Thứ Năm, 25 tháng 7, 2024

CHÚ LĂNG NGHIÊM - Ý NGHĨA CÂU 115-116



CHÚ LĂNG NGHIÊM SHURANGAMA MANTRA
 #chúlăngnghiêm #chulangnghiem #lăngnghiêm #kinhlăngnghiêm #shurangamamantra #shurangama #buddha

🔔 
115. Bát na nễ. 

Kệ: 

Trí huệ đệ nhất Xá Lợi Phất 
Biện tài vô ngại triển hồng đồ 
Thử thị Bát Nhã đáo bỉ ngạn 
Chúng trung thượng thủ chứng chân như.

Tạm Dịch: 

Trí huệ bậc nhất Xá Lợi Phất 
Biện tài vô ngại triển hồng đồ 
Ðây là Bát Nhã đến bờ kia 
Thượng thủ trong chúng chứng chân như. 

Giảng giải: 

Bát Na Nễ tức là "trí huệ", tức cũng là "Bát Nhã". Vậy sao lại nói “Bát Na Nễ”?. Ðây là Chú. 
Ý nghĩa của Chú phần đông không thể hiểu, mà quỷ thần nghe thì hiểu liền, bèn tuân theo mạng lệnh của Chú mà hành sự. 

Cho nên Chú tức là chú nguyện. Chú nguyện tức là ta nguyện như thế nào thì đều tùy tâm mãn nguyện. Câu Bát Na Nễ với câu dưới Phạt La Ni đọc với nhau. 

Hai câu này niệm với nhau thì khiến cho con người khai mở đại trí huệ. Ðắc được đại trí huệ, thì sẽ đắc được đại biện tài, đắc được đại biện tài, thì sẽ đắc được đại thọ mạng, đắc được đại thọ mạng, thì sẽ đắc được đại an lạc. 

Ðây đều là có mối quan hệ tương quan. 

“Trí huệ bậc nhất Xá Lợi Phất”. Trong hàng A La Hán, Ngài Xá Lợi Phất là trí huệ bậc nhất. Vì Ngài trong quá khứ tu pháp môn Bát Nhã. Xá Lợi Phất là tên, dịch là "Thu Lộ Tử". Thu Lộ là tên loài chim. 

Vì mẹ của Ngài tên là Xá Lợi. Phất tức là con, Ngài là một người con của Xá Lợi. Lúc Ngài ở trong bụng mẹ thì biện luận với cậu của Ngài. Người cậu luôn luôn biện luận đều thua, biết là trong bụng của người chị mình có người con trí huệ, khiến cho chị mình thông minh hơn. 

Do đó cậu của Ngài đi học nghị luận của ngoại đạo, bất quá trở về biện luận vẫn không hơn được mẹ của Ngài. 

“Biện tài vô ngại triển hồng đồ”. Ngài có đại trí huệ, lại có đại biện tài. Triển hồng đồ là phát triển hoài bảo và hy vọng của Ngài. Là gì ? Tức là khiến Phật giáo phát dương quang đại, trợ giúp Phật hoằng dương chánh pháp. 

“Ðây là Bát Nhã đến bờ kia”. Tại sao Ngài có đại trí huệ ? Vì trong quá khứ tu trí huệ Bát Nhã cho nên đắc được quả báo. Bát Nhã là pháp môn đến bờ kia. 

“Thượng thủ trong chúng chứng chân như”. Ngài là người trí huệ đệ nhất trong hàng A La Hán, thượng thủ trí huệ. 
Ngài chứng đắc lý thể chân như, có đại trí huệ chân chánh, biện tài vô ngại, đủ loại thần thông biến hóa. 

Do đó muốn tu hành, muốn có trí huệ chân chánh thì phải tu pháp môn Bát Nhã. 


🔔 116. Phạt la ni. 

Kệ: 

Trí huệ ngu si vô nhị tướng 
Bồ Tát ngoại đạo bổn nhất như 
Phàm phu phân biệt chủng chủng pháp 
Học giả liễu ngộ ly ngôn thuyết. 

Tạm Dịch: 

Trí huệ ngu si chẳng hai tướng 
Bồ Tát ngoại đạo vốn là một 
Phàm phu phân biệt đủ thứ pháp 
Người giác tỏ ngộ lìa ngôn ngữ. 

Giảng giải: 

Trí huệ phải khai mở mới có, không khai mở chứ chẳng phải không có, v à không biết xử dụng. 

Giống như máy điện toán, điện toán ví dụ cho trí huệ, nếu bạn không học qua máy điện toán thì không thể xử dụng nó, đó là ngu si. Nếu học qua rồi, dùng được thì là trí huệ. 

Cho nên trí huệ và ngu si là hai danh từ, mà gốc vốn là một. Bạn dùng được tức là trí huệ, không dùng được tức là ngu si. Máy điện toán là ví dụ tốt nhất. 

Cũng giống như ăn cơm, bạn không ăn thì đói, ăn rồi thì no. Trí huệ và ngu si cũng là một dạng, xử dụng được thì trí huệ, không xử dụng được thì ngu si, cho nên nói:”Trí huệ ngu si chẳng hai tướng”. 

Trí huệ và ngu si chẳng hai dạng, tựa như trở bàn tay, trở qua là trí huệ, trở lại là ngu si. Bạn không biết dùng tay thì không thể cầm, nắm đồ vật, dùng được thì cầm đồ vật. 

Ðây là ví dụ ngu si và trí huệ. Vốn chẳng có hai, chỉ là danh từ, nhưng danh từ làm cho con người bị mê hoặc. Có người chấp trước trí huệ, có người thì mê nơi ngu si. 

Mê tức là ngu si, ngộ tức là trí huệ, mê ngộ đều là một. Có người nói như vậy thì không đúng, mê ngộ sao là một ? Mê thì không minh bạch, ngộ thì minh bạch. 

Thực ra minh bạch và không minh bạch đều chẳng phải hai thứ, cho nên nói trí huệ và ngu si chẳng hai dạng. 

“Bồ Tát, ngoại đạo vốn là một”. Bồ Tát là muốn tu hành Bồ Tát đạo lợi ích kẻ khác, ngoại đạo cũng muốn đi trên con đường chánh. 
Thiên Chúa Giáo và Gia Tô Giáo đều nhận rằng giáo của mình không sai, có thể sinh về nước Chúa. 

Vì trí huệ của họ chỉ nhiều như thế, chỉ biết có nước Chúa, không biết có những thế giới còn diệu hơn nước Chúa, trí lực của họ không đạt đến được, đây là vấn đề trình độ. Học sinh tiểu học, không thể so sánh với học sinh đại học, cũng không thể so sánh với học sinh trung học. 

Về phương diện khác là vấn đề nghiệp. Quá khứ nghiệp tạo ra khiến họ chỉ hiểu được nhiều như thế thôi. 

Cứu kính họ đều muốn khai ngộ, bất quá có ngộ sớm và ngộ trễ, mê ngộ có chậm trễ mà thôi. Tu Bồ Tát đạo thì đắc được giác ngộ sớm một chút. Tu pháp ngoại đạo thì chậm một chút. 

Nhanh chậm chỉ là vấn đề thời gian, chứ chẳng phải có tốt và không tốt, kết quả đều là đắc quả bồ đề. Cho nên: “Về nguồn chẳng hai lối, Phương tiện có nhiều cửa”. 

Không thể nói người khác không tốt, chỉ có mình đúng, đừng có thứ biên kiến như thế. 

“Phàm phu phân biệt đủ thứ pháp”. Phàm phu chấp trước dính mắc tại cảnh giới, không việc tìm việc làm, đầu lại thêm đầu. Giống như con khỉ cầm vật bên đông, lại chạy qua cầm vật khác bên tây. 

Cầm lên bỏ xuống, bỏ xuống rồi lại cầm lên. Căn bản thì chẳng cần mà nó muốn làm như thế. Cho nên nói: “Phân biệt danh tướng không biết dừng”. Phân biệt danh tướng không biết dừng lại. 

Cho nên “Vào biển đếm cát tự nhọc mình”. Cũng giống như đếm trong biển có bao nhiêu hạt cát, cứu kính có bao nhiêu hạt, bạn đếm được chăng? Bây giờ có máy điện toán, dù tinh vi đến đâu cũng đành bó tay. 

“Người giác tỏ ngộ lìa ngôn ngữ”. Khi giác ngộ rồi thì sẽ minh bạch, lìa tướng ngôn ngữ, lìa tâm duyên tướng, quét tất cả pháp, lìa tất cả tướng, mới biết phân biệt danh tướng là dư thừa. 

Nếu minh bạch tất cả pháp bổn lai là như thế thì còn gì để nói ?

Trích dẫn : Sách CHÚ LĂNG NGHIÊM KỆ VÀ GIẢNG NGHĨA (HT TUYÊN HOÁ - Thích Minh Định dịch )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét