Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2024

CHÚ LĂNG NGHIÊM - Ý NGHĨA CÂU 33-34


CHÚ LĂNG NGHIÊM SHURANGAMA MANTRA #chúlăngnghiêm #chulangnghiem #lăngnghiêm #kinhlăngnghiêm #shurangamamantra #shurangama #buddha

🔔 
33. Sa hê dạ gia. 

Kệ: 

Liệt hoả viêm viêm nhiệt nan đương 
Thử tai hiện thời thất thái dương 
Sơn khô hải can vô sinh vật 
Thành trụ hoại không nghiệp mang mang. 

Tạm Dịch: 

Lửa mạnh hừng hực chịu không thấu 
Tai này đồng hiện với bảy mặt trời 
Núi khô biển cạn không vật sống 
Thành trụ hoại không nghiệp mênh mông. 

Giảng giải: 

Sa Hê Dạ Gia là "thần lửa". 
Thứ thần lửa này rất nóng vô cùng. 
Vì nóng quá cho nên nói: “Lửa mạnh hừng hực chịu không thấu”. 
Rất lợi hại, nóng khiến người không chịu nổi. Nóng quá sẽ khiến người chết. 

Nạn lửa xuất hiện thì trên không trung có bảy mặt trời đồng thời cũng xuất hiện, thiêu hủy hết thảy sơn hà đại địa, biển cả cũng khô cạn, chẳng có vật gì còn sống sót lại. 

Lửa có thể thiêu đến cõi trời Sơ Thiền. Nhị Thiền và Tam Thiền cũng có tai nạn. 

Vậy trời Tứ Thiền có bảo đảm chăng ? Không. 
Cho nên nói: “Nếu tu được sinh về Trời Phi Phi Tưởng” còn bị đọa lạc trầm luân. “Bất như Tây Phương quy khứ lai”. 

Chẳng bằng đến Tây Phương thành Phật rồi nương thuyền từ bi trở lại giáo hóa chúng sinh. 
Tôi còn nhớ mười mấy năm về trước, tôi giảng về cõi Trời Tứ Thiền, có mấy người Mỹ hỏi: Trời "ngũ thiền" như thế nào ? 
Bạn xem, không hiểu Phật pháp rất buồn cười. “Thành trụ hoại không nghiệp mênh mông”. 

Một tăng một giảm là một kiếp, bây giờ là kiếp giảm. 
Kiếp tăng thì một trăm năm thọ mạng của con người tăng một tuổi, thân người cũng cao thêm một tấc, kiếp giảm thì một trăm năm thọ mạng con người giảm một tuổi, thân người giảm xuống một tấc. 
Kiếp giảm thì từ tám vạn bốn ngàn tuổi giảm xuống đến mười tuổi thì sau đó mới tăng, tăng đến tám vạn bốn ngàn tuổi. Một tăng và một giảm gọi là một kiếp. 

Một ngàn kiếp gọi là một tiểu kiếp, hai mươi tiểu kiếp thành một trung kiếp, bốn trung kiếp thành một đại kiếp. 
Con người sống trên thế gian mấy mươi năm, cũng giống như một sát na (thời gian rất ngắn) nhắm mắt mở mắt mà thôi. 

Trong một sát na chẳng có gì lưu luyến, đừng xem nghiêm trọng như thế. Thế giới thành có 20 tiểu kiếp, trụ có 20 tiểu kiếp, hoại có 20 tiểu kiếp, không có 20 tiểu kiếp. 

Thành trụ hoại không trải qua bốn trung kiếp, hợp lại là một đại kiếp. Trong thành trụ hoại không mỗi người tạo không biết bao nhiêu là biển nghiệp. 

Cho nên nói “nghiệp mênh mông” không có bờ mé. Mỗi người có nghiệp cảm khác nhau, mỗi người có tư tưởng khác nhau, do đó mỗi người tạo nghiệp cũng khác nhau, nếu nghiên cứu kỹ càng thì vô cùng vô tận, mênh mông như biển cả không có bờ mé. 

🔔 34. Nam mô bà già bà đế. 

Kệ: 

Quy mạng Thế Tôn Bạt Già Phạm 
Vô tận Pháp Bảo diệu trạm nhiên 
Thập phương hiền Thánh đồng tụ hội 
Nhất tâm đảnh lễ Thiên Trung Thiên. 

Tạm Dịch: 

Quy mạng Thế Tôn Bạt Già Phạm 
Vô tận Pháp bảo thường tịch nhiên 
Mười phương hiền Thánh cùng tụ hội 
Một lòng đảnh lễ Thiên Trung Thiên. 

Giảng giải: 

Bà Già có sáu ý nghĩa, bây giờ lược giảng như sau: 

1. Tự tại: Tức là không có vọng tưởng, có vọng tưởng thì không tự tại, tức là chạy đi, cho nên không tự tại, chạy đi đâu ? 
Bạn vọng tưởng cái gì thì chạy đến đó. Khởi vọng tưởng ăn thì chạy đến chỗ có đồ ăn. Khởi vọng tưởng mặc thì chạy đến tìm đồ mặc, cũng không tự tại. 
Cho nên nói: “Dấy niệm thì gì cũng có, Bặc niệm thì gì cũng không. 
Tâm ngừng niệm bặc giàu sang thật, Lòng dục dứt sạch thật giàu có”. Bạn chẳng còn ham muốn gì nữa, cũng chẳng hướng vào trong cầu, cũng chẳng hướng ra ngoài cầu, cầu mà chẳng được thì là khổ. 
Người có khổ thì đừng nói đến giàu sang, đều là người nghèo. 
Có tâm tham thì có khổ, không có tâm tham, đến chỗ vô cầu thì không có lo lắng gì, vô sở cầu thì chẳng còn tham nữa, chẳng còn u sầu nữa. Tham ăn ngon, chỗ ở tốt, ngủ nhiều, tham không được thì có phiền não. Không biết bạn có kinh nghiệm gì chăng ? 

Nếu trong tâm thúc dục thì trong miệng bèn khổ ghê lắm, giống như ăn lửa than, giống như bị lửa cháy. Dụng công cũng dụng chẳng tốt. 

“Tâm ngừng niệm bặc giàu sang thật - Lòng dục dứt sạch thật giàu có”. Nếu thật minh bạch hai câu này thì một đời dùng không hết, nói là nói như thế, chứ tâm tham thì không thể dừng lại, cho nên ưu sầu lo lắng đều có, lại sợ cái này, lại sợ cái kia, có sự sợ sệt thì không được chân chánh, đó đều là không tự tại. 
Phật vọng tưởng gì cũng chẳng có, tạp niệm gì cũng không sinh, cho nên tự tại nhất. 

2. Sí thạnh: Cũng giống như lửa sáng rực, có một thứ quang minh. Trí huệ qung minh này phá hết thảy ngu si đen tối. 
Nếu việc đến mà sáng suốt rõ ràng thì không bị sự việc làm mê tức là sí thạnh. 

3. Ðoan nghiêm: Ðoan là đoan chánh, chánh thì không lệch, ngồi thẳng ngay ngắn không ngã về trước, không dựa phía sau, không nghiêng bên trái, lệch bên phải. 

Nghiêm là luôn luôn không cẩu thả, không sơ xuất, không phóng dật, không tùy tùy tiện tiện, không phải kỷ luật không nghiêm, mà chính mình tha thứ cho chính mình. 

4. Danh xưng: Danh là danh dự, xưng là xưng tán. 

Danh xưng này chẳng phải cầu đến, chẳng phải mua danh chuộc tiếng khen, hoặc cố ý đối với người tốt, để người nói bạn tốt, mua được cái danh như thế thì không đúng, vậy người làm việc là một thứ phục vụ, chỉ hỏi lương tâm không hổ thẹn, mà đắc được danh dự mới là chân. 

Chẳng phải biểu diễn công phu cho người khác xem. Giúp đỡ kẻ khác phải vô sở cầu (không cầu gì hết), không cần kẻ khác cảm ơn bạn, nói với bạn một lời tốt, danh chân thật thì chẳng phải cầu đến, chẳng phải giả dạng tu hành để được tứ sự cúng dường ẩm thực, y phục, ngọa cụ, thuốc men. 

Dùng tâm giả dối để treo nhãn hiệu giả vào những gì có được thì đều là giả, những vật chất của cải đều là giả. 
Chân thật thì không cần như thế, chỉ cần hết lòng đi làm. Cho đến tạp niệm nhỏ như sợi tóc cũng chẳng có, tuyệt đối không mưu đồ hư danh thích giả tốt. 
Bạn ôm ấp giả tốt đến khi chết rồi thì vua Diêm Vương sẽ hỏi bạn ôm ấp cái gì đó. 

Lúc đó bạn mới biết là hư danh, giả tốt là vô dụng, chỉ là một tân khách mà thôi. Bạn có thật thì danh tự nhiên sẽ đến, nhưng cũng không thể tồn tại thứ tâm như vậy. Bất cứ người phê bình đánh giá mình như thế nào, mình vẫn cứ làm ngay thật thì kết quả những gì bạn được đều là chánh. 

5. Cát tường: Nghĩ muốn đắc được kiết tường, thì đừng có nóng giận. Phàm là người nóng giận, đều chẳng phải là chân cát tường, phải như Bồ Tát, luôn luôn từ bi vui vẻ, không nóng giận đó mới là cát tường. 

6. Tôn quý: Tôn quý tức là tất cả sự việc phải làm một cách chân thật, đừng làm những việc không có giá trị, không chân thật thì không có giá trị. Bạt Già Phạm đầy đủ sáu thứ ý nghĩa này. 

Sáu thứ ý nghĩa này đều rất bình thường, chứ không phải thần kỳ gì, nên hết lòng cung hành thực tiễn, đừng mang mặt nạ giả đi lường gạt người, đó là sáu nghĩa Bạt Già Phạm giải thích đơn giản rõ ràng. Bất cứ giảng giải Kinh điển gì, đều phải thực dụng, luôn thường dùng hàng ngày, đi đứng nằm ngồi đều dùng được. 

Sáu nghĩa này cũng là những công việc hành động mỗi ngày chúng ta đều dùng được, đừng thích những thứ cao xa, hoặc là nói được câu văn hay một chút thì cho rằng là tốt. 

Bất cứ Kinh điển hoặc nghĩa của Chú hiểu rõ thì phải thực hành, hoa mà không thật thì vô dụng. 

Câu thứ nhất “Quy mạng Thế Tôn Bạt Già Phạm”. Thế Tôn, Bạt Già Phạm đều là Phật, đây là Phật Bảo. 

“Vô tận pháp bảo thường tịch nhiên”. Ðây là quy y Pháp Bảo, pháp là thanh tịnh không có tự tính, chỉ là phương pháp, không có thể tính, bạn dùng nó thì sẽ hiểu, sẽ có trí huệ. 
Nếu không hiểu, không dùng nó thì ngu si. 

Trạm nhiên thường tịch là vắng lặng, chẳng phải có hình có tướng. 

“Thập phương hiền Thánh đồng tụ hội”. Ðây là Tăng Bảo. Hiền Thánh tức Tăng Bảo, mười phương đại đức cao Tăng, đồng tụ hội với nhau. 

“Nhất tâm đảnh lễ Thiên Trung Thiên”. 

Mười phương Tam Bảo đồng tụ hội với nhau vẫn phải lễ kính tất cả chư Phật, Phật là Thiên Trung Thiên.

Trích dẫn : Sách CHÚ LĂNG NGHIÊM KỆ VÀ GIẢNG NGHĨA (HT TUYÊN HOÁ - Thích Minh Định dịch )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét