Thứ Năm, 18 tháng 7, 2024

CHÚ LĂNG NGHIÊM - Ý NGHĨA CÂU 23-24



CHÚ LĂNG NGHIÊM SHURANGAMA MANTRA #chúlăngnghiêm #chulangnghiem #lăngnghiêm #kinhlăngnghiêm #shurangamamantra #shurangama #buddha

🔔 
23. Tỳ địa gia. 

Kệ: 

Tứ đại Thiên Vương sát thiện ác 
Thống lãnh quỷ thần nhật tuần la 
Hoạ phước vô môn nhân tự chiêu 
Nhân quả tuần hoàn mạc quái tha. 

Tạm Dịch: 

Tứ Ðại Thiên Vương xem thiện ác 
Thống lãnh quỷ thần đi tuần tra 
Họa phúc không cửa người tự chiêu 
Nhân quả tuần hoàn đừng trách ai. 

Giảng giải: 

Câu Chú này là nói về "Tứ Ðại Thiên Vương", các vị đó thường đến xem xét nhân gian, ai làm thiện, ai làm ác đều ghi vào sổ, không những chỉ Tứ Ðại Thiên Vương đến canh tuần mà các vị đó còn thống lãnh rất nhiều quỷ thần cũng đến tra xét thiện ác. 
Không những tra xét việc thiện ác có hình tướng mà vô hình trong tâm của bạn khởi một niệm ác các vị đó cũng đều biết. Bạn khởi một niệm thiện các vị đó cũng biết. 

Bạn khởi vọng tưởng ác thì thọ quả báo ác. Bạn khởi vọng tưởng thiện thì thọ quả báo thiện. 
Nhất cử nhất động các vị đó đều biết. 

“Thống lãnh quỷ thần đi tuần tra”. Các vị đó thống lãnh vô số quỷ thần, không những ban ngày đi tra xét thiện ác, mà ban đêm cũng đi canh tuần, bất cứ làm việc gì, các vị đó đều biết hết cho nên nói: “Họa phước không cửa người tự chiêu”. 
Gặp tai ương hoạn nạn hoặc được phước đều do mình chiêu đến, họa cũng không có cửa, phước cũng chẳng có cửa đều do mình chiêu đến, làm thiện được phước, làm ác chiêu họa. 

“Nhân quả tuần hoàn đừng trách ai”. Trồng nhân lành kết quả lành, trồng nhân ác kết ác quả, tơ hào không sai. 
Cho nên nhất cử nhất động, nhất ngôn nhất hạnh đều phải đặc biệt chú ý cẩn thận, đừng làm sai nhân quả, nếu làm sai nhân quả rồi đến khi thọ quả xấu thì sẽ hối hận. 
Cho nên nhân quả là tuần hoàn vô đoan, trồng nhân gì kết quả đó, đừng trách bất cứ ai, đó đều là do mình tạo, cho nên nói:"Bồ Tát sợ nhân không sợ quả, chúng sinh sợ quả không sợ nhân", trái ngược với nhau. Bồ Tát tại nhân địa thì hết sức cẩn thận, không sai nhân quả, cho nên cũng không sai quả báo. 

Chúng sinh tại nhân địa thì luôn luôn trồng nhân ác, đến khi thọ quả báo thì oán trời trách người, nói trời không công đạo, người cũng không tốt, khiến tôi thọ khổ, mà không biết quả báo đang thọ lãnh là do nhân quả trong quá khứ, cho nên nói “đừng trách ai” đừng than trời trách đất. 

Trên thế giới này nhất cử nhất động đều phải đặc biệt cẩn thận, không nên không giữ quy cụ, một khi bạn sai nhân quả rồi thì về sau sẽ phải hối hận vô cùng. 

24. Đà la ly sắt noả. 

Kệ: 

Hoá Lạc thiên cung biến hoá kỳ 
Tiêu dao tự tại thế gian hy 
Y thực toại ý thích khả chỉ 
Tức vô phiền não cánh vô bi. 

Tạm Dịch: 

Cung Trời Hóa Lạc biến hóa kỳ 
Tiêu dao tự tại thế gian hiếm 
Mọi thứ toại ý thích vừa đủ 
Tức không phiền não cũng không sầu. 

Giảng giải: 

Ðà La là "Trời Hóa Lạc". 
Ly Sắt Noả tức bao quát "Trời Quảng Quả". 

“Cung Trời Hóa Lạc biến hóa kỳ”. Sự biến hóa của Trời Hóa Lạc rất là kỳ quái. “Tiêu dao tự tại thế gian hiếm”. 
Ở đó rất khoái lạc, tiêu dao tự tại, việc gì cũng không cần làm, nghĩ y phục thì y phục đến, nghĩ cơm thì cơm đến, nghĩ cái gì có cái đó, không thể so sánh sự tiêu dao tự tại ở đây được, dù thời đại khoa học hiện nay máy điện toán gì cũng so sánh không được pháp tự tại này. 

“Mọi thứ toại ý thích vừa đủ”. Bạn cần y phục bao nhiêu thì đến bấy nhiêu, không nhiều cũng không ít, chỉ vừa đủ. Ăn cơm cũng như thế, cơm đến cũng không nhiều, cũng không ít chỉ vừa đủ bạn ăn. Cho nên nói là y thực toại ý. 

“Tức không phiền não cũng không sầu”. Trời Hóa Lạc chỉ thọ diệu lạc chứ không có phiền não, không có sự đau khổ, tuy nhiên không có phiền não ưu sầu như ở nhân gian, chỉ là khoái lạc nhưng ở đây cũng chẳng phải là nơi cứu kính, khi phước trời hưởng hết thì sẽ đọa lạc. Khi năm tướng suy hiện ra thì thọ mạng cũng hết. 

Cho nên khi phước trời hưởng hết thì vẫn còn khổ, có thể đọa địa ngục, chuyển ngạ quỷ, làm súc sinh. Vì không cứu kính cho nên trong Phật giáo không tu phước báo của cõi trời này. 

Chú Lăng Nghiêm là Chú dài nhất, còn gọi là “linh văn” vì quá linh quá diệu, diệu không thể tả. Ai niệm thì người đó có cảm ứng. 
Ai trì tụng thì người đó được Bồ Tát Kim Cang Tạng hộ trì. 
Cho nên bạn tu Chú này phải chánh tâm thành ý, tu thân, cách vật. 

Cách vật là gì ? Tức là cách trừ hết thảy vật dục, tức cũng là không có tâm tham, cách vật chí tri, chánh tâm thành ý, tu thân tức trì Chú này, thì sẽ có đại cảm ứng. 

Có người không hiểu ý nghĩa của Chú, cho nên nói Chú Lăng Nghiêm là do nhiều Chú nhỏ hợp thành, mới dài như thế, thật không bằng trẻ con. Trẻ con có nói cũng nói những lời đã nghe người lớn nói rồi mới nói, không thể sai lợi hại như thế. 

Nếu nói Chú Lăng Nghiêm là do nhiều Chú ngắn nối lại với nhau, thì những Chú ngắn đó là Chú gì ? 
Nếu bạn nói không biết, sao lại nói là do nhiều Chú ngắn hợp thành ? 
Nói thẳng đó chẳng có căn cứ, những Chú ngắn đó có tên chăng ? 
Nếu không có thì Chú này là ai nói, cho đến tên cũng không có thì còn nói Chú gì, cho nên thốt ra lời phải chịu trách nhiệm, không thể tùy tiện nói. 

Chú Lăng Nghiêm từ khi bắt đầu là quy y mười phương tận hư không biến pháp giới hết thảy chư Phật, sau đó lại quy y mười phương tận hư không biến pháp giới hết thảy chư Bồ Tát, kế đó lại quy y các bậc Thánh nhân sơ quả, nhị quả, tam quả và tứ quả A La Hán, kế tiếp lại quy y chư Thiên. 

Quy y chư Thiên này không phải phụng hành pháp của chư Thiên, chỉ là cung kính chư Thiên, bổn lai người xuất gia bất tất lễ bái ai, người xuất gia đáng thọ sự cúng dường của chư Thiên, tại sao lại phải cung kính chư Thiên, chư Thiên lễ bái bạn là vì bạn có đạo đức, có tu hành, bạn đừng nên có tâm cống cao ngã mạn nói, bạn biết không ! 

Tất cả hộ pháp chư Thiên đều cúi đầu đảnh lễ tôi, không thể sinh tâm cống cao ngã mạn như thế, phải cảm thấy chính mình chưa đủ đạo đức của mình mới viên mãn, cũng phải xem có như không thật, như hư vọng. 
Mình có đạo đức mà không chấp trước, bạn có học vấn chân thật cũng đừng tự mãn, như vậy mới là người tu đạo. Cho nên người tu hành tụng trì Chú này cũng phải cung kính chư thiên thiện thần, không những cung kính thiện thần mà ác thần cũng phải cung kính. Phải trừ khử cống cao ngã mạn của mình. 
Cho nên chỗ lợi ích của sự trì Chú Lăng Nghiêm nói cũng nói không hết. Tôi cũng không muốn nói cứu kính có diệu dụng gì, vì nếu tôi nói ra thì các bạn tụng trì lại sinh ra một thứ tâm tham, tụng trì Chú Lăng Nghiêm sẽ được diệu dụng gì. 

Như vậy thật chẳng phải muốn trì tụng Chú Lăng Nghiêm, nếu bạn thật muốn trì tụng Chú Lăng Nghiêm thì phải coi trọng Chú Lăng Nghiêm như ăn cơm, mặc quần áo, ngủ nghỉ. 

Nếu chúng ta làm như thế thì sẽ đắc được cảm ứng gì, linh nghiệm gì cũng không nghĩ đến, vì khi bạn nghĩ cũng là vọng tưởng, chưa thành công sao lại vọng tưởng, giống như em bé mới sinh ra, ngồi không thể ngồi được mà nghĩ muốn chạy, đi còn chưa được, làm sao chạy được. Tại sao em bé lại nghĩ như thế ? 
Vì không hiểu, nhưng đến khi chạy được lại nghĩ muốn bay. Bạn nói làm được chăng ? 
Vốn là việc không thể làm được sao lại phải nghĩ tưởng, lại không phải là chim, cũng không có cánh mà muốn bay. 
Vọng tưởng này thật là quá lớn, tụng trì Chú Lăng Nghiêm cũng như thế, tu hành là tu hành, đừng có tâm mong chỗ sở đắc, nói tôi nhất định phải như thế này, như bạn nói tôi nhất định không chết, đến lúc chết vẫn phải chết, không có biện pháp nào tránh khỏi cái chết. 
Cho nên ý nghĩ này chỉ là vọng tưởng, nếu bạn nhận chân tu hành, chứng quả rồi, chấm dứt sinh tử mới tính. 
Bạn muốn không chết thì không chết, mà chẳng phải cứ nghĩ tưởng, tôi không chết - tôi không chết, tôi phải giữ gìn túi da hôi thối này, giữ đi giữ lại, đến lúc còn đang nói hẹn gặp lại thì ra đi hồi nào không hay. 

Chú Lăng Nghiêm là linh Chú, mỗi một câu có hiệu lực một câu. 
Bạn bất tất nghĩ, tôi trì Chú Lăng Nghiêm sao không có hiệu nghiệm gì, ăn cơm hết đói là được, nghĩ muốn ăn một bữa cơm mà vĩnh viễn không đói là điều không thể được. 
Ðến thời bạn vẫn phải ăn nữa, tụng trì Chú Lăng Nghiêm cũng như thế, bạn tụng mỗi ngày, công không mất đi, lâu dần sẽ có công dụng của nó. 

Ông Tiêu cư sĩ ăn nhầm nấm độc, trước đó không lâu còn bướng bỉnh ra vẻ thành thạo nói người tụng Chú Lăng Nghiêm thì có hào quang, không biết y thấy ai có hào quang, y tựa có vẻ như thành thạo lắm. Nếu ông ta thật hiểu thì không thể đi ăn nấm độc. 

Tụng trì Chú Lăng Nghiêm thì có Kim Cang Tạng Bồ Tát thường theo bạn hai bên để hộ trì bạn, đây là sự thật, nhưng lúc tụng Chú thì đừng loạn khởi vọng tưởng, bằng không Bồ Tát Kim Cang Tạng nhìn thấy rằng bạn không có tiền đồ gì hết, lãng phí thời gian của tôi, Bồ Tát hộ pháp sẽ sinh ghét, nổi nóng giận, phải hết sức chú ý. 

Cho nên tụng trì Chú Lăng Nghiêm điều quan trọng nhất là nghiêm trì giới luật. 
Nếu không trì giới luật, thì tụng cách nào cũng không linh Nếu hay trì giới luật, không đố kỵ chướng ngại, không tham sân si thì tụng trì Chú Lăng Nghiêm sẽ có đại cảm ứng, đại lợi ích. 

Nói cho bạn biết tụng trì Chú Lăng Nghiêm so với buôn bán vàng bạc còn kiếm được nhiều tiền hơn, tụng một biến Chú Lăng Nghiêm thì giá trị bằng mấy vạn vạn ký vàng. 
Nhưng đừng dùng tâm tham để tụng trì. 
Tôi giảng Chú Lăng Nghiêm như vậy cũng không thể nói là không tốt, nhưng không khi nào có ai giảng như thế, giảng Chú Ðại Bi thì mỗi một câu Chú tôi làm một bài kệ bốn câu để hình dung oai lực và công dụng của Chú, song, bốn câu kệ giải thích một câu Chú cũng giải thích không hết. 
Vì diệu nghĩa của Chú vô cùng vô tận, bốn câu kệ làm sao có thể nói hết được. Chỉ nói một ít phần mà thôi, vì bốn câu kệ này rất dễ nhớ, từ cạn mà vào sâu, từ ít mà nhiều, từ gần mà xa thì dễ thâm nhập nghĩa lý của Chú. 
Bổn lai Chú không thể giảng, cũng không thể giải thích nhưng miễn cưỡng lại giảng, tức cũng như bỏ đá thì thấy ngọc. 

Do đó, bây giờ giảng Chú Lăng Nghiêm, không màng tôi giảng có ý nghĩa hay không, có đúng hay không, nhưng đó là từ trong tâm của tôi chảy ra, cũng có thể nói là như máu huyết của tôi, mồ hôi của tôi, tôi dùng chân tâm của tôi lại giảng, hy vọng các bạn nghe qua rồi minh bạch và thấu hiểu ý nghĩa chân chánh của Chú thâm sâu hơn, rộng hơn so với tôi, đó là ý của tôi. 

Cho nên nói vứt bỏ đá tìm thấy ngọc, hy vọng trí huệ của bạn sẽ hiển lộ, thâm nhập Kinh tạng, trí huệ như biển. 
Người học Phật pháp thì nên học một hiểu mười, không phải nói tôi hiểu rồi nhưng không biết áp dụng tu, phải thành thực tu hành, nếu bạn biết mà không áp dụng tu hành thì chẳng có lợi ích gì. 
Cho nên tu hành thì phải cước đạp thật địa, không thể bịt tai ăn cắp chuông. 

Mỗi câu Chú tôi làm một bài kệ bốn câu cũng có thể nói là giới thiệu trí lực của tôi, giới thiệu tâm của tôi, tôi dùng chân tâm để giảng Chú Lăng Nghiêm, hy vọng các bạn có thể minh bạch một chút.

Trích dẫn : Sách CHÚ LĂNG NGHIÊM KỆ VÀ GIẢNG NGHĨA (HT TUYÊN HOÁ - Thích Minh Định dịch )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét