng ngôn ngữ để hình dung Thiên Chúa, cứu kính có thể biết sự thật về Thiên Chúa chăng ? 

Bạn nói Thiên Chúa giáo đồ Thích Ðề Hoàn Nhơn là Thiên Chúa, họ nói không phải, vì Thiên Chúa của họ là vạn năng. Sao bạn biết Thích Ðề Hoàn Nhơn này không phải là vạn năng, vô sở bất năng ! 

Ðây là tướng điên đảo của chúng sinh, tin Phật thì nói giúp cho Phật, tin Thiên Chúa thì nói giúp cho Thiên Chúa, tôi là thật, là chánh, còn bạn thì giả, không thật, sự chấp trước của chúng sinh là như thế. 

Cho nên Thiên Chúa, chân thần, thật ra là Nhân Ðà La, Nhân Ðà La là Chúa, Chúa tức là Chúa, còn có gì thật với giả. “Chân thật thí quyền đại Bồ Tát”, Thiên Chúa cũng hành Bồ Tát đạo. Y là Phật Pháp chân thật lại hành quyền pháp, dạy bạn tin Thiên Chúa, tin Gia Tô, tin thần thổ địa, tin Ngọc Hoàng. 

Ðây chỉ là đến dẫn dụ bạn hướng từng bước từng bước đi trên đại lộ, đây gọi là chân thật thí quyền, vì chân thật, trước hết cho bạn một phương pháp quyền xảo phương tiện, dạy bạn tu hành, đây là đại Bồ Tát. 

Thiên Chúa trong quá khứ cũng đã từng tích thiện tu phước hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, lục độ. “Thích phạm Thánh Chúng đều kính trọng “hết thảy chư thiên, đại phạm thiên vương đều rất khách sáo đối với Thiên Chúa. 

Mọi người đừng tin Thiên Chúa liền mê Thiên Chúa, tin Phật liền mê Phật, vì Thiên Chúa, vì Phật mà tranh chấp kiện tụng. 


30. Nam mô bà già bà đế. 

Kệ: 

Đa hàm bất phiên Bạt Già Phạm 
Tự tại sí mãnh diệu đoan nghiêm 
Danh xưng phổ văn cát tường xứ 
Tôn quý nhân thiên đồng chiêm ngưỡng. 

Tạm Dịch: 

Nhiều nghĩa không dịch Bạt Già Phạm 
Tự tại sí thạnh diệu đoan nghiêm 
Nghe đến danh hiệu được cát tường 
Trời người tôn quý cùng chiêm ngưỡng. 

Giảng giải: 

Bà Già Bà Ðế dịch là "Bạt Già Phạm". 
Bà Già Bà Ðế và Bạt Già Phạm là tiếng Phạn có sáu nghĩa: 
1. Tự tại 
2. Sí thạnh 
3. Ðoan nghiêm 
4. Danh xưng 
5. Cát tường 
6. Tôn quý. 

Vì có sáu nghĩa này, cho nên Bạt Già Phạm trong Kinh văn hoặc trong Chú không phiên dịch. 

Ðây gọi là "đa hàm không dịch", là một trong năm loại không dịch. 

Tự tại là gì ? Tức là vô tại vô bất tại. Phật thì vô tại vô bất tại. 

Bạt Già Phạm là một danh hiệu của đức Phật. 

Sí thạnh là hình dung oai đức của Phật, rực sáng như lửa. 

Ðoan là đoan chánh. 

Nghiêm là oai nghiêm, đây là Phật có 32 tướng, 80 vẻ đẹp, rất đoan nghiêm. 

Danh xưng của Phật nghe khắp, cho nên chúng sinh đều biết. Bất cứ ai gặp được Phật đều đắc được cát tường, tùy tâm mãn nguyện, cát tường như ý. 

Tôn quý là nói mười tướng tốt của Phật, là trời người đều tôn quý trong tam giới cho nên nói “Nhiều nghĩa không dịch Bạt Già Phạm - Tự tại sí thạnh diệu đoan nghiêm”. 

Ngài rất tự tại sí thạnh đoan nghiêm. 

“Nghe đến danh hiệu được cát tường”. Bất cứ ai nghe đến danh hiệu của Phật đều đắc được cát tường, nơi nơi đều cát tường. 

“Trời người tôn quý đồng chiêm ngưỡng”. Trời người đều cung kính Ngài, chiêm ngưỡng Ngài, Phật giống như mặt trời.

Trích dẫn : Sách CHÚ LĂNG NGHIÊM KỆ VÀ GIẢNG NGHĨA (HT TUYÊN HOÁ - Thích Minh Định dịch )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét