Thứ Tư, 24 tháng 7, 2024

CHÚ LĂNG NGHIÊM - Ý NGHĨA CÂU 99-100


CHÚ LĂNG NGHIÊM SHURANGAMA MANTRA #chúlăngnghiêm #chulangnghiem #lăngnghiêm #kinhlăngnghiêm #shurangamamantra #shurangama #buddha

🔔 
99. Tát la bà. 

Kệ: 

Đại Phật tuyên vật hoá quần luân 
Nhất thiết mật bí chúng thần linh 
Hộ trì chánh pháp thường trụ thế 
Ma Ha Bát Nhã giác hữu tình. 

Tạm Dịch: 

Thế Phật tuyên dương hóa quần sinh 
Tất cả bí mật chúng thần linh 
Hộ trì chánh pháp thường trụ thế 
Bát Nhã trí huệ giác hữu tình. 

Giảng giải: 

Tát La Bà dịch là "tất cả", tất cả các thần, tất cả Kim Cang Mật Tích Hộ Pháp thiện thần. 
Những vị Hộ Pháp thiện thần này, là hàng phục thiên ma ngoại đạo, cũng là thế Phật tuyên dương Phật pháp, giáo hóa tất cả chúng sinh. 

Cho nên nói: “Thế Phật tuyên dương hóa quần sinh”. Giáo hóa tất cả quần sinh. 

“Tất cả bí mật chúng thần linh”. Tất cả Kim Cang Mật Tích, Hộ Pháp thần linh. 

“Hộ trì chánh pháp thường trụ thế”. Bảo hộ chánh pháp thường trụ ở thế gian. 

“Bát Nhã trí huệ giác hữu tình”. Dùng đại trí huệ để giáo hóa tất cả chúng sinh, giác ngộ tất cả hữu tình chúng sinh, khiến họ đồng lên bờ kia, đắc được vô thượng chánh đẳng chánh giác. 


🔔 100. Bộ đa yết la ha. 

Kệ: 

Đại thừa Phật đảnh chủng tánh căn 
Quảng độ hàm thức xuất khổ luân 
Hư không hữu tận nguyện vô tận 
Đồng đăng bỉ ngạn Bát Nhã thâm. 

Tạm Dịch: 

Trồng căn tánh đại thừa Phật đảnh 
Rộng độ hàm thức thoát biển khổ 
Hư không hữu tận nguyện vô tận 
Ðồng lên bờ kia trí Bát Nhã. 

Giảng giải: 

Bộ Ða là "đại Phật đảnh". 
Yết La Ha là "chủng tính căn". 

Cho nên nói: “Trồng căn tánh đại thừa Phật đảnh”. 
Ðây là đại thừa, chẳng phải là tiểu thừa. Pháp này là tối cao vô thượng, cho nên gọi là Phật đảnh. 

Chủng tính căn cũng là căn cơ đại thừa chủng tính. 

“Rộng độ hàm thức thoát biển khổ”. Ðại thừa là gì ? Ðại thừa tức là xả mình vì người, quên mất chính mình để rộng độ tất cả. Hàm thức tức là chúng sinh có huyết có khí, làm cho họ thoát khỏi biển khổ trầm luân. 

“Hư không hữu tận nguyện vô tận”. Nguyện của người đại thừa phát ra là hư không có thể có bờ mé, chứ nguyện lực thì không bờ mé, hư không có thể không còn, nhưng nguyện lực giáo hóa chúng sinh thì không có lúc nào cùng tận. 

“Ðồng lên bờ kia trí Bát Nhã”. Nguyện cho hết thảy chúng sinh đồng lên bờ Niết Bàn bên kia, đắc được thâm Bát Nhã, đắc được trí huệ Bát Nhã rốt ráo.

Trích dẫn : Sách CHÚ LĂNG NGHIÊM KỆ VÀ GIẢNG NGHĨA (HT TUYÊN HOÁ - Thích Minh Định dịch )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét