Thứ Tư, 24 tháng 7, 2024

CHÚ LĂNG NGHIÊM - Ý NGHĨA CÂU 83-84



CHÚ LĂNG NGHIÊM SHURANGAMA MANTRA #chúlăngnghiêm #chulangnghiem #lăngnghiêm #kinhlăngnghiêm #shurangamamantra #shurangama #buddha

🔔 
83. Ða tha già đa gia. 

Kệ: 

Khán Phật kính Tăng bồi tín căn 
Tôn trọng đệ tử báo sư ân 
Hiếu thuận nãi thị vụ đức bổn 
Nhân thiện quả lương đạo tự sinh. 

Tạm Dịch: 

Kính Phật trọng Tăng thêm niềm tin 
Tôn trọng đệ tử báo ân sư 
Hiếu thuận mới là gốc công đức 
Nhân lành quả tốt đạo tự sinh. 

Giảng giải: 

Chúng ta không chỉ quy y Phật, còn phải quy y tất cả đại đệ tử của Phật. 

Người xuất gia là ruộng phước Tăng thanh tịnh, thanh tịnh tức không có tiền, không có vật gì hết, gì cũng không cần, tất cả đều buông xả, thậm chí vọng tưởng cũng không có. 

Tăng là người truyền Phật pháp, là người đảm đang gia nghiệp của Như Lai, khiến cho Phật giáo phát dương quang đại. Nếu muốn học Phật pháp, thì phải học với người xuất gia. 

Pháp là nhờ Tăng truyền. Do đó tin Phật thì phải cung kính đệ tử của Phật. Ðây là bồi đắp tín căn. 

Tin là nguồn đạo mẹ công đức, nhất định trước phải có tín tâm, nếu không có tín tâm thì dù Phật pháp có nói tốt như thế nào cũng không thể tiếp thọ. 

“Tôn trọng đệ tử báo ân sư”. Tôn trọng đệ tử của Phật tức là báo ân thầy, tức là báo ân Phật. 

“Hiếu thuận mới là gốc công đức”. Hiếu thuận là hiếu thuận cha mẹ, sư trưởng, đừng có ở chỗ sư phụ nói gì thì trước mặt không dám nói, nhưng khi ở chỗ khác thì nói sư phụ cứ nói người, sư phụ nóng quá. 
Sư phụ vốn không nóng giận. 

Tôi nói pháp thì chân tục đều dụng, có lúc thì nói chút chân đế, có lúc thì nói tục đế. 
Có vẻ làm người bực mình, thực ra thì không phải vậy, tôi dùng phương pháp này giáo hóa người, chỉ cần nhẫn không được bạn phải nhẫn, nhường không được bạn phải nhường. 

Bạn đi chỗ khác nói đâm thọc, nói sư phụ hôm nay nóng giận khiến cho tôi chịu không được, lời của tôi nói là vô tâm, là đối cơ thuyết pháp. Các pháp từ duyên sinh, các pháp từ duyên diệt, bạn muốn tạo nghiệp thì tạo nghiệp, muốn tu phước thì tu phước, muốn bồi tín căn thì bồi tín căn, muốn tín căn vứt đi thì vứt đi. 

“Nhân lành quả tốt đạo tự sinh”. Trồng nhân tốt thì kết quả tốt, tu đạo tự nhiên sẽ thành công. 


🔔 84. A la ha đế. 

Kệ: 

Sinh quý trụ cư Pháp Vương gia 
Tam thân tứ trí diệu quán sát 
Ngũ nhãn lục thông thành sở tác 
Đại viên cảnh chiếu bình đẳng đạt. 

Tạm Dịch: 

Sinh quý trụ ở nhà Pháp Vương 
Ba thân bốn trí diệu quán sát 
Năm nhãn sáu thông thành sở tác 
Ðại viên cảnh chiếu bình đẳng đạt. 

Giảng giải: 

A La Ha Ðế tức là "Lễ khắp ứng cúng tất cả vương tộc". 
Một câu Chú của Chú Lăng Nghiêm nếu biên tả mấy ngàn câu, mấy vạn câu, cũng nói không hết được, nhưng tâm lượng của chúng ta có hạn, trí huệ cũng chưa khai thông, hiện chỉ tả đơn giản mấy câu, lược nói ý nghĩa của Chú, chỉ nói ít phần của Chú, ứng chân tất cả vương tộc đều gọi là quý tộc. 

Trong Kinh Hoa Nghiêm Phẩm Thập Trụ có "nhất sinh quý trụ" là cảnh giới của Bồ Tát, sinh quý trụ cũng có thể nói là vương tộc, cho nên nói:”Sinh quý trụ ở nhà pháp vương”. 

Sinh trong nhà Phật chẳng phải ai ai cũng có thể sinh, phải có sự tu hành. 

“Ba thân bốn trí diệu quan sát”. Ba thân là pháp thân, báo thân, hóa thân (còn gọi là ứng thân). 

Pháp thân là thanh tịnh, biến nhứt thiết xứ. Báo thân có ba mươi hai tướng đại nhân, tám mươi vẻ đẹp. 
Hóa thân là thiên biến vạn hóa, vô cùng vô tận, một là vô lượng, vô lượng là một. 

Một chẳng phải một, chẳng phải nhiều ; nhiều chẳng phải nhiều, chẳng phải một. Một nhiều vô ngại, một nhiều không hai. Ngoại đạo nói mình là Phật. 

Nếu không có ba thân bốn trí thì không thể xưng là Phật, giả mượn chứng quả ! Bốn trí là thành sở tác trí, diệu quán sát trí, bình đẳng tánh trí, đại viên cảnh trí. 

Người cũng có thể quán sát nhưng không diệu, rất thô thiển, nhìn được vật có hình tướng mà không thể nhìn vật vô hình vô tướng. Diệu quán sát trí, có hình hay vô hình đều thông suốt vô ngại, trên biết vạn sự, dưới biết vạn vật. Trước biết vô lượng kiếp, sau biết vô lượng kiếp. 

“Năm nhãn sáu thông thành sở tác”. Phật lại có năm nhãn tức là Phật nhãn, pháp nhãn, huệ nhãn, thiên nhãn, nhục nhãn, năm nhãn có mấy bài kệ rằng: “Thiên nhãn thông phi ngại”. 

Thiên nhãn không chướng ngại, có thể thấy được quỷ thần, cũng có thể thấy nhất cử nhất động nhất ngôn nhất hạnh của chư thiên, so với máy”bế lộ điện thị” nhìn còn rõ hơn, bất tất phải mượn duyên bên ngoài, bên trong đều đầy đủ. “Nhục nhãn ngại phi thông”. 

Nhục nhãn chẳng phải nói cặp nhục nhãn của chúng ta, mà là nhục nhãn riêng ngoài.

Thiên nhãn nhìn không thấy hữu hình hữu tướng, không thấy người phàm chúng ta, nhưng mà thấy người trời. 

Nhục nhãn ngại phi thông chứ chẳng phải nói có chướng ngại nhìn không thấy vật, mà là nói nhìn những thứ có hình có tướng, cũng nhìn thấy được vô hình vô tướng, người trong phòng cũng nhìn thấy được, người ngoài phòng cũng nhìn thấy được, vách tường cũng ngăn cản không được, còn diệu hơn máy bế lộ điện thị. 

“Pháp nhãn quán tục đế”. 
Phần đông tụng Kinh thì phải mở mắt, mở Kinh ra để đọc. Nếu đắc được pháp nhãn thông, chỉ cần mở pháp nhãn thì khắp hư không biến pháp giới không có một hạt bụi nào mà chẳng phải là Tam Tạng mười hai bộ. 

“Huệ nhãn rõ chân không”. Huệ nhãn tức là mắt trí huệ, hiểu được lý chân không, đắc được pháp hỷ sung mãn chân không. 

“Phật nhãn như thiên nhựt”. Phật nhãn như ngàn mặt trời. 

“Chiếu dị thể hoàn đồng”. Chiếu những gì bất đồng mà rõ ràng bổn thể là một, Phật nhãn là viên mãn nhất, cao siêu nhất, siêu hơn bốn nhãn kia. 

Lục thông tức là thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng thông, thần túc thông, lậu tận thông, đắc được lục thông thì biến hóa được, phi hành tự tại, bạn muốn đến đâu thì không cần đi máy bay, đi xe lửa, một niệm khắp tam thiên đại thiên thế giới, tam thiên đại thiên trong một niệm, đây là thành sở tác trí làm nên. 

“Ðại viên cảnh chiếu bình đẳng đạt”. Ðại viên cảnh trí như gương soi, việc đến thì ứng, việc đi thì lặng, niệm khởi thì giác, giác tức là không. Bình đẳng đạt là gì, đạt là thông đạt, bình đẳng thông đạt, lại có thể nói là”Ðạt Ma” tức là pháp bình đẳng.

Trích dẫn : Sách CHÚ LĂNG NGHIÊM KỆ VÀ GIẢNG NGHĨA (HT TUYÊN HOÁ - Thích Minh Định dịch )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét