Thứ Năm, 18 tháng 7, 2024

CHÚ LĂNG NGHIÊM - Ý NGHĨA CÂU 27-28



CHÚ LĂNG NGHIÊM SHURANGAMA MANTRA #chúlăngnghiêm #chulangnghiem #lăngnghiêm #kinhlăngnghiêm #shurangamamantra #shurangama #buddha

🔔 
27. Sa ha sa la ma tha nẩm. 

Kệ: Tam thiên đại thiên chư thiên tiên 
Nhẫn nhục tinh tấn tu đạo kiền 
Nhược Thánh nhược phàm giai quy kính 
Cống cao ngã mạn tận trừ dật. 

Tạm Dịch: 

Ba ngàn đại thiên các thiên tiên 
Nhẫn nhục tinh tấn rất kiền thành 
Hoặc Thánh hay phàm kính hết thảy 
Cống cao ngã mạn trừ khử sạch. 

Giảng giải: 

Sa Ha Sa La dịch là "đại thiên nhẫn giới", tức là tam thiên đại thiên thế giới kham nhẫn này. 

“Ba ngàn đại thiên các thiên tiên”. Tất cả chư thiên tiên trong tam thiên đại thiên thế giới đều bao quát trong đó. 

“Nhẫn nhục tinh tấn rất kiền thành”. Trong quá khứ họ tu thì tu nhẫn nhục, tinh tấn, tu đạo rất kiền thành. Chư thiên cũng có Thánh nhân, cũng có phàm phu, chúng ta đối với họ đều phải cung kính, tại sao ? 

“Cống cao ngã mạn trừ khử sạch”. Tu đạo việc cần nhất là đừng cống cao ngã mạn, mà phải tự hạ mình xuống. 
Thái độ cống cao ngã mạn nhất định phải trừ, cho nên chúng ta tuy nhiên là người xuất gia, làm sư biểu trời người, tốt nhất đừng tồn tại tâm cống cao ngã mạn, phải trừ sạch, một khi có tâm cống cao ngã mạn thì không dễ tu hành. 

28. Nam mô bạt la ha ma ni. 

Kệ: 

Ly cấu thanh tịnh đại Phạm Thiên 
Oai đức lẫm lẫm thậm trang nghiêm 
Bà La Môn giáo vi tông chủ 
Thiểu dục tri túc tự an nhiên. 

Tạm Dịch: 

Lìa dơ thanh tịnh Ðại Phạm Thiên 
Oai đức lẫm liệt rất trang nghiêm 
Làm tông chủ Bà La Môn giáo 
Ít dục biết đủ tự an nhiên. 

Giảng giải: 

Câu này là "quy kính đảnh lễ Ðại Phạm Thiên Vương và Ðại Phạm Thiên chúng". 

Ðại Phạm Thiên chúng dịch là "hảo ly cấu". Lìa khỏi tất cả nhiễm ô, tu phạm hạnh thanh tịnh. 

“Lìa dơ thanh tịnh Ðại Phạm Thiên”. Vì họ tu trì phạm hạnh thanh tịnh, giữ giới luật cho nên có oai đức lẫm liệt, rất trang nghiêm tự tại. 

“Làm tông chủ Bà La Môn giáo”. Bà La Môn giáo tôn Ðại phạm thiên vương là giáo chủ của họ. 

“Ít dục biết đủ tự an nhiên”. Họ luôn luôn thiểu dục tri túc, chẳng tham gì, cũng không cầu gì, cho nên tri túc thường lạc, họ đều luôn luôn khoái lạc, không có phiền não. 

Chú Lăng Nghiêm bắt đầu từ câu thứ nhất “Nam Mô Tát Ðát Tha Tô Già Ða Gia” đến “Nam Mô Nhân Ðà La Gia” có 29 câu. 
Hai mươi chín câu này, chúng ta người tu đạo phải quy mạng đảnh lễ hết thảy chư Phật, Bồ Tát, A La Hán, Thánh hiền, thiên, tiên .v.v. 

Hai mươi chín câu Chú này một khi niệm ra thì sẽ xuất hiện một cảnh giới, có thể nói cảnh giới này vốn là thật, cũng có thể nói là huyễn. Tại sao ? 
Vì tất cả thiên ma ngoại đạo nhìn cảnh giới này thì là thật, người tu đạo thì tự mình biết. 
Ðây đều là do thần lực của Chú sở hiện mà không phải chính mình, là sức lực của tam muội, là sức lực của Chú. 

Cho nên cũng có thể nói là huyễn, tụng trì hai mươi chín câu Chú này thì sẽ hiện ra cảnh giới như sau: Hành giả hiện một thứ thân pháp, bốn mặt tám phương có rất nhiều, rất nhiều hoa sen đỏ đến ủng hộ người trì Chú này, cho nên nói: “Ngàn đóa sen đỏ hộ người trì”. 

Nếu bạn đầy đủ tâm thành thì nhiều hơn nữa không chỉ ngàn đóa thôi. “Ngồi cỡi con kỳ lân đen” lúc này chỗ ngồi không phải là máy bay, không phải là xe lửa, cũng không phải là xe buýt mà là con kỳ lân, vì có oai đức tướng hiện ra, cho nên yêu ma quỷ quái thấy thì phải chạy xa. 

Vào thời nhà Tống, Tế Ðiên tức là Tế Công hòa thượng thường thường dùng đoạn Chú này để hàng phục thiên ma khống chế các ngoại đạo rất linh nghiệm cảm ứng. 
Do đó chúng ta học Chú Lăng Nghiêm phải biết sự diệu dụng của Chú, đoạn Chú Lăng Nghiêm này là pháp khuất phục, khi bạn tụng Chú này thì bàn môn tả đạo ma quỷ tà thần đều không dám tác quái, đều lão thực.

Trích dẫn : Sách CHÚ LĂNG NGHIÊM KỆ VÀ GIẢNG NGHĨA (HT TUYÊN HOÁ - Thích Minh Định dịch )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét