Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2024

CHÚ LĂNG NGHIÊM - Ý NGHĨA CÂU 31-32



CHÚ LĂNG NGHIÊM SHURANGAMA MANTRA #chúlăngnghiêm #chulangnghiem #lăngnghiêm #kinhlăngnghiêm #shurangamamantra #shurangama #buddha

🔔 
31. Lô đà la gia. 

Kệ: 

Thiên thần quyến thuộc tự tại tiên 
Địa kỳ đẳng chúng hộ vệ tiền 
Hành giả nhất tâm tu chân đế 
Thường tuỳ bảo hữu vật sân tham. 

Tạm Dịch: 

Thiên thần quyến thuộc tự tại tiên 
Ðịa kỳ đẳng chúng đồng hộ vệ 
Hành giả nhất tâm tu chân đế 
Thiện thần gia bị chớ sân tham. 

Giảng giải: 

Câu này là nói về thân nhân quyến thuộc của Trời Ðại Tự Tại. 
“Thiên thần quyến thuộc tự tại tiên”. 

Ðịa kỳ là nói thần thổ địa, thổ địa công, thành hoàng và quyến thuộc, chúng bảo hộ người tu hành, người trì Chú. 
“Ðịa kỳ đẳng chúng đồng hộ vệ”. Nếu hành giả nhất tâm tu hành chân đế, nhất tâm trì Chú. 

“Hành giả nhất tâm tu chân đế”. Nếu bạn tu hành thì tám vạn bốn ngàn thiện thần hộ pháp, Kim Cang Tạng Bồ Tát thường theo bảo hộ bạn, người tu hành nên nhớ đừng sinh tâm sân hận, sinh tâm tham, nếu không thiện thần hộ pháp không bội phục bạn nữa, họ sẽ nói bạn vẫn còn tâm quá nóng giận, không tu hành, họ sẽ không vui. 
Nếu Bồ Tát Hộ pháp không vui thì tu hành không dễ gì, cho nên người trì Chú quan trọng nhất là đừng có tâm sân hận, tâm tham lam và tâm si mê. 

🔔 32. Ô ma bát đế. 

Kệ: 

Tối thắng mãnh tật đại phong thần 
Đảo xá bạt thụ thậm kinh nhân 
Tam thiên do cụ thử tai nạn 
Sân khuể cảm chiêu tự trầm luân. 

Tạm Dịch: 

Tối thắng dũng mãnh đại phong thần 
Nhà xập cây ngã rất kinh người 
Tam Thiền đều sợ tai nạn này 
Sân hận chiêu cảm tự trầm luân. 

Giảng giải: 

Câu này dịch là "tối thắng", "mãnh tật", là tên của vị phong thần (thần gió). 
Vị thần này khí lực rất lớn, thường thường muốn tranh thắng, rất mãnh liệt, làm việc rất nhanh. Gió có nhiều loại như gió mát, gió ấm, gió này chẳng hại người, lúc thái bình thịnh thế thì, khi thì mưa khi thì gió, thời tiết khí hậu điều hòa. 

Ô Ma Bát Ðế này là chủ thần gió, có thế lực rất lớn, ra oai rất là lợi hại, nhà cửa phòng ốc đều thổi ngã xập, cây cối trốc gốc, khí lực rất mãnh liệt, cho nên nói: 

“Tối thắng dũng mãnh đại phong thần”. 
Ai có nóng giận tức là thần gió này trợ giúp. 

Cho nên nói: “Nhà xập cây ngã rất kinh người”. 

Tôi còn nhớ trước đây hai năm, có một trận bão, làm ngã mấy cây cổ thụ ở Vạn Phật Thành. “Tam Thiền đều sợ tai nạn này”. Lửa thiêu đốt đến cõi trời Sơ Thiền, nước tràn ngập đến cõi trời Nhị Thiền, gió thổi tan cõi trời Tam Thiền. 

Cho nên có câu: 

“Lục dục chư thiên cụ ngũ suy, 
Tam Thiền thiên thượng hữu phong tai, 
Nhậm quân tu đáo Phi Phi Tưởng, 
Bất như Tây Phương quy khứ lai”. 

Cho nên tu hành đừng mong cầu sinh về cõi trời, vì khi hưởng hết phước báu cõi trời thì phải đọa lạc. Cõi trời lục dục có năm tướng suy hiện ra thì mạng trời đã hết, bèn sinh xuống nhân gian theo nghiệp thọ quả báo, tùy theo mình tạo nghiệp thiện, hoặc nghiệp ác mà thọ quả báo. 

Năm tướng suy là: 

1. Hoa trên đầu héo. Người trời đội cái mũ được làm bằng các loại hoa rất đẹp và trang nghiêm, hoa cũng không rớt, đợi đến khi thọ mạng hết thì hoa trên mũ liền rụng và khô héo, đây là một thứ tướng suy. 

2. Y phục dơ bẩn. Người trời mặc y phục không giống như y phục thế gian hay dơ bẩn, mỗi khi thay phải giặt. Y phục người trời mặc không cần giặt tự nhiên sạch sẽ, họ bất tất mua bột giặt, cũng bất tất mua máy giặt đồ. Người thế gian cho rằng mình có máy giặt đồ là quá tốt, chẳng biết đó vẫn là việc vô ích. Y trời vốn không cần phải giặt, tự nhiên sạch sẽ. Nhưng năm tướng suy hiện thì y phục dơ bẩn. 

3. Thân ra mồ hôi. Thân người trời vốn không ra mồ hôi, cho nên y phục cũng không hôi, nhưng năm tướng suy hiện thì trên thân ra mồ hôi. 

4. Thân có mùi hôi thối. Thân người trời thường có hương thơm, mùi hương thơm tự nhiên từ trong thân toả ra, chẳng phải thoa son đánh phấn sức nước hoa như người thế gian, nhưng khi năm tướng suy hiện thì bèn có mùi hôi thối. 

5. Tâm tán ý loạn, bất an. Người trời thường ngồi thiền nhập định, nhưng khi năm tướng suy hiện thì ngồi không yên, tâm ý tán loạn, không có định lực, cho nên đi đứng nằm ngồi đều bất an liền biết thọ mạng sắp hết. 

Nếu nghiệp thiện của họ thành thục thì đầu thai làm người giàu có, nếu nghiệp ác thành thục thì đầu thai làm ngạ quỷ hoặc súc sinh, hoặc đọa địa ngục, đều không nhất định. 

Cho nên làm người trời có những phiền não như thế. 

Khi nạn gió phát khởi thì chư thiên cõi Tam Thiền cũng hết số. Nạn gió này làm thế nào mà chiêu lại ? 

“Sân hận cảm chiêu tự trầm luân”. Vì làm người thì sự nóng giận quá lớn, tuy nhiên tu phước được sinh về cõi trời, nhưng phải thọ thứ quả báo nạn gió này. Gốc sân hận mà không đoạn trừ thì kết quả phải thọ quả báo đó.

Trích dẫn : Sách CHÚ LĂNG NGHIÊM KỆ VÀ GIẢNG NGHĨA (HT TUYÊN HOÁ - Thích Minh Định dịch )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét