Thứ Tư, 24 tháng 7, 2024

CHÚ LĂNG NGHIÊM - Ý NGHĨA CÂU 91-92


CHÚ LĂNG NGHIÊM SHURANGAMA MANTRA #chúlăngnghiêm #chulangnghiem #lăngnghiêm #kinhlăngnghiêm #shurangamamantra #shurangama #buddha

🔔 
91. Ðế biều. 

Kệ: 

Câu triệu tróc nã chúng yêu ma 
Quang minh biến chiếu tử giả hoạt 
Tỳ Lô Giá Na quán đảnh chủ 
Kim Cang Thượng Sư Phật hoá Phật. 

Tạm Dịch: 

Câu triệu tróc nã chúng yêu ma 
Quang minh chiếu khắp chết sống lại 
Tỳ Lô Giá Na chủ quán đảnh 
Kim Cang Thượng Sư Phật hóa Phật. 

Giảng giải: 

Chú Lăng Ngiêm từ câu Ðế Biều này về sau một đoạn Chú là "pháp câu triệu". Phần trước có "pháp tiêu tai" và "pháp hàng phục". 

Pháp câu triệu này bao quát năm đại tâm Chú trong đó. Năm đại tâm Chú này chuyên môn phá Ma La võng, là chú thuật phá ma, là pháp phá tà ma. 

Thiên ma ngoại đạo thần thông biến hóa vô cùng. Khi bạn tụng năm đại tâm Chú này thì chú của ma đều chẳng linh, biến hóa của ma cũng không thể biến hóa được. 

Cho nên chúng liền hiện nguyên hình, lộ ra bản lai diện mục của chúng. Năm đại tâm Chú này có oai lực lớn như thế. Cho nên gọi là pháp câu triệu. 

Câu tức cũng như dùng lưỡi câu, câu nó lại, giống như câu cá lại vậy. Triệu tức là triệu (vời) lại, là ra lệnh bạn phải lại, không lại không được ! 

Ðây là sự ra lệnh cũng giống như cảnh sát có uy quyền, có thể tùy tiện bắt người. 

Câu triệu cũng là bắt chúng lại cho nên gọi là tróc nã. 

Tại sao phải giảng Chú Lăng Nghiêm ? Vì muốn biết ý nghĩa của Chú. 

Vậy một đoạn Chú có công dụng gì ? Mỗi một đoạn Chú Lăng Nghiêm đều có dụng đồ của nó. Bất quá chẳng phải một sớm một chiều thì hiểu thấu được. 

Cần phải từ chỗ này mà huân tập, cũng giống như dùng khói hương để huân tập, lâu dần thì sẽ hiểu. 

Mới học sẽ không hiểu, bất luận bạn thông minh như thế nào, có trí huệ như thế nào, có học vấn như thế nào ? Ðều không cách chi thâm nhập đươc. Tại sao ? Vì chưa dùi sâu vào, cho nên cảm thấy mới lạ trắc trở, không thuận tai. 

Câu Chú Ðế Biều này dịch là "Quang minh chiếu khắp". 
Cho nên nói:”Câu triệu tróc nã chúng yêu ma - Quang minh chiếu khắp chết sống lại”. 

Bạn muốn gặp được nhân duyên lành này, đắc được quang minh chiếu khắp này, thì người chết sẽ biến thành sống lại. Chú Lăng Nghiêm này có đại oai lực như thế. 

“Tỳ Lô Giá Na chủ quán đảnh”. Tỳ Lô Giá Na là Thanh Tịnh Pháp Thân Tỳ Lô Giá Na Phật. 

Ngài là Bộ Chủ Bộ Kim Cang Quán Ðảnh, quán đảnh khắp tất cả mọi nơi. Khi Phật muốn thành Phật, thì phải thọ lễ quán đảnh vị, thọ pháp quán đảnh rồi, mới làm Pháp Vương tử, tức là sẽ thành Phật. 

Cho nên nói: “Kim Cang Thượng Sư Phật hóa Phật”. 

Trong Phật Giáo lại gọi là Kim Cang Thượng Sư, đây là Phật hóa ra Phật để giáo hóa chúng sinh. Pháp câu triệu này các bạn không thể tùy tiện dùng, vì đức hạnh của các bạn chưa được viên mãn, không thể khống chế chính mình, không thể tùy tiện chi phối thiện thần hộ Chú. 

Thiện thần hộ Chú cũng không bội phục bạn, cho nên không những không có linh nghiệm mà hãy còn chiêu họa. 

Cho nên Chú thì không thể khinh phụng vọng dụng. 

Người trong Vạn Phật Thành không nhất định ai ai cũng đều tu hành, trong đó chỉ có một phần nào hoặc chỉ là đến tham quan, hoặc là đến đây để nghiên cứu. 

Người ở đây, không biết bạn tu hay không, điều quan trọng nhất là đừng làm cho ngưới khác thêm phiền não. 


🔔 92. Nam mô tát yết lị đa. 

Kệ: 

Nhất tâm quy lễ vãng lai thân 
Triều cận Hằng sa đại Thánh nhân 
Báo ân tăng phước tiêu tội nghiệp 
Phản bổn hoàn nguyên chiếu cổ kim. 

Tạm Dịch: 

Một lòng kính lễ ứng thân Phật 
Gần gũi vô số bậc Thánh nhân 
Báo ân tăng phước tiêu tội nghiệp 
Trở về nguồn cội chiếu cổ kim. 

Giảng giải: 

Gần gũi Phật, gần gũi Pháp, gần gũi Tăng. 

“Một lòng kính lễ ứng thân Phật”. Bất cứ đến nơi nào đều tin Phật, gần gũi Tam Bảo. 

“Gần gũi vô số bậc Thánh nhân”. Lễ bái chư Phật, Bồ Tát, A La Hán nhiều như số cát sông Hằng. 

“Báo ân tăng phước tiêu tội nghiệp”. Người tu hành phải báo ân, báo ân cha mẹ, báo ân sư trưởng, báo ân quốc gia bảo hộ. Chúng ta phải biết ai đối với chúng ta chỗ nào tốt, chúng ta đều phải báo đáp. 

Tăng phước thì bạn phải tu bố thí, làm đủ thứ công đức thì tội nghiệp sẽ tiêu trừ. 

“Trở về nguồn cội chiếu cổ kim”. Thường trở về nguồn cội thì cũng giống như Phật chiếu soi cổ kim.

Trích dẫn : Sách CHÚ LĂNG NGHIÊM KỆ VÀ GIẢNG NGHĨA (HT TUYÊN HOÁ - Thích Minh Định dịch )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét