Thứ Năm, 25 tháng 7, 2024

CHÚ LĂNG NGHIÊM - Ý NGHĨA CÂU 109-110



CHÚ LĂNG NGHIÊM SHURANGAMA MANTRA
 #chúlăngnghiêm #chulangnghiem #lăngnghiêm #kinhlăngnghiêm #shurangamamantra #shurangama #buddha

🔔 
109. Tát la bà. 

Kệ: 

Giải oan thích oán khánh hoà bình 
Chiến tranh vĩnh tức hoá khang ninh 
Nhất thiết cấm phược giai tiêu tán 
Ngũ đại tâm Chú diệu vô cùng. 

Tạm Dịch: 

Giải oan cởi oán vui hòa bình 
Chiến tranh vĩnh diệt hóa khang ninh 
Hết thảy buộc ràng đều tiêu tán 
Năm đại tâm Chú diệu vô cùng. 

Giảng giải: 

Tát La Bà tức là "giải khai phóng thích tất cả mọi ràng buộc". 
Ràng buộc tức là bị người dùng chú để khống chế, hoặc là trúng tà, hoặc là trúng đủ thứ pháp thuật như độc trùng, bùa ngải. 

Năm đại tâm Chú này đều có thể phá những thứ tà thuật đó. Tát La Bà là giải khai phóng thích tất cả ràng buộc, cho nên nói: “Giải oan cởi oán vui hòa bình”. Mọi người không chiến tranh. 

“Chiến tranh vĩnh diệt hóa khang ninh”. Chiến tranh cũng chẳng có, đó đây đều không đấu tranh, đó đây đều kiện khang, rất yên ổn. “Tất cả buộc ràng đều tiêu tán”. Kẻ khác gây cho bạn những tai nạn gì cũng chẳng có, đều tiêu tán hết. 

“Năm đại tâm Chú diệu vô cùng” từ “Sất Ðà Nễ đến Ninh Yết Lị”, năm đại tâm Chú này ảo diệu vô cùng, dù có nói nhiều cũng không hết được. 

Hỏi: Chúng ta phải niệm toàn bộ Chú Lăng Nghiêm hay là năm đại tâm Chú này ? 

Ðáp: Chú Lăng Nghiêm là Chú rất dài, nhưng mỗi một câu Chú đều có diệu dụng và oai lực của nó. Nếu bạn biết diệu dụng và oai lực của nó, thì khi cảnh giới đến, có thể niệm mấy câu này là đủ. 

Nếu bạn niệm từ đầu đến đuôi thì thời gian phải dài. Năm đại tâm Chú này hay phá tan Ma La võng, phá chú thuật của Ma vương. La võng tức là chỉ phù và chú thuật khiến cho trong tâm của bạn mê mất chánh niệm. 

Như ở Nam Dương, Thái Lan đều có độc trùng, bùa ngải các thứ tà thuật. Nếu dùng năm đại tâm Chú này thì sẽ phá được. Như trong Kinh Lăng Nghiêm, ngoại đạo Ma Ðăng Già dùng chú Phạm thiên, cũng có sức lực không thể nghĩ bàn, đó là tà pháp, chú thuật thuộc về tự tư tự lợi, chẳng phải đại công vô tư, cho nên phá được nó. 

Nếu là đại công vô tư, không có chút tâm ích kỷ lợi mình thì chẳng ai phá được, vì thuộc về chánh. Lúc tôi ở tại Mã Lai thì có một người trúng cổ độc (vật độc làm hại người, những nơi mán mọi nó hay cho vào đồ ăn uống, người nào ăn phải thì sinh ra rồ dại mê man) khoảng mười lăm năm. 

Y luôn luôn muốn tự sát, thường nghe thấy có người nói chuyện, điên điên đảo đảo. Y đến tìm tôi, tôi dùng gậy đánh y thì y mửa ra hàng ngàn vô số côn trùng, rồi khỏi bệnh. Ðó là cổ độc. Tại sao dùng gậy đánh thì y hết bệnh. 

Vì trên cây gậy có rất nhiều oai lực của Chú. Phải có đức hạnh mới có thể chi phối thứ pháp này. Nếu bạn không có đức hạnh, tuy cũng có chút linh cảm, nhưng cuối cùng sẽ chiêu lại họa hoạn. 

Nếu giới luật không thanh tịnh, không có đức hạnh, thì thần hộ Chú sẽ không bội phục bạn. Tuy nhiên đương thời có cảm ứng, nhưng thời gian lâu dần, sẽ gặp tai họa. Do đó bất cứ tu pháp gì đều phải chú trọng về đức hạnh, chú trọng về đạo đức căn bản mới có thể xử dụng pháp này, mới có oai lực, mới an toàn. Không có đạo đức thì không nên dùng, bất cứ chú gì cũng thế. 

Năm đại tâm Chú này là trăm ngàn vạn kiếp mới gặp được, cũng có thể trăm ngàn vạn kiếp bạn đã gặp qua rồi, nhưng không thể biết rõ. 

Năm đại tâm Chú này là tôn quý nhất, là Chú hữu dụng nhất trong Phật giáo. Bất cứ là Chú của thiên ma, Chú của ngoại đạo, Chú của quỷ thần, Chú của yêu quái, Chú của bàng môn tả đạo đều phá hết được. Tức là Chú hay phá tất cả không thể phá. 

Chú phá thiên ma ngoại đạo chứ chẳng phải có tâm muốn đối địch với chúng, mà là giống như đánh thái cực quyền, dùng lực nhu phá giải lực cang. Bất cứ Chú gì, dùng tâm Chú này đều hóa giải được hết, nhưng đừng tổn hại đối với đối phương. 

Năm đại tâm Chú này, tại sao gọi là tâm Chú ? Tức là từ trong tâm từ bi chảy ra. 

Dùng Chú này phải dùng tâm từ bi hỷ xả, nhiếp thọ tất cả chúng sinh, chứ chẳng phải nói, tôi niệm Chú này là muốn đánh bạn chết, giết bạn hoặc là tiêu diệt bạn, mà là oai lực của Chú hóa giải hết Chú thuật khác cũng như băng đá gặp mặt trời, tự nhiên biến thành nước. 

Bổn lai Chú của bàng môn ngoại đạo đều vì tâm sân hận chi trì, bạn niệm Chú Lăng Nghiêm này thì sẽ hóa thành cát tường, diệu là diệu chỗ này. 

Chứ chẳng phải bạn niệm Chú này thì đối phương thế nào chịu cũng không được, mà là Chú Lăng Nghiêm phá giải hết oai lực của Chú khác, chứ không hại người. 

Oai lực của Chú là từ trong tâm của chư Phật, Bồ Tát và người tụng Chú chảy ra một thứ tâm từ bi cho nên hàng phục được tất cả thiên ma ngoại đạo. 


🔔 110. Bàn đà na. 

Kệ: 

Kiết giới thanh tịnh thắng đạo tràng 
Pháp hội trang nghiêm niệm Phật đường 
Tán thán thường chuyển vô thượng luân 
Chân đế lý thú phá hồng hoang. 

Tạm Dịch: 

Kiết giới thanh tịnh thắng đạo tràng 
Pháp hội trang nghiêm niệm Phật Ðường 
Khen ngợi thường chuyển pháp vô thượng 
Chân lý vi diệu phá hồng hoang. 

Giảng giải: 

Bàn Ðà Na tức là "kiết giới". 
Sao gọi là kiết giới ? Phàm là kiến lập đạo tràng, trước hết phải kiết giới. Vậy giới bên ngoài là đời ác năm trược, giới bên trong là đạo tràng thù thắng trang nghiêm thanh tịnh. 

Kiết giới có khi dùng Chú Ðại Bi, mặt hướng về tám phương, người chủ trì pháp hội dùng sức lực quán tưởng, quán tưởng xa bao nhiêu thì giới liền lớn bấy nhiêu. 

Người chủ trì nếu tâm lượng lớn, thì tận hư không biến pháp giới đều kiết giới ở trong đó; nếu tâm lượng nhỏ thì giới cũng nhỏ. 

Câu Bàn Ðà Na này tức là kiết giới. Kiết giới, giới quán tưởng xa bao nhiêu thì đắc được thanh tịnh xa bấy nhiêu. Cho nên nói: “Kiết giới thanh tịnh thắng đạo tràng”. Ðây là một đạo tràng thù thắng, đại chúng dụng công tu hành. 

“Pháp hội trang nghiêm niệm Phật Ðường”. Pháp hội thì không thể cẩu thả được. Tụng Kinh, trì Chú, lễ sám, lạy phật, giảng Kinh, thuyết pháp đều phải thận trọng mọi việc, tất cung tất kính, tơ hào không giải đãi không cẩu thả. 

Trong pháp hội phải quán tưởng chính mình đối trước Phật, đối trước trời, đối trước sư phụ, đối diện với tất cả tôn trưởng. Như thế thì không dám giải đãi lười biếng, làm qua loa cẩu thả, mà rất thành tâm tham gia pháp hội đạo tràng. 

Cho nên nói “Pháp hội trang nghiêm niệm Phật Ðường”. 

Niệm Phật Ðường không phải nhất định niệm Phật mới gọi là Niệm Phật Ðường, bạn thanh tịnh trang nghiêm thì là niệm Phật, tức là niệm Phật tại đó. 

“Khen ngợi thường chuyển pháp vô thượng”. Câu Chú này là là tán thán Phật chuyển pháp luân vô thượng. 

“Chân lý vi diệu phá hồng hoang”. Dùng chân đế lý thể thực tế chân thật nhất phá trừ tất cả vô minh phiền não. 

Hồng hoang như đồng với trời đất chưa khai phá. Phải khai thiên mở địa, tức cũng là nói phá vô minh, hiển lộ tự tính pháp thân huệ mạng.

Trích dẫn : Sách CHÚ LĂNG NGHIÊM KỆ VÀ GIẢNG NGHĨA (HT TUYÊN HOÁ - Thích Minh Định dịch )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét