Thứ Tư, 24 tháng 7, 2024

CHÚ LĂNG NGHIÊM - Ý NGHĨA CÂU 79-80


CHÚ LĂNG NGHIÊM SHURANGAMA MANTRA #chúlăngnghiêm #chulangnghiem #lăngnghiêm #kinhlăngnghiêm #shurangamamantra #shurangama #buddha

🔔 
79. A la ha đế. 

Kệ: 

Chí thành chí thành cánh chí thành 
Cung kính cung kính phục cung kính 
Phổ lễ ứng chân chúng vương tộc 
Cứu kính Cực Lạc liên hoa sinh. 

Tạm Dịch: 

Chí thành, chí thành lại chí thành 
Cung kính, cung kính lại cung kính 
Lễ khắp ứng chân chúng vương tộc 
Rốt ráo Cực Lạc hoa sen sinh. 

Giảng giải: 

“Chí thành, chí thành lại chí thành”. Phải chí thành, đừng có chút tâm cầu danh lợi giả dối nào xen vào, hoặc muốn cho người khác xem mình thành tâm ra sao, xem mình là thật tu hành. 

“Cung kính, cung kính lại cung kính - Lễ khắp ứng chân chúng vương tộc”. Ứng chân tức là hiện thân của Phật giáo hóa hết thảy chúng sinh, hoặc hiện thân vua, lễ khắp tất cả ứng chân vương tộc, lâu dần thì sẽ thành tựu. 

“Rốt ráo Cực Lạc hoa sen sinh”. 
Sẽ đắc được Cực Lạc cứu kính, sẽ hiện ra pháp thân bổn thể với Phật không hai không khác. 

Ðộ người cũng đừng dụng tâm thái quá, nếu muốn độ người không có niềm tin không phải dễ, sẽ gặp những người kỳ quái về tinh thần. 

Như Tôn Giả Bạc Câu La trong tiền kiếp phát nguyện độ mẹ của Ngài, khi Ngài sinh ra thì ngồi kiết già, mẹ của Ngài cho rằng sinh ra quái vật, liền muốn thiêu chết Ngài, nấu chết Ngài, nhận nước chết Ngài, nhưng làm cách nào cũng không chết, vì Ngài tiền kiếp giữ giới không sát sinh, được quả báo năm thứ không hại chết được. 


🔔 80. Tam miệu tam bồ đà gia. 

Kệ: 

Quy mạng Chánh Giác Phật Thế Tôn 
Tam Bảo từ bi đại oai thần 
Nhất thiết hiền Thánh giai cung kính 
Công viên đức mãn chứng trí thông. 

Tạm Dịch: 

Quy mạng Chánh Giác Phật Thế Tôn 
Tam Bảo từ bi đại oai thần 
Tất cả hiền Thánh đều cung kính 
Công đầy quả tròn chứng trí thông. 

Giảng giải: 

Câu Chú này vẫn "quy mạng tất cả Chánh Giác Phật Thế Tôn". 

Quy là tâm có chỗ trở về, có chỗ nương tựa. Mạng tức là mạng sống, đem mạng sống của chúng ta ký thác cho Phật Chánh Giác. Chánh Giác thì chẳng phải là tà giác. 

Tà giác cũng rất thông minh, có chút trí huệ, nhưng đi vào đường tà, đi vào con đường bàn môn tả đạo, tà tri tà kiến, hành vi bất chánh. Chúng ta quy y chánh giác Phật. 

Phật là do tự mình tu thành, chẳng phải hoàng đế xưng Ngài là Phật. 

Một số người vô tri thức, không hiểu Phật pháp, khoa trương nói tự mình đã thành Phật hoặc nói Ngọc Hoàng Ðại Ðế phong cho y là Phật, mà ý nghĩa Phật đều không hiểu, sao gọi là Phật ? 
Có những ngoại đạo công nhiên nói họ cũng là Phật, không sai, Phật rất nhiều, nhưng chẳng phải loại người đó có thể thành Phật. 

Loại người đó cho rằng Phật là nhờ người khác phong, đó đều là tà thuyết ngoại đạo. 
Phật là nửa chữ Phạn ngữ, đầy đủ gọi là Phật Ðà Gia vì người Tàu thích gọi tắt cho nên chỉ gọi một chữ Phật. 
Dịch là "giác giả", giác có ba loại là tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Giác tha tức là dùng những đạo lý mình đã hiểu, khiến cho kẻ khác cũng hiểu. 

Tự giác trong Nho giáo là minh minh đức, đem đức hạnh của mình hiện ra quang minh, minh mà lại minh, bổn hữu trí huệ quang minh lộ ra. Giác tha tức là dùng đức hạnh minh minh đức của mình giáo hóa kẻ khác, khiến cho họ cũng minh minh đức đạt đến mức chí thiện, đến chí thiện rồi tức là giác hạnh viên mãn. 

Cho nên Phật giáo và Nho giáo danh từ tuy không giống nhau, nhưng nghĩa lý là một, nhưng Nho giáo chỉ là lý luận mà không có chứng đắc. Phật giáo không những minh bạch nghĩa lý mà còn chứng đắc lý thể thực tế. 

Trí huệ chân thật chẳng phải là thiền ở đầu miệng, chẳng phải là một thứ lý luận. Nho giáo là diễn thuyết gia, giảng rất giỏi. 

Phật giáo là thực hành gia, cung hành thực tiễn, làm một cách chân thật, không chú trọng thiền ở đầu miệng. 

Ðây là chỗ khác nhau giữa Nho giáo và Phật giáo, trên thực tế quy nạp đạo lý lại với nhau thì là một. 

Tự giác tức là A La Hán khác với phàm phu. Phàm phu thì không giác, A La Hán là tự giác, tự mình minh bạch, nhưng chỉ mình minh bạch chứ không giáo hóa kẻ khác minh bạch. 
Nếu đem đạo lý này giáo hóa kẻ khác thì gọi là giác tha. 

Giác tha tức là Bồ Tát, Bồ Tát chính mình tốt rồi, hoan hỷ người khác cũng tốt, cho nên Bồ Tát không sợ phiền não, luôn luôn đi giáo hóa kẻ khác. Bồ Tát giáo hóa kẻ khác cũng có lúc viên mãn, cũng có lúc chưa được viên mãn. 

Giống như bạn muốn đi đến Nữu Uớc, bước thứ nhất bắt đầu là giác tha, đợi khi nào bạn đến Nữu Ước, đi hết con đường này thì là giác mãn. Giác cũng viên mãn, hạnh cũng viên mãn. 

Giác hạnh viên mãn thì thành Phật. Phật và hàng nhị thừa bất đồng, nhị thừa chỉ tự giác, mà không giác tha. Phật và Bồ Tát bất đồng. Bồ Tát chỉ giác tha mà chưa được giác mãn. 

Phật thì giác hạnh viên mãn, cho nên nói: “Quy mạng chánh giác Phật Thế Tôn”. Thế Tôn là tôn quý nhất trong thế gian. “Tam Bảo từ bi đại oai thần”. Phật Pháp Tăng gọi là Tam Bảo. 

Tam Bảo là tôn quý nhất trong thế gian. Muốn học Phật pháp thì trước phải hiểu Phật pháp, muốn hiểu Phật pháp thì phải quy y Tăng, pháp nhờ Tăng truyền cho nên phải quy y Tăng. 

Tam Bảo: Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo, công đức giống nhau, đều tôn quý giống nhau, cho nên chú Lăng Nghiêm bắt đầu là: “Nam Mô Tát Ðát Tha, Tô Già Ða Gia, A La Ha Ðế, Tam Miệu Tam Bồ Ðà Toả”. 

Ðây là quy mạng tận hư không biến pháp giới mười phương ba đời vô tận thường trụ Tam bảo Phật Pháp Tăng. 

Vì khi bạn xưng Phật Pháp Tăng Tam Bảo thì trong hư không khắp pháp giới quyến thuộc của Phật, quyến thuộc của ma, quyến thuộc của chư thiên, quyến thuộc của loài người đều một lòng cung kính phát tâm đại bồ đề. 

Do đó tín ngưỡng Tam Bảo nên nhớ đừng hủy báng Tam Bảo, hủy báng Tăng tức là hủy báng Phật, hủy báng Pháp tức là hủy báng Phật, tạo vô lượng vô biên tội nghiệp trong cửa Phật, thiện ác xen tạp, biết tin Phật là có căn lành, nhưng lại hủy báng Tăng liền trồng xuống nhân địa ngục, tuyệt đường bồ đề, mở cửa địa ngục. 

Người học Phật bất cứ thế nào, không thể tùy tiện hủy báng Tam Bảo. Tam Bảo từ bi, Phật bảo từ bi, Pháp bảo từ bi, Tăng bảo từ bi, hết thảy Thánh hiền không thấy lỗi lầm của chúng sinh, nhưng bạn tạo tội nghiệp thì chính bạn thọ quả báo, chứ không phải Tam Bảo trừng trị tội của bạn, kêu bạn thọ quả bào, mà là bạn ở trong Phật giáo cứ làm những việc thiện ác hỗn tạp, lại gieo nhân lành, lại trồng nhân ác, tại nhân địa không chân thật thì quả chiêu lại sẽ cong vạy, cho nên quả báo đến rất là thống khổ. 

Ðại oai thần là nói Tam bảo đều từ bi, có đại oai thần quay càn chuyển khôn, khởi tử hồi sinh, dời núi lấp biển. Có thể đem thế giới phương đông chuyển đến phương tây, đem thế giới phương tây chuyển đến phương đông. 

Chuyển thế giới phương nam đến phương bắc, thế giới phương bắc chuyển đến phương nam, có thể hổ tương di chuyển các thế giới nhiều như số hạt bụi, bất quá người trong quả địa cầu này giống như con kiến trên một chiếc thuyền lớn, chẳng biết thuyền đi đến đâu. Kiến ngồi trên thuyền trong biển phiêu lưu, chẳng biết đến nơi nào. 

Con người ở trong hư không cũng như con kiến ở trên thuyền. 

Quả địa cầu của chúng ta tựa như chiếc thuyền ở trong hư không, trôi lại trôi đi, chúng ta gì cũng đều không biết. Bạn nói hiện tại khoa học nghiên cứu gì cũng đều biết được, tốt ! Tôi hỏi bạn có biết ăn bao nhiêu hạt gạo chăng ? 

Có biết lông mi trên mắt có bao nhiêu sợi chăng ? 
Có bao nhiêu sợi tóc ? 
Có bao nhiêu lỗ chân lông ? 

Nếu bạn nói biết, thì biết cũng là một thứ đại khái ước lượng mà thôi. Ðại oai thần lực là không thể nghĩ bàn. 

Cho nên người học Phật thấy tất cả hiền Thánh đều cung kính, trồng phước trước cửa Tam Bảo, tu phước cầu phước. 

“Công tròn phước đầy chứng trí thân”. 
Công thì phải lập, lập công chẳng phải nói bạn nên làm thì đi làm, không nên làm thì không làm, bất cứ việc thiện gì đều phải tận lực đi làm mới là công, lập công lập nhiều rồi thì thành đức, công đầy đức tròn, công cũng không thiếu không thừa, đức cũng được tối viên mãn thì sẽ chứng được thân trí huệ, hiển lộ đại quang minh tạng, đắc được thân trí huệ, tất cả đều là trí huệ, tất cả đều là quang minh.

Trích dẫn : Sách CHÚ LĂNG NGHIÊM KỆ VÀ GIẢNG NGHĨA (HT TUYÊN HOÁ - Thích Minh Định dịch )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét