Thứ Tư, 24 tháng 7, 2024

CHÚ LĂNG NGHIÊM - Ý NGHĨA CÂU 97-98


 CHÚ LĂNG NGHIÊM SHURANGAMA MANTRA #chúlăngnghiêm #chulangnghiem #lăngnghiêm #kinhlăngnghiêm #shurangamamantra #shurangama #buddha


🔔 
97. Bát la đế. 

Kệ: 

Tảo đăng bỉ ngạn nễ ngã tha 
Nhất thiết chúng sinh đáo chân gia 
Phản bổn hoàn nguyên hoạch cứu kính 
Tiêu dao tự tại lạc vô nhai. 

Tạm Dịch: 

Tất cả sớm lên được bờ kia 
Hết thảy chúng sinh đến nhà thật 
Trở về nguồn cội được rốt ráo 
Tiêu dao tự tại sướng vô ngần. 

Giảng giải: 

Bát La Ðế tức là "Ba la mật đa", dịch là "đáo bỉ ngạn" nghĩa là đến bờ kia. 

Bờ kia là bờ như thế nào ? 
Bờ kia tức là Niết bàn, tự tại, khoái lạc, bờ này tức là vô minh, phiền não, không tự tại. 

Chúng ta ở bờ sinh tử bên này qua dòng phiền não, đạt đến bờ Niết Bàn bên kia. 

“Tất cả sớm lên được bờ kia”. Tất cả chúng sinh, bạn tôi và họ tức là mọi người đều bao quát trong đó. 

“Hết thảy chúng sinh đến nhà thật”. Nhà của chúng ta bây giờ không phải là nhà thật. Thân thể này chỉ là nhà trọ. 
Chúng ta ở tại thế giới này cũng giống như đến các nơi du lịch, đi đến đâu thì ở trọ nơi đó. 

Thân thể cũng như nhà trọ, nhà trọ này chẳng phải là chỗ rốt ráo, chỉ là ở nhờ tạm thời cho nên nói: Thân người ví như một căn phòng, miệng là cửa lớn, mắt là cửa sổ, tứ chi ví như bốn cột trụ, tóc ví như cỏ tranh làm mái, muốn phòng được tốt bền thì phải thường xuyên tu bổ, đừng đợi đến lúc hư hoại mới tu bổ thì quá muộn. 
Cỏ tranh tức dùng làm lều, cốc để người tu đạo ở tu. 

“Tất cả chúng sanh đến nhà thật”. Nhà thật tức nhà Phật, đó là nhà chân chánh vốn có. Nhà chân chánh thì không có phiền não, mà là khoái lạc chân thật. 

“Trở về nguồn cội được rốt ráo”. Chúng ta phải nhận thức bộ mặt thật của mình, sinh từ đâu đến ? Và chết sẽ đi về đâu ? Sinh tử đều minh bạch. 

Nguyên lai là ta đến du hành thế giới này, nhà chân thật chẳng phải tại đây. Tại thế giới này không bị tình lôi kéo thì cũng bị vật chất cám dỗ, cái này buông xả chẳng đặng, cái kia cũng không buông xả không được, đều bị dính chặt cứng. 

Nếu “Trở về nguồn cội được rốt ráo”, thì sẽ “Tiêu dao tự tại sướng vô ngần”. Ai cũng muốn tiêu dao tự tại, chỉ vì vào không được cửa của nó, đều lẩn quẩn bên ngoài. 

Nếu Trở về nguồn cội, thì sẽ tiêu dao tự tại sướng vô ngần, bạn thấy thích chăng ! Thì mọi người hãy mau mau tu hành ! Sớm chấm dứt sanh tử, đoạn sạch phiền não, thì đạt được Niết bàn bờ bên kia. Chớ đừng trôi nổi trong biển sinh tử, không ra khỏi được. 


🔔 98. Dương kì la. 

Kệ: 

Xuy đại pháp loa kích pháp cổ 
Thôi phục oán ma ly bệnh khổ 
Phổ sử hữu tình đăng giác ngạn 
Vi Đà thường cử kim cang chử. 

Tạm Dịch: 

Thổi pháp loa lớn đánh trống pháp 
Hàng phục oán ma dứt bệnh khổ 
Ðộ các hữu tình lên bờ giác 
Vi Ðà thường cầm chày Kim Cang. 

Giảng giải: 

Dương Kì La dịch là "pháp loa", cũng giống như "bảo loa thủ" trong Bốn Mươi Hai Thủ Nhãn. 

Một khi thổi pháp loa thì thiên ma ngoại đạo nghe thấy âm thanh pháp loa đều bị hàng phục, đều cung kính nghe theo pháp lệnh. 

Cho nên nói: 
“Thổi pháp loa lớn đánh trống pháp”. Ðánh trống pháp tức cũng là giảng Kinh thuyết pháp, thụ đại pháp tràng. 
Khi pháp loa vang ra tiếng thì tất cả oán ma đều bị điều phục, cho nên nói: "Hàng phục oán ma dứt bệnh khổ”. 
Oán ma gọi là gì ? Oán ma tức là có cừu oán. 

Bạn tu hành, cứ tu pháp hàng ma, làm cho ma đều đầu hàng, đương thời chúng không có pháp lực lớn như bạn, cho nên nghe pháp lệnh của bạn, nhưng trong tâm có khí oán độc. 

Khí oán độc này, khi phát tác thì chúng sẽ gây ra tai nạn hại bạn, khiến cho bạn sinh ra đủ thứ quái bệnh. 

Một khi bạn thổi pháp loa thì oán ma tự nhiên không oán. Cho nên chúng ta đối đãi với chúng chẳng phải áp bức, mà là khiến cho chúng cải ác hướng thiện, hồi tâm chuyển ý, muốn đến đó đây kết oán, chẳng có ý nghĩa gì hết, làm cho oán cừu đều giải khai được. 

“Khiến các hữu tình lên bờ giác”. Khiến cho hết thảy chúng sinh lìa khổ được vui, cho nên: “Biển khổ vô biên hồi đầu là bờ”. Hồi đầu đồng lên bờ bên kia giác ngộ. 

“Vi Ðà thường cầm chày Kim Cang”. Bồ Tát Vi Ðà thường thường cầm chày Kim Cang bảo hộ bạn.

Trích dẫn : Sách CHÚ LĂNG NGHIÊM KỆ VÀ GIẢNG NGHĨA (HT TUYÊN HOÁ - Thích Minh Định dịch )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét